TRANG HỌC TẬP
ĐỨC MARIA TRONG MỐI TƯƠNG QUAN VỚI CHÚA BA NGÔI
Đức Gioan Phaolô II
Đức Thánh Cha bình giảng chương VIII của Hiến chế Ánh sáng muôn dân, với những lời dẫn nhập đề cao mối tương quan với Thiên Chúa Ba Ngôi: “Thân mẫu của Con, ái nữ của Chúa Cha, đền thờ Thánh Thần”. Chính mối tương quan này là nguồn gốc sự cao sang của Đức Maria. Tuy nhiên, những tước vị ấy nằm trong kế hoạch mặc khải tình thương của Thiên Chúa đối với loài người, vì thế nên cũng đặt Đức Maria gần gũi với chúng ta.
1.- Chương VIII của Hiến chế về Hội thánh đã chỉ mầu nhiệm Đức Kitô như là điểm quy chiếu cần thiết cho Thánh-mẫu-học. Những lời mở đầu của chương này thật là đầy ý nghĩa: “Vì Thiên Chúa rất mực khoan dung và thượng trí đã muốn thực hiện việc cứu chuộc nhân loại, nên vào thời viên mãn Ngài đã sai Con Mình đến, sinh bởi người nữ… ngõ hầu chúng ta lãnh nhận ơn làm nghĩa tử” (Gl 4,4-5) (HT 52). Con của Chúa chính là Đấng Mêsia mà dân Cựu ước ngóng trông, được Chúa Cha sai đến vào lúc quyết liệt của lịch sử, tức là “tới thời viên mãn” (Gl 4,4), trùng với việc Con Chúa giáng sinh vào thế giới chúng ta do một người phụ nữ. Đấng đã đưa Con hằng hữu của Thiên Chúa vào thế giới loài người không thể nào tách rời khỏi Vị được đặt vào trung tâm của kế hoạch mà Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử.
Chức thủ lãnh của Đức Kitô đã được biểu lộ trong Hội thánh, nhiệm thể của Người: thực vậy trong Giáo hội “các tín hữu gắn bó với Đức Kitô là nguyên thủ và hiệp thông với tất cả các thánh của Người” (xc. HT 52). Chính Đức Kitô đã thu hút hết mọi người đến với mình. Do chức phận làm mẹ hằng kết hiệp khắng khít với Con mình, Đức Maria đã góp phần vào việc quy hướng cặp mắt và con tim của các tín hữu tới Đức Kitô.
Đức Maria là con đường dẫn tới Đức Kitô: thực vậy, Đấng mà lúc thiên sứ Truyền tin “đã đón nhận Lời của Thiên Chúa vào con tim và thân thể của mình” (HT 53) thì cũng chỉ tỏ cho chúng ta thấy cách đón nhận vào cuộc đời chúng ta Chúa Con từ trời xuống, dạy cho chúng ta biết đặt Chúa Giêsu làm trung tâm và là “quy luật” tối cao trong cuộc sống của chúng ta.
2.- Đồng thời Đức Maria cũng giúp cho chúng ta khám phá ra ở cội nguồn của toàn thể công trình cứu độ là tác động chủ tể của Chúa Cha, Đấng đã kêu gọi tất cả mọi người trở thành dưỡng tử trong Con Một của Người. Khi nhắc đến những lời tuyệt tác của thư gởi Êphêsô: “Thiên Chúa giàu lòng lân tuất, do tình yêu vô biên mà Người đã yêu chúng ta, đang lúc chúng ta còn chết cho tội lỗi, thì Người đã cho chúng ta sống lại với Đức Kitô”(Ep 2,4), Công đồng đã gán cho Thiên Chúa tước hiệu là “Đấng rất mực khoan dung”: như vậy Người Con “được sinh bởi người nữ” đã xuất hiện như là hoa trái của lòng khoan dung của Chúa Cha và cho hiểu rõ hơn rằng người Nữ đó là “mẹ của lòng khoan dung”.
Cùng trong mạch văn đó, Công đồng đã gọi Thiên Chúa là Đấng “rất mực thượng trí”, ra như gợi lên cho chúng ta mối dây khắng khít giữa Đức Maria và sự cao minh của Thiên Chúa đã muốn cho Đức Trinh nữ làm mẹ theo chương trình huyền diệu của Người.
3.- Bản văn của Công đồng cũng nhắc tới mối dây đặc biệt liên kết Đức Maria và Chúa Thánh Thần, khi dùng những lời của tín biểu Nixêa Constantinôpôlis mà chúng ta đọc trong phụng vụ Thánh lễ: “vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi, Người đã từ trời xuống thế; bởi phép Đức Chúa Thánh Thần Người đã nhập thể trong lòng Đức Trinh nữ Maria”.
Khi phát biểu đức tin hằng cửu của Hội thánh, Công đồng nhắc nhở cho chúng ta biết cuộc Nhập thể kỳ diệu của Chúa Con đã diễn ra trong cung lòng của Trinh nữ Maria không do sự hợp tác của người nam nhưng là do quyền năng của Chúa Thánh Thần.
Như vậy, những lời mở đầu của chương VIII Hiến chế về Hội thánh đã cho thấy chiều kích Chúa Ba Ngôi là một nét căn bản của Thánh mẫu học. Thực vậy, tất cả đã diễn ra do ý định của Chúa Cha, Đấng đã sai Con mình vào thế gian, bày tỏ Người cho nhân loại và đặt Người làm đầu của Hội thánh và trung tâm của lịch sử. Đây là một kế hoạch được hoàn tất trong cuộc Nhập thể, công trình của Chúa Thánh Thần, nhưng cũng do sự cộng tác tất yếu của một người nữ, Đức Trinh nữ Maria, và như thế Người đã trở nên một thành phần của kế hoạch thông ban Chúa Ba Ngôi cho nhân loại.
4.- Tương quan của Đức Maria với Ba Ngôi còn được lặp lại qua những lời chính xác khi mô tả mối tương quan của Thân mẫu Chúa với Hội thánh: “Người đã được trao tặng chức vụ và phẩm giá là Thân mẫu của Con Thiên Chúa, và vì thế trở thành ái nữ của Chúa Cha và Đền thờ của Chúa Thánh Thần” (HT 53).
Tước phẩm căn bản của Đức Maria là “Thân mẫu Con Thiên Chúa”, được đạo lý và phụng tự Kitô giáo diễn đạt với tước hiệu là “Thân mẫu Thiên Chúa”.
Đây là một tước hiệu phi thường, bày tỏ sự hạ mình của Con một Thiên Chúa trong cuộc Nhập thể của Người, và gắn liền với sự tự hạ là đặc ân cao quý trao tặng cho một thụ tạo được gọi sinh ra Ngôi Lời về xác thịt.
Là Mẹ của Chúa Con, Đức Maria là “ái nữ của Chúa Cha” một cách độc nhất vô nhị. Mối tình mẹ của Người có thể so sánh phần nào với tình Cha của Thiên Chúa.
Ngoài ra, tuy dù mỗi Kitô hữu là “Đền thờ Chúa Thánh Thần” theo như lời tông đồ Phaolô đã nói (1Cr 6,19), nhưng lời khẳng định đó mang một ý nghĩa khác thường nơi Đức Maria: thực vậy, ở nơi Người mối tương quan với Chúa Thánh Thần đã được tô điểm với chiều kích hôn ước. Tôi đã nhắc lại điểm này trong thông điệp Thân mẫu Đấng Cứu thế: “Chúa Thánh Thần đã ngự xuống ở trên Người, và Người đã trở thành hiền thê trung tín vào lúc truyền tin, khi đón tiếp Lời của Thiên Chúa thật” (số 26)[1].
5.- Mối tương quan đặc biệt của Đức Maria với Chúa Ba Ngôi đã mang lại cho Người một tước phẩm vượt xa trên mối tương quan của các thụ tạo khác. Công đồng đã nói tới điều đó một cách minh thị như sau: do “hồng ân siêu việt” Đức Maria đã vượt xa hết mọi loài thụ tạo” (HT 53). Tuy vậy, phẩm tước cao vời đã không ngăn cản Đức Maria trở thành liên đới với từng người chúng ta, thực vậy, Hiến chế Ánh sáng muôn dân nói tiếp như sau: “Người đã liên kết, trong dòng dõi Ađam, với tất cả những người cần được ơn cứu rỗi” và Người “đã được cứu chuộc một cách tuyệt vời nhờ vào công trạng của Con mình”.
Chúng ta thấy rõ ý nghĩa chính xác của những đặc ân ban cho Đức Maria và của những mối tương quan đặc biệt với Chúa Ba Ngôi: những đặc ân đó nhằm biến Người trở nên xứng đáng cộng tác vào việc cứu rỗi nhân loại. Vì thế sự cao cả vô biên của Thân mẫu Chúa là một hồng ân của tình thương mà Chúa dành cho tất cả mọi người. Khi tuyên xưng Người là “kẻ có phúc” (Lc 1,48), mọi thế hệ tuyên dương những “kỳ công” (Lc 1,49) mà Đấng Toàn năng đã thực hiện nơi Người nhằm tới toàn thể nhân loại khi Chúa “nhớ lại lòng khoan dung” (Lc 1,54).
(Trích từ Những bài huấn giáo về Đức Maria, bản dịch tiếng Việt của Cha Giuse Phan Tấn Thành, OP.).
MẸ MARIA LÀ MẪU GƯƠNG CỦA GIÁO HỘI
VATICAN. Trong buổi tiếp kiến chung hơn 80 ngàn tín hữu hành hương sáng ngày 23-10-2013, ĐTC Phanxicô diễn giải về đề tài: Mẹ Maria mẫu gương của Giáo Hội, và ngài nhắn nhủ các tín hữu noi gương tin tưởng của Mẹ Maria giữa những khó khăn, gương yêu thương tuyệt vời như Mẹ, đối xử với nhau như anh chị em, và sống kết hiệp với Chúa Giêsu.
Huấn dụ của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến, chào anh chị em
“Tiếp tục bài giáo lý về Giáo Hội, hôm nay tôi muốn nhìn lên Đức Mẹ Maria như hình ảnh và mẫu gương của Giáo Hội. Tôi lấy lại một kiểu nói của Công Đồng chung Vatican 2. Hiến Chế Lumen Gentium, Ánh sáng muốn dân, khẳng định: “Như thánh Ambrosio đã dạy, Mẹ Thiên Chúa là hình ảnh của Giáo Hội về đức tin, đức mến và sự kết hiệp hoàn hảo với Chúa Kitô” (n. 63).
1. Chúng ta đi từ khía cạnh thứ nhất: Mẹ Maria như mẫu gương đức tin. Theo nghĩa nào Mẹ Maria là mẫu gương đức tin của Giáo Hội? Chúng ta hãy nghĩ xem Đức Trinh Nữ Maria là ai: là một thiếu nữ Do Thái, hết lòng mong đợi ơn cứu chuộc dân tộc của mình. Nhưng trong tâm hồn người thiếu nữ Israel ấy có một bí mật mà chính Mẹ chưa biết: theo ý định tình thương của Thiên Chúa, Mẹ được tiền định trở thành Mẹ Đấng Cứu Chuộc. Trong lúc Truyền Tin, Sứ thần của Thiên Chúa gọi Mẹ là “Người đầy ơn phúc” và tỏ lộ cho Mẹ dự án ấy. Mẹ Maria thưa “xin vâng” và từ lúc ấy đức tin của Mẹ Maria nhận được ánh sáng mới: đức tin tập trung vào Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa nhận lấy xác thể từ Mẹ và nơi Chúa, mọi lời hứa của toàn thể lịch sử cứu độ được viên mãn. Đức tin của Mẹ Maria là sự viên mãn niềm tin của Israel, nơi Mẹ có tập trung trọn con đường của dân tộc trong đức tin, mong đợi ơn cứu chuộc, và theo nghĩa đó Mẹ là mẫu gương đức tin của Giáo Hội, có trọng tâm là Chúa Kitô, Đấng là hiện tình thương vô biên của Thiên Chúa.
ĐTC đặt câu hỏi:
“Và Mẹ Maria đã sống niềm tin ấy như thế nào? Thưa Mẹ đã sống niềm tin ấy trong sự đơn sơ giữa hàng ngàn công việc bận rộn hằng ngày của mỗi bà mẹ, như chăm lo lương thực, quần áo, chăm sóc nhà cửa… Chính cuộc sống bình thường của Đức Mẹ là môi trường diễn ra quan hệ đặc thù và một cuộc đối thoại sâu xa giữa Mẹ và Thiên Chúa, giữa Mẹ và Chúa Con. Lời “xin vâng” của Mẹ Maria, vốn đã hoàn hảo ngay từ đầu, tăng trưởng cho đến giờ thập giá. Tại đó tình mẫu tử của Mẹ càng mở rộng, ấp ủ mỗi người chúng ta, đời sống chúng ta, để hướng dẫn chúng ta đến cùng Chúa Con. Mẹ Maria luôn sống chìm đắm trong mầu nhiệm Thiên Chúa làm người, như người môn đệ đầu tiên và hoàn hảo của Chúa, suy gẫm mọi sự trong tâm hồn dưới ánh sáng của Thánh Linh, để hiểu và thực hành trọn thánh ý Thiên Chúa.
“Chúng ta có thể tự hỏi: chúng ta có để cho mình được đức tin của Đức Maria, Mẹ chúng ta, soi sáng hay không? Hay là chúng ta nghĩ Mẹ xa xăm và quá khác biệt với chúng ta? Trong những lúc khó khăn, thử thách, đen tối, chúng ta có nhìn lên Mẹ như mẫu gương tín thác nơi Thiên Chúa, Đấng luôn luôn mong muốn và chỉ muốn điều thiện cho chúng ta mà thôi?
2. Bước sang điểm thứ hai: Mẹ Maria là mẫu gương đức mến. Mẹ Maria là mẫu gương sống động về đức mến như thế nào cho Giáo Hội? Chúng ta hãy nghĩ đến thái độ sẵn sàng của Mẹ đối với bà chị họ Elisabeth. Khi viếng thăm bà, Đức Trinh Nữ Maria không những chỉ mang đến một sự trợ giúp vật chất, nhưng còn mang Chúa Giêsu, đang sống trong lòng Mẹ. Mang Chúa Giêsu đến nhà ấy có nghĩa là mang niềm vui, niềm vui trọn vẹn. Bà Elisabeth và ông Zacaria vui mừng vì có thai, một điều dường như không thể xảy ra được ở tuổi già của họ, nhưng chính thiếu nữ Maria đã mang cho ông bà niềm vui tràn đầy, niềm vui đến từ Chúa Giêsu và từ Chúa Thánh Linh và biểu lộ trong tình bác ái nhưng không, trong sự chia sẻ, tương trợ, cảm thông lẫn nhau.
Đức Mẹ cũng muốn mang đến cho tất cả chúng ta, hồng ân cao cả là Chúa Giêsu, và cùng với Ngài Mẹ mang tình thương, an bình và niềm vui của Mẹ. Giáo Hội cũng vậy: giống như Mẹ Maria. Giáo Hội không phải là một cửa tiệm, một cơ quan từ thiện, không phải là một tổ chức phi chính phủ, Giáo Hội được sai đi mang Chúa Kitô và Tin Mừng của Chúa đến cho mọi người. Giáo Hội không mang chính mình, nhưng mang Chúa Giêsu. Và Giáo Hội phải như Mẹ Maria, khi Mẹ đi viếng bà chị họ Elisabeth. Mẹ mang gì? Thưa mang Chúa Giêsu. Đây là điểm trung tâm của Giáo Hội: mang Chúa Giêsu. Giả sử Giáo Hội không mang Chúa Giêsu nữa, thì đó là một Giáo Hội chết!
Còn chúng ta thì sao? Đâu là tình thương mà chúng ta mang đến cho tha nhân? Đó có phải là tình yêu của Chúa Giêsu, Đấng chia sẻ, tha thứ, tháp tùng, hay là một thứ tình yêu bị hóa loãng? Khi người ta làm loãng rượu, thì nó giống như nước? Phải chăng tình yêu chúng ta giống như thế, hoặc tình yêu lúc mạnh lúc yếu theo thiện cảm, tìm kiếm sự đáp trả? Một tình yêu vụ lợi. Nhưng thử hỏi: Chúa Giêsu có muốn tình yêu vụ lợi hay không? Tình yêu phải là một tình yêu nhưng không, như tình yêu của Chúa. Đâu là những quan hệ trong các giáo xứ, các cộng đoàn của chúng ta? Chúng ta có đối xử với nhau như anh chị em hay không? Hay là chúng ta đoán xét, nói xấu nhau, mỗi người chỉ chăm lo “mảnh vườn riêng” của mình?
3. Và tôi nói vắn tắt về khía cạnh cuối cùng: Mẹ Maria là mẫu gương sự kết hiệp với Chúa Kitô. Đời sống của Đức Trinh Nữ rất thánh là đời sống của một phụ nữ trong dân của Ngài; cầu nguyện, làm việc, đi đến Hội đường… Nhưng mỗi hành động luôn được thi hành trong sự kết hiệp hoàn hảo với Chúa Giêsu. Sự kết hiệp này đạt tới tột đỉnh trên đồi Canvê: tại đây Mẹ Maria kết hiệp với Con trong cuộc tử đạo nội tâm, và trong sự dâng hiến cuộc sống cho Chúa Cha để cứu độ nhân loại. Đức Mẹ đã đón nhận sự đau khổ của Con làm của mình và cùng với Chúa Con đã chấp nhận thánh ý Chúa Cha, trong sự vâng phục mang lại hoa trái, mang lại chiến thắng đích thực trên sự ác và sự chết.
Thực tại mà Mẹ Maria dạy chúng rất là đẹp: luôn sống kết hiệp với Chúa Giêsu. Chúng ta có thể tự hỏi: phải chăng chúng ta chỉ nhớ đến Chúa Giêsu khi có điều gì không ổn và chúng ta cần một cái gì đó, hoặc chúng ta có một tương quan liên lỷ, một tình bạn sâu xa, cả khi phải theo Chúa trên con đường thập giá?
Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta ân thánh, sức mạnh của Ngài để trong cuộc sống chúng ta và trong đời sống của mỗi cộng đoàn Giáo Hội có phản ánh mẫu gương của Đức Maria, Mẹ Giáo Hội.
G. Trần Đức Anh, OP (vietcatholic)
NGÀY LỄ TRUYỀN TIN
1. Việc chọn ngày lễ
Lễ Truyền Tin được kính vào ngày 25 tháng 3, tức là 9 tháng trước lễ Giáng Sinh, là khoảng thời gian Đức Mẹ cưu mang Chúa Giêsu.
Lễ này trước kia được mừng kính ở Giáo hội Đông phương với tước hiệu lễ “Ngôi Lời nhập thể” từ khoảng năm 550. Giáo hội Rôma mãi đến thế kỷ thứ 7 mới chấp nhận thánh lễ này.
Ngày nay, Lịch Phụng vụ Rôma lấy lại danh xưng “Lễ Truyền Tin” vì có lý do chính đáng, nhưng trước sau vẫn là lễ chung của Đức Kitô và Đức Trinh Nữ: Lễ của Ngôi Lời làm “con Đức Trinh nữ” và lễ Đức trinh nữ là “Mẹ Thiên Chúa”.
Ngay từ đời đời, Thiên Chúa đã có ý định tái lập tất cả những gì đã hư mất bởi tội lỗi, và phác họa một công trình cứu chuộc mà Chúa Kitô là trung tâm, với sự cộng tác cần thiết của một người nữ thánh thiện. Cả hai sẽ là Adong và Evà mới thay thế cho Adong và Evà cũ đã phạm tội.
Người nữ ấy không ai khác hơn là Mẹ Maria, Đấng đầy ân phúc, trổi vượt hơn mọi phụ nữ. Mẹ đã được tiên báo qua lời hứa tại vườn Địa đàng xưa :”Ta sẽ đặt mối thù giữa mi và người nữ. Người sẽ đạp nát đầu mi, còn mi sẽ rình cắn gót chân Người”(St 3,15). Mẹ đã được chọn làm Evà mới thực hiện lời hứa xưa kia tại vườn Địa Đàng.
2. Quang cảnh Truyền tin
Trong toàn bộ Thánh Kinh, chỉ có Tin mừng theo thánh Luca (1,26-38) ghi lại biến cố truyền tin. Sứ thần Gabriel đến với một thiếu nữ đã đính hôn tên là Maria tại làng Nazareth để loan báo tin vui về việc hạ sinh Đấng Được Xức Dầu được đợi trông từng bao đời. Sứ thần loan tin cho thiếu nữ: “Này đây, bà sẽ thụ thai và hạ sinh một con trai, và bà sẽ đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao”.
Tin báo này làm Đức Maria ngỡ ngàng, vì Ngài đã quyết chí giữ đức khiết tịnh. Sứ thần đã giải thích về cách thức Thiên Chúa sẽ làm cho sự kiện mang thai lạ lùng xẩy ra :”Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không có thể”.
Mặc dù đã có lời trấn an của sứ thần, nhưng chắc chắn Đức Maria cũng hoảng hốt vì Ngài không biết đến việc vợ chồng. Tuy nhiên, Maria đã can đảm và suy phục thánh ý Chúa nên đã thưa với sứ thần: ”Này tôi là nữ tỳ Thiên Chúa, xin hãy làm trọn nơi tôi điều sứ thần truyền”.
Sau câu trả lời dứt khoát của Maria, Ngôi Lời đã nhập thể làm người và Maria đã trở thành Mẹ Thiên Chúa.
(Trích từ Lm Giuse Đinh Lập Liễm, Lễ Truyền Tin – một đời xin vâng; nguồn: simonhoadalat.com).
[1] Mối liên hệ của Đức Maria với Chúa Thánh Thần được bàn rộng ở Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 721-726.