PHI LỘ – Tháng Năm là Tháng Hoa Đức Mẹ – Thánh Mẫu Muôn Hoa. Ngày sẽ hết, tháng sẽ qua, năm cũng sẽ chấm dứt, và rồi đời người cũng kết thúc. Tháng Hoa khởi đầu rồi sẽ kết thúc. Cuối Tháng Hoa cũng là cuối tháng Năm của thời gian trên cõi trần thế, nhưng Tháng Hoa Tâm Linh không hề chấm dứt, nghĩa là mỗi giây phút của đời sống Kitô hữu vẫn mãi là Mùa Hoa Bất Tận với những Đóa Hoa Nhân Đức Bất Tử dâng kính Mẹ Muôn Hoa. Tháng Năm nhắc nhở chúng ta hái hoa dâng Mẹ. Những “đóa hoa” tươi đẹp khiến Đức Mẹ vui nhất là những Đóa Mai Côi, nghĩa là chúng ta phải siêng năng lần Chuỗi Mai Côi để dâng kính Đức Mẹ.
Kinh Mai Côi là Vũ Khí Tâm Linh đủ sức cứu thoát cả thế giới, đem lại hòa bình đích thực. Hãy ghi lòng tạc dạ điều này: mỗi Kinh Kính Mừng là một Đóa Hoa Hồng Mầu Nhiệm, mỗi Chuỗi Mai Côi là một Triều Thiên Hoa Hồng Mầu Nhiệm. Và đặc biệt hơn, Kinh Mai Côi là Bản Tóm Lược Kinh Thánh, với đủ sắc màu: Vui, Thương, Mừng, Sáng. Thật kỳ diệu biết bao!
Trong vương quốc của con người, triều thiên (vương miện) được làm bằng kim loại quý, là biểu tượng của uy quyền và thế lực. Trong Vương quốc của Thiên Chúa, triều thiên hoàn toàn khác. Triều thiên ở Thiên Đàng làm bằng CÂY và CÀNH NHO sống động mà Thiên Chúa chọn để bày tỏ quyền lực đích thực có cội rễ trên thế gian. Nói cách khác, đó chính là Đức Khiêm Nhường (humility). Chữ “khiêm nhường” (hoặc khiêm nhu) có từ nguyên bởi La ngữ là “humus”, nghĩa là “từ trái đất”.
Triều thiên đầu tiên trong các triều thiên vĩ đại nhất được biểu hiện vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh với sự chịu nhục nhã của Chúa Giêsu. Triều thiên thứ nhì được Mẹ Thiên Chúa biểu hiện, Thiên Chúa đã sai Đức Mẹ đến cho chúng ta biết cách thức bí mật và uy tín đến với Chúa Con. Cách này liên quan triều thiên sống động – triều thiên được làm bằng loại hoa hoàn hảo, nhắc chúng ta nhớ tới nghịch lý của Kitô giáo (paradox of Christianity) – qua quá trình có cội rễ trên trái đất – tức là lòng khiêm nhường, và được liên kết với nỗi đau khổ của Đức Kitô, để sinh hoa kết quả. Loại hoa này là Hoa Hồng – nữ vương của các loài hoa – có những cánh hoa chỉ được nuôi dưỡng bằng thân cây có nhiều gai nhọn.
Như hoa hồng là nữ chúa của các loài hoa, Kinh Mai Côi (Rosary – xưa nay quen gọi là Mai Côi hoặc Mai Khôi, đúng nghĩa nhất phải gọi là Mai Côi, nghĩa là Vòng Hoa Hồng) cũng là “kinh của các lòng sùng kính”. Đó là kinh nguyện đơn sơ và khiêm nhường, và như lịch sử cho chúng ta biết, Kinh Mai Côi là một trong các kinh nguyện mạnh mẽ nhất mà Giáo Hội sử dụng trong cuộc chiến tâm linh. Kinh Mai Côi có sức mạnh tạo thành các vị thánh lớn và là sức mạnh chiến thắng kẻ thù của Giáo Hội. Kinh Mai Côi là kho báu, ngoài Phụng Vụ và các Bí Tích. Đó là kinh nguyện của Trời được dành riêng cho Giáo Hội khi gặp cơn gian nan, nguy khốn, bách hại. Thiên Chúa cần Kinh Mai Côi, và chính Đức Mẹ cũng đã khuyên chúng ta phải cầu nguyện bằng Kinh Mai Côi để thế giới khả dĩ bình an, khi Đức Mẹ hiện ra với ba trẻ tại Fátima năm 1917. Đó là năm của cuộc Cách Mạng Tâm Linh, vì Đức Mẹ đã tỏ mình là “Đức Mẹ Mai Côi”.
Tại sao lại quan trọng? Đơn giản thôi, vì Kinh Mai Côi là lòng sùng kính hoàn hảo gồm ba kinh nguyện quan trọng nhất – Kinh Lạy Cha (chính Chúa Giêsu dạy), Kinh Kính Mừng (một nửa là lời Sứ thần Gáp-ri-en, một nửa là lời cầu của cả Giáo Hội), và Kinh Sáng Danh (cơ binh Thiên Thần hát mừng Thiên Chúa, sách Khải Huyền cho biết). Linh hồn chúng ta được dành cho Thiên Chúa và phải chiến đấu với ma quỷ. Vì thế, Kinh Mai Côi được Thiên Chúa trao cho chúng ta qua mặc khải của Ngài về Mầu Nhiệm Cứu Độ, như Kinh Thánh đã cho biết, và được Giáo Hội chuyển giao. Qua Kinh Mai Côi, chúng ta sống Mầu Nhiệm Cứu Độ của Đức Kitô, liên kết với Đức Mẹ và hiệp nhất với Giáo Hội. Miệng tụng, tay lần, chúng ta cùng nhau “đếm” hồng ân Thiên Chúa dành cho chúng ta. Tóm lại, chúng ta liên kết trọn vẹn các thành phần của một Kitô hữu: thân thể, trí óc và linh hồn. Thánh GH Gioan Phaolô II nhấn mạnh rằng Kinh Mai Côi là đường dẫn vào miền chiêm niệm sâu sắc: “Lý do quan trọng nhất để khuyến khích đọc Kinh Mai Côi vì Kinh Mai Côi là phương tiện hữu hiệu để các tín hữu chiêm niệm Mầu nhiệm Kitô giáo mà tôi đã đề xuất trong Tông thư “Novo Millennio Ineunte” (Khởi Đầu Thiên Niên Kỷ Mới) là cách tập luyện nên thánh: Điều cần trong đời sống Kitô hữu được phân biệt trong Nghệ thuật Cầu nguyện” (Tông thư “Rosarium Virginis Mariæ”, số 5, ban hành ngày 16-10-2002).
Có những động lực thúc giục chúng ta cầu nguyện bằng Kinh Mai Côi, vì Kinh Mai Côi có sức mạnh vô tận. Tại sao? Mỗi khi lần Chuỗi Mai Côi, ít nhất 50 lần chúng ta lặp đi lặp lại mầu nhiệm đặc biệt nhất trong lịch sử cứu độ: Con Thiên Chúa hóa thành nhục thể, Thiên-Chúa-làm-người và Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-con.
Điều chúng ta cần làm là xem lại lịch sử Giáo Hội và xem vai trò của Kinh Mai Côi quan trọng thế nào trong việc thay đổi lịch sử thế giới. Bắt đầu từ thế kỷ XIII, Thánh Đa-minh được trao Chuỗi Mai Côi để làm phương tiện chống lại tà thuyết An-bi (*). Thánh Đa-minh cầu nguyện và rao giảng Kinh Mai Côi, Đức Mẹ đã làm cho quân đội An-bi đã thất bại. Thánh Louis de Montfort giải thích: “Kinh Mai Côi là ngọn giáo bằng lửa được nối kết với Lời Chúa, tạo nên sức mạnh có thể hoán cải những tâm hồn chai lì… Đây là bí mật mà Đức Mẹ đã truyền cho Thánh Đa-minh và Chân phước Alan để có thể hoán cải những người theo tà thuyết và các tội nhân” (Thánh Louis Marie-Grignion De Montfort, “Bí Mật Kinh Mai Côi”, đoạn 51).
Khi Hồi giáo đã lan tràn hầu như khắp Âu châu và họ nhắm vào Rôma, ĐGH Piô V kêu gọi Hoàng đế lần Chuỗi Mai Côi xin chiến thắng hải quân của Hồi giáo đang tiến vào Ý quốc. Tại chiến trận Lepanto nam 1571, quân đội Công giáo đã chiến thắng quân Hồi giáo, nhờ sự can thiệp siêu nhiên là Kinh Mai Côi, Đức Mẹ đã cứu Âu châu thoát hiểm họa là tà thuyết An-bi. And she did. Chiến thắng này hiển nhiên, ngày này trở thành ngày. ĐGH Clement XI ghi nhớ chiến thắng này nên thiết lập lễ “Đức Mẹ Chiến Thắng” vào ngày 7-10-1716, về sau được đổi tên là lễ “Đức Mẹ Mai Côi”.
Không lâu sau đó, tại Fátima vào năm 1917, Đức Mẹ đã xác nhận: “Ta là Mẹ Mai Côi”. Và chính Đức Mẹ đã công khai kêu gọi chúng ta đọc Kinh Mai Côi để cầu nguyện cho hòa bình. Thật kỳ lạ, ngày 6-8-1945, tại Hiroshima (Nhật Bản), tám khối nhà cao lớn đã tan thành bình địa vì bom nguyên tử nhưng có 8 tu sĩ Dòng Tên sống sót. Được hỏi tại sao không bị nhiễm chất phóng xạ mà còn sống, tu sĩ Hubert Schiffer cho biết: “Chúng tôi tin mình còn sống vì chúng tôi sống theo mệnh lệnh Fátima. Chúng tôi sống và hằng ngày lần Chuỗi Mai Côi”.
Chuỗi Mai Côi có sức mạnh như Đức Mẹ đã nói, có sức nối kết chúng ta với Mầu Nhiệm Cứu Độ và Sức Mạnh của Đức Kitô – Đấng là Con Đường, là Sự Thật và là Sự Sống (Ga 14:6). Vì thế, ma quỷ RẤT GHÉT và RẤT SỢ Kinh Mai Côi. Nó luôn tìm mọi cách ngăn cản chúng ta đọc Kinh Mai Côi, nhất là trong các gia đình. Do đó, chúng ta nên “chấn chỉnh” việc đọc kinh trong gia đình. Ngày xưa, gia đình nào cũng đọc Kinh Tối (có khi cả Kinh Sáng), ngày nay chúng ta bỏ thói quen tốt lành này với nhiều lý do biện hộ cho mình!
Kinh Mai Côi là bản tóm lược của Kinh Thánh. Tôi xin đề nghị các gia đình mấy điều: [1] Nếu quá bận rộn và khó cùng nhau đọc Kinh Mai Côi chung trong vòng 20 phút, hãy cùng nhau đọc “hai chục” vào buổi sáng và đọc “ba chục” vào buổi tối (sau khi ăn tối hoặc trước khi đi ngủ); [2] Theo kinh nghiệm cá nhân tôi, không có gì làm cho con cái bình an và chuẩn bị đi ngủ tốt hơn là đọc Kinh Mai Côi; [3] Điều quan trọng là hãy cố gắng suy niệm khi lần chuỗi, đừng đọc như vẹt hoặc đọc cho xong lần; [4] Hãy để một thành viên gia đình đọc một đoạn Kinh Thánh trước mỗi chục kinh, chúng ta cần Kinh Thánh giúp suy niệm.
Hãy cố gắng duy trì việc đọc Kinh Mai Côi chung trong gia đình. Hãy nghĩ rằng chúng ta được nhiều ân sủng cho linh hồn mình và cho các thành viên gia đình. Rất chí lý khi Giáo Hội dạy chúng ta cầu nguyện: “Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử”. Phải chăng vì “thuộc lòng” nên chúng ta chỉ như máy móc, không nhận thấy ý nghĩa và cần thiết? Đức Mẹ không bao giờ quên những gì chúng ta làm vì yêu mến Mẹ, dù chỉ là điều nhỏ. Món quà thật tuyệt vời chúng ta dành cho nhau: Kinh Mai Côi!
Để tạm kết, tôi xin nhắc lại lời của nữ tu Lucia dos Santos – người lớn nhất trong ba trẻ được thấy Đức Mẹ tại Fátima, nhắc chúng ta nhớ rằng Kinh Mai Côi là vũ khí đơn giản mà hiệu quả trong việc chiến đấu với ma quỷ và mọi thử thách, ngay cả mối đe dọa của cái gọi là IS (Nhà nước Hồi giáo), như một loại thế chiến mới, mối đe dọa này nhằm làm suy sụp nền kinh tế toàn cầu, nhắm vào các thai nhi và gia đình.
Nữ tu Lucia (một trong ba trẻ được thấy Đức Mẹ hiện ra tại Fátima) đã cho biết: “Trong thời cuối cùng này, thời chúng ta đang sống, Đức Mẹ đã chỉ cho cách hiệu quả là đọc Kinh Mai Côi khi gặp bất cứ khó khăn gì, dù đời thường hoặc tâm linh, dù riêng hay chung,… Tất cả đều có thể giải quyết bằng Kinh Mai Côi. Không có khó khăn nào mà chúng ta không thể giải quyết bằng Kinh Mai Côi” (Lm Augustín Fuentes phỏng vấn nữ tu Lucia dos Santos, 26-12-1957). Biết điều này, chúng ta không còn nghi ngờ gì nữa!
Ước gì mỗi gia đình luôn là Vườn Hoa Thiêng của Đức Mẹ. Như vậy, chắc chắn Đức Mẹ sẽ nguyện giúp cầu thay cho mỗi thành viên, và chắc chắn chúng ta cũng vui mừng vì được nghe Thiên Chúa nói điều này: “Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em” (Lc 12:32).
TS PETER HOWARD (Giáo sư Thần Học tại Học Viện Đào Tạo Tâm Linh Avila)
TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ SpiritualDirection.com)
(*) Albigensianism: Phong trào Kitô giáo được coi là hậu duệ thời trung cổ của Mani giáo (Manichaeism) ở miền Nam nước Pháp hồi thế kỷ XII và XIII, có đặc tính của thuyết nhị nguyên (đồng hiện hữu hai quy luật đối nghịch là Thiện và Ác).
[Đăng báo ĐMHCG, số 357, tháng 05-2016, Dòng Chúa Cứu Thế xuất bản tại Hoa Kỳ]