KINH  MÂN  CÔI  VÀ  CHUỖI  KINH  LÒNG  THƯƠNG  XÓT

          Có mối liên hệ nào giữa Kinh Mân Côi và Chuỗi Kinh Lòng Thương Xót hay không ? Xin thưa là…có bởi vì cả hai đều nhắm đến việc giải thoát các cơn khủng hoảng. Thật vậy, ai cũng biết Đức Mẹ truyền trao Kinh Mân Côi cho thánh Đa Minh để chống lại và làm tan rã lạc giáo Albigeois  vào thế kỷ thứ XIII. Còn Chuỗi Kinh Lòng Thương Xót là do Chúa Giê Su đã đích thân mạc khải cho Thánh Faustina ( 1905 – 1939 ) để chuẩn bị cho lần đến sau cùng của Người.

          Mặc dù hai cuộc khủng hoảng ấy xem ra có vẻ khác nhau cả về hình thức lẫn nội dung  nhưng chúng đều phát xuất cùng một nguồn gốc là tính Duy Lý đã ăn sâu bén rễ  ngay từ những thế kỷ đầu  của giáo hội: “ Nhiều Ki Tô Hữu sợ triết học Hy Lạp như trẻ con sợ ngáo ộp, sợ bị triết học này chinh phục. Nếu đức tin của chúng ta là như thế. Nếu nó sụp đổ trước  trước sự thuyết phục của lý luận thì hãy để cho nó sụp đổ; bởi lẽ qua đó chứng tỏ rằng chúng ta đã không có chân lý’ ( Giáo Phụ Tập I ( Từ TK 1 cho đến TK 4 ).

          Đúng là…có sợ đấy nhưng rồi như một định mệnh, giáo hội đã bị cái triết Duy Lý ấy khống chế mãi cho đến tận ngày nay vẫn chưa thể thoát: “ Nhân dịp ra mắt cuốn “ The Days Now For Spent” nghĩa là Ngày Sắp Tàn. ĐHY Robert Sarat, tổng trưởng Bộ Phụng Tự và  Kỷ Luật Bí Tích  đã dành cho phóng viên Edward Pentin, thường trú tại Ro Ma của tờ National Register một cuộc phỏng vấn, trong đó ngài nói:

          “ Tôi muốn mở lòng  mình ra mà chia sẻ một điều chắc chắn này: Cuộc khủng hoảng sâu  sắc mà giáo hội đang trải qua trên thế giới và đặc biệt ở Phương Tây là kết quả của sự  lãng quên Thiên Chúa. Nếu mối quan tâm đầu tiên  của chúng ta không phải là Chúa thì mọi thứ khác sẽ sụp đổ. Tại gốc rễ  của tất cả các cuộc khủng hoảng  dù là nhân chủng học, chính trị, xã hội hay văn hóa hay địa chính trị có sự quên lãng tính tối thượng của Thiên Chúa…

          …Như đức thánh cha Benedicto XVI nói trong cuộc họp của ngài với thế giới văn hóa tại đại học Bernadins vào ngày 12/9/2008 ( quarene Deum ) việc tìm kiếm Thiên Chúa, chú tâm đến Thiên Chúa như một thực tại  thiết yếu chính là trục trung tâm  mà trên đó tất cả các nền văn minh và văn hóa  được xây dựng. Điều gì đã tạo nên nền văn hóa Âu Châu đó là việc tìm kiếm Thiên Chúa và sẵn sàng để cho mình được tìm thấy bởi Người, lắng nghe Người vẫn là nền tảng của mọi nền văn hóa thực sự và là điều không thể thiếu cho sự sống còn của nhân loại chúng ta. Trái lại từ khước  Thiên Chúa hoặc thờ ơ hoàn toàn với Người là thái độ ( đưa tới ) diệt vong của nhân loại” ( Nguồn Vietcatholic News 28/9/2019 – Đặng Tự Do – ĐHY Robert Sarat: Những người hứa hẹn cách mạng và thay đổi tận gốc trong GH chỉ là các tiên tri giả ).

          Nếu nguyên nhân đưa tới mọi cơn khủng hoảng là do con người đã…quên Thiên Chúa  thì vấn đề đặt ra cho việc giải quyết các cơn khủng hoảng ấy phải chăng là cần làm sao để có thể…Nhớ đến Người ?

          Làm sao để con người có thể…Nhớ đến Thiên Chúa đó chính là điều cốt yếu của tôn giáo cần thực hiện ! Toàn bộ đời sống dù là đời thường hay đời…đạo đều hệ tại ở hai việc  NHỚ – QUÊN. Có nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ thì mới có thể thành người con hiếu thảo,  ngược  lại thì không. Cũng vậy có nhớ đến cái chết khổ nhục, đớn đau của Đấng Cứu Độ mình là  Chúa Giê Su chúng ta mới có thể phát khởi được lòng yêu mến, kính tin Ngài. Ngược lại thì không !

          Bởi việc  NHỚ – QUÊN  hệ trọng là như thế nên Chúa Giê Su và Đức Maria  đã đưa ra nhiều phương pháp để cho ta có thể thực hiện điều này. Kinh Mân Côi và Chuỗi Kinh Lòng Thương Xót chính là  hai phương pháp tối hảo được dùng để chúng ta có thể…NHỚ  đến Thiên Chúa là Đấng nội tại trong ta. Mặc dù vậy  kinh nguyện này do ảnh hưởng của não trạng Duy Lý nên nó đã và đang bị triệt phá một cách tinh vi bởi chính giáo quyền:

          “ Thánh Gioan Phao Lô II trích dẫn lời Thánh Phao Lô VI trong tông thư Rosarium Virginis Marie cũng coi việc chiêm niệm là chìa khóa để cầu nguyện bằng Chuỗi Mân Côi một cách “đúng đắn”. Kinh Mân Côi chính vì bắt đầu từ kinh nghiệm riêng  của Đức Maria nên là một lời cầu nguyện chiêm niệm tuyệt vời. Nếu không có chiều kích chiêm niệm  này nó sẽ mất hết ý nghĩa của nó như đức giáo hoàng Phao Lô VI  đã chỉ rõ: Nếu không chiêm niệm, Kinh Mân Côi là một thân thể không có linh hồn và việc đọc kinh có nguy cơ trở thành  sự lặp lại các công thức một cách máy móc vi phạm lời khuyên của Chúa Ki Tô: “ Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại, họ nghĩ rằng  cứ nói nhiều  là được nhận lời” ( Mt 6, 7 ). ( Nguồn ĐBĐM 14/10/2022 , Phe Ro Phạm Văn Trung – Lần Chuỗi Mân Côi cách đích thực theo đức Benedicto XVI ).

          Nói rằng chỉ lần chuỗi Mân Côi theo  cách  của đức Benedicto XVI  mới là đích thực. Vậy phải chăng từ bao thế kỷ nay người Công giáo khắp năm châu lần chuỗi Mân Côi sinh vô vàn ơn ích  đó  không phải là…đích thực hay sao ? Dùng Lời Chúa ( Mt 6, 7 ) để phê phán việc cầu nguyện bằng Chuỗi Mân Côi là hoàn toàn không đúng. Lý do bởi vì  việc nhiều lời của dân ngoại là cầu với các loại thần tượng giả dối ( Gỗ, Đá ). Còn người Công giáo cầu nguyện là cầu với  Thiên Chúa, Đấng là Cha ở nơi mình ( Mt 6, 6 ).

          Cũng chính vì cầu nguyện là cầu với Đấng Cha như thế nên Chúa Giê Su  nói: “ Các con hãy cầu nguyện luôn, kẻo phải sa chước cám dỗ” ( Lc 22, 46 ). Chước cám dỗ của ma quỷ, mục đích là để con người…quên mất Chúa, Đấng ở nơi mình để hướng chiều về mọi sự thế gian ( Chia lòng chia trí ).

          Có nhận ra như thế mới thấy được giá trị của Kinh Mân côi trong việc chống lại các chước cám dỗ. Thật vậy, với cấu trúc  đặc biệt khác hẳn với các kinh nguyện khác. Kinh Mân Côi ( Truyền Thống ) chia ra làm ba Mùa: Vui, Thương, Mừng. Mỗi Mùa lại chia ra làm năm Thứ. Mỗi Thứ  gồm có mười Kinh Kính Mừng.

          Điều quan trọng trong thực hành Kinh Mân Côi chính là ở nơi cái sự NHỚ  và NHỚ ở đây là nhớ mình đang ở trong Mùa nào ? Thứ nào ? và Hạt thứ mấy trong chục kinh ? Chính cái việc NHỚ  ấy khiến cho Tâm ta như bị cột chặt  vào tràng chuỗi tức là Lời Chúa.  Trong trường hợp cầu nguyện một mình, nếu không …nhớ mình đang ở trong Mùa nào, Thứ nào, hạt nào thì sẽ lẫn lộn  lung tung, không sao có  thể  tiếp tục !

          Bởi tính chất  quan trọng của việc thực hành Kinh Mân Côi  là  ở nơi… sự NHỚ  như thế nên cái gọi là…chiêm niệm Kinh Mân Côi là hoàn toàn vô nghĩa. Thử hỏi người ta có thể…chiêm niệm vào lúc nào đang khi lần chuỗi  và thực tế thử hỏi đã có ai làm cái việc chiêm niệm ấy trong khi lần chuỗi bao giờ chưa ?

          Nếu bảo rằng không chiêm niệm,  Kinh Mân Côi chỉ là cái xác không hồn, vậy những ai thực hành ba mệnh lệnh Pha Ti Ma như các em chăn chiên  thất học Lucia, Jacinta,  bé Phan Xi Cô hoặc Thánh Pio Năm Dấu người đã từng lần 400 ( Bốn trăm ) Chuỗi mỗi ngày thì chẳng lẽ những con người này chỉ là cái xác không hồn khi chẳng hề có…chiêm niệm gì  hay sao ?

          Chính do việc đòi hỏi đọc kinh Mân Côi cần có sự chiêm niệm như thế mà đã khiến cho kinh nguyện này bị…phá sản  có nghĩa  người Công giáo  không còn cơ hội để NHỚ đến Chúa  và  đây  chính là nguồn cơn của  cuộc khủng hoảng !

          Chiêm Niệm thực chất chỉ là hình thức của thần học duy lý, chẳng những nó không thể  áp dụng vào việc thực hành Kinh Mân Côi mà còn chống trái hoàn toàn với đạo lý “ Bỏ Mình” của Đức Ki Tô: “ Ai muốn theo Ta thì hãy bỏ mình, vác thập giá mình hàng ngày mà theo” ( Lc 9, 23 ).

          Bỏ Mình có nghĩa là bỏ ý riêng mình đi. Chính cái ý riêng đã khiến cho ta xa cách Thiên Chúa, Đấng Hằng Hữu ở trong ta và đó cũng chính là Tội Nguyên Tổ đã được đề cập trong Sáng Thế Ký ( St 2, 16 -17 ). Chính Chúa Giê Su Ki Tô  cũng đã thực hiện việc bỏ ý riêng này: “ Vì Ta từ trời  xuống không phải để làm theo ý riêng Ta mà làm theo Ý Đấng đã sai Ta” ( Ga 6, 38 ).

          Cứ bỏ đi ý riêng thì Ý Cha được thể hiện. Đây là mấu chốt của việc tu tập, sống đạo. Thiền Tông gọi ý riêng là vọng tưởng, triết học Kant gọi là “ Cái Tôi Tưởng” ( Le je pense ). Còn người Công giáo gọi đơn sơ là chia lòng chia trí. Thiền tông chủ trương Lìa Niệm tức buông bỏ vọng tưởng, tổ Lâm Tế nói: “ Chỗ ông dừng ( buông ) một niệm là Cây Bồ Đề ( Trí Tuệ ). Ông một niệm không thể dừng là Cây Vô Minh”.

          Thiền tông chủ trương… Lìa Niệm còn Chúa Giê Su truyền dạy bỏ ý riêng mình đi nhưng để bỏ được ý riêng  thì nhất thiết phải kiên trì thực hành Kinh Mân Côi trong chánh niệm tỉnh thức. Niệm nghĩa của nó là NHỚ. Thực hành Kinh Mân Côi trong chánh niệm ( Tỉnh Thức ) là để cho ta từ bỏ ý riêng hầu được NHỚ  đến Chúa Đấng Hằng Hữu  trong ta.

          Có Nhớ đến Chúa thì Chúa mới…nhớ đến ta. Đây là lẽ “ Đồng Thanh Tương Ứng. Đồng Khí Tương Cầu” áp dụng cho cả đời lẫn đạo không bao giờ sai chạy. Cuộc khủng hoảng hiện nay như đã biết là do con người đã…quên Thiên Chúa và từ đó  cái họa diệt vong thật  đã gần kề.

          Chúa đã  kêu gọi và mạc khải cho Thánh Faustina Chuỗi Kinh Lòng Thương Xót  cùng với lời hứa: “ Ôi, Cha sẽ ban những ân sủng trọng đại biết bao cho những linh hồn đọc Chuỗi Kinh Lòng Thương Xót sâu nhiệm của Cha, Cha cảm kích vì những người đọc Chuỗi Kinh này. Hỡi ái nữ của Cha, con hãy ghi chép những lời này: Con hãy nói cho toàn thế giới  về lòng thương xót của Cha để toàn thể nhân loại nhận biết  lòng thương xót vô biên của Cha. Đó là một dấu chỉ cho thời đại cuối cùng, sau đó sẽ là ngày công thẳng.Trong lúc vẫn còn thời giờ, hãy để họ đến nương nhờ  suối nguồn  thương xót của Cha và mưu ích từ Máu và Nước đã trào tuôn cho họ” ( NK 848 ).

          Chúa mạc khải Chuỗi Kinh Lòng Thương Xót và Bức Ảnh Chúa Thương Xót với hàng chữ ghi ở bên dưới: “ Lạy Chúa Giê Su con tín thác vào  Chúa” với mục đích là để cho ta chuẩn bị tâm hồn  trong Ngày Chúa Đến lần thứ hai là ngày mà người Công giáo chúng ta vẫn luôn trông đợi.

          Sự chuẩn bị ấy không là điều gì khác ngoài ra là để cho ta được NHỚ đến Chúa. Nếu thực hành Kinh Mân Côi là để chúng ta,,,nhớ đến Chúa qua Kinh Kính Mừng là lời chào của sứ thần khởi đầu Ơn Cứu Độ thì nay với Chuỗi Kinh Lòng Thương Xót  chúng ta nhớ đến cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giê Su với lời khẩn nài Chúa Cha ban ơn  xót thương cho toàn nhân loại.

          Trong việc cầu nguyện với Kinh Mân Côi hay Chuỗi Kinh Lòng Thương Xót, chúng ta thấy có sự giống nhau đó là  sự lặp đi lặp lại chỉ một lời kinh. Điều đó hẳn nhiên  phải  có mục đích và mục đích ấy trước hết là để cho ta nhận biết đâu là ý riêng để bỏ và sau nữa là để huân tập Lời Chúa  vào trong tâm hồn. Chính cái sự huân tập lâu ngày chầy tháng ấy  sẽ khiến đức tin và lòng cậy trông trong ta được thêm dồi dào, vững mạnh: “ Nếu ai yêu thương Ta thì vâng giữ lời Ta. Cha Ta sẽ thương yêu người, chúng ta đều đến cùng người và lập cư với người ( ấy ). ( Ga 14, 23 ).

          Có Chúa ở cùng, chúng ta đâu còn sợ hãi  chi  dù là phán xét chung hay riêng bởi Chuỗi Kinh Lòng Thương Xót là để dành cho những ngày đáng kinh hãi ấy: “ Con hãy đọc không ngừng Chuỗi Kinh  mà Cha đã dạy con. Bất cứ ai đọc Chuỗi Kinh này sẽ nhận được lòng thương xót bao la trong giờ lâm tử” ( NK 687 )./.

Phùng  Văn  Hóa 

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts