TRANG CHUYÊN ĐỀ
Fatima và Phép Thánh Thể
Các tín hữu có lòng sùng kính Mẹ Maria thường phải đối mặt với những lời chỉ trích là qua sự sùng kính Mẹ Maria của họ, họ đã vô tình hay hữu ý hạ thấp và làm phai nhạt lòng tôn thờ Phép Thánh Thể, trọng tâm mọi sự thờ kính trong Giáo Hội. Nhưng dựa trên nền tảng và mục đích sự tôn sùng Mẹ Maria, thì sự chỉ trích này hoàn toàn không có cơ sở.
Tuy nhiên, người ta cũng không nên quên rằng, trong mỗi sự chống đối hay phê bình chỉ trích đều chứa đựng ít nhiều sự thật. Vì thế, để biết được việc sùng kính Mẹ Maria của chúng ta có đúng chỗ hay không, hay nói cách khác, liệu việc sùng kính Mẹ Maria có làm lu mờ và phai nhạt lòng tôn sùng Phép thánh Thể nơi chúng ta hay không, thì chúng ta cần chân thành tự vấn mình là liệu lòng sùng kính Mẹ Maria có giúp chúng ta tiến gần Chúa Giêsu hơn không? Trong điểm này, có lẽ chúng ta cần ý thức được đầy đủ hơn những gì Đức Thánh Cha Piô XI đã viết cho Đức Hồng Y Capotosi năm 1930, khi ngài đề cử Đức Hồng Y làm sứ thần đại diện ngài chủ tọa Đại Hội Thánh Thể tại Loreto: “Bởi vậy, quả là cả một sự khởi đầu đầy hạnh phúc và hy vọng, khi sự tôn sùng Mẹ Maria luôn luôn được liên kết chặt chẽ với lòng tôn thờ Bí tích Mình Thánh Thánh Chúa.”
Điều đó muốn khẳng định rằng, toàn diện sự sùng kính Mẹ Maria chỉ trung thực và chân chính khi được biểu lộ qua sự sùng kính Phép Thánh Thể. Vì thế, những ai mang hoa nến đến dâng lên bàn thờ kính Mẹ Maria mà lại xa lạ với Bàn Tiệc Thánh Thể, thì hoàn toàn chưa hiểu được bản chất sâu thẳm nhất của sự sùng kính Mẹ Maria cũng như nỗi niềm khao khát tha thiết của chính Mẹ Maria.
Nhưng đối với sứ điệp Fatima, đâu là mối tương quan giữa sứ điệp Fatima và Phép Thánh Thể? Ở đây, chúng ta có thể quả quyết rằng, trên khắp thế giới không có một trung tâm hành hương Đức Mẹ nào lại được liên kết một cách hết sức chặt chẽ với Phép Thánh Thể như ở Fatima. Ngay trong sự sửa soạn một năm trước đó cho biến cố Đức Mẹ hiện ra với ba trẻ chăn chiên, đã hoàn toàn được gắn liền với Phép Thánh Thể.
Thật vậy, vào năm 1916, thánh Thiên Thần đã hiện ra ít là ba lần với ba trẻ thị nhân để xin các em cầu nguyện và hy sinh đền tội. Trong lần hiện ra thứ ba với các em, thánh Thiên Thần đã cầm một chén thánh trong tay và các em nhìn thấy tấm Bánh Thánh đứng lơ lửng trên miệng chén thánh. Và từ tấm Bánh Thánh trắng tinh các em nhìn thấy từng giọt Máu Thánh nhỏ xuống chiếc chén thánh. Bỗng chốc thánh Thiên Thần bỏ chén thánh ra khỏi tay và chiếc chén thánh đứng lơ lửng một cách lạ lùng trong khoảng không. Đoạn thánh Thiên Thần quỳ gối xuống bên cạnh các em và thờ lạy Phép Thánh Thể và lặp đi lặp lại ba lần lời nguyện: “Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi cực thánh, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, con khiêm tốn sấp mình thờ lạy Chúa và dâng lên Chúa Mình và Máu rất châu báu, linh hồn và thiên tính của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con, đang luôn hiện diện trong các Nhà Tạm trên khắp thế giới để đền bù cho tất cả mọi sỉ nhục mà thiên hạ hằng xúc phạm đến chính Người. Nhờ công nghiệp vô cùng của Trái Tim cực thánh Người và nhờ Trái Tim vẹn sạch Mẹ Maria, con khẩn cầu Chúa ban cho các kẻ có tội ơn ăn năn hối cải.“ Đoạn thánh Thiên Thần đứng dậy, cầm Mình Thánh Chúa và cho Lucia rước lễ. Tiếp đến, thánh Thiên Thần trao chén thánh cho Giaxinta và Phanxicô rước Máu Thánh Chúa và nói: “Các em hãy nhận lấy Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã bị xúc phạm một cách khủng khiếp bởi những kẻ vong ơn bội nghĩa. Các em hãy đền bù phạt tạ cho tội lỗi của họ và an ủi Chúa.“ Và sau đó, thánh Thiên Thần lại quỳ gối một lần nữa và lặp lại ba lần lời nguyện như ngài đã làm trên: “Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi cực thánh…“ và rồi biến đi.
Tất cả các điều đó muốn khẳng định rằng, qua thị kiến trên người ta không thể phủ nhận được sự thật này là: Mục đích của tất cả mọi lần Đức Mẹ hiện ra được biểu lộ một cách quá tỏ tường, đó là nhờ Mình và Máu Thánh rất châu báu Chúa Giêsu Kitô mà đền bù phạt tạ Thiên Chúa Ba Ngôi vì mọi tội lỗi của nhân loại.
Nhưng sứ điệp Fatima không chỉ được sửa soạn một cách huyền nhiệm bằng chứng tích hướng về Phép Thánh Thể như thế, mà cả thời hậu những biến cố Đức Mẹ hiện ra còn được liên kết chặt chẽ với Bí tích Mình và Máu Thánh Chúa. Thật vậy, chính nhà thờ nơi Đức Mẹ hiện ra được xây dâng kính Mẹ Maria với tước hiệu “Đức Bà Bí Tích Cực Thánh“. Năm 1921, Thánh bộ Lễ Nghi đã ấn định hằng năm Lễ này được cử hành vào ngày 13 tháng 5. Và sự ấn định này không nhất thiết là nhằm kỷ niệm lần hiện ra thứ nhất của Đức Mẹ tại Fatima, và vì thế là một sự trùng hợp thật đáng ghi nhận. Phải chăng qua đó người ta nhận ra được sự an bài của Trời Cao là với những lần hiện ra của ngài, Mẹ Maria chỉ muốn đưa dẫn chúng ta tới cùng Chúa Giêsu, nhất là Chúa Giêsu Thánh Thể?
Dĩ nhiên, không chỉ vì do việc cử hành Lễ đặc biệt này mới giúp các tín hữu ý thức được sự tôn thờ Phép Thánh Thể, nhưng cũng như tại Lộ Đức và các trung tâm hành hương kính Đức Mẹ trên khắp thế giới, tại Fatima người ta cũng lấy sự tôn sùng Phép Thánh Thể làm trọng tâm: ngày đêm Mình Thánh Chúa được long trọng đặt trên bàn thờ để các khách hành hương tới chầu, đặc biệt nhất là vào ngày 13 mỗi tháng. Ngay cả giữa đêm, trong Vương Cung Thánh Đường chan hòa ánh sáng, Mình Thánh được trưng bày trên bàn thờ chính giữa rừng hoa nến rực rỡ và các tín hữu vẫn kiên trì thay nhau canh thức qùy gối chầu và cầu nguyện trước Mình Thánh Chúa. Và trong các thánh lễ mỗi buổi sáng, ai có thể đếm được hết hàng ngàn hàng vạn tín hữu sốt sắng đi lên rước Mình Thánh Chúa?
Nói tắt, Đức Kitô là trọng tâm của sứ điệp Fatima. Vâng, sự sùng kính Phép Thánh Thể là tâm điểm của mọi sinh hoạt phụng vụ ở Fatima: Mình Thánh Chúa được trưng bày ngày đêm liên tục trên bàn thờ để hàng trăm hàng ngàn các tín hữu khắp nơi trên thế giới tuôn kéo đến tỏ lòng sùng kính, phạt tạ và khẩn cầu cùng Chúa Giêsu Thánh Thể. Trên danh nghĩa, người ta vẫn tự nhủ là đi hành hương Đức Mẹ khi người ta trên đường tiến về Fatima. Nhưng khi tới Fatima, người ta lại say sưa và sốt sắng chầu Mình Thánh Chúa hàng giờ đang được trưng bày trên bàn thờ. Đây chính là dấu chỉ minh chứng sự chân chính và xác thực của biến cố Đức Mẹ hiện ra, vì Chúa Giêsu là trọng tâm của mọi sự thờ kính tại đây, chứ không phải Mẹ Maria. Mẹ Maria chỉ là người dẫn đường cho ta tìm gặp được Chúa Giêsu, Con Mẹ: Per Mariam ad Jesum: Nhờ Mẹ Maria đến cùng Chúa Giêsu, Đấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và nhân loại, chỉ trong Người chúng ta mới tìm được ơn cứu rỗi cho chính mình, cho nhân loại và cho cả thế giới.
Lm Nguyễn Hữu Thy (kinhmungmaria.com)
THÁNH ĐA MINH (1170 – 1221)
Đấng sáng lập Kinh Mân Côi
Thánh Đa Minh, Đấng sáng lập Dòng Anh Em Giảng Thuyết, sinh tại Caleruega, Tây Ban Nha. Thân mẫu ngài, chân phước Gioanna Aza, trong khi mang thai ngài, đã thấy thị kiến một chú chó, miệng ngậm bó đuốc chạy đi soi sáng khắp thế giới. Hình ảnh đó đã trở thành điềm tiên báo. Năm 1216, Thánh Đa Minh đã sáng lập những “người anh em Đa Minh” và nhanh chóng được biết đến với danh hiệu những “con chó của Thiên Chúa”. Thánh Đa Minh, một nhà giảng thuyết danh tiếng về chân lý Kitô giáo, đã tập hợp “những con chó của Thiên Chúa” để làm thành nên một nhóm những nhà giảng thuyết lưu động được đào tạo bài bản. Sứ vụ của các ngài là nhằm tìm ra lạc giáo và đưa những con chiên lạc trong đàn chiên của Chúa trở lại đồng cỏ xanh tươi. Nhờ tài giảng thuyết, Thánh Đa Minh đã cứu được rất nhiều linh hồn khỏi những sai lầm của lạc giáo Albigensian. Ngài qua đời năm 51 tuổi, tại Bologna, Italia.
Lòng sùng kính Đức Maria
Thánh Đa Minh được xem là vị thánh của Đức Maria. Ngài thường rong ruổi khắp các thị trấn, làng mạc để rao giảng Tin Mừng, cất cao lời ca khen Mẹ qua việc truyền bá Thánh Thi và xướng lên bài Ave Maris Stella “Kính chào, Ngôi sao biển”. Những sử gia đầu tiên về Thánh Đa Minh đã thuật lại rằng: ngài thường xuyên đón nhận những thị kiến về Đức Maria và nhiệt thành cao rao về Mẹ. Trong một thị kiến đặc biệt, chính Chúa Giêsu đã cho Thánh Đa Minh biết là những tu sĩ của ngài được đặt dưới quyền bảo trợ của Đức Trinh Nữ. Theo truyền thống Dòng Đa Minh, phần chính yếu của tu phục Dòng được cho là do Đức Mẹ phú ban. Lòng sùng kính Đức Maria nơi Thánh Đa Minh được nhìn nhận như nền tảng chính yếu cho các tu sĩ Giảng Thuyết nương náu. Tình yêu của ngài với Đức Trinh Nữ được chứng minh bằng một dấu chỉ cụ thể: đó là Hiến pháp của Dòng yêu cầu tất cả các thành viên phải tuyên khấn tuân phục cả Thiên Chúa và Đức Maria.
Trong buổi tiếp kiến chung vào ngày 03/02/2010, Đức giáo hoàng Bênêdictô XVI đã tóm tắt những nhân tố chính yếu làm cho đời sống và hoạt động tông đồ của Thánh Đa Minh trổ sinh hoa trái. Đồng thời, ngài cũng khẳng định lòng sùng kính Đức Maria đóng một vai trò hết sức cao quý đối với Thánh Đa Minh. Đức giáo hoàng nói: “Lòng sùng kính Đức Maria là nguồn mạch đầu tiên, nhờ đó, thánh nhân có thể nuôi dưỡng và để lại một gia sản quý báu cho những người con tinh thần của ngài. Trong dòng chảy lịch sử của Giáo Hội, họ là những người góp công lớn qua việc truyền bá Kinh Mân Côi, một phương thức cầu nguyện quen thuộc với Kitô hữu, nhưng rất giàu giá trị Tin Mừng: một trường học đức tin và lòng mộ mến thực sự.”
Chiến sĩ Kinh Mân Côi
Theo truyền thống của Dòng, Thánh Đa Minh đã sáng lập Kinh Mân Côi vào năm 1208. Sau khi đã dồn bao tâm huyết để cảm hóa những tâm hồn sai lạc do phái Albigensian, Thánh Đa Minh đã lui về một khu rừng gần Prouille, nước Pháp, để nài xin Thiên Chúa hướng dẫn. Đây chính là nơi Đức Trinh Nữ đã trao phó Kinh Mân Côi cho Thánh Đa Minh. Khi đó, Mẹ chỉ cho thánh nhân biết năng lực và cách thức thực hành lời kinh này. Đồng thời, Mẹ cũng làm cho Thánh Đa Minh trở thành cha của một hình thức rao giảng và cầu nguyện mới. Với thanh kiếm thiêng liêng của Kinh Mân Côi trong tay, lối giảng thuyết mới mẻ của thánh nhân đã tạo nên một sự công phá mạnh mẽ trước bè rối Albigensian và thu phục rất nhiều người quay trở lại Giáo Hội.
Khi chỉ dẫn cho Thánh Đa Minh về Kinh Mân Côi, Nữ Vương Thiên Quốc đã cho ngài biết: Chuỗi Mân Côi phải được nhìn nhận như một khí giới chống lại lạc giáo. Với ý tưởng đó, Thánh Đa Minh đã sáng lập Dòng Anh Em Giảng Thuyết. Các ngài được biết đến như là “những chú chó của Thiên Chúa” và tu sĩ Dòng Mân Côi. Theo thời gian, tràng hạt Mân Côi được chính thức công nhận như một phần của tu phục Đa Minh, và được đeo bên trái như một dấu tượng trưng cho thanh gươm luôn sẵn sàng được rút ra và lao vào cuộc chiến tâm linh. Những câu truyện về năng lực cũng như tầm ảnh hưởng của Kinh Mân Côi trong cuộc đời Thánh Đa Minh được thành viên dòng ba là thánh Louis de Montfort ghi lại trong tác phẩm “Bí mật Kinh Mân Côi”.
Thánh Đa Minh cũng được xem là đấng sáng lập Hội Mân Côi. Với lòng nhiệt tâm rao giảng Chân lý và cứu độ các linh hồn, Thánh Đa Minh đã thành lập hội kinh này để củng cố và truyền bá Kinh Mân Côi đến toàn thế giới. Thế nhưng như Kinh Mân Côi, phong trào này ban đầu cũng xuất hiện với danh xưng khác nhau. Vì vậy, Hội Mân Côi được nhiều giáo hoàng xác nhận rằng từ nguyên thuỷ hội cầu nguyện này được Thánh Đa Minh thành lập. Rất có thể, Hội Mân Côi được bắt đầu trong Nhà thờ thánh Sixtô ở Rôma năm 1216 và được chính Thánh Đa Minh truyền bá đến các quốc gia khác như Tây Ban Nha và Pháp.
Donald H. Calloway, MIC
(Trích “Những chiến sĩ Kinh Mân Côi”)
CHUỖI NGỌC MÂN CÔI
Đa Minh, con có biết rằng con đã thu hoạch được ít hoa trái do công lao vất vả của con hay không; con đã gieo trên đất khô cằn, chưa được tưới nước sương ân sủng từ trời. Khi Thiên Chúa muốn làm mới lại bộ mặt trái đất, Ngài bắt đầu cho mưa phì nhiêu đổ xuống trên trái đất là Lời Chào Thiên Thần. Vì thế, con hãy rao giảng Thánh Vịnh của Mẹ.
Đức Mẹ nói với Thánh Đa Minh
Nhờ công trạng của Đức Trinh Nữ Maria và nhờ lời chuyển cầu của Thánh Đa Minh, đã từng là nhà giảng thuyết lỗi lạc của Hội Mân Côi, mà toàn thế giới này được bảo toàn.
Giáo hoàng Alexander VI
Bè rối Albigensian đã làm náo loạn một vùng nước Pháp. Chúng đã che mắt nhiều giáo dân đến nỗi họ kịch liệt đả phá các linh mục và hàng giáo sỹ. Thánh Đa Minh ngước mắt lên trời và hướng về Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa. Thánh nhân đã sáng lập một phương thức dễ dàng và phù hợp với mọi người. Đó chính là Kinh Mân Côi hoặc Thánh Vịnh của Đức Trinh Nữ Maria diễm phúc. Lời kinh này bao gồm việc tôn kính Đức Maria qua việc đọc 150 Lời Chào Sứ Thần, tương tự với 150 Thánh Vịnh của vua Đavít, xen vào mỗi chục bằng Kinh Lạy Cha, đồng thời suy ngẫm về những mầu nhiệm trong cuộc đời của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Sau khi thiết lập Kinh Mân Côi, Thánh Đa Minh và con cái ngài đã truyền bá hình thức cầu nguyện này ra toàn Giáo Hội.
Tôi tớ Chúa Giáo hoàng Benedicto XIII
Nhận ra tính chất nghiêm trọng của tội lỗi đang ngăn cản cuộc hoán cải của những người theo bè rối Albigensian, Thánh Đa Minh đã lui về một khu rừng gần Toulouse. Nơi đây, ngài đã cầu nguyện liên tục 3 ngày 3 đêm. Trong suốt thời gian đó, thánh nhân không làm gì khác ngoài việc than khóc và sám hối không ngừng để xoa dịu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa. Ngài thực hành khổ chế nhiều đến nỗi thân hình đầy thương tích, cuối cùng ngài cảm thấy như kiệt lực. Chính khi đó, Đức Mẹ xuất hiện cùng với 3 thiên thần tháp tùng và Mẹ nói: “Con yêu dấu, con có biết vũ khí mà Ba Ngôi Chí Thánh muốn dùng để canh tân thế giới là gì không? Thánh Đa Minh trả lời: “Ôi Mẹ, Mẹ biết điều ấy rõ hơn, bởi lẽ Mẹ luôn gần kề Đức Giêsu Kitô, Con Mẹ, Mẹ luôn luôn là khí cụ chính yếu đem ơn cứu độ đến cho chúng con.” Sau đó, Đức Mẹ đáp: “Mẹ muốn con biết rằng, đối với cuộc chiến này, vũ khí chiến đấu luôn luôn phải là Thánh Vịnh Thiên Thần (Kinh Kính Mừng), lời kinh này là đá tảng của Tân Ước. Vì thế, nếu con muốn đụng chạm đến những tâm hồn chai đá và mang họ trở lại với Thiên Chúa, con hãy rao truyền Thánh Vịnh của Mẹ.”
Thánh Louis de Montfort