“Mẹ là khiên thuẫn che chở đời con.
Và là ơn cứu độ của con trong giờ chết” (Thánh Anphongsô).
Dong duổi trên đường đời gió bụi, gánh của sầu thương nặng trĩu đôi vai. Giữa tháng ngày trôi trong cô liêu, lặng lẽ, băn khoăn và thổn thức, lạc lõng và vô vọng, người con thường luôn nghĩ tới mẹ và gọi mẹ. Mong tìm gặp bàn tay và trái tim yêu thương của mẹ mình để làm nơi nương tựa, ủi an.
Trong cuộc đời của một người, không có mẹ, mồ côi mẹ, hay bị mẹ bỏ, là điều bất hạnh lớn lao nhất. Người đó không bao giờ hiểu được những dịu ngọt và hạnh phúc mỗi khi gục đầu vào lòng mẹ, hay được mẹ đặt một nụ hôn trên trán mỗi buổi tối trước khi đi ngủ.
Sự quyến luyến nồng nàn của tình mẫu tử đã trở thành một tình cảm thiêng liêng, đến độ mặc dù sau này khi đã lớn tuổi và trưởng thành, người con vẫn không sao quên nổi. Bởi vì tình yêu thương của mẹ dành cho con thật vô bờ bến, và không bút nào có thể diễn tả một cách đầy đủ.
Tình mẹ thương con đã cho người con sự tin tưởng và niềm hy vọng rằng những gì mình muốn, đều có thể tìm được nơi trái tim yêu thương của mẹ mình. Kể cả những lúc nguy nan và đau khổ, câu nói trên miệng con vẫn là: “Mẹ ơi! Mẹ cứu con”.
Trong đời sống siêu nhiên, Maria là người mẹ uy quyền, cao sang, nhưng luôn yêu thương và săn sóc con cái mình.
Thánh Bênađô khi diễn tả quyền năng và tình thương của Mẹ, đã phấn khích mọi người hãy tin tưởng và phó thác mọi sự nơi Mẹ:
“Lậy Thánh Nữ Đồng Trinh Maria là Mẹ rất nhân từ. Xin hãy nhớ xưa nay chưa từng nghe có người nào chạy đến cùng Mẹ xin bầu chữa cứu giúp, mà Mẹ từ bỏ chẳng nhận lời”.
Sự xác tín trên, đã khiến Ngài mạnh mẽ quả quyết nếu có trường hợp nào xẩy ra là có người chạy đến cầu xin Mẹ, mà bị từ chối hãy cho Ngài biết để Ngài bảo mọi người đừng yêu mến và cậy trông Mẹ nữa.
Lo âu của cuộc sống, vất vả của kiếp người, thôi thúc của dục vọng , tất cả đã làm cho con người nhiều khi chơi vơi, đắm đuối, thất vọng, và chán chường giữa dòng đời.
Với nhiều gia đình, đời sống hôn nhân, vợ chồng, cha mẹ và con cái không còn là những ân huệ của Thiên Chúa, không còn là một dấu chứng của tình yêu, và mái ấm hạnh phúc, nhưng đã biến thành một chiến trường hằng ngày vẫn ẩm ỷ, hoặc bùng nổ những tranh chấp và hận thù đưa tới bất hạnh.
Trong những hoàn cảnh như thế, khi con chạy lại với Mẹ, Mẹ sẽ làm gì? Mẹ sẽ dậy cho con biết lắng nghe, tìm hiểu, và chấp nhận ý Chúa. Nhất là Mẹ sẽ dậy con biết nhẫn nại, khiêm tốn chờ đợi thời giờ của Thiên Chúa.
Khi đánh mất niềm tin, là lúc con người bắt đầu than trách Chúa, bắt đầu phủ nhận sự thật về cuộc đời, và về chính mình. Bắt đầu vẽ ra một Thiên Chúa theo ý mình, chứ không phải là Thiên Chúa thực như Ngài hiện hữu. Trường hợp của bà mẹ đau khổ sau đây, phản ảnh lối suy tư và cái nhìn của con về Thiên Chúa, trong những lúc con gặp đau thương và thử thách.
Câu chuyện của một thiếu phụ sẵn sàng chấp nhận đời sống góa bụa, đơn côi và lạnh lẽo. Bà đặt trót niềm tin vào Thiên Chúa, giữ luật Chúa và Giáo Hội cách đầy đủ. Bà sống đạo sốt sắng, siêng năng đọc kinh, tham dự thánh lễ và rước lễ hàng ngày. Ước vọng duy nhất của bà là xin cho được một cuộc sống bình thản, an vui và hạnh phúc bên đứa con gái của mình. Ngoài ra, bà chỉ xin sao cho được nhìn thấy đứa con của mình lớn lên, học hành, có công ăn việc làm, có gia thất, và có một cuộc sống hạnh phúc bên mái ấm gia đình.
Giấc mơ của bà xem như không bao giờ thành sự thật. Chỉ ít lâu sau khi người con gái bà lập gia đình, cô cũng đã trở thành một góa phụ trẻ như bà. Rồi bản thân cô, cô cũng đã từ biệt cõi đời trong một tai nạn lưu thông, để lại cho bà đứa cháu gái mới lên một.
Một lần nữa, bà hướng về đứa cháu ngoại. Lại cũng chỉ là một giấc mơ rất nhỏ nhoi, rất thiết thực, và rất người của bà đối với đứa cháu nhỏ bé và côi cút. Trong kinh nguyện và hy sinh, bà chỉ cầu xin làm sao cho cháu bà lớn lên, khỏe mạnh, học hành, có công ăn việc làm, có gia thất và sống một cuộc sống hạnh phúc bên mái ấm gia đình.
Rồi bỗng một hôm, cháu bà bỏ nhà trốn học. Nó bắt đầu lối sống buông thả, sa đọa khi nó chưa tròn 14 tuổi.
Quá hoảng hốt, bà càng thêm lời cầu. Bà xin khấn hết đền thánh này đến đền thánh khác, hết tuần cửu nhật này đến tuần cửu nhật khác. Bà xin hết lễ này đến lễ khác, chỉ để cầu cho cháu bà được ơn ăn năn trở lại, lo học hành và chuẩn bị cho tương lai. Nhưng rồi thực tế phũ phàng vẫn xẩy tới. Cháu bà có thai, và sinh ra một bé gái khi nó mới 15 tuổi.
Bà cảm thấy như Thiên Chúa đang nguyền rủa và xua đuổi bà. Quá chua chát, quá đắng đót, quá phũ phàng đối với cuộc đời, bà bắt đầu nghi ngờ tình thương của Thiên Chúa.
Từ bà, qua con gái bà, rồi tới cháu gái bà, tất cả là một câu hỏi khó giải thích. Càng khó giải thích hơn nếu nói rằng Thiên Chúa là tình yêu, và Mẹ Maria là đấng ban muôn ơn lành cho hết mọi người hằng cầu xin với Mẹ.
Nhưng những lời cầu và hy sinh của bà thật sự không trở thành vô nghĩa. Thiên Chúa vẫn lắng nghe những lời cầu xin của bà. Ngài vẫn tiếp nhận mọi hy sinh, và đếm từng giọt nước mắt của bà. Chỉ có điều là hành động của Ngài và cách thức trả lời của Ngài không phải là câu trả lời và hành động mà bà đang muốn có. Bà phải chờ thêm 15 năm nữa sau khi đã chết.
Câu chuyện được tiếp tục là người cháu gái của bà chỉ thay đổi lối sống 15 năm sau ngày bà qua đời. Trong một buổi tối nọ, khi nàng gặp cảnh éo le xô đẩy nàng bước sâu vào con đường trụy lạc, bỗng hình ảnh của bà chợt loé sáng vùng ký ức sâu thẳm tưởng chừng như đã chết của nàng. Nàng chợt bừng tỉnh. Và qua kinh nghiệm chua chát và đắng đót của cuộc đời, nàng đã thức tỉnh, quyết tâm làm lại cuộc.
Nàng bồi hồi xúc động nhớ lại hình ảnh bà ngoại, và hồi tưởng như nghe được những câu kinh, nhìn thấy những giọt nước mắt của bà ngoại mỗi khi cầu nguyện cho nàng. Nàng rất ân hận về cuộc sống quá khứ của mình…
Nhiều khi con vẫn thắc mắc là tại sao Thiên Chúa lại bắt bà phải chờ đợi lâu như thế? Và tại sao Thiên Chúa lại trả lời cho một người đã chết? Câu trả lời này lại cũng chỉ có một mình Chúa biết.
Như người đàn bà đau khổ trên, con ngày ngày vẫn cầu xin và nhìn lên đôi tay từ bi Mẹ, vì biết rằng từ đôi tay tình thương ấy, mọi phúc lành của Thiên Chúa sẽ tuôn đổ trên con.
Thiên Chúa đã đặt vào tay Mẹ kho tàng ơn phúc, để Mẹ ban cho ai, ban khi nào, và ban bao nhiêu theo ý Mẹ muốn. Tư tưởng của Thánh Anphongsô được diễn tả một cách dễ hiểu hơn, có nghĩa là Mẹ chính là Quản Lý mọi phúc lành của Thiên Chúa. Chỉ có một điều con cần phải lưu ý mỗi khi cầu xin Mẹ, đó là để Mẹ tự do hành xử quyền ban phát ơn sủng hợp với thánh ý của Thiên Chúa.
Một người mẹ giầu lòng thương yêu con cái như Mẹ, đứng trước kho tàng ơn phúc vô tận đó, thử hỏi khi được xử dụng quyền ban phát những ơn lành cho con cái mình, Mẹ sẽ vui mừng biết bao. Mẹ lại có thể hẹp hòi, hoặc từ chối những ai chạy đến kêu cầu Mẹ sao.
Thánh Kinh kể lại, xưa kia người Ai Cập trong cơn đói khổ đã đến với Giuse như đến với nguồn sống. Họ tìm gặp Giuse như tìm gặp vị cứu tinh, và người ban cho họ nguồn sinh lực để sống:
“Khi nạn đói lan tràn khắp Ai Cập, người dân kêu cầu cùng Pharaon xin lúa gạo. Pharaon liền nói với những người Ai Cập hãy đến với Giuse và làm những gì ngài bảo họ” (St 41:55).
Như Pharaon xưa đã nói với dân chúng của ông mỗi khi họ tới trước bệ rồng xin cứu sống, ngày nay Thiên Chúa cũng nói với con như vậy khi con đến với Ngài: “Hãy đến với Mẹ Maria”.
Trần Mỹ Duyệt
Chi Dòng Ðồng Công Hoa Kỳ