– Khổ lắm, tôi đã bảo các cô đừng tới nữa! Đạo ai nấy giữ. Chồng tôi cũng chưa dám kéo tôi theo đạo Công giáo nữa là mấy cô! Trước đây, có mấy người tới dụ dỗ tôi, tôi đã nói thẳng vào mặt họ, họ không cho các cô biết sao?
Người đàn bà nói một hơi, khiến chúng tôi tưởng trời sắp mưa. Đôi môi bà run run, vầng trán nhăn lại, mày chau vẻ rất đanh đá. Chúng tôi ngồi im chịu trận, bà tưởng chừng lời nói giận dữ trên có hiệu quả, bèn hăng say nói một hơi nữa: “Bên nhà chúng tôi đâu có thèm ‘cám dỗ’ anh ấy bỏ Công giáo! Thế mà mấy cô muốn tôi bỏ đạo của tôi! Đồ vô công rỗi nghề, ngồi lê đôi mách! Tôi xin các cô đừng tới đây nữa, kẻo tôi nói nặng mất lòng.
Một chị em dám thưa lại: Dạ thưa chị, thỉnh thoảng chúng em mới dám ghé qua thăm chị. Việc chị theo đạo hay không tùy chị, đâu chúng em bắt ép. Hơn nữa, việc viếng thăm nhau đâu có kể gì lương giáo.
– Hừ, thật với chẳng thật, xéo đi cho tôi yên.
Những lời đối đáp trên đây đã xẩy ra trong một căn nhà ở hẻm Đội Có, Phú Nhuận. Ông chồng là người Công giáo, bà vợ là con gái của vị sư trụ trì trong khu vực này. Ông chồng tứ cố vô thân, vào ở luôn tại chùa nơi gia đình bố vợ. Mỗi lần chúng tôi tới thăm, bà vợ đều tránh né. Nhiều lúc chúng tôi phải lựa cách gặp thẳng, khiến bà không trốn kịp. Bà tiếp chúng tôi cách rất miễn cưỡng và thường chửi rủa thậm tệ. Dầu vậy chúng tôi vẫn dấu dịu. Nhiều lần bị xua đuổi phũ phàng, chúng tôi cảm thấy chán nản, muốn bỏ ngang công tác này, nhưng kỷ luật Legio không cho phép. Praesidium tăng gia cầu nguyện xin với Đức Mẹ và tin chắc “với Mẹ thế nào cũng thành công”. Chúng tôi cũng tìm cách gặp người chồng, khuyên ông sống đạo hẳn hoi, sống gương mẫu trong gia đình. Mỗi lần đến thăm, chúng tôi gây bầu khí thân thiện bằng cách phụ giúp mọi công việc như quét nhà, nấu cơm, chẻ củi…
Bỗng một hôm bà phàn nàn cháu nhỏ ốm hoài, thuốc thang chẳng khỏi, rồi bà ngập ngừng: “Các cô ạ, hay các cô khấn cho cháu khỏi bệnh. Được thế, tôi xin theo đạo. Tôi nghe người ta bảo tại chồng tôi không chịu theo đạo Phật, nên con mới bệnh tật! Vợ một đạo, chồng một đạo thì ma quỉ tác hại gia đình làm con cái ốm đau. Tôi đã khuyên anh ấy theo đạo Phật mà anh ấy không chịu. Nay, nếu con tôi khỏi bệnh, tôi sẽ theo Chúa như anh ấy.
Chúng tôi đưa ảnh Đức Bà Xanh ra, kể cho bà nghe những ơn lạ đã xẩy ra rồi đeo ảnh vào cổ đứa bé. Rồi khuyên bà hãy hết lòng tin tưởng vào Đức Mẹ, chúng tôi xin bà cũng cầu xin Đức Mẹ với chúng tôi. Mấy ngày sau chúng tôi tới, bà vồn vã: “Mấy cô ơi, cháu khỏi rồi! Chắc Đức Bà chữa cháu đấy! Thấy bác sĩ chê cháu chúng tôi sợ quá, khấn đại đi, thế mà nhờ mấy thang thuốc giới thiệu vớ vẩn, con tôi lại khỏi!”
Nhưng những lần sau nói chuyện theo Đạo, bà cứ khất lần: nào là bận việc, nào là chẳng ai coi con cho bà đi học giáo lý. Chúng tôi cầu nguyện liên lỉ và coi con cho bà đi học giáo lý, bà không chối được nữa.
Đức Mẹ đã thắng: Một thời gian sau, ba cháu nhỏ cùng với mẹ chúng đã chịu Thánh Tẩy, người chồng đã ăn năn trở lại. Hiện nay gia đình sống đạo tử tế. Mất ba năm chúng tôi mới hoàn thành công tác này. Nhưng ba năm có là bao so với năm linh hồn.
Lời thuật do Curia Phú Nhuận, Sàigòn.
(Legio Mariae, số đặc biệt 167, tr. 435-436)
Lm. Đoàn Quang góp nhặt