CẦU NGUYỆN BẰNG CHUỖI MÂN CÔI

          Trước khi bàn về đề tài “ Cầu nguyện bằng Chuỗi Mân Côi” tôi xin kể đại ý hai câu chuyện. Một là Liễu Phàm Tứ Huấn, hai là đức lục tổ Huệ Năng cầu đạo.

          Câu chuyện thứ nhất:

          Liễu Phàm Tứ Huấn là một kiệt tác đã làm thay đổi tâm tư và số phận của hàng triệu người đọc. Viên Liễu Phàm sinh năm 1523 mất năm 1606, ban đầu đây chỉ là những lời dạy được viết ra cho con trai là Viên Thiên Khải năm ấy vừa tròn 20 tuổi nên được ông gọi là Giới Tử Văn ( Bài văn dạy con ). Về sau sách được lưu hành hết sức rộng rãi khắp nơi nên người đời sau đổi tên lại là Liễu Phàm Tứ Huấn nghĩa là bốn lời khuyên dạy của tiên sinh Liễu Phàm.

          Khi còn là một thiếu niên, Viên Liễu Phàm nghe lời mẹ ( Cha mất sớm ) muốn học nghề thuốc để mưu sinh nhưng sau khi gặp một thầy tướng số  cho biết: Con là người trong đường quan tước, ngày sau sẽ  học lên cao. Sao nay con chẳng lo việc đọc sách ? Tiếp đó còn cho biết ông sẽ đậu thứ hạng mấy trong kỳ thi nào và sẽ làm quan tới phẩm thứ mấy v.v…

          Tất cả những lời đoán mạng ấy đều xảy ra đúng y như vậy, không trật mảy may. Chính bởi vì tin vào số mạng như thế nên ông chẳng buồn nghĩ ngợi gì cho mệt đầu óc. Sau khi đậu Cống Sinh ông về kinh thành Yên Đô theo học. Ở kinh đô được một năm ông thường ngồi yên tĩnh suốt ngày, chẳng đọc sách vở gì. Trong lúc còn chưa nhập học, ông đến viếng thăm thiền sư Vân Cốc trong núi Thê Hà cùng ngồi đối diện trong tịnh thất, trải qua suốt ba ngày ba đêm dường như không chớp mắt.

          Thấy vậy, thiền sư nói:“ Người đời  sở dĩ không thành bậc thánh nhân  đều là do vọng niệm nối nhau sinh khởi trói buộc. Nay ông ngồi suốt ba ngày không khởi sinh vọng niệm là do đâu ?

          Ông đáp: “ Trước đây có tiên sinh họ Khổng từng xem số mạng cho con. Con xét thấy rằng mọi sự vinh, nhục sống chết ở đời đều do số mạng định sẵn. Dù có muốn vọng cầu điều này điều nọ đều không thể được nên con chẳng nghĩ ngợi gì cả…

          Thiền sư Vân Cốc bật cười nói: “ Ta ngỡ ông là bậc hào kiệt xuất chúng hóa ra chỉ là một kẻ tầm thường” Thế rồi sau khi nghe Viên Liễu Phàm kể lể tất cả những gì đã diễn ra trong cuộc đời ông từ bấy lâu nay, trong đó có việc ông không thể đỗ đại khoa và có con trai nối dòng.

          Sau khi nghe kể, thiền sư nói: “ Con người ta có thể  cải đổi và làm chủ số mạng với điều kiện là phải làm thật nhiều điều thiện và có lòng tin sâu nơi Phật Tánh sẵn có ở nơi mình. Liễu Phàm đã tin và thực hành  như thế và quả nhiên ông đã đỗ đại khoa và sinh được con trai nối dòng, sống cuộc đời hạnh phúc viên mãn.

          Câu chuyện thứ hai:

          Bản thân Huệ Năng là người nghèo khó, thường phải ra chợ bán củi kiếm sống và nuôi mẹ già lại không được học hành chi cả. Lần kia có người mua củi, bảo gánh đến khách điếm, khách nhận củi xong, Huệ Năng nhận tiền lui ra khỏi của thấy một người khách  tụng kinh, nghe xong đoạn kinh ấy tâm liền bừng tỉnh, khai ngộ bèn hỏi đó là kinh gì ? Khách bảo đó là Kinh Kim Cang, Huệ Năng lại hỏi tiếp: Ở đâu đến thọ trì kinh này ? Khách bảo: Tôi từ chùa Đông Thiền huyện Huỳnh Mai, Kỳ Châu đến !

          Sau khi lo liệu cho mẹ già xong, Huệ Năng bèn từ giã ra đi không hơn 30 ngày liền đến Huỳnh Mai lễ bái ngũ tổ ( Hoàng Nhẫn ). Tổ hỏi: Ngươi từ phương nào đến, muốn cầu vật gì ? Huệ Năng đáp: Đệ tử là dân Tân Châu thuộc Lãnh Nam từ xa đến lễ thầy chỉ cầu làm Phật chứ không cầu gì khác. Tổ bảo: Ông là người Lãnh Nam lại là người quê mùa làm sao có thể kham làm Phật ? Huệ Năng liền đáp: Người tuy có nam bắc nhưng Phật Tánh vốn không có nam bắc. Thân quê mùa này cùng với hòa thượng chẳng đồng nhưng Phật Tánh đâu có sai khác ? ( Pháp Bảo Đàn Kinh – Phẩm Hành Do ).

          Tuy hai câu chuyện khác nhau về hình thức nhưng nội dung thì không khác đó là Tính Nhân Quả trong đời sống. Thiền sư Vân Cốc khuyên Liễu Phàm làm thật nhiều điều thiện để tạo phước đức. Còn lục tổ Huệ Năng thì vì tin Phật Tánh Bình Đẳng  nên mới cầu làm Phật.

          Về tính nhân quả trong đời sống, Chúa Giê Su nói: “ Không có cây tốt lại sinh trái xấu. Cũng không có cây xấu lại sinh trái tốt. Vì cứ xem trái thì biết cây. Người ta không hái trái vả nơi lùm gai cũng không hái trái nho nơi bụi rậm. người thiện do lòng chứa thiện mà phát ra điều thiện. Người ác do lòng chứa ác mà phát ra điều ác. Vì do sự đầy dẫy trong lòng mà miệng mới nói ra” ( Lc 6, 43 -45 ).

          Tính nhân quả trong Đạo Chúa được thể hiện trong việc thực hành Kinh Mân Côi. Thật vậy, kinh nguyện này đã được Đức Mẹ hết lời khuyên nhủ và giáo hội cổ võ, tán dương. Thế nhưng trong thời Duy Lý hiện nay kinh nguyện này dường như đang đi vào chỗ tàn lụi và ngay tại Lộ Đức một thời được coi như là thủ đô của Kinh Mân Côi nhưng nay cũng không còn được hâm mộ nữa !

          Vì lý do nào mà Kinh Mân Côi lại đang đi vào chỗ tàn lụi như thế ? Đó là  một phần do ảnh hưởng của não trạng duy lý một phần sâu xa khác là do người ta không tin vào Lẽ Nhân Quả. Đang khi đó một khi Đức Mẹ đã hết lời khuyên nhủ con cái siêng năng lần chuỗi MC là vì đã biết giá trị siêu phàm của kinh nguyện này. Giá trị của Kinh MC chính là để tạo cho ta một cái nhân lành tối thượng là vâng theo Thánh Ý để được sống đời đời.

          Toàn bộ việc sống đạo là làm sao để vâng theo Ý Chúa chứ không phải chỉ sống đạo cách hình thức bề ngoài: “ Chẳng phải mỗi kẻ nói cùng Ta, lạy Chúa, lạy Chúa mà vào được Nước Trời đâu nhưng chỉ kẻ nào làm theo thánh ý Cha Ta mà thôi” ( Mt 7, 21 )

          Trong thời Tục Hóa hiện nay, giáo dân Việt Nam vẫn còn hâm mộ việc đọc kinh kể cả Kinh Mân Côi. Tuy nhiên đó thực sự có phải là cầu nguyện hay không và thế nào là cầu nguyện ?  Theo thánh Phao Lô, việc cầu nguyện là rất khó: “ Cũng một lẽ ấy, Thánh Linh giúp đỡ sự yếu đuối của chúng ta, vì chúng ta chẳng biết làm thế nào để cầu nguyện cho xứng đáng. Nhưng chính Thánh Linh lấy sự than thở không nói ra được mà cầu thay nguyện giúp cho chúng ta” ( Rm 8, 26 ).

          Sở dĩ cầu nguyện là việc khó bởi vì cầu nguyện ở đây là cầu với Thiên Chúa, Đấng là Cha ở nơi mình. Điều này khác hẳn với dân ngoại:“ Khi các ngươi cầu nguyện thì đừng lặp đi lặp lại  cách vô ích  như dân ngoại. Vì họ tưởng rằng hễ cứ nói nhiều thì được dủ nghe. Vậy chớ bắt chước họ vì Cha các ngươi  biết các ngươi cần gì trước khi các ngươi xin Ngài” ( Mt 6, 7 -8 ).

          Qua đó Chúa Giê Su đã dạy chúng ta cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha. Tuy nhiên trong đời sống cầu nguyện của giáo hội cũng như của từng mỗi cá nhân  không phải chỉ có một Kinh Lạy Cha do Chúa truyền dạy mà còn có biết bao kinh nguyện khác trong đó phải kể đến Kinh Lạy Nữ Vương rất được phổ biến do Herman một thanh niên vừa tàn tật vừa dốt nát con của một quý tộc người Đức cầu  xin sự cứu giúp  và đã được Đức Mẹ chữa lành cả hồn lẫn xác !

          Toàn bộ các kinh nguyện được giáo hội chính thức công nhận  dĩ nhiên đều có sự soi sáng của Chúa Thánh Thần. Thế nhưng không vì thế  khi mà những kinh nguyện ấy chỉ được tụng đọc ngoài môi miệng thì cũng không phải là cầu nguyện. Bởi đó Chúa dẫn lời tiên tri Isaia nói: “ Dân này lấy môi miệng tôn thờ Ta nhưng lòng  chúng  thì xa Ta lắm. Chúng tôn thờ Ta luống công” ( Mc 7, 6 -7 ).

          Đọc kinh nếu chỉ ngoài môi miệng  thì không phải là cầu nguyện đích  bởi vì cầu nguyện đích thực thì phải xoay ngược cái Tâm vào bên trong mà cầu với Đấng Thiên Chúa là Cha ở nơi mình mà cầu. Đối với Kinh MC cũng vậy, nếu chỉ đọc ngoài môi miệng thì đó cũng không phải thực sự là cầu nguyện và đây chính là cái lý mà người ta bài bác Kinh Mc.

          Nếu chỉ tụng đọc ngoài môi miệng thì thực hành Kinh MC cũng không phải là cầu nguyện. Vậy phải làm sao mới được gọi là cầu nguyện để thực sự có ơn ích ? Xin thưa đó là phải cậy nhờ Đức Mẹ cầu thay nguyện giúp cho chúng ta ! “ Ngày 11/2/1978 tại đền thánh Lộ Đức, Đức Mẹ đã nói với cha Gobbi: Khi các con lần hạt, các con hãy mời Mẹ cầu nguyện với các con và thay các con. Quả thật như thế cứ mỗi lần các con lần hạt là mỗi lần Mẹ hòa tan trong các con để cầu nguyện”

          Đức Mẹ…cầu thay như vậy không có nghĩa chúng ta không còn đọc kinh lần hạt nữa, trái lại vẫn đọc  nhưng là trong tinh thần cùng Mẹ với Mẹ hầu dâng lên Thiên Chúa những khẩn nguyện của mình. Lại nữa cùng với Mẹ chúng ta cầu nguyện và như thế không còn phải là “Ta” nhưng là Mẹ cầu

          Trong việc lần Chuỗi Mân Côi bao lâu còn lấy “Cái Ta” mà cầu  thì bấy lâu vẫn còn chia lòng chia trí và không hề biết là mình…chia lòng chia trí tức còn mãi  xa cách Chúa ! Ngược lại cùng Mẹ, với Mẹ lần hạt thì tuy vẫn còn chia trí đấy nhưng…biết là mình chia lòng chia trí và lập tức quay về với chánh niệm.

          Sự khác nhau giữa chia trí và biết mình chia trí, đây chính là Thiền. Thiền tiếng Phạn là Dhyana, Tàu dịch là Tịnh Lự tức là dứt bặt mọi suy tư nghĩ ngợi. Để dứt bặt mọi suy tư nghĩ ngợi mà Nhà Thiền gọi là Vọng Tưởng ấy, Thiền Tông dùng Công Án ( Kung An ), Tịnh Độ Tông dùng câu Niệm Phật A Di Đà còn Công giáo thì dùng Kinh Mân Côi.

          Tại sao thực hành Kinh MC ( Truyền Thống ) lại có thể biết mình đang chia trí ? Đó là do nơi cấu trúc đặc bệt  của nó chia ra làm ba Mùa mỗi Mùa chia ra năm Thứ, mỗi Thứ lại có mười hạt là mười Kinh Kính Mừng. Thực hành Kinh MC thì phải nhớ mình đang ở Mùa nào, Thứ nào và Hạt thứ mấy trong mười hạt ấy.

          Chính cái việc…Nhớ tức là Biết ấy khiến cho Tâm ta như được cột chặt  vào tràng Chuỗi MC và…cột như thế khiến cho Tâm Ta và Tâm Mẹ hòa nhập với nhau trong  suốt  thời công phu. Nhớ tức là Biết và Biết đó chính là Thiền. Điều này khác xa cái việc Liễu Phàm ngồi trước thiền sư Vân Cốc  mà không nghĩ ngợi, suy tư gì. Ngược lại mục đích của Thiền là  Giác Ngộ Bản Tánh tức nhận biết ở nơi mình có Tánh Biết Thường Trụ.

          Nếu có thể vượt qua giới hạn của ngôn ngữ, chúng ta có thể nói Tánh Biết Thường Trụ ấy chính là Đấng Cha Hằng Hữu do Đức Ki Tô mạc khải: “ Ngoài Cha không ai biết Con. Ngoài Con và những ai Con muốn mạc khải cũng không ai biết Cha” ( Lc 10, 22 ).

          Đức Ki Tô…biết Cha thì cái biết ấy không phải là cái biết của lý trí phân biệt nhưng là của trí tuệ vô phân biệt. Lý trí luôn là phân biệt lấy cơ sở  từ “ Cái Tôi” ngã chấp  mà trong triết học Kant gọi là “ Cái Tôi Tưởng” ( Le je pense ). Bởi vì cái biết có tính phân biệt tức tri thức làm che lấp Chân Tánh ở nơi con người thế nên cần phải dứt bỏ “ Cái Tôi Tưởng”  ấy đi.

          Lục tổ Huệ Năng sau khi được trao áo pháp trẩy về phương nam, thượng tọa Huệ Minh đuổi theo mong dành lại nhưng không được bèn quỳ xuống sụp lạy tổ và nói: “ Cư sĩ ! Tôi vì pháp mà đến  chớ không phải vì Y. Huệ Năng bèn bước ra nói: “ Ông đã vì pháp mà đến thì hãy dứt sạch các duyên ( Vọng tưởng phân biệt ) mà nghe ta nói: “ Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, chính khi ấy cái gì là Bản Lai Diện Mục của thượng tọa Minh ?” ( Pháp Bửu Đàn Kinh – Phẩm Hành Do ).

          Toàn bộ triết/thần học kể cả Duy Lý lẫn Hiện Sinh đều lấy cơ sở là “ Cái Tôi Tưởng”  vì thế  chẳng những nó không mang lại ơn ích gì cho con người mà còn phá hủy Con Đường Tâm Linh đến tận nền tảng !Phải chăng cũng chính vì “Cái Tôi Tưởng” ấy mà đã đưa đến Thần Học về cái chết của Thiên Chúa ( The’ologie de la mort de Dieu )

          Đức Mẹ truyền trao Kinh MC cho thánh Đa Minh mục  đích  là để chống lại các bè rối Vaudois và Albigenci nổi lên tại miền nam nước Pháp  vào TK XIII có  nguy cơ tàn hại giáo hội. Ngày nay cái nguy cơ ấy còn lớn lao gấp bội  bởi vì nó đến không phải từ kẻ thù bên ngoài nhưng là từ bên trong giáo hội.

 Điều đó thực là nguy hiểm  bởi vì nó khiến cho lòng người ly tán, không biết bám víu vào đâu ?  Tuy nhiên như lời Chúa Giê Su  đã phán với thánh Phê Rô khi thành lập giáo hội: “ Cửa Hỏa Ngục cũng chẳng thể thắng được nó” ( Mt 16, 18 ).

          Chúng ta tin vào Lời Chúa nhưng nếu chỉ tin xuông thì cũng chẳng ích lợi gì mà cần thể hiện lòng tin bằng việc làm  tức nghe lời Đức Mẹ, siêng năng lần Chuỗi Mân Côi hàng ngày. Với những ai còn tin tưởng và lần chuỗi mỗi  ngày  thì đó chính là những tuyển dân sẽ được cứu vớt trong Ngày Chúa đến: “ Vậy ĐCT há chẳng thân oan  cho tuyển dân Ngài là kẻ đêm ngày kêu cầu Ngài, dẫu Ngài đã nín nhịn họ quá lâu rồi ư ?Ta nói cùng các ngươi, Ngài sẽ kíp thân oan cho họ. Dầu vậy khi Con  Người đến há sẽ tìm được đức tin trên mặt đất này chăng ?” ( Lc 18, 7 -8 )./.

Phùng  Văn  Hóa

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts