Đã có rất nhiều giáo huấn của các Giáo Hoàng liên quan tới Kinh Mân Côi. Sau đây là một tổng kết ngắn gọn liên quan tới các tài liệu chính và các nét đặc thù của chúng.
Với tự sắc ”Consueverunt romani Pontifices” ban bố ngày 17 tháng Chín năm 1569 Đức Giáo Hoàng Pio V, thuộc dòng Đa Minh, đã được gọi là vị ”Giáo Hoàng đầu tiên của Kinh Mân Côi”. Tự sắc thánh hiến một hình thức lần hạt Mân Côi đã đạt thời điểm vàng son trong sự tiến triển của nó: trong nòng cốt đó là hình thức lần hạt mà các Kitô hữu thực hành cho tới ngày nay.
Tự sắc của Đức Pio V là ”hiến chương” của Kinh Mân Côi. Đức Giáo Hoàng Pio V miêu tả nguồn gốc, tên gọi, các yếu tố nòng cốt, các hiệu qủa, mục đích và phương thế phổ biến Kinh Mân Côi. Tài liệu chứa đựng định nghĩa cổ điển của Kinh Mân Côi như sau: ”Chuỗi Mân Côi, hay thánh vịnh của Đức Trinh Nữ Maria rất diễm phúc, là một kiểu cầu nguyện rất đạo đức và là lời cầu dâng lên Thiên Chúa, một kiểu dễ dàng trong tầm tay của tất cả mọi người, bao gồm việc ca ngợi chính Đức Trinh Nữ rất diễm phúc, bằng cách lập lại lời chào của sứ thần 50 lần, giống như 50 thánh vịnh của vua Đavít, trước mỗi chục có lời kinh Lậy Cha của Chúa, với các suy niệm xác định minh giải toàn cuộc đời của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”.
Trong tài liệu này lần đầu tiên Đức Giáo Hoàng tuyên bố rằng để hưởng các ân xá của Kinh Mân Côi cần phải suy niệm các mầu nhiệm. Lời tuyên bố chính thức này góp phần phổ biến thói quen đã có là xen kẽ việc suy niệm các mầu nhiệm vào các lời kinh khi lần hạt.
Năm 1572 Đức Pio V công bố Tự sắc ”Salvatoris Domini” thành lập lễ ”Đức Bà Chiến Thắng”, vì xác tín rằng chính nhờ Đức Mẹ Mân Côi phù giúp mà liên minh Kitô đã chiến thắng quân hồi của đế quốc Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ trong trận chiến tại vịnh Lepanto ngày mùng 7 tháng 10 năm 1571.
Năm 1573 vị kế nhiệm Đức Pio V là Đức Giáo Hoàng Gregorio XIII công bố tự sắc ”Monet Apostolus” thành lập lễ trọng Đức Mẹ Mân Côi và đưa vào lịch phụng vụ, mừng vào ngày Chúa Nhật đầu tiên của tháng 10.
Có thể cô đọng giáo lý của Đức Giáo Hoàng Pio V về Kinh Mân Côi như sau: Thứ nhất, Kinh Mân Côi là lời kinh cần thiết giúp thắng vượt các khó khăn của chiến tranh và các tai ương khác; thứ hai, Kinh Mân Côi, do thánh Đa Minh sáng chế ra, là một phương thế đơn sơ hợp với tầm tay của tất cả mọi người ai cũng có thể đọc được; thứ ba, phương thế đó đã mạc khải cho thấy sự hữu hiệu lớn lao của nó giúp chống lại các lạc giáo và các hiểm nguy đối với đức tin và đã khiến cho nhiều người được ơn hoán cải; thứ bốn, Giáo Hội khuyên toàn dân Kitô siêng năng lần hạt Mân Côi.
Từ Đức Giáo Hoàng Gregorio XIII cho tới Đức Giáo Hoàng Leo XIII có rất nhiều tài liệu liên quan tới Kinh Mân Côi. Đa số các tài liệu này của các Giáo Hoàng liên quan tới việc thành lập các huynh đoàn mân côi, kỷ luật mà các thánh viên phải tuân hành trong các huynh đoàn, và các đặc ân các huynh đoàn được hưởng vv… Và các tài liệu này không luôn luôn đem lại các yếu tố mới mẻ. Tầm quan trọng của chúng hệ tại sự kiện chúng là các tài liệu chứng tích của một sự liên tục trong cái nhìn của các Giáo Hoàng đối với Kinh Mân Côi, và sự tin tưởng của các vị đối với Tràng hạt Mân Côi như là phương thế ca ngợi đức tin công giáo, Giáo Hội và để nhổ tận gốc rễ các lạc giáo, cũng như để duy trì hòa bình giữa các ”ông hoàng Kitô”, như Đức Giáo Hoàng Clemente VIII khẳng định trong tự sắc ”Salvatoris et Domini” ban bố ngày 13 tháng Giêng năm 1593.
Trong Tông thư “Egregis suis” công bố ngày mùng 3 tháng Mười Hai năm 1869, Đức Giáo Hoàng Pio IX mời gọi tín hữu sốt sắng lần hạt Mân Côi cầu nguyện cho Công Đồng Chung Vaticăng I được thành công. Đức Giáo Hoàng Lêô XIII cũng có thể được coi như vị Giáo Hoàng của Kinh Mân Côi, giống như Đức Pio V. Ngài đã viết 12 Thông điệp và 2 Tông thư khai triển các đề tài của Kinh Mân Côi với giáo lý cao siêu. Và chính trong thời gian này nảy sinh ra việc coi tháng Mười là tháng Mân Côi, với mục đích diễn tả danh dự đặc biệt của lòng sùng mộ Kitô vối với Đức Mẹ và Kinh Mân Côi, là ”lời kinh đẹp nhất trong các lời kinh”. Ngoài ra, Kinh Mân Côi ”giống như thể đức tin của chúng ta, và tóm tắt việc sùng mộ phải có đối với Đức Trinh Nữ.”
Đức Lêô XIII coi Kinh Mân Côi như ”một phương thế dễ dàng giúp đào sâu và khắc ghi trong tâm hồn tín hữu các tín điều nòng cốt của đức tin Kitô”. Liên quan tới các sự dữ và tệ nạn của xã hội Đức Lêô XIII khích lệ và mời gọi tín hữu siêng năng sốt sắng đọc kinh Mân Côi để vượt thắng sự đối nghịch với hy sinh và khổ đau, bằng cách đặt để đức tin và hướng cái nhìn trên các nỗi khổ đau của Chúa Kitô. Khi lần hạt Mân Côi và suy niệm về sự khiêm tốn của Đấng Cứu Thế và Mẹ Maria, Kitô hữu vượt thắng được sự đối nghịch với cuộc sống khiêm hạ và cần mẫn. Khi lần hạt Mân Côi, suy niệm và chiêm ngắm các mầu nhiệm vinh quang của Chúa Kitô, của Mẹ Maria và các thánh, tín hữu thắng vượt được thái độ thờ ơ đối với các mầu nhiệm của cuộc sống tương lai, và chữa lành việc dính bén và bám víu vào các của cải vật chất. Đức Lêô XIII đã không ngừng dùng tiếng nói và ngòi bút để ca ngợi và gia tăng lòng qúy mến Kinh Mân Côi. Tổng cộng có tới 22 tài liệu lớn nhỏ liên quan tới Kinh Mân Côi.
Đức Giáo Hoàng Pio XI và Đức Giáo Hoàng Biển Đức XV cũng đề cập tới Kinh Mân Côi tuy với giọng điệu ít mạnh mẽ hơn. Với Thông điệp ”Ingravescentibus malis” công bố ngày 20 tháng Chín năm 1937 Đức Giáo Hoàng Pio XI mời gọi tín hữu khẩn nài Mẹ Mria Nữ Vương thiên quốc, và lần hạt Mân Côi trong giờ nguy nan đè nặng trên thế giới. Trong các lời cầu dâng lên Đức Mẹ, Kinh Mân Côi ”chiếm chỗ nhất và chính yếu”, và là dụng cụ rất có gía trị giúp khơi dậy các nhân đức tin mừng, để dưỡng nuôi đức tin công giáo và để làm sống dậy niềm hy vọng và đức bác ái.
Đức Giáo Hoàng Pio XII cũng đã viết 1 thông điệp và 8 tông thư về Kinh Mân Côi, không kể rất nhiều diễn văn. Theo người Kinh Mân Côi là ”tổng kết toàn Tin Mừng, là việc suy niệm các mầu nhiệm của Chúa, là hiến tế chiều hôm, là tràng hoa hồng, là thánh thi chúc tụng, là lời cầu nguyện của gia đình, là toát yếu của cuộc sống Kitô, là bảo chứng chắc chắn ơn thánh của trời cao, là việc chuẩn bị cho sự chờ đợi ơn cứu rỗi. Thông điệp ”Ingruentium malorum” công bố năm 1951 khẳng định rằng: ”Mặc dù không có kiểu cầu nguyện duy nhất để được sự trợ giúp ấy, nhưng chúng tôi nghĩ rằng Kinh Mân Côi thánh là phương thế thích hợp và hữu hiệu nhất: cũng như ngoài ra chúng tôi chứng minh một cách rõ ràng chính nguồn gốc, thiên linh hơn là nhân loại, của việc thực hành này, cũng như bản chất sâu xa của nó… Chúng tôi không ngần ngại tái khẳng định một cách công khai rằng chúng tôi đặt hy vọng lớn lao nơi Kinh Mân Côi để chữa lành các sự dữ đang gây đau khổ cho thời đại chúng ta. Không phải với sức lực, không phải với các vũ khí, không phải với sức mạnh của con người, nhưng với sự trợ giúp của Thiên Chúa có được nhờ lời kinh này, mạnh mẽ như Davít với dây phóng đá, Giáo hội sẽ có thể dũng cảm đương đầu với kẻ thù hỏa ngục…”
Đức chân phước Giáo Hoàng Gioan XXIII sùng kính Kinh Mân Côi không chỉ như là Chủ Chăn của Giáo Hội, mà đã vén mở cho thấy Kinh Mân Côi là yếu tố nòng cốt trong suốt cuộc đời người, như có thể đọc thấy trong ”Nhật ký một tâm hồn” của người. Đức Gioan XXIII đã giải thích giáo huấn của người về Kinh Mân Côi với nhiều thông điệp và diễn văn. Trong số các thông điệp đầu tiên có thông điệp ”Grata recordatio” công bố năm 1959, trong đó ngài nhắn nhủ tín hữu sùng kính tháng Mân Côi. Sau khi nhắc lại giáo huấn của các vị tiền nhiệm, nhất là của Đức Lêô XIII đối với Kinh Mân Côi, Đức Gioan XXIII làm tươi mát định nghĩa của Đức Pio V và viết: ”Như tất cả đều biết, Kinh Mân Côi là một kiểu cầu nguyện suy niệm rất tuyệt vời, được cấu thành bởi tràng hạt thần bí, trong đó các lời kinh Lậy Cha, Kính Mừng, và Sáng Danh giao thoa nhau trong việc suy gẫm các mầu nhiệm cao cả nhất trong đức tin của chúng ta, qua đó chúng trình bầy trong biết bao bức tranh thảm cảnh của sự nhập thể và cứu chuộc của Chúa chúng ta”. Thế rồi trong tông thư ”Đại hội tôn giáo” công bố năm 1961 Đức Gioan XXIII diễn tả giá trị và sự hiệu nghiệm của Kinh Mân Côi với thứ ngôn ngữ mới mẻ đánh động tín hữu với lòng hiền phụ của người, và tông thư qủa là một ”tổng hợp” về Kinh Mân Côi.
Khi đề cập tới mầu nhiệm của Mẹ Maria, Công Đồng Chung Vaticăng II nhấn mạnh các thực hành đạo đức diễn tả lòng sùng mộ Đức Mẹ và viết trong số 67 Hiến chế về Giáo Hội Lumen Gentium như sau: ”… Giáo Hội cũng khuyến khích hết mọi con cái hãy nhiệt tâm phát huy lòng sùng kính Đức Trinh Nữ nhất là trong phụng vụ, hãy coi trọng những việc thực hành và các việc đạo đức nhằm suy tôn Mẹ và đã được Huấn Quyền Giáo Hội cổ võ qua các thế kỷ, cũng như hãy kính cẩn tuân giữ những quyết định của các thời đại trước liên quan tới việc tôn kính ảnh tượng Chúa Kitô, Đức Trinh Nữ và các Thánh” (LG 67).
Tiếp đến Công Đồng khích lệ các nhà thần học và những người rao giảng Lời Chúa cẩn thận tránh mọi tư tưởng phóng đại sai lầm cũng như hẹp hòi qúa đáng, khi xét đến phẩm chất phi thường của Đức Maria. Trái lại, phải làm sáng tỏ đúng mức những vai trò và đặc ân của Đức Trinh Nữ và tránh xa mọi lời nói hay việc làm, khiến cho tín hữu thuộc các Giáo Hội Kitô khác và bất cứ ai khác hiểu sai giáo lý đích thực của Giáo Hội. Số 67 viết tiếp: ”Phần các tín hữu, hãy nhớ rằng lòng tôn sùng chân chính không hệ tại tình cảm chóng qua và vô bổ, cũng không hệ tại một sự dễ tin phù phiếm, nhưng phát sinh từ một đức tin chân thật. Đức tin dẫn chúng ta đến chỗ nhìn nhận địa vị cao cả của Mẹ Thiên Chúa và thúc đẩy chúng ta lấy tình con thảo yêu mến và noi gương các nhân đức của Mẹ chúng ta” (LG 67).
(Thánh Mẫu Học bài 349)
Linh Tiến Khải