Tôi đi cải tạo năm 1975 và được tha về năm 1982. Trong thời gian tôi vắng nhà, vợ tôi đã phải tần tảo nuôi con, ngược xuôi nay chỗ này mai chỗ khác, nên không có hộ khẩu. Vì thế khi được tha về tôi đã không được nhà cầm quyền cho hộ khẩu; công an yêu cầu tôi trở lại trình diện Bộ Nội Vụ. Tôi sợ sẽ bị bắt đi cải tạo nữa, nên sau nhiều lần lên huyện xuống tỉnh nài nỉ mà vẫn không được chấp thuận (vì vợ con tôi chưa có hộ khẩu nên tôi xin được vô hộ khẩu của người bà con). Tôi quyết định dắt díu vợ con vô rừng làm rẫy cách xa chợ chừng 10 cây số. Tôi muốn tránh gặp mọi người nhất là công an, du kích… vì sợ sẽ bị bắt lại với tội không trình diện hàng tháng và không hộ khẩu.
Ăn uống thiếu thốn, làm lụng cực khổ, muỗi rừng và khí hậu thời tiết nghiệp ngã, tháng 8 năm 1983 tôi lâm bệnh sốt rét ác tính. Các y sĩ địa phương đều bó tay vì bệnh tôi đã quá nặng. Các em vợ tôi đã để tôi nằm trên một chiếc võng căng giữa hai chiếc xe thồ đưa về nhà cha mẹ vợ tôi. Tôi được vị linh mục phó xứ cho chịu phép Xức Dầu. Sau khi đã xưng tội và rước Mình Thánh Chúa, tôi thấy mình quá mệt nên trình với ngài rằng: “Thưa cha, con mệt quá”, rồi tôi đi vào hôn mê hoàn toàn.
Vợ tôi kể lại, sau đó đưa tôi về Sài-gòn xin vô bệnh viện Chợ Rẫy, nằm phòng cấp cứu. Tại đây, tất cả các bác sĩ đều bó tay và yêu cầu đưa tôi xuống nhà xác, chỉ duy có bà bác sĩ Phương xin giữ tôi lại để bà ta chữa trị, coi như thí nghiệm theo cách trị liệu của bà ấy. Lúc đó tôi vẫn còn hoàn toàn hôn mê, không ăn không uống, đại tiện thì không, tiểu tiện phải dùng ống thông, nước tiểu muốn chảy ra lúc nào thì chảy, nước biển liên tục được chuyền vô cơ thể tôi. Tôi như một cụ già, da bọc xương, chí rận tùm lum trên người. Trong thời gian hôn mê này gia đình tôi đã bàn tính chuyện ma chay chôn cất cho tôi.
Nhưng sau gần 3 tuần lễ, tôi hồi tỉnh. Mở mắt ra, hình ảnh đầu tiên tôi thấy là vợ tôi đang ngồi bên cạnh. Vợ tôi mừng quá la lên, và thế là cả phòng từ y tá tới các bệnh nhân đều rộn rã: “Đã tỉnh lại rồi! Đã tỉnh lại rồi!” Tôi nghe thấy nhưng không nói được, không cử động được, nhìn lên trần nhà thấy đèn điện sáng tôi mới biết rằng đây là bệnh viện. Sức khoẻ tôi từ từ bình phục. Ít ngày sau tôi được rút ông thông tiểu, ăn một chút cháo, bắt đầu ngồi dậy, và vợ tôi dìu tôi tập đi chung quanh phòng.
Tôi được kể cho biết, trong khi tôi hôn mê, bà bác sĩ Phương và một bà bác sĩ khác cộng tác điều trị cho tôi đã dùng kim chích lấy nước tuỷ sống của tôi để nghiên cứu, theo dõi và chữa trị cho tôi. Mấy ngày sau khi tôi tỉnh lại có một phái đoàn y sĩ nước ngoài (khoảng mấy chục người gồm nhiều quốc tịch khác nhau) tới thăm bệnh viện Chợ Rẫy, họ ghé thăm tôi – một người đáng lẽ đã chết nhưng được cứu sống. Bà bác sĩ Phương đã trình bày cho phái đoàn về bệnh tình tôi và cách trị liệu của bà. Một bác sĩ trong phái đoàn đã xét nghiệm tôi ngay lúc đó. Chiều hôm ấy tôi ngồi nói chuyện với bà bác sĩ Phương ngoài hành lang, bà nói với tôi rằng: “Anh được thoát chết thật là may mắn cho anh, còn tôi cũng được vinh dự”. Phái đoàn y sĩ này đã yêu cầu bệnh viện Chợ Rẫy khám bệnh và điều trị bất cứ bệnh gì còn có trong thân thể tôi. Vì thế, tôi được chụp quang tuyến và khám bệnh toàn bộ cơ thể.
Bốn tháng sau tôi rời bệnh viện với một thân thể hoàn toàn không có bất cứ bệnh gì. Trước khi ra về, bác sĩ Bính nói với tôi: “Khi anh nhập viện, đã có mấy người bệnh như anh đều chết. Vì thế tất cả các bác sĩ đều đồng ý đưa anh vào nhà xác, và chính tôi đã đề nghị mổ phúc mạc anh để nghiên cứu, nhưng bà bác sĩ Phương xin giữ anh lại để bà ta chữa, và bây giờ anh vẫn còn sống. Thật là kỳ lạ!”
Rời bệnh viện, vợ chồng tôi ghé thăm anh chị họ tôi (mẹ tôi là cô ruột của chị ấy), anh chị rất thương tôi. Chị nói với tôi rằng: “Chúa để em còn sống là để em lập công đền tội đấy!” Lời nói này vẫn luôn nhắc nhở tôi.
Vợ chồng tôi cùng với con cái lại tiếp tục vô rẫy canh tác như trước. Vào một đêm, trong giấc mơ tôi thấy một bé trai khoảng 12 tuổi bồng một bé sơ sinh đến trao cho tôi và nói: “Tôi nói cho chú hay, đáng lẽ chú đã chết rồi, nhưng chú còn sống là nhờ kinh Kính Mừng đấy!” Nói xong chú bé bỏ đi. Tôi nghĩ chú ta đã quên không bồng em bé đi, nên gọi lớn để trả bé sơ sinh cho chú ta. Tiếng kêu ấy làm vợ tôi thức giấc, nàng lay tôi dậy. Ngay lúc đó, tôi có cảm nghiệm và đinh ninh rằng: chính Đức Mẹ đã cứu tôi.
Tôi hồi tưởng lại những lúc mẹ tôi dạy tôi cầu nguyện và lần hạt Mân Côi từ ngày tôi mới lên tám lên chín. Mẹ tôi qua đời năm 1967, lúc tôi đang theo học khoá 25 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, nhưng điều người dạy tôi “phải siêng năng lần hạt Mân Côi và cầu nguyện liên lĩ” thì tôi không bao giờ quên. Lúc còn đi học, khi gia nhập quân đội, lúc hành quân nguy hiểm, thời gian trong trại cải tạo, khi nào việc lần hạt Mân Côi cũng là liều thuốc an bình cho tôi. Nhất là từ sau lần thoát chết kể trên, tôi đã cảm nghiệm và hiểu được rằng: Đức Mẹ đã cứu tôi để tôi xét lại con người mình. Nếu tôi chết lúc bấy giờ, chắc tôi đã sa hoả ngục!
Ôi, tôi đâu có ngờ rằng những kinh Kính Mừng đã làm đẹp lòng Mẹ Maria. Lòng yêu Mẹ của tôi có là bao mà Mẹ lại thương tôi dường ấy. Thực đúng như lời một vị linh mục đã nói trên toà giảng: “Ai yêu mến Đức Mẹ, dứt khoát Đức Mẹ sẽ không để người ấy phải sa hoả ngục”.
* * *
Vào năm 1988, trong một bữa cơm ở nhà chú vợ tôi ở Sài-gòn, có mấy người bạn của chú là những sĩ quan cấp tá đã khuyên tôi phải cố gắng vô hộ khẩu, vì thế nào Mỹ cũng đưa được những tù nhân cải tạo đi, và bảo tôi nên xin tờ L.O.I (letter of introduction) của Mỹ cho chắc ăn. Vì thế, ngay bữa đó tôi biên thư gửi sang toà Đại Sứ Mỹ ở Thái Lan nhờ một người bạn ở Canada chuyển. Chừng bốn tháng sau tôi nhận được tờ L.O.I. Bước kế tiếp là vô hộ khẩu. Khâu này mới thật gây cấn và nguy hiểm, vì tôi có thể bị bắt đi cải tạo trở lại, lý do đã không trình diện 6 năm. Tôi đánh liều cầm đơn lên công an huyện (lúc này vợ con tôi đã có hộ khẩu được 1 năm). Viên sĩ quan công an gặp tôi nói:
-Tôi đã không chấp nhận cho anh vô hộ khẩu ở địa phương này, tôi đã trả anh về công an tỉnh đề nghị anh về trình diện Bộ Nội Vụ, thế mà anh đã không thi hành. Vậy mấy năm nay anh ở đâu và làm gì? Anh phải làm tờ kiểm điểm, tờ tự khai, khai hết cho tôi.
-Tôi vô rừng làm rẫy.
-Ai cho phép anh phá rừng làm rẫy? Chắc chắn là anh đã hoạt động chống phá!
-Tôi đã đi cải tạo, đã tiếp thu được qua học tập cải tạo sự khoan hồng của cách mạng và đã được tha về, tôi dại gì mà đi chống phá cách mạng?
-Anh đừng có lẻo mép và ngoan cố!
-Tôi thấy đồng chí Nguyễn Văn Linh…
-Ai cho phép anh gọi ông ấy là đồng chí?
-Tôi xin lỗi! Anh thấy đó, ông Nguyễn Văn Linh rất cởi mở, ngay cả các tướng tá cao cấp hơn tôi mà kỳ này còn được tha về, nên tôi mới mạnh dạn và hy vọng được cách mạng cho tôi vô hộ khẩu với vợ con.
-Anh ngồi đó, tôi phải đưa vụ việc này lên cấp trên để xử lý.
Rồi anh ta cầm đơn tôi đem đi. Tôi cảm thấy khó khăn và nguy hiểm quá. Ngay lúc đó có một bà chừng 60 tuổi, đến về việc gì tôi không biết, nói với tôi rằng:
-Thôi chú ạ, dù sao chú cũng là kẻ bại trận, chú cãi với người ta có ích gì!
Tôi hiểu ý bà và nói:
-Con cám ơn bác.
Một lúc sau thì anh công an trở lại. Đứng dậy, tôi không để cho anh ta nói trước, tôi nói ngay:
-Hồi nãy tôi thật có lỗi. Xin an bỏ qua. Tôi nhìn nhận là có lỗi rất nhiều vì đã không đi trình diện.
-Vậy chứ! Anh phải biết như vậy chứ! Anh ngồi xuống đi.
Rồi anh ta trở ra. Chừng nửa giờ sau anh ta trở lại và nói:
-Anh đi theo tôi.
Tôi đứng lên theo anh mà lòng lo âu. Anh ta đưa tôi đi chụp hình, rồi nói:
-Anh được phép vô hộ khẩu.
Thật là hú vía! Tôi mừng quá! Đúng là Đức Mẹ đã dùng bà khách kia khuyên bảo và soi sáng cho tôi cũng như thúc giục anh công an trình với cấp lớn hơn cho tôi vô hộ khẩu.
Có hộ khẩu rồi, gia đình tôi sống thoải mái hơn. Tôi không còn phải lo tránh né như trước. Nhất là có hộ khẩu tôi mới được dễ dàng qua Mỹ theo diện H.O. Cảm tạ Chúa và Mẹ Maria!
* * *
Trong thời gian tôi phải đi cải tạo, vợ tôi ở nhà phải lo xuôi ngược, tần tảo nuôi hai con (sanh năm 1972 và 1974). Vì gia cảnh thiếu thốn, cộng thêm sự mong chờ chồng, nên sức khoẻ vợ tôi ngày càng tệ. Bệnh tim bắt đầu xuất hiện. Khi tôi được tha về, bệnh tình vợ tôi đã ra nặng. Nàng đi bác sĩ tây, thầy lang ta, hết thuốc này đến thuốc nọ nhưng bệnh ngày càng trầm trọng. Bất cứ lúc nào nàng cũng có thể lên cơn bệnh, đau nhói trong tim rồi ngộp thở.
Sau khi qua Mỹ, nàng cũng đã chạy chữa nhiều cách nhưng đều vô hiệu. Tới năm 1999, bệnh tình vợ tôi trở nên nguy ngập hơn. Tôi đưa nàng đi khám bệnh tại trung tâm tim mạch lớn nhất của thành phố Austin bang Texas. Các bác sĩ cho hay nhịp tim rất lộn xộn, họ hẹn 3 ngày sau đi tái khám bằng những phương tiện khác. Sau lần khám phá thứ hai, họ lại hẹn đi khám lần thứ ba bằng hệ thống máy móc tối tân nhất. Vào buổi sáng trước lần khám chót chỉ có 3 ngày, chúng tôi đang ngồi ở phòng khách thì vợ tôi kêu lên:
-Anh ơi, em ngộp thở rồi! Mệt quá, em không chịu nổi!
Thấy mặt vợ tôi tái mét, nằm dài trên xô-pha, tôi hoảng quá:
-Còn mấy ngày nữa mới tới phiên khám bệnh. Biết làm sao bây giờ? Chúng ta chỉ còn biết phó thác trong tay Chúa và Mẹ Maria. Vậy anh viết thư xin Dòng Đồng Công khấn cho em, rồi đưa em đi nhà thương nhé?
Vợ tôi gật đầu. Tôi lấy giấy bút viết cho Nhà Dòng và kèm theo tấm ngân phiếu xin Nhà Dòng cầu nguyện cho. Sau khi đi gửi thư trở về, tôi ngạc nhiên thấy vợ tôi đã ngồi dậy. Tôi chưa kịp hỏi thì nàng nói:
-Bây giờ em thấy khoẻ quá, như không có bệnh gì vậy?
Mấy ngày sau, như đã hẹn, tôi đưa vợ tôi đi khám bệnh. Các bác sĩ ngạc nhiên khi không thấy có một triệu chứng đau tim nào nơi nàng. Chúng tôi ra về. Ngày hôm sau họ gọi điện thoại bảo cho tôi: “Vợ ông hoàn toàn khoẻ mạnh”. Chúng tôi mừng vô hạn!
Cho đến nay đã 4 năm rồi, vợ tôi không dùng một viên thuốc đau tim, không cần phải đi bác sĩ. Bệnh tim của vợ tôi đã hoàn toàn biến mất. Đối với tôi, một “phép lạ” đã xảy ra. Chúa và Đức Mẹ đã nhận lời cầu nguyện của chúng tôi một cách tức thời.
Lạy Chúa, lạy Mẹ Maria, chúng con xin phó thác thân xác và linh hồn chúng con cho Chúa và Mẹ mãi mãi.
Anphong Nguyễn (Moore, OK)
Chi Dòng Đồng Công HK