TRANG HỌC TẬP
ĐỨC NỮ TRINH MARIA VÀ GIÁO HỘI
Để hiểu rõ tương quan giữa Đức Maria và Giáo Hội, BBT xin giới thiệu trích đăng nguyên văn các số 60-65 của Chương VIII trong Hiến chế Tín lý về Giáo Hội (Lumen Gentium) của Công đồng Vatican II.
Ðức Kitô, Ðấng trung gian độc nhất
và Mẹ Maria
Chúng ta chỉ có một Ðấng Trung Gian duy nhất, như lời Thánh Tông Ðồ dạy: “Thực vậy, chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, và chỉ có một Ðấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa với nhân loại, đó là Chúa Giêsu Kitô, là Người, đã dâng mình làm giá chuộc mọi người” (1 Tm 2,5-6). Nhưng vai trò làm mẹ của Ðức Maria đối với loài người không làm lu mờ hay giảm bớt vai trò trung gian duy nhất của Chúa Kitô chút nào, trái lại còn làm sáng tỏ mãnh lực của sự trung gian ấy. Vì mọi ảnh hưởng có sức cứu rỗi của Ðức Nữ Trinh trên nhân loại không phát sinh từ một sự cần thiết khách thể nào, nhưng từ ý định nhân lành của Thiên Chúa, và bắt nguồn từ công nghiệp dư tràn của Chúa Kitô. Ảnh hưởng ấy nương tựa và hoàn toàn tùy thuộc vào sự trung gian của Chúa Kitô, nguồn mạch mọi quyền lực của ảnh hưởng đó. Nhưng ảnh hưởng này không làm cản trở gì, trái lại còn giúp đỡ các tín hữu kết hiệp trực tiếp với Chúa Kitô.
Cộng tác vào việc cứu chuộc
Từ muôn đời, Ðức Nữ Trinh đã được tiền định làm Mẹ Thiên Chúa cùng một lúc với việc nhập thể của Ngôi Lời Thiên Chúa. Và theo chương trình của Chúa Quan Phòng, trên trần gian Ngài đã trở nên Mẹ cao trọng của Ðấng Cứu Chuộc thần linh, và cách đặc biệt hơn mọi người khác, Ngài là cộng sự viên quảng đại và tôi tá khiêm hạ của Chúa. Vì đã cưu mang, sinh hạ và nuôi dưỡng Chúa Kitô, đã dâng Chúa Kitô lên Chúa Cha trong đền thánh và cùng đau khổ với Con mình chết trên thập giá, Ðức Maria đã cộng tác cách rất đặc biệt vào công trình của Ðấng Cứu Thế, nhờ lòng vâng phục, nhờ đức tin, đức cậy và đức ái nồng nhiệt, để tái lập sự sống siêu nhiên cho các linh hồn. Bởi vậy, trên bình diện ân sủng, Ngài thật là Mẹ chúng ta.
Vai trò tùy thuộc trong việc cứu rỗi
Nhưng trong nhiệm cuộc ân sủng, Ðức Maria luôn tiếp tục thiên chức làm mẹ, từ khi Ngài tin tưởng ưng thuận trong ngày Truyền Tin – sự ưng thuận mà Ngài đã không ngần ngại giữ vững bên thập giá – cho tới lúc vĩnh viễn hoàn tất việc cứu rỗi mọi người được tuyển chọn. Thật vậy, sau khi về trời, vai trò của Ngài trong việc cứu độ không chấm dứt, nhưng Ngài vẫn tiếp tục liên lỉ cầu bầu để đem lại cho chúng ta những ân huệ giúp chúng ta được phần rỗi đời đời. Với tình từ mẫu, Ngài chăm sóc những anh em của Con Ngài đang lữ hành trên dương thế và đang gặp bao nguy hiểm, thử thách, cho đến khi họ đạt tới hạnh phúc quê trời. Vì thế, trong Giáo Hội, Ðức Nữ Trinh được kêu cầu qua các tước hiệu: Trạng Sư, vị Bảo Trợ, Ðấng Phù Hộ và Ðấng Trung Gian. Tuy nhiên phải hiểu các tước hiệu ấy thế nào để không thêm bớt gì vào vinh dự và quyền năng của Ðấng Trung Gian duy nhất.
Thực vậy, không bao giờ có thể đặt một tạo vật ngang hàng với Ngôi Lời nhập thể và cứu chuộc; nhưng cũng như chức linh mục của Chúa Kitô được thông ban dưới nhiều hình thức cho các thừa tác viên và các giáo dân, và cũng như sự tốt lành duy nhất của Thiên Chúa được ban phát nhiều cách cho các tạo vật, thì sự trung gian duy nhất của Ðấng Cứu Thế không những không loại bỏ mà còn khuyến khích các thụ sinh cộng tác, trong sự tùy thuộc vào nguồn mạch duy nhất.
Vai trò tùy thuộc ấy của Ðức Maria, Giáo Hội không ngần ngại tuyên xưng, mà luôn nghiệm thấy, và nhắn nhủ các tín hữu ghi nhớ trong lòng để nhờ sự nâng đỡ và phù hộ từ mẫu của Ngài, họ gắn bó mật thiết hơn với Ðấng Trung Gian và Cứu Thế.
Maria trinh nữ
và người mẹ là mẫu mực của Giáo Hội
Ðức Trinh Nữ nhờ ân huệ và sứ mệnh làm Mẹ Thiên Chúa, nhờ đó Ngài được hiệp nhất với Con là Ðấng Cứu Chuộc, và nhờ các ơn và nhiệm vụ đặc biệt khác, Ngài còn kết hiệp mật thiết với Giáo Hội, như thánh Ambrosiô đã dạy, Mẹ Thiên Chúa là mẫu mực của Giáo Hội trên bình diện đức tin, đức ái và hiệp nhất hoàn hảo với Chúa Kitô. Thực vậy, trong mầu nhiệm Giáo Hội, chính Giáo Hội cũng được gọi cách hợp pháp là Mẹ và Trinh Nữ, Ðức Nữ Trinh Maria đi tiên phong, tỏ ra là một người mẹ và một trinh nữ gương mẫu tuyệt vời và hiếm có. Vì, bởi lòng tin và vâng phục, Ngài đã sinh chính Con Chúa Cha nơi trần gian, mà không hề biết đến người nam, nhưng được Chúa Thánh Thần bao phủ. Như một Evà mới, Ngài đã đặt niềm tin vào sứ giả của Thiên Chúa, chứ không đặt vào con rắn xưa, một niềm tin không bị một nghi ngờ nào làm phai nhạt. Nhưng Người Con mà Ngài đã sinh ra, Thiên Chúa đã đặt làm Trưởng Tử trong nhiều anh em (x. Rm 8,29), nghĩa là các tín hữu, mà Ngài cộng tác vào việc sinh hạ và giáo dục với tình thương của một người mẹ.
Giáo Hội là trinh nữ và là mẹ
Tuy nhiên, khi chiêm ngưỡng sự thánh thiện kỳ bí và noi gương đức ái của Ðức Maria, và khi trung thành chu toàn thánh ý Chúa Cha, Giáo Hội cũng được làm mẹ nhờ lời Thiên Chúa mà Giáo Hội trung thành lãnh nhận: thực vậy, nhờ việc rao giảng và ban phép Thánh Tẩy, Giáo Hội sinh hạ những người con được thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần và sinh ra do Thiên Chúa để họ lãnh nhận một đời sống mới và bất diệt. Giáo Hội cũng là trinh nữ đã giữ gìn toàn vẹn và tinh tuyền lòng trung nghĩa đã hiến cho Phu Quân; và noi gương Mẹ Chúa mình, nhờ thần lực của Thánh Thần, Giáo Hội bảo tồn cho tinh tuyền một đức tin toàn vẹn, một đức cậy bền vững và một đức mến chân thành.
Giáo Hội phải bắt chước
nhân đức của Mẹ Maria
Tuy nhiên, Giáo Hội, qua con người của Ðức Nữ Trinh, đã đạt tới sự toàn thiện làm cho mình nên thanh sạch và vẹn tuyền (x. Ep 5,27), nhưng Kitô hữu vẫn còn phải cố gắng chiến thắng tội lỗi để tiến trên đường thánh thiện. Vì thế, họ ngước mắt nhìn lên Ðức Maria là một mẫu gương nhân đức sáng ngời cho toàn thể cộng đoàn những người được chọn. Nhờ thành kính tưởng nhớ Ðức Maria và chiêm ngưỡng Ngài dưới ánh sáng của Ngôi Lời nhập thể, Giáo Hội cung kính tiến sâu hơn vào mầu nhiệm cao thẳm, tức là mầu nhiệm nhập thể, và nên giống Phu Quân mình ngày một hơn. Thực vậy, Ðức Maria đã mật thiết gắn liền với lịch sử cứu rỗi, và có thể nói là Ngài đã qui tụ và phản chiếu nơi mình những đòi hỏi cao cả nhất của đức tin, và khi các tín hữu nghe rao giảng về Ngài và tôn sùng Ngài, họ được Ngài mời gọi đến kết hiệp với hy lễ của Con Ngài và yêu mến Chúa Cha. Phần Giáo Hội càng tìm kiếm vinh quang Chúa Kitô càng nên giống Khuôn Mẫu cao cả của mình, nhờ luôn tiến tới trong đức tin, đức cậy, đức mến, và tìm kiếm cùng vâng theo thánh ý Thiên Chúa trong mọi sự. Do đó, trong công cuộc tông đồ, Giáo Hội có lý để nhìn lên Ðấng đã sinh Chúa Kitô là người được thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần và được Ðức Nữ Trinh sinh ra để, nhờ Giáo Hội, cũng sinh ra và lớn lên trong lòng các tín hữu. Ðời sống của Ðức Nữ Trinh là một gương sáng của tình mẫu tử thắm thiết. Tình mẫu tử ấy phải là động lực của tất cả những ai cộng tác vào sứ mệnh tông đồ của Giáo Hội để tái sinh nhân loại.
ĐỨC MẸ ĐỨNG GẦN BÊN THÁNH GIÁ
Thánh Bênađô
Cuộc tử đạo của Đức Trinh Nữ Maria, chúng ta biết được là nhờ lời tiên báo của ông già Simêon, cũng như chính bài tường thuật sự thương khó của Chúa. Về Hài Nhi Giêsu, ông già nói rằng: Cháu sẽ là dấu hiệu bị người đời chống báng, còn bà, ông nói với Đức Maria: bà sẽ bị nát ruột nát gan như bị lưỡi gươm đâm thâu.
Vậy lạy Mẹ diễm phúc, một lưỡi gươm đã đâm thâu lòng Mẹ. Lưỡi gươm ấy không thể đâm thâu vào thân con của Mẹ, mà một trật không đâm thâu lòng Mẹ. Thật đúng, Chúa Giêsu, Con của Mẹ tuy là của tất cả mọi người, nhưng đặc biệt là riêng của Mẹ; sau khi trút hơi thở cuối cùng, Người đã không bị lưỡi gươm tàn bạo đâm thâu lòng. Lưỡi gươm đó không tha người đã chết mà nó không làm hại được nữa, nó đã mở sườn Người ra; nhưng chính lúc đó, nó lại đâm thâu lòng Mẹ.
Linh hồn của Người chắc chắn không còn đó nữa, nhưng tâm hồn của Mẹ không tránh đâu được. Lòng Mẹ đã bị đau khổ đâm thâu, vì vậy, chúng con thật có lý do mà tuyên bố rằng Mẹ còn hơn các vị tử đạo, bởi vì nỗi đau do việc Mẹ cùng chịu khổ chắc chắn đã vượt quá sự đau khổ trong thân xác. Câu: Thưa Bà, đây là con Bà, đối với Mẹ, chẳng còn hơn một lưỡi gươm và đã chẳng đâm thâu lòng Mẹ cùng đạt tới chỗ phân cách tâm với linh sao?
Ôi cuộc trao đổi kỳ lạ! Thánh Gioan đã được trao cho Mẹ để thế chỗ Chúa Giêsu. Người tôi tớ thế chỗ chủ, người môn đệ thế chỗ thầy, con ông Dêbêđê thế chỗ Con Thiên Chúa, một người phàm thay vì Thiên Chúa thật. Làm sao nghe lời này, lòng Mẹ đầy âu yếm không bị đâm thâu, trong lúc chúng con, dù lòng chai đá mà chỉ nhớ tới lời đó thôi, cùng cảm thấy lòng mình tan nát?
Thưa anh em, anh em đừng ngạc nhiên khi Đức Maria được gọi là một vị tử đạo trong tâm hồn. Có ngạc nhiên chẳng là kẻ quên lời thánh Phaolô rằng một trong những tội tày trời của dân ngoại là vô tâm bạc tình. Một tội như thế thật xa lạ đối với lòng dạ Đức Maria. Ước gì tội đó cũng xa lạ đối với các tôi tớ mọn hèn của Mẹ.
Biết đâu có kẻ chẳng nói: nào Mẹ không biết trước Chúa Giêsu phải chết sao? Dĩ nhiên là biết. Nào Mẹ chẳng hy vọng Người sẽ sống lại sao? Dĩ nhiên, với tất cả lòng tin. Và dù vậy, Người cũng đau khổ khi thấy con mình bị đóng đinh, phải thế không? Phải, và đau khổ ghê gớm. Này người anh em, bạn là ai?
Khôn ngoan của bạn ở đâu mà bạn lại ngạc nhiên vì Đức Maria còn chịu thương khó hơn là vì Đức Giêsu, Con của Người chịu thương khó? Về phần xác, con của Mẹ đã chết, còn Mẹ, Mẹ đã chẳng chết trong tâm hồn với con sao? Chính tình thương đã khiến Chúa Giêsu chịu thương khó, và không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của Người. Và kể từ đây, không có tình thương nào sánh nổi với tình thương đã khiến Đức Maria cùng chịu thương khó với Con của Người.
(Trích bài giảng của thánh Bênađô, viện phụ; Bài đọc 2, Kinh Sách, Lễ Đức Mẹ Sầu Bi, 15/9).
THÁNH GIÁ LÀ VINH QUANG CỦA CHÚA KITÔ
THÁNH GIÁ NÂNG NGƯỜI LÊN CAO
Thánh Anrê, giám mục Cơrêta
Hôm nay, chúng ta mừng lễ thánh giá; thánh giá đã xua tan bóng tối và đem lại ánh sáng. Chúng ta mừng lễ thánh giá, và cùng với Đấng bị đóng đinh, chúng ta được đưa lên cao. Vì thế, chúng ta hãy từ bỏ trần gian và tội lỗi để được những của trên trời. Có được thánh giá là điều lớn lao biết mấy! Ai có thánh giá là có một kho tàng. Tôi vừa dùng chữ kho tàng để chỉ điều người ta gọi, và sự thực là như thế, đó là của tốt nhất và đẹp nhất trong mọi của cải, vì trong đó, nhờ đó mà tất cả điều cốt yếu cho ơn cứu độ chúng ta được tạo lập và phục hồi.
Quả vậy, nếu không có thánh giá, thì Chúa Kitô cũng đã không bị đóng đinh, sự sống cũng đã không bị đóng đinh vào cây gỗ và nguồn mạch trường sinh, máu cùng nước thanh tẩy thế giới cũng không vọt ra từ bên sườn Người, văn khế tội nợ cũng đã không bị xé, chúng ta cũng đã không được đón nhận tự do, cũng không được hưởng nhờ cây ban sự sống, thiên đàng cũng không được mở ra. Nếu không có thánh giá thì sự chết cũng đã không bị quật ngã, hoả ngục cũng đã không bị tước đoạt vũ khí.
Vậy thánh giá vừa cao cả, vừa quý báu. Cao cả, vì thánh giá đã sinh ra nhiều ơn ích, bởi lẽ Chúa Kitô càng làm nhiều phép lạ và chịu đau khổ bao nhiêu thì Người lại càng chiến thắng lẫy lừng hơn bấy nhiêu. Quý báu, vì thánh giá vừa là sự đau khổ, vừa là chiến tích của Thiên Chúa. Là sự đau khổ, vì Người đã tự nguyện chết trên đó; là chiến tích, bởi vì ma quỷ đã bị trọng thương và bị đánh bại ở đó, thần chết cũng đã bị thua cùng với nó; then sắt hoả ngục đã bị đập tan và thánh giá trở thành nguồn ơn cứu độ cho toàn thế giới.
Thánh giá là vinh quang của Chúa Kitô, thánh giá nâng Người lên cao. Thánh giá là chén đắng Người khát khao, là bảng thâu tóm mọi cực hình Người đã chịu vì chúng ta. Thánh giá là vinh quang của Chúa Kitô, điều ấy, anh em đã nghe chính Người nói: Giờ đây Con Người được tôn vinh và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người. Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình. Vậy lạy Cha, giờ đây xin Cha tôn vinh Con bên Cha. Xin Cha ban cho Con vinh quang mà Con đã được hưởng bên Cha trước khi có thế gian. Lạy Cha, xin tôn vinh danh Cha. Bấy giờ có tiếng từ trời vọng xuống: Ta đã tôn vinh danh Ta, Ta sẽ còn tôn vinh nữa. Điều ấy ám chỉ vinh quang Người sẽ được trên thánh giá.
Thánh giá nâng Chúa Kitô lên cao, anh em biết đó, điều ấy là do chính Người nói ra: Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ lôi kéo mọi người lên với tôi. Bạn thấy đó: thánh giá là vinh quang của Chúa Kitô, thánh giá nâng Người lên cao.
(Trích bài giảng của thánh Anrê, giám mục Cơrêta; Bài đọc 2, Kinh Sách, Lễ Suy tôn Thánh Giá, 14/9).
BÔNG HỒNG ĐỎ TẶNG CÁC TỘI NHÂN
Thánh Louis Marie Grignion de Montfort
Thưa quí ông, quí bà tội nhân, tôi, một tội nhân còn hơn cả quí vị, mong được trao đến quí vị bông hồng này, (một bông hồng đỏ thẫm vì Máu châu báu của Chúa chúng ta đã nhỏ xuống nó. Xin Thiên Chúa làm cho nó mang lại hương thơm chân thật cho cuộc đời của quí vị), nhưng, trên tất cả, mong nó cứu quí vị khỏi hiểm nguy mà quí vị đang vướng mắc. Hằng ngày những kẻ không tin tưởng gì và những tội nhân không biết hối cải kêu lên: “Chúng ta hãy đội triều thiên cho mình bằng những bông hồng” (Kn 2,8). Nhưng, những tiếng kêu của chúng ta phải là: “Chúng ta hãy đội triều thiên cho chúng ta bằng những bông hồng của Kinh Mân Côi thánh”.
Bông hồng của họ và của chúng ta khác nhau biết bao! Bông hồng của họ là thỏa mãn nhục thể, là vinh quang trần thế, là phú quí mau qua sẽ tàn héo và hư hoại bất cứ lúc nào, trong khi, bông hồng của chúng ta là Kinh Lạy Cha và Kinh Kính Mừng mà chúng ta đọc đi đọc lại cách sốt sắng, với những tác động thật tình thống hối, sẽ không bao giờ bị tàn phai hay bị hủy hoại, chúng còn bất hủ đến cả ngàn năm sau.
Ngược lại, bông hồng của các tội nhân giống như những bông hồng ở chỗ chúng là những gai nhọn cào cấu họ ở đời này, bằng những cơn quằn quại trong lương tâm, đâm vào họ giờ lâm tử, bằng những tiếc xót đắng cay, và, khốn nạn hơn nữa, chúng còn trở thành những mũi tên bừng bừng uất hận và thất vọng vô cùng ở đời sau. Còn, gai nơi bông hồng của chúng ta lại là những gai của Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã biến chúng trở thành những bông hồng. Nếu chúng ta bị bông hồng cào cấu thì cũng chỉ trong một thời gian ngắn mà thôi, với công hiệu là để chữa lành bệnh tật của tội lỗi chúng ta và để cứu rỗi các linh hồn.
Bởi thế, bằng mọi cách, chúng ta phải hứng khởi đội triều thiên cho mình bằng những bông hồng bởi trời và bằng cách hằng ngày lần hạt trọn bộ Kinh Mân Côi, với ba chuỗi 50, như ba chiếc nhẫn trạm trỗ nhỏ hay ba triều thiên hoa. Sau đây là hai lý do khiến cả tôi, chúng ta thực hành như vậy.
Thứ nhất, là để tôn vinh ba triều thiên của Chúa Giêsu và Mẹ Maria: Triều thiên ân sủng của Chúa Giêsu khi Người nhập thể, triều thiên gai nhọn khi Người tử nạn, và triều thiên vinh quang của Người trên trời, dĩ nhiên bao gồm cả triều thiên tam cấp mà Chúa Ba Ngôi Chí Thánh ban cho Mẹ Maria ở trên thiên đình.
Thứ hai, chúng ta phải lần hạt trọn bộ Kinh Mân Côi với ba chuỗi 50 là để chính chúng ta cũng nhận được ba triều thiên mà Chúa Giêsu và Mẹ Maria ban cho chúng ta. Triều thiên thứ nhất là triều thiên công nghiệp chúng ta lập được trong đời sống, triều thiên thứ hai là triều thiên an bình trong giờ lâm tử, và triều thiên thứ ba là triều thiên vinh hiển trên trời.
Nếu quí vị trung thành đọc Kinh Mân Côi cho đến giờ lâm tử, tôi cam đoan với quí vị là, dù tội lỗi của quí vị nặng đến đâu đi nữa, quí vị cũng sẽ nhận được triều thiên vinh quang không bao giờ phai tàn. Ngay cả khi quí vị đang cheo leo trên bờ vực thẳm hư đi đời đời, ngay cả khi một chân của quí vị đã lọt vào hỏa ngục, ngay cả khi quí vị đã bán linh hồn mình cho ma qủi là những tên phù thủy chuyên mê hoặc người ta bằng những xảo thuật của chúng, và ngay cả khi quí vị trở thành một kẻ lạc đạo cố chấp như ma qủi, không sớm thì muộn, quí vị cũng sẽ trở lại và sẽ cải thiện đời sống để cứu lấy linh hồn mình, nếu, phải, xin lưu ý kỹ điều tôi nói đây, nếu quí vị đọc Kinh Mân Côi thánh sốt sắng mỗi ngày cho tới khi chết, với mục đích là để nhận biết chân lý cũng như để thống hối và để tội lỗi của mình được thứ tha.
(Bí mật Kinh Mân Côi, Bản dịch tiếng Việt của Đa Minh Cao Tấn Tĩnh; nguồn: xuanha.net).