Nội San Kinh Mân Côi Số Tháng 04-2015

TRANG CHUYÊN ĐỀ

 

HỌC HỎI VỀ THÀNH THỰC SÙNG KÍNH MẸ

1- Thành thực sùng kính Mẹ Maria là gì?

Trong cuốn “Thành thực sùng kính Mẹ Maria”, đoạn 61 và 62, thánh Montfort đã nói đến ý nghĩa việc thành thực sùng kính Mẹ Maria như sau:
“Trong mọi cách tôn sùng, kính bái, người ta phải nhằm vào Chúa Giêsu như vật đích cốt cán và chính yếu. Thiếu điều kiện này, những việc kia là vô hiệu lực, vì Chúa Giêsu phải là ‘thủy chung mọi sự vật’. Như Người đã phán: ‘Ta là thủy chung mọi sự’ (Kh 1,8)…

“Dưới gầm trời, chỉ có tên Giêsu mới có thể cứu vãn được chúng ta. Giêsu là nền tảng vững chắc Thiên Chúa đã đặt để xây dựng phần rỗi, trọn lành, thánh thiện và hạnh phúc chúng ta. Ngôi nhà nào không được xây dựng trên tảng đá vững chắc này, là nhà xây trên đống cát và sẽ bị sụp đổ. Ai không liên kết với Chúa Giêsu như ngành liên kết với cây thì khô héo đi và bị thiêu đốt trong lửa hỏa hào. Ngoài Chúa Giêsu, người ta chỉ thấy sai lạc, giả dối, bất công, chết chóc và hình phạt đời đời.

“Trái lại, nếu chúng ta sống động trong Chúa Giêsu và Chúa Giêsu sống động trong chúng ta, thì không có lý do gì đáng lo ngại cho phần rỗi nữa. Dù các thiên thần trên trời, các người dưới thế, các ma quỷ trong hoả ngục, hay bất cứ một loài thọ sinh nào khác cũng không thể làm hại được chúng ta, vì không loài nào có thể làm cho chúng ta mất lòng kính mến Thiên Chúa trong Chúa Giêsu. Nhờ Chúa Giêsu, với Chúa Giêsu và trong Chúa Giêsu, chúng ta sẽ được liên kết mật thiết với Chúa Thánh Thần để làm vinh danh Đức Chúa Cha, để làm cho chúng ta nên trọn lành, nên hương hoa xông tỏa mùi thơm tho sự sống bất diệt cho anh em ta.

“Theo nguyên tắc nói trên, người ta có thể kết luận rằng: Sự tôn sùng Mẹ Maria chẳng qua chỉ là một phương pháp tiện lợi và hữu hiệu để nhân loại tìm đến với Chúa Giêsu và tôn thờ Người cách hoàn hảo hơn. Giả như sự tôn sùng này làm ngăn trở bước đường tiến tới Chúa Giêsu, thì chúng ta phải cương quyết tẩy chay ngay lập tức và coi như là việc ma quỷ bày đặt! Nhưng đâu phải thế! Chúng ta cần phải tôn sùng Mẹ Maria để nhờ đó, có thể dễ dàng tìm đến với Chúa Giêsu, thiết tha yêu mến và hết dạ làm tôi Người mà thôi”.

2- Theo cuốn “Hồi Ký Lucia”, Mẹ Maria đã nói gì với 3 Thiếu Nhi Fatima về việc sùng kính Mẹ?

Theo cuốn “Hồi Ký Lucia”, Mẹ Maria đã tỏ cho 3 Thiếu Nhi Fatima biết về việc sùng kính Mẹ như sau:
Trước hết, vào lần hiện ra thứ hai, 13-6-1917, Mẹ nói với Lucia về sự liên hệ mật thiết giữa Trái Tim Mẹ với cuộc sống của Lucia: “Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ sẽ là nơi cho con nương náu và là đường đưa con đến với Thiên Chúa”, rồi ngay sau đó Mẹ đã tỏ cho các em thấy Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ bị vòng gai quấn chung quanh đâm vào. Như thế, việc sùng kính Mẹ Maria ở tại việc tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, một Trái Tim vô tội song đầy đau thương vì bị vòng gai tội lỗi loài người đâm vào cần phải được Rước Lễ Đền Tạ vào các Thứ Bảy Đầu Tháng như Mẹ xin.
Sau nữa, cũng vào lần hiện ra thứ hai trên đây, trước khi Mẹ cho Thiếu Nhi Fatima Lucia biết về mối liên hệ mật thiết giữa cuộc sống của chị với Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, Mẹ đã cho chị biết thêm về ơn gọi và sứ mệnh riêng đặc biệt của chị, đó là: “Chúa Giêsu muốn dùng con để làm cho Mẹ được nhận biết và yêu mến”. Như thế, căn cứ vào câu nói của Mẹ này, 3 suy luận cần được nêu lên: thứ nhất, việc sùng kính Mẹ Maria không phải chỉ là một việc tôn sùng cá nhân mà là một việc tôn sùng chung; thứ hai, việc tôn sùng Mẹ Maria đây chính là việc nhận biết và yêu mến Mẹ; và thứ ba, việc tôn sùng Mẹ Maria còn đòi hỏi việc truyền bá lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ.

3- Tại sao Thiên Chúa muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trên thế giới?

Vào lần hiện ra thứ ba, 13-7-1917, sau khi đã cho 3 Thiếu Nhi Fatima được thị kiến thấy hỏa ngục, Mẹ Maria đã tỏ cho các em biết sự liên hệ cấp thiết và không thể tách rời giữa phần rỗi đời đời của các linh hồn cũng như giữa vận mệnh thế giới với lòng tôn sùng Trái Tim Mẹ, khi Mẹ long trọng công bố ý định của Thiên Chúa là: “Các con vừa thấy hỏa ngục, nơi các linh hồn tội nhân khốn nạn rơi vào. Để cứu các tội nhân khốn nạn, Thiên Chúa muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trên thế giới. Nếu điều Mẹ nói với các con được thực hiện thì nhiều linh hồn sẽ được cứu rỗi và sẽ có hòa bình”.

Như thế, Thiên Chúa muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trên thế giới là vì Ngài muốn cứu các tội nhân khốn nạn đồng thời Ngài cũng muốn cứu thế giới cho khỏi bị diệt vong. Thật ra, Thiên Chúa đã cứu thế gian nơi chính Con của Ngài, Đấng đã “đến để hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều người” (Mt 20,28) rồi. Tuy nhiên, trong thời điểm mà lòng đạo đã và đang “trở nên nguội lạnh” (Mt 24,12) của chung thế kỷ 20, để có thể lãnh nhận ơn cứu độ của Ngài nơi Giáo Hội Con Ngài qua việc lãnh nhận các Bí Tích Thánh, con người văn minh càng tân tiến càng tội lỗi, hơn bao giờ hết, lại cần phải được Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria bù đắp, chở che và cầu bầu cho họ trước Thiên Chúa là Cha.

4- Thiên Chúa muốn thiết lập lòng sùng kính Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trên thế giới như thế nào?

Cũng vào lần hiện ra thứ ba, 13-7-1917, sau khi tiết lộ cho 3 Thiếu Nhi Fatima biết hai phần đầu của Bí Mật Fatima là nhiều linh hồn tội nhân đáng thương bị sa hỏa ngục, và ý định của Thiên Chúa muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trên thế giới là để cứu các tội nhân, Mẹ đã tỏ cho 3 Thiếu Nhi Fatima biết cách thức hay đường lối Thiên Chúa sẽ dùng và muốn dùng để thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ. Đó là việc hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ: “Mẹ sẽ đến để xin hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ”. Và thực sự Mẹ đã đến vào ngày 13-6-1929 với chị Lucia ở thành Tuy bên nước Tây Ban Nha mà báo động: “Đã đến lúc Thiên Chúa xin Đức Thánh Cha hiệp với tất cả các giám mục trên thế giới để hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, nhờ thế Ngài hứa cứu Nước Nga”.

Như thế, nếu ngày xưa Thiên Chúa đã tỏ mình cho dân ngoại qua Dân Do Thái ra sao, thì trong thế kỷ 20 này, Ngài cũng muốn tỏ mình cho thế giới qua trường hợp Nước Nga như vậy. Ở chỗ, như hiện tượng mặt trời nhảy múa trong ngày 13-10-1917 Mẹ đã làm là để cho mọi người thời đó và thuộc vùng đó tin việc Mẹ hiện ra ở Fatima thế nào, thì hiện tượng Nước Nga, nơi phát xuất chế độ cộng sản duy vật vô thần, trở lại cũng là việc làm cho thế giới nhận biết và yêu mến Mẹ Maria như vậy. Mà nhận biết và yêu mến Mẹ là gì, nếu không phải là thành thực tôn sùng Mẹ.

Thật thế, cũng vào lần hiện ra thứ ba, 13-7-1917, Mẹ Maria còn cho 3 Thiếu Nhi Fatima biết về tác dụng của việc Thiên Chúa muốn Giáo Hội Con Ngài, tiêu biểu là Đức Thánh Cha và hàng giáo phẩm thế giới, hiến dâng Nước Nga cho Mẹ để Ngài có thể nhờ đó thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trên thế giới, khi Mẹ nói: “Nếu những điều Mẹ yêu cầu được lắng nghe thì Nước Nga sẽ trở lại và sẽ có hòa bình”.

Bởi thế, việc Nước Nga trở lại không phải chỉ là việc Thiên Chúa làm cho một mình dân Nga nhận biết và yêu mến Mẹ Maria thôi, mà còn làm cho cả thế giới nhận biết và yêu mến Mẹ nữa, khi họ hoan hưởng một nền hoà bình được ban cho họ, ngoài tầm tay và lòng mong ước của họ nếu Nước Nga không được chính Thiên Chúa toàn năng làm cho trở lại. Và một khi Mẹ Maria được thế giới nhận biết và yêu mến, dù chỉ là một số nhỏ ở khắp nơi khi thấy hiện tượng Nước Nga trở lại mầu nhiệm này, cũng đủ để Thiên Chúa thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội trên thế giới rồi vậy.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL (tnfatima.org)

 

ĐỨC MARIA,
MẸ CỦA VIỆC TÂN PHÚC ÂM HOÁ

ĐGH Phanxicô

284. Cùng với Chúa Thánh Thần, Đức Maria luôn luôn hiện diện giữa dân [Chúa]. Ngài cùng với các môn đệ cầu nguyện để xin Chúa Thánh Thần ngự đến (Cv 1,14) và nhờ đó diễn ra cuộc bùng phát truyền giáo vào ngày lễ Ngũ Tuần. Đức Maria là Mẹ của Hội Thánh truyền giáo, và không có Mẹ, chúng ta không bao giờ có thể thực sự hiểu rõ tinh thần của cuộc tân phúc âm hoá.

Món quà của Chúa Giêsu cho dân của Ngài

285. Trên thánh giá, khi đang chịu đựng nơi thân thể mình cuộc hội ngộ đầy kịch tính giữa tội của thế gian và lòng thương xót của Thiên Chúa, Đức Giêsu có thể cảm nhận được sự hiện diện đầy an ủi của Mẹ và các bạn của Ngài dưới chân thánh giá. Vào giờ phút quyết định ấy, trước khi hoàn tất công trình mà Cha đã giao phó cho Ngài, Đức Giêsu nói với Đức Maria: “Thưa Bà, đây là con của Bà”. Rồi ngài nói với người bạn dấu yêu của Ngài: “Đây là mẹ của anh” (Ga 19,26-27). Những lời này của Đức Giêsu trong cơn hấp hối chủ yếu không phải là để bày tỏ lòng tôn sùng và quan tâm đối với Mẹ của Ngài; đúng hơn, đó là một công thức của mặc khải để tỏ lộ mầu nhiệm của một sứ mạng cứu rỗi đặc biệt. Đức Giêsu trối lại cho chúng ta Mẹ của Ngài. Chỉ sau khi làm xong việc này, Đức Giêsu biết rằng “bây giờ mọi sự đã hoàn tất” (Ga 19,28). Dưới chân thập giá, vào giờ phút tột đỉnh này của cuộc tạo dựng mới, Đức Kitô đưa chúng ta đến với Đức Maria. Ngài đưa chúng ta đến với Mẹ vì Ngài không muốn chúng ta đi trên đường đời mà không có một người mẹ, và dân của chúng ta đọc được nơi hình ảnh từ mẫu này tất cả các mầu nhiệm của Tin Mừng. Đức Kitô không muốn rời Hội Thánh mà không để lại biểu tượng này của tình mẫu tử. Là người đã đem Đức Giêsu vào thế gian với một đức tin tuyệt vời, Mẹ Maria cũng đồng hành với “những người còn lại trong dòng dõi bà, là những người tuân theo các điều răn của Thiên Chúa và giữ lời chứng của Ðức Giêsu” (Kh 12,17). Mối liên kết mật thiết giữa Đức Maria, Hội Thánh và từng tín hữu, dựa trên sự kiện mỗi người sinh ra Đức Kitô theo cách riêng của mình, đã được Chân Phước Isaac Stella diễn tả thật tuyệt vời: “Trong Sách Thánh được linh hứng, những gì được nói về người trinh nữ làm mẹ theo một nghĩa phổ quát là Hội Thánh, đều được hiểu theo một nghĩa đặc thù là Trinh Nữ Maria… Tương tự, mỗi Kitô hữu cũng được gọi là hiền thê của Lời Thiên Chúa, là mẹ của Đức Kitô, là con gái và em gái của Ngài, vừa đồng trinh vừa đông con cái… Đức Kitô đã ở chín tháng trong nhà tạm cung lòng của Đức Maria. Ngài ở trong nhà tạm đức tin của Hội Thánh cho tới ngày tận thế. Ngài sẽ ở mãi mãi trong sự hiểu biết và tình yêu của mỗi linh hồn tín hữu”.

286. Đức Maria đã có thể biến cái chuồng bò lừa thành một mái ấm cho hài nhi Giêsu, với những mảnh tã nghèo nàn và một tình yêu thương chan chứa. Mẹ là nữ tỳ của Cha để ca hát tán tụng Cha. Mẹ là người bạn luôn luôn quan tâm để cuộc đời chúng ta không thiếu rượu. Mẹ là người phụ nữ có trái tim bị lưỡi gươm đâm thâu và đồng cảm với những nỗi đau của chúng ta. Là mẹ của mọi người, Mẹ là dấu hiệu hi vọng cho các dân tộc đang quặn đau để sinh ra công lý. Mẹ là người truyền giáo đến gần chúng ta và đồng hành với chúng ta suốt dòng đời, dùng tình mẫu tử để mở lòng chúng ta ra đón nhận đức tin. Là người mẹ thực sự, mẹ đi bên cạnh chúng ta, chia sẻ các phấn đấu của chúng ta và hằng bao bọc chúng ta bằng tình thương của Thiên Chúa. Bằng nhiều tước hiệu khác nhau, thường gắn liền với các đền đài của Mẹ, Mẹ Maria chia sẻ lịch sử của mỗi dân tộc đã đón nhận Tin Mừng và trở thành một phần của căn tính lịch sử của dân tộc ấy. Nhiều cha mẹ Kitô hữu xin cho con cái họ được rửa tội tại một đền Đức Mẹ, để biểu lộ niềm tin của họ vào tình từ mẫu của Mẹ, tình từ mẫu sinh ra các con cái mới cho Thiên Chúa. Tại nhiều đền thờ Đức Mẹ, chúng ta có thể thấy Mẹ Maria tập họp đông đảo các con cái Mẹ, những người con hết sức cố gắng hành hương đến đó để được nhìn thấy Đức Mẹ và được Đức Mẹ nhìn thấy mình. Tại đây họ tìm được sức mạnh Thiên Chúa ban để chịu đựng những vất vả mệt nhọc và những đau khổ trong cuộc sống. Như Mẹ an ủi Thánh Juan Diego, Mẹ cũng ban cho họ niềm an ủi và tình thương từ mẫu, và thì thầm vào tai họ: “Con đừng lo lắng… Không phải Mẹ của con đang ở đây sao?”

Ngôi Sao của cuộc tân phúc âm hoá

287. Chúng ta xin Mẹ của Tin Mừng sống chuyển cầu để lời mời gọi này cho một giai đoạn mới của việc loan báo Tin Mừng được toàn thể cộng đồng Hội Thánh đón nhận. Đức Maria là người phụ nữ đầy đức tin, sống và tiến bước trong đức tin, và “cuộc lữ hành đức tin phi thường của Mẹ biểu thị một điểm qui chiếu cho Hội Thánh”. Đức Maria để mình được Chúa Thánh Thần hướng dẫn trong hành trình đức tin hướng tới sứ mạng phục vụ và sinh hoa kết quả. Ngày nay chúng ta hướng về Mẹ và xin Mẹ giúp chúng ta loan báo sứ điệp cứu độ cho mọi người và giúp những người mới trở thành môn đệ đến lượt họ cũng trở thành những người loan báo Tin Mừng. Trên con đường loan báo Tin Mừng này, chúng ta sẽ gặp những lúc khô khan, tăm tối và cả mệt mỏi. Bản thân Đức Maria đã từng trải nghiệm những thử thách này trong những năm tuổi thơ của Đức Giêsu tại Nadarét: “Đây là khởi đầu của Tin Mừng, tin mừng hân hoan. Tuy nhiên, không khó để nhận thấy nơi khởi đầu ấy một sự nặng nề đặc biệt của trái tim, gắn liền với một thứ đêm tối đức tin-những từ được Thánh Gioan Thánh Giá sử dụng-một thứ ‘màn che’ mà qua đó chúng ta phải đến gần Đấng Vô Hình và sống trong sự thân mật với mầu nhiệm. Và đây chính là cách mà Đức Maria trong suốt nhiều năm đã sống trong sự thân mật với mầu nhiệm Con của ngài, và tiến bước trong cuộc lữ hành đức tin của ngài”.

288. Công cuộc loan báo Tin Mừng của Hội Thánh có một phong cách “Maria”. Mỗi khi nhìn lên Đức Mẹ, chúng ta một lần nữa tin vào bản chất cách mạng của tình thương và sự dịu dàng. Nơi Mẹ ta thấy rằng lòng khiêm nhường và dịu dàng không phải là nhân đức của những kẻ yếu đuối, nhưng của những người mạnh không cư xử tồi tệ với người khác để cảm thấy mình là quan trọng. Chiêm ngắm Đức Maria, chúng ta nhận ra rằng ngài là người từng ca ngợi Thiên Chúa vì “đã hạ bệ những kẻ quyền thế” và “đuổi người giàu có trở về tay trắng” (Lc 1,52-53) cũng là người đem đến một hơi ấm gia đình cho cuộc theo đuổi công lý của chúng ta. Ngài cũng là người cẩn thận “ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19). Đức Maria có khả năng nhận ra những dấu vết của Thần Khí Thiên Chúa trong những sự kiện lớn cũng như nhỏ. Mẹ liên lỷ chiêm ngắm mầu nhiệm Thiên Chúa trong thế giới chúng ta, trong lịch sử nhân loại và trong đời sống thường ngày của chúng ta. Mẹ là người phụ nữ cầu nguyện và lao động ở Nadarét, và cũng là Đức Bà Phù Giúp, rời làng mình một cách “vội vã” (Lc 1,39) để đi phục vụ người khác. Sự giao thoa này giữa công bằng và nhân hậu, giữa chiêm niệm và lo cho người khác, là cái làm cho cộng đồng Hội Thánh nhìn lên Đức Mẹ như là mẫu gương cho việc loan báo Tin Mừng. Chúng ta nài xin sự chuyển cầu từ mẫu của Mẹ để Hội Thánh có thể trở thành một mái ấm cho nhiều dân tộc, một người mẹ cho mọi dân tộc, và mở đường để một thế giới mới có thể được sinh ra. Chính Đức Kitô phục sinh đã nói với chúng ta với một quyền năng làm chúng ta tràn trề tin tưởng và hi vọng: “Này đây Ta đổi mới mọi sự” (Kh 21,5). Với Đức Mẹ, chúng ta tin tưởng tiến bước về sự hoàn thành lời hứa này…”

(Trích Tông huấn Niềm Vui của Tin Mừng, Bản dịch tiếng Việt của UBLBTM trực thuộc HĐGMVN, các số 284-288)

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment