Ngàn Hoa Dâng Mẹ – Ngày 04

CHƯƠNG TRÌNH NGÀN HOA DÂNG MẸ

Chúa Nhật , ngày 04/05/2014

 

PHẦN I. SUY NIỆM MẦU NHIỆM MÂN CÔI

1. KHAI MẠC

(hát hoặc đọc: xin ơn Chúa Thánh Thần)

1. Hát: Cầu xin Chúa Thánh Thần

Cầu xin Chúa Thánh Thần, Người thương thăm viếng hồn con. Ban xuống cho con hồng ân chan chứa, trau dồi cho đáng ngôi thánh đường.

ÐK. Nguyện xin Chúa Ngôi Ba, đoái nghe lời con thiết tha. Tình thương mến ấp ủ con ngày đêm, nhuần thấm xác hồn tràn lan ơn thiêng.

2. Đọc: Kinh Đức Chúa Thánh Thần

Chúng con lạy ơn Đức Chúa Thánh Thần thiêng liêng sáng láng vô cùng, chúng con xin Đức Chúa Thánh Thần xuống đầy lòng chúng con, là kẻ tin cậy Đức Chúa Trời, và đốt lửa kính mến Đức Chúa Trời trong lòng chúng con; chúng con xin Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Thánh Thần xuống.

Sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con.

Chúng con cầu cùng Đức Chúa Trời, xưa đã cho Đức Chúa Thánh Thần xuống soi lòng dạy dỗ các Thánh Tông Đồ, thì rày chúng con cũng xin Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Thánh Thần lại xuống an ủi dạy dỗ chúng con làm những việc lành, vì công nghiệp vô cùng Đức Chúa Giêsu Kitô là Chúa chúng con. Amen.

 

2. TIN MỪNG

(theo lịch phụng vụ mỗi ngày)

Tin Mừng: Lc 24,13-45

13 Cũng ngày hôm ấy, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Em-mau, cách Giê-ru-sa-lem chừng mười một cây số.14 Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra.15 Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giê-su tiến đến gần và cùng đi với họ.16 Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người.17 Người hỏi họ: “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy? ” Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu.

18 Một trong hai người tên là Cơ-lê-ô-pát trả lời: “Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giê-ru-sa-lem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay.”19 Đức Giê-su hỏi: “Chuyện gì vậy? ” Họ thưa: “Chuyện ông Giê-su Na-da-rét. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân.20 Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá.21 Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi.22 Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm,23 không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống.24 Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói; còn chính Người thì họ không thấy.”

25 Bấy giờ Đức Giê-su nói với hai ông rằng: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ!26 Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?27 Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh.

28 Khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giê-su làm như còn phải đi xa hơn nữa.29 Họ nài ép Người rằng: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn.” Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ.30 Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ.31 Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất.32 Họ mới bảo nhau: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao? ”

33 Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giê-ru-sa-lem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó.34 Những người này bảo hai ông: “Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-môn.”35 Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.

36 Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giê-su đứng giữa các ông và bảo: “Bình an cho anh em! “37 Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma.38 Nhưng Người nói: “Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực?39 Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây? “40 Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem.41 Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: “Ở đây anh em có gì ăn không? “42 Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng.43 Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông.

44 Rồi Người bảo: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm.”45 Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh.

 

3. SUY NIỆM

 “Họ đã nhận ra Chúa” (Lc 24,35).

Như Mẹ: Trước “thảm cảnh” của Thầy mình, các môn đệ thất vọng và muốn quay trở về quê nhà. Nhưng chính lúc các ông không còn chút niềm tin và hy vọng thì Đức Kitô Phục Sinh đã chủ động đến với các ông, soi lòng mở trí để các ông hiểu được tất cả những gì liên quan đến chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

Với Mẹ: Lạy Chúa, nhiều lần trong cuộc đời, con cảm thấy hoang mang nghi ngại cho niềm tin của mình. Con học nhiều và biết nhiều về Chúa, nhưng niềm tin của con chỉ dựa trên lý thuyết. Xin cho con gặp được Chúa Phục Sinh trong cuộc đời của con qua các biến cố xảy ra hằng ngày.

Nhờ Mẹ: Xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa soi lòng mở trí để con luôn nhận ra hình ảnh của Chúa trong vũ trụ và nơi anh em con.

 

4. LẦN HẠT MÂN CÔI

(tuỳ điều kiện: lần hạt 1 chục, 2 chục… 5 chục Kinh Mân Côi)

 

5. KẾT THÚC

(hát hoặc đọc)

1. Hát: Linh hồn tôi tung hô Chúa

ĐK. Linh hồn tôi tung hô Chúa, tung hô Chúa (í, a) thần trí tôi mừng vui vời vợi trong Đấng Cứu Chuộc tôi. Chúa đã dủ thương đoái nhìn phận hèn tôi tớ. Vì vậy đến muôn đời, sẽ khen tôi đầy ơn, sẽ khen tôi đầy phúc, sẽ khen tôi muôn đời, đến muôn đời, đến muôn đời.

1. Đấng toàn năng đã làm cho tôi những việc cao trọng Danh Người là Thánh. Lượng từ ái trải qua từ đời nọ đến đời kia, hằng bao bọc những ai kính sợ Người.

2. Chúa biểu dương sức mạnh oai phong tiêu diệt tơi bời những phường tự đắc, bọn quyền quý tự kiêu, Ngài triệt hạ khỏi tòa cao và nâng dậy những ai ở khiêm nhường.

3. Lũ giàu sang đuổi về tay không, những người thanh bần ban đầy hồng phúc. Người đã nhớ lời hứa mà độ trì Ít-ra-en cùng tổ phụ Áp-ra-ham với miêu duệ.

2. Đọc: Thánh ca Tin Mừng
“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa” (Magnificat)

Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa
Thần trí tôi hớn hở vui mừng
Vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.

Phận nữ tỳ hèn mọn,
Người đoái thương nhìn tới ;
Từ nay hết mọi đời
Sẽ khen tôi diễm phúc.

Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi
Biết bao điều cao cả.
Danh Người thật chí thánh chí tôn !

Đời nọ tới đời kia,
Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.

Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh
Dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.

Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.

Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
Người giàu có, lại đuổi về tay trắng.

Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người,
Như đã hứa cùng cha ông chúng ta.

Vì Người nhớ lại lòng thương xót
Dành cho tổ phụ Áp-ra-ham
Và cho con cháu đến muôn đời.

Vinh danh Chúa Cha và Chúa Con,
cùng vinh danh Thánh Thần Thiên Chúa,
tự muôn đời và chính hiện nay
luôn mãi đến thiên thu vạn đại. A-men.

 

PHẦN II:  TÌM HIỂU VỀ ĐỨC MARIA

BÀI 7: ĐỨC MARIA VÀ GIÁ TRỊ CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ

Bên cạnh những nhân tố cổ truyền đóng góp vào sự tiến triển của Thánh mẫu học (Thánh kinh, thánh truyền, thần học, lòng đạo đức), cần phải thêm một nhân tố văn hóa của thời đại, đó là phong trào nữ quyền. Đức Maria là điển hình của người nữ can đảm chấp nhận một vai trò có ảnh hưởng đến số phận của nhân loại. Trước đó, Đức Maria là biểu hiện của sự quý trọng mà Thiên Chúa dành cho phụ nữ, khi mời gọi họ tham gia vào kế hoạch cứu độ của Ngài.

1.- Trong thế kỷ thứ XX, Thánh-mẫu-học đã tiến triển dưới khía cạnh thần học và tu đức, gần đây đã tăng thêm tầm quan trọng dưới khía cạnh xã hội và mục vụ, kể cả trong việc hiểu biết thêm vai trò của người phụ nữ trong cộng đoàn Kitô hữu và trong xã hội, như đã được nêu bật trong vài văn kiện đầy ý nghĩa của Huấn quyền Giáo hội.

Vào lúc kết thúc Công đồng Vaticano II ngày 08.12.1965, các nghị phụ đã nói như sau trong sứ điệp gửi cho tất cả các phụ nữ trên thế giới: “Giờ đã đến, khi mà ơn gọi của phụ nữ đã được diễn tả trọn vẹn, giờ mà người phụ nữ đã chiếm được trong xã hội một tầm ảnh hưởng, một địa bàn và một thế lực chưa từng thấy xưa nay”.

Vài năm sau đó, tôi đã lặp lại những lời khẳng định đó trong Tông thư Phẩm giá người phụ nữ: “Trong những năm gần đây, phẩm giá và thiên chức của người phụ nữ, – đề tài tư duy của lý trí và của Kitô giáo -, đã mặc lấy một tầm quan trọng đặc biệt” (số 1).

Trong thế kỷ này, vai trò và phẩm giá người phụ nữ là đối tượng tranh đấu của phong trào nữ quyền. Phong trào này đã muốn phản đối, đôi khi với hình thức sôi nổi, chống lại những gì, trong quá khứ cũng như hiện tại, đã làm ngăn trở việc đánh giá cao và phát triển nhân cách của phụ nữ, cũng như việc tham gia của họ vào đời sống xã hội và chính trị. Những sự đòi hỏi này, phần nhiều là chính đáng, đã mang lại một cái nhìn quân bình hơn về vấn đề phụ nữ trong thế giới hiện đại. Trước những yêu sách đó, Hội thánh, nhất là trong thời gian gần đây, đã tỏ ra sự quan tâm đặc biệt, và cũng được thúc đẩy do sự kiện là nếu biết nhận ra chân dung đích thực của Đức Maria thì sẽ tìm gặp một lời giải đáp hữu hiệu cho khát vọng giải phóng phụ nữ. Đức Maria là người duy nhất đã thể hiện được cách tuyệt diệu chương trình yêu thương mà Thiên Chúa dành cho nhân loại.

2.- Kế hoạch của Thiên Chúa đã được biểu lộ ngay từ trong Cựu ước, với trình thuật của sự tạo dựng trình bày một cặp nam nữ đầu tiên được tạo dựng theo giống hình ảnh Thiên Chúa: “Thiên Chúa đã dựng con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa dựa theo hình ảnh mình mà dựng nên con người có nam có nữ” (St 1,27). Như vậy người nữ không thua kém người nam, bởi cũng mang trong mình sự “tương tự” với Thiên Chúa. Đối với người phụ nữ, do việc xuất hiện trên mặt đất như là hiệu quả của công trình Thiên Chúa, như lời đánh giá sau đây cũng được ứng dụng: “Thiên Chúa nhìn thấy những gì mình đã làm, và quả thật là một điều rất tốt đẹp” (St 1,31). Trong viễn ảnh đó, sự khác biệt giữa người nam và người nữ không hề bao hàm sự thấp kém của người phụ nữ hoặc sự bất bình đẳng, nhưng tạo thành một yếu tố mới mẻ tăng sự phong phú cho kế hoạch của Thiên Chúa, được biểu lộ như là một điều “rất tốt”.

Thế nhưng kế hoạch của Thiên Chúa còn đi xa hơn sự mặc khải của sách Sáng thế nữa. Thực vậy nơi Đức Maria, Thiên Chúa đã gợi lên một phụ nữ vượt xa hoàn cảnh bình thường của người phụ nữ được biểu lộ nơi sự tạo dựng bà Eva. Sự siêu việt độc đáo của Đức Maria trong thế giới ân sủng và sự hoàn thiện của Người là kết quả của lòng ưu ái đặc biệt của Thiên Chúa, Đấng đã muốn nâng hết mọi người, nam cũng như nữ, lên tới cấp hoàn hảo và thánh thiện của hàng thiên tử. Đức Maria là kẻ “được chúc phúc hơn các phụ nữ”; tuy vậy, có thể nói được rằng mỗi người phụ nữ cũng được tham dự cách nào đó vào phẩm giá siêu việt của Đức Maria trong chương trình của Thiên Chúa.

3. Hồng ân đặc biệt dành cho Thân mẫu của Chúa không những cho thấy điều mà chúng ta nói được là sự kính trọng mà Thiên Chúa dành cho phụ nữ, mà còn làm sáng tỏ vai trò không thể thay thế được của người phụ nữ trong lịch sử của nhân loại dựa theo ý định của Thiên Chúa.

Các phụ nữ cần phải khám phá sự quý trọng mà Thiên Chúa dành cho mình ngõ hầu ý thức hơn về phẩm giá cao quý của họ. Phong trào nữ quyền đã nổi lên để phản ứng lại một tình trạng lịch sử và xã hội không biết tôn trọng các giá trị của phụ nữ, những kẻ thường bị gạt vào vai trò thứ yếu và đôi khi bị gạt ra bên lề xã hội. Tình trạng này đã không cho phép người phụ nữ biểu lộ toàn vẹn những sự phong phú của mình về trí năng và khôn ngoan của nữ tính. Thực vậy, trải qua dòng lịch sử, nhiều lần các phụ nữ đã đau khổ vì tài năng của họ đã bị coi rẻ và đôi khi còn bị hạ thấp và gánh chịu những thiên kiến bất công. Đây là một tình trạng mà tiếc thay, mặc dù đã có một vài cải tiến, nhưng vẫn còn tồn tại ngày nay ở nhiều nước và không ít lãnh vực trên thế giới này.

4.- Dung nhan của Đức Maria đã bày tỏ sự quý trọng của Thiên Chúa dành cho người phụ nữ, chặt đứt hết mọi cơ sở lý thuyết cho mọi hình thức kỳ thị phụ nữ.

Công trình tuyệt diệu mà Đấng Tạo hóa đã thực hiện nơi Đức Maria cung cấp cho hết mọi người nam nữ một cơ hội để khám phá một vài chiều kích mà trước đây chúng ta chưa đánh giá đúng mức. Khi nhìn lên người Thân mẫu của Chúa, các phụ nữ có thể hiểu biết hơn về phẩm giá và thiên chức cao quý của mình. Kể cả người nam nữa, dưới ánh sáng của Đức Trinh nữ Maria, cũng có thể có một cái nhìn toàn diện và quân bình hơn về bản sắc của người phụ nữ, về gia đình và về xã hội.

Việc nghiên cứu kỹ lưỡng khuôn mặt của Đức Maria, theo như Kinh Thánh trình bày và Giáo hội giải thich, cũng cần thiết để sửa chữa một vài lối giải thích của một vài trào lưu nữ quyền, khi họ hạ giá Người. Vài tác giả trình bày Đức Trinh nữ Nazarét như một biểu tượng của một người nữ khép kín giữa bốn bức tường chật hẹp của gia thất.

Trái lại, Đức Maria thật là khuôn mẫu của sự phát triển sung mãn của thiên chức phụ nữ, bởi vì, bất chấp những giới hạn khách thể áp đặt lên điều kiện xã hội của mình, Đức Maria đã gây được một ảnh hưởng vô biên đối với thân phận của nhân loại và đối với sự biến đổi xã hội.

5.- Ngoài ra, đạo lý về Đức Maria còn nêu bật những cách thức khác nhau mà đời sống ân sủng có thể cổ võ nơi vẻ đẹp tinh thần của người phụ nữ.

Đứng trước sự khai thác bỉ ổi của những kẻ muốn biến phụ nữ thành một đối tượng không còn phẩm giá, chỉ dành cho sự thỏa mãn đam mê dục tính, thì Đức Maria tái khẳng định giá trị cao vời của nét đẹp phụ nữ, một hồng ân và phản ánh vẻ đẹp của Thiên Chúa.

Thoạt tiên xem ra sự hoàn hảo của người nữ được thực hiện ở nơi Đức Maria là một trường hợp ngoại lệ, không tài nào bắt chước được, một mẫu gương quá cao xa không thể họa lại được. Thực vậy, sự thánh thiện độc nhất vô nhị của Đấng nhận được đặc ân thụ thai trinh khiết đã thường được coi như là dấu hiệu của một khoảng cách không vượt qua được. Tuy nhiên, sự thánh thiện tuyệt vời của Đức Maria, thay vì trở thành một sự ngăn cản trên con đường đi theo Chúa, thì theo chương trình của Chúa, phải trở nên dấu chỉ khuyến khích hết mọi Kitô hữu hãy cởi mở cho quyền năng thánh hóa của ơn Chúa: đối với Chúa không có chi mà không thể làm được. Vì thế nơi Đức Maria, hết mọi người được kêu gọi hãy tín thác hoàn toàn nơi Thiên Chúa toàn năng, Đấng có thể thay đổi con tim, dìu dắt nó tới chỗ hoàn toàn thuận nhận tiếp đón kế hoạch yêu thương quan phòng của Người.

 

BÀI 8: VAI TRÒ CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ

DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA ĐỨC MARIA

Tiếp nối tư tưởng của bài trước, Đức Thánh Cha trình bày ba đặc điểm mà Đức Maria làm nêu bật đối với thiên chức của phụ nữ: sự hợp tác tránh nhiệm vào vận mạng nhân loại; chức làm mẹ; đức trinh khiết do động lực trao hiến bản thân. Những đề tài này đã được quảng diễn trong tông thư Mulieris dignitatem.

1.- Như tôi đã có dịp trình bày trong những bài huấn giáo trước đây, vai trò mà Thiên Chúa ủy thác cho Đức Maria trong công trình cứu chuộc đã làm sáng tỏ thiên chức của người phụ nữ ở trong đời sống của Hội thánh và của xã hội, khi xác định sự khác biệt của người nữ so với người nam. Thực vậy, khuôn mẫu đã được thiết định nơi Đức Maria đã cho thấy rõ đâu là đặc trưng của nhân cách phụ nữ.

Trong thời gian gần đây, một vài trào lưu của phong trào nữ quyền, nhằm đẩy mạnh sự giải phóng người phụ nữ, đã muốn đồng hóa hoàn toàn người nữ với người nam. Tuy nhiên, ý định của Thiên Chúa được tỏ ra qua việc tạo dựng, tuy muốn người phụ nữ bình đẳng như người nam về phẩm chức và giá trị, nhưng cũng đồng thời khẳng định một cách rõ rệt về sự khác biệt và về đặc trưng của phụ nữ. Căn tính của người phụ nữ không thể nào nằm ở chỗ là một bản sao chép của người nam, bởi vì người nữ có những đức tính và yêu sách đặc hữu, mang lại cho họ một sự khác biệt cần phải được cổ võ và tán trợ.

Những yêu sách và đặc trưng của nhân cách phụ nữ đã đạt tới mức phát triển toàn vẹn nơi Đức Maria. Ơn sủng tràn trề của Chúa đã giúp cho mọi khả năng đặc hữu người phụ nữ được phát triển toàn diện ở nơi Người.

Vai trò của Đức Maria trong công trình cứu chuộc hoàn toàn tùy thuộc vào Đức Kitô. Đây là một chức vụ duy nhất, nằm trong kế hoạch hoàn tất mầu nhiệm Nhập thể: chức làm mẹ của Đức Maria cần thiết để trao ban cho thế giới Đấng Cứu chuộc, Con của Thiên Chúa thật, nhưng cũng hoàn toàn là con người.

Sự hợp tác cần thiết của một người nữ để cho Đức Kitô đến với trần gian đã được sáng tỏ trong sáng kiến của Thiên Chúa khi mà, qua trung gian của thiên sứ, Ngài đã thông báo cho trinh nữ Nazarét ý định cứu rỗi của Ngài, ngõ hầu Đức Trinh nữ có thể hợp tác một cách ý thức và tự do, bằng cách biểu lộ sự ưng thuận của mình một cách quảng đại.

Ở đây chúng ta thấy thể hiện khuôn mẫu cao cả nhất của sự hợp tác một cách có trách nhiệm của người phụ nữ vào việc cứu độ của con người, – của toàn thể con người-. Khuôn mẫu này tạo thành một điểm quy chiếu cho hết mọi khẳng định về vai trò và chức phân của người phụ nữ trong lịch sử.

2.- Khi thực hiện hình thức hợp tác cao cả đó, Đức Maria cũng tỏ cho chúng ta thấy một phong thái, nhờ đó mà người phụ nữ cần phải diễn tả sứ mạng của mình ra cụ thể.

Đứng trước lời loan báo của thiên sứ, Đức Trinh nữ đã không tỏ lộ một thái độ đấu tranh kiêu hùng, cũng không đòi đáp ứng những tham vọng cá nhân. Thánh Luca đã trình bày cho chúng ta thấy là Đức Trinh nữ chỉ ước mong cống hiến sự phục vụ khiêm tốn của mình trong tâm tình tín thác hoàn toàn vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Đây là ý nghĩa của lời đáp của Người: “Này đây tôi là nữ tỳ của Chúa, xin hãy xảy ra nơi tôi điều mà Ngài đã nói” (Lc 1,38).

Thực vậy, đây không phải là một sự đón nhận hoàn toàn thụ động, bởi vì sự ưng thuận của Người đã được bộc lộ sau khi đã trình bày nỗi khó khăn gây ra bởi quyết định giữ mình trinh khiết, mà Người đã ôm ấp vì muốn thuộc trọn về Chúa.

Sau khi đã nhận được lời giải đáp của thiên sứ, Đức Maria đã lập tức bày tỏ thái độ sẵn sàng của mình, qua sự phục vụ khiêm tốn.

Chính sự phục vụ khiêm tốn quý giá mà biết bao nhiêu phụ nữ, dõi theo gương của Đức Maria đã và đang cống hiến cho Giáo hội nhằm mở rộng Nước Chúa.

3.- Hình ảnh của Đức Maria nhắc nhở cho các phụ nữ ngày nay giá trị của chức làm mẹ. Trong thế giới hôm nay, không phải lúc nào người ta cũng nhìn nhận giá trị đó một chỗ đứng quân bình. Tại một vài nơi, hiện tượng các phụ nữ phải đi kiếm việc làm để trám vào những yêu sách không ngừng gia tăng của gia đình và quan niệm sai lầm về tự do đã coi việc săn sóc con cái như là một trở ngại cho sự tự lập và những khả năng khẳng định của phụ nữ; não trạng đó đã làm lu mờ ý nghĩa của chức làm mẹ đối với sự phát triển nhân cách phụ nữ. Ngược lại, trong một vài trường hợp khác, người ta đề cao quá đáng khía cạnh sinh đẻ về thể chất đến nỗi đã làm mờ nhạt những khả năng khác mà người phụ nữ có thể biểu lộ chức năng thiên phú làm mẹ.

Nơi Đức Maria, chúng ta có thể hiểu được ý nghĩa đích đáng của thiên chức làm mẹ, được đạt tới cao điểm trong ý định cứu rỗi của Thiên Chúa. Đối với Người, việc làm mẹ không những mang lại sự phát triển trọn vẹn cho nhân cách phụ nữ, bởi vì người nữ đã được hướng tới việc trao ban sự sống, nhưng mà đồng thời nó còn tạo nên một sự đáp ứng trong đức tin cho thiên chức đặc hữu của người phụ nữ; thiên chức này chỉ đạt được giá trị chân chính trong ánh sáng của giao ước với Thiên Chúa (tông huấn Mulieris dignitatem, số 19).

4.- Khi chú ý ngắm nhìn Đức Maria, chúng ta khám phá nơi Người khuôn mẫu của sự trinh khiết vì Nước Trời.

Là Trinh nữ điển hình, Người đã nuôi dưỡng trong tâm hồn lòng ước ao muốn sống hoàn cảnh đó ngõ hầu có thể đạt tới sự thân mật khắng khít mãi mãi với Thiên Chúa.

Đối với những người nữ được gọi vào sự khiết tịnh đồng trinh, Đức Maria khi bày tỏ ý nghĩa cao cả của ơn gọi đặc biệt này, đã lôi kéo chú ý đến sự phong nhiêu tinh thần mà sự trinh khiết bao hàm ở trong chương trình của Thiên Chúa: một tình mẹ ở vào hệ trật cao cấp hơn, tình mẹ trong Chúa Thánh Thần (tông huấn Mulieris dignitatem, số 21).

Trái tim hiền mẫu của Đức Maria, được mở rộng tới hết mọi nỗi khổ đau của nhân loại, cũng nhắc nhở các phụ nữ rằng sự phát triển nhân cách phụ nữ đòi hỏi sự xả thân cho tình bác ái. Rất bén nhạy với những giá trị của con tim, người phụ nữ tỏ ra một khả năng cao cả biết trao hiến bản thân.

Đối lại với những ai vào thời đại hôm nay chỉ muốn trưng bày những khuôn mẫu ích kỷ để khẳng định nhân cách phụ nữ, thì khuôn mặt sáng ngời và thánh thiện của người Thân mẫu của Chúa cho thấy rằng chỉ có trong việc trao hiến bản thân và quên mình đi vì tha nhân thì mới có thể thực hiện cách chân chính kế hoạch Thiên Chúa dành cho cuộc đời của mỗi người.

Vì thế, sự hiện diện của Đức Maria khuyến khích các người phụ nữ nuôi dưỡng những tâm tình trắc ẩn và liên đới đối với những hoàn cảnh đau thương của nhân loại, và gợi lên những ý định muốn xoa dịu những nỗi khổ cực của những người đang đau khổ: những người nghèo, những người bệnh và những người hoạn nạn đang cần được cứu giúp.

Nhờ mối dây liên kết đặc biệt với Đức Maria, người phụ nữ trải qua dòng lịch sử thường thể hiện việc Thiên Chúa gần gũi với nỗi mong chờ tình nhân ái âu yếm của nhân loại bị thương tổn do sự căm thù và do tội lỗi. Họ gieo vào thế giới những mầm mống của một nền văn minh lấy tình thương đáp lại hận thù.

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment