Ngàn Hoa Dâng Mẹ – Ngày 13

CHƯƠNG TRÌNH NGÀN HOA DÂNG MẸ

Thứ Ba, ngày 13/05/2014

 

PHẦN I. SUY NIỆM MẦU NHIỆM MÂN CÔI

1. KHAI MẠC

(hát hoặc đọc: xin ơn Chúa Thánh Thần)

1. Hát: Cầu xin Chúa Thánh Thần

Cầu xin Chúa Thánh Thần, Người thương thăm viếng hồn con. Ban xuống cho con hồng ân chan chứa, trau dồi cho đáng ngôi thánh đường.

ÐK. Nguyện xin Chúa Ngôi Ba, đoái nghe lời con thiết tha. Tình thương mến ấp ủ con ngày đêm, nhuần thấm xác hồn tràn lan ơn thiêng.

2. Đọc: Kinh Đức Chúa Thánh Thần

Chúng con lạy ơn Đức Chúa Thánh Thần thiêng liêng sáng láng vô cùng, chúng con xin Đức Chúa Thánh Thần xuống đầy lòng chúng con, là kẻ tin cậy Đức Chúa Trời, và đốt lửa kính mến Đức Chúa Trời trong lòng chúng con; chúng con xin Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Thánh Thần xuống.

Sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con.

Chúng con cầu cùng Đức Chúa Trời, xưa đã cho Đức Chúa Thánh Thần xuống soi lòng dạy dỗ các Thánh Tông Đồ, thì rày chúng con cũng xin Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Thánh Thần lại xuống an ủi dạy dỗ chúng con làm những việc lành, vì công nghiệp vô cùng Đức Chúa Giêsu Kitô là Chúa chúng con. Amen.

 

2. TIN MỪNG

(theo lịch phụng vụ mỗi ngày)

Tin Mừng: Ga 10,22-30

22 Khi ấy, ở Giê-ru-sa-lem, người ta đang mừng lễ Cung Hiến Đền Thờ. Bấy giờ là mùa đông.23 Đức Giê-su đi đi lại lại trong Đền Thờ, tại hành lang Sa-lô-môn.24 Người Do-thái vây quanh Đức Giê-su và nói: “Ông còn để lòng trí chúng tôi phải thắc mắc cho đến bao giờ? Nếu ông là Đấng Ki-tô, thì xin nói công khai cho chúng tôi biết.”25 Đức Giê-su đáp: “Tôi đã nói với các ông rồi mà các ông không tin. Những việc tôi làm nhân danh Cha tôi, những việc đó làm chứng cho tôi.26 Nhưng các ông không tin, vì các ông không thuộc về đoàn chiên của tôi.27 Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi.28 Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi.29 Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha.30 Tôi và Chúa Cha là một.”

 

3. SUY NIỆM

 “Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10,30).

Như Mẹ: Đây là một chân lý mà chính Chúa Giêsu đã mặc khải cho chúng ta biết về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, đặc biệt về tương quan giữa Người và Chúa Cha. Tôi có tin vào chân lý đó không? Chân lý này có tác động gì nơi tâm hồn tôi, tôi có hạnh phúc khi được liên kết mật thiết với Thiên Chúa Ba Ngôi chí thánh không?

Với Mẹ: Lạy Chúa, cuộc sống duy vật chất đã khiến nhiều người từ bỏ niềm tin của mình. Có dư thừa của cải, nên không có chỗ cho Chúa nữa! Quả thật, xin cho con có được thiện chí, biết hoán cải cách nhìn, quyết tâm từ bỏ lối sống ích kỉ vô tâm, để tin tưởng vào Chúa hơn.

Nhờ Mẹ: Mẹ ơi, phúc cho Mẹ vì Mẹ đã tin những gì Chúa nói với Mẹ. Xin cho con noi theo cách sống của Mẹ để giữ gìn đức tin của mình.

 

4. LẦN HẠT MÂN CÔI

(tuỳ điều kiện: lần hạt 1 chục, 2 chục… 5 chục Kinh Mân Côi)

 

5. KẾT THÚC

(hát hoặc đọc)

1. Hát: Linh hồn tôi tung hô Chúa

ĐK. Linh hồn tôi tung hô Chúa, tung hô Chúa (í, a) thần trí tôi mừng vui vời vợi trong Đấng Cứu Chuộc tôi. Chúa đã dủ thương đoái nhìn phận hèn tôi tớ. Vì vậy đến muôn đời, sẽ khen tôi đầy ơn, sẽ khen tôi đầy phúc, sẽ khen tôi muôn đời, đến muôn đời, đến muôn đời.

1. Đấng toàn năng đã làm cho tôi những việc cao trọng Danh Người là Thánh. Lượng từ ái trải qua từ đời nọ đến đời kia, hằng bao bọc những ai kính sợ Người.

2. Chúa biểu dương sức mạnh oai phong tiêu diệt tơi bời những phường tự đắc, bọn quyền quý tự kiêu, Ngài triệt hạ khỏi tòa cao và nâng dậy những ai ở khiêm nhường.

3. Lũ giàu sang đuổi về tay không, những người thanh bần ban đầy hồng phúc. Người đã nhớ lời hứa mà độ trì Ít-ra-en cùng tổ phụ Áp-ra-ham với miêu duệ.

2. Đọc: Thánh ca Tin Mừng
“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa” (Magnificat)

Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa
Thần trí tôi hớn hở vui mừng
Vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.

Phận nữ tỳ hèn mọn,
Người đoái thương nhìn tới ;
Từ nay hết mọi đời
Sẽ khen tôi diễm phúc.

Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi
Biết bao điều cao cả.
Danh Người thật chí thánh chí tôn !

Đời nọ tới đời kia,
Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.

Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh
Dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.

Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.

Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
Người giàu có, lại đuổi về tay trắng.

Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người,
Như đã hứa cùng cha ông chúng ta.

Vì Người nhớ lại lòng thương xót
Dành cho tổ phụ Áp-ra-ham
Và cho con cháu đến muôn đời.

Vinh danh Chúa Cha và Chúa Con,
cùng vinh danh Thánh Thần Thiên Chúa,
tự muôn đời và chính hiện nay
luôn mãi đến thiên thu vạn đại. A-men.

 

PHẦN II:  TÌM HIỂU VỀ ĐỨC MARIA

BÀI 25: KẺ ĐÃ TIN

Sau khi đã dừng lại ở những lời “Đầy ơn phước” để trình bày tín điều Vô nhiễm nguyên tội, Đức Thánh Cha tiếp tục phân tích trình thuật Truyền tin. Khi đối chiếu cảnh Truyền tin cho ông Giacaria và cảnh Truyền tin cho Đức Maria, ta thấy nổi bật đức tin của Trinh nữ Nazarét. Người đã tin vào quyền năng Thiên Chúa có thể thực hiện một điều chưa hề xảy ra trong lịch sử: trinh nữ làm mẹ.

1.- Trong trình thuật Phúc âm về cuộc đi Thăm viếng, bà Elisabet “tràn đầy Chúa Thánh Thần”, khi tiếp đón bà Maria, đã thốt lên: “Phúc cho người đã tin vào sự hoàn tất những lời của Chúa” (Lc 1, 45). Chân phúc này, xuất hiện lần đầu tiên ở trong Phúc âm Luca, đã trình bày Đức Maria như là kẻ nhờ đức tin của mình đã dẫn đầu Hội thánh trong việc thực hành tinh thần các mối phúc thật.

Lời ca ngợi mà bà Elisabet dành đức tin của Đức Maria còn được củng cố khi đối chiếu với cảnh thiên thần truyền tin cho ông Giacaria. Nếu chỉ đọc lướt qua bản văn thì chúng ta thấy những lời đáp của ông Giacaria và của Đức Maria với lời loan báo của sứ thần giống y như nhau. Ông Giacaria nói rằng: “Làm sao tôi có thể biết được điều đó? Tôi đã già và vợ tôi đã cao niên”. Còn Đức Maria thì nói: “Điều đó sẽ xảy ra như thế nào? Tôi không biết người nam”(Lc 1, 18.34). Tuy nhiên, sự khác biệt sâu xa giữa thái độ của hai nhân vật đã được vạch lên qua những lời của sứ thần. Vị này đã khiển trách ông Giacaria vì thiếu lòng tin, còn đối với vấn nạn của đức Maria thì thiên sứ tìm cách giải thích. Khác với người chồng của bà Elisabet, Đức Maria đã hoàn toàn thuận nhận chương trình của Thiên Chúa, không đặt điều kiện cho sự chấp thuận là Chúa phải ban một dấu lạ hữu hình.

Khi thiên thần đưa ra đề nghị làm mẹ, Đức Maria trình bày ý định giữ mình đồng trinh. Tuy vẫn tin rằng lời loan báo có thể thực hiện được, nhưng Đức Maria đã hỏi thiên sứ về cách thức của cuộc thực hiện đó, ngõ hầu mình có thể thi hành ý Chúa một cách hoàn hảo hơn, như thánh Augustinô đã chú giải: “Đức Maria tìm hiểu cách thức, chứ Người không nghi ngờ về sự toàn năng của Thiên Chúa “(Bài giảng số 291).

2.- Kể cả khung cảnh diễn ra hai cuộc truyền tin cũng góp phần vào việc tán dương đức tin của Đức Maria. Trong bài trình thuật của Luca, chúng ta thấy khung cảnh thật là thuận lợi đối với ông Giacaria, nhưng lời đáp của ông thì lại hoàn toàn bất xứng. Ông đã nhận được lời truyền tin của sứ thần trong đền thánh Giêrusalem, tại bàn thờ trước mặt “Đấng cực thánh”(xc Xh 30, 6-8); thiên sứ hiện ra đang khi ông tiến hương, nghĩa là đang khi thực hiện chức vụ tư tế, vào một giây phút nghiêm trọng của cuộc đời; ý định của Thiên Chúa đã được thông đạt cho ông qua một thị kiến. Những hoàn cảnh ấy giúp cho việc hiểu biết sứ điệp của Thiên Chúa một cách chính xác hơn và tạo lý do để thúc giục ông mau mắn đón nhận sứ điệp.

Đối lại, việc truyền tin cho Đức Maria xảy ra trong một khung cảnh giản dị bình thường, không có những yếu tố linh thiêng ở bên ngoài kiểu như ông Giacaria. Thánh sử Luca không có chỉ rõ địa điểm chính xác diễn ra cuộc Truyền tin việc sinh hạ Đấng Cứu thế: ông chỉ nói rằng Đức Maria đang ở Nazaret, một làng tầm thường, không có dấu gì xứng hợp với biến cố trọng đại đó. Ngoài ra, thánh sử không đặt nặng thời khắc mà thiên sứ hiện ra, bởi vì ông không có xác định khung cảnh lịch sử của nó. Trong cuộc tiếp xúc với thiên sứ, mọi chú ý đều dồn vào nội dung của những lời nói của thiên sứ, và đòi hỏi nơi Đức Maria sự chú ý lắng nghe và một đức tin tinh tuyền.

Nhận xét này cho phép chúng ta trân trọng đức tin cao cả của Đức Maria, nhất là khi chúng ta đối chiếu với khuynh hướng của con người xưa nay đòi hỏi phải có những dấu hiệu khả giác thì mới tin. Ngược lại, việc chấp thuận ý Chúa của Đức Trinh nữ chỉ dựa trên lòng kính mến Thiên Chúa mà thôi.

3.- Đức Maria đã được yêu cầu chấp thuận một chân lý cao siêu hơn là điều được loan báo cho ông Giacaria.

Ông Giacaria được mời gọi hãy tin vào một cuộc sinh ra lạ lùng sẽ được thực hiện ở giữa một đôi hôn nhân son sẻ, mà Thiên Chúa muốn cho nó được phong nhiêu: sự can thiệp này đã từng xảy ra nơi một vài phụ nữ Cựu ước, như là bà Sara (St 17, 15-21; 18, 10-14), bà Raken (St 30, 22), bà mẹ ông Samson (Tl 13, 1-7), bà Anna mẹ của ông Samuel (1Sm 1, 11-20). Những chuyện ấy đều làm nổi bật hồng ân ban không của Thiên Chúa.

Còn Đức Maria thì được mời gọi hãy tin vào việc làm mẹ đồng trinh, điều chưa hề có tiền lệ trong Cựu ước. Thực ra sấm ngôn của ông Isaia: “Này đây trinh nữ sẽ thụ thai và sinh con trai đặt tên là Emmanuel” (7,14), tuy không loại trừ viễn ảnh đó nhưng nó chỉ được giải thích một cách rõ rệt theo chiều hướng này sau khi Đức Kitô đã đến, và dưới ánh sáng của mặc khải Tin mừng.

Đức Maria được yêu cầu chấp nhận một chân lý chưa hề nghe biết trong lịch sử trước đó. Người đã đón nhận với một tinh thần đơn sơ và táo bạo. Với câu hỏi: “Điều này sẽ diễn ra như thế nào?”, Người bày tỏ sự tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa dung hợp sự đồng trinh với chức làm mẹ khác thường và độc nhất.

Khi đáp: “Chúa Thánh Thần sẽ đáp xuống trên chị, quyền năng của Đấng tối cao sẽ phủ rợp bóng trên chị”(Lc 1, 35), thiên sứ đã cống hiến một giải pháp khôn lường của Thiên Chúa đối lại với câu hỏi mà Đức Maria đã nêu lên. Sự trinh khiết, xem như là một trở ngại, thì đã trở nên một khung cảnh cụ thể qua đó Chúa Thánh Thần sẽ tác động việc thụ thai Con Thiên Chúa nhập thể ở nơi Người. Lời đáp của thiên sứ mở cho Trinh nữ một con đường hợp tác với Chúa Thánh Thần vào việc sinh Đức Giêsu.

4.- Kế hoạch của Thiên Chúa được thực hiện nhờ sự cộng tác tự do về phía con người. Nhờ tin vào lời của Chúa, Đức Maria đã hợp tác vào việc hoàn tất chức làm mẹ được thiên sứ loan báo.

Các giáo phụ thường nhấn mạnh khía cạnh này trong việc thụ thai trinh khiết Đức Giêsu. Nhất là thánh Augustinô, khi chú giải Phúc âm về việc Truyền tin, đã nói như sau: “thiên sứ truyền tin, Trinh nữ lắng nghe, tin và chịu thai” (Bài giảng 13 lễ Giáng sinh). Ông còn thêm: “Đức Kitô đã được tin và thụ thai nhờ đức tin. Trước hết đức tin đã đến trái tim của Trinh nữ, rồi sau đó sự phong nhiêu mới tới lòng dạ của bà Mẹ” (Bài giảng 213).

Đức tin của Đức Maria nhắc lại đức tin của ông Abraham, Người mà vào lúc bình minh của Cựu ước đã tin vào Thiên Chúa và trở thành thủy tổ của một dòng dõi đông đúc (xc. St 15, 6; Thân mẫu Đấng Cứu thế số 14). Vào lúc khai nguyên giao ước mới, Đức Maria nhờ lòng tin của mình cũng đã gây ảnh hưởng quyết liệt đến việc thực hiện mầu nhiệm Nhập thể, khởi nguyên và tóm lược tất cả sứ mạng cứu chuộc của Đức Giêsu.

Mối quan hệ chặt chẽ giữa đức tin và sự cứu rỗi, được Đức Giêsu nhiều lần đề cập tới trong cuộc đời công khai (xc. Mc 5,34; 10,52; v.v..), cũng giúp cho chúng ta hiểu được vai trò quan trọng mà đức tin của Đức Maria đã và đang tác dụng đối với ơn cứu rỗi của nhân loại.

 

BÀI 26: CHÂN LÝ ĐỨC TIN

VỀ SỰ TRINH KHIẾT CỦA ĐỨC MARIA

Trong trình thuật về việc Truyền tin, thánh Luca gọi đức Maria là “Trinh nữ”., tạo nên cơ hội để trình bày đức tin Hội thánh về sự trinh khiết của Mẹ Maria (từ bài 26 đến bài 31). Lần này, Đức Thánh Cha khảo sát sự khẳng định chân lý này trong Kinh thánh (bốn Phúc âm và thánh Phaolô), và Thánh truyền (các giáo phụ, các Công đồng chung, các giáo hoàng).

1.- Đón nhận và đào sâu chứng tá của các Phúc âm theo Luca, Matthêu, và có lẽ của Gioan, Hội thánh luôn luôn chủ trương rằng sự trinh khiết[1] của Đức Maria là một chân lý đức tin.

Trong trình thuật về sự Truyền tin, thánh sử Luca đã gọi Đức Maria là “trinh nữ”, vừa muốn nói lên chủ tâm duy trì sự trinh khiết vừa muốn nói lên chương trình của Thiên Chúa dung hợp cách lạ lùng giữa điều dốc tâm đó với chức làm mẹ. Lời khẳng định về sự thụ thai[2] đồng trinh do tác đông của Chúa Thánh Thần đã loại bỏ hết mọi giả thuyết sinh sản đơn tính (partenogenesis) tự nhiên, hoặc những giải thích theo chiều hướng khai triển một chủ đề Do thái hoặc bắt nguồn từ một huyền thoại ngoại giáo.

Cấu trúc của bản văn Luca (xc. Lc 1, 26-38; 2, 19.51) đi ngược với những lối giải thích giảm thiểu. Bố cục chặt chẽ của nó cắt xén những từ ngữ hoặc lối nói khẳng định việc thụ thai trinh khiết do tác động của Chúa Thánh Thần.

2.- Thánh sử Matthêu, khi thuật lại việc thiên sứ truyền tin cho ông Giuse, cũng khẳng định giống ông Luca về việc thụ thai do “Chúa Thánh Thần” (Mt 1, 20), loại trừ những quan hệ vợ chồng.

Ngoài ra, việc sinh hạ trinh khiết của Chúa Giêsu được thông báo cho ông Giuse ở giai đoạn hai: thiên sứ không đến yêu cầu ông thỏa thuận trước khi việc thụ thai Con của bà Maria xảy ra, bởi vì nó là hậu quả của tác động siêu nhiên của Chúa Thánh Thần và do sự hợp tác của bà mẹ mà thôi. Ông Giuse chỉ được yêu cầu hãy tự do chấp nhận vai trò của mình làm bạn của Trinh nữ và vai trò làm cha đối với Hài nhi.

Thánh Matthêu đã trình bày nguồn gốc trinh khiết của Chúa Giêsu như là ứng nghiệm lời tiên tri của Isaia: “Này đây, trinh nữ thụ thai và sinh một người con được đặt tên là Emmanuel, có nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1, 23; xc Is 7,14). Như vậy ông Matthêu đưa chúng ta tới kết luận rằng việc thụ thai trinh khiết đã là một đối tượng suy tư của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi; họ nhận thấy sự kiện phù hợp với chương trình cứu độ của Chúa và việc liên kết với căn tính Đức Giêsu, “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.

3.- Khác với Luca và Matthêu, Phúc âm thánh Marcô không nói tới việc thụ thai và ra đời của Chúa Giêsu. Tuy vậy, nên lưu ý là ông Marcô không hề nhắc tới ông Giuse, chồng của bà Maria. Dân cư Nazaret gọi Đức Giêsu là “con của bà Maria”, hoặc trong một khung cảnh khác, “Con Thiên Chúa” (3,11; 5,7; xc. 1, 1.11; 9, 7; 14, 61-62; 15, 39). Những dữ kiện này phù hợp với đức tin vào mầu nhiệm Đức Giêsu đã được sinh ra cách trinh khiết.

Chân lý này, dựa theo một sự khám phá gần đây của môn chú giải, xem ra cũng được chứa đựng trong chương 13 của Lời tựa Phúc âm thánh Gioan. Một vài tác giả uy tín thời xưa (thí dụ ông Irênêô và ông Tertulianô) đã trình bày bản văn không phải là ở số nhiều, nhưng là ở số ít: “Người được sinh ra, không phải do máu huyết, cũng không phải do ước muốn của nhục thể, cũng không phải là do ước muốn của người nam, nhưng do bởi Thiên Chúa”.

Sự diễn tả ở số ít sẽ xếp Lời tựa của thánh Gioan vào số những chứng tá quan trọng nhất về việc sinh hạ trinh khiết của Chúa Giêsu, được lồng trong khung cảnh của Mầu nhiệm nhập thể.

Lời khẳng định tương phản của thánh Phaolô: “Khi thời gian tới thời viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con của mình, sinh bởi một phụ nữ… ngõ hầu chúng ta lãnh nhận ơn dưỡng tử” (Gl 4, 4-5), cũng mở đường cho câu hỏi về thân thế của người Con và vì thế cũng đặt vấn đề về việc sinh hạ trinh khiết.

Chứng tá đồng nhất của các Phúc âm cho thấy niềm tin vào việc thụ thai trinh khiết của Chúa Giêsu đã được đâm rễ sâu trong những bối cảnh khác nhau của Hội thánh nguyên thủy. Điều này cho thấy một vài lối giải thích gần đây là thiếu cơ sở vững chắc. Có ý kiến cho rằng việc thụ thai trinh khiết chỉ có ý nghĩa bóng, như là một biểu tượng nhằm diễn tả Đức Giêsu là hồng ân của Thiên Chúa ban cho nhân loại. Một ý kiến khác cho rằng trình thuật về sự trinh khiết thụ thai chỉ là một theologoumenon, (nghĩa là một thể thức diễn tả đạo lý về Đức Giêsu là con Thiên Chúa), hoặc chỉ là một huyền thoại.

Như chúng ta đã thấy, các Phúc âm chứa đựng sự khẳng định minh thị về một sự thụ thai trinh khiết theo nghĩa sinh lý, do quyền năng của Chúa Thánh Thần; chân lý này đã được Hội thánh chấp nhận ngay từ những công thức đức tin tiên khởi (xc GLCG số 496).

4.- Đức tin mà Phúc âm phát biểu đã được truyền thống kế tiếp củng cố không ngừng. Các công thức đức tin của các văn gia đầu tiên của Kitô giáo đều giả thiết việc khẳng định Chúa Giêsu được sinh ra một cách trinh khiết: các ông Aristiđê, Giustinô, Irênêô, Tertulianô đều hợp ý với thánh Inhaxiô Antiôkia để tuyên xưng rằng Đức Giêsu “thực sự sinh ra bởi một trinh nữ”(Thư gởi giáo đoàn Smyrna 1, 2).

Những tác giả này muốn nói tới một cuộc sinh hạ trinh khiết của Chúa Giêsu theo nghĩa thực tế và lịch sử, chứ họ không chỉ nói tới một sự trinh khiết về luân lý hoặc là một hồng ân gì đó được phát hiện vào lúc Hài nhi sinh ra.

Những lần định tín trang trọng của các Công đồng chung hoặc của Huấn quyền Giáo hoàng, tiếp theo những công thức đức tin ngắn gọn của thời nguyên thủy, đều hòa hợp với chân lý vừa nói. Công đồng Calxêđônia (năm 451), trong bản tuyên xưng đức tin được soạn thảo với những từ ngữ được cân nhắc kỹ lưỡng, đã khẳng định rằng Đức Kitô “đã được sinh ra … theo nhân tính, vào những ngày này, vì chúng ta và vì phần rỗi của chúng ta, bởi Đức Trinh nữ Maria, Thân mẫu Thiên Chúa”. Một cách tương tự, công đồng Constantinôpôlis III (năm 681) tuyên xưng rằng Đức Giêsu “đã được sinh ra … về nhân tính, do Chúa Thánh Thần và do Đức Trinh nữ Maria, Đấng đáng được gọi đúng lý là Thân mẫu Thiên Chúa”. Các Công đồng chung khác (Constantinôpôlis II, Latêranô IV và Lyon II) đều tuyên bố rằng Đức Maria “trọn đời đồng trinh”, như vậy nhấn mạnh tới sự trinh khiết trọn đời. Những lời tuyên bố trên đây được công đồng Vaticanô II lặp lại, và nêu bật rằng Đức Maria “nhờ lòng tin và vâng phục…đã sinh ra Con của Chúa Cha trên mặt đất này, không biết đến người nam, nhưng dưới bóng rợp của Chúa Thánh Thần”(HT 63).

Bên cạnh các lời định tín của các Công đồng còn phải thêm những lời định tín của các Đức Giáo Hoàng, liên quan tới tín điều Vô nhiễm nguyên tội của “Trinh nữ Maria chí thánh” và tín điều về sự lên trời của “Đức Vô nhiễm Thân mẫu Thiên Chúa trọn đời đồng trinh”.

5.- Mặc dù những lời xác quyết của Huấn quyền, – ngoại trừ công đồng Latêranô năm 649 do ý muốn của Đức Giáo Hoàng Martinô I -, đã không xác định ý nghĩa của từ “trinh khiết”, nhưng đã rõ là nó được hiểu theo nghĩa thông thường: nghĩa là kiêng tránh những hành vi tự ý của quan hệ tính dục và bảo toàn sự nguyên vẹn của thân thể. Dù sao, sự tinh tuyền thể lý được coi như là một điều thiết yếu của chân lý đức tin về sự thụ thai trinh khiết của Chúa Giêsu (xc. GLCG số 496).

Việc gọi Đức Maria là “Thánh thiện, trọn đời đồng trinh, vô nhiễm” gợi lên sự chú ý tới mối liên kết giữa sự thánh thiện và sự trinh khiết. Đức Maria đã muốn sống trinh khiết bởi vì Người được thôi thúc bởi ước muốn dâng hết trọn con tim cho Thiên Chúa.

Diễn ngữ được dùng vào dịp tuyên bố tín điều Đức Mẹ hồn xác lên trời, “Đức Vô nhiễm Thân mẫu Thiên Chúa, trọn đời đồng trinh” gợi lên ý tưởng về mối liên hệ giữa sự trinh khiết và chức làm mẹ của Đức Maria: cả hai đặc tính đều được kết hiệp một cách lạ lùng trong việc sinh hạ Đức Giêsu, Thiên Chúa thật và người thật. Vì thế sự trinh khiết của Đức Maria được liên kết với chức làm Mẹ Thiên Chúa và với sự thánh thiện hoàn toàn.



[1] “Virgo” được dịch là “trinh khiết”, hoặc “đồng trinh”.

[2]  Trong bài này, sự “thụ thai trinh khiết” được  hiểu về việc Đức Maria mang thai và sinh Đức Giêsu mà vẫn còn đồng trinh; khác với việc  Đức Maria “thụ thai vô nhiễm”, được hiểu về việc Người được phòng ngừa khỏi mọi tì ố tội lỗi ngay từ lúc “thụ thai” (trong lòng bà thánh Anna), nghĩa là từ lúc bắt đầu hiện hữu.

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment