TRANG CHUYÊN ĐỀ
GIA ĐÌNH, CÁI NÔI CỦA SỰ SỐNG
1/ Cha mẹ, những người cộng tác với tình yêu của Thiên Chúa Tạo Hóa [1]
– Việc Thiên Chúa tạo dựng nên người nam và người nữ theo hình ảnh Người và như họa ảnh Người, là triều thiên đem lại sự trọn hảo cho công việc của tay Người. Người mời gọi họ dự phần đặc biệt vào tình yêu cũng như quyền năng của Người, là Đấng Tạo Hóa và là Cha, bằng việc cho họ được cộng tác cách tự do và có trách nhiệm để lưu truyền hồng ân sự sống của Người: Thiên Chúa đã chúc lành cho họ và phán bảo họ: “hãy sinh sôi nảy nở, nên đầy dẫy trên mặt đất và hãy bá chủ nó” (St 1,28).
Chính vì thế mà mục tiêu căn bản của gia đình là phục vụ cho sự sống, là thực hiện lời chúc lành của Thiên Chúa lúc khởi nguyên, thực hiện bằng việc thông truyền hình ảnh Thiên Chúa từ người nầy sang người khác trong hành động truyền sinh (St 5,1). Việc có con là kết quả và là dấu chỉ của tình yêu vợ chồng, là lời chứng sống động cho việc trao hiến trọn vẹn cho nhau giữa đôi bạn.
– Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong thông điệp Đấng Cứu Chuộc Con Người, số 14, đã viết: “Con người là một thực tại nhân linh độc nhất, vô song, vô tiền khoáng hậu, trong đó ảnh và hình của chính Thiên Chúa vẫn còn nguyên vẹn (St 1,27). Đấy chính là điều Công Đồng Vaticanô II đã nêu lên khi nói về hình ảnh đó và nhắc lại rằng: con người là tạo vật duy nhất ở trần gian được Thiên Chúa muốn, lựa chọn từ muôn thuở, được kêu mời và tiền định để lãnh nhận ân sủng và vinh quang”.
– Ngoài ra, hình ảnh của Thiên Chúa còn có thể được diễn tả qua chính việc sinh sản, làm cho mỗi gia đình trở nên một đền thờ của sự sống. Thánh Phaolô Tông đồ nói với chúng ta rằng: Thiên Chúa là nguồn mạch của mọi tình phụ tử và mẫu tử (x. Ep 3,14-15). Chính Người là cội nguồn cuối cùng của sự sống. Bởi vậy, có thể khẳng định rằng gia phả của mỗi người đều có cội rễ trong cõi đời đời [2].
2/ Cha mẹ cùng với Giáo Hội bênh vực sự sống [3]
– Chính vì tình yêu của đôi bạn là chính sự tham dự vào mầu nhiệm sự sống và tình yêu của chính Thiên Chúa, mà Giáo Hội thấy rằng mình có sứ mệnh giữ gìn và bảo vệ phẩm giá cao cả của hôn nhân và trách nhiệm quan trọng của việc thông truyền sự sống con người [4]. Giáo Hội tin rằng sự sống con người, dù có yếu ớt hay đầy đau khổ, vẫn luôn luôn là một hồng ân tuyệt vời của Thiên Chúa tốt lành… Giáo Hội lên án, như là một sự xúc phạm nặng nề đối với phẩm giá con người và đối với sự công bằng, tất cả các hoạt động, nhằm giới hạn sự tự do của đôi bạn trong các quyết định của họ về con cái, như: ngừa thai, làm tuyệt đường sinh sản, phá thai [5]. Có những cách thức ngừa thai không tôn trọng nhân phẩm và quyền bình đẳng giữa vợ chồng, có những phương thức mở đường cho sự lạm dụng và buông thả. Giáo Hội kêu gọi tinh thần trách nhiệm, sự trưởng thành, sự tự chủ, tình yêu chân chính và đức khiết tịnh trong bậc vợ chồng [6].
– Để bảo vệ và thăng tiến quyền con người thì cần phải bảo vệ các quyền của gia đình, nhất là quyền sống, bởi vì gia đình là một cộng đoàn của tình yêu và sự sống. Cộng đoàn nầy chỉ được thực hiện khi một người nam và một người nữ tận hiến cho nhau cách hoàn toàn trong hôn nhân, sẵn sàng đón nhận ơn huệ con cái. Quyền căn bản đến với sự sống gắn liền với con người, ngay từ lúc mới thụ thai, và điều đó thuộc về bản chất của luật tự nhiên và truyền thống của các tôn giáo lớn, cũng như theo tinh thần của điều 3 trong Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền. Sự kết hợp giữa người mẹ và bào thai và vai trò không thể thay thế của người cha, đòi buộc rằng người con phải được đón nhận trong một gia đình, nơi bảo đảm cho nó sự hiện diện tối đa có thể của cả cha và mẹ [7].
– Mẹ Têrêxa thành Calcuta khi lãnh nhận giải thưởng Nobel về Hòa Bình đã can đảm khẳng định trước mặt những người có trách nhiệm của các Cộng Đồng Chính Trị: Nếu chúng ta chấp nhận rằng, một người mẹ có thể hủy bỏ hoa trái của lòng dạ mình, thì điều gì còn lại cho chúng ta? Việc phá thai là nguyên do làm cho hòa bình thế giới lâm nguy. Thật vậy, không thể có hòa bình đích thực mà không tôn trọng sự sống, nhất là sự sống vô tội và không thể tự vệ, đó là sự sống của những trẻ em chưa được sinh ra.
– Do đó, khi đôi bạn dùng các phương thế chống thụ thai, họ đã tự cho mình có quyền phán xét về ý định của Thiên Chúa, và hạ giá trị tính dục của con người, hạ giá trị ngôi vị riêng của họ, vì làm suy thoái giá trị của việc trao hiến trọn vẹn cho nhau… Trái lại, khi đôi bạn tôn trọng sự liên kết giữa việc vợ chồng kết hợp với nhau và việc truyền sinh của tính dục con người, thì họ đã coi mình là những người thừa hành ý định của Thiên Chúa và làm cho hành vi tính dục trở nên hành vi trao hiến trọn vẹn.
– Vì thế, với trách nhiệm của con người và của người Kitô hữu, vợ chồng phải xét đến lợi ích của mình, đến khả năng nuôi dưỡng và giáo dục, đến hạnh phúc của những đứa con đã sinh ra hoặc sẽ sinh ra, đến nền kinh tế chung của xã hội, đến nghĩa vụ và ơn thánh trong bí tích Hôn Phối, để đón nhận những đứa con sinh ra và chăm sóc chúng cách chu đáo.
3/ Luân lý tính dục
Đời sống thân mật, sự kết hợp nơi thân xác giữa vợ chồng tự bản chất là lương thiện và đáng quý trọng (x. HCMV 51). Vì đó là:
– Dấu hiệu biểu lộ tình yêu trọn vẹn, hiến thân theo định luật của Thiên Chúa đã xếp đặt.
– Dấu hiệu biểu lộ sự trung tín với nhau.
– Dấu hiệu biểu lộ sự phong phú của tình yêu đó là sự sống mới nơi con cái.
Hội Thánh không chủ trương khinh miệt thân xác và những gì thuộc thân xác, nhưng cũng không thần thánh hóa thân xác, bởi vì:
– Thân xác là công trình tuyệt hảo của Thiên Chúa, thân xác này sẽ được sống lại trong ngày chung thẩm để cùng với linh hồn trọn hưởng hạnh phúc hay bị luận phạt.
– Tuy nhiên, thân xác chỉ có giá trị tương đối, hành vi sinh lý chỉ có giá trị khi đi kèm với tình yêu chân thật.
Trong sinh hoạt riêng tư của vợ chồng, Hội Thánh nhắc nhở đôi bạn phải luôn trong sạch và tiết độ, nghĩa là không để cho đam mê, lòng ích kỷ thúc đẩy, nhưng biết cao thượng làm chủ được bản thân và kính trọng nhau cũng như kính trọng thánh ý Thiên Chúa.
Trong thời kỳ đính hôn, chuẩn bị… đôi bạn cần trao đổi tìm hiểu nhau, nhưng phải tránh những cử chỉ thiếu kính trọng, thiếu trong sạch, nhất là tránh việc thử nghiệm tình ái hoặc sống chung với nhau. Cách thức này không xây dựng cho nhau đời sống hôn nhân mà còn làm thương tổn, phá hoại.
Lm. Anphong Nguyễn Công Vinh
[1] x. FC 28.
[2] x. ĐGH Gioan Phaolô II, Angelus Chúa nhật, Ngày Quốc gia bảo vệ sự sống 6.2.1994.
[3] x. FC 30.
[4] x. FC 29.
[5] Id. 30.
[6] x. Hiến Chế Mục Vụ 51.
[7] x. ĐGH Gioan Phaolô II, Angelus Chúa nhật lễ Thánh Gia 1999.
(Nguồn: gxgiusetulsa.net)
NHỮNG PHÉP LẠ
Thánh Louis Grignion De Montfort
Trong khi thánh Đa Minh đang rao giảng Kinh Mân Côi ở Carcassone, có một người rối đạo chế diễu các phép lạ và 15 mầu nhiệm Mân Côi, làm cho những kẻ lạc đạo khác không trở về cùng Chúa được. Hình phạt mà thân xác của người đó bị là Thiên Chúa đã để cho 15 ngàn qủi nhập vào.
Cha mẹ của hắn đem hắn đến cho thánh Đa Minh để xin ngài trừ qủi cho. Thánh nhân bắt đầu cầu nguyện và xin mọi người ở đó cùng đọc Kinh Mân Côi lớn tiếng với ngài. Thế rồi, cứ một kinh Kính Mừng đọc lên thì Đức Mẹ trừ cho hắn 100 tên qủi, chúng xuất ra khỏi thân xác người đó, hình thù như những cục than nung đỏ.
Sau khi được giải cứu, người đó thề từ bỏ lỗi lầm trước kia, trở lại và gia nhập Hiệp Hội Kinh Mân Côi. Một số bạn hữu của người đó cũng bắt chước theo, vì xúc động trước hình phạt người đó phải chịu và quyền phép của Kinh Mân Côi.
Carthagena, một học giả dòng Phanxicô, cũng như một số tác giả khác, có thuật lại một biến cố phi thường xẩy ra vào năm 1482. Đó là, đấng đáng kính James Sprenger và các tu sĩ khác trong dòng của ngài bấy giờ đang hăng say thiết lập việc tôn sùng Kinh Mân Côi và gầy dựng Hiệp Hội Kinh Mân Côi ở thành Cologne.
Chẳng may gặp hai linh mục có biệt tài giảng tỏ ra ghen tị với các ngài về ảnh hưởng mà các ngài đã chiếm được qua việc rao giảng Kinh Mân Côi. Thế là, hễ có dịp, hai vị linh mục bao giờ cũng nói chống báng việc tôn sùng này. Nhờ tài giảng và thế giá của mình, hai vị đã chinh phục được nhiều người bỏ ý định gia nhập Hiệp Hội Kinh Mân Côi.
Một trong hai vị, thề quyết đạt cho bằng được ý định đen tối của mình, đã viết một bài giảng đặc biệt chống lại Kinh Mân Côi, tính tung ra vào Chúa Nhật sau đó. Thế nhưng, đến giờ giảng, không ai thấy vị linh mục ấy đâu cả. Chờ đợi một hồi, có người đi tìm vị linh mục ấy thì thấy vị linh mục này đã chết, chết tiu nghỉu một mình, không được ai giúp đỡ, cũng không được gặp linh mục gì cả.
Vị linh mục còn lại, sau khi trấn an mình là cái chết của vị linh mục kia xẩy ra bởi nguyên do tự nhiên mà ra, đã quyết định tiếp tục chương trình của vị linh mục đồng bạn với mình, và sẽ giảng một bài giảng tương tự vào một ngày khác. Vị linh mục này nghĩ là làm như thế mới có thể dứt điểm Hiệp Hội Kinh Mân Côi được. Tuy nhiên, khi đến ngày giảng và đến lúc phải giảng, Chúa đã phạt vị linh mục này bị tê liệt cả tứ chi lẫn khả năng phát biểu bằng miệng lưỡi.
Sau cùng, vị linh mục ấy đã thú nhận tội lỗi của mình cũng như của vị linh mục đồng bạn, rồi, với tất cả tấm lòng, ngài liền âm thầm kêu cầu Đức Mẹ cứu giúp mình. Ngài hứa với Đức Mẹ là nếu Mẹ chữa ngài khỏi, ngài sẽ rao giảng Kinh Mân Côi nhiệt thành, như xưa ngài đã hung hăng chống lại Kinh Mân Côi vậy. Với ý nguyện đó, ngài van nài Đức Mẹ cho ngài hồi phục sức khoẻ và miệng lưỡi, quả nhiên Đức Mẹ đã làm. Trong chốc lát, vị linh mục thấy mình hoàn toàn hồi phục. Như một Saolê khác, ngài đã chỗi dậy, từ một kẻ bắt bớ trở thành người bảo vệ Kinh Mân Côi. Ngài công khai thú nhận lỗi lầm trước kia của mình, và sau đó, với tất cả lòng nhiệt thành và tài lợi khẩu của mình, ngài đã không ngừng rao giảng về những kỳ diệu của Kinh Mân Côi.
Tôi dám chắc là những nhà tư tưởng phóng khoáng và những nhà phê bình chuyên môn ngày nay sẽ đặt vấn nạn về sự thật của những câu truyện trong tập sách nhỏ này, cũng giống hệt như việc họ hằng đặt vấn đề với hết mọi sự khác. Tất cả những gì tôi đã đề cập đều được trích dẫn từ các nhà trước tác nổi tiếng đương thời, và một phần từ cuốn sách mới được viết cách đây ít lâu, đó là cuốn “Hồng Thảo Diệu Huyền” của cha Antonin Thomas, OP.
Ai cũng biết rằng có 3 thứ tin tưởng vào các loại truyện khác nhau:
Những câu truyện trong Thánh Kinh chúng ta phải tin bằng Đức Tin Thần Linh; những câu truyện liên quan đến những vấn đề ngoài tôn giáo mà không phản lại với ý nghĩ chung của mọi người, được viết bởi những tác giả đáng tin, chúng ta có thể tin bằng đức tin nhân loại; những câu truyện về những điều thánh thiện, được kể bởi các tác giả tốt lành và không lệch lạc tí nào với lý trí, với đức tin và luân lý, (cho dù đôi khi chúng có thể xẩy ra vượt trên mhững hiện tượng tự nhiên), chúng ta có thể tin bằng đức tin đạo đức.
Đồng ý rằng chúng ta không được cả tin hay cả phán, và phải nhớ rằng “nhân đức ở chỗ trung dung”, cần phải nhắm trung điểm của mọi sự để tìm ra vị trí của sự thật và nhân đức. Tuy nhiên, về phương diện khác, đồng thời tôi cũng biết rõ đức ái dễ đưa chúng ta đến sự tin tưởng vào tất cả mọi sự không có gì ngược lại với đức tin và luân lý: “Đức ái… tin mọi sự” (1 Cr 13,7). Từ đó suy ra, kiêu ngạo xúi chúng ta hồ nghi ngay cả những truyện đáng tin nhất, lấy lý rằng những truyện đó không có trong Thánh Kinh.
Đây là một trong những cạm bẫy của ma qủi. Những người lạc đạo trong quá khứ từ chối Thánh Truyền đã rơi vào cạm bẫy này, và những người cả phán hiện thời cũng bị bẫy như vậy mà không biết.
Những loại người này từ chối tin điều mà họ không hiểu hay điều mà họ không thích, là do tinh thần ngạo mạn và bất phục tùng của họ.
(Le Secret Admirable du très Saint Rosaire {Bí Mật Kinh Mân Côi}, Bông hồng 10, Bản dịch tiếng Việt của Đa Minh Cao Tấn Tĩnh, BVL).
LỄ SINH NHẬT ĐỨC MẸ (ngày 8.9)
Lễ Sinh nhật Đức Mẹ gọi là “lễ Noel mùa Thu”, vì bầu trời tươi sáng, khí hậu mát mẻ êm dịu tiên báo một mùa hồng phúc. Ngày Sinh nhật của Mẹ là Rạng đông của Mặt Trời Công Chính là Đức Giêsu Kitô, Con của Mẹ, vì Mẹ sinh ra đem đến cho toàn thể loài người niềm hy vọng Ơn Cứu Độ. Do đó, hôm nay Giáo Hội cầu xin cho được ơn phúc lộc và bình an do Con sinh bởi Mẹ giải thoát loài người khỏi vòng tội lỗi. Ngày Sinh nhật đem Tin Mừng cho cả trần gian, vì Đức Kitô, Chúa chúng ta là Mặt Trời soi đường ngay nẻo chính, đã từ cung lòng Mẹ sinh ra. Người là Đấng huỷ bỏ lời chúc dữ, đem lại muôn phúc lành, là Đấng tiêu diệt thần chết và ban phúc trường sinh. Giáo Hội cũng tin tưởng vào Con sinh ra bởi Mẹ làm cho đức Đồng trinh của Mẹ vẫn luôn vẹn toàn, không bị tổn thương, nhưng lại được thánh hiến. Đức Trinh Nữ Maria vinh hiển, xuất thân từ dòng dõi Abraham, từ chi tộc Giuđa và là con cháu hoàng tộc Đavid, đã được tiền định làm Mẹ Thiên Chúa. Người là kho tàng đức khiết trinh, là cây gậy nở hoa của Aaron, là đề tài của các lời tiên tri, là Ái nữ của Thánh Gioakim và Anna đã được sinh ra hôm nay, đổi mới lại bộ mặt trái đất và làm chan hoà ánh sáng trong khắp Giáo Hội.
Theo Lm. Phêrô, CMC (xuaha.net)
LỜI HAY Ý ĐẸP VỀ KINH MÂN CÔI
1. Vào đầu thiên niên kỷ thứ III này, Kinh Mân Côi của Đức Trinh Nữ Maria, là một lời kinh tuy đơn sơ nhưng sâu xa, vẫn luôn có một ý nghĩa quan trọng, được tiền định để trổ sinh những hoa trái của sự thánh thiện (Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông thư Kinh Mân Côi, số 1).
2. Kinh Mân Côi của Đức Trinh Nữ Maria là một lời kinh đồng hành với người Kitô hữu trong hành trình thiêng liêng, sau hai ngàn năm, vẫn không mất đi nét tinh khôi của thuở ban đầu (Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông thư Kinh Mân Côi, số 1).
3. Mặc dù mang đặc tính Thánh Mẫu, nhưng Kinh Mân Côi là một lời kinh có tâm điểm là Chúa Kitô (Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông thư Kinh Mân Côi, số 1).
Lm. Phaolô Cao Chu Vũ, OP.
(sưu tầm và lược dịch)