Ngàn Hoa Dâng Mẹ – Ngày 22

CHƯƠNG TRÌNH NGÀN HOA DÂNG MẸ

Thứ Năm, ngày 22/05/2014

 

PHẦN I. SUY NIỆM MẦU NHIỆM MÂN CÔI

1. KHAI MẠC

(hát hoặc đọc: xin ơn Chúa Thánh Thần)

1. Hát: Cầu xin Chúa Thánh Thần

Cầu xin Chúa Thánh Thần, Người thương thăm viếng hồn con. Ban xuống cho con hồng ân chan chứa, trau dồi cho đáng ngôi thánh đường.

ÐK. Nguyện xin Chúa Ngôi Ba, đoái nghe lời con thiết tha. Tình thương mến ấp ủ con ngày đêm, nhuần thấm xác hồn tràn lan ơn thiêng.

2. Đọc: Kinh Đức Chúa Thánh Thần

Chúng con lạy ơn Đức Chúa Thánh Thần thiêng liêng sáng láng vô cùng, chúng con xin Đức Chúa Thánh Thần xuống đầy lòng chúng con, là kẻ tin cậy Đức Chúa Trời, và đốt lửa kính mến Đức Chúa Trời trong lòng chúng con; chúng con xin Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Thánh Thần xuống.

Sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con.

Chúng con cầu cùng Đức Chúa Trời, xưa đã cho Đức Chúa Thánh Thần xuống soi lòng dạy dỗ các Thánh Tông Đồ, thì rày chúng con cũng xin Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Thánh Thần lại xuống an ủi dạy dỗ chúng con làm những việc lành, vì công nghiệp vô cùng Đức Chúa Giêsu Kitô là Chúa chúng con. Amen.

 

2. TIN MỪNG

(theo lịch phụng vụ mỗi ngày)

Tin Mừng: Ga 15,9-11

9 Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy.10 Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người.11 Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.

 

3. SUY NIỆM

 “Nếu anh em giữ điều răn của Thầy,
anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy
(Ga 15,10).

Như Mẹ: Điều kiện để được ở lại trong Chúa là “anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Như vậy, Chúa dạy chúng ta trước hết phải ở lại trong Thầy, rồi cũng phải ở lại trong nhau nữa.

Với Mẹ: Lạy Chúa, chúng con biết cội nguồn của tình yêu xuất phát từ Chúa Cha: Chúa Cha đã yêu mến Chúa Giêsu, Chúa Giêsu cũng yêu mến chúng con. Và vòng luân chuyển tình yêu ấy được chuyển dời đến mỗi người chúng con, để chúng con cũng biết yêu thương nhau bằng tình yêu của Chúa Giêsu.

Nhờ Mẹ: Xin Mẹ giúp chúng con biết làm cho dòng suối yêu thương, dòng suối có điểm đầu nguồn là Chúa Cha, được chảy mãi và trải dài trên khắp thế giới.

 

4. LẦN HẠT MÂN CÔI

(tuỳ điều kiện: lần hạt 1 chục, 2 chục… 5 chục Kinh Mân Côi)

 

5. KẾT THÚC

(hát hoặc đọc)

1. Hát: Linh hồn tôi tung hô Chúa

ĐK. Linh hồn tôi tung hô Chúa, tung hô Chúa (í, a) thần trí tôi mừng vui vời vợi trong Đấng Cứu Chuộc tôi. Chúa đã dủ thương đoái nhìn phận hèn tôi tớ. Vì vậy đến muôn đời, sẽ khen tôi đầy ơn, sẽ khen tôi đầy phúc, sẽ khen tôi muôn đời, đến muôn đời, đến muôn đời.

1. Đấng toàn năng đã làm cho tôi những việc cao trọng Danh Người là Thánh. Lượng từ ái trải qua từ đời nọ đến đời kia, hằng bao bọc những ai kính sợ Người.

2. Chúa biểu dương sức mạnh oai phong tiêu diệt tơi bời những phường tự đắc, bọn quyền quý tự kiêu, Ngài triệt hạ khỏi tòa cao và nâng dậy những ai ở khiêm nhường.

3. Lũ giàu sang đuổi về tay không, những người thanh bần ban đầy hồng phúc. Người đã nhớ lời hứa mà độ trì Ít-ra-en cùng tổ phụ Áp-ra-ham với miêu duệ.

2. Đọc: Thánh ca Tin Mừng
“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa” (Magnificat)

Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa
Thần trí tôi hớn hở vui mừng
Vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.

Phận nữ tỳ hèn mọn,
Người đoái thương nhìn tới ;
Từ nay hết mọi đời
Sẽ khen tôi diễm phúc.

Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi
Biết bao điều cao cả.
Danh Người thật chí thánh chí tôn !

Đời nọ tới đời kia,
Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.

Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh
Dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.

Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.

Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
Người giàu có, lại đuổi về tay trắng.

Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người,
Như đã hứa cùng cha ông chúng ta.

Vì Người nhớ lại lòng thương xót
Dành cho tổ phụ Áp-ra-ham
Và cho con cháu đến muôn đời.

Vinh danh Chúa Cha và Chúa Con,
cùng vinh danh Thánh Thần Thiên Chúa,
tự muôn đời và chính hiện nay
luôn mãi đến thiên thu vạn đại. A-men.

 

PHẦN II:  TÌM HIỂU VỀ ĐỨC MARIA

BÀI 43: MẸ MARIA

TRONG CUỘC ĐỜI ẨN DẬT CỦA ĐỨC GIÊSU

Tân ước không cung cấp tin tức về những năm ẩn dật của Chúa Giêsu tại Nazaret. Đó cũng là những năm ẩn dật của Mẹ Maria. Trong bầu khí trầm tĩnh và cần cù làm việc, Mẹ cố gắng tìm hiểu thêm về bản tính và sứ mạng của Con mình. Đây là thời kỳ mà Mẹ tiến triển về đức tin, đức cậy, đức mến khi sống kề bên Chúa Giêsu. Đây là một mẫu gương cho cuộc sống của chúng ta, “được ẩn dật” với Chúa Kitô.

1.- Các Phúc âm cung cấp cho chúng ta rất ít dữ kiện về những năm tháng Thánh gia sống ở Nazaret.

Thánh Matthêu kể lại quyết định của thánh Giuse, sau khi từ Ai cập trở về, đã định cư Thánh gia tại Nazaret (xc. Mt 2, 22-23), nhưng ông không cho chúng ta thêm một tin tức nào khác, ngoại trừ ông Giuse làm nghề thợ mộc (x. Mt 13, 55). Về phần mình, thánh Luca hai lần nói tới việc Thánh gia trở về Nazaret (xc. Lc 2,39.51) và cung cấp hai chỉ dẫn ngắn ngủi về những năm thiếu thời của Đức Giêsu, trước và sau trình thuật của cuộc hành hương về Giêrusalem: “Hài nhi lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan và hằng được ơn nghĩa cùng Thiên Chúa” (Lc 2,40), và “Đức Giêsu, ngày càng khôn lớn, và được Thiên Chúa cũng như mọi người thương mến” (Lc 2, 52).

Khi ghi lại vắn tắt cuộc đời của Đức Giêsu như vậy, có lẽ Thánh Luca đã ghi nhận từ những ký ức của Đức Maria liên quan tới một giai đoạn sống rất thân mật với Con mình. Sự kết hợp giữa Đức Giêsu và Đấng “Đầy ơn phước” vượt xa mối tương quan thường tình giữa bà mẹ với đứa con, bởi vì nó được cắm rễ trong một điều kiện siêu nhiên, và được củng cố bằng việc cả hai đều thuận tuân theo ý định của Thiên Chúa.

Như vậy có thể kết luận được rằng bầu khí an bình của nhà Nazaret cũng như quyết tâm thi hành kế hoạch của Thiên Chúa, đã mang lại cho sự kết hiệp giữa hai mẹ con một sự sâu sắc lạ thường vô tiền khoáng hậu.

2.- Nơi Đức Maria, ý thức về việc chu toàn một sứ mạng đã được Thiên Chúa giao phó đã mang lại một ý nghĩa cao sâu cho cuộc sống hằng ngày. Đối với Người, những việc làm đơn sơ khiêm tốn hàng ngày mang một ý nghĩa đặc biệt, bởi vì được Người đánh giá như là sự phục vụ sứ mạng của Đức Kitô.

Mẫu gương của Đức Maria soi sáng và khích lệ kinh nghiệm của biết bao nhiêu phụ nữ thực hành công tác hằng ngày giữa bốn bức tường của căn nhà mình. Đó là một công tác khiêm tốn, ẩn dật, lặp đi lặp lại, và thường không được đánh giá đúng mức. Tuy vậy, những năm tháng mà Đức Maria trải qua tại nhà Nazaret đã bộc lộ cho thấy những tiềm năng mãnh liệt của tình yêu chân chính và của sự cứu độ. Thực vậy cuộc sống đơn sơ của biết bao nhiêu bà nội trợ, một khi đã được nhận thức như là sứ mạng phục vụ và yêu thương, thì nó gói ghém một giá trị phi thường trước mắt của Thiên Chúa.

Có thể nói được rằng cuộc sống tai Nazaret, đối với Đức Maria, không phải chỉ là cuộc sống nhàm chán. Khi được tiếp xúc với Đức Giêsu đang dần dần trưởng thành, Mẹ Maria cố gắng đi sâu vào mầu nhiệm của Con mình, trong sự chiêm ngắm và thờ lạy.

Thánh Luca đã viết: “Bà Maria đã lưu giữ tất cả những điều này suy niệm trong con tim” (2,19; xc. 2, 51). “Tất cả những điều này”: đó là những biến cố mà Đức Maria đã vừa giữ vai trò chủ động vừa giữ vai trò chứng kiến, khởi sự từ cảnh Ttruyền tin, và nhất là tất cả cuộc sống của Hài nhi.

Mỗi ngày được sống gần kề Đức Giêsu là một lời mời gọi hãy tìm hiểu Người hơn, khám phá ra sâu xa hơn ý nghĩa của sự hiên diện và của mầu nhiệm bản thân Ngài.

3.- Có lẽ có người sẽ nghĩ rằng đối với Mẹ Maria việc thực hành đức tin là điều dễ dàng, bởi vì Người được chung đụng với Đức Giêsu mỗi ngày. Tuy nhiên, cần phải nhớ lại rằng những khía cạnh ngoại thường của bản thân của Chúa Con thường là được che kín. Cho dù cung cách đối xử của Ngài thật là gương mẫu, nhưng Ngài đã sống một cuộc đời giống như bao nhiêu người cùng trạc tuổi.

Trong vòng ba mươi năm sống tại Nazaret, Đức Giêsu đã không tỏ lộ những đức tính siêu việt và không làm một phép lạ nào. Lúc Đức Giêsu bắt đầu một vài việc phi thường vào lúc khởi sự sứ mạng đi rao giảng, thì thân nhân của Người (được Phúc âm gọi là: các “anh em”) đã cảm thấy có bổn phận phải dẫn đưa Ngài về nhà, bởi vì – theo vài ý kiến chú giải- họ cho rằng cách hành động của Ngài mang triệu chứng bất bình thường (xc. Mc 3,21).

Trong khung cảnh cần cù tại Nazaret, Mẹ Maria cố gắng tìm hiểu đường hướng mà Chúa Quan phòng dành cho sứ mạng của Con mình.

Về điểm này, Mẹ Maria đã nghiền ngẫm cách riêng về câu nói mà Đức Giêsu đã trả lời tại đền thờ Giêrusalem khi lên mười hai tuổi: “Các vị không biết rằng con phải lo lắng về công chuyện của Cha con sao?” (Lc 2, 49). Khi suy gẫm điều đó, Đức Maria có thể hiểu rõ hơn ý nghĩa của việc Đức Giêsu là Con Thiên Chúa và về chức làm mẹ của mình; bà cố gắng quan sát qua những cử chỉ của con mình, những nét biểu lộ sự tương đồng Ngài với Đấng được gọi là “Cha của con”.

4.- Sự thông hiệp đời sống với Đức Giêsu, tại nhà Nazaret, đưa Đức Maria không những tiến triển “trên cuộc cuộc lữ hành đức tin” (HT 58), mà cả trên con đường hy vọng nữa. Được nuôi dưỡng với việc nhắc lại biến cố Truyền tin và những lời của ông Simêon, nhân đức này[1] trải dài suốt trọn cuộc sống dương thế, nhưng nó đã được thực hiện cách riêng trong khoảng ba mươi năm thinh lặng, ẩn dật tại Nazaret.

Sau những bức tường của Nazaret, Đức Trinh nữ đã sống đức hy vọng ở cao độ. Người biết rằng sự trông đợi của mình không hão huyền, tuy dù Người không biết chừng nào và bằng cách nào Thiên Chúa sẽ thực hiện những lời hứa. Trong cảnh đêm tối của đức tin và không thấy những dấu hiệu lạ kỳ báo tin khởi điểm sứ vụ Mêsia của Con mình, Mẹ Maria đã hy vọng bất chấp những dấu hiệu hiển minh, trông chờ từ nơi Chúa việc thực hiện những lời hứa.

Gia đình Nazaret là khung cảnh cho sự tăng trưởng về đức tin và niềm hy vọng, và cũng là nơi chứng tá của tình yêu. Tình yêu mà Đức Kitô muốn chiếu tỏa trên thế giới đã được khơi lên và bừng cháy trong con tim của Đức Mẹ: chính nơi tổ ấm gia đình mà việc loan báo Tin mừng tình thương của Thiên Chúa được chuẩn bị.

Khi nhìn tới nhà Nazaret, khi chiêm ngưỡng mầu nhiệm cuộc đời ẩn dật của Đức Giêsu và của Đức Maria, chúng ta được mời gọi hãy nghĩ tới của chính cuộc đời chúng ta, cuộc đời – mà thánh Phaolô đã nói – “ẩn dật với Đức Kitô trong Thiên Chúa” (Cl 3, 3).

Thường thường đời chúng ta là một cuộc sống khiêm tốn, ẩn dật trước mắt người đời, tuy nhiên theo gương của Đức Maria, cuôc đời này có thể bộc lộ những tiềm năng cứu độ, khi chiếu tỏa tình yêu và sự an bình của Đức Kitô.

 

BÀI 44: ĐỨC MARIA TẠI TIỆC CƯỚI CANA

Phúc âm thánh Gioan nhắc đến Đức Maria hai lần đầy ý nghĩa: một lần tại tiệc cưới Cana (2,1-11) vào lúc Chúa Giêsu khai mạc sứ vụ công khai, và một lần khi Chúa kết thúc sứ vụ trên Thập giá (19,25-27). Vào cả hai dịp đó, Chúa đã xưng hô với thân mẫu là “Người nữ”. Bài huấn giáo hôm nay theo dõi diễn tiến phép lạ Cana dựa theo bản văn Tin mừng, nhất là theo dõi ý kiến của các nhà chú giải về hai câu trả lời của Chúa “Giữa bà với tôi có chuyện gì? Giờ tôi chưa đến”. Bài huấn giáo lần tới sẽ tìm hiểu vai trò của Đức Maria trong câu chuyện này.

1.- Trong câu chuyện tiệc cưới Cana, thánh Gioan đã trình bày việc can thiệp đầu tiên của Đức Maria trong cuộc đời công khai của Đức Giêsu, và làm nêu bật sự hợp tác của Người vào sứ mạng của Con.

Ngay từ đầu trình thuật, thánh sử đã ghi nhận rằng “có cả thân mẫu của Đức Giêsu” (2,1) và, ra như muốn gợi ý rằng chính sự hiện diện của Mẹ Maria đã là nguồn gốc của việc đôi tân hôn mời Đức Giêsu và các môn đệ đến (xc. Thân mẫu Đấng Cứu thế, số 21), thánh sử viết tiếp: “Đức Giêsu và các môn đệ cũng được mời tham dự” (2,2). Qua những lời ghi chú đó, xem ra thánh Gioan muốn ám chỉ rằng, tại Cana, cũng như tại biến cố căn bản của Mầu nhiệm Nhập thể, Đức Maria là kẻ giới thiệu Chúa Cứu thế.

Ý nghĩa và vai trò của việc Đức Maria hiện diện đã được biểu lộ khi thiếu rượu. Là một bà nội trợ từng trải và tinh mắt, Đức Maria nhận biết tình cảnh và can thiệp để khỏi mất niềm vui của mọi người, và nhất là để giúp đỡ đôi tân hôn đang gặp khó khăn.

Mẹ Maria đã ngỏ lời với Đức Giêsu như sau: “Họ hết rượu rồi” (Ga 2,3). Người bày tỏ lòng ưu tư của mình trước một tình trạng, và chờ đợi một sự can thiệp để giải quyết. Theo một số nhà chú giải, chính Đức Maria đã chờ đợi một dấu hiệu lạ lùng, xét vì Đức Giêsu không có mang rượu theo.

2.- Sự lựa chọn của Đức Maria, thay vì đi tìm rượu ở chỗ khác, đã biểu lộ lòng can đảm của niềm tin của Người, bởi vì cho tới lúc đó Đức Giêsu chưa hề làm một phép lạ nào, dù ở Nazaret dù ở nơi nào khác. Tại Cana, Đức Maria lại bày tỏ một lần nữa tâm tình tín thác vào Thiên Chúa. Vào hồi Truyền tin, Đức Maria đã tin vào Chúa Giêsu trước khi thấy Người, cho nên đã đóng góp vào phép lạ của việc thụ thai trinh khiết; giờ đây khi tin tưởng vào quyền năng chưa được tỏ lộ của Đức Giêsu, Mẹ đã gợi lên “dấu lạ đầu tiên”, thay đổi nước thành rượu.

Như thế Đức Maria đã dẫn đầu đức tin cho các môn đệ, theo như thánh Gioan nói, họ sẽ tin sau khi xảy ra phép lạ: Đức Giêsu “đã bày tỏ vinh quang của Người và các môn đệ đã tin vào Người” (Ga 2,11). Hơn thế nữa khi xin được một dấu lạ, Đức Maria đã mang lại một sự nâng đỡ cho niềm tin của họ.

3.- Đức Giêsu đã trả lời cho Đức Maria như sau: “Người nữ ơi, giữa tôi với bà có chuyện gì đâu? Giờ tôi chưa tới” (Ga 2,4). Thoạt tiên xem ra những lời này là một sự khước từ, và thử thách niềm tin của Đức Maria.

Theo một ý kiến giải thích, Đức Giêsu, từ khi bắt đầu sứ mạng, xem ra đã muốn xét lại mối tương quan tự nhiên về tình mẫu tử. Câu nói vừa rồi, theo ngôn ngữ đương thời, nhằm nêu bật một khoảng xa cách giữa hai người, không chấp nhận sự thông hiệp giữa đôi bên. Sự xa cách này không loại bỏ lòng tôn kính; lời xưng hô “người (phụ) nữ ơi[2]” được sử dụng trong vài cuộc đối thoại như là với bà Cananêa (xc. Mt 15, 28), với người thiếu phụ Samaria (xc. Ga 4, 21), với người đàn bà ngoại tình (xc. Ga 8,10) và với bà Maria Magđala (xc. Ga 20, 13), trong những khung cảnh bày tỏ một sự trân trọng với người phụ nữ.

Qua thành ngữ: “Giữa bà với tôi có chuyện gì đâu?” Chúa Giêsu muốn nêu bật sự hợp tác của Đức Maria vào chương trình cứu chuộc; sự hợp tác này đòi hỏi phải vượt lên vai trò của người mẹ tự nhiên, và bước sang lãnh vực của đức tin và hy vọng.

4.- Động lực mà Chúa Giêsu trưng dẫn mới thật là quan trọng: “Giờ tôi chưa đến” (Ga 2,4).

Một vài nhà chú giải Kinh thánh, họa theo lối giải thích của Thánh Augustino đã đồng hóa “giờ” với biến cố của cuộc Tử nạn. Ngược lại, đối với một vài tác giả khác, từ ngữ này nói tới phép lạ đầu tiên mạc khải quyền năng Mêsia của ngôn sứ Nazaret.

Ngoài ra, một vài tác giả khác chủ trương rằng câu nói phải đặt ở thể nghi vấn và tiếp nối câu hỏi trước đó: “Giữa bà với tôi có chuyện gì đâu? Giờ tôi chưa đến hay sao?”. Đức Giêsu muốn cho Đức Maria hiểu rằng từ nay Người không còn lệ thuộc vào mẹ nữa nhưng Người cần phải dành sáng khởi để thi hành công tác của Chúa Cha. Vì thế mà Đức Maria không khẩn khoản Người thêm nữa, nhưng chỉ hướng về các người đầy tớ và yêu cầu họ hãy tuân phục Người.

Dù sao, lòng tin tưởng của Đức Maria nơi Con mình đã được thưởng. Người đã dành tất cả sáng kiến cho Đức Giêsu; Chúa đã thực hiên phép lạ, và như vậy là đã nhìn nhận lòng can đảm và mềm dịu của Đức Maria: “Đức Giêsu nói với họ: ‘Các anh đổ đầy nước vào chum đi’; và họ đổ đầy tới miệng”(Ga 2, 7). Do đó sự vâng phục của họ cũng đã đóng góp vào việc lãnh nhận rượu một cách dồi dào.

Lời yêu cầu của Mẹ Maria: “Các anh hãy làm điều mà Người truyền” vẫn còn một giá trị đối với các Kitô hữu thuộc hết mọi thời đại, và câu nói này vẫn còn sẽ mang lại hiệu quả diệu kỳ trong cuộc sống của mỗi người. Đức Maria mời gọi chúng ta hãy tín thác không chút do dự, nhất là khi chúng ta không hiểu được ý nghĩa và công dụng của điều mà Chúa Kitô truyền dạy chúng ta.

Cũng như trong trình thuật về bà Cananêa (Mt 15, 24.26), việc khước từ bề ngoài của Đức Giêsu làm tăng thêm đức tin của người phụ nữ, thì ở đây những lời nói của người Con: “Giờ tôi chưa đến”, cùng với việc thực hiện phép lạ đầu tiên, đã cho thấy đức tin lớn mạnh của Mẹ và mãnh lực của lời Người cầu khẩn.

Câu chuyện tiệc cưới Cana khuyến khích chúng ta hãy can đảm trong đức tin, hãy cảm nghiệm trong cuộc sống chúng ta chân lý của lời Phúc âm: “Các con hãy xin thì sẽ được” (Mt 7, 7; Lc 11, 9).



[1] Nhân đức “hy vọng” cũng là nhân đức “trông cậy”.

[2]  Thường được dịch là “Bà ơi!”. Nhưng ở đây “bà” là một danh từ (người đàn bà, người phụ nữ), chứ không phải là một  đại danh từ xưng hô.

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment