Tại Miền Nam Việt Nam, hôm ấy chiều Chúa Nhật, vì mưa lớn quá, cha xứ không thể đến dâng lễ được. Người phụ trách phụng vụ đã mời ai đó muốn chia sẻ sau khi đọc Lời Chúa, thì xin lên. Một ông tiến lên giảng đài kể câu truyện sau, về Đức Mẹ với công cuộc truyền giáo.
“Cộng đoàn đã từng biết tôi là một tân tòng, và tôi còn mẹ già và người anh cả ở miền Bắc, cả hai đều còn là người lương. Tôi rất xót thương cho số phận linh hồn của người thân.
Khi còn trong trại cải tạo, suốt mười năm, tôi chỉ một lòng một dạ lo việc nâng đỡ tinh thần anh em Công giáo đồng số phận; dậy Giáo lý và Rửa tội cho nhiều anh em ngoài Công giáo. Và trong suốt 10 năm, tôi chỉ cầu xin một điều duy nhất là: Con làm tất cả mọi việc Mẹ trao cho con để phục vụ Đoàn con của Mẹ, con không xin cho mình ơn gì, kể cả việc phóng thích, con chỉ xin Mẹ tỏ ra Mẹ là Mẹ của con, thân nhân con, trong đó nhất là có mẹ và anh cả của con, vợ con con… Con xin trao phó cho Long Từ Bi của Mẹ. Con biết chắc rằng Mẹ còn thương những người thân yêu của con hơn con yêu thương họ. Ước chi mẹ con và anh cả của con được trở về cùng Chúa, được sống và chết trong Đạo. Phó thác rồi, tôi yên lòng, vì đã nhiều phen, Đức Mẹ ban ơn bội hậu cho tôi, cho cả những điều tôi chưa xin, chưa cầu. Tôi đã có kinh nghiệm sống đời Tận hiến gần 40 năm liên tiếp.
Thế rồi, đang lúc còn bị giam cầm, tôi bị biệt giam một cách oan ức, bị ngược đãi quá đỗi hơn nữa. Tôi có cảm nghiệm về những khó khăn này, nên vẫn bình tĩnh nhờ Đức Mẹ hành động. Quả nhiên, trong thời gian này, tôi nhận được tin người nhà báo tới: mẹ già hơn 8o tuổi của tôi vừa đuợc lãnh nhận phép Rửa tội tại một tỉnh miền Bắc! Tạ ơn Chúa và Đức Mẹ. Bình thường không thể xẩy ra như vậy được. Nhưng đúng là việc Đức Mẹ làm. Một linh mục nước ngoài quen thân với gia đình tôi, ngài trở về thăm quê hương tại Bắc Việt. Tự nhiên như một ơn đánh động, ngài nghe biết mẹ tôi tỏ ý muốn theo Công giáo. Ngài liền bảo một đứa con gái của tôi đang đi cùng với ngài, để nó sang bên bà nội trước, dọn mình cho bà, rồi ngài sẽ sang giúp sau, để ban phép Rửa tội cho bà… Thế là mẹ già của tôi được gia nhập Công giáo và sống Đạo ngay trong vùng Cộng sản, chung quanh toàn người lương. Sau một thời gian mẹ tôi được đưa vào Nam, học thêm giáo lý, nhất là được ở gần thánh đường, đi tham dự thánh lễ mỗi ngày; biết lần hạt, biết cầu nguyện và dâng mình Tận hiến làm con Đức Mẹ Maria.
Sau thời gian mười năm, tôi được ra khỏi tù. Và lại đến lần anh cả của tôi. Ông bị tê liệt vì bệnh não. Tôi nóng lòng, nhưng lại không có tiền để có phương tiện ra thăm và mong cứu linh hồn anh ấy. Nhất là muốn cứu một người đã làm việc cho chế độ vô thần hơn 40 năm thì thật là khó vô vàn! Tôi chỉ biết phó thác việc khó khăn này cho Đức Mẹ, và nại vào “Giao Ước Tận hiến” mà xin Đức Mẹ lo cho. Trong thời gian gia tăng cầu nguyện tha thiết như vậy, thì tôi bỗng nhận được một lá thư, do từ con cháu gái ở Hà Nội gửi vào:
“… Bố con nằm tại bệnh viện Việt Xô, thập phần nguy kịch. Lạ lắm, vì chỉ vài hôm sau, bỗng có một bệnh nhân cũng được cấp cứu đưa vào bệnh viện này, nằm giường ngay cạnh giường bố con. Đó là một ông cha Đạo Công giáo người Úc. Bố con và ông cha đạo nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp, nói những gì con không hiểu, nhưng nói nhiều lắm. Con thấy bố con vui hẳn lên… Sau khi ông cha Úc xuất viện, thì lại có một ông cụ già được đưa vào bệnh viện, cũng nằm ngay sát cạnh giường bố con. Hai người lại truyện trò với nhau về nhiều những điều con không hiểu được. Chú ơi sau con mới biết cụ già ấy là một vị Giám Mục ở Lạng Sơn tên là Dụ. Bố con bây giờ thì theo Đạo Công giáo rồi. Bố con bảo tên thánh của bố con là Giuse. Con chả hiểu gì hết.”
Thưa Cộng Đoàn, tôi chỉ biết kết thúc câu truyện chia sẻ chiều nay là: Chúa và Đức Mẹ có cách thế riêng để cứu các người đáng thương xót. Đức Mẹ không kém ai lòng quảng đại bao giờ. Tôi tin hơn vào lời Kinh Thánh: “Hãy xin thì được, hãy gõ thì cửa sẽ mở cho”.
(Trích Sách “Đường Maria” của tác giả Thiên Bình, tái bản tại Hoa Kỳ, 1996, tr.97-99)
“Truyền Giáo là sứ mạng minh nhiên, cả về quyền lợi và bổn phận, của hết mọi người, và của đời sống gia đình… của cuộc sống xã hội, cuộc sống liên đới quốc tế, mưu cầu hòa bình, công bằng và phát triển” (EN 29).