Bức thư đầu tiên của đời tôi

Cứ mỗi khi hè về, tôi lại nhớ đến bài hát “Nỗi Buồn Hoa Phượng” với câu mở đầu: “Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn…” với biết bao kỷ niệm tuổi học trò. Nhớ nhất là mùa hè năm 1979, cuối năm lớp 12, khi chúng tôi chuẩn bi thi tốt nghiệp Trung Học Phổ Thông và thi vào Đại Học. Lúc ấy tôi đang học ở Trường Trung Học Nguyễn Thượng Hiền ở Quận Tân Bình, Sài-gòn. Ở cổng trường chúng tôi có trồng mấy cây phượng thật to đang nở hoa đỏ màu rực rỡ. Đây là mùa hè cuối đời học trò và có nhiều cảm xúc nhất, vì sau mùa hè này, bạn bè cùng lớp sau ba năm cùng nhau chung học với bao kỷ niệm buồn vui sẽ phải chia tay nhau, nhiều khi là mãi mãi. Người thì tiếp tục theo học Đại Học, người thì vượt biên, người thì lập gia đình, người thì đi quân dịch phục vụ chiến trường Camphuchia, người thì phải lo đi làm kiếm sống vì cần tiền để sống hay vì không thi đậu vào Đại Học. Năm ấy có lẽ là năm đầu và cũng là năm duy nhất mà nhiều bạn trong lớp chúng tôi có làm lưu bút để có chút gì “để nhớ để thương”. Đúng là:

“Đo đỏ ngoài sân hoa phượng nở

Lưu bút truyền tay ai đang mở

Ghi vào quyển vở nét thương thương

Bài thơ kỷ niệm vấn vương buồn.”

Thế mà nay đã hơn 40 năm trôi qua. Bạn bè không biết ai còn ai mất. Và nay tôi đã bắt đầu bước vào tuổi thọ! Dường như ai cũng có ít nhiều kỷ niệm thời thơ ấu, thời đi học, thời mới lớn, như một tác giả nào đã viết trong một bài học lớp Việt văn: “Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường. Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ: Ai bảo chăn trâu là khổ. Tôi mơ màng nghe chim hót trên cây. Có cô bé nhà bên nhìn tôi cười khúc khích…” Nhưng tôi có dịp được trực tiếp lắng nghe một kỷ niệm thuở học trò thật đẹp, thật chất ngát yêu thương của tình bạn chân thành; hơn nữa, còn gợi lòng yêu mến trông cậy vào tình thương và quyền năng của Đức Mẹ và tinh thần tông đồ. Đó là một kỷ niệm đầy chứng từ đức tin của Chị Theresa Nguyễn (Oanh) đã chia sẻ với mọi người ngày Thứ Bảy 12/10/1996 dịpTam Nhật Kính Đức Mẹ do Cộng Đoàn Anphong-Whittier, CA tổ chức. Thấy câu chuyện thật ý nghĩa, tôi xin Chị viết lại để chia sẻ với mọi người gần xa. Chị đã gắng viết lại và được đăng trên Nguyệt San Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp số 126 tháng 01 năm 1997. Tựa đền của bài viết là “Lời kinh dâng Mẹ,” được dùng làm chủ đề in trên trang bìa của tờ báo mang hình Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.

            Chị Theresa viết lại kỷ niệm đáng nhớ ấy như sau:

            “…Khi nghe Cha H. và quí vị hiện diện trong cuộc tĩnh tâm hôm đó thảo luận về sự đọc kinh Mân Côi. Tôi nhớ ngay đến một ơn đặc biệt mà Đức Mẹ đã ban cho tôi khi tôi đọc kinh Mân Côi. Tôi đã cố gắng gạt bỏ tính nhút nhát ngại ngùng ra một bên để đứng lên chia sẻ với quí cụ ông cụ bà và quí cô bác anh chị em, và đây cũng là một dịp để ca tụng, tạ ơn Đức Mẹ, và để chứng minh rằng “Mẹ nguồn cậy trông xưa từng nghe có người nào chạy đến cùng Mẹ mà Mẹ chẳng thương nhận lời.”

            Trước đây có một dạo tuy tôi đọc kinh Mân Côi hàng ngày nhưng miệng đọc mà lòng không suy, không tin, tôi nghi ngờ chẳng biết mình đọc kinh Mân Côi hoài có được ích gì không, chẳng biết Đức Mẹ có nhận lời hay không? Tôi chỉ đọc vì thói quen, lời kinh mà mẹ tôi đã dạy tôi đọc từ khi tôi mới bập bẹ tập nói. Tôi đọc mà chưa hiểu gì về ý nghĩa của lời kinh, nên tôi thường hay chia trí lo ra, nhưng cũng có lúc tôi đọc với tất cà tấm lòng thành, theo lời kinh tôi xin Mẹ Maria cầu cùng Chúa thay cho tôi vì thôi thơ dại chẳng biết cầu nguyện làm sao!

            Năm tôi lên mười sáu, một biến cố xảy đến với chị bạn của tôi: Một buổi chiều kia trong lớp học, tôi nghe tiếng khóc nức nở của Huỳnh Mai. Bạn tôi vừa khóc vừa nói với cô giáo: “Cô ơi, em muốn tự tử chết cho rồi!” Cô giáo mở to đôi mắt ngạc nhiên hỏi Huỳnh Mai: “Chuyện gì vậy, em hãy bình tĩnh kể cho cô nghe nào?”

            “Em vừa khám ra sự bí mật của đời em!” Huỳnh Mai kể trong tiếng nấc nghẹn ngào: “Tuần trước về quê nội, một ông bác đã nói một câu ám chỉ em chỉ là con nuôi của ba má em hiện tại.  Khi nghe qua lời này, trời đất như tan tành trước mặt em. Trời ơi! Còn chi đau khổ cho bằng trong phút chốc mình khám phá ra chính mình chỉ là một đứa con rơi được người ta lượm đem về nuôi. Trời! Tôi là đứa trẻ mồ côi thật sao? Hai người mà tôi thường kính yêu như cha mẹ, thì họ không phải là đấng sinh thành ra tôi. Mười tám năm qua tôi những tưởng mình sống hạnh phúc trong tình yêu thương của cha mẹ, tôi tưởng mình là đứa con có phúc được sống gần bên cha mẹ, dù cha mẹ tôi nghèo nhưng đã hết lòng yêu thương tôi, nhưng bây giờ…Trời ơi! Thực tế quá phũ phàng! Cha mẹ ơi! Giờ này cha mẹ ở đâu? Cha mẹ có còn sống trên cõi đời này không, tại sao cha mẹ lại bỏ con?”

            Cô giáo tôi sững sờ nhìn Mai khóc, lòng cô cũng đau điếng khi nghe qua tâm sự đau buồn của đứa học trò.

            Huỳnh Mai thổn thức: “Cô ơi, chắc em chết mất, em không thể sống nổi với mối tủi nhục của một kẻ không cha không mẹ!”

            Chiều hôm ấy cả lớp tụi tôi ngưng học, bang hoàng trước nỗi đau buồn to lớn nhất của đời Mai. Cô giáo dịu dàng hỏi Mai: “Em có hỏi ba má em cho biết sự thực ra sao chưa, hay đây chỉ là một tin đồn?”

            “Dạ có, em đã khóc hỏi má em, nhưng bà hoàn toàn thinh lặng không nói một câu.” Mai ngừng lại lau nước mắt, nhưng hai hàng nước mắt lại chảy chan hòa. Mai thổn thức kể tiếp: “Cô ơi! Phải chăng sự thinh lặng của má em chính là bà đã thú nhận sự thật đúng như vậy”

            Cô giáo cũng chỉ biết thinh lặng thôi, nếu khi ấy chỉ một cái gật đầu nhẹ của cô thôi cũng đủ làm lòng Huỳnh Mai tan nát.

            “Cô à, em đã quì xuống van lạy má em, em vừa khóc vừa nói với bà: Má ơi, mẹ con bây giờ ở đâu? Xin má hãy cho biết để mẹ con dù ở chân trời góc biển nào con cũng quyết đi tìm gặp người dù chỉ một lần thôi để con được quỳ lạy người đã cưu mang và sinh ra con, rồi con sẽ trở lại đây để phụng dưỡng ba má cho tới lúc tuổi già, để đền đáp công ơn ba má đã nuôi dưỡng con bao nhiêu năm qua, má đừng sợ mất con, con không bỏ ba má đâu?”

            “Nghe vậy rồi má em nói sao?” Cô giáo hỏi. “Bà ngồi khóc thôi chứ không nói gì cả.”

            Giờ tan học, tôi nắm tay Huỳnh Mai không biết nói gì để an ủi bạn. Ra tới cổng trường khi chia tay tôi nói với Mai: “Huỳnh Mai, hãy hy vọng để mà sống! Đừng tự tử, giết mình có tội trọng đấy!”

            Những ngày sau đó Mai phải nghỉ học vì tinh thần bị khủng hoảng. Thương Mai tôi vội viết cho bạn một lá thư. Đó là bức thư đầu tiên của đời tôi.

            “Huỳnh Mai thương thương ơi!

            “Oanh rất cảm thông với nỗi đau buồn của Mai. Hiện Mai buồn vì không có người mẹ ruột, nhưng Mai biết không, Mai còn có người Mẹ rất thương Mai, mặc dù Mai không biết Người, cũng như Mai chưa hề biết mẹ ruột của Mai là ai, thế mà Người mẹ này vẫn yêu thương Mai. Người hằng quan tâm đến Mai, sẵn sàng cứu giúp Mai nữa. Người Mẹ ấy chinh là Đức Trinh Nữ Maria-Mẹ của Chúa Giêsu, Mẹ của nhân loại, Mẹ của Oanh và của Mai nữa. Hiện nay đang Mẹ ở trên Trời, song chúng ta có thể đến với Mẹ qua lời cầu nguyện. Mai có tâm sự gì buồn thì có thể tâm sự với Mẹ. Đức Mẹ sẽ nghe hết.

            “Oanh chỉ cho Mai cách cầu nguyện với Đức Mẹ như vầy nè: ‘Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ. Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử. Amen.’

            “Mỗi khi Mai buồn nhớ đến cha mẹ ruột của mình, Mai hãy cầu xin Mẹ an ủi Mai. Mỗi tối Mai hãy nhìn lên Trời đọc một kinh KÍNH MỪNG như trên để cầu cho cha mẹ Mai và Mai gặp lại nhau. Oanh xin Mai nhớ mỗi ngày đọc một kinh này để dâng cho Đức Mẹ và xin Đức Mẹ giúp Mai. Biết đâu có ngày Đức Mẹ sẽ cho Mai tìm gặp được cha mẹ ruột của mình.

            “Thương nhiều. Oanh”

            Tôi viết thư chỉ cách cho bạn tôi khi đọc kinh KÍNH MỪNG thì nhìn lên Trời mà đọc, vì bạn tôi là Phật tử và vì thuở bé mẹ tôi thường dắt tôi đến trước bức tượng Đức Mẹ hay trước bức chân dung Đức Mẹ để đọc kinh cầu nguyện. Còn gia đình của Mai thì có bàn thờ Phật và Tổ tiên nên tôi ngây thơ tin rằng Đức Mẹ của tôi đang ở mãi tận trên Trời. Tôi gửi thư trao tận tay cho Mai và thỉnh thoảng tôi soạn một số báo Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp cũ cho Mai đọc vì tôi biết bạn tôi rất thích đọc sách báo. Nhưng trong thâm tâm tôi thật tình muốn giới thiệu Chúa Kitô và Mẹ Maria cho bạn tôi, vì tôi biết mình vụng về chẳng biết nói sao cho bạn tôi nhận biết Chúa và Đức Mẹ, tôi đành phải nhờ qua sách báo Công giáo vậy.

            Sau đó vì hoàn cảnh tôi phải đi xa. Ba năm sau tôi mới có dịp trở về quê nhà, tôi gặp lại Mai. Mai vui mừng kể cho tôi nghe:

Sau khi nghỉ học chữ, Mai đi học nghề uốn tóc. Cách đây hai năm hồi đó Mai đang làm việc tại tiệm uốn tóc Tứ Hải gần Phố chợ Long Thành. Chiều hôm ấy có một người khách từ Bình Lâm đến tiệm này để uốn tóc. Cô khách này dẫn theo một cô bé trạc 14, 15. Khi ấy Mai đang uốn tóc không để ý đến cô bé. Còn các bạn đồng nghiệp của Mai thì chăm chú nhìn cô bé. Cách ăn mặc của cô bé này giống người thành phố, mặt mày sáng sủa có vẻ thông minh nhanh nhẹn, dáng người cao thon, nước da trắng hồng mịn màng. Họ ngạc nhiên khi thấy cô bé này giống Huỳnh Mai, họ tỉ mỉ quan sát từng ngón chân đến đôi bàn tay của cô bé, nhỏ này cũng có đôi bàn tay búp măng giống y đôi tay búp măng của Huỳnh Mai nữa. “Chèn ơi, sao nhỏ này giống y chang Huỳnh Mai hà!” Huỳnh Mai quay lại nhìn cô bé, rồi nhìn mặt mình trong gương thì quả thật cô bé giống hệt mình. Huỳnh Mai nói với các bạn: “Ờ, há, em nhỏ này giống mình ghê ta.” Nhưng rồi Mai nghĩ người giống người đâu có gì lạ, vì thỉnh thoảng Mai gặp người này giống hệt người kia, hỏi họ có bà con với nhau không, thì họ nói không biết không quen.

            Tới phiên người chị họ của cô bé cũng ngạc nhiên nhận ra cô em họ mình có nét đặc biệt giống cô thợ đang uốn tóc cho mình. Ngày hôm sau cô bé trở về nhà với bố mẹ cư ngụ tại Sài-gòn, cô bé vui miệng thuật lại cho bố mẹ nghe chuyện mình giống một cô thợ uốn tóc. Mẹ cô nghe xong và nói với cô: “Ngày mai con dẫn mẹ xuống Long Thành tới tiệm Tứ Hải để gặp cô thợ đó, nhá con.”

            Trưa hôm sau, có hai ông bà trạc tuổi ngoài 50 tới tiệm Tứ Hải xin gặp Huỳnh Mai.

            “Dạ thưa hai bác, cháu là Huỳnh Mai đây.” Huỳnh Mai lễ phép thưa.

            “Cháu làm ơn dẫn hai Bác tới nhà để gặp ba má cháu có chuyện cần.”

            Mai xin phép chủ tiệm và dẫn hai ông bà khách lạ về nhà mình. May mắn hôm ấy ba má đều ở nhà cả. Giới thiệu ông bà khách với ba má xong, Mai xuống bếp bắc ấm nước đun sôi để pha trà mời khách. Đang khi chờ nước sôi thì Mai nghe trên nhà ba má mình đang thú tội với ông bà khách là họ đã bắt cóc đứa con gái ông bà cách đây 19 năm!

            Mai đứng dưới bếp nghe bàng hoàng. Sự thật hay chỉ là giấc mơ đây? Thì ra ngày trước má nuôi của Mai là người làm công cho ông bà khách này, bà là vú nuôi Mai. Vì hiếm muộn không có con nên bà lợi dụng khi ông bà chủ đi vắng nhà ôm bé Huỳnh Mai trốn đi từ đó tới nay.

            Mai chạy ùa vào phòng ngủ mở chiếc va-ly nhỏ ra lấy bức thư của Oanh đã viết cho Mai cách đây gần một năm Mai xem lại: “…Mỗi tối Oanh xin Mai hãy đọc một kinh Kính Mừng để cầu xin với Đức Mẹ, biết đâu một ngày nào đó Chúa và Đức Mẹ sẽ cho Mai được gặp lại ba má ruột của mình…” Vừa đọc đến đây thì Mai nghe má gọi: “Huỳnh Mai, con!” “Dạ.”

            Nghe tiếng gọi Huỳnh Mai vội chạy ra. Má nuôi của Mai một tay đưa lên lau nước mắt, tay kia chỉ về phía ông bà: “Con ơi, ông  bà này chính là cha mẹ ruột của con đấy.”

            “Mẹ! Cha!” Huỳnh Mai ôm lấy mẹ ruột của mình khóc òa lên vì mừng rỡ. Lần đầu tiên Mai được gọi tiếng Mẹ ơi! Ôi sung sướng biết bao! Mai chạy vào phòng ngủ quì xuống đất đọc một kinh Kính Mừng cảm ơn Đức Mẹ. “Chúa ơi, diễn biến xảy ra như Oanh viết cho mình vậy đó, Oanh à!”

            Tôi xúc động xiết chặt tay Mai: “Chúc mừng Mai đã được gặp cha mẹ, thật Oanh không ngờ Chúa và Mẹ đã nhận lời tụi mình vượt quá sự mong ước Mai nhỉ?”

            “Công nhận Chúa xếp đặt mọi sự đều tốt đẹp Oanh há?” Tôi gật đầu: “Đúng rồi, đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể cơ mà. Mai không biết cha mẹ ở đâu mà tìm, thì Chúa đã xếp đặt cho cha mẹ Mai đến tận nhà để tìm Mai, và lại tìm được Mai một cách hết sức dễ dàng!”

            Tôi xòe bàn tay ra trước mặt Mai và đếm một, hai, ba, bốn, năm.. “Ồ bây giờ thì nhất Mai nhé, Mai là người hạnh phúc vì có được nhiều mẹ nhất nè, mẹ nuôi, mẹ ruột, mẹ” Mai ngắt ngang lời tôi: “Cảm ơn Chúa, chẳng những Mai đã tìm được cha mẹ ruột mà Mai còn diễm phúc tìm được người mẹ chân chính nữa, đó là điều Mai vui mừng nhất. Mai yêu quý Mẹ Maria nhều nhất vì chính Mẹ mà Mai được nhận biết Chúa. Mai còn nhỏ, ngày xưa Mai có thói quen cứ mỗi lần vấp té thì Mai thường thốt gọi: “Chúa ôi,” thì Oanh nói với mình: “Huỳnh Mai gọi Chúa, nhưng Huỳnh Mai có biết Chúa là ai?” Bây giờ thì mình đã được trở thành con Chúa rồi, sung sướng ghê! Ngày Mai được lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, Mai muốn báo tin mừng cho Oanh nhưng không biết Oanh ở đâu.

            Tôi bỡ ngỡ như người đang trong giấc mơ, mình cầu cho Mai được nhận biết và tôn thờ Chúa, cầu cho Mai được tìm gặp cha mẹ đã bị thất lạc từ thuở đời nào ấy. Thế mà Chúa và Đức Mẹ đã nhận lời cầu của mình thật tình ta! Chính qua biến cố này Chúa đã đưa Mai về với Chúa và Chúa củng cố niềm tin của tôi.

            Từ đó tôi xác tín rằng: “Mẹ là nguồn cậy trông chưa thấy ai xin Mẹ về không.”

            ***

Chứng từ “Lời kinh dâng Mẹ” của Chị Theresa đã giúp tôi được thêm lòng tin cậy kính yêu Mẹ. Nhân Ngày Hiền Mẫu, tôi muốn ghi lại chứng từ của Chị để giúp mọi người, nhất là các tín hữu Công giáo, một lần nữa nhận biết quyền năng tình thương tuyệt vời của Đức Maria –“người mẹ chân chính” -và “yêu quý Mẹ Maria nhiều nhất” như lời chia sẻ rất đơn sơ chân tình của Chị Mai trên đây.

Đây thực là một kỷ niệm tuyệt vời của tuổi học trò!

(May 7-8, 2021)

Lm. JBT Phạm Quốc Hưng, CSsR

Chia sẻ Bài này:

Related posts