SUY NIỆM MẦU NHIỆM MÂN CÔI
NHỮNG MẦU NHIỆM MÙA THƯƠNG
“Các sách Tin Mừng dành cho các mầu nhiệm thương khó của Đức Kitô một tầm quan trọng rất lớn. Ngay từ đầu, lòng đạo đức Kitô giáo, nhất là việc đạo đức mùa Chay là đi đàng Thánh Giá, đã tập trung chú ý đến những khoảnh khắc riêng của cuộc Thương khó, vì hiểu rằng nơi đây là chóp đỉnh của lòng thương yêu của Thiên Chúa và nguồn mạch của ơn cứu độ chúng ta. Kinh Mân Côi chọn lấy một số khoảnh khắc trong cuộc Thương khó, mời người tín hữu chiêm ngắm các mầu nhiệm ấy trong lòng và sống các mầu nhiệm ấy nữa” (ĐGH Gioan Phaolô II, Tông thư Kinh Mân Côi Đức Trinh Nữ Maria, 22).
Mầu nhiệm thứ nhất:
Chúa Giêsu hấp hối trong vườn Cây Dầu
“Chuỗi suy niệm bắt đầu từ vườn Ghêtsêmani, nơi Đức Kitô cảm nghiệm một khoảnh khắc hết sức âu lo xao xuyến đối với thánh ý Chúa Cha, trước sự yếu đuối của xác phàm muốn cám dỗ cưỡng lại. Lúc ấy, Đức Giêsu ở giữa mọi cơn cám dỗ và đương đầu với mọi tội lỗi của nhân loại, để Người phải thưa với Chúa Cha: ‘Không phải ý con nhưng là ý Cha được thể hiện’ (Lc 22,42 và song song). Lời thưa ‘Vâng’ của Đức Kitô đảo ngược lời nói ‘Không’ của tổ tiên chúng ta hồi ở trong vườn Eđen” (ĐGH Gioan Phaolô II, Tông thư Kinh Mân Côi Đức Trinh Nữ Maria 22).
1. Lời Chúa
“Lòng xao xuyến bồi hồi, Ðức Chúa Giêsu càng khẩn thiết cầu xin. Và mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất.” (Lc 22,24).
2. Suy niệm
Trong những lúc thử thách, duy lời cầu nguyện mới có sức mang lại sự an ủi cho chúng ta.
3. Quyết tâm
Tỉnh thức và cầu nguyện: “Các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ. Tinh thần thì nhanh nhẹn, nhưng xác thịt thì yếu đuối” (Mt 26,41).
4. Cầu nguyện
Ôi lạy Mẹ Maria, xin dạy chúng con biết can đảm ở gần bên Chúa Giêsu trong giờ xao xuyến, để lặp lại với Người rằng: Lạy Cha, xin cho ý Cha được thể hiện!
Mầu nhiệm thứ hai:
Chúa Giêsu chịu đánh đòn
“Với việc chịu đánh đòn, đội mạo gai, vác Thánh Giá và chết trên Thánh Giá, Chúa bị đẩy vào nỗi đau thương khốn khổ nhất: Ecce homo!” (ĐGH Gioan Phaolô II, Tông thư Kinh Mân Côi Đức Trinh Nữ Maria, 22).
1. Lời Chúa
“Bây giờ ông Philatô truyền đem Ðức Giêsu đi và đánh đòn Người.”(Ga 19,1).
2. Suy niệm
Ai là những người đánh đập Chúa Giêsu? Đó là những người xúc phạm đến bí tích Thánh Thể. Đó là những người xúc phạm đến Thân thể mầu nhiệm của Chúa là Hội Thánh bằng các gương xấu. Đó là những người xúc phạm đến thân thể của mình là đền thờ của Chúa Thánh Thần bằng tội dâm dục.
3. Quyết tâm
Giữ lòng trong sạch và thống hối. “Tôi đến không phải để kêu gọi những người công chính, nhưng những người tội lỗi” (Mt 9,13).
4. Cầu nguyện
Ôi lạy Mẹ Maria, xin cho chúng con được chữa lành khỏi tội lỗi nhờ những thương tích của Chúa Giêsu, con của Mẹ và anh của chúng con.
Mầu nhiệm thứ ba:
Chúa Giêsu đội vòng triều thiên bằng gai
“Nỗi đau thương khốn khổ của Đức Giêsu không chỉ bộc lộ cho thấy lòng yêu thương của Thiên Chúa nhưng còn cho thấy ý nghĩa của chính con người. Ecce homo: ý nghĩa, nguồn gốc và sự thành tựu của con người là được đặt nền tảng ở nơi Đức Kitô, vị Thiên Chúa vì yêu thương đã hạ mình ‘cho đến nỗi chết và chết trên thập giá’.” (Pl 2,8) (ĐGH Gioan Phaolô II, Tông thư Kinh Mân Côi Đức Trinh Nữ Maria, 22).
1. Lời Chúa
“Bọn lính kết một vòng gai làm vuơng miện, đặt lên đầu Người, và khoác cho Người một áo choàng đỏ, rồi vả vào mặt Nguời.” (Ga 19,2-3).
2. Suy niệm
Chúa Giêsu bị chế nhạo vì Người là Vua. Còn phần chúng ta, chúng ta hãy nhìn nhận chủ quyền của Người bằng cách vâng phục ý muốn của Chúa, bằng lòng trung thành với Hội Thánh, và bằng quyết tâm xây dựng Nước Chúa nhờ những hoạt động tông đồ.
3. Quyết tâm
Chấp nhận hạ mình xuống. “Ai trong các con muốn làm lớn thì hãy trở nên kẻ phục vụ; ai muốn đứng đầu thì hãy trở nên đầy tớ của mọi người. Thực vậy, Con Người không đến để được phục vụ nhưng là để phục vụ và trao ban mạng sống của mình để cứu muôn người” (Mc 10,43-45).
4. Cầu nguyện
Ôi lạy Mẹ Maria, xin dạy chúng con được hiền lành khiêm nhường, giống như đức Vua của chúng con.
Mầu nhiệm thứ bốn:
Chúa Giêsu vác thánh giá lên núi Calvê
“Khi đi theo Đức Giêsu trên đường tiến lên đồi Calvê, con người học biết ý nghĩa của khổ đau mang lại ơn cứu độ” (ĐGH Gioan Phaolô II, Tông thư Kinh Mân Côi Đức Trinh Nữ Maria, 25).
1. Lời Chúa
“Họ điệu Ðức Giêsu đi. Chính Người vác lấy thập giá đi ra, đến nơi gọi là Cái Sọ, tiếng Hípri là Gôngôtha.” (Ga 19,17).
2. Suy niệm
Mỗi người có thập giá riêng của mình. Chúng ta hãy vác thập giá, không phải cách miễn cưỡng như ông Simon Cirênê, nhưng với lòng nhẫn nại và yêu mến giống như Chúa Giêsu.
3. Quyết tâm
Vác thập giá: “Ai không vác thập giá của mình và bước đi theo Ta thì không thể trở thành môn đệ của Ta” (Lc 14,27).
4. Cầu nguyện
Ôi lạy Mẹ Maria, xin dạy chúng con biết vác thập giá hằng ngày của mình với lòng nhẫn nại và yêu mến.
Mầu nhiệm thứ năm:
Chúa Giêsu chết trên Thánh Giá
“Mầu nhiệm này giúp cho người tín hữu diễn lại cái chết của Đức Giêsu, đứng dưới chân Thánh Giá cùng với Đức Maria, cùng với Đức Mẹ đi vào tận vực thẳm của tình yêu Thiên Chúa dành cho con người và cảm nghiệm tất cả quyền năng ban sức tái sinh bởi tình yêu ấy” (ĐGH Gioan Phaolô II, Tông thư Kinh Mân Côi Đức Trinh Nữ Maria, 21).
1. Lời Chúa
“Họ đóng đinh Người vào thập giá, đồng thời cũng đóng đinh hai người khác nữa, mỗi người một bên, còn Ðức Giêsu thì ở giữa.” (Ga 19,18).
2. Suy niệm
Từ trên Thánh Giá, Chúa Giêsu đã trao ban cho chúng ta những hồng ân như sau :
– Ơn tha thứ: “Hôm nay, bạn sẽ ở trong nước thiên đàng với Tôi” (Lc 23,43).
– Người Mẹ: “Này đây là mẹ của con” (Ga 19,27).
– Toàn thân của mình: “Mọi việc đã hoàn tất” (Ga 19,30).
3. Quyết tâm
Bắt chước Chúa Giêsu, chúng ta hãy biết trao ban mình: “Không ai có tình yêu nào cao cả cho bằng kẻ ban mạng sống của mình cho người bạn hữu” (Ga 15,13).
4. Cầu nguyện
Ôi lạy Mẹ Maria, xin ở kề bên chúng con trong lúc thử thách, và xin giúp đỡ chúng con trong giờ lâm tử.