Hằng năm cứ mỗi mùa Xuân đến, thì cây cỏ đâm chồi nẩy lộc để trổ lá đớm bông. Muôn mầu sắc của hoa cùng với màu xanh tươi của lá, dệt nên cho cảnh vật tháng Năm một bộ mặt vui tươi đẹp mắt. Cha Trinh Cát, khi nhắc về tháng Hoa Mẹ đã viết trong cuốn “Hoa Hồng Thiêng” một tư tưởng mà mỗi khi đọc lên, tâm hồn người đọc đã dâng lên một niềm cảm mến sâu xa tình Mẹ: “Tôi đi hái hoa dâng Mẹ, và lòng tôi nở một mùa yêu đương và hiểu biết”.
Tháng Hoa gợi cho ta những tình yêu nên thơ như vậy, dạt dào như vật, nhưng đã có từ đời nào trong Giáo Hội? Đó là một thắc mắc của những người con yêu mến Đức Mẹ. Họ đã nhiều lần đắm đuối trong Tình Mẫu Tử mỗi khi tháng Hoa về. Và với lòng nồng nàn yêu mến, họ muốn vượt thời gian, trở về những tháng Năm xa xưa ấy, để tìm hiểu và tỏ lòng yêu mến Mẹ.
Không có tham vọng viết đầy đủ một thiên khảo cứu tường tận về nguồn gốc Tháng Hoa, chúng tôi chỉ muốn cống hiến các bạn thân yêu ít giòng toán lược đơn sơ về nguồn gốc và ý nghĩa tháng Hoa Đức Mẹ.
Tháng Hoa
Tập quán phổ thông trong thế giới Công giáo dâng tháng Năm cho Mẹ Đồng Trinh bắt nguồn từ một tục lệ xa xưa của người ngoại giáo. Tục lệ đó được sửa đổi và Công giáo hóa do lòng nhiệt thành của giáo dân. Từ xưa, người Roma có lệ tổ chức những buổi hội rước linh đình gọi là Floraia khi tháng Năm bắt đầu, để kính nữ thần Flore, mà họ xưng là “Nữ hoàng Mùa Xuân”. Để chống lại sự lạm dụng những ngày huy hoàng, muôn hoa đua nở, mà dân Roma dâng kính nữ thần đó, nhiều nhân vật đạo đức Công giáo tìm cách mặc cho nó một mầu sắc Công giáo. Ở Evreux, người ta tổ chức những cuộc rước long trọng gọi là cuộc rước xanh: dâng chúng từng đoàn lũ nô nức đi chặt cành cây xanh đầy hoa để trần thiết đền thờ, nhất là những đền dâng kính Mẹ Chúa Cứu Thế. Dần dần, những cuộc lễ Floralia mất hết vẻ sùng thượng để nhường chỗ cho những cuộc rước xanh tưng bừng biểu lộ lòng yêu mến Mẹ Đồng Trinh Maria. Vua Alphongsô X đệ Castille, băng hà năm 1284, dâng kính Mẹ một “Khúc hát tháng Năm”. Á thánh Henri Suso trang hoàng tượng Đức Mẹ bằng muôn hoa khi tháng Năm về. Đáng chú ý nhất là Thánh Philippê đệ Nêri. Ngài đã rất sung sướng hội các trẻ em lại chung quanh bàn thờ Mẹ để dâng tâm hồn trong sạch cùng với những đóa hoa Xuân mơn mởn cho Mẹ. Theo một vài ý kiến, thì chính Đức Mẹ đã hiện ra truyền cho Thánh nhân lập ra tháng Hoa dâng kính Mẹ.
Từ thế kỷ XVI trở đi, các Cha Dòng Tên đã nhiệt liệt cổ võ mừng tháng này trong các học đường các ngài chỉ huy. Ở Paris, giáo hữu theo gương đó đã có thói quen mừng một lễ trọng kính Mẹ ngày mồng Một tháng Năm. Lòng sùng kính Mẹ trong tháng Hoa bắt đầu phổ thông và có nền tảng từ đó. Năm 1654, xuất hiện một cuốn sách nhỏ của Cha Nadasi, Dòng Tên, hô hào dâng cả tháng năm cho Mẹ. Rồi từ đó, các Cha Dòng Tên thi nhau sáng tác các tác phẩm về tháng Đức Mẹ. Trong số đó, Cha Lalomia xuất bản một cuốn nhan đề là: “Tháng Đức Mẹ dâng tiến những vinh quang Mẹ cao sang Thiên Chúa.” Cha Calvi đã dạy các học sinh nhỏ của ngài cách dâng tháng Năm mừng Mẹ và phát cho mỗi em một cuốn sách nhỏ về vấn đề này. Năm 1724, Cha Jacolet xuấn bản ở Dilligen, nước Đức, một cuốn tháng Đức Mẹ bằng tiếng La tinh. Cùng năm đó ở Sicile, Cha Dionisi xuất bản một cuốn khác bằng tiếng Ý. Nhưng người có công lớn nhất là Cha Lalomia, vì ngài đã đem những bài suy ngắm có tính cách thực hành và đạo đức hằng ngày vào sách của Ngài. Giáo dân hoan nghênh sáng kiến đó. Thế nên, từ Ý, tác phẩm của Ngài đã lan sang Pháp, Đức, rồi Bỉ. Đến đâu cuốn sách cũng được hoan hô nhiệt liệt, và lòng sùng kính Đức Mẹ trong tháng Năm đã dâng lên ào ạt.
Dòng Thánh Phanxicô cũng rất sốt sắng mừng tháng Hoa này. Năm 1682, một tu sĩ Dòng đã thu thập được ba mươi bài thơ dâng kính Mẹ. Ở Naples, tháng Hoa được tổ chức công khai trong nhà thờ Dòng Thánh Phanxicô. Sáng hát lễ trọng thể và chiều có hát những ca vãn rất sốt sắng dâng Mẹ kèm thoe với Phép Lành Thánh Thể.
Năm 1815, Tòa Thánh ra sắc ban nhiều ân xá cho những giáo hữu sốt sắng làm việc kính Đức Mẹ trong tháng Hoa. Đời Đức Thánh Cha Pio IX (1846-1878), tháng Hoa đã được Ngài khuyến khích và ban phép mừng long trọng ở Nhà Thờ Thánh Phêrô tại La mã.
Ngày nay, tháng Hoa đã phổ cập khắp nơi trong Giáo Hội và là một hình thức tôn sùng được giáo dân yêu mến rất nhiều vì tính cách đầy tứ thơ của nó.
Thật vậy, nói tới hoa, là nói tới một kỳ công của Thiên Chúa. Mầu sắc ủa hoa tươi xinh, hương thơm lại càng ngào ngạt. Ai đã có dịp tới những miền ôn đới, như miền Oregon, Hoa kỳ, miền Normandie nước Pháp, hay miền cao nguyên xứ lạnh Đà lạt, Việt Nam, chắc đã được thưởng thức hương sắc của hoa.
Vì thế, hoa chẳng những tô thắm vũ trụ nên xinh tươi, còn vấn thu hút ong bướm, nhoẻn cười với loài người. Bằng một tiếng nói dịu huyền thiên nhiên, hoa hòa lòng người với lòng người để nói lên một tiếng lòng của loài người trong việc cảm tạ Thiên Chúa.
Có khi hoa mơn mòng những ai đau khổ. Có lúc hoa khích lệ những ai thất bại, hoặc chúc mừng những chiến thắng. Nói chung, hoa ca lên kỳ công kiệt tác của Thiên Chúa, và cảm kích lòng người vui hưởng tình yêu thương của Chúa đối với mình. Nhiều khi chỉ một cánh hoa đủ khích động lòng mến của chị Thánh Têrêsa nhỏ. Nhiều lần một dàn hoa cũng gợi lòng Thánh Phanxicô nghèo ngây ngất tình Chúa.
Chính vì qua tiếng nói huyền diệu của hoa mà Thánh Bênađô còn biết được tâm trạng của hoa. Theo Ngài: Hoa Hồng giầu lòng yêu mến. Hoa Huệ phản ảnh đức Khiết trinh và Hoa Tím là duyên đức đoan trang khiêm tốn. Các nhà thực vật học hiểu biết sâu rộng hơn về tâm trạng của hầu hết các thứ hoa. Theo họ, Hoa Hồng rất tình tứ nhưng phải là mối tình đầu như Hoa Ngọc Trâm thì mới quí. Mối tình có khi kín đáo như Hoa Tím, hoặc lạnh lùng như Hoa Bài Hương, có lúc bộc phát cởi mở nhu Hoa Uất Kim Hương. Mối tình như Hoa Mồng Gà thì bền bỉ, Hoa Huyền Sâm thì trung tín nhưng Hoa Cúc lại phũ phàng. Hoa Anh Tú khi chưa được yêu thì nhớ nhung, nếu nhớ nhung mãi đâm ra nóng lòng sốt ruột như Hoa Mào Gà, và khi được toại nguyện thì vui mừng hả dạ như Hoa Dạ Hương Lan.
Trong mối yêu thương phải có lòng tín nhiệm lẫn nhau như Hoa Cúc Đại Đóa và biết ơn nhau như Hoa Thược Dược. Mối tình càn cao khiết càng phải khen ngợi nhau như Hoa Cẩm Trướng hoặc vững một lòng nhứ Hoa Quỳ chứ đừng nhơ nhớp như Hoa Quỳnh, Hoa Nhài.
Nếu Cúc Vạn Thọ đem lại sự phân ly, thì Hoa Lay Ơn hẹn ngày tái ngộ. Nhưng nếu Hoa Bồ Hòn đêm ai tín đau đớn thì Hoa Trường Sinh chỉ còn có ngồi mà thương nhớ vĩnh biệt.
Hoa Lan, Hoa Mai, Hoa Đào reo mừng ngày xuân đầm ấm; Hoa Phượng, Hoa Sen cười đùa cùng mùa Hạ nực nóng. Hoa Cúc lại ung dung với mùa Thu ôn hòa. Trăm hoa là trăm tiếng nói. Nếu hoa nào khó nói lên lời thì văn sĩ Louis Veuillot cố dạy cho nói: thí dụ Hoa Ave, Hoa Máu Thánh, Hoa Nụ Cười của Đức Mẹ, Hoa Đượm Tuyết v.v… Chính Chúa cũng thẩm nghe và cổ võ tiếng nói của muôn hoa. Một hôm trong tháng Hoa 1907 nhìn xem vườn Hoa Lưu Ly tượng trưng kỷ niệm vững bền và Hoa Tử La Lan, lòng mến nhớ thiết tha, cạnh nhà thờ Lộ đức, dì phước Gertruđê được nghe thấy Chúa Giêsu phán với chị: “Hỡi con, con hãy nhớ tất cả mọi ơn Cha ban cho con.”
Để đề cao và ca ngợi nhân đức Đức Mẹ, Thánh Bênađô bắt chước Thánh kinh truyền cho các hoa phải nói lên các nhân đức của Mẹ. Hoa Hồng đức mến, Hoa Huệ đức Khiết trinh, Hoa Tím đức Khiêm nhường. Mạnh mẽ sốt sắng cụ thể hơn, Ngài bắt các hoa phải dâng nhượng mọi hương sắc cho Đức Mẹ. Ngài nói, “Mẹ là Bông Huệ vì Mẹ khiết trinh, Mẹ là Đóa Hồng vì Mẹ say mến.”
Trong tháng Hoa, giáo dân Việt Nam thường vịnh ngâm bài ca mười hai hoa mừng kính mười hai nhân đức của Mẹ:
Nhiệm thay Hoa Đỏ hồng hồng
Nhuộm riêng Máu Thánh thơm chung lòng người
Vì thương con gánh tội đời
Chịu như dao sắc thâu nơi lòng mình
Xinh thay đức đồng trinh Đức Bà
Nguyên tuyền hơn ngọc hơn ngà
Sáng trong hơn tuyết cùng là hơn gương
Quí thay này sắc Hoa Vàng
Sánh nhân đức Mến Bà càng trọng hơn
Một niềm tin kính nhơ nhơn
Vững vàn cậy mến trong cơn vui sầu
Dịu thay Hoa Tím cang màu
Ý trên Bà những cúi đầu vâng theo
Bằng lòng chịu khó trăm chiều
Khiêm nhường nhịn nhục hằng yêu hãm mình
Lạ thay là sắc Hoa Xanh
Mừng Bà nhân đức trọn lành cực cao
Dờn dờn sau trước một màu
Quản chi sương nắng dãi dầu ngày đêm
Hoa năm sắc đã giãi niềm
Lại trưng cổ điển dâng thêm kim đề:
Đức Bà thờ Chúa một bề
Hoa Quỳ chăm chú hướng về Thái Dương
tội nguyên không nhiễm khắc thường
Hoa Sen trên nuớc chẳng vương bùn lầm
Lòng đây thánh sủng giáng lâm
Hoa Lê tuyết đượm màu thơm khác vời
Tuổi cao phúc đức càng đầy
Lạ lùng Hoa Cúc nở ngày vãn thâu
Tòa cao thần thánh kính chầu
Hoa Mai đỉnh núi nở đầu trăm hoa
Muôn loài cám mến âu ca
Hoa Đơn phú quí gần xa vui vầy
Các ơn Chúa phó trong tay
Hoa Lan vương giả hương bay ngạt ngào
Muôn hoa đua nhau khoe sắc, phô hương, và chen lời hùng hồn nhất là tháng Năm. Có hoa còn lân la mãi tới tháng Mười. Trong ca dao Việt Nam hai hoa được gọi là đánh dấu hai Mùa Hoa dâng kính Đức Mẹ:
Một năm hai tháng Đức Bà
Một là Hoa Phượng hai là Mân Côi.
Như thế, Giáo hội là Mẹ rất khôn ngoan đã lợi dụng hoàn cảnh để hợp thức hóa hương sắc và lời huyền diệu của muôn hoa.
Mỗi lần tháng Năm về, mỗi lần thưởng thức hương hoa, ta hãy hướng theo nhân Đức Mẹ, xin Người tỏa hương thiên đàng của người, ấp ủ ta biến thành những đóa hoa tươi thắm của Mẹ. Mỗi khi hái hoa dâng tiến Đức Mẹ, ta hãy mượn hương sắc và lời huyền diệu của hoa để ca tụng hoặc cầu xin Người. Dâng Hoa Hồng, xin Mẹ cho ta được yêu mến Người hơn. Dâng Hoa Huệ, ta ca ngợi đức khiết trinh của Mẹ. Xin Mẹ lấy hương huệ trinh nguyên của hồn Mẹ ướp hồn ta và các bạn trong tuổi hoa niên được một tâm hồn trong trắng.
Những ngày tháng năm này, nếu thiếu những bông hoa hữu hình, ta hãy hái hoa hồng thiêng là kinh Mân Côi để dâng lên Mẹ. Nhưng thế nào đi nữa, nguyện ước trái tim chúng ta hãy biến thành một dàn hoa kết đủ những thứ hoa thơm tho tươi đẹp, ngõ hầu lòng ta mở một hội hoa đăng: Ngày Hoa Dâng Mẹ.
Những ngày tháng năm này, nếu thiếu những bông hoa hữu hình, ta hãy hái hoa hồng thiêng là kinh Mân Côi để dâng lên Mẹ. Nhưng thế nào đi nữa, nguyện ước trái tim chúng ta hãy biến thành một dàn hoa kết đủ những thứ hoa thơm tho tươi đẹp, ngõ hầu lòng ta mở một hội hoa đăng: Ngày Hoa Dâng Mẹ.
Lm. Ngô Châu Minh CMC
Chi Dòng Ðồng Công Hoa Kỳ