Ngàn Hoa Dâng Mẹ – Ngày 10

CHƯƠNG TRÌNH NGÀN HOA DÂNG MẸ

Thứ Bảy, ngày 10/05/2014

 

PHẦN I. SUY NIỆM MẦU NHIỆM MÂN CÔI

1. KHAI MẠC

(hát hoặc đọc: xin ơn Chúa Thánh Thần)

1. Hát: Cầu xin Chúa Thánh Thần

Cầu xin Chúa Thánh Thần, Người thương thăm viếng hồn con. Ban xuống cho con hồng ân chan chứa, trau dồi cho đáng ngôi thánh đường.

ÐK. Nguyện xin Chúa Ngôi Ba, đoái nghe lời con thiết tha. Tình thương mến ấp ủ con ngày đêm, nhuần thấm xác hồn tràn lan ơn thiêng.

2. Đọc: Kinh Đức Chúa Thánh Thần

Chúng con lạy ơn Đức Chúa Thánh Thần thiêng liêng sáng láng vô cùng, chúng con xin Đức Chúa Thánh Thần xuống đầy lòng chúng con, là kẻ tin cậy Đức Chúa Trời, và đốt lửa kính mến Đức Chúa Trời trong lòng chúng con; chúng con xin Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Thánh Thần xuống.

Sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con.

Chúng con cầu cùng Đức Chúa Trời, xưa đã cho Đức Chúa Thánh Thần xuống soi lòng dạy dỗ các Thánh Tông Đồ, thì rày chúng con cũng xin Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Thánh Thần lại xuống an ủi dạy dỗ chúng con làm những việc lành, vì công nghiệp vô cùng Đức Chúa Giêsu Kitô là Chúa chúng con. Amen.

 

2. TIN MỪNG

(theo lịch phụng vụ mỗi ngày)

Tin Mừng: Ga 6,60-69

60 Nghe rồi, nhiều môn đệ của Người liền nói: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi? “61 Nhưng Đức Giê-su tự mình biết được là các môn đệ đang xầm xì về vấn đề ấy, Người bảo các ông: “Điều đó, anh em lấy làm chướng, không chấp nhận được ư?62 Vậy nếu anh em thấy Con Người lên nơi đã ở trước kia thì sao?63 Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống.

64 Nhưng trong anh em có những kẻ không tin.” Quả thật, ngay từ đầu, Đức Giê-su đã biết những kẻ nào không tin, và kẻ nào sẽ nộp Người.65 Người nói tiếp: “Vì thế, Thầy đã bảo anh em: không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho.”66 Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa.

67 Vậy Đức Giê-su hỏi Nhóm Mười Hai: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao? “68 Ông Si-môn Phê-rô liền đáp: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời.69 Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa.”

 

3. SUY NIỆM

 “Bỏ Thầy, chúng con biết đến với ai” (Ga 6,69).

Như Mẹ: Lời tuyên xưng niềm tin của thánh Phêrô như một lời cảnh tỉnh chúng ta nhìn lại niềm tin của mình. Ngày nay đạo của chúng ta đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và bách hại. Nhiều người dễ dàng bỏ Chúa và giáo lý của Chúa, để chạy theo những giá trị chóng qua. Trong một xã hội chỉ biết đề cao vật chất, chúng ta có dám can đảm làm chứng cho niềm tin của mình không?

Với Mẹ: Lạy Chúa, vì sợ hãi, vì mặc cảm tự ti, nhiều lúc con không dám làm dấu, thậm chí không dám công khai niềm tin của mình. Cũng có lúc vì địa vị, nghề nghiệp hay danh lợi, con đã sẵn sàng chối bỏ đức tin mà Chúa đã ban cho con. Xin cho con tin Chúa mạnh mẽ hơn.

Nhờ Mẹ: Lạy Mẹ Maria, “Mẹ thật có phúc vì đã tin”, xin Mẹ trợ lực giúp con để con sống đức tin kiên vững trong thời đại ngày nay.

 

4. LẦN HẠT MÂN CÔI

(tuỳ điều kiện: lần hạt 1 chục, 2 chục… 5 chục Kinh Mân Côi)

 

5. KẾT THÚC

(hát hoặc đọc)

1. Hát: Linh hồn tôi tung hô Chúa

ĐK. Linh hồn tôi tung hô Chúa, tung hô Chúa (í, a) thần trí tôi mừng vui vời vợi trong Đấng Cứu Chuộc tôi. Chúa đã dủ thương đoái nhìn phận hèn tôi tớ. Vì vậy đến muôn đời, sẽ khen tôi đầy ơn, sẽ khen tôi đầy phúc, sẽ khen tôi muôn đời, đến muôn đời, đến muôn đời.

1. Đấng toàn năng đã làm cho tôi những việc cao trọng Danh Người là Thánh. Lượng từ ái trải qua từ đời nọ đến đời kia, hằng bao bọc những ai kính sợ Người.

2. Chúa biểu dương sức mạnh oai phong tiêu diệt tơi bời những phường tự đắc, bọn quyền quý tự kiêu, Ngài triệt hạ khỏi tòa cao và nâng dậy những ai ở khiêm nhường.

3. Lũ giàu sang đuổi về tay không, những người thanh bần ban đầy hồng phúc. Người đã nhớ lời hứa mà độ trì Ít-ra-en cùng tổ phụ Áp-ra-ham với miêu duệ.

2. Đọc: Thánh ca Tin Mừng
“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa” (Magnificat)

Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa
Thần trí tôi hớn hở vui mừng
Vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.

Phận nữ tỳ hèn mọn,
Người đoái thương nhìn tới ;
Từ nay hết mọi đời
Sẽ khen tôi diễm phúc.

Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi
Biết bao điều cao cả.
Danh Người thật chí thánh chí tôn !

Đời nọ tới đời kia,
Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.

Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh
Dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.

Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.

Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
Người giàu có, lại đuổi về tay trắng.

Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người,
Như đã hứa cùng cha ông chúng ta.

Vì Người nhớ lại lòng thương xót
Dành cho tổ phụ Áp-ra-ham
Và cho con cháu đến muôn đời.

Vinh danh Chúa Cha và Chúa Con,
cùng vinh danh Thánh Thần Thiên Chúa,
tự muôn đời và chính hiện nay
luôn mãi đến thiên thu vạn đại. A-men.

 

PHẦN II:  TÌM HIỂU VỀ ĐỨC MARIA

BÀI 19: “NGƯỜI ĐẦY ƠN PHÚC”

Thiên sứ chào Đức Maria là “kẻ đầy-ơn-phúc”, kiểu như gọi bằng một tên riêng, biểu lộ lòng ưu ái của Thiên Chúa đổ tràn đầy ân huệ xuống trên một tạo vật thấp hèn.

1.- Trong trình thuật Truyền tin, lời đầu tiên của thiên sứ: “Hãy vui lên” tạo nên một lời mời vui mừng, nhắc tới những sấm ngôn của Cựu ước hướng tới “thiếu nữ Sion”. Trong bài huấn giáo trước đây chúng ta đã nêu bật điểm đó cùng với việc trình bày những lý do thúc đẩy vui mừng: sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa dân Người, vua Mêsia ngự đến và sự phong nhiêu của bà mẹ. Ba lý do ấy đều ứng nghiệm ở nơi Đức Maria.

Sau lời chào khairê “hãy vui lên”, thiên sứ Gabriel ngỏ lời với Trinh nữ Nazaret, đã gọi Người là kekharitomêne, “Đầy ơn phúc”.

Trong bản văn Hy lạp, hai từ KhairêKekharitomene có tư tưởng liên lạc mật thiết với nhau: Đức Maria được mời gọi hãy vui mừng bởi vì Thiên Chúa yêu thương Người và đổ tràn ân phúc trên Người nhằm tới chức vụ làm Mẹ Thiên Chúa.

Đức tin của Giáo hội và kinh nghiệm của các Thánh đều dạy rằng ân sủng là nguồn vui mừng và niềm vui chân thực bắt nguồn từ Thiên Chúa. Nơi Đức Maria, cũng như nơi các Kitô hữu, ân huệ của Thiên Chúa phát sinh ra một niềm hoan lạc sâu đậm.

2.- Kekharitomene: hạn từ này dành cho Đức Maria được coi như là một đặc tính của một phụ nữ được Chúa định làm Thân mẫu Đức Giêsu. Hiến chế về Hội thánh đã khẳng định như sau: “Trinh nữ Nazaret, do lệnh Chúa, đã được thiên sứ đến truyền tin chào kính là ‘đầy ơn phúc’” (HT 56).

Việc thiên sứ gọi Người bằng danh xưng này mang lại cho lời chào của sứ thần một giá trị rất là quan trọng: nó bày tỏ kế hoạch cứu độ huyền nhiệm của Thiên Chúa đối với Đức Maria.  Như tôi đã viết trong thông điệp Thân mẫu Đấng Cứu Thế: “Sự đầy tràn ơn phúc ám chỉ tất cả việc ban phát siêu nhiên dồi dào mà Đức Maria nhận lãnh, bởi vì Người đã được chọn làm Thân mẫu Đức Kitô” (số 9).

“Đầy ơn phúc” là tên gọi mà Đức Maria được đặt dưới con mắt của Thiên Chúa. Thực vậy, theo như trình thuật của thánh sử Luca, thiên sứ đã dùng danh xưng đó trước khi kêu tên Maria, muốn làm nêu bật khía cạnh trổi vượt mà Chúa đã nhận ra nơi bản thân của người Trinh nữ Nazaret.

Thành ngữ “Đầy ơn phúc” dịch từ Hy lạp kekharitomêne là một phân-từ thể thụ động. Để có thể lột hết sự súc tích của bản văn Hy Lạp thì thay vì nói rằng “đầy ơn phúc “cần phải dịch là “được tràn ơn phúc” hay là “được đổ đầy ơn phúc”; điều này có nghĩa là một hồng ân được Chúa ban cho Trinh nữ. Từ ngữ, đặt ở thể quá khứ, cũng xác định hình ảnh của một ân phúc toàn hảo và bền vững kèm theo sự sung mãn. Cũng động từ ấy, theo nghĩa “ban cấp ân huệ” được sử dụng trong thư gửi Ephêsô để ám chỉ sự dồi dào ân sủng mà Chúa Cha đã đổ tràn cho chúng ta trong Thánh tử yêu dấu (1,6). Đức Maria đã lãnh nhận sự dồi dào ân sủng như là hoa trái đầu mùa của ơn cứu chuộc (xc. Thân mẫu Đấng Cứu thế, số 10).

3.- Trong trường hợp của Đức Trinh nữ, hành động của Thiên Chúa quả là phi thường. Đức Maria không có một tước hiệu phàm trần nào để đáng lãnh nhận lời loan báo Đấng Mêsia sẽ đến. Người không phải là một vị Thượng tế đại diện chính thức cho đạo Do thái, cũng chẳng phải là một người nam, nhưng chỉ là một cô gái không có ảnh hưởng gì trong xã hội đương thời. Hơn thế nữa, Người xuất thân từ Nazaret, một làng không hề được nhắc tới trong Cựu ước. Nazaret chẳng được tiếng tăm gì, theo như lời ông Natanael được kể lại trong Phúc âm thánh Gioan: “Từ Nazaret có cái gì tốt đâu ?” (Ga 1,46).

Tính cách phi thường và ân huệ nơi sự can thiệp của Thiên Chúa lại còn được nổi bật hơn khi chúng ta đối chiếu với bản văn Luca thuật lại cảnh thiên sứ hiện ra với ông Zacaria. Thực vậy, thánh sử nêu bật điều kiện ông ta là một thượng tế, và đời sống của ông cũng như của bà vợ Elisabet là khuôn mẫu của người công chính theo Cựu ước: hai ông bà “tuân giữ nghiêm chỉnh tất cả lề luật của Thiên Chúa” (Lc 1,6).

Đối lại, nguồn gốc bà Maria thì không được thánh Luca nói tới: từ ngữ “thuộc nhà Đavít” (Lc 1,27) được dành cho ông Giuse mà thôi. Ngoài ra chúng ta cũng không thấy mảy may gợi ý đến tác phong của Người. Với lối hành văn như vậy, thánh sử muốn nêu bật rằng nơi Đức Maria tất cả đều là ân huệ của Chúa. Những gì được ban cho Người thì không phải do công trạng của mình, nhưng hoàn toàn do lòng ưu ái của Thiên Chúa.

4.- Dĩ nhiên nói thế không có nghĩa là thánh Luca không muốn hạ thấp tư cách cao sang của Đức Trinh Nữ. Đúng ra ông muốn trình bày Người như là hoa trái của lòng ưu ái của Thiên Chúa, Đấng đã chiếm hữu trọn vẹn Đức Maria đến nỗi theo như lời của thiên sứ, “đổ tràn ân phúc” xuống cho Người. Chính sự dồi dào ân sủng tạo ra sự dồi dào thiêng liêng ẩn tàng nơi Đức Maria.

Trong Cựu ước, Chúa Giavê đã bộc lộ tình thương dồi dào qua thiên hình vạn trạng. Vào lúc bình minh của Tân ước, lòng lân tuất của Thiên Chúa đạt tới cao điểm ở nơi Đức Maria. Nơi Người sự tuyển chọn mà Chúa dành cho dân riêng, đặc biệt là cho những người khiêm tốn và khó nghèo đã đạt tới chóp đỉnh.

Nhờ được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và nhờ cảm nghiệm của các thánh, Hội thánh khuyến khích các tín hữu hãy đưa mắt nhìn lên Thân mẫu Đấng Cứu thế và hãy cảm thấy rằng mình cũng được Thiên Chúa yêu thương. Hội thánh mời các tín hữu chia sẻ sự khiêm tốn và khó nghèo của Người, ngõ hầu theo gương Mẹ và nhờ Mẹ chuyển cầu, họ có thể bền đỗ trong ơn sủng của Chúa thánh hóa và thay đổi con tim.

 

BÀI 20: ĐỨC MARIA HOÀN TOÀN THÁNH THIỆN

Tiếp tục chú giải lời thiên sứ chào Maria là kẻ “đầy ơn phúc”, Đức Thánh Cha trình bày lịch sử tiến triển của tín điều Vô nhiễm nguyên tội (kéo dài cho đến bài 23). Bắt đầu từ đặc tính “tòan thánh” của Đức Maria vì được chọn làm Mẹ Đấng Cứu thế, từ thế kỷ thứ VI, vài giáo phụ đã suy tư về sự thánh thiện ngay từ lúc bắt đầu cuộc đời.

1.- Nơi Đức Maria, “đầy ân phúc”, Hội thánh đã nhận biết “kẻ toàn thánh và không bị nhiễm vết nhơ tội lỗi”, “ngay từ lúc thụ thai đã được trang điểm với những ánh quang thánh thiện hết sức đặc biệt” (HT 56).

Lời tuyên dương này đã đòi hỏi một chặng đường suy tư đạo lý lâu dài, cuối cùng đưa tới việc xác định long trọng tín điều Vô nhiễm nguyên tội.

Danh xưng “được đổ tràn ơn thánh”, do thiên sứ chào Đức Maria vào lúc Truyền tin, đã gợi lên một ân huệ khác thường mà Thiên Chúa đã ban cho thiếu nữ Nazaret nhằm tới chức vụ làm mẹ, nhưng tự nó từ ngữ này mô tả hiệu quả mà ân phúc Chúa đã để lại nơi Đức Maria. Đức Maria đã được thấm nhuần ân phúc và vì thế đã được thánh hóa. Đặc tính kekharitomene mang một ý nghĩa rất súc tích, mà Chúa Thánh Thần đã không ngừng giúp Hội thánh đào sâu thêm.

2.- Trong bài huấn giáo trước, tôi đã nêu bật rằng trong lời chào của thiên sứ, từ ngữ “Đầy ân phúc” có giá trị như là tên riêng: đó là tên của Đức Maria trước mặt Thiên Chúa. Theo phong tục Do thái, tên biểu lộ tính chất của một người và một đồ vật. Do đó, danh xưng “Đầy ân phúc” bày tỏ khía cạnh sâu đậm nhất nơi nhân cách của thiếu nữ Nazaret: Người đã được ân huệ và tình thương của Chúa nhào nặn đến nỗi đã có thể được định nghĩa bằng lòng ưu ái riêng biệt như vậy.

Công đồng đã nhắc nhở rằng nhiều giáo phụ đã nhắc đến chân lý đó khi họ gọi Đức Maria là “Đấng toàn thánh”, đồng thời các ngài cũng nói rằng” Đức Maria ra như được Thánh Thần nhào nặn biến đổi thành tạo vật mới” (HT 56).

Ân phúc, hiểu theo nghĩa là “thánh sủng” tác dụng sự thánh hóa bản thân, đã thực hiện nơi Đức Maria một sự tạo dựng mới, hoàn toàn phù hợp với chương trình của Thiên Chúa.

3.- Như vậy sự suy tư thần học đã có thể gán cho Đức Maria một sự thánh thiện hoàn hảo, mà để được đầy đủ ý nghĩa, cần phải bao gồm ngay cả lúc khởi đầu sự sống của Người.

Dường như tác giả đầu tiên của chiều hướng giải thích sự tinh tuyền nguyên thủy là một giám mục ở Palestina tên là Theoteknos Livias, sống khoảng giữa năm 550 và 650. Ông đã trình bày Đức Maria “thánh thiện và tuyệt đẹp”, “trong trắng không tì ố”, và bàn tới việc Người được sinh ra với những lời này:” Người sinh ra giống như các Kêrubim, bằng đất sét tinh ròng vô nhiễm” (Bài giảng lễ Đức Mẹ lên trời).

Những lời cuối cùng, nhắc đến việc tạo dựng con người đầu tiên, được tạo dựng bởi đất sét không bị hoen ố vì tội lỗi, đã gán cho việc Đức Maria sinh ra cũng những đặc tính đó: nguồn gốc của Đức Trinh nữ cũng “tinh tuyền vô nhiễm”, nghĩa là không có tội gì. Việc so sánh với các Kêrubim còn muốn nói tới sự thánh thiện trổi vượt, đặc trưng của cuộc đời Đức Maria ngay từ lúc bắt đầu hiện hữu.

Lời khẳng định của Giám mục Theoteknos đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong cuộc suy tư thần học về mầu nhiệm Thân mẫu Đấng Cứu Thế. Trước đó, các giáo phụ Hy lạp và Đông phương thường nói tới một sự thanh tẩy do ơn thánh tác động nơi Đức Maria hoặc là trước khi xảy ra cuộc Nhập thể, (T.Grêgôriô Nazianzênô) hoặc là vào chính lúc Thiên Chúa nhập thể (thánh Ephrem, ông Saveriano Gabala, ông Giacobe Sarug).

Còn ông Theoteknos xem ra muốn Đức Maria được thanh tịnh ngay từ lúc bắt đầu cuộc sống. Thực vậy, Đấng đã được Chúa định làm Thân mẫu Đấng Cứu Thế không thể nào không có một nguồn gốc hoàn toàn thánh thiện, không bị vương vấn vết nhơ nào hết.

4.- Vào thế kỷ thứ VIII, ông Anrê giám mục Crêta là nhà thần học đầu tiên đã coi ngày sinh nhật của Đức Maria như là một cuộc tạo dựng mới. Ông lập luận như sau: “Hôm nay nhân loại đã nhận được vẻ đẹp cố hữu của mình với tất cả vẻ sáng ngời của sự tinh tuyền. Những hổ thẹn vì tội lỗi trước đây đã làm che khuất ánh sáng và vẻ đẹp của bản tính nhân loại; nhưng khi Thân mẫu Đấng Tuyệt Mỹ được sinh ra, thì bản tính nhân loại đã lấy lại những đặc ân cổ truyền ở nơi Người, và đã được đúc nặn lên theo khuôn mẫu hoàn bị mà Thiên Chúa đã muốn… Hôm nay bắt đầu việc canh cải bản tính con người, và thế giới cũ kỹ đã được Thiên Chúa biến đổi, nó đã nhận được những hoa trái đầu mùa của cuộc tạo dựng lần thứ hai” (Bài giảng I lễ Sinh nhật Đức Maria).

Rồi lấy lại hình ảnh của khối đất sét nguyên thủy, ông nói tiếp :” Thân xác của Đức Trinh nữ là một mảnh đất mà Thiên Chúa tác tạo, là hoa trái đầu mùa của dòng dõi Adam được thần hóa nơi Đức Kitô, là hình ảnh thực sự giống với vẻ đẹp nguyên thủy, là đất sét đã được bàn tay của Nghệ sĩ thiên linh nhào nặn” (Bài giảng I Lễ An nghỉ của Đức Maria).

Do đó sự thụ thai tinh tuyền và vô nhiễm của Đức Maria được coi như là khởi thủy của cuộc tạo dựng mới. Đây là một đặc ân ban riêng cho cá nhân của người phụ nữ được chọn làm Thân mẫu Đức Kitô, khai nguyên một thời gian ân sủng dồi dào mà Chúa muốn ban cho toàn thể nhân loại.

Đạo lý này, được lặp lại do thánh Germanô Constantinopolis và thánh Gioan Đamascô, cũng vào thế kỷ thứ VIII, làm sáng tỏ giá trị của sự thánh thiện nguyên thủy của Đức Maria, được trình bày như là khởi nguyên của sự cứu chuộc thế giới.

Vì thế, cuộc suy tư lý của Hội thánh đã làm phát triển ý nghĩa của tước hiệu “đầy ơn phúc”, mà thiên sứ đã gán cho Đức Trinh nữ. Đức Maria đầy tràn ơn thánh sủng, và ngay từ lúc bắt đầu hiện hữu. Ơn thánh này, trong thư gửi Ephesô (1,6) được Chúa Kitô ban cho tất cả các tín hữu. Sự thánh thiện nguyên thủy của Đức Maria trở thành một khuôn mẫu vô lường của hồng ân và của việc đổ tràn ân phúc Đức Kitô vào thế giới.

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment