Kinh Mân Côi còn có tên gọi khác là Mai Khôi hoặc Văn Côi. Tất cả những tên gọi kể trên đều có nguồn gốc xuất xứ từ chữ Ro Sa nghĩa là hoa hồng. Thế nhưng nếu hỏi tại sao khi dịch sang tiếng Việt lại là Mân Côi…thì chẳng ai giải thích rõ ràng được. Riêng với tên Văn Côi thấy ghi trong các sách kinh xưa mà ngày nay ít dùng. Phần khác việc đọc tụng kinh này còn được đề ra như là một “Phép” tức phương pháp. Bằng chứng cho thấy để khởi sự cho việc lần hạt bao giờ người xướng kinh ( Ông, bà quản ) bao giờ cũng đọc câu công thức “ Phép lần hạt ngắm tắt năm sự Vui, Thương hoặc Mừng”.
Chân lý cho đến muôn đời vẫn là một dầu có nhiều cách phô diễn khác nhau. Kinh Văn Côi là một phương pháp và pháp này là Pháp Nghe.( Chữ VĂN thuộc Hán Tự có nghĩa là Nghe ) Phép Nghe là pháp môn Đại Thừa Phật Giáo có mục đích quay vào tự tâm để nhận ra Bản Tánh mình ( Phản Văn Văn Tự Tánh ). Về cái sự…nghe này Đức Ki Tô sau khi rao giảng về mầu nhiệm Nước Trời, Ngài đã cảnh cáo các môn đệ “ Vậy hãy coi chừng về cách các ngươi nghe. Vì hễ ai có sẽ cho thêm còn hễ ai không có dẫu điều họ tưởng mình đã có cũng sẽ bị cất luôn nữa” ( Lc 8, 18 ).
“ Hễ ai có” tức những ai biết cách nghe thì sẽ cho thêm. Còn “ Hễ ai không có” tức không biết cách nghe thì sẽ bị cất luôn những điều mình tưởng rằng đã được. Cách nghe quan trọng là thế nhưng biết cách nghe là gì ? Biết cách nghe có nghĩa phải xoay cái nghe trở vào bên trong để nhận biết Nước Trời ở nơi nội tâm mình. Nước Trời này trước hết cần được nghe với tất cả lòng tin đồng thời phải ăn năn sám hối mới có thể nhận biết “ Thời đã mãn, Nước Trời đã gần đến. Các ngươi hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng” ( Lc 1, 14 ).
Ai cũng có thể được nghe rao giảng về Nước Trời thế nhưng chỉ những người biết cách nghe mới có kết quả “ Đã ban cho các ngươi được biết những sự mầu nhiệm của Nước Trời song với kẻ khác thì dùng thí dụ hầu họ xem mà không thấy, nghe mà không hiểu. Và thí dụ đó là vầy: Hột giống là Đạo Đức Chúa Trời. Những kẻ ở mé đường là kẻ đã nghe rồi ma quỷ đến giựt lấy Đạo khỏi lòng họ e rằng họ tin mà được cứu chăng ? Những kẻ ở nơi đá là kẻ nghe Đạo bèn vui mừng nhận lấy nhưng họ không có rễ chỉ tin tạm mà thôi, khi gặp sự cám dỗ thì ngã lui. Giống rơi nhằm gốc gai là những kẻ đã nghe Đạo rồi khi đi thì bị sự lo lắng, giầu có, vui thú của đời sống làm cho nghẹt đi nên không sanh được trái chín. Còn giống ở nơi đất tốt là kẻ nghe Đạo rồi lấy lòng thành thực lương thiện, gìn giữ nhẫn nại mà kết quả” ( lc 8, 10 -15 ).
Đạo là gì và ở đâu để ta có thể nghe, hơn nữa cần phải nghe cho đúng mới có kết quả ? Qua lời Chúa vừa trích dẫn ta có thể hiểu Đạo tức là Tin Mừng Nước Trời hoặc chính là Nước Trời mầu nhiệm. Cách hiểu này hoàn toàn đúng và thích hợp với bối cảnh của sự việc. Tuy nhiên nếu chỉ hiểu nghe Đạo là nghe chính đích thân Đức Ki Tô rao giảng Tin Mừng thì lại quá hẹp hòi bởi lẽ ngay đương thời đâu có phải ai cũng được nghe Ngài rao giảng đâu. Rồi từ khi rời bỏ thế gian về Trời “ Ta từ Cha mà đến thế gian lại bỏ thế gian mà về cùng Cha” ( Ga 16, 28 ) thì từ bấy đến nay đã 2000 năm nào có ai trực tiếp được nghe lời Ngài ? Tất cả các Tông Đồ rồi những con người kế tục dầu muốn nói chi thì nói cũng chẳng phải Đức Ki Tô bởi vậy không thể nói nghe họ rao giảng tức là nghe Đạo. Vả lại Đạo cũng không chứa đựng nơi cuốn sách Kinh Thánh bởi thế dù có đọc hoặc nghiên cứu sâu xa đến đâu cũng không phải là..nghe Đạo.
Muốn hiểu cho đúng về việc nghe Đạo thì cần biết Đạo tức là Nước Trời mầu nhiệm nội tại “ Vì này Nước Trời ở trong các ngươi” ( Lc 17, 31 ).Nước Trời nội tại ấy cũng là Tâm Vô Phân Biệt hiện hữu đầy đủ ở nơi mỗi người, bậc Thánh không tăng kẻ phàm không giảm. Nhất định cần phải hiểu Nước Trời là…nước nội tại mới có thể hiểu đúng về dụ ngôn người gieo giống áp dụng cho tất cả mọi ngươi mọi nơi mọi thời. Bởi chưng Nước Trời nội tại là một mầu nhiệm vô cùng lớn lao và hầu như chẳng thể tin, thế nên đối với tuyệt đại đa số nhân loại đều chỉ là những người…ở mé đường tức không hề có chút duyên phần nào với Đạo. Với những kẻ có đôi chút lòng tin khi nghe thì cũng vui mừng nhận lãnh nhưng chỉ gặp sơ qua cám dỗ hay trở ngại cũng vội tháo lui. Với những kẻ có lòng tin và cũng có chí quyết tâm đấy thế nhưng rồi cũng bị sự lo lắng, sinh kế hoặc vui thú ở đời lôi cuốn khiến cho dần dà bị thui chột và rời bỏ hoặc quay sang một con đường khác. Chỉ có những ai hết lòng tin nhẫn nại tinh tấn thực hành cho đến cùng tức nghe cho đúng cách mới có thể thu đoạt kết quả tức nhận biết và sống với Nước Trời ở nơi cõi lòng mình.
Nước Trời, Nước Thiên Chúa, Nước ĐCT, Thiên Chúa, Đấng Cha v.v…cũng đều để ám chỉ cho một Thực Tại duy nhất. Thực Tại này đích thực là gì để cho ta có thể nghe ? Xin thưa đó chính là Tâm Vô Phân Biệt, Tâm này bất kể ai ai cũng có nhưng lại không nhận biết. Mặc dầu có thực đấy nhưng không nhận biết thì kể cũng như không. Điều này giống như người kia trong vườn nhà mình dưới lớp đất sâu có chứa một hũ vàng nhưng hắn ta hoàn toàn không biết và vì không biết nên vẫn cứ sống trong nghèo cực ngày ngày phải ngửa tay đi xin ăn. Đức Ki Tô ra đời rao giảng mầu nhiệm Nước Trời thực tế này không ai có thể phủ nhận và điều ấy chứng tỏ gì nếu không phải một chân lý nội tại ? Nước Trời vốn sẵn đủ đấy nhưng chỉ vì mê chướng nên chúng ta hầu như QUÊN mất. Giờ đây sứ mạng của Đức Ki Tô Đấng Thiên Sai đến cõi thế gian này cũng không ngoài mục đích nhắc nhở cho con người NHỚ lại cái mà mình đã QUÊN chứ chẳng phải điều gì khác ( Lc 4, 4 -43 ).
Một khi đã hiểu ra rằng cái việc NHỚ ấy là nhớ lại cái mà mình đã QUÊN thì thực chất của việc cầu nguyện cốt yếu chỉ để làm sao cho ta được NHỚ đến Chúa. Đức cố hồng y FX Nguyễn văn Thuận trong “ Năm Chiếc Bánh Và Hai Con Cá” có kể một câu chuyện rất ý vị về cầu nguyện: Có ông lão tên Jim hàng ngày cứ đúng 12 giờ trưa vào trong nhà thờ không quá hai phút rồi ra. Người trông coi nhà thờ thắc mắc hỏi vào nhà thờ làm gì mà lại ra nhanh thế ? Ông đáp: Tôi đọc kinh theo kiểu của tôi “ Giê Su, có Jim đây”.
Đức hồng y Thuận cũng bắt chước kiểu cầu nguyện của ông già Jim: Giê Su có Thuận đây và đã được Chúa đáp lời: Thuận ơi ! Có Giê Su đây”.Qua đây ta thấy cầu nguyện là ứng dụng định luật đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu. Ta có nhớ đến Chúa thì Chúa mới nhớ đến ta. Mặc dầu vậy việc NHỚ CHÚA chẳng hề dễ chút nào. Chỉ khi con người nhận thức được cái tình trạng nguy nan của mình thì mới có thể cầu nguyện cách xứng hợp tức là nhớ Chúa. Ông lão Jim, hồng y Thuận là một trong những trường hợp đó.
Kinh Mân Côi truyền thống xưa nay vẫn được coi là Kinh của Đức Mẹ và trong khoảng gần hai thế kỷ nay trong nhiều lần hiện ra ở Lộ Đức ở Phatima, Mễ Du v.v..Ngài đều ân cần mời gọi con cái Chúa ăn năn sám hối, siêng năng lần chuỗi Mân Côi, tôn sùng Trái Tim Vẹn Sạch Mẹ. Hẳn nhiên là khi đưa ra lời kêu gọi này Đức Mẹ hơn ai hết đã thấu suốt được cái mối nguy nan của nhân loại lúc này và đồng thời Ngài cũng biết phải làm cách sao để thoát khỏi nỗi nguy nan ấy.
Nỗi nguy nan mà nhân loại hôm nay đã và đang và sẽ phải đương đầu đó là cái tình trạng con người đã QUÊN mất Chúa. Giờ đây để tránh thoát khỏi mối nguy nan ấy thì chẳng có cách nào khác ngoài ra là phải luôn luôn NHỚ đến Chúa hằng ở bên mình. Kinh Mân Côi như đã nói là một phép nghe để giúp ta nhớ Chúa cách liên lỷ. Sở dĩ Kinh Mân Côi có thể giúp ta nhớ Chúa đó là vì cấu trúc đặc biệt của kinh này không giống như mọi kinh khác.
Tại sao nói Kinh Mân Côi giúp cho ta nhớ Chúa ? Đó là vì muốn đọc được kinh này thì phải đếm số và để có thể đếm số mà không lẫn lộn thì cần phải nhớ. Nhớ là mình đang đọc ở Mùa nào Vui, Thương hay Mừng. Nhớ Mùa còn phải nhớ Thứ. Mỗi Mùa có năm thứ, mình đang đọc ở ngắm thứ mấy. Nhớ Thứ lại còn phải nhớ đến hạt, mình đang lần ở hạt thứ mấy ?. Cái việc nhớ Mùa nhớ thứ nhớ hạt ấy giúp cho ta cột chặt cái Tâm vào cỗ tràng hạt khiến nó không thể mặc sức dong duổi như loài vượn chuyền cành như chú ngựa hoang chạy rông chỗ này chỗ khác * Tâm Viên Ý Mã ).Sự cốt chặt cái Tâm vào cỗ tràng hạt bằng cách đếm số ấy cũng chính là nhớ đến Chúa bởi chưng toàn bộ lời Kinh Mân Côi là Lời Chúa.
Miệng đọc Lời Chúa tai nghe lại Lời Chúa, lời nào lời ấy đều được nghe một cách rõ ràng phân minh đó là Tâm mình nói để Tâm mình nghe. Quá trình luân chuyển theo vòng tròn liền khit này Duy Thức Học gọi là Tập – Khởi. Tập tức là huân tập là dồn chứa. Còn Khởi là phát động ( khởi ra hiện hành ). Miệng đọc là khởi, tai nghe là tập. Miệng sở dĩ có thể đọc ( tụng ) Lời Chúa là vì tai nghe Lời Chúa. Nếu tai không nghe Lời Chúa ( Tập ) thì có đâu Lời Chúa để mà đọc ( Khởi ).
Nói cho dễ hiểu thì cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi như thế chẳng qua đó chỉ là đọc kinh mà không chia lòng chia trí ( Phân Tâm ) bởi như đã nói Tâm đã bị ..cột chặt vào các Mùa, Thứ và Hạt rồi. Không phân tâm thì nghe từng câu kinh tức Lời Chúa sẽ thấm nhập được vào trong Tâm giống như khi ta rót nước vào bình. Nếu để ý thì giọt nào cũng vào được trong bình còn nếu không để ý thì giọt vào giọt không có khi chẳng được giọt nào.Mặt khác phải có nước trong bình thì khi cần mới có nước để mà rót ra. Đổ vào bình thứ nước nào thì rót ra được thứ nước ấy. Đổ nước trong nước sạch vào thì rót ra sẽ có nước trong nước sạch. Ngược lại đổ nước đục nước dơ vào thì rót ra chỉ có thể là thứ nước đục dơ…
Nước đổ vào bình thế nào thì nước rót ra thế ấy,cái lẽ nhân quả này xem ra trong đời thường ai mà chẳng biết. Thế nhưng trong đời tâm linh thực hành người ta lại tỏ ra rất …lơ mơ. Nước trong nước sạch ám chỉ cho sự thiện lành. Còn nước đục nước dơ ví cho sự xấu ác. Người làm lành sẽ được hưởng quả lành, kẻ làm ác sẽ phải lãnh quả ác. Luật báo ứng không bao giờ sai chạy dù chỉ trong một ý niệm “ Hoạ phúc không có cửa, do nơi mình tự rước lấy. Quả báo của điều thiện, điều ác không khác nào như bóng theo hình. Cho nên lòng người nghĩ thiện thì thiện dù chưa làm, cát thần cũng đã theo bên cạnh. Người nghĩ ác thì ác dù chưa làm hung thần cũng đã theo bên cạnh. Song làm ác mà sau biết ăn năn sửa đổi thì lâu ngày cũng sẽ gặp được lành và như thế gọi là chuyển hoạ ra phúc vậy” ( Minh Tâm Bửu Giám – Thiên Thái Thiện Cảm Ứng ).
Hoạ phúc không có cửa chỉ do nghiệp tự cảm ứng. Cứ xem cảnh thế thái nhân tình cùng với biết bao tai hoạ do người do trời làm ra càng ngày càng lan tràn dữ dội thì đủ rõ chẳng có mấy người còn có ý thức chi về lẽ nhân quả tội phúc. Tất cả đó chẳng phải là quả xấu của một cái nhân rất xấu đó ư ? Cứ mặc tình gây nhân xấu mà lại có thể mong chờ một tương lai tươi sáng tốt đẹp được sao ?
Gây nhân xấu ắt sẽ gặp quả xấu và nhân của mọi nhân xấu ác nhất mà con người mắc phải là do đã QUÊN mất Chúa Đấng là nguồn cội của mọi phước hạnh. Đức Maria với tấm lòng từ mẫu vô biên đã phải khóc chảy cả máu mắt cũng không ngoài mục đích để khuyên răn con cái hãy luôn nhớ đến Chúa bằng cách siêng năng lần hạt để lắng nghe Tiếng Chúa trong tâm tưởng mình. Thế gian có tiếng nói của thế gian, Thiên Chúa có tiếng nói của Thiên Chúa. Nghe theo tiếng nói nào thì sẽ chịu lực tác động của tiếng nói đó. Nghe tiếng thế gian thì ắt không khỏi bị nó dẫn dắt vào con đường mê lầm khổ ải. Còn nghe Tiếng Chúa tất sẽ được an lạc giải thoát. Chính bởi đó mà Đức Ki Tô mới khuyên nhắc “ Vậy hãy coli chừng về cách các ngươi nghe” ( Lc 8, 18 ).
Chúa nói “ Hãy coi chừng về cách các ngươi nghe”thì cách nghe ở đây là để chỉ cho sự tiếp nhận lãnh nạp bởi các căn: Ở tai thì đó là nghe, ở mắt là thấy, ở ý là nhớ…Mỗi cách tiếp nhận đều gây ở nơi ta những ảnh hưởng khác nhau. Nghe một lời nóí, thấy một hình ảnh hoặc nhớ đến điều gì Tâm ta lập tức sẽ sanh các thứ tư tưởng. Mỗi tư tưởng gọi là THỨC, mỗi THỨC đều chứa đựng những cảm giác khác nhau hoặc khổ đau hoặc vui sướng thư thái hạnh phúc.
Nghe một câu ca vọng cổ buồn sẽ tạo trong ta những cảm giác tái tê ủ đột. Trái lại nghe một khúc quân hành rộn rã chợt thấy lòng phấn chấn hăng say. Nhìn ngó một tấm ảnh loã lồ khêu gợi cảm thấy lòng bứt rút dậm dật. Trái lại nhìn bức ảnh Thánh lại thấy tâm hồn được nâng cao thanh thoát v.v…Nhớ lại những lời nói việc làm xấu xa sẽ làm cho mình bị lương tâm cắn rứt bất ổn. Còn nhớ đến một việc lành bác ái dù đã được làm rất lâu xa nhưng vẫn thấy vui tự hài lòng về mình.
Những việc nghe, thấy, nhớ ấy chẳng những tạo cảm giác khổ vui ở nơi mình nhưng nó còn quyết định cho hành động ở mỗi người. Ta có nhớ đến việc ác người đã làm cho mình thì mới có thể làm ác cho người. Hoặc ta có nhớ việc lành người ta làm cho mình thì mình mới làm lành cho họ được. Cũng thế ta có quên việc lành người làm cho mình thì mới làm ác cho người v.v..Người con sở dĩ có hiếu là vì đã nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục mình. V.v…
Tất cả những việc nghe, thấy, nhớ ấy đều tạo cảm giác tức gây ảnh hưởng ở nơi con người và ảnh hưởng ấy lại có những mức độ khác nhau. Nghe một lời nói ác nặng nề gợi cho mình cảm giác tức giận nhiều, nghe một lời nói ác nhẹ hơn thì cảm giác tức bực cũng nhẹ hơn. Nghe lời nói thiện lành sẽ gợi cho mình cảm giác an vui tin tưởng…Lại nữa nghe, thấy, nhớ tạo cảm giác đồng thời có thể khiến cho người tiếp nhận đó được khai sáng hay bị cuốn lôi vào vòng si mê ám chướng.Nghe một lời nói sáng suốt sâu rộng sẽ gợi cho mình những thấy biết rộng rãi bao la. Còn như nghe một lời nói lầm lạc sẽ khiến cho mình bị trầm trệ trói buốc.
Lời nói sở dĩ gây ảnh hưởng như thế đó là do tinh thần của tác giả lời nói ấy. Ta nghe câu ca vọng cổ thấy buồn bã ủ ê là vì đó là sáng tác của một nhạc sĩ có tâm hồn đa cảm đa sầu. Còn như nghe một bản Thánh ca thấy cõi lòng du dương thanh thoát đó là vì đó là sáng tác của một nhạc sĩ có tâm hồn đạo đức Thánh thiện. Tinh thần thế nào thì lời nói như vậy. Những lời giảng dạy của Chúa Giê Su gây được ảnh hưởng lớn lao cho nhân loại bởi vì đó là lời của Đấng Cứu Nhân Độ Thế “ Chúng đều kinh ngạc về sự dạy dỗ của Ngài vì lời của Ngài có quyền năng
Lời của Đức Ki Tô là lời có quyền năng và quyền năng ấy mang tính trí tuệ giải thoát. Ngược lại có những lời cũng có quyền năng nhưng đây là thứ quyền năng đem lại sự u mê trói buộc. Trường hợp này là của F. Nietzhe ( 1844 – 1900 _ với nhiều câu nói nổi tiếng chẳng hạn “ Thượng Đế đã chết rồi, các bạn đã không nghe thấy tiếng xôn xao của đám người đào huyệt chôn Thượng Đế đó sao ? Các bạn không ngửi thấy mùi của Thượng Đế đang tự thối rữa sao : ( Ma quỷ trong thế giới ngày nay ).
Muốn nói chi thì nói những tác phẩm chống phá miệt thị Đạo Công Giáo của Nit cùng với các thế lực đen tối khác đã làm cho đức tin chân thật bị chao đảo và có thể đưa đến cái nguy cơ tàn lụi. Mất đức tin đó là một báo biểu cho Ngày Quang Lâm của Chúa sắp đến “ ……
Trước cái thảm cảnh mà nhân loại đã, đang và sẽ phải gánh chịu do bởi sự cứng lòng mê muội của chính con người gây ra. Đức Mẹ hơn bất cứ ai Người thấu suốt được cái nguy cơ diệt vong ấy nên đã không biết bao nhiêu lần hiện ra nhắc bảo con cái hãy trở lại với Thiên Chúa bằng cách chuyên cần cầu nguyện. Ấy vậy nhưng dường như con cái chẳng chịu nghe. Bằng cớ cho thấy sự không nghe này đó là sự dữ vẫn ngày càng gia tăng ngay cả trong Giáo Hội của Chúa Ki Tô.
Nếu cứ nhìn bề ngoài thì tại nơi các nhà thờ, các địa điểm hành hương các giáo hữu vẫn tuốn đến kìn kìn. Thế nhưng đó chỉ là hình thức mà thôi ngay cả việc cầu nguyện cũng thế. Bởi vậy Đức Mẹ vẫn cứ phải khuyên, phải khóc “ Các con thân mến Mẹ mời các con cầu nguyện nhưng các con vẫn đứng đàng xa ( không nghe ) Vậy từ hôm nay hãy quyết tâm nghiêm chỉnh hiến dâng thời giờ cho Thiên Chúa để cầu nguyện. Mẹ ở với các con Mẹ dạy các con cầu nguyện bằng trái tim. Chỉ khi nào cầu nguyện bằng trái tim các con mới gặp được Thiên Chúa. Hãy cầu nguyện, hãy cầu nguyện và hãy cầu nguyện ( Đức Mẹ truyền dạy Ivanka ngày 25.10.1980 ).
Đức Mẹ khuyên phải chuyên cần cầu nguyện nhưng các con cái Mẹ vẫn đứng ở đàng xa như thế có nghĩa tất cả những việc chúng ta làm bấy lâu nay như đọc kinh dự lễ, hành hương chỗ này chỗ kia ….xem ra có vẻ đạo đức nhưng đó chỉ là cái vỏ bề ngoài chứ không xuất phát từ nội tâm. Phải phát xuất từ cái Tâm chân thật thì như lời Đức Mẹ nói mới gặp được Thiên Chúa. Dẫu vậy để cầu nguyện bằng trái tim như thế là điều rất khó cần phải có sự trợ giúp của Thánh Thần “ Cùng một lẽ ấy Thánh Linh giúp đỡ sự yếu hèn của chúng ta vì chúng ta chẳng biết thể nào cầu nguyện cho xứng đáng nhưng chính Thánh Linh lấy sự than thở không thể nói ra được mà cầu thay cho chúng ta” ( Rm 8, 26 ).
Ý niệm cầu thay nguyện giúp như vậy đã có ngay từ thuở ban sơ Giáo Hội và thể hiện rõ nhất cho tính chất cầu thay này là ở Kinh Kính Mừng. Thật vậy mỗi khi chúng ta đọc Kinh Kính Mừng thì tiếp liền đó là lời cầu “ Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử Amen” Lời cầu này có một lịch sử rất lâu đời có từ thế kỷ thứ V nhân dịp mừng sự thành công của Công Đồng Epheso ( 431 ) các giáo hữu trong khi long trọng rước kiệu Đức Mẹ đã cùng đồng thanh đọc lên lời cầu đó.
Lời cầu của giáo hữu thành Epheso xưa kia đúng là xuất phát từ lòng đạo đức…bình dân thật đấy. Thế nhưng đây quả thật là ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần cho một quan niệm vô cùng sâu xa về vai trò của Đức maria trong Nhiệm Cục Cứu Độ. Công việc của Đức mẹ là dẫn đưa chúng ta đến với Chúa nhưng sự dẫn đưa ấy không phải để dẫn đến một nơi chốn nào khác nhưng chính là đến với Chúa Giê Su ở ngay nơi lòng mỗi người “ Về phần anh em há không biết rằng Chúa Giê Su Ki Tô ở trong anh em sao ? ( 2C 13, 5 ).
Chúa vẫn ở trong ta nhưng bởi mê nên không biết và một khi đã không biết thì không nhớ bởi đó cho nên việc cầu nguyện nói chung và cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi nói riêng mục đích sâu xa là để cho ta được Nhớ đến Chúa. Ta có nhớ Chúa thì Chúa mới nhớ đến ta. Dây là lẽ đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu “ hãy trở lại cùng Ta thì Ta sẽ trở lại cùng ngươi” Mt 3, 7 )
Phùng Văn Hoá