Nội San Kinh Mân Côi Số Tháng 02-2014

TRANG HỌC TẬP

 

VIỆC TIẾN DÂNG ĐỨC GIÊSU TRONG ĐỀN THỜ

Đức Gioan Phaolô II

Đức Thánh Cha giới thiệu trình thuật dâng tiến Đức Giêsu trong đền thờ (Lc 2,22-38). Bài hôm nay chỉ mới gợi lên vài nét chính: việc trung thành tuân giữ lề luật; thái độ của người nghèo biểu lộ qua lễ phẩm; niềm trông đợi ơn cứu độ của dân Israel được mãn nguyện.

1.- Trong câu chuyện tiến dâng Đức Giêsu trong đền thờ, thánh Luca đã nêu bật số phận Đức Giêsu như là Mêsia. Theo bản văn của Luca, mục đích trực tiếp của việc Thánh gia hành hương từ Bêlem về Giêrusalem là để chu toàn lề luật: “Khi đã đến kỳ thanh tẩy của các ngài theo luật Môisen, bà Maria và ông Giuse đem hài nhi lên Giêrusalem để tiến dâng cho Chúa, như đã chép trong luật Chúa rằng: mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh dành cho Chúa; và cũng để dâng hy lễ theo luật Chúa truyền là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non” (Lc 2,22-24).

Với cử chỉ này, bà Maria và ông Giuse bày tỏ ý định muốn trung thành vâng phục ý Chúa, khước từ hết mọi hình thức đặc ân. Việc hai ngài lên đền thờ Giêrusalem mang ý nghĩa của một sự hiến dâng cho Thiên Chúa, ngay tại nơi hiện diện của Ngài. Đức Maria vì nghèo khó nên chỉ dâng một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu, nhưng, trên thực tế Người đã hiến dâng Chiên thật sẽ cứu chuộc nhân loại. Như vậy, bằng cử chỉ này, Người đã thực hiện trước thời gian hy lễ đích thực, mà Luật Cũ đã tiên báo qua các lễ tế.

2.- Tuy dù lề luật chỉ đòi buộc bà mẹ phải thanh tẩy sau khi sinh con, nhưng thánh Luca nói tới “kỳ thanh tẩy của các ngài” (2,22), có lẽ bởi vì muốn ám chỉ những lề luật chi phối cả người mẹ và người con đầu lòng.

Hạn từ “thanh tẩy” có thể gây ngạc nhiên cho chúng ta, bởi vì đang bàn đến một bà Mẹ mà do ơn thánh đặc biệt, đã được vô nhiễm thanh tịnh ngay từ lúc bắt đầu hiện hữu, và một Hài nhi hoàn toàn thánh thiện. Tuy nhiên, cần phải nhớ rằng ở đây không phải là chuyện thanh tẩy lương tâm cho khỏi tội lỗi, nhưng chỉ là phục hồi sự thanh khiết về nghi thức, điều mà, theo não trạng thời đó, đã bị hoen ố do việc sinh đẻ tuy dù không có mắc lỗi lầm nào về luân lý.

Thánh sử Luca đã lợi dụng cơ hội để nhấn mạnh một mối dây liên kết đặc biệt giữa Đức Giêsu, xét vì là “Trưởng nam” (Lc 2,7 và 23), và sự thánh thiện của Thiên Chúa, đồng thời cũng muốn ám chỉ tinh thần hiến dâng khiêm tốn của Đức Maria và ông Giuse (xc. Lc 2,24). Thực vậy, cặp chim gáy hay cặp bồ câu non là “hiến lễ của những người nghèo” (Lv 12,8).

3.- Trong đền thờ, ông Giuse và bà Maria đã gặp gỡ ông Simêon, một người công chính và sùng đạo mong chờ niềm an ủi của Israel” (Lc 2,25).

Trình thuật của Luca không nói gì đến quá khứ cũng như chức vụ của ông Simêon ở trong đền thờ, mà chỉ nói đến một con người hết sức sùng đạo đang nuôi dưỡng trong lòng sự khát khao mãnh liệt chờ đợi Đấng Mêsia, kẻ an ủi dân tộc Israel. Thực vậy “Thánh Thần… ngự trên ông” và “đã báo cho ông biết rằng ông sẽ không chết trước khi được thấy Đấng Mêsia của Chúa” (Lc 2,26).

Ông Simêon mời gọi chúng ta hãy nhìn ngắm hành vi lân tuất của Thiên Chúa, Đấng đã đổ tràn Thánh Thần trên các tín hữu của mình ngõ hầu hoàn tất dự án huyền nhiệm của tình yêu của Ngài. Ông Simêon, mẫu gương của con người mở rộng lòng tới tác động của Thiên Chúa, “do Thánh Thần thúc đẩy” (Lc 2,27), ông lên đền thờ, nơi mà ông gặp Đức Giêsu, ông Giuse và bà Maria. Ông ẵm lấy Hài nhi trên tay và chúc tụng Chúa rằng: ”Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi” (Lc 2,29).

Là một nhân vật biểu trưng cho Cựu ước, ông Simêon đã cảm nhận được niềm vui vì được gặp gỡ Đấng Mêsia và ông cảm thấy đã đạt tới mục tiêu cuộc đời; do đó ông đã có thể xin Đấng Tối Cao để về nơi an bình của thế giới bên kia.

Trong biến cố hiến dâng Chúa Giêsu vào đền thờ, chúng ta có thể nhận ra sự gặp gỡ của niềm hy vọng dân Israel với Đấng Mêsia. Chúng ta cũng có thể nhận ra một dấu hiệu tiên báo sự gặp gỡ giữa con người với Đức Kitô. Sở dĩ cuộc gặp gỡ này có thể thực hiện được là bởi vì Chúa Thánh Thần gợi lên trong con tim nỗi khát khao được tìm gặp Đấng Cứu Thế, và Chúa Thánh Thần cũng tạo điều kiện để cho niềm trông mong đó được toại nguyện[1].

Chúng ta cũng không nên bỏ qua vai trò của Đức Maria khi trao Hài nhi cho ông cụ Simêon. Do ý muốn của Thiên Chúa, chính là bà Mẹ đã ban Chúa Giêsu cho nhân loại.

4.- Khi mặc khải tương lai của Đấng Cứu Thế, ông già Simêon đã nhắc tới lời tiên tri của “người Tôi tớ” được sai tới Dân ưu tuyển và các dân tộc. Thiên Chúa đã nói với ông ta như sau: “Ta đã nhào nặn nên ngươi và đã đặt ngươi làm giao ước của dân tộc và ánh sáng cho muôn dân” (Is 42,6). Và còn thêm: “Thật là chẳng thấm thía gì việc ngươi là tôi tớ của Ta để chấn hưng lại các bộ lạc Giacóp và đưa những đồng bào Israel còn sống sót được hồi cư. Ta sẽ biến ngươi thành ánh sáng của muôn dân ngõ hầu ngươi mang ơn cứu độ của Ta cho tới tận cùng trái đất” (Is 49,6).

Trong bài ca, ông Simêon đã lật ngược lại viễn ảnh, vì đã đặt chiều kích phổ quát của sứ mạng Đức Giêsu lên hàng đầu: “Chính mắt tôi đã nhìn thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân, ánh sáng soi đường cho dân ngoại và vinh quang của Israel dân Người” (Lc 2,30-32).

Làm sao không khỏi ngạc nhiên đứng trước những lời đó? “Cha mẹ Hài nhi ngạc nhiên vì những lời ông Simêon vừa nói về Người” (Lc 2,33). Dĩ nhiên ông Giuse và bà Maria, với cảm nghiệm vừa rồi, đã hiểu rõ ràng hơn tầm quan trọng của việc hiến dâng của mình. Trong đền Giêrusalem họ đã hiến dâng Đấng là vinh quang của dân tộc mình và cũng là sự cứu độ của toàn thể nhân loại.

(Trích từ Những bài giáo huấn về Đức Maria, bản dịch tiếng Việt của Cha Giuse Phan Tấn Thánh, OP.)

ĐỨC MẸ LỘ ĐỨC

Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

Mẹ Maria đã hiện ra nhiều nơi, nhiều lần trên thế giới để kêu gọi con người ăn năn sám hối và năng lần hạt Mân Côi. Tại Lộ Đức miền Tây Nam nước Pháp, Mẹ Maria đã hiện ra cả thảy 18 lần với Bernadette, một thiếu nữ nghèo hèn.

Mẹ hiện ra với Bernadette

Lộ Đức nằm dưới chân dẫy núi Pyrénées, miền Tây Nam nước Pháp là một điểm hành hương nổi tiếng nhất thế giới dù rằng nơi đây chỉ là một ngôi làng nhỏ bé hẻo lánh thuộc địa phận Tarbes. Từ ngày 11 tháng 2 đến ngày 16 tháng 7 năm 1858, Đức Trinh Nữ Maria đã hiện ra với Bernadette tất cả 18 lần. Mỗi lần Đức Mẹ hiện ra, Người đều khuyên Bernadette hãy siêng năng lần hạt và làm việc đền tội thay cho các người tội lỗi, yếu đuối. Đức Mẹ còn yêu cầu người ta hãy xây cất cho Ngài một ngôi thánh đường ở Lộ Đức để dâng kính Mẹ. Bernadette đã nhìn thấy Đức Mẹ nhiều lần, nhưng các trẻ em khác thì không được diễm phúc nhìn thấy Mẹ Maria. Ngày 1 tháng 3  năm 1858, một phụ nữ đang mang thai nhúng cánh tay bại liệt của bà vào dòng nước mà Bernadette đã nghe lời Mẹ đào bới, bà đã được chữa lành một cách vô cùng kỳ lạ. Tin đồn này lan truyền khắp nơi. Người ta tuôn đến Lộ Đức càng ngày càng đông.

Thánh đường dành riêng cho Mẹ
được chấp thuận

Với những phép lạ diệu kỳ của Mẹ Maria, Bernadette đã trình với Cha sở Lộ Đức về những lần Mẹ hiện ra với em tại hang đá Lộ Đức. Cha sở lúc đó đã xin Bernadette hỏi tên Mẹ là gì. Ngày 25 tháng 3 năm 1858, Đức Mẹ hiện ra với Bernadette và em đã hỏi Đức Mẹ, Đức Trinh Nữ Maria đã mạc khải: ”Ngài là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội“. Cha Sở đã tin vào việc Đức Mẹ hiện ra với Bernadette tại Lộ Đức. Lộ Đức từ đó đã trở thành nơi hành hương cho toàn thể thế giới. Một ngôi thánh đường nguy nga đã được xây cất để dâng kính Mẹ Maria theo lời yêu cầu của Mẹ Maria Vô Nhiễm.

Đức Mẹ chữa lành nhiều bệnh nhân
và ban cho nhiều người
ơn quay trở về với Chúa

Tại Lộ Đức, Đức Mẹ với tấm lòng yêu thương dạt dào đã chữa lành biết bao bệnh nhân tật nguyền với biết bao loại bệnh khác nhau và ban cho nhiều người ơn ăn năn sám hối. Từ 1 tháng 3 năm 1858 có hằng hà sa số người đã tới Lộ Đức để xin Đức Mẹ chữa lành, tắm suối nơi dòng nước Bernadette đã tìm ra. Trong số 5.000 phép lạ chữa lành, Hội Thánh đã công nhận 65 vụ được khỏi bệnh là những phép lạ thật do lòng xót thương của Đức Mẹ. Đức thánh Cha Lêô XIII đã ban phép cho một vài miền được mừng kính lễ Đức Mẹ Lộ Đức và vào năm 1908, Đức Giáo Hoàng Piô X đã phổ biến lễ này trong toàn Giáo Hội.

Lạy Thiên Chúa từ bi nhân hậu, ngày hôm nay chúng con kính nhớ Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội là Thánh Mẫu của Con Một Chúa, xin nhận lời Đức Mẹ chuyển cầu mà ban ơn trợ lực giúp chúng con là những kẻ yếu hèn được thoát vòng tội lỗi.
(nguồn: simonhoadalat.com).

Thánh Đa Minh

Thánh Louis Marie De Montfort

Việc sùng kính kinh Mân Côi được thiết lập một cách lạ lùng như thế, cũng giống như cách thức mà Thiên Chúa Toàn Năng đã thực hiện ở núi Sinai, khi ban lề luật của Ngài cho thế gian, đã rõ ràng chứng tỏ giá trị và tầm mức quan trọng của kinh Mân Côi.

Được cảm hứng bởi Thánh Linh và được hướng dẫn bởi Mẹ Đồng Trinh, cộng với kinh nghiệm bản thân, thánh Đa Minh đã rao giảng kinh Mân Côi cho đến hơi thở cuối cùng của ngài.

Ngài rao giảng kinh Mân Côi bằng gương sáng cũng như bằng lời giảng, trong các phố xá cũng như ở các thôn làng, cho cả kẻ sang cũng như người hèn, trước các học giả và cả thành phần thất học, cho người Công giáo lẫn người lạc đạo.

Kinh Mân Côi mà thánh nhân lần hằng ngày là để dọn từng bài giảng một, và cũng là để nghỉ ngơi tâm sự với Đức Mẹ ngay sau bài giảng.

Một ngày kia, thánh nhân phải giảng ở nhà thờ Đức Bà Ba-Lê, và ngày đó lại là ngày lễ thánh Gioan Tông Đồ. Ngài đang cầu kinh Mân Côi để dọn bài giảng, ở đằng sau bàn thờ trong nhà nguyện nhỏ, theo thói quen của mình, thì Đức Mẹ hiện ra với ngài mà nói:

“Đa Minh con, mặc dù điều con đang định giảng rất hay, song Mẹ mang đến cho con một bài giảng còn hay hơn nữa kìa.”

Thánh Đa Minh đưa hai tay nhận cuốn sách mà Đức Mẹ muốn trao cho ngài, cẩn thận đọc bài giảng, và sau khi hiểu được bài giảng, ngài suy niệm bài giảng, rồi cám ơn Đức Mẹ.

Đến giờ, thánh nhân lên toà giảng, và, mặc dù hôm đó là ngày lễ thánh Gioan, ngài không hề đề cập đến thánh Gioan, mà lại nói rằng thánh Gioan đã xứng đáng được chọn để làm hộ vệ cho Nữ Vương Thiên Quốc. Cử tọa bấy giờ toàn là các thần học gia và thành phần nổi tiếng thường có thói quen nghe những bài diễn văn ngoại hạng và sâu sắc; nhưng thánh Đa Minh lại bảo họ rằng ngài không muốn giảng cho họ một bài giảng cao sâu, thâm thúy theo thế gian, song ngài sẽ giảng theo sự đơn thành như Chúa Thánh Linh soi sáng.

Thế là thánh nhân bắt đầu giảng về kinh Mân Côi và cắt nghĩa từng chữ kinh Kính Mừng như thể giảng dạy cho một đám trẻ con, và dùng những thí dụ rất đơn sơ được chứa đựng trong cuốn sách mà Đức Mẹ đã trao cho ngài.

Carthagena, một đại học giả, khi tích lại lời của chân phước Alan de la Roche trong cuốn “De Dignitate Psalterii”, đã trình thuật lại sự việc này như sau:

“Chân phước Alan viết rằng một hôm thánh Đa Minh nói với ngài trong một thị kiến: ‘Hỡi con, giảng dạy thì tốt; nhưng nguy hiểm ở việc luôn tìm kiếm lời khen tặng hơn là phần rỗi các linh hồn. Hãy nghe cho kỹ điều đã xẩy ra cho cha ở Ba-Lê để con có thể đề phòng sự lầm lẫn này. Bấy giờ cha đang giảng ở trong một đại thánh đường được cung hiến cho Thánh Nữ Maria, và cha háo hức đặc biệt muốn giảng một bài giảng nẩy lửa, không hẳn là vì kiêu hãnh, cho bằng là vì cử tọa toàn là thành phần đại trí thức.

“Trước khi giảng một tiếng, cha thinh lặng để đọc kinh Mân Côi, như cha luôn có thói quen như vậy trước khi giảng, rồi ngất trí đi. Cha thấy Mẹ Thiên Chúa dấu yêu của cha tiến đến với cha, trên tay cầm một quyển sách. Mẹ nói: ‘Đa Minh, bài giảng của con hôm nay thực sự rất hay, nhưng dù nó có hay mấy đi nữa, Mẹ cũng mang đến cho con một bài giảng còn hay hơn nữa kìa’.

“Dĩ nhiên là cha hết sức vui mừng, nhận lấy cuốn sách và đọc từng chữ một. Đúng y như Đức Mẹ nói, cha đã thấy được đúng những điều cần phải giảng, và cha hết lòng cám ơn Đức Mẹ.

“Đến giờ khai mạc, cha thấy cả một lực lượng hùng hậu của đại học Ba-Lê cùng với một số đông tai to mặt lớn. Tất cả đã từng chứng kiến và nghe thấy những điều cao cả mà Chúa nhân lành đã làm qua cha. Thế là cha lên toà giảng.

“Hôm đó là ngày lễ thánh Gioan Tông Đồ, nhưng tất cả những gì cha nói về ngài là ngài xứng đáng được chọn làm vị hộ vệ của Nữ Vương Thiên Quốc. Bấy giờ, cha ngỏ lời với cử tọa rằng:

“’Quí vị lãnh đạo và quí vị tiến sĩ đại học thân mến, quí vị thường có thói quen nghe những bài giảng uyên thâm mới thích hợp với mức độ thưởng thức của quí vị. Giờ đây, tôi lại không muốn nói với quí vị bằng ngôn ngữ thức giả theo tầm mức khôn ngoan của loài người, mà, ngược lại, tôi muốn chứng tỏ cho quí vị thấy Thần Linh của Thiên Chúa và sự cao cả của Ngài.’

Hết phần trích dẫn theo chân phước Alan trên đây, Carthagena tiếp tục góp ý của mình:

“Bấy giờ thánh Đa Minh cắt nghĩa Lời Chào của Thiên Thần cho họ nghe, bằng những so sánh và ví dụ thực tiễn trong đời sống thường nhật.

Theo Carthagena, chân phước Alan có đề cập đến một vài lần khác Chúa và Đức Mẹ hiện ra với thánh Đa Minh thúc giục và phấn khích ngài rao giảng kinh Mân Côi hơn nữa, để tẩy trừ tội lỗi và hối cải các tội nhân cũng như các người lạc đạo.

Ở một đoạn khác, Carthagena viết: “Chân phước Alan nói rằng Đức Mẹ đã tỏ cho ngài là sau khi Người hiện ra với thánh Đa Minh, Con Chí Thánh của Người cũng hiện ra với thánh nhân mà phán: ‘Hỡi Đa Minh, Ta vui mừng thấy con không cậy dựa vào sự khôn ngoan bản thân hay tìm kiếm những lời khen tặng hão huyền của loài người, mà là nhắm vào phần rỗi của các linh hồn bằng một đức khiêm nhượng cao cả.

“’Thế nhưng, có nhiều vị linh mục lại muốn giảng gắt gao về những tội lỗi ghê gớm nhất ngay khi chúng vừa chớm phát, đã không ý thức được rằng, trước khi người bệnh được cắt thuốc đắng cho uống họ cần phải dọn lòng trí cẩn thận mới có lợi cho họ.

“’Đó là lý do tại sao trước khi làm bất cứ điều gì, các linh mục phải cố gắng gợi lên trong con người ta một lòng yêu cầu nguyện, đặc biệt là lòng yêu Thánh Vịnh Thiên Thần của Ta. Một khi người ta bắt đầu và bền lòng đọc lời kinh này, Thiên Chúa sẽ khó lòng mà từ chối ban ơn cho họ theo lòng nhân từ của Ngài. Do đó, Ta muốn con rao giảng về kinh Mân Côi.’“

Ở một chỗ khác, chân phước Alan viết:

“Các linh mục thường đọc một kinh Kính Mừng với giáo hữu trước khi giảng để xin ơn Chúa. Các ngài làm như vậy là vì Đức Mẹ đã dạy thánh Đa Minh điều đó. ‘Hỡi con, có một lần Mẹ nói với thánh nhân, đừng ngạc nhiên khi thấy bài giảng của con không mang lại kết quả như con mong muốn. Con đang cầy sới một mảnh đất bị hạn hán. Khi Thiên Chúa định canh tân mặt đất, Ngài bắt đầu bằng việc làm mưa xuống từ trời, và đó là tượng trưng cho Lời của Thiên Thần Chào Mẹ. Thiên Chúa đã tái tạo thế giới là như vậy.’

“’Do đó, khi rao giảng, con hãy thúc giục người ta đọc kinh Mân Côi của Mẹ, và dùng cách này, lời giảng sẽ mang lại lợi ích cho các linh hồn.’

“Thánh Đa Minh nghe lời Đức Mẹ liền, và từ bấy giờ, các bài giảng của ngài có một tác động cả thể.”

Câu trích dẫn cuối cùng này được trích ra từ cuốn “Sách Về Phép Lạ của Kinh Mân Côi” (bằng tiếng Ý) và cũng được thấy ở trong các bản văn của Justin (bài giảng 143d).

Tôi rất hân hạnh trích dẫn từ các tác giả danh tiếng này từng câu, từng chữ một bằng tiếng Latinh, vì lợi ích cho quí linh mục hay cho các bậc học giả, nếu quí vị còn ngờ vực về quyền lực thần diệu của kinh Mân Côi. Chừng nào quí linh mục theo gương thánh Đa Minh rao giảng lòng sùng kính kinh Mân Côi, bấy lâu lòng đạo hạnh và nhiệt thành còn tiến triển khắp nơi trên thế giới Kitô giáo và trong các dòng tu tôn sùng kinh Mân Côi của các ngài. Tuy nhiên, vì người ta bỏ bê không màng tới tặng vật trời ban cho này mà tất cả mọi giống tội và hư đốn đã lan tràn ngập lụt.

(Bí Mật Kinh Mân Côi, bông hồng 3, bản dịch tiếng Việt của Đa Minh Cao Tấn Tĩnh).

 

NHỮNG KINH NGUYỆN MÂN CÔI

Thánh Louis Marie De Montfort

Kinh Mân Côi gồm có hai phần: tâm nguyện và khẩu nguyện. Tâm nguyện của kinh Mân Côi không là gì khác ngoài sự suy ngắm các mầu nhiệm chính về đời sống, sự chết và vinh quang của Chúa Giêsu Kitô và Mẹ Thánh của Người. Khẩu nguyện của kinh Mân Côi ở tại việc đọc 15 chục kinh Kính Mừng, mỗi chục được bắt đầu bằng một kinh Lạy Cha, và trong khi đọc chục kinh thì suy ngắm cũng như chiêm ngắm 15 nhân đức chính yếu mà Chúa Giêsu và Mẹ Maria đã thực thi nơi 15 mầu nhiệm kinh Mân Côi.

Chúng ta tôn kính và suy ngắm 5 mầu nhiệm vui ở 50 kinh đầu, 5 mầu nhiệm thương ở 50 kinh thứ hai, và 5 mầu nhiệm mừng ở 50 kinh thứ ba.

Như thế, kinh Mân Côi là một hòa hợp thánh hảo giữa tâm nguyện và khẩu nguyện mà chúng ta thực hiện để tôn kính cũng như để học theo những mầu nhiệm và nhân đức của Chúa Giêsu và Mẹ Maria trong cuộc sống, sự chết và vinh quang của các Ngài.

(Bí Mật Kinh Mân Côi, bông hồng 1, bản dịch tiếng Việt của Đa Minh Cao Tấn Tĩnh).


[1] Đoạn văn này chứa đựng cả một nền thần học về ơn cứu rỗi của người ngoại đạo. Chúa Thánh Thần đã dàn xếp để cho ông Simêon (tín đồ Do thái) được gặp gỡ Chúa Cứu Thế, nghĩa là được cứu rỗi. Đức Thánh Cha muốn mở rộng nhãn giới họat động của Chúa Thánh Thần: Ngài đã khơi lên trong tâm hồn của biết bao nhiêu người lòng khao khát được cứu rỗi, nghĩa là lòng khao khát được gặp gỡ Chúa Cứu Thế. Cũng chính Chúa Thánh Thần tạo điều kiện để cho lòng khao khát ấy được toại nguyện. Xc. Hiến chế Vui mừng và Hy vọng, số 22; GLCG số 851-852.

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment