THÁNG HOA MÙA COVID: DÂNG MẸ HOA GÌ?

Rôma, 30/04/2020.

Bầu trời Rôma những ngày cuối tháng Tư trong xanh và tràn ngập nắng vàng. Mùa Xuân ấm áp như khích lệ lòng người nhất là những ai bắt đầu cảm thấy hoang mang hụt hẫng vì dịch bệnh Covid-19 vẫn còn tiếp tục uy hiếp thành phố. Chính vì tâm trạng mong mỏi sớm thoát qua cơn nạn nên nhiều người đếm ngày đếm tháng. Nhưng lại có một số đông khác bắt đầu tìm ra ý nghĩa của cuộc sống trong thời cách ly, giãn cách xã hội. Khi tất cả mọi quyền hành chức tước, vinh hoa phú quý vật chất phút chốc bị đánh bại bởi một con vi-rút nhỏ xíu, con người ta mới bừng tỉnh trước những quay cuồng của đam mê trần thế để từng bước thẩm định lại trật tự đích thực của các giá trị cuộc sống. Theo một khảo sát gần đây, hơn một phần ba thanh thiếu niên nói rằng họ cảm thấy gia tăng đức tin kể từ khi đại dịch bùng phát.[1] Thêm vào đó, giá trị gia đình được tái khám phá và trân trọng. Rất nhiều người trước đây gần như không còn biết đến gia đình là gì thì nay đã biết quay về nhà và chăm lo cho người thân nhiều hơn. Có thể nói hoa đã nở giữa hoang mạc sỏi đá. Phải chăng đây là thứ hoa mà mỗi người Kitô Hữu, mỗi gia đình Công Giáo nên gieo trồng, chăm chút để sớm kết thành những tràng Môi Khôi đẹp nhất dâng lên Thiên Chúa và Mẹ Maria khi tháng Năm-tháng dành riêng cho Mẹ đã gần kề? 

Mọi năm người dân Ý có thể dễ dàng ra các cửa tiệm chọn mua những bó hoa tươi đẹp nhất để dâng cho Đức Mẹ khi mùa hoa về. Nhưng năm nay chuyện ấy xem ra không còn mấy dễ dàng nữa rồi. “Dâng Mẹ hoa gì?” là câu hỏi nảy sinh trong thời gian người dân vẫn bị hạn chế ra đường. Từ khó khăn trong việc tìm kiếm hoa tươi vật chất, chúng ta được mời gọi để nghĩ đến hoa tinh thần. Phải, có hàng trăm thứ hoa thiêng liêng chúng ta có thể tích lũy để tiến dâng lên Mẹ: Hoa hy sinh, hoa bác ái, hoa từ tâm, hoa tha thứ, hoa nhường nhịn, hoa trong sạch, hoa khiêm nhu, hoa hy vọng… Biết là có những loại hoa thiêng liêng quý giá như thế nhưng lại một lần nữa chúng ta phải tự hỏi: “Biết kiếm các hoa này ở đâu?” Đề xuất cầu nguyện bằng Chuỗi Mân Côi suốt tháng Năm do Đức Thánh Cha Phanxicô mới phát động gần đây[2] phần nào cho thấy các bông hoa thiêng chỉ trổ sinh và phát triển tốt trong môi trường đức tin. Mà biểu hiện sống động nhất của lòng tin chính là hành vi cầu nguyện.

Trong thời gian này, chúng ta như khám phá lại giá trị của việc cầu nguyện. cầu nguyện chính là bí quyết giúp biết bao nhiêu người có thể sống chung với nghịch cảnh. Cho dù nhiều người cố tình gọi đó là lối tư duy tích cực và lối sống tích cực hay gì đi nữa. Suy cho cùng, tư duy tích cực ấy chính là niềm hy vọng Kitô Giáo, niềm hy vọng được xây trên niềm tin tưởng đặt để nơi Đức Kitô Phục Sinh (x. 1 Tm 1, 1) và được củng cố bằng tình liên đới hiệp thông trong đức ái. Nhờ tin vào Đấng Hằng Sống (x. 1 Tm 4, 10) nên chúng ta không chỉ dán mắt vào con số những người chết, nhưng tích cực tìm kiếm thông điệp Chúa gửi đến ngang qua chứng tá của những người đã sống, đang sống và sẽ tiếp tục sống xót giữa thời đại dịch chết người mà nhân loại vẫn còn phải đối diện.  

Cách đây ít ngày, một nữ tu Cát Minh người Ý đã chia sẻ về một chứng tá mùa Covid. Chứng ta này xứng đáng được xem là Tin Mừng Sống giữa đời thường. Chuyện xảy ra tại một bệnh viện nhỏ của nước Ý, nơi đang chữa trị cho rất nhiều bệnh nhân Coronavirus. Đang khi chờ đợi nhân viên bệnh viện làm thủ tục xuất viện, một ông cụ 73 tuổi ngồi trước quầy thu ngân, trên tay cầm một số giấy tờ trong đó có tờ hóa đơn viện phí. Đầu cúi thấp, nước mắt cụ không ngớt tuôn rơi. Cụ khóc lóc như một đứa trẻ. Các nhân viên y tế tuy đang vật lộn với hàng núi công việc nơi một bệnh viện quá tải cũng không thể thờ ơ trước cảnh tượng lạ lùng này. Họ xúm lại tìm cách an ủi cụ: “Cụ ơi, sao cụ lại khóc. Cụ phải vui lên chứ vì cụ đã may mắn khỏi bệnh. Cụ sắp được về nhà rồi, cụ phải vui lên đi chứ.” Nghe nói thế cụ càng nghẹn ngào khóc nấc lên. Có người khi nhìn thấy tờ hóa đơn trên tay cụ, ra vẻ hiểu chuyện nên tìm lời trấn an cụ: “Cụ đừng lo, viện phí 5000 Euros từ từ sẽ có cách thanh toán. Chính phủ và các tổ chức thiện nguyện sẽ không bỏ rơi cụ đâu. Cụ đừng khóc nữa nha.” Lúc này cụ đã có thể kìm nén bớt cơn xúc động và rành rọt trả lời. “Không, tôi không khóc vì 5000 Euros. Tôi hoàn toàn có khả năng chi trả số tiền này. Tôi đang khóc vì vui mừng đó chứ. Ít ra từng tuổi này rồi tôi cũng đã có ngày hiểu chuyện. Vài tuần nằm viện phải nhờ máy trợ thở để chiến đấu với bệnh tật, tôi mất hết 5000 Euros. Trong khi đó, suốt 73 năm qua, tôi đã hít thở biết bao không khí trong lành do Thiên Chúa ban cho, chẳng thấy Ngài đòi tôi đồng nào cả.” Cụ lại bật khóc. “Quý vị thử tính giúp tôi xem, tôi đã nợ Thiên Chúa bao nhiêu?” Lúc này, không chỉ một mình cụ già 73 tuổi khóc, mà hầu như tất cả những ai đang chứng kiến đều không thể cầm được nước mắt. Không ai có thể trả lời được câu hỏi của ông cụ vì ơn lành Chúa ban cho con người chúng ta không thể tính bằng tiền hay đong đo bằng bất cứ đơn vị nào tồn tại trên trần gian này.

Hoa Tin Mừng đã trổ sinh trong tâm hồn cụ già thất thập cổ lai hy. Sứ điệp Tin Mừng cũng đã gõ cửa tâm hồn những người lắng nghe câu chuyện của cụ. Ánh sáng Tin Mừng đã bừng lên, nhưng chúng ta thì sao? Chúng ta có để cho ánh sáng ấy thức tỉnh chúng ta khỏi đêm dài u mê, hờ hững vô ơn, và chan tưới vào lòng chúng ta niềm tri ân cảm mến trước vô vàn ân điển Chúa đã ban cho. Đây là thời khắc ân sủng vì chúng ta được mở mắt để nhận ra rằng chúng ta cần phải bày tỏ lòng tri ân của chúng ta đối với tấm lòng bao la hải hà của Thiên Chúa.[3] Biết tìm đâu ra lễ vật xứng hợp để đáp đền tình yêu Thiên Chúa bây giờ? Bất chợt lời Chúa văng vẳng bên tai: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế” (x. Mt 9, 13). Chỉ có lòng thương cảm dành cho đồng loại mới là thứ lễ vật khiến Chúa vui lòng nhất mà thôi. Hoa nở giữa miền sa mạc chính là hoa tươi màu hy vọng, thơm nức mùi bác ái yêu thương mà chúng ta có thể ươm trồng bất cứ lúc nào, ở bất cứ nơi đâu để dành tiến dâng lên Thiên Chúa từ nhân và Mẹ Maria kính yêu của chúng ta. Tháng Năm mùa Covid vẫn còn đó gai chông thử thách nhưng với đức tin và lòng trông cậy, chúng ta nhận ra đây là thời khắc ân sủng, thời khắc để hồi sinh trong tư duy, trong hành động.

Mùa hoa đã về, chúng con xin kết hoa nguyện cầu thơm hương bác ái mang đến trước ngai tòa Mẹ, xin Mẹ giúp chúng con cung kính dâng lên Thiên Chúa là cha giàu lòng xót thương. Xin Mẹ trợ giúp để chúng con luôn vững lòng tin, cậy, mến giữa chông gai thử thách của cuộc đời. Amen.

[1] Khảo sát do Viện nghiên cứu Springtide tiến hành trên 1000 thanh thiếu niên tại Tiểu Bang Minnesota, Hoa Kỳ, đăng bởi John Burger, Aleteia.org, 21/04/2020, tham khảo bản dịch Việt ngữ tại https://tgpsaigon.net/bai-viet/hon-mot-phan-ba-thanh-nien-cam-thay-gia-tang-duc-tin-ke-tu-dai-dich–60175.

[2] Thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi cộng đồng công giáo hoàn vũ ký ngày 25/04/2020 tại Đền Thờ Gioan Laterano. Tham khảo bản dịch Việt Ngữ tại http://www.vietcatholic.net/News/Html/255984.htm.

[3] Tham khảo bài Mùa Dịch Covid-19: Đây Là Lúchttp://www.vietcatholic.net/News/Home/Article/255217, đăng ngày 20/03/2020.

  Lm. Jos Phan Quang Trí, O.Carm.

Chia sẻ Bài này:

Related posts