TRANG HỌC TẬP
VIỆC TÔN KÍNH ĐỨC NỮ TRINH
TRONG GIÁO HỘI
“Việc tôn kính Ðức Maria khuyến khích thêm việc thờ phượng Thiên Chúa Ba Ngôi.” BBT đăng các số 66-67 được trích nguyên văn từ Chương VIII trong Hiến chế Tín lý về Giáo Hội (Lumen Gentium) của Công đồng Vatican II.
Bản tính và nền tảng của việc tôn kính Ðức Mẹ
Nhờ hồng ân Thiên Chúa, Ðức Maria được tôn vinh, sau Chúa Con, vượt trên hết các thiên thần và loài người, vì Ngài là Mẹ rất thánh của Thiên Chúa và đã tham dự vào các mầu nhiệm của Chúa Kitô; do đó Ngài đáng được Giáo Hội tôn vinh và đặc biệt sùng kính. Thực vậy, từ những thời rất xa xưa, Ðức Nữ Trinh đã được tôn kính dưới tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa”, và các tín hữu đã khẩn cầu cùng ẩn náu dưới sự che chở của Ngài trong mọi cơn gian nan khốn khó. Nhất là từ công đồng Ephêsô, Dân Thiên Chúa đã gia tăng lòng tôn kính Ðức Maria cách lạ lùng: họ sùng kính mến yêu, cầu khẩn và noi gương đúng như lời Ngài đã tiên báo: “Muôn đời sẽ khen tôi có phúc, vì Ðấng toàn năng đã làm cho tôi những việc trọng đại” (Lc 1,48-49). Sự tôn kính ấy, như vẫn luôn có trong Giáo Hội, tuy hoàn toàn đặc biệt, nhưng tự bản chất vẫn khác biệt với sự thờ phượng dâng lên Ngôi Lời nhập thể và lên Chúa Cha và Chúa Thánh Thần; việc tôn kính Ðức Maria khuyến khích thêm việc thờ phượng Thiên Chúa Ba Ngôi. Giáo Hội đã chấp nhận nhiều hình thức tôn sùng Mẹ Thiên Chúa, trong giới hạn của giáo lý lành mạnh và chính thống, tùy theo hoàn cảnh, thời gian và nơi chốn, hợp với tính khí cùng tinh thần của tín hữu; những hình thức ấy, qua việc tôn vinh Mẹ, cũng làm cho tín hữu nhận biết đúng đắn, yêu mến, làm vinh danh, và tuân giữ giới răn Chúa Con, vì Người mà muôn vật được tạo thành (x. Cl 1,15-16) và nơi Người, Chúa Cha hằng hữu “muốn có đầy đủ mọi sự” (Cl 1,19).
Chiều hướng mục vụ
Thánh Công Ðồng cố ý dạy giáo lý công giáo ấy, đồng thời Giáo Hội cũng khuyến khích hết mọi con cái hãy nhiệt tâm phát huy lòng sùng kính Ðức Nữ Trinh, nhất là trong phụng vụ, hãy coi trọng những việc thực hành và việc đạo đức nhằm suy tôn Ngài và đã được quyền Giáo Huấn Giáo Hội cổ võ qua các thế kỷ, cũng như hãy kính cẩn tuân giữ những quyết định của các thời đại trước liên quan đến việc tôn kính ảnh tượng Chúa Kitô, Ðức Nữ Trinh và các Thánh. Công Ðồng cũng hết lòng khuyến khích các nhà thần học và những người rao giảng lời Chúa, khi xét đến phẩm chức phi thường của Mẹ Thiên Chúa, hãy cẩn thận tránh mọi tư tưởng phóng đại sai lầm cũng như mọi tư tưởng hẹp hòi quá đáng. Nhờ học hỏi Thánh Kinh, các Thánh Giáo Phụ, các tiến sĩ và học hỏi các phụng vụ trong Giáo Hội, dưới sự hướng dẫn của quyền Giáo Huấn, họ hãy làm sáng tỏ đúng mức những chức vụ và đặc ân của Ðức Trinh Nữ; những chức vụ và đặc ân này luôn qui hướng về Chúa Kitô, nguồn mạch toàn thể chân lý, thánh thiện và đạo đức. Họ phải cẩn thận tránh xa mọi lời nói hay việc làm có thể làm cho các anh em ly khai hay bất cứ ai khác hiểu sai giáo lý đích thực của Giáo Hội. Phần các tín hữu, hãy nhớ rằng, lòng tôn sùng chân chính không hệ tại tình cảm chóng qua và vô bổ, cũng không hệ tại một sự dễ tin phù phiếm, nhưng phát sinh từ một đức tin chân thật. Ðức tin dẫn chúng ta đến chỗ nhìn nhận địa vị cao cả của Mẹ Thiên Chúa, và thúc đẩy chúng ta lấy tình con thảo yêu mến và noi gương các nhân đức của Mẹ chúng ta.
(Công đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium, số 66-67).
PHẢI SUY GẪM CÁC MẦU NHIỆM CỨU ĐỘ
Thánh Bênađô
Vì Đấng Thánh từ lòng Bà sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Ôi nguồn mạch của sự khôn ngoan! Ôi Ngôi Lời của Chúa Cha trên chốn cửu trùng! Lạy Đức Trinh Nữ thánh thiện, nhờ Mẹ làm trung gian, Ngôi Lời nay sẽ thành xác phàm, để Đấng nói: Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy, cũng nói: Thầy bởi Thiên Chúa mà ra và Thầy đã đến. Kinh Thánh viết: Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Suối đã vọt ra rồi nhưng chỉ nơi ở mình thôi. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa ngự trong ánh sáng siêu phàm.
Từ đầu, Chúa đã nói: Ta chỉ nghĩ đến chuyện mang lại bình an, chứ không nghĩ đến chuyện gây phiền muộn. Nhưng tư tưởng của Chúa thì ở trong Chúa, và Chúa nghĩ gì, chúng ta đâu có biết. Quả thật, nào có ai biết được tâm tư của Chúa hay ai làm cố vấn cho Người?
Vì thế, Đấng nghĩ đến bình an đã xuống thế để thực hiện bình an. Ngôi Lời đã thành xác phàm và ở giữa chúng ta rồi. Nhờ đức tin, Người hoàn toàn ở trong tâm hồn chúng ta, Người ở trong trí nhớ của chúng ta, Người ở trong tư tưởng và thậm chí Người còn đi vào tận trí tưởng tượng của chúng ta nữa. Trước kia, con người có thể nghĩ gì về Thiên Chúa, có chăng là một hình ảnh do lòng con người tạo ra? Khi đó, Thiên Chúa là Đấng không thể hiểu được, không thể tới gần được, không thể nhìn thấy hay suy tưởng được; nhưng bây giờ, Người đã muốn cho người ta hiểu, muốn cho người ta thấy, muốn cho người ta suy tưởng.
Bạn hỏi: bằng cách nào vậy? Thưa qua việc Người nằm trong máng cỏ, ngủ yên trong lòng Đức Trinh Nữ, rao giảng trên núi, thức thâu đêm cầu nguyện; qua việc Người bị treo và chết rũ trên thập giá, thoát khỏi tử thần, sống lại, tỏ cho các Tông Đồ thấy các dấu đinh là biểu hiệu chiến thắng, và cuối cùng lên trời cao thẳm trước mắt các ông.
Trong các mầu nhiệm nói trên, có mầu nhiệm nào lại không gợi cho chúng ta những ý tưởng chân thật, đạo đức và thánh thiện chăng? Khi tôi suy tưởng bất cứ mầu nhiệm nào trên đây là tôi suy tưởng về Thiên Chúa và qua tất cả những mầu nhiệm đó, chính Người là Thiên Chúa của tôi. Suy gẫm những mầu nhiệm ấy, tôi cho là khôn ngoan. Nhớ lại những mầu nhiệm ấy, tôi cho là sáng suốt. Những mầu nhiệm ấy ngọt như những trái hạnh đào trổ sinh từ cây gậy của Aharon. Sự ngọt ngào đó, Đức Maria đã kín múc từ trời cao và đổ xuống tràn trề trên chúng ta.
(Trích bài giảng của thánh Bênađô, Bài đọc 2, Kinh Sách, Lễ Đức Mẹ Mân Côi, 7/10).
LỄ ĐỨC MẸ MÂN CÔI
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
Ngày 7 tháng 10, Giáo Hội mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi. ĐGH Piô V thiết lập lễ này để tạ ơn Đức Mẹ và ghi nhớ chiến thắng của Hải quân Kitô giáo với quân Thổ Nhĩ Kỳ tại trận Lepanto ngày 7.10.1571. Chiến thắng là nhờ các tín hữu lần Chuỗi Mân Côi dâng kính Đức Mẹ ở Rôma vào ngày giao chiến. Một phép lạ của Đức Mẹ trong Tháng Mân Côi. ĐGH Leo XIII đã thiết lập Tháng Mười là Tháng Mân Côi vào ngày 1.9.1883 và đã công bố 11 Tông thư về Chuỗi Mân Côi trong triều đại giáo hoàng của ngài.
Suốt tháng Mân Côi, Hội Thánh khắp nơi hướng về Đức Mẹ một cách đặc biệt. Lòng sùng kính của dân Chúa đối với Đức Mẹ trong thời gian này mang một đặc điểm riêng. Đó là cầu nguyện bằng chuỗi Mân Côi.
Mân Côi chính là hoa hồng. Mân Côi là bông hồng đẹp, viên ngọc quí. Như thể, bằng chuỗi Mân Côi, Hội Thánh trở thành một vườn hồng mênh mông, hương thơm sắc đẹp, dâng lên Mẹ hiền.
Nói đến Mân Côi là nói đến hoa. Những bông hoa muôn màu muôn sắc dâng trước toà Mẹ. Những bông hoa kinh nguyện sốt sắng kết dệt nên những lời ca tụng Mẹ. Những bông hoa hi sinh, bác ái muốn toả hương dưới chân Mẹ.
Những bông hoa nói lên lòng yêu mến của con cái đối với Mẹ hiền. Những bông hoa cũng cố gắng diễn tả phần nào nét đẹp của Mẹ.
Thật vậy, giữa ngàn hoa, Đức Maria nổi bật như bông hoa cao quí xinh đẹp nhất. Đẹp đến độ “đẹp lòng Thiên Chúa”. Trình thuật Truyền tin gợi lên vài nét đẹp của Người.
Đức Maria là bông hoa thanh khiết diễn tả được nét đẹp của Thiên Chúa vì Mẹ là tác phẩm của Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần “rợp bóng trên Mẹ” nên Mẹ sống dưới sự che chở của Thánh Thần, theo ơn hướng dẫn của Thánh Thần và sống trong tình yêu của Thánh Thần.
Thiên Chúa muốn Con của Ngài vào đời làm người, nên đã chuẩn bị cho Con một người mẹ tuyệt hảo. Maria là người được Thiên Chúa đặc biệt mến thương. Thiên Thần gọi Mẹ là “Đấng đầy ân sủng”, là người được “Đức Chúa ở cùng”, là người “đẹp lòng Thiên Chúa”.
Maria đã là một thụ tạo tuyệt vời ngay từ trước khi làm Mẹ Đức Giêsu. Nhưng Thiên Chúa vẫn tôn trọng tự do của Mẹ. Ngài cần sự ưng thuận của một thụ tạo nhỏ bé trước khi trao cho Maria chức vụ làm Mẹ Đấng Cứu Thế. Tiếng “xin vâng” khởi đầu cho một chuỗi xin vâng làm nên cuộc đời người nữ tỳ của Chúa.
Kinh Mân Côi là một chuỗi “xin vâng” của người tín hữu dâng Thiên Chúa, theo mẫu gương đáp trả của Mẹ Maria.
Tràng chuỗi Mân Côi là một phương thế giúp chúng ta gần gũi thiết thân với Mẹ Maria.
Đức Thánh Cha Piô X đã nhắn nhủ các gia đình Công giáo: “Khi gia đình được an vui hoà thuận, hãy lần chuỗi Mân Côi để xin Mẹ ban cho sự an vui hoà thuận yêu thương. Khi gặp người chồng thiếu trách nhiệm, hãy chạy đến với Mẹ nhờ tràng chỗi Mân Côi, để xin Mẹ cảm hoá mình. Khi vợ chồng xung khắc nhau, hãy lần chuỗi Mân Côi, xin Mẹ tạo sự cảm thông “.
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, ngay trong tuần lễ sau khi đắc cử Giáo Hoàng, đã nói với tất cả các tín hữu hiện diện tại quảng trường Thánh Phêrô khi đọc kinh Truyền Tin: “Chuỗi Mân Côi là lời cầu nguyện mà tôi yêu thích nhất. Đó là lời kinh tuyệt vời. Tuyệt vời trong sự đơn giản và sâu sắc. Với lời kinh này chúng ta lập lại nhiều lần những lời mà Đức Trinh Nữ đã nghe sứ thần Gabriel và người chị họ Êlisabeth nói với Mẹ. Toàn thể Giáo Hội cùng liên kết với những lời kinh ấy”.
150 Thánh vịnh đã được thay thế bằng 150 Kinh Kính Mừng. Miệng đọc lòng suy ngắm 15 Mầu Nhiệm Mân Côi: Năm Sự Vui, Năm Sự Thương và Năm Sự Mừng. Đó chính là bản tóm tắt cuộc đời của Chúa Giêsu Kitô và cũng là của Đức Maria. Vì hơn ai hết, Đức Mẹ đã cùng với Con bước các chặng đường Vui-Thương-Mừng ấy với tinh thần của lời “xin vâng” mà Mẹ đã tuyên xưng trước khi Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể làm người trong cung lòng Mẹ.
Khi đọc sự tích về các cuộc Đức Mẹ hiện ra, dù ở Lộ Đức hay ở Fatima, dù ở Guadalupe hay ở Mễ Du, hay ở La Vang… chúng ta đều thấy Đức Mẹ nhắn nhủ người tín hữu hãy canh tân đời sống và siêng năng lần hạt Mân Côi để làm đẹp lòng Thiên Chúa: “Ta là Đức Mẹ Mân Côi, ta đã đến để cảnh báo các tín hữu canh tân đời sống và xin ơn tha thứ tội lỗi của họ. Họ không được xúc phạm đến Thiên Chúa nữa, vì Ngài đã quá phiền muộn vì tội nhân loại. Loài người hãy lần chuỗi Mân Côi. Họ hãy tiếp tục lần chuỗi hàng ngày.” (Thông điệp Đức Mẹ gởi cho chị Lucia 13/10/1917).
Thánh Đa Minh là người có công rất lớn trong việc quảng bá việc đọc Kinh Mân Côi trong Giáo Hội, để cầu xin Chúa bảo vệ Giáo Hội trước sự tấn công của kẻ thù.
Thánh Piô Năm Dấu Thánh chia sẻ: “Vũ khí của tôi là tràng hạt Mân Côi. Đức Mẹ không từ chối tôi điều gì khi tôi xin với Mẹ qua chuỗi Mân Côi. Muốn làm Đức Mẹ vui lòng và muốn được Đức Mẹ thương yêu hãy lần chuỗi Mân Côi”.
Còn cha Stefano Gobbi viết: “Chuỗi Mân Côi mang lại hòa bình cho bạn. Với lời Kinh Mân Côi, bạn sẽ có thể nhận được từ Thiên Chúa hồng ân vĩ đại nhất là canh tân đời sống, thu phục các linh hồn về với Chúa trong sự ăn năn tội, tình yêu và thánh ân”. Và “Chuỗi Mân Côi là lời kinh của tôi. Những lời kinh này dù khiêm nhường và mong manh cũng sẽ nên như xích sắt để khóa lại quyền lực tối tăm của thế giới, kẻ thù của thế giới và của các tín hữu”.
Trong tông huấn “Marialis Cultus” Đức Phaolô VI đã chỉ ra những giá trị của Kinh Mân Côi như sau: đó là một kinh nguyện dựa trên Phúc âm; giúp cho việc chiêm niệm; sát với kinh nguyện phụng vụ.
Những điểm chính của kinh Mân Côi:
1) Kinh nguyện đơn giản. Kết cấu của nó là những kinh Lạy Cha, Kính Mừng, Sáng Danh mà người Kitô hữu nào cũng thuộc lòng. Kinh Mân Côi thích hợp cho những người đơn sơ bình dân, và dành cho những tâm hồn mang tinh thần khó nghèo của Phúc âm.
2) Kinh nguyện chiêm niệm. Tuy đơn giản, nhưng Kinh Mân Côi mang một nội dung phong phú, bởi vì đi đôi với việc đọc kinh, người tín hữu được mời chiêm ngắm những mầu nhiệm căn bản của Đức tin Kitô giáo: Mầu nhiệm Nhập thể và Mầu nhiệm Vượt qua. Việc lập đi lặp lại những câu kinh tạo ra sự thanh thản nội tâm để có thể nhìn ngắm những cảnh tượng của cuộc đời Chúa Cứu Thế.
3) Kinh nguyện huấn giáo. Chính vì chú trọng vào những mầu nhiệm căn bản của Kitô giáo, nên việc xướng lên các mầu nhiệm hoặc giải thích chúng là cơ hội để học hỏi và đào sâu thêm những chân lý căn bản của Đức tin, và đáp lại cũng với tâm tình thuận nhận tin yêu.
4) Kinh nguyện đi sát với cuộc đời. Khi cùng với Đức Maria rảo qua cuộc sống của Chúa Giêsu và của Đức Mẹ qua những chặng đường từ Nazareth, Bêlem, Giêrusalem, qua biến cố vui thương buồn, người tín hữu gặp thấy những bài học cho cuộc sống thường nhật của mình, trộn lẫn vui buồn âu lo hy vọng.
5) Kinh nguyện thanh luyện tu đức. Nhờ việc chiêm ngắm cuộc đời của Đức Kitô và Đức Maria, người tín hữu học đòi những nhân đức của các vị, cố gắng hoạ cuộc đời của mình theo gương các vị.
6) Kinh nguyện dẫn vào phụng vụ. Những mầu nhiệm Mân Côi, dựa vào Phúc âm, đặc biệt là về mầu nhiệm Nhập Thể và Vượt Qua, chuẩn bị tâm hồn tín hữu cử hành sốt sắng các bí tích, đặc biệt là Thánh Thể, tưởng niệm cuộc tử nạn và sống lại của Đức Kitô.
Như thế, Chuỗi Mân Côi mang hai đặc điểm nổi bật là chất Tin Mừng và tính Hội Thánh.
Chuỗi Mân Côi là một bản tóm tắt gọn gàng, dễ nhớ về những biến cố quan trọng trong cuộc đời Chúa Cứu Thế. Mân Côi là những bông hồng đẹp được tượng trưng bằng các kinh Kính Mừng để tôn vinh Người. Đức Mẹ đã có mặt trong cuộc đời Chúa Cứu Thế từ những giây phút đầu cho đến những giây phút cuối.
Kinh Mân Côi là lời kinh phổ cập, đó là kinh của mọi tín hữu. Ai cũng đọc được, từ người trẻ cho đến người già, người thông thái cũng như người ít học, người giàu hay người nghèo, người khỏe mạnh cũng như người đau yếu, khi vui cũng như lúc buồn, khi làm việc cũng như lúc nghỉ ngơi. Kinh Mân Côi có thể đọc được ở bất cứ đâu hay trong hoàn cảnh nào, ở nhà thờ, ở nhà mình, ở ngoài đường, trong nơi yên lặng hay giữa chốn ồn ào náo động và nhất là đọc chung với nhau trong gia đình hay những khi có đông người công giáo họp nhau lại. Đọc Kinh Mân Côi với ý thức là mình đang làm một công việc có chất Tin Mừng, được Giáo Hội công nhận và nhiệt tình khuyến khích, một công việc thu tóm lại tất cả cuộc đời Chúa Cứu Thế.
Chuỗi hạt Mân Côi nuôi dưỡng đời sống nội tâm phong phú. Chuỗi Mân Côi làm lòng người lắng dịu, thanh thản bình an để chiêm ngắm cuộc đời Chúa Giêsu và ca ngợi Mẹ Maria. Cầm Chuỗi Mân Côi trên tay, chúng ta sẽ thấy mình được tăng thêm nghị lực, sống vươn lên với niềm Tin, Cậy, Mến.
Chuỗi hạt Mân Côi mang đến vô vàn ơn phúc huyền diệu cho con người.
(Lược trích từ Lễ Đức Mẹ Mân Côi; nguồn: gpthanhhoa.org)