Ngàn Hoa Dâng Mẹ – Ngày 28

CHƯƠNG TRÌNH NGÀN HOA DÂNG MẸ

Thứ Tư, ngày 28/05/2014

 

PHẦN I. SUY NIỆM MẦU NHIỆM MÂN CÔI

1. KHAI MẠC

(hát hoặc đọc: xin ơn Chúa Thánh Thần)

1. Hát: Cầu xin Chúa Thánh Thần

Cầu xin Chúa Thánh Thần, Người thương thăm viếng hồn con. Ban xuống cho con hồng ân chan chứa, trau dồi cho đáng ngôi thánh đường.

ÐK. Nguyện xin Chúa Ngôi Ba, đoái nghe lời con thiết tha. Tình thương mến ấp ủ con ngày đêm, nhuần thấm xác hồn tràn lan ơn thiêng.

2. Đọc: Kinh Đức Chúa Thánh Thần

Chúng con lạy ơn Đức Chúa Thánh Thần thiêng liêng sáng láng vô cùng, chúng con xin Đức Chúa Thánh Thần xuống đầy lòng chúng con, là kẻ tin cậy Đức Chúa Trời, và đốt lửa kính mến Đức Chúa Trời trong lòng chúng con; chúng con xin Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Thánh Thần xuống.

Sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con.

Chúng con cầu cùng Đức Chúa Trời, xưa đã cho Đức Chúa Thánh Thần xuống soi lòng dạy dỗ các Thánh Tông Đồ, thì rày chúng con cũng xin Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Thánh Thần lại xuống an ủi dạy dỗ chúng con làm những việc lành, vì công nghiệp vô cùng Đức Chúa Giêsu Kitô là Chúa chúng con. Amen.

 

2. TIN MỪNG

(theo lịch phụng vụ mỗi ngày)

Tin Mừng: Ga 16,12-15

12 Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi.13 Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến.14 Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em.15 Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em.

 

3. SUY NIỆM

 “Khi Thần Chân Lý đến
Người sẽ dạy các con biết tất cả sự thật” (Ga 16,13).

Như Mẹ: Với sự yếu kém của mình, chúng ta khó lòng mà hiểu được những giáo huấn của Chúa Giêsu, và càng khó khăn hơn khi sống như Người đã sống. Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta, Ngài sẽ luôn ban Thánh Thần để soi sáng cho chúng ta biết được con đường đích thực dẫn tới Ơn Cứu Độ.

Với Mẹ: Lạy Chúa, sự thật ở đây chẳng có gì khác, đó chính là việc làm môn đệ của Chúa Giêsu. Khi muốn làm môn đệ của Chúa, chúng con phải bước đi trên con đường khổ giá, đón nhận tất cả mọi đau khổ lẫn thử thách như Thầy Giêsu đã đi và đã chiến thắng.

Nhờ Mẹ: Xin Mẹ giúp chúng con biết ý thức được ơn cao quý mà Chúa Thánh Thần ban và xin Ngài hướng dẫn cuộc đời chúng con.

 

4. LẦN HẠT MÂN CÔI

(tuỳ điều kiện: lần hạt 1 chục, 2 chục… 5 chục Kinh Mân Côi)

 

5. KẾT THÚC

(hát hoặc đọc)

1. Hát: Linh hồn tôi tung hô Chúa

ĐK. Linh hồn tôi tung hô Chúa, tung hô Chúa (í, a) thần trí tôi mừng vui vời vợi trong Đấng Cứu Chuộc tôi. Chúa đã dủ thương đoái nhìn phận hèn tôi tớ. Vì vậy đến muôn đời, sẽ khen tôi đầy ơn, sẽ khen tôi đầy phúc, sẽ khen tôi muôn đời, đến muôn đời, đến muôn đời.

1. Đấng toàn năng đã làm cho tôi những việc cao trọng Danh Người là Thánh. Lượng từ ái trải qua từ đời nọ đến đời kia, hằng bao bọc những ai kính sợ Người.

2. Chúa biểu dương sức mạnh oai phong tiêu diệt tơi bời những phường tự đắc, bọn quyền quý tự kiêu, Ngài triệt hạ khỏi tòa cao và nâng dậy những ai ở khiêm nhường.

3. Lũ giàu sang đuổi về tay không, những người thanh bần ban đầy hồng phúc. Người đã nhớ lời hứa mà độ trì Ít-ra-en cùng tổ phụ Áp-ra-ham với miêu duệ.

2. Đọc: Thánh ca Tin Mừng
“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa” (Magnificat)

Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa
Thần trí tôi hớn hở vui mừng
Vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.

Phận nữ tỳ hèn mọn,
Người đoái thương nhìn tới ;
Từ nay hết mọi đời
Sẽ khen tôi diễm phúc.

Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi
Biết bao điều cao cả.
Danh Người thật chí thánh chí tôn !

Đời nọ tới đời kia,
Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.

Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh
Dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.

Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.

Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
Người giàu có, lại đuổi về tay trắng.

Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người,
Như đã hứa cùng cha ông chúng ta.

Vì Người nhớ lại lòng thương xót
Dành cho tổ phụ Áp-ra-ham
Và cho con cháu đến muôn đời.

Vinh danh Chúa Cha và Chúa Con,
cùng vinh danh Thánh Thần Thiên Chúa,
tự muôn đời và chính hiện nay
luôn mãi đến thiên thu vạn đại. A-men.

 

PHẦN II:  TÌM HIỂU VỀ ĐỨC MARIA

BÀI 55: CHÂN LÝ VỀ ĐỨC MARIA LÊN TRỜI

TRONG TRUYỀN THỐNG CỦA HỘI THÁNH

Trải qua truyền thống lâu đời của Hội thánh, những lý do sau đây đã được viện dẫn để giải thích niềm tin về việc Đức Mẹ được Chúa đem cả hồn lẫn xác về thiên quốc: 1/ Sự liên kết chặt chẽ của Đức Maria vào số phận của Con mình. 2/ Chức làm Mẹ Thiên Chúa. 3/ Lòng hiếu thảo của Chúa Giêsu. 4/ Đặc ân vô nhiễm nguyên tội. – Ngoài ra, chân lý Đức Maria hồn xác lên trời cũng đề cao phẩm giá của phụ nữ và của thân xác.

1.- Truyền thống lâu đời của Hội thánh đã làm nêu bật rằng chân lý Đức Maria lên trời nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa, và nó dựa trên sự tham gia đặc biệt của Đức Maria vào sứ vụ của Con mình. Ngay từ thiên niên thứ nhất, các văn hào Kitô giáo đã diễn tả chân lý theo chiều hướng đó.

Những chứng tá, tuy còn sơ sài, đã được gặp thấy nơi thánh Ambrosiô, thánh Epiphaniô, Giám mục Timôthê Giêrusalem. Thánh Germanô Constantinopolis (+ năm 733) đã đặt những lời sau đây trên môi của Đức Giêsu tới dẫn đưa Mẹ mình về trời: “Con mà ở đâu thì Mẹ cũng phải ở đó, ôi Mẹ không bao giờ lìa khỏi Con…” (Homilia 3 in Dormitionem).

Ngoài ra, cũng theo truyền thống Giáo hội, một lý do căn bản của việc Đức Mẹ lên trời là chức làm Mẹ Thiên Chúa. Niềm thâm tín này đã được gặp thấy trong một bản trình thuật ngụy thư thuộc thế kỷ thứ V, gán cho ông Melitô. Tác giả tưởng tượng Chúa Kitô chất vấn ông Phêrô và các thánh tông dồ về số phận dành cho Đức Maria, và các ngài trả lời Chúa như sau: “Lạy Chúa, Chúa đã chọn nguời nữ tì này để trở thành cung điện vô nhiễm của Chúa… Chúng con nghĩ rằng thật là chính đáng, cũng như sau khi đã chiến thắng tử thần Chúa ngự trị trong vinh quang, thì xin Chúa cũng hãy cho thân xác của thân mẫu sống lại và dẫn đưa về trời với Chúa”. (De transitu V. Mariae, 16). Như vậy có thể khẳng định rằng chức làm Mẹ Thiên Chúa, đã biến thân xác của Đức Maria thành cung điện vô nhiễm của Chúa Kitô, là nền tảng cho số phận vinh quang của Mẹ.

2.- Thánh Germano, trong một bản văn tình tứ đã chủ trương rằng chính mối tình của Đức Giêsu đối với Thân mẫu đòi hỏi sự kết hợp của Đức Maria với Con mình ở trên trời: “Cũng như một Hài nhi tìm kiếm và ước ao sự hiện diện của Mẹ mình, cũng như một bà mẹ thích sống bên cạnh con mình, thì đối với Mẹ, đâu có ai nghi ngờ gì về tình mẫu tử đối với quý Tử và  Chúa, thật là xứng hợp để Mẹ trở về với Người. Dù sao đi nữa không phải là điều thích hợp khi mà Chúa muốn bày tỏ lòng hiếu thảo qua việc đưa Mẹ về ở bên cạnh Người hay sao?” (Homilia 1 in Dormitionem). Trong một đoạn khác, tác giả liên kết khía cạnh riêng tư của mối tương quan giữa Đức Kitô và Đức Maria với chiều kích cứu chuộc của chức làm mẹ, và ông nói rằng: “Cần phải để cho bà mẹ của Sự Sống chia sẻ cung điện của Sự Sống” (ibid.)

3.- Theo một vài giáo phụ, một luận cứ khác làm nền tảng của đặc ân Đức Mẹ lên trời là sự tham gia của Đức Maria vào công trình cứu độ.

Thánh Gioan Đamascô nhấn mạnh tới mối tương quan giữa sự tham dự vào cuộc Khổ nạn và sự tham dự vào số phận vinh quang: “Cần phải để cho Đấng đã thấy Con mình ở trên Thập giá và đã nhận lãnh lưỡi gươm đau khổ vào lòng… được chiêm ngưỡng cũng người Con đó ngự bên hữu Chúa Cha” (Homilia 2). Dưới ánh sáng của mầu nhiệm Phục sinh, thực là xứng hợp để cho người Mẹ được tôn vinh sau khi chết, cùng với Con của mình.

Công đồng Vaticano II, khi nhắc tới mầu nhiệm Đức Mẹ lên trời ở trong Hiến chế tín lý về Hội thánh, đã lôi kéo chú ý tới đặc ân vô nhiễm nguyên tội: “Chính vì được gìn giữ cho khỏi tội nguyên tổ” (HT 59), Đức Maria không thể nào ở lì trong tình trạng chết chóc giống như bao người khác, cho đến ngày tận thế.

Việc không mắc tội tổ tông truyền và sự thánh thiện hoàn hảo ngay từ lúc bắt đầu cuộc sống đòi hỏi đối với Thân mẫu Thiên Chúa sự tôn vinh hoàn toàn của linh hồn và của thân xác.

4.- Khi chiêm ngắm mầu nhiệm Đức Maria lên trời, chúng ta có thể hiểu kế hoạch của Chúa Quan phòng dành cho nhân loại: sau Chúa Kitô Ngôi Lời nhập thể, Đức Maria là loài thụ tạo đã thực hiện trước hết lý tưởng của thời cánh chung; Người đã hưởng trước dồi dào hạnh phúc trọn vẹn được hứa cho những kẻ được Chúa tuyển chọn qua việc thân xác được sống lại.

Trong mầu nhiệm Đức Maria lên trời chúng ta cũng có thể thấy ý định của Thiên Chúa muốn thăng tiến người phụ nữ.

Tương tự như điều đã xảy ra vào lúc khởi nguyên nhân loại và lịch sử cứu rỗi, trong chương trình của Thiên Chúa, lý tưởng cánh chung được mạc khải không phải qua một cá thể nhưng là qua một đôi. Vì thế trong vinh quang trên trời, bên cạnh Chúa Kitô Phục sinh, còn có một người nữ được phục sinh, đó là Đức Maria: ông Adam mới và bà Eva mới, hoa trái đầu tiên của sự phục sinh thân xác của toàn thể nhân loại.

Dĩ nhiên, điều kiện cánh chung của Chúa Kitô và của Mẹ Maria không nằm trên một bình diện ngang nhau. Đức Maria, bà Eva mới, đã lãnh nhận từ Đức Kitô, ông Ađam mới, sự sung mãn của ơn thánh và vinh quang trên trời, bởi vì Đức Maria được sống lại nhờ Chúa Thánh Thần bởi quyền năng bá chủ của Thánh tử.

5.- Tuy dù vắn tắt nhưng những ghi chú này cũng cho phép nêu bật rằng việc Đức Maria lên trời mặc khải phẩm giá cao quý của thân xác con người. Thời đại tân tiến thường hạ giá thân xác, đặc biệt là thân xác phụ nữ. Mầu nhiệm Đức Maria hồn xác lên trời tuyên dương số phận siêu nhiên và phẩm giá của hết mọi thân xác con người, được Chúa gọi làm dụng cụ của sự thánh thiện và thông phần vào vinh quang thiên quốc.

Đức Maria đã đi vào vinh quang thiên quốc bởi vì Người đã đón nhận Con Thiên Chúa trong cung lòng trinh khiết và trong trái tim của Người. Khi nhìn lên Đức Maria, người Kitô hữu học cách khám phá ra giá trị của thân xác mình và gìn giữ nó như đền thờ của Thiên Chúa, trong khi đợi chờ ngày sống lại. Việc lên trời của Đức Maria, một đặc ân được dành riêng cho Đức Mẹ Chúa Trời, trở thành một giá trị vô biên cho cuộc sống và thân phận của toàn thể loài người.

 

BÀI 56: NỮ VƯƠNG VŨ TRỤ

Từ thế kỷ thứ V, Đức Maria được kêu cầu dưới danh hiệu “Nữ vương”. Người là Nữ vương vì được chia sẻ vào vương quyền của Chúa Kitô. Người được phong làm Nữ vương để có thể thi hành chức vụ làm mẹ cách hữu hiệu hơn. Vì thế các tín hữu nhìn lên Đức Maria Nữ vương với lòng tin tưởng: bà mẹ âu yếm có thế lực để giúp đỡ chúng ta trên đường lữ hành đức tin.

1.- Tâm tình đạo đức bình dân đã kêu cầu Đức Maria như là Nữ vương. Công đồng Vaticanô II, sau khi đã nhắc tới việc Đức Trinh nữ được “đưa cả hồn lẫn xác vào vinh quang thiên quốc”, giải thích rằng “Người đã được Chúa Kitô tôn phong làm Nữ vương vũ trụ, ngõ hầu Người được đồng hình đồng dạng hơn với Thánh tử là Chúa các Chúa (Kh 19,26), và là kẻ chiến thắng tội lỗi và sự chết”(HT 59).

Thực ra, ngay từ thế kỷ thứ V, hầu như vào cùng thời mà Công đồng Ephêsô tuyên bố Đức Maria là “Đức Mẹ Chúa Trời” thì Người cũng đã bắt đầu được gán tước hiệu là Nữ vương[1]. Các Kitô hữu, với việc tuyên dương chức phẩm cao trọng này, muốn đưa Người vượt lên trên các thụ tạo, đề cao chức phận và tầm quan trọng của Người trong cuộc đời của mỗi người và của toàn thể thế giới.

Trong một khúc của bài giảng được gán của ông Origène, chúng ta đã thấy đọc thấy những lời sau đây trong khi chú giải những lời bà Elisabet nói với Đức Maria vào lúc Thăm viếng: “Lẽ ra tôi phải đến với chị bởi vì chị được chúc phúc hơn hết mọi phụ nữ, chị là bà mẹ của Chúa tôi, chị là Bà Chúa của tôi” (Fragmenta). Trong bản văn này, khi đi từ diễn ngữ “Mẹ của Chúa tôi” sang tới danh xưng “Bà Chúa của tôi”, tác giả đã mở đường cho thánh Gioan Đamascô sau này gán cho Đức Maria tước hiệu là “Bà Hoàng”[2]: “Khi Người được trở thành mẹ của Đấng Tạo hóa, thì Người cũng thực là bà Hoàng của hết mọi loài thụ tạo” (De fide orthodoxa 4,14).

2.- Vị tiền nhiệm của tôi là Đức Giáo Hoàng Piô XII, trong thông điệp Ad coeli Reginam [3] được bản văn của công đồng Vatican II trích dẫn, đã đặt nền tảng của vương quyền của Đức Maria, – đừng kể chức làm mẹ -, ở sự hợp tác vào công cuộc cứu chuộc. Thông điệp nhắc tới bản văn phụng vụ: “Thánh Maria, Nữ vương trên trời và Nữ hoàng dưới thế, đã đau đớn đứng bên cạnh Thập giá của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta”.

Kế đó, thông điệp thiết lập sự so sánh giữa Đức Maria và Chúa Kitô nhằm giúp chúng ta hiểu thêm ý nghĩa của chức Nữ vương của Đức Maria. Đức Kitô là Vua không những vì là Con Thiên Chúa mà còn là Đấng Cứu chuộc; Đức Maria là Nữ vương không những vì là Thân mẫu của Thiên Chúa mà còn vì đã cộng tác vào công cuộc cứu chuộc nhân loại, cũng như bà Evà mới được kết nạp với ông Adam mới.

Trong Phúc âm thánh Marcô chúng ta đọc thấy rằng vào lúc Thăng thiên thì Chúa Giêsu “được đưa về trời và ngự bên hữu Chúa Cha” (16,19). Trong ngôn ngữ Kinh thánh, ngồi “bên hữu của Thiên Chúa” có nghĩa là chia sẻ quyền bá chủ. Khi “ngồi bên hữu Chúa Cha”, Đức Kitô thiết lập vương quyền của mình, tức là Vương quốc của Thiên Chúa. Được đưa về trời, Đức Maria được kết nạp với quyền hành của Thánh tử và hiến thân cho việc quảng bá Vương quốc của Chúa bằng cách thông dự vào việc quảng bá ơn thánh Chúa trong thế giới.

Khi so sánh việc Đức Kitô lên trời và việc Đức Maria lên trời, chúng ta có thể kết luận rằng Đức Maria là Nữ vương ở dưới quyền của Đức Kitô, Người chiếm hữu và thực thi một quyền bá chủ trên vũ trụ do chính Thánh tử ban cấp cho.

3.- Dĩ nhiên là tước hiệu “Nữ vương” không thay thế tước hiệu “Mẹ”: chức làm Nữ vương là một hệ luận của sứ mạng làm mẹ, và chỉ diễn tả một quyền hành được cấp nhằm thực thi chức vụ làm mẹ.

Khi trưng dẫn sắc chiếu Ineffabilis Deus của Đức Piô IX, Đức Giáo Hoàng Piô XII đã nêu bật chiều kích làm mẹ trong chức vụ làm Nữ vương: “Đức Maria đã nuôi dưỡng tâm tình hiền mẫu đối với chúng ta và quan tâm tới phần rỗi của chúng ta. Người đã mở rộng mối quan tâm đến tất cả loài người. Được Chúa đặt làm Nữ vương trời đất, được tôn vinh lên trên mọi ca đoàn thiên sứ và triều thần các thánh, ngự bên hữu Thánh Tử duy nhất là Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, Người chắc chắn sẽ đạt được điều cầu bầu với những lời nài van của một người mẹ. Điều gì Người tìm kiếm thì Người sẽ gặp, và chắc chắn sẽ không bị khước từ”.

4.- Vì thế các Kitô hữu nhìn lên Đức Maria Nữ vương với tâm tình tín thác. Chức vụ này không làm giảm bớt nhưng còn tăng gia lòng tin tưởng của con thảo nơi Đấng là mẹ trong hệ trật ân sủng.

Hơn nữa, mối quan tâm của Đức Maria Nữ vương đối với hết mọi người chỉ nên hữu hiệu hoàn toàn nhờ điều kiện vinh quang tiếp theo việc Lên trời. Thánh Germanô Constantinopolis đã nêu bật điều ấy: điều kiện vinh quang của Đức Maria bảo đảm cho Người được kết hiệp mật thiết với Thánh tử, và bảo đảm cho lời chuyển cầu cho chúng ta thực hiện được. Hướng về Đức Maria ông thêm rằng: “Đức Kitô ra như đã muốn cho môi miệng và tâm tình của Mẹ gần với Chúa; như thế Người sẽ đồng ý với tất cả những ước nguyện mà Mẹ tỏ bày với Người khi Mẹ đau đớn vì con cái mình, và Người sẽ thi hành với quyền năng của Thiên Chúa tất cả những gì mà Mẹ yêu cầu” (Homilia 1).

5.- Chúng ta có thể kết luận rằng sự Lên trời không những bảo đảm sự thông hiệp hoàn toàn của Đức Maria với Chúa Kitô mà còn với mỗi người chúng ta: Đức Maria ở gần chúng ta, bởi vì điều kiện vinh quang cho phép Người theo dõi chúng ta trên cuộc lữ hành trần thế. Như chúng ta còn có thể đọc tiếp nơi thánh Germanô: “Mẹ ở lại cách thiêng liêng với chúng con; sự canh thức tỉnh táo với chúng con làm nêu bật đời sống chung giữa Mẹ với chúng con “(Homilia 1).

Do đó điều kiện vinh quang của Đức Maria không tạo nên một khoảng cách đối với chúng ta; trái lại nó đã gây nên một sự gần gũi liên tục và ân cần. Đức Maria biết tất cả những gì xảy ra cho cuộc sống của chúng ta, và Người nâng đỡ chúng ta với tình mẹ trong mọi thử thách của cuộc sống.

Được đưa vào vinh quang thiên quốc, Đức Maria càng hiến toàn thân cho công cuộc cứu chuộc để thông đạt cho hết mọi chúng sinh niềm hạnh phúc đã được ban cho Mẹ. Người là một Nữ vương ban phát tất cả những gì mình có, nhất là bằng việc chia sẻ sự sống và tình yêu của Chúa Kitô.

 

BÀI 57: ĐỨC MARIA PHẦN TỬ SIÊU VIỆT CỦA HỘI THÁNH

Sau khi đã trình bày mối liên hệ của Đức Maria với Chúa Kitô, qua công cuộc Nhập thể và Cứu chuộc, từ bài hôm nay, chủ đề được hướng sang mối liên hệ của Đức Maria với Hội thánh, nhiệm thể của Chúa Kitô và hoa trái của hồng ân cứu chuộc. Đức Maria được Chúa Giêsu ủy thác chức vụ làm mẹ các môn đệ của Chúa, tức là mẹ của Hội thánh. Đồng thời, Đức Maria cũng là một phần tử của Hội thánh, bởi vì Mẹ cũng đã hưởng nhờ ơn cứu chuộc của Chúa Kitô.

1.- Vai trò vô song của Đức Maria trong công trình cứu chuộc mời gọi chúng ta đào sâu thêm mối tương quan giữa Người với Hội thánh.

Theo một vài tác giả, Đức Maria không thể nào được coi như là phần tử của Hội thánh, bởi vì các đặc ân được trao ban cho Người (Vô nhiễm nguyên tội, Thân mẫu của Thiên Chúa, sự cộng tác đặc biệt vào công trình cứu chuộc) đã đặt Người vào một điều kiện ở trên cộng đoàn các tín hữu.

Tuy nhiên Công đồng Vatican II đã không ngần ngại trình bày Đức Maria như là phần tử của Hội thánh, tuy cũng xác nhận rằng Đức Maria là một phần tử “ưu việt và độc nhất vô nhị”[4] (HT 53): Đức Maria là hình ảnh, khuôn mẫu và là Mẹ của Hội thánh. Tuy dù khác biệt với những tín hữu khác do những đặc ân phi thường được Chúa ban, nhưng Đức Maria thuộc về Hội thánh và là một phần tử của Hội thánh.

2.- Giáo huấn của Công đồng Vatican II đã tìm được nền tảng ngay từ trong Kinh thánh. Sách Tông đồ công vụ đã cho thấy Đức Maria hiện diện ngay từ thuở ban đầu trong cộng đoàn tiên khởi (Cv.1,14), khi mà Người cùng với các môn đệ và một vài phụ nữ, chia sẻ niềm trông đợi vào Chúa Thánh Thần sẽ đáp xuống trên họ. Sau ngày lễ Hiện xuống, Đức Maria tiếp tục sống tình thông hiệp huynh đệ giữa cộng đoàn, tham dự vào những kinh nguyện, việc lắng nghe huấn giáo của các tông đồ và việc “bẻ bánh”, nghĩa là cử hành Thánh Thể (Cv 2,42). Đấng trước đây đã sống kết hiệp chặt chẽ với Chúa Giêsu tại nhà Nazaret, thì giờ đây trong Hội thánh sống kết hiệp với Con mình hiện diện trong bí tích Thánh Thể.

3.- Là Thân mẫu của Con Một Thiên Chúa, Đức Maria là Mẹ của Cộng đoàn làm nên Nhiệm thể Đức Kitô và đồng hành với họ trong những bước đường đầu tiên.

Khi chấp nhận sứ mạng làm mẹ này, Đức Maria đã dốc toàn lực để linh hoạt cuộc sống của Hội thánh bằng sự hiện diện hiền mẫu và gương mẫu. Sự liên đới này phát xuất từ chỗ Người là một thành phần của cộng đoàn những kẻ được cứu chuộc. Thực vậy, khác với Con của mình, Đức Maria cần được cứu chuộc, bởi vì “trong dòng dõi ông Adong, Người được kết hiệp với hết mọi người cần được cứu độ (HT 53). Đặc ân vô nhiễm nguyên tội đã miễn trừ người khỏi tì vết tội lỗi, nhờ ảnh hưởng cứu độ đặc biệt của Chúa Cứu thế.

“Là một phần tử ưu việt và độc nhất vô nhị của Hội thánh”, Đức Maria đã sử dụng những hồng ân do Chúa ban để thể hiện hoàn hảo hơn tình liên đới với các em trong Thánh tử, từ nay trở thành con cái của Người.

4.- Như là một phần tử của Hội thánh, Đức Maria phục vụ anh chị em của mình qua sự thánh thiện bản thân, hoa trái của ơn thánh Chúa và sự hợp tác trung thành của bản thân. Đối với các Kitô hữu, Đấng Vô nhiễm nguyên tội trở thành sự nâng đỡ hữu hiệu trong cuộc chiến đấu chống lại tội lỗi, và sự khích lệ hãy sống xứng đáng những kẻ đã được Đức Kitô cứu chuộc, những người được Thánh Thần thánh hóa, những nghĩa tử của Chúa Cha.

Được hội nhập vào cộng đoàn đầu tiên, “Đức Maria Thân mẫu của Chúa Giêsu “(Cv1,14) đã được hết mọi người tôn trọng và kính mến. Mỗi người hiểu được vai trò siêu việt của kẻ đã sinh ra Con Thiên Chúa, Đấng cứu chuộc duy nhất của hết mọi người. Ngoài ra, đặc tính khiết trinh của tình Mẹ ban cho Người được làm chứng tá cho sự đóng góp đặc biệt vào công ích của Giáo hội do kẻ nào khước từ sự phong nhiêu tự nhiên nhờ Chúa Thánh Thần xui khiến, ngõ hầu có thể hoàn toàn đặt mình phục vụ Nước Thiên Chúa.

Được kêu gọi cộng tác mật thiết với Hy lễ của Con mình và vào việc ban đời sống Thần linh cho nhân loại, Đức Maria còn tiếp tục chức vụ làm mẹ sau ngày lễ Hiện xuống. Mầu nhiệm tình yêu chứa đựng nơi cây Thập giá đã thúc đẩy nhiệt tình tông đồ của Người, và thúc đẩy Người hăng say quảng bá Tin mừng, với tư cách là phần tử của Hội thánh.

Những lời nói của Chúa Kitô trên Thập giá: “Hỡi người nữ, đây là con của bà” (Ga 19,26), qua đó Đức Maria được ủy thác vai trò làm mẹ của tất cả mọi người tín hữu, đã mở ra cho Người những chân trời mới của chức phận làm mẹ. Hồng ân Chúa Thánh Thần, được trao ban vào lễ Ngũ tuần để thực thi chức phận đó, đã thúc đẩy Người mang lại sự giúp đỡ của tình mẫu tử cho những người đang trên đường tiến tới việc hoàn tất Nước Chúa.

5.- Là phần tử ưu việt của Hội thánh, Đức Maria đã sống một mối tương quan độc nhất với Ba ngôi Thiên Chúa: với Chúa Cha, với Chúa Con và với Chúa Thánh Thần.

Công đồng Vaticanô II, khi gọi Đức Maria là “Thân mẫu của Con Thiên Chúa, vì thế là … ái nữ của Chúa Cha và đền thờ của Chúa Thánh Thần” (HT 53), nhắc nhớ rằng hiệu quả trước tiên của tình thương Chúa Cha là chức làm Mẹ Thiên Chúa.

Ý thức về hồng ân đó, Đức Maria đã chia sẻ với các tín hữu khác thái độ tùng phục hiếu thảo và biết ơn, khuyến khích mỗi người hãy biết nhận ra những dấu hiệu của tình Chúa lân tuất trong cuộc sống của mình.

Công đồng đã dùng từ ngữ “đền thờ” (sacrarium) của Chúa Thánh Thần, nhằm nêu bật mối dây hiện diện, yêu mến và hợp tác giữa Đức Trinh nữ Maria và Chúa Thánh Thần. Đức Maria, được thánh Phanxicô Assissi gọi là “Hiền thê của Chúa Thánh Thần”, khích lệ bằng gương sáng của mình các phần tử khác của Hội thánh hãy quảng đại tín thác vào tác động huyền diệu của Thánh linh, và hãy luôn sống trong tình thông hiệp yêu mến với Ngài.



[1] Regina, có thể dịch là: Nữ vương, Nữ hoàng, Hoàng hậu.

[2] “Domina”: bà Chúa, bà Chủ (giống cái của Dominus); “Sovrana”: bà Hoàng.

[3] Ngày 11 tháng 10 năm 1954, thiết lập lễ kính Đức Maria Nữ vương.

[4] “supereminens prorsusque singulare membrum Ecclesiae”

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment