- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Nội San Kinh Mân Côi Số Tháng 01-2014

CỨ LÀM THEO

NỘI SAN KINH MÂN CÔI

SỐ THÁNG 01/2014

MẸ MARIA

NƯ VƯƠNG HÒA BÌNH

Mục Lục

THƯ CỦA ĐẶC TRÁCH

 

Hoà bình luôn là khát vọng của con người. Kể từ khi tổ tông loài người sa ngã phạm tội, sự dữ đi vào thế giới. Sự dữ làm cho con người mất đi mối tương quan hài hoà với Thiên Chúa, với thiên nhiên, với anh chị em đồng loại và với chính bản thân mình.

Ngày nay, con người đang sống trong một thời đại đầy bất an, chiến tranh có nguy cơ xảy ra bất cứ lúc nào. Cầu nguyện cho thế giới được hoà bình là một lời mời gọi khẩn thiết. Mỗi người tín hữu, qua Kinh Mân Côi, khẩn xin Thiên Chúa ban hoà bình xuống cho nhân loại, nhờ sự bầu cử của Mẹ Maria, Nữ Vương Hoà Bình: “Không có gì thích hợp và có giá trị cho chúng ta hơn là có những lời cầu nguyện của tất cả gia đình Kitô giáo dâng lên Mẹ Thiên Chúa, là Đấng được kêu cầu như là Nữ Vương Hoà Bình, kêu xin Mẹ đổ xuống thật nhiều phúc lành từ lòng hiền mẫu của Mẹ giữa lúc đầy gian khổ và thử thách này” (Đức Phaolô VI, Christi Matri {15/09/1966}, số 8).

Mẹ Maria là Mẹ của Chúa Giêsu, mà Chúa Giêsu là Vua Hòa Bình. Xin Mẹ là Nữ Vương Hòa Bình, xin Chúa Giêsu ban bình an đích thực cho chúng con.

Đặc trách

Linh mục FX. Trần Kim Ngọc, OP.


01/01/2014                                                     Thứ Tư

MẸ THIÊN CHÚA                                           Lc 2,16-21

Bà Maria hằng suy đi
và gẫm lại những sự ấy trong lòng
(Lc 2,19).

Như Mẹ: Từ lúc đáp lại thánh ý Thiên Chúa bằng hai tiếng “xin vâng”, Mẹ Maria đã thông phần vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Đối với Mẹ, tất cả những gì xảy ra với Mẹ, hay nơi Chúa Giêsu đều là một mầu nhiệm theo ý Thiên Chúa. Dù chưa hiểu những điều đó, Mẹ vẫn giữ tất cả trong lòng với một niềm phó thác và luôn vững lòng cậy trông vào Chúa.

Với Mẹ: Lạy Chúa, xin cho chúng con biết bắt chước Mẹ về đời sống tin yêu và tín thác. Chúng con phải học để biết sống ý thức sự hiện diện của Chúa và theo thánh ý Chúa trong mọi biến cố của cuộc đời chúng con.

Nhờ Mẹ: Xin Mẹ giúp chúng con biết đặt trọn niềm tin vào Chúa và siêng năng suy đi gẫm lại lời Chúa trong mọi biến cố.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu chịu đánh đòn. Ta hãy xin cho được hãm mình chịu khó lằng lòng.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).

 

02/01/2014                                                   Thứ Năm

Thánh Basilio Cả                                          Ga 1,19-28

Người sẽ đến sau tôi
và tôi không đáng cởi quai dép cho Người”
(Ga 1,27).

Như Mẹ: Gioan đã trả lời cho những người hỏi mình là ai trước Đấng Cứu Thế. Ông đã khiêm tốn đi trong sự thật chứ không ảo tưởng về mình. Biết Chúa, biết mình, biết tha nhân là một ơn chúng ta cần phải cầu xin và dám sống trong sự thật.

Với Mẹ: Lạy Chúa, chúng con thường không muốn nhận sự hèn kém của mình, nên thường cố sức thổi phồng mình trong kiêu căng ảo tưởng. Vì sợ thua kém người khác nên chúng con lại tìm cách hạ bệ tha nhân. Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết chấp nhận sự yếu kém của mình, để chỉ cậy trông vào sức mạnh của Chúa.

Nhờ Mẹ: Xin Mẹ giúp chúng con biết sống theo sự thật, biết nhận ra hồng ân Chúa ban nơi mình và tha nhân để tôn vinh Thiên Chúa.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu chịu đội mão gai. Ta hãy xin cho được chịu mọi sự sỉ nhục bằng lòng.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


03/01/2014                                                    Thứ Sáu

Thánh Danh Chúa Giêsu                            Ga 1,29-34

“Đây là Chiên Thiên Chúa(Ga 1,29b).

Như Mẹ: Vì yêu Thiên Chúa Cha và thương nhân loại đang đắm chìm trong tội lỗi, Chúa Giêsu đã tự nguyện hiến dâng mạng sống mình như con chiên chịu sát tế. Chúa đã đón nhận cái chết nhục nhã trên Thập Giá, nhưng Người lại phục sinh vinh hiển để đem hạnh phúc vĩnh cửu cho nhân loại.

Với Mẹ: Lạy Chúa, trước tình yêu cao cả của Chúa, nhân loại tội lỗi chúng con chỉ xin cúi đầu cảm tạ cùng xin cố gắng đáp trả trong sự yếu đuối và bất toàn của mình. Dù có những lúc chúng con quên ơn Chúa nhưng xin cho chúng con được giữ mãi một niềm tín thác vào lòng thương xót Chúa.

Nhờ Mẹ: Xin Mẹ dạy chúng con biết đón nhận và đáp trả tình yêu Chúa bằng sự cương quyết sống theo điều Chúa dạy.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu vác cây Thánh giá. Ta hãy xin cho được vác Thánh giá theo chân Chúa.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


04/01/2014                                                    Thứ Bảy

                                                                         Ga 1,35-42

Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia(Ga 1,40).

Như Mẹ: Hai môn đệ của ông Gioan đã đi theo Đức Giêsu qua lời giới thiệu của ông. Lòng khao khát của con người đã gặp được tình yêu của Chúa Cứu Thế. Sự gặp gỡ này không dừng lại ở tính cách cá nhân mà còn mang tính cách cộng đoàn: muốn chia sẻ, giới thiệu với những người khác Chúa Giêsu là nguồn ơn cứu độ đích thực.

Với Mẹ: Lạy Chúa, để làm chứng cho Chúa, giới thiệu Chúa cho tha nhân thì chúng con phải có kinh nghiệm gặp gỡ Chúa thực sự. Chúng con phải dành thời giờ cầu nguyện riêng tư với Chúa, chăm chỉ đọc và gẫm suy Lời Chúa. Xin Chúa giúp chúng con trung thành thực hiện điều quyết tâm này hằng ngày.

Nhờ Mẹ: Xin Mẹ giúp con biết giới thiệu Chúa cho tha nhân bằng cuộc sống của con.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu chịu chết trên cây Thánh giá. Ta hãy xin đóng đinh tính xác thịt vào Thánh giá Chúa.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


05/01/2014                                                  Chúa Nhật

CHÚA HIỂN LINH                                          Mt 2,1-12

Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người
bên phương Đông
(Mt 2,2b).

Như Mẹ: Nhờ ánh sáng của ngôi sao, các đạo sĩ đã tìm được Hài Nhi. Nhờ khao khát và lòng yêu mến, họ đã ra đi tìm gặp thấy Đấng Cứu Thế. Ngày hôm nay, Con Chúa vẫn đang hiển linh, Người không ngừng lên tiếng mời gọi chúng ta đến gặp Người qua vạn vật, qua tha nhân mà chúng ta gặp gỡ và qua từng biến cố mà chúng ta đang chứng kiến trong cuộc sống.

Với Mẹ: Lạy Chúa, xin ban cho chúng con ơn đức tin để nhìn ra Chúa luôn hiện diện trong cuộc sống. Xin ban cho chúng con lòng khao khát gặp gỡ Chúa như các nhà đạo sĩ xưa, để chúng con vượt thắng những cản trở mà tìm được Chúa và lòng chúng con tràn niềm vui.

Nhờ Mẹ: Xin Mẹ giúp con vượt qua mọi rào cản miễn sao gặp được Thiên Chúa là niềm vui thoả của lòng con.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu sống lại. Ta hãy xin cho được sống lại thật về phần linh hồn.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


06/01/2014                                                    Thứ Hai

                                                                   Mt 4,12-17.23-25

Anh em hãy sám hối
vì Nước Trời đã đến gần
(Mt 4,17).

Như Mẹ: Chúa Giêsu đến trần gian để dạy cho chúng ta con đường vào Nước Trời. Để vào được Nước Trời, con người cần nhận ra tình trạng tội lỗi của mình, biết sám hối và trông cậy vào lòng thương xót và ơn tha thứ của Thiên Chúa.

Với Mẹ: Lạy Chúa, lời kêu gọi ăn năn, sám hối của Chúa Giêsu vẫn không ngừng vang lên trong tâm hồn chúng con. Nhưng vì quá lo toan công việc trần thế mà chúng con không nghe được, hay có nghe được thì chúng con cũng không mấy quan tâm. Xin Chúa giúp chúng con can đảm đoạn tuyệt với tội lỗi để mau quay về với Chúa, đón nhận Nước Trời.

Nhờ Mẹ: Xin Mẹ giúp chúng con biết sám hối và tìm đến bí tích Hoà Giải để được đón nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu lên trời. Ta hãy xin cho được ái mộ những sự trên trời.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


07/01/2014                                                     Thứ Ba

Thánh Râymunđô                                        Mc 6,34-44

Ai nấy đều được ăn no nê” (Mc 6,42).

Như Mẹ: Nhìn thấy đám đông mệt lả vì say mê nghe giảng, Chúa Giêsu chạnh lòng thương họ, nên đã hoá bánh ra nhiều để nuôi sống họ. Hình ảnh này giúp chúng ta nghĩ tới bữa ăn Thánh Thể mà hằng ngày chúng ta được tham dự, linh hồn chúng ta được nuôi dưỡng hằng ngày. Lòng từ bi nhân hậu của Chúa dư đầy để chúng ta luôn được no thoả.

Với Mẹ: Cảm tạ Chúa đã thương ban cho chúng con của ăn thiêng liêng hằng ngày là Mình và Máu thánh Chúa. Xin Chúa tha thứ cho những lần chúng con đã rước Chúa cách bất xứng, hoặc hờ hững.

Nhờ Mẹ: Xin Mẹ giúp chúng con luôn biết sống tâm tình cảm tạ Chúa về lương thực mỗi ngày chúng con được đón nhận. Xin cho chúng con biết đón nhận Chúa cách sốt mến.

Trong Mẹ: Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống. Ta hãy xin cho được lòng đầy dẫy mọi ơn Đức Chúa Thánh Thần.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


08/01/2014                                                     Thứ Tư

                                                                         Mc 6,45-52

“Chính Thầy đây, đừng sợ” (Mc 6,50).

Như Mẹ: Giữa những hiểm nguy, các môn đệ sợ hãi và lo lắng đến mức tưởng Chúa Giêsu là ma. Chính lúc niềm tin của các ông bị chao đảo thì Chúa đã đến thật nhẹ nhàng, bình an để củng cố niềm tin các ông: “Chính Thầy đây, đừng sợ!” Giữa biết bao sóng gió thử thách của cuộc đời, liệu rằng đức tin nhỏ bé của chúng ta có giúp chúng ta luôn tín thác vào sức mạnh và tình yêu của Chúa?

Với Mẹ: Lạy Chúa, khi chúng con đau buồn, sợ hãi và hiểm nguy, những lúc đó xin Chúa hiện diện nâng đỡ chúng con. Và trong những lúc khó khăn đó, xin cho chúng con vững tin rằng Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng con, mà đang đồng hành với chúng con.

Nhờ Mẹ: Xin Mẹ giúp con biết chạy đến cùng Chúa khi gặp cám dỗ và thử thách.

Trong Mẹ: Đức Chúa Trời cho Đức Bà lên trời. Ta hãy xin cho được ơn chết lành trong tay Đức Mẹ.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


09/01/2014                                                   Thứ Năm

                                                                         Lc 4,14-22a

Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh
quí vị vừa nghe
(Lc 4,21).

Như Mẹ: Trở về quê, Chúa Giêsu muốn rao giảng, muốn loan báo cho mọi người biết rằng kế hoạch cứu độ của Chúa đang được thực hiện nơi Người. Sự khôn ngoan và tài giảng dạy cùng lòng nhân hậu của Chúa đã khiến nhiều người phải thán phục và tin theo.

Với Mẹ: Lạy Chúa, tất cả đều đã nằm trong kế hoạch của Chúa, xin cho chúng con biết mở lòng nhận ra ý Chúa, để rồi cộng tác vào chương trình của Chúa cách mau mắn. Dù cho khó khăn thử thách vây bủa xung quanh, xin cho chúng con biết kiên vững trong mọi nghịch cảnh.

Nhờ Mẹ: Lạy Mẹ Maria, Mẹ thật có phúc vì đã tin. Xin thương nâng đỡ đức tin yếu kém của chúng con.

Trong Mẹ: Đức Chúa Trời thưởng Đức Mẹ trên trời. Ta hãy xin Đức Mẹ phù hộ cho ta được thưởng cùng Đức Mẹ trên nước Thiên đàng.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


10/01/2014                                                    Thứ Sáu

                                                                          Lc 5,12-16

“Lập tức bệnh phong biến khỏi anh” (Lc 5,13).

Như Mẹ: Sau những tháng ngày sống trong sự xa lánh của mọi người, một mình chống chọi với những đau đớn cùng tủi nhục, hôm nay người thanh niên bị phong hủi được Chúa Giêsu chữa lành bệnh, anh được trở về với cuộc sống. Chính Chúa đã đến và trả cho anh phẩm giá của một con người thực sự. Mọi sự đều có thể được với những ai có lòng tin!

Với Mẹ: Tình yêu của Chúa luôn trào tràn, Chúa không bao giờ để cho điều gì xảy đến mà không sinh ích cho chúng con. Chỉ cần chúng con ý thức được sự yếu kém và tội lỗi của mình, biết chạy đến kêu cầu Người, Người sẽ không bao giờ ngoảnh mặt làm ngơ.

Nhờ Mẹ: Mẹ ơi, xin giúp con biết đặt trọn cuộc đời mình nơi Chúa cùng luôn tín thác vào Chúa trước mọi hoàn cảnh cuộc sống.

Trong Mẹ: Thiên Thần truyền tin cho Đức Bà chịu thai. Ta hãy xin cho được ở khiêm nhường.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


11/01/2014                                                    Thứ Bảy

                                                                         Ga 3,22-30

Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Ga 3,30).

Như Mẹ: Ý thức được vai trò là tiền hô cho Đấng Cứu Thế, Gioan đã không ngần ngại hạ mình xuống đến mức tận cùng trước sự xuất hiện của Chúa Giêsu, Đấng mà ông đang loan báo: “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại”. Sự khiêm nhường này là một bài học lớn cho chúng ta, dạy chúng ta ý thức về vai trò và sự cấp bách của việc rao giảng Tin Mừng cho mọi người.

Với Mẹ: Lạy Chúa, tất cả mọi việc chúng con làm, mọi lời chúng con nói đều có thể đem Chúa đến với mọi người. Xin cho chúng con luôn biết khiêm tốn đón nhận thánh ý và mau mắn đáp lại lời mời gọi làm môn đệ Chúa Giêsu giữa lòng thế giới này.

Nhờ Mẹ: Xin Mẹ giúp chúng con luôn sống với Chúa trong tâm tình tín thác trọn vẹn.

Trong Mẹ: Đức Bà đi viếng Bà thánh Isave. Ta hãy xin cho được lòng yêu người.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


12/01/2014                                                  Chúa Nhật

CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA                  Mt 3,13-17

“Đây là con Ta yêu dấu (Mt 3,17).

Như Mẹ: Đấng Cứu Thế hôm nay đã hòa chung với dòng người tội lỗi đến xin Gioan làm phép rửa. Ngôi Hai Thiên Chúa cao cả dường nào, nhưng Người đã hạ mình xuống trước mặt con người tội lỗi. Vì yêu Chúa Cha và thương con cái trần gian đang đắm chìm trong đau khổ và sự chết, Chúa Giêsu đã chu toàn thánh Ý Cha cách trọn vẹn, Người xứng đáng được Chúa Cha tuyên xưng: “Đây là con Ta yêu dấu”.

Với Mẹ: Lạy Chúa, tình yêu của Chúa dành cho chúng con luôn đầy và sẵn sàng bao phủ lấy toàn bộ tâm hồn và thân xác chúng con. Chúa đã chết để chúng con được sống. Xin cho chúng con luôn biết đón nhận hồng ân cao cả này để sống xứng đáng là con cái Chúa.

Nhờ Mẹ: Xin Mẹ che chở chúng con trước những cám dỗ khiến chúng con xa Chúa. Xin dạy chúng con sống xứng đáng vai trò làm con.

Trong Mẹ: Đức Bà sinh Đức Chúa Giêsu nơi hang đá. Ta hãy xin cho được lòng khó khăn.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


13/01/2014                                                    Thứ Hai

Tuần I TN – Năm A                                        Mc 1,14-20

Các anh hãy theo tôi” (Mc 1,17).

Như Mẹ: Bài Tin Mừng hôm nay là một lời mời gọi, mô tả cảnh Chúa Giêsu gọi các môn đệ đầu tiên bước theo Người. Các môn đệ đã đáp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu một cách mau lẹ, không một chút e ngại, phân vân. Chúng ta cũng đang được Chúa mời gọi trở nên môn đệ của Người qua việc chu toàn sứ vụ loan báo Tin Mừng trong những hoàn cảnh sống cụ thể của mình.

Với Mẹ: Xin cho chúng con luôn ý thức rằng việc đáp lại tiếng Chúa mời gọi phải được thực hiện với một thái độ dứt khoát cùng một niềm tin tưởng trọn vẹn. Không thể vừa chọn Chúa lại vừa quyến luyến thế tục.

Nhờ Mẹ: Xin Mẹ nâng đỡ chúng con trong hành trình loan báo Tin Mừng của Chúa trong cuộc sống trần thế đầy thử thách và cám dỗ này.

Trong Mẹ: Đức Bà dâng Đức Chúa Giêsu trong đền thánh. Ta hãy xin cho được vâng lời chịu lụy.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


14/01/2014                                                     Thứ Ba

                                                                        Mc 1,21b-28

“Câm đi, hãy xuất khỏi người này” (Mc 1,25).

Như Mẹ: Hôm nay, Chúa Giêsu tiếp tục nhắc nhở chúng ta hãy tin tưởng vào quyền năng và lời dạy của Người. Không nên nhìn vào những ân huệ ta nhận được để lên mặt với người khác, nhưng đó là cơ hội để cho ta biết làm cho thế giới này đẹp hơn. Tin tưởng vào mối tương quan với Người, chúng ta hãy vui mừng, hy vọng, vì biết rằng với Chúa không việc gì là không thể làm được.

Với Mẹ: Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết khiêm nhường để nhận ra mọi sự là do Chúa ban. Chúa có thể làm được tất cả, chỉ cần chúng con tin, xin cho cuộc sống của chúng con là những chuỗi ngày của tâm tình biết ơn và tín thác vào Chúa.

Nhờ Mẹ: Xin Mẹ hướng dẫn chúng con luôn biết sống tâm tình con thảo với Thiên Chúa.

Trong Mẹ: Đức Bà tìm được Đức Chúa Giêsu trong đền thánh. Ta hãy xin cho được giữ nghĩa cùng Chúa luôn.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


15/01/2014                                                     Thứ Tư

                                                                         Mc 1,29-39

“Chúa Giêsu lánh riêng ra một nơi thanh vắng
và cầu nguyện từ sáng sớm” (Mc 1,36).

Như Mẹ: Chúa Giêsu động lòng trắc ẩn trước nỗi lầm than và vất vả của con người. Người luôn sẵn sàng làm tất cả, hy sinh tất cả để cứu con người. Chúa Giêsu luôn cầu nguyện với Chúa Cha để làm theo Ý Cha, để tìm sức mạnh với tình yêu và để chu toàn nhiệm vụ cứu độ của mình.

Với Mẹ: Lạy Chúa, nếu không biết siêng năng cầu nguyện, chúng con khó lòng dám cất bước rời khỏi nơi ấm êm mà đến với những người cần giúp đỡ. Xin cho chúng con biết noi gương Chúa Giêsu, lấp đầy cuộc sống và nhất là tâm hồn mình bằng sự cầu nguyện để lên đường rao giảng Tin Mừng như Chúa xưa kia.

Nhờ Mẹ: Xin Mẹ dạy chúng con biết trao ban hoa trái của việc cầu nguyện cho người khác.

Trong Mẹ: Chúa Giêsu chịu phép rửa nơi sông Giođan. Ta hãy xin cho được sống xứng đáng là con cái Chúa.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


16/01/2014                                                   Thứ Năm

                                                                         Mc 1,40-45

Đừng nói gì với ai” (Mc 1,44).

Như Mẹ: Trong buổi đầu hoạt động công khai, Chúa Giêsu cấm không cho người ta nói về Người, lý do là vì có những quan niệm sai lạc phổ biến trong quần chúng về Đấng Mêsia. Người không muốn họ hiểu lầm về sứ vụ của mình. Dù không cho người ta nói, nhưng Người lại yêu cầu chúng ta làm chứng cho người ta biết về Chúa.

Với Mẹ: Lạy Chúa Giêsu, cuộc sống của chúng con luôn có những biến đổi, những ồn ào và náo nhiệt. Xin Chúa giúp chúng con luôn biết tìm đến sự thinh lặng tâm hồn, để chúng con nghe được tiếng Chúa trong tâm hồn mình, nhờ đó chúng con hiểu và sống theo sự hướng dẫn của Chúa.

Nhờ Mẹ: Xin Mẹ dẫn dắt chúng con sống theo đúng ý Chúa trong mỗi giây phút của cuộc đời.

Trong Mẹ: Chúa Giêsu dự tiệc cưới Cana. Ta hãy xin cho được vững tin vào quyền năng của Ngài.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


17/01/2014                                                    Thứ Sáu

Thánh Antôn viện phụ                                 Mc 2,1-12

“Này con, tội con đã được tha rồi” (Mc 2,5).

Như Mẹ: Tin Mừng hôm nay mang lại cho chúng ta thông điệp về sự kỳ diệu của ân sủng và sự tha thứ tội lỗi đến từ Thiên Chúa. Ân sủng tha thứ luôn vượt trên khả năng đáp trả của con người. Đối với Thiên Chúa, con người chỉ cần tin và quyết tâm trở về với Người là được Người tha thứ. Thiên Chúa luôn luôn dang rộng vòng tay yêu thương và tha thứ chờ đón chúng ta.

Với Mẹ: Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con cảm nghiệm được tình thương Chúa biểu lộ qua bí tích Hòa Giải, để chúng con luôn biết sống tâm tình sám hối, sẵn sàng lãnh nhận bí tích này để được ơn tha thứ của Chúa cùng quyết tâm từ bỏ đường tà mà về với Chúa.

Nhờ Mẹ: Xin Mẹ giúp chúng con là kẻ có tội biết năng đến lãnh nhận bí tích Hòa Giải.

Trong Mẹ: Chúa Giêsu rao giảng Nước Trời và kêu gọi sám hối. Ta hãy xin cho được hoán cải và đón nhận Tin Mừng.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


18/01/2014                                                    Thứ Bảy

                                                                         Mc 2,13-17

Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc,
người đau ốm mới cần
(Mc 2,17).

Như Mẹ: Chúa Giêsu ám chỉ cách mỉa mai các kinh sư và người Pharisêu. Họ tự cho mình là công chính không cần đến Đấng Cứu Thế. Họ khép kín trước ơn cứu độ của Thiên Chúa. Thế giới ngày nay cũng không thiếu những kẻ tự cho mình là nhân đức và thánh thiện, vì thế không cần đến ơn cứu độ của Chúa.

Với Mẹ: Lạy Chúa, xin cho chúng con biết rằng không gì an ủi hơn việc khám phá ra tình thương của Thiên Chúa đối với người tội lỗi. Xin cho chúng con biết nhận ra tình thương của Chúa nơi tâm hồn chúng con để chúng con cũng biết mở rộng lòng mình ra để biết yêu thương và đón nhận người khác.

Nhờ Mẹ: Mẹ ơi, xin giúp chúng con biết luôn tìm đến với Chúa trong tâm tình sám hối tạ ơn.

Trong Mẹ: Chúa Giêsu biến hình trên núi. Ta hãy xin cho được lắng nghe và thực hành Lời Chúa.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


19/01/2014                                                  Chúa Nhật

Tuần II TN – Năm A                                    Ga 1,29-34

Đây là Chiên Thiên Chúa(Ga 1,29).

Như Mẹ: Gioan thấy Chúa Giêsu đến với mình thì nói: Đây là Chiên Thiên Chúa. Hành trình của Gioan cũng là hành trình của mỗi người chúng ta: dọn đường cho Chúa. Vì thế, chúng ta cần thường xuyên làm mới lại cái biết về Chúa Giêsu, để có tương quan mật thiết với Người qua việc tìm đến với Lời Chúa và Thánh Thể.

Với Mẹ: Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, xin thương xót chúng con… Chúng con xin tạ ơn Chúa vì ơn cứu độ dành cho chúng con. Xin cho chúng con biết đem ơn đó đến với mọi người chưa nhận biết Chúa. Xin Chúa giúp chúng con chu toàn sứ vụ này!

Nhờ Mẹ: Xin Mẹ cùng con lên đường rao giảng Tin Mừng của Chúa cho những người chưa biết và chưa tin theo Chúa.

Trong Mẹ: Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể. Ta hãy xin cho được năng kết hiệp cùng Chúa Giêsu Thánh Thể.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


20/01/2014                                                    Thứ Hai

                                                                         Mc 2,18-22

Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay
khi chàng rể còn ở với họ”
(Mc 2,19).

Như Mẹ: Đám cưới ở phương Đông là một dịp vui. Các khách dự tiệc cưới, đặc biệt là bạn bè của chú rể phải góp phần tạo nên niềm vui, chung niềm hân hoan với đôi tân hôn. Ở đây, hôn lễ là hình ảnh chỉ về ngày cứu độ như đã chép trong sách ngôn sứ Isaia, đó cũng là hình ảnh giúp chúng ta biết được niềm vui thế nào, khi cảm nhận được Chúa đang hiện diện bên cạnh và ngay trong tâm hồn mình.

Với Mẹ: Lạy Chúa, xin giúp mỗi người chúng con luôn ý thức sự hiện diện của Chúa trong tâm hồn, để Chúa thực sự trở thành người hướng dẫn cuộc đời của mỗi người chúng con và cũng chuẩn bị cho chúng con đến với bữa tiệc cưới trên thiên đàng cùng Chúa.

Nhờ Mẹ: Xin Mẹ đồng hành với chúng con trong cuộc sống thời đại này.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu lo buồn đổ mồ hôi máu. Ta hãy xin cho được ăn năn tội nên.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


21/01/2014                                                     Thứ Ba

Thánh Anê, tn tử đạo                                  Mc 2,23-28

“Con Người làm chủ ngày sabát” (Mc 2,28).

Như Mẹ: Chúa Giêsu khẳng định thẩm quyền của Người trên lề luật: “Con Người làm chủ ngày sabát”. Qua đó ta cũng thấy được ý nghĩa đích thực của ngày sabát là ngày dành riêng để phụng thờ Thiên Chúa. Đồng thời Chúa Giêsu cũng dạy ta hiểu rằng lề luật là phương tiện để phục vụ lợi ích con người, chứ không phải là tiêu chuẩn để lên án hay phán xét người khác.

Với Mẹ: Xin Chúa cho mỗi người chúng con ý thức được ý nghĩa đích thực ngày sabát. Nhờ thế, ngày sabát giúp chúng con đi vào tương quan với Thiên Chúa và tha nhân, để chúng con luôn chu toàn luật Chúa trong bác ái; đồng thời biết làm chứng nhân cho Chúa bằng lời nói và gương sống hằng ngày.

Nhờ Mẹ: Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ giúp chúng con hiểu và sống như lời Chúa Giêsu dạy.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu chịu đánh đòn. Ta hãy xin cho được hãm mình chịu khó lằng lòng.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


22/01/2014                                                     Thứ Tư

Thánh Vinh Sơn, pt tử đạo                           Mc 3,1-6

“Ngày sabát được cứu mạng người hay giết đi” (Mc 3,4).

Như Mẹ: Chúa Giêsu khẳng định tinh thần và ý nghĩa của lề luật là nhằm phục vụ lợi ích con người, đó cũng là việc phụng thờ Thiên Chúa. Vì vậy, ngày Chúa nhật mời gọi chúng ta chu toàn bổn phận thờ phượng Thiên Chúa, nhưng đồng thời không được quên đi việc phục vụ tha nhân đang lâm nạn trong tinh thần yêu thương.

Với Mẹ: Lạy Chúa, vì quá lo lắng cho cuộc sống, vì chạy theo thói sống thực dụng mà chúng con dường như quên mất Chúa: “ngày của Chúa, giờ của Chúa” là một thứ gì đó xa lạ với chúng con lắm. Xin cho mỗi người chúng con hiểu và sống đúng tinh thần ngày sabát mà Chúa đã dạy, để ngày Chúa nhật là ngày của Chúa, ngày của niềm vui và sự sống.

Nhờ Mẹ: Xin Mẹ chỉ bảo chúng con sống tinh thần lời Chúa dạy.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu chịu đội mão gai. Ta hãy xin cho được chịu mọi sự sỉ nhục bằng lòng.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


23/01/2014                                                   Thứ Năm

                                                                           Mc 3,7-12

Người ta lũ lượt kéo đến với Chúa” (Mc 3,8).

Như Mẹ: Chúa Giêsu rao giảng, chữa lành bệnh tật và trừ quỷ,… nhằm tỏ lộ sứ vụ cứu thế của Người. Vì lòng thương xót, Người đã giải thoát chúng ta khỏi sự trói buộc của sự dữ để chúng ta thuộc về Sự thật và có khả năng nói về Sự thật. Người đã trở nên một gương sống thật sống động và gần gũi, để chúng ta có thể bắt chước Người sống mỗi ngày nên trọn lành hơn.

Với Mẹ: Lạy Chúa, xin cho chúng con biết chạy đến với Chúa, biết tìm Chúa trong mọi biến cố và mọi người chúng con gặp gỡ, và nhất là biết sống chứng tá về Sự thật theo lời Chúa dạy trong đời sống hiện tại mỗi ngày.

Nhờ Mẹ: Xin Mẹ giúp mỗi người chúng con biết xác tín những điều chúng con tin nhận như là một mặc khải của lòng thương xót Chúa cho mỗi người chúng con.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu vác cây Thánh giá. Ta hãy xin cho được vác Thánh giá theo chân Chúa.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


24/01/2014                                                    Thứ Sáu

Thánh Phanxicô Salesiô                            Mc 3,13-19

“Chúa Giêsu gọi những kẻ Người muốn
để các ông ở với Người
(Mc 3,13).

Như Mẹ: Các môn đệ của Chúa Giêsu có những đặc điểm chung: xuất thân từ nhiều môi trường khác nhau, không có một chút học vấn, không có địa vị xã hội. Thế nhưng những con người tầm thường ấy đã dám từ bỏ tất cả để đi theo Chúa, lãnh nhận nhiệm vụ rao truyền ơn cứu độ cho mọi nước mọi dân.

Với Mẹ: Lạy Chúa, mỗi người Kitô hữu chúng con cũng được Chúa chọn làm môn đệ của Chúa qua trung gian là Giáo Hội. Vì thế, sứ vụ rao giảng Tin Mừng không chỉ là nhiệm vụ của các linh mục, tu sĩ mà còn là nhiệm vụ của tất cả mọi người. Cách rao giảng Tin Mừng tốt nhất là làm chứng bằng chính đời sống của mình.

Nhờ Mẹ: Xin Mẹ che chở chúng con trên bước đường làm chứng nhân của Chúa.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu chịu chết trên cây Thánh giá. Ta hãy xin đóng đinh tính xác thịt vào Thánh giá Chúa.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


25/01/2014                                                    Thứ Bảy

Thánh PHAOLÔ trở lại                               Mc 16,15-18

“Các con hãy đi khắp thế gian,
rao giảng Tin Mừng cho mọi thọ tạo
(Mc 16,15).

Như Mẹ: Bài Tin Mừng hôm nay như một lời nhắc chúng ta nhớ lại nhiệm vụ Chúa Giêsu đã trao cho mỗi Kitô hữu chúng ta, đó là lên đường làm chứng nhân cho ơn cứu độ đến tận cùng thế giới. Bao lâu còn có những người chưa nhận biết Chúa, chúng ta vẫn phải lên đường để đem Chúa đến với họ.

Với Mẹ: Lạy Chúa, với những yếu đuối và bất toàn của bản thân, chúng con khó lòng chu toàn được nhiệm vụ này. Chúng con luôn tin ở sức mạnh và tình yêu của Chúa, xin giúp chúng con vượt qua mọi thử thách gian nan trong hành trình làm chứng nhân cho Chúa với tất cả tình yêu nhỏ bé của chúng con.

Nhờ Mẹ: Mẹ ơi, xin cho con có được tinh thần nhiệt thành và lòng yêu mến để làm chứng cho Chúa bằng gương sống hằng ngày của mình.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu sống lại. Ta hãy xin cho được sống lại thật về phần linh hồn.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


26/01/2014                                                  Chúa Nhật

Tuần III TN – Năm A                                   Mt 4,12-23

Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh
thành những kẻ lưới người như lưới cá” (Mc 4,19).

Như Mẹ: Khi kêu gọi các môn đệ đi theo mình, Chúa Giêsu muốn các ông phải có thái độ từ bỏ dứt khoát với mọi quyến luyến trần gian, như thế sẽ giúp cho nhiệm vụ rao truyền Tin Mừng của các ông thuận lợi hơn. Bởi một khi chỉ còn đặt trọn một niềm tin vào Chúa, chúng ta sẽ có được sức mạnh và tình yêu để dám từ bỏ và hy sinh tất cả để trở nên máng chuyển ơn Chúa đến với mọi người.

Với Mẹ: Chúa ơi, xin cho chúng con biết can đảm lên đường dấn thân phục vụ Tin Mừng, không vì mong được danh lợi, địa vị nhưng tất cả vì phần rỗi các linh hồn.

Nhờ Mẹ: Xin Mẹ giúp chúng con trở nên nhân chứng đích thực của ơn cứu độ bằng chính cuộc đời của mình.

Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu lên trời. Ta hãy xin cho được ái mộ những sự trên trời.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


27/01/2014                                                    Thứ Hai

                                                                         Mc 3,22-30

“Ai nói phạm đến Thánh Thần
thì sẽ chẳng được tha”
(Mc 3,26).

Như Mẹ: Các luật sĩ và nhóm Pharisêu đã gán cho Chúa Giêsu quyền lực của sự dữ khi dám nói việc làm của Chúa là nhờ vào sức mạnh của Satan. Và Chúa Giêsu cũng đã dạy họ một cách đích đáng về sự đoàn kết tương thân tương ái, cũng như thái độ với Chúa: “Nước nào tự chia rẽ thì sẽ bị diệt vong và ai nói phạm đến Thánh Thần thì sẽ chẳng được tha”.

Với Mẹ: Lạy Chúa, chúng con đã xúc phạm đến Chúa bằng lời nói và việc làm nhiều lần, nhất là từ chối không đón nhận sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời chúng con, nhưng lại tìm sức mạnh nơi quyền lực tà thần hay mê tín dị đoan.

Nhờ Mẹ: Xin Mẹ dạy chúng con sống tâm tình của một đứa con ngoan với Chúa.

Trong Mẹ: Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống. Ta hãy xin cho được lòng đầy dẫy mọi ơn Đức Chúa Thánh Thần.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


28/01/2014                                                     Thứ Ba

Thánh Tôma Aquinô                                    Mc 3,31-35

Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa,
người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi
(Mc 3,35).

Như Mẹ: Chúa Giêsu đã mở một cánh cửa thật lớn cho nhân loại để bất cứ ai muốn trở nên người thân của Người đều có thể bước vào, chỉ với một điều kiện: Lắng nghe và thực hành lời Chúa dạy như Mẹ Maria hay các môn đệ. Thực tế hằng ngày, có rất nhiều người sống chung quanh chúng ta, đang miệt mài sống Lời Chúa, và hết lòng cho Tin Mừng.

Với Mẹ: Lạy Chúa, điều kiện Chúa đưa ra chẳng khó khăn mấy, có chăng khó khăn là vì chúng con chưa yêu Chúa đủ, chưa tin Chúa đủ để sống như lời Chúa dạy. Xin thêm sức cho chúng con để một khi chúng con đã hiểu thì cũng dám sống như Chúa dạy.

Nhờ Mẹ: Xin Mẹ giúp chúng con luôn biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa như Mẹ khi xưa.

Trong Mẹ: Đức Chúa Trời cho Đức Bà lên trời. Ta hãy xin cho được ơn chết lành trong tay Đức Mẹ.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


29/01/2014                                                     Thứ Tư

                                                                           Mc 4,1-20

“Người gieo giống đi ra gieo giống(Mc 4,3).

Như Mẹ: Hằng ngày, Chúa vẫn không ngừng đổ ơn sủng xuống trên mỗi người chúng ta, qua lời Chúa, qua các biến cố xảy đến chung quanh chúng ta. Thế nhưng vì ngoan cố, vì chai lì, vì thờ ơ nên ơn cứu độ của Chúa không sinh hoa kết quả nơi chúng ta, và như thế chúng ta không thể mang được ân huệ mà mình đã đón nhận được từ Chúa chia sẻ cho người khác.

Với Mẹ: Chúa ơi, xin giúp chúng con ý thức được sự yếu đuối của mình để biết sống tin cậy vào Chúa. Xin Chúa mở lòng chúng con để tâm hồn của mỗi chúng con trở thành mảnh đất tốt cho hạt giống Lời Chúa được sinh hoa kết trái.

Nhờ Mẹ: Lạy Mẹ Maria, xin cùng chúng con vun trồng hạt giống lời Chúa trong tâm hồn chúng con để chờ ngày kết trái đơm bông.

Trong Mẹ: Đức Chúa Trời thưởng Đức Mẹ trên trời. Ta hãy xin Đức Mẹ phù hộ cho ta được thưởng cùng Đức Mẹ trên nước Thiên đàng.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


30/01/2014                                                   Thứ Năm

                                                                         Mc 4,21-25

“Anh em đong đấu nào thì Thiên Chúa
cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em” (Mc 4,24).

Như Mẹ: Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta về tinh thần bác ái và công bình đối với tha nhân trong cuộc sống hằng ngày. Thiên Chúa là Đấng thấu suốt tất cả, Người công chính và yêu thương hết mọi loại, nên Người không thích sự gian dối, lọc lừa và thiếu bác ái: Bởi Người là Tình Yêu.

Với Mẹ: Chúa ơi, có nhiều lúc vì ích kẻ, ganh ghét, chúng con sẵn sàng chà đạp lên anh em mình, ngoảnh mặt làm ngơ trước khó khăn của người khác. Vì quá đề cao cái tôi cũng như cậy dựa vào sức riêng mình mà chúng con đã bỏ quên Chúa. Và kết quả chúng con có được chỉ là sự mất bình an, những đau khổ, chán nản và thất vọng…

Nhờ Mẹ: Xin Mẹ nhắc nhở con mỗi khi con không biết sống yêu thương như Chúa dạy.

Trong Mẹ: Thiên Thần truyền tin cho Đức Bà chịu thai. Ta hãy xin cho được ở khiêm nhường.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


31/01/2014                                                    Thứ Sáu

Mồng 1 TẾT NGUYÊN ĐÁN                         Mt 6,25-34

Trước hết hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa,
còn những thức khác Người sẽ ban cho sau” (Mt 6,33).

Như Mẹ: Ngày đầu năm, Chúa mời gọi chúng ta quay trở về với căn tính đích thực của người Kitô hữu: Đó là tìm kiếm nước Thiên Chúa, hơn là chạy đi tìm bình an và hạnh phúc tạm bợ ở cuộc sống trần thế này. Mọi việc Chúa đều lo liệu và chuẩn bị chu đáo cho chúng ta, Chúa chỉ cần chúng ta cộng tác với Chúa nữa thôi, bằng cách sống phó thác và tin tưởng vào Người.

Với Mẹ: Chúa ơi, có nhiều lúc vì nỗi lo cơm áo, gạo tiền mà chúng con đã không còn nhớ gì đến Chúa, là Kitô hữu mà chúng con sống như một người vô thần. Xin cho chúng con biết lo tìm kiếm Chúa trước và biết sống phó thác cho tình thương quang phòng của Chúa.

Nhờ Mẹ: Xin Mẹ giúp chúng con luôn biết đặt Chúa làm cùng đích của đời mình.

Trong Mẹ: Đức Bà đi viếng Bà thánh Isave. Ta hãy xin cho được lòng yêu người.

 (Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).


TRANG HỌC TẬP

 

ĐỨC MARIA, THÂN MẪU THIÊN CHÚA

Đức Gioan Phaolô II

Ngay từ những thế kỷ đầu tiên, các Kitô hữu đã cầu khẩn Đức Maria dưới tước hiệu “Theotokos”, Đức Mẹ Chúa Trời. Tước hiệu này được công đồng Êphêsô long trọng tuyên bố năm 431. Tín điều này tiên vàn tuyên xưng rằng Đức Kitô chỉ có một ngôi vị duy nhất. Đức Maria, tuy chỉ là mẹ của Đức Kitô xét theo nhân tính, nhưng chức làm mẹ có liên quan đến ngôi vị. Dù sao, khi tuyên xưng Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, Hội thánh cũng khẳng định rằng Ngôi Lời đã thực sự trở thành con người, do một bà mẹ sinh ra.

1.- Việc chiêm ngắm mầu nhiệm Chúa Cứu Thế giáng sinh đã đưa các tín hữu không những gọi Đức Trinh Nữ rất thánh là Mẹ của Đức Giêsu, mà còn nhìn nhận Người là Mẹ của Thiên Chúa.

Chân lý này đã được đào sâu và cảm nhận như là một điều thuộc về gia sản đức tin của Hội thánh ngay từ những thế kỷ đầu tiên của kỷ nguyên Kitô giáo, và công đồng Êphêsô tuyên bố long trọng năm 431.

Trong cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi, khi các môn đệ càng ý thức rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa thì họ cũng càng thâm tín rằng Đức Maria là Theotokos, Mẹ của Thiên Chúa[1]. Tước hiệu này không xuất hiện rõ ràng trong các bản văn Phúc âm, tuy rằng ở đây ta thấy nói tới “Mẹ của Đức Giêsu” và Đức Giêsu là Thiên Chúa (Ga 20,28; xc. 5,18; 10,30.33). Dù sao Đức Maria được giới thiệu như là Mẹ của Đấng Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta (Mt 1,22-23).

Từ thế kỷ III, như có thể suy diễn từ một chứng tá cổ điển, các Kitô hữu ở Ai cập đã hướng tới Đức Maria với lời cầu nguyện như sau: “Lạy Đức Mẹ Chúa Trời, Ngài xiết bao thánh thiện, này chúng con chạy đến tìm nương ẩn nơi Ngài. Lúc sa vòng gian khổ, khi gặp cảnh phong trần, lời con cái nài van, xin Mẹ đừng chê bỏ, nhưng xin hằng giải thoát, khỏi ngàn nỗi hiểm nguy, ôi vinh diệu ai bì, Trinh nữ đầy ơn phúc!” (xc. Giờ Kinh Phụng Vụ). Trong chứng tá cổ kính này, lần đầu tiên từ ngữ Theotokos “Đức Mẹ Chúa Trời” đã được sử dụng một cách minh thị.

Trong các huyền thoại của dân ngoại, thường thường có trường hợp một nữ thần được trình bày như là bà mẹ của một vị thần. Chẳng hạn như vị chủ tể Jupiter chúa tể có bà mẹ tên là nữ thần Rea.

Bối cảnh này có lẽ đã giúp cho các Kitô hữu tạo ra tước hiệu “Theotokos”, “Thánh Mẫu” dành cho bà mẹ của Đức Giêsu. Tuy nhiên cần phải nhấn mạnh rằng tước hiệu này chưa hề được sử dụng, nhưng là do các Kitô hữu đặt ra để diễn tả một lòng tin hoàn toàn khác với thần thoại của dân ngoại: đức tin vào việc thụ thai trinh khiết, trong lòng Đức Maria, của Đấng vốn là Ngôi Lời hằng hữu của Thiên Chúa.

2.- Đầu thế kỷ thứ IV, tước hiệu Théotokos đã trở thành thông dụng bên Đông phương và bên Tây phương. Kinh nguyện cũng như thần học sử dụng thường xuyên tước hiệu này, đã đi vào gia sản đức tin của Hội thánh.

Vì thế người ta hiểu được rằng cả một phong trào chống đối đã nổi lên vào thế kỷ thứ V, khi ông Nestoriô đặt ra nghi vấn về sự hợp thức của danh hiệu “Thân mẫu Chúa Trời”.

Thực vậy, ông ta có khuynh hướng muốn nhìn nhận Đức Maria chỉ là mẹ của con người Giêsu, và ông cho rằng tước hiệu duy nhất phù hợp với đạo lý là “Thân mẫu của Đức Kitô”. Ông Nestoriô đã rơi vào sự sai lầm như vậy bởi vì ông gặp thấy khó khăn khi chấp nhận một ngôi vị duy nhất của Đức Kitô, và do việc giải thích sai lầm về sự phân biệt giữa nhân tính và thiên tính hiện diện trong Đức Kitô[2].

Công đồng Ephêsô (năm 431) đã phi bác thuyết của ông Nestôriô, và khẳng định rằng thiên tính và nhân tính đồng hiện hữu nơi một ngôi vị duy nhất của Chúa Con. Công đồng tuyên bố Đức Maria là Đức Mẹ Chúa Trời.

3.- Những khó khăn và vấn nạn do ông Nestôriô nêu lên đã cống hiến cơ hội cho chúng ta suy nghĩ chín chắn, ngõ hầu hiểu biết và giải thích tước hiệu này một cách đứng đắn. Thành ngữ Theotokos, theo nguyên văn có nghĩa là “Kẻ đã sinh ra Thiên Chúa”[3], thoạt tiên xem ra kỳ dị. Thực vậy, nó gợi lên câu hỏi: làm thế nào một thụ tạo có thể sinh ra Thiên Chúa? Câu trả lời của đức tin Hội thánh thì đã quá rõ: chức làm Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria chỉ áp dụng vào việc sinh ra Con Thiên Chúa theo tính loài người mà thôi, chứ không áp dụng vào việc sinh ra bản tính Thiên Chúa. Con Thiên Chúa đã được sinh ra từ thuở đời đời bởi Chúa Cha và đồng bản tính với Chúa Cha. Trong sự sinh ra hằng hữu này, dĩ nhiên là Đức Maria không có vai trò nào hết. Tuy nhiên Con Thiên Chúa, cách đây 2000 năm, đã lãnh nhận bản tính loài người của chúng ta, và do đó đã được thụ thai và sinh ra bởi Đức Maria.

Khi tuyên xưng Đức Maria là “Đức Mẹ Chúa Trời”, Hội thánh muốn khẳng định rằng Đức Maria là “Mẹ của Ngôi Lời Nhập Thể, Đấng là Thiên Chúa. Do đó chức làm mẹ của Người không áp dụng cho tất cả Ba ngôi Thiên Chúa nhưng chỉ liên can đến Ngôi Hai, tức là Chúa Con Đấng mà khi nhập thể, đã lãnh nhận bản tính loài người từ nơi Đức Maria.

Việc làm mẹ là một mối tương quan giữa hai bản vị: một bà mẹ không phải chỉ là mẹ của thân xác hay là của chất thể sinh ra từ lòng mình, nhưng là mẹ của ngôi vị mà mình sinh ra.

Vì thế, Đức Maria đã sinh ra Đức Giêsu, một bản vị xét về nhân tính mà cũng là một ngôi vị Thiên Chúa, cho nên Người thực sự là Mẹ của Thiên Chúa.

Khi công bố Đức Maria là “Đức Mẹ Chúa Trời”, Hội thánh đã tuyên xưng đức tin về người Con và người Mẹ trong cùng một biểu thức duy nhất. Sự kết hợp này đã được nổi bật ngay tại công đồng Ephêsô: qua việc định tín chức làm Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria, các nghị phụ đã muốn bày tỏ đức tin vào thiên tính của Đức Kitô. Mặc dù đã có nhiều vấn nạn xưa nay được trưng lên để chống lại việc sử dụng tước hiệu Đức Mẹ Chúa Trời, nhưng các Kitô hữu thuộc mọi thời đại, khi giải thích đứng đắn ý nghĩa của chức làm mẹ đó, họ đã tìm thấy một biểu thức đặc biệt để diễn tả niềm tin vào thiên tính của Đức Kitô và của lòng yêu mến đối với Đức Trinh nữ Maria.

Nơi Đức Theotokos, một đàng Hội thánh bảo đảm rằng việc Nhập thể đã xảy ra thực sự, bởi vì – như Thánh Augustino đã nói – “giả như bà Mẹ mà giả thì thân xác của Đức Kitô cũng giả,… những vết thương còn mang sau khi Phục sinh cũng giả tuốt” (Tractatus in evangelium Ioannis, 8, 6-7). Đàng khác, Hội thánh sững sờ chiêm ngắm và cung kính cử hành sự cao cả được ban cho Đức Maria bởi Đấng đã muốn làm Con của Người. Tước hiệu “Đức Mẹ Chúa Trời” cũng hướng tới Lời của Thiên Chúa, Đấng mà qua mầu nhiệm Nhập Thể đã mặc lấy sự khiêm tốn của thân phận con người chúng ta, ngõ hầu nâng con người lên hàng nghĩa tử của Thiên Chúa. Ngoài ra, tước hiệu đó, dưới ánh sáng của chức phẩm cao vời dành cho thiếu nữ Nazarét, cũng tuyên dương sự cao quý của phụ nữ và thiên chức của họ. Thực vậy, Thiên Chúa đã đối xử với Đức Maria như là một bản vị tự do và có trách nhiệm, và chỉ có thể thực hiện việc Nhập thể của Con Ngài sau khi nhận được sự thỏa thuận của Đức Maria.

Theo gương các Kitô hữu tại Ai cập thời xưa, các tín hữu ký thác mình cho Người, vì là Đức Mẹ Chúa Trời, nên có thể xin Con mình cho họ ơn giải thoát khỏi mọi nỗi nguy nan và ơn được cứu rỗi đời đời.

(Trích từ “Những bài giáo huấn về Đức Maria, bản dịch tiếng Việt của cha Giuse Phan Tấn Thành, OP.).

 

 

SỰ CẦN THIẾT CỦA LÒNG SÙNG KÍNH DÀNH CHO MẸ MARIA

Thánh Louis Marie De Montfort

BBT: Thánh Louis Marie De Montfort là một vị thánh có lòng sùng kính Mẹ Maria rất sốt mến. Thánh nhân đã viết nhiều tuyệt tác về Kinh Mân Côi và về Mẹ Maria. Có thể nói thánh nhân là một bậc thầy trong việc làm cho người ta hiểu đúng về Mẹ Maria, rồi từ đó giúp người ta sùng kính Mẹ một cách đích thực. Nội san sẽ lần lượt giới thiệu. Còn dưới đây là trích nguyên văn một số đoạn trong tác phẩm “Thành Thực Sùng Kinh Mẹ Maria” của thánh Louis Marie De Montfort.

1. Khi xưa Chúa Giêsu đã nhờ Mẹ Maria đồng trinh để sinh xuống thế gian, thì ngày nay, Người cũng nhờ Nữ vương Mẹ Maria để thống trị thế giới.

2. Mẹ đã sống trong im lặng, trong âm thầm. Bởi đó, chính Chúa Thánh Thần và Giáo Hội tặng cho Người tước hiệu “Almar Mater”: Mẹ ẩn dật. Lúc còn sống, vì lòng khiêm nhường sâu thẳm, Mẹ không muốn cho ai biết đến mình. Chỉ dành cho một Thiên Chúa biết thôi.

3. Người thiết tha xin Chúa che giấu mình đi trong khó nghèo, hèn hạ! Chúa đã nhận lời, che khuất con mắt tò mò của người đời, không cho ai biết Mẹ đã chịu thai, sinh ra và hoạt động trong thế gian làm sao, cả những mầu nhiệm cao cả như sự Người sống lại và lên trời cũng bị giấu kín, cha mẹ Người cũng không hiểu thấu Người; các thần trời cũng không biết Người là ai, nên cứ hỏi nhau: Trinh nữ này là ai? (Dc 3,6; 8,5). Bởi vì Đấng Cao Cả đã không cho các Ngài biết, hoặc có tỏ ra thì chỉ là chút ít.

4. Đức Chúa Cha đã thỏa thuận cho Mẹ Maria không làm một phép lạ nào lúc bình sinh, hay ít ra không làm những phép lạ lớn lao, dầu Người đã nhận được quyền làm phép lạ cả thể như Đức Chúa Con đã thông trót sự khôn ngoan thượng trí của mình cho Mẹ Maria, nhưng cũng thuận để cho Người im lặng hoặc nói rất ít. Mặc dầu Mẹ là Bạn trung thành Chúa Thánh Thần, nhưng Chúa Thánh Thần cũng bằng lòng để cho các thánh Tông đồ và các thánh sử như quên Mẹ đi, chỉ nói những điều cần để hướng dẫn người đời nhận biết Chúa Giêsu mà thôi.

5. Mẹ Maria là một kỳ công kiệt tác của Đấng Chí Tôn nên Người chỉ muốn một mình am hiểu và biệt hưởng Mẹ (thánh Bernadino). Mẹ Maria là Mẹ thật Đức Chúa Con, nhưng Chúa cũng vui lòng để cho Mẹ mình tự hạ, ra như không, để dễ giữ lòng khiêm nhường. Và mặc dầu trong lòng vẫn thành thực yêu mến Mẹ hơn các thiên thần và loài người, tuy nhiên, bề ngoài đã có lần Chúa xử với Người như khách xa lạ, khi kêu Người như kêu ai khác: “Thưa bà” (Ga 2,4; 11,26). Đức Mẹ là Giếng đã được niêm phong cẩn thận (Dc 4,12), là Bạn trung thành, thanh sạch Chúa Thánh Thần, nên chỉ có một mình Chúa có quyền biệt hưởng. Đức Mẹ là cung thánh, là biệt thự xứng đáng Chúa Ba Ngôi ngự trị; ngai Chúa ngự giữa các Kerubim và Seraphim trên thiên đàng cũng không sánh bằng… không một loài thụ tạo nào được ra vào biệt thự đó khi chưa có phép Thiên Chúa.

6. Tôi đồng ý với các thánh mà nói rằng: Mẹ Maria là vườn Địa đường (thánh Leo Cả) của Adong đệ nhị, ở nơi đây, Người mặc lấy xác thịt và nhân tính do phép Chúa Thánh Thần, để bắt đầu thực hiện những kỳ công kiệt tác trí khôn loài thụ tạo thấp hèn suy chẳng thấu, lượng chẳng ra, Mẹ Maria là cả một thế giới diệu huyền, bao la của Thiên Chúa (thánh Bernado) trong đó có cả một kho châu báu, vô tận. Có tất cả vẻ đẹp lộng lẫy vui say do uy quyền Thiên Chúa phát xuất (Ricarno de St. Laurent). Nơi đây Chúa Cha đã phó thác và che giấu Con Một với tất cả uy quyền cũng như đã che giấu trong tâm trí mình vậy. Ôi ! biết bao nhiêu sự lạ lùng, bao la, vĩ đại, huyền bí Chúa toàn năng đã thực hiện trong Mẹ Maria, khiến cho Người, mặc dầu rất khiêm nhường, cũng phải công nhận rằng: “Chúa toàn năng đã thực hiện công trình vĩ đại cho tôi (Lc 1,46). Bao nhiêu huyền diệu này thế gian không hề biết tới, bởi thế gian không thể và cũng không đáng biết.

7. Các thánh đã hết sức cao rao những huyền diệu chất chứa trong Mẹ là thành thánh của Thiên Chúa này, và các ngài cảm thấy không lúc nào mình trở nên văn chương, lợi khẩu, vui say cho bằng khi đề cập đến các vấn đề có liên can mật thiết với Mẹ. Tuy nhiên, các ngài phải tự thú rằng: công phúc của Mẹ rất lớn lao cao cả, thấu đến ngai vàng bệ ngọc Chúa Ba Ngôi, không ai có thể biết hết được. Đức mến của Mẹ thật sâu rộng mông mênh như biển cả, không thước đâu mà đo, lưới đâu mà dò. Ai hiểu được quyền cao chức trọng của Mẹ đến đâu là cùng, nhiều khi coi như to hơn quyền Thiên Chúa. Sau cùng, khi suy đến đức khiêm nhường cũng như các nhân đức khác đã được thi hành nơi Mẹ, người ta thấy nó sâu rộng, bao la, bát ngát vô biên, khôn tả. Ôi mầu nhiệm cao cả, bao la, sâu rộng là dường nào, ai suy cho thấu được?

8. Đêm ngày từ đông chí tây, từ nam chí bắc, từ vòm trời cao ngất đến đáy vực sâu thẳm, mọi thụ tạo đều thi đua cao rao Mẹ Maria, Mẹ đồng trinh vinh hiển, nhiệm mầu. Chín phẩm thiên thần, toàn thể nhân loại, nam phụ lão ấu, kẻ sang người hèn, toàn thể Giáo Hội kẻ ngay lành, người tội lỗi, cũng như các quỉ hỏa ngục dù muốn dù không cũng phải cứ sự thật xưng hô Mẹ Maria có phước lộc. Theo lời thánh Bonaventura nói: các thần trời không bao giờ ngớt ca tụng Mẹ: Thánh, Thánh, Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời và đồng trinh (th. Bonaventura). Đồng thời dâng lên Người lời chào mừng: Ave Maria “Kính mừng Maria”. Hơn nữa các ngài thi đua đến quì trước ngai Mẹ, xin Mẹ sai khiến mình tùy ý, và khi được Người chấp thuận thì các ngài tỏ vẻ hiên ngang hãnh diện. Theo ý thánh Augustino: Ngay đến Tổng lãnh thiên thần Micae cũng thành tâm tôn sùng Mẹ, và dùng uy tín mình khuyến khích các thần khác suy tôn Mẹ. Hơn nữa, ngài tỏ ra bao giờ cũng sẵn sàng nhận chức thiên sứ của Mẹ để yên ủi, vỗ về và giúp đỡ con cái Mẹ ở khắp nơi.

9. Sự vinh hiển của Mẹ đã tràn ngập cả mặt đất, nhất là nơi giáo dân chân thành. Nhiều dân tộc, nhiều thành phố, nhiều địa phận, nhiều xứ đã thành tâm công nhận Mẹ như thánh bổn mạng bang trợ cho mình. Nhiều thánh đường nguy nga rực rỡ đã được nhân danh Mẹ kính dâng cho Thiên Chúa. Hình như không có thánh đường nào mà trong đó không có bàn thờ biệt kính Mẹ. Không có phương nào, miền nào mà trong đó không thấy có một vài ảnh thánh của Mẹ chuyên môn làm phép lạ, chữa lành các bệnh tật, ban phát mọi ơn lành hồn xác. Bao nhiêu đoàn thể đã được thành lập ra để biệt kính Mẹ ! Bao nhiêu Dòng nam nữ thi đua nấp bóng danh nghĩa Mẹ, nhận Mẹ làm Đấng bảo trợ. Bao nhiêu hội viên nam nữ thuộc các hội đoàn đây đó. Bao nhiêu Thầy Dòng, Chị Phước đêm ngày thi đua dâng lên Mẹ những lời ngợi khen, cám tạ, và cầu xin. Những đứa trẻ còn măng sữa đã cố gắng bắt chước mẹ chúng để ngợi khen Người bằng mấy câu Kính mừng Mẹ Maria. Không có tội nhân nào, dù cứng lòng đến đâu mà không giữ lại được một tia hy vọng tin cậy ở nơi Mẹ. Không có quỉ ma nào không kính sợ Mẹ mỗi khi nghe đọc thánh danh Mẹ Maria.

10. Đồng ý với các thánh, chúng ta phải thú nhận rằng: “Nói về Mẹ Maria, không bao giờ hết”. Thật thế, người đời chưa bao giờ có thể ca ngợi, cao rao, tôn kính yêu mến, làm tôi Mẹ cách đầy đủ. Vì Mẹ đáng ca ngợi, cao rao, tôn kính, yêu mến và làm tôi hơn thế nữa.

(Trích từ Thánh Louis Marie De Montfort, Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria, bản dịch tiếng Việt của cha Giuse Nguyễn Tri Ân, OP.).


[1] Như đã nói trước đây, danh hiệu này có thể dịch nhiều kiểu: Mẹ của Thiên Chúa, Thân mẫu Thiên Chúa, Đức Mẹ Chúa Trời.

[2] Xc. GLCG số 466.

[3] Tương đương với Dei Genitrix trong tiếng latinh.

Chia sẻ Bài này:
[5] [6] [7]