Ngàn Hoa Dâng Mẹ – Ngày 14

CHƯƠNG TRÌNH NGÀN HOA DÂNG MẸ

Thứ Tư, ngày 14/05/2014

 

PHẦN I. SUY NIỆM MẦU NHIỆM MÂN CÔI

1. KHAI MẠC

(hát hoặc đọc: xin ơn Chúa Thánh Thần)

1. Hát: Cầu xin Chúa Thánh Thần

Cầu xin Chúa Thánh Thần, Người thương thăm viếng hồn con. Ban xuống cho con hồng ân chan chứa, trau dồi cho đáng ngôi thánh đường.

ÐK. Nguyện xin Chúa Ngôi Ba, đoái nghe lời con thiết tha. Tình thương mến ấp ủ con ngày đêm, nhuần thấm xác hồn tràn lan ơn thiêng.

2. Đọc: Kinh Đức Chúa Thánh Thần

Chúng con lạy ơn Đức Chúa Thánh Thần thiêng liêng sáng láng vô cùng, chúng con xin Đức Chúa Thánh Thần xuống đầy lòng chúng con, là kẻ tin cậy Đức Chúa Trời, và đốt lửa kính mến Đức Chúa Trời trong lòng chúng con; chúng con xin Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Thánh Thần xuống.

Sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con.

Chúng con cầu cùng Đức Chúa Trời, xưa đã cho Đức Chúa Thánh Thần xuống soi lòng dạy dỗ các Thánh Tông Đồ, thì rày chúng con cũng xin Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Thánh Thần lại xuống an ủi dạy dỗ chúng con làm những việc lành, vì công nghiệp vô cùng Đức Chúa Giêsu Kitô là Chúa chúng con. Amen.

 

2. TIN MỪNG

(theo lịch phụng vụ mỗi ngày)

Tin Mừng: Ga 15,9-17

9 Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy.10 Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người.11 Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.

12 Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.13 Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.14 Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy.15 Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.

16 Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em.17 Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau.

 

3. SUY NIỆM

“Anh em hãy yêu thương nhau
như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12).

Như Mẹ: Tình yêu của Thầy đối với chúng ta là tình yêu tuyệt đối và vô cùng. Chúng ta không thể tìm được tình yêu nào như tình yêu đó. Chúng ta cảm thấy khó khăn trong việc yêu thương anh em mình bằng tình yêu mà chúng ta nhận được nơi Chúa, nhưng không vì thế mà chúng ta chùn bước trước tội ác, bất công và càng không thể bàng quan trước nỗi đau mà nhân loại đang gánh chịu.

Với Mẹ: Lạy Chúa, xin giúp con luôn tin rằng Chúa Giêsu đã chết vì yêu con. Chúa đã yêu con đến cùng. Xin cho con cảm nhận được tình yêu của Chúa dành cho con thật ngọt ngào, êm dịu, tuyệt đối và sung mãn.

Nhờ Mẹ: Xin Mẹ dạy con biết gắn bó với Chúa, biết phó thác mọi sự đời con trong tay Chúa.

 

4. LẦN HẠT MÂN CÔI

(tuỳ điều kiện: lần hạt 1 chục, 2 chục… 5 chục Kinh Mân Côi)

 

5. KẾT THÚC

(hát hoặc đọc)

1. Hát: Linh hồn tôi tung hô Chúa

ĐK. Linh hồn tôi tung hô Chúa, tung hô Chúa (í, a) thần trí tôi mừng vui vời vợi trong Đấng Cứu Chuộc tôi. Chúa đã dủ thương đoái nhìn phận hèn tôi tớ. Vì vậy đến muôn đời, sẽ khen tôi đầy ơn, sẽ khen tôi đầy phúc, sẽ khen tôi muôn đời, đến muôn đời, đến muôn đời.

1. Đấng toàn năng đã làm cho tôi những việc cao trọng Danh Người là Thánh. Lượng từ ái trải qua từ đời nọ đến đời kia, hằng bao bọc những ai kính sợ Người.

2. Chúa biểu dương sức mạnh oai phong tiêu diệt tơi bời những phường tự đắc, bọn quyền quý tự kiêu, Ngài triệt hạ khỏi tòa cao và nâng dậy những ai ở khiêm nhường.

3. Lũ giàu sang đuổi về tay không, những người thanh bần ban đầy hồng phúc. Người đã nhớ lời hứa mà độ trì Ít-ra-en cùng tổ phụ Áp-ra-ham với miêu duệ.

2. Đọc: Thánh ca Tin Mừng
“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa” (Magnificat)

Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa
Thần trí tôi hớn hở vui mừng
Vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.

Phận nữ tỳ hèn mọn,
Người đoái thương nhìn tới ;
Từ nay hết mọi đời
Sẽ khen tôi diễm phúc.

Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi
Biết bao điều cao cả.
Danh Người thật chí thánh chí tôn !

Đời nọ tới đời kia,
Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.

Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh
Dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.

Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.

Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
Người giàu có, lại đuổi về tay trắng.

Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người,
Như đã hứa cùng cha ông chúng ta.

Vì Người nhớ lại lòng thương xót
Dành cho tổ phụ Áp-ra-ham
Và cho con cháu đến muôn đời.

Vinh danh Chúa Cha và Chúa Con,
cùng vinh danh Thánh Thần Thiên Chúa,
tự muôn đời và chính hiện nay
luôn mãi đến thiên thu vạn đại. A-men.

 

PHẦN II:  TÌM HIỂU VỀ ĐỨC MARIA

BÀI 27: QUYẾT TÂM GIỮ MÌNH TRINH KHIẾT

Qua cuộc đối đáp với thiên sứ, chúng ta được biết là Đức Maria không những đang còn trinh mà còn có ý giữ mình trinh khiết. Trong xã hội Do thái, sự trinh khiết không phải là một lý tưởng cao thượng. Quyết định của Đức Maria chắc là không tùy thuộc vào xã hội đương thời cho bằng tuân theo một đặc sủng của Thánh thần. Dù sao, quyết tâm giữ mình đồng trinh vừa biểu lộ lòng yêu mến Chúa, vừa diễn tả tâm tình của “nhóm nghèo của Chúa”, đặt trọn niềm tin tưởng nơi Ngài.

1.- Khi thiên sứ báo tin sự thụ thai và sinh hạ Đức Giêsu, Đức Maria đặt câu hỏi: “Điều đó sẽ xảy ra như thế nào? Tôi không biết người nam”(Lc 1, 34). Câu hỏi đó xem ra kỳ dị nếu như chúng ta nghĩ tới những trình thuật Kinh thánh về việc loan báo một sự sinh hạ lạ thường do một người phụ nữ son sẻ. Trong những trường hợp này, họ là những phụ nữ đã có chồng, nhưng lâm cảnh hiếm muộn, và Thiên Chúa đã ban cho họ một đứa con qua đời sống vợ chồng thường tình (xc. 1Sm 1, 19-20), đáp lại lời khẩn nài thống thiết của họ (xc. St 15, 2; 30, 22-23; 1Sm 1, 10; Lc 1, 13).

Hoàn cảnh của Đức Maria vào lúc đón nhận lời loan báo của sứ thần thì khác hẳn. Người không phải là một phụ nữ đã kết bạn và gặp son sẻ; do một quyết định tự do, Người đã muốn giữ mình trinh khiết. Bởi đó, quyết định giữ mình trinh khiết, hoa quả của lòng mến Chúa xem ra là một trở ngại cho việc làm mẹ theo như được thiên thần báo tin.

Thoạt tiên những lời của Đức Maria xem ra chỉ diễn tả tình trạng hiện tại của sự trinh khiết: ra như Đức Maria chỉ nói rằng “không biết” người nam, nghĩa là còn trinh khiết.

Tuy nhiên, mạch văn mà Đức Maria đặt lên câu hỏi “điều đó sẽ xảy như thế nào?” và lời khẳng định tiếp đó “tôi không biết người nam” làm nổi bật vừa sự trinh khiết hiện tại của Đức Maria, vừa quyết tâm muốn giữ mình trinh khiết. Lời lẽ mà Đức Maria đã sử dụng, với thể động từ ở hiện tại, cho thấy rằng đây là một tình trạng thường xuyên và liên tục.

2.- Khi trình bày vấn nạn, Đức Maria không hề muốn chống lại dự án của Thiên Chúa, trái lại Người đã bày tỏ ý định sẽ thuận theo hoàn toàn.

Mặt khác, thiếu nữ Nazaret vốn sống hòa hợp với ý muốn của Chúa, và Người đã chọn cuộc sống trinh khiết nhằm làm đẹp lòng Chúa. Thực vậy, quyết định giữ mình trinh khiết chuẩn bị cho tâm hồn Người đón nhận ý muốn của Chúa với tất cả bản ngã nữ tính của mình, và qua sự đáp trả bằng đức tin, Người đã bày tỏ sự hợp tác hoàn toàn với ơn thánh Chúa, – ơn thánh chuẩn bị và nâng đỡ-, cũng như hoàn toàn ngoan ngoãn cho Chúa Thánh Thần tác động (Thân mẫu Đấng Cứu Thế số13).

Đối với một vài người, những lời nói và ý định của Đức Maria xem ra không thể tin được, bởi vì trong khung cảnh xã hội Do thái thời đó, sự trinh khiết không phải là một giá trị cũng như không phải là một lý tưởng đáng theo đuổi. Các bản văn Cựu ước đã chứng minh điều đó qua một vài sự tích. Trong sách Thủ lãnh chẳng hạn, người ta kể rằng cô gái của ông Giéptê, khi phải đương đầu với sự chết lúc chưa có chồng, thì đã khóc than vì sự trinh khiết của mình, nghĩa là cô đã than khóc vì không có thể kết hôn (Tl 11, 38).

Ngoài ra, việc kết hôn, do một lệnh truyền của Chúa: “Hãy sinh sôi nảy nở cho nhiều” (St 1,28), được coi như là thiên chức tự nhiên của người phụ nữ, mang theo những vui mừng và những đau khổ của chức phận làm mẹ.

3.- Để có thể hiểu được bối cảnh trong đó quyết định của Đức Maria được chín mùi, thì cần lưu ý rằng vào thời đại kề sát kỷ nguyên Kitô giáo, trong một vài giới Do thái người ta đã bắt đầu nảy ra một định hướng tích cực đối với sự trinh khiết. Chẳng hạn như nhóm Essênô, mà người ta đã khám phá ra nhiều văn bản ở Qumran, họ đã sống độc thân hoặc hạn chế việc sử dụng hôn nhân, vì muốn giữ đời sống chung và đi tìm sự kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa.

Ngoài ra, bên Ai cập, đã có một cộng đoàn phụ nữ, – có liên lạc với linh đạo của nhóm Essênô -, họ cũng giữ mình khiết tịnh. Những phụ nữ đó, gọi là Térapéutê, thuộc giáo phái được ông Philô Alexanđria kể lại (De vita contemplativa, 21-90), dành hết tâm lực vào việc chiêm ngắm và truy tầm sự khôn ngoan.

Không chắc gì Đức Maria đã được thông tin về những nhóm tôn giáo Do thái đã theo đuổi lý tưởng độc thân và trinh khiết như vậy. Nhưng sự kiện ông Gioan Tẩy giả có lẽ đã sống đời độc thân, và sự độc thân đã được đánh giá cao trong cộng đoàn các môn đệ của ông, điều này có thể giả thiết rằng lòng quyết tâm trinh khiết của Đức Maria được lồng trong một khung cảnh mới về tôn giáo và văn hóa.

4.- Tuy nhiên, hoàn cảnh khác thường của Đức Trinh nữ Nazaret không nên để cho chúng ta rơi vào chỗ sai lầm là hoàn toàn gắn liền những tâm tình của Người với não trạng thời đại, xóa bỏ tính cách độc nhất của mầu nhiệm diễn ra nơi Người. Cách riêng, chúng ta không được quên rằng Đức Maria, ngay từ lúc khởi nguyên của cuộc sống, đã lãnh nhận một ân huệ phi thường mà thiên sứ đã nhìn nhận vào lúc Truyền tin. “Được đầy ơn phúc”(Lc 1, 28), Đức Maria đã được trau dồi với sự thánh thiện trọn hảo khởi đầu từ lúc đầu tiên của cuộc sống, theo như Hội thánh đã giải thích: đặc ân duy nhất của việc Vô nhiễm nguyên tội đã gây tác dụng trên toàn thể sự phát triển đời sống thiêng liêng của thiếu nữ Nazaret.

Vì thế cần phải nói rằng Đức Maria đã được hướng dẫn tới lý tưởng trinh khiết nhờ một sự linh ứng khác thường mà Chúa Thánh Thần, trong dòng lịch sử của Hội thánh, sẽ gợi lên nơi nhiều phụ nữ trên con đường tận hiến trinh khiết.

Sự hiện diện đặc biệt của ơn thánh trong cuộc đời Đức Maria đưa chúng ta đến kết luận rằng Người đã cam kết giữ mình trinh khiết. Được đầy tràn những ân huệ Thiên Chúa ngay từ lúc bắt đầu cuộc sống, Người đã hướng tới sự dâng hiến toàn thể con người – cả hồn và xác- cho Thiên Chúa qua một cuộc hiến dâng trinh khiết.

Ngoài ra, lòng khao khát đời sống trinh khiết còn hòa hợp với sự “khó nghèo” trước mặt Thiên Chúa mà Cựu ước đã gán cho một giá trị lớn lao. Khi dấn thân vào con đường này, Đức Maria đã khước từ chức làm mẹ, được coi như là sự phong phú tự nhiên của người phụ nữ, rất được quý trọng ở Israel. Như vậy “Đức Maria đã trổi vượt trên hết mọi người và trong những người nghèo của Thiên Chúa, những kẻ đã tin tưởng trông chờ và đã lãnh nhận ơn cứu độ nơi Người”(HT 55). Tuy nhiên, khi trình diện trước mặt Thiên Chúa như là người nghèo và chỉ nhằm tới sự phong nhiêu tinh thần, hoa quả của lòng mến Chúa,vào lúc Truyền tin, Đức Maria đã khám phá rằng sự khó nghèo của mình đã được Thiên Chúa biến đổi thành sự giàu sang: Người sẽ trở thành người mẹ trinh khiết của Con Đấng tối cao. Sau này, Người sẽ khám phá ra rằng chức làm mẹ của mình sẽ được mở rộng ra cho tới hết mọi người mà Con mình đã đến để cứu rỗi (xc. GLCG số 501).

 

BÀI 28:Ý NGHĨA VIỆC THỤ THAI TRINH KHIẾT

Bài huấn giáo hôm nay tìm hiểu ý nghĩa của mầu nhiệm thụ thai trinh khiết trong kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa. (1) Mầu nhiệm này làm nổi bật chân lý về Đức Giêsu là Con Thiên Chúa: Đức Giêsu chỉ có một cha, Cha hằng hữu xét về thiên tính cũng là Cha xét về nhân tính. (2) Mầu nhiệm này cũng nêu cao vai trò của Thánh thần trong việc Nhập thể: Thánh thần “trao ban” Lời Chúa cho nhân loại, liên kết thiên tính với nhân tính của Đức Giêsu, khởi đầu của cuộc tạo dựng mới, khi con người được mời vào chia sẻ sự sống thần linh.

1.- Trong chương trình cứu rỗi, Thiên Chúa đã muốn cho Con Một của Người sinh bởi một trinh nữ. Quyết định của Thiên Chúa đòi hỏi một tương quan chặt chẽ giữa sự trinh khiết của Đức Maria và mầu nhiệm Nhập thể của Ngôi Lời. “Khi đối chiếu với toàn bộ mạc khải, cái nhìn đức tin có thể khám phá ra những lý do huyền nhiệm mà Thiên Chúa, – trong kế hoạch cứu rỗi – đã muốn cho Con của Người sinh bởi một trinh nữ. Những lý do này liên quan vừa tới bản thân và sứ mạng cứu chuộc của Đức Kitô, vừa về phía Đức Maria chấp nhận sứ mạng ấy nhắm tới toàn thể nhân loại” (GLCG số 502).

Việc thụ thai trinh khiết, khi loại bỏ một người cha về phía loài người, khẳng định rằng người cha duy nhất của Đức Giêsu là Chúa Cha trên trời và việc sinh hạ của Con trong thời gian phản ánh lại việc sinh hạ Người từ thuở đời đời: Chúa Cha, Đấng đã sinh Chúa Con từ thuở đời đời, thì cũng sinh trong thời gian như là con người.

2.- Trình thuật Truyền tin làm nổi bật bản tính là “Con Thiên Chúa”, do hậu quả của sự can thiệp của Thiên Chúa vào việc thụ thai: “Chúa Thánh Thần sẽ xuống trên chị, quyền năng Đấng Tối cao sẽ rợp bóng trên chị. Đấng bởi chị sinh ra sẽ là thánh và được gọi là Con Thiên Chúa “(Lc 1, 35).

Đấng sinh bởi Đức Maria đã là Con Thiên Chúa, do việc sinh hạ từ đời đời. Việc sinh hạ trinh khiết do sự can thiệp của Đấng Tối cao chứng tỏ rằng Đức Giêsu cũng là Con Thiên Chúa, dù khi xét như là con người.

Việc mặc khải sự sinh hạ đời đời trong sự sinh hạ trinh khiết cũng được gợi lên qua những lời lẽ chứa đựng trong bài tựa của Phúc âm thánh Gioan, khi nối kết việc tỏ mình của Thiên Chúa vô hình, nhờ tác động của “Con Một ở cung lòng Chúa Cha”(1, 18), với việc Người đến thế gian: “Ngôi Lời trở nên người phàm và đến cư ngụ giữa chúng ta; và chúng ta đã nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang như là của Con Một bởi Chúa Cha, đầy tràn ân sủng và chân lý (1, 14).

Khi thuật lại cuộc sinh hạ của Đức Giêsu, hai thánh sử Luca và Mátthêu cũng khẳng định vai trò của Thánh Thần. Thánh Thần không phải là cha của Hài nhi: Đức Giêsu chỉ là Con của Chúa Cha hằng cửu mà thôi (Lc 1, 32-35); Chúa Cha, qua trung gian của Thánh Thần, đã tác động trong thế giới và sinh ra Ngôi Lời xét về bản tính loài người.

Thực vậy, trong khi Truyền tin, thiên sứ đã gọi Thánh Thần là “quyền năng của Đấng Tối cao” (Lc 1, 35), phù hợp với Cựu ước, trình bày Thánh Thần như là sinh lực thiên linh tác động trong cuộc sống con người, khiến cho con người có khả năng làm những hoạt động kỳ diệu. Quyền năng này, – vốn dĩ là Tình yêu ở trong nội tại của Ba ngôi Thiên Chúa- khi tỏ hiện ở mức tuyệt đỉnh trong mầu nhiệm Nhập thể, có chức năng là ban Ngôi Lời Nhập thể cho nhân loại.

3.- Cách riêng, Thánh Thần là Ngôi vị thông ban những kho tàng thiên linh cho con người, và chia sẻ với con người sự sống của Chúa. Thánh Thần, Đấng là sự kết hợp giữa Chúa Cha và Chúa Con trong mầu nhiệm Ba Ngôi, khi thực hiện việc sinh hạ trinh khiết của Đức Giêsu thì cũng liên kết con người với Thiên Chúa.

Mầu nhiệm Nhập thể cũng làm nêu bật vẻ cao sang vô lường của chức phận làm mẹ trinh khiết của Đức Maria: việc thụ thai Đức Giêsu là kết quả của việc Người hợp tác quảng đại với tác động của Thánh Thần tình yêu, nguồn mạch của mọi sự phong nhiêu.

Do đó, trong chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa, sự thụ thai trinh khiết là một cuộc loan báo cuộc tạo dựng mới: nhờ tác động của Thánh Thần, Đức Maria sinh ra Đấng sẽ là con người mới. Như sách Giáo lý Hội thánh Công giáo đã khẳng định “Đức Giêsu đã được thụ thai do quyền năng của Chúa Thánh Thần trong cung lòng trinh nữ Maria, bởi vì Người là ông Ađam mới khai trương một cuộc tạo dựng mới”(số 504).

Trong mầu nhiệm của cuộc tạo dựng mới này vai trò của chức làm mẹ trinh khiết của Đức Maria tỏa ngời đặc biệt. Khi gọi Đức Kitô là “Trưởng tử của Đức Trinh nữ” thánh Irênêô nhắc nhở rằng, sau Đức Giêsu, còn nhiều người khác cũng được sinh bởi Đức Trinh nữ, theo nghĩa là họ đã nhận được sự sống mới của Đức Kitô. “Đức Giêsu là Con một của Đức Maria. Nhưng mà chức làm mẹ thiêng liêng của Đức Maria mở rộng cho hết mọi người mà Đức Kitô đã đến để cứu chuộc: Đức Maria đã sinh ra một người Con mà Thiên Chúa đã đặt làm ‘trưởng nam của số đông anh em’ (Rm 8, 29), nghĩa là của các tín hữu mà Đức Maria đã cộng tác vào việc sinh hạ và đào tạo với một tình yêu hiền mẫu” (GLCG số 501).

4.- Sự thông ban đời sống mới cũng là sự thông ban ơn làm con Thiên Chúa. Ở đây chúng ta có thể nhớ lại viễn ảnh mà thánh Gioan đã mở ra trong lời tự của Phúc âm: Đấng được Thiên Chúa sinh ra thì đã ban cho những tín hữu quyền được trở thành con cái của Thiên Chúa (xc. Ga 1, 12.13). Sự sinh hạ trinh khiết kéo dài tình phụ tử của Thiên Chúa: con người trở thành dưỡng tử của Thiên Chúa trong Đấng là Con của Đức Trinh nữ và của Chúa Cha.

Việc chiêm ngắm mầu nhiệm cuộc sinh hạ trinh khiết cho chúng ta nhận thấy rằng Thiên Chúa đã chọn cho Con mình một người Mẹ đồng trinh, để ban cho nhân loại cách rộng rãi tình Cha của Ngài.

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment