Kinh Mân Côi và Lý Duyên Khởi

          Kinh Mân Côi là Kinh Cứu Khổ Cứu Nạn, điều ấy đã được chứng tỏ  qua hai sự kiện lớn. Một là  Đức Mẹ đã trao truyền Kinh Mân Côi cho Thánh Đa Minh để chiến thắng bè rối Albigense hậu duệ của Nhị Nguyên thuyết đang lan tràn mạnh mẽ tại miền Nam nước Pháp và có nguy cơ đe dọa đến cả Châu Âu tức Giáo Hội thời đó. Hai là trước sự xâm lăng hùng mạnh của quân Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ, đức Thánh giáo hoàng Pio V đã cổ vũ giáo  hữu  cũng như  toàn thể Đạo Binh Thánh Giá sốt sắng đọc Kinh Mân Côi và đã có được chiến thắng lẫy lừng tại vịnh Lepente ngày 7 tháng 10 năm 1571.

           Để ghi nhớ cuộc chiến thắng  lẫy lừng ấy Giáo Hội  lấy tháng mười hàng năm làm Tháng Mân Côi như để nhắc nhở cho các tín hữu nhớ đến công ơn cứu giúp của Đức Mẹ. Việc giáo hữu tuân hành lời khuyên nhủ của Giáo Hội đọc kinh lần chuỗi trong suốt tháng mười, chắc chắn  đem  lại rất nhiều ơn ích. Thế nhưng nếu chỉ có thế nghĩa là thực hành việc lần chuỗi trong một thời hạn nào đó rồi…thôi thì sẽ không thể đáp ứng được mục  đích yêu cầu của Kinh Mân Côi như  là phương thế cứu khổ.

          Trong tất cả những lần hiện ra dù ở bất cứ nơi đâu trong thời điểm nào Đức Mẹ cũng đều tha thiết kêu gọi con cái mình hãy siêng năng lần chuỗi Mân Côi. Sự kêu mời ấy hẳn nhiên phải có lý do và lý do đó là để cho ta hết khổ.

          Con người ta từ khi sinh ra cho đến lúc chết đi đều sống trong khổ “ Nghĩ thân phù thế mà đau. Bọt trong bể khổ bèo đầu bến mê” ( Cung Oán Ngâm Khúc ). Cái khổ đeo đẳng  đối với hết thảy mọi người được tóm gọn trong tám thứ khổ sau đây: Sinh là khổ. Già là khổ. Bệnh là khổ. Chết là khổ. Yêu thương không được gặp gỡ là khổ. Oán thù lại phải gặp gỡ là khổ. Cầu không được là khổ. Thân thể hừng thạnh đòi hỏi liên mien là khổ.     Không những khổ vì…có thân  lại còn khổ vì ngoại cảnh bức ngặt, nóng bức, rét lạnh, xã hội bất công, môi trường ô nhiễm, dịch bệnh, chiến tranh v.v…

          Có điều oái oăm này là không ai muốn  sống trong khổ nhưng lại cứ làm cho mình khổ. Ví dụ để cho những người hút thuốc lá bỏ hút, nhà sản xuất bắt buộc phải ghi trên bao thuốc: Hút thuốc có hại cho sức khỏe. Ấy vậy mà dân ghiền vẫn cứ…hút. Đó chẳng phải  người ta muốn tự hại mình  sao ?

          Tự hại mình mà không biết đó là cái nỗi khốn cùng của kiếp nhân sinh. Nguyên nhân sâu xa của cái việc…tự hại ấy chính là do vô minh không nhận biết Sự Thật. Đức Ki Tô xuống thế để chỉ cho con người nhận biết Sự Thật “ Nếu các ngươi cứ ở trong đạo của Ta thì thật là môn đệ Ta, các ngươi sẽ nhận biết sự thật và sự thật sẽ giải thoát các ngươi” ( Ga 8, 31 -32 ).

          Đi theo Chúa làm môn đệ Chúa mục đích cốt yếu là để nhận biết Sự Thật và Sự Thật  đó chính là hết thảy mỗi người trong chúng ta đều được tạo dựng nên là Hình Ảnh Thiên Chúa là Con Thiên Chúa ( St 1, 26 ). Chân lý Con Thiên Chúa này đã được Chúa Giê Su viện dẫn Kinh Thánh ( Tv 82, 6 ) để nhắc nhở cho dân Do Thái “ Trong  Sách Luật  của các ngươi há chẳng chép rằng: Ta đã nói các ngươi là Con Đấng Chí Cao hay sao ?Nếu Chúa gọi những kẻ được nghe Đạo ĐCT là thần ( Mà KT thì không thể bác bỏ được ) thì Ta đây là Đấng Cha đã biệt ra Thánh và sai xuống thế gian nói rằng Ta là Con ĐCT cớ sao các ngươi lại cáo Ta là nói lộng ngôn ? ( Ga 10, 34 -36 ).

          Chúa đã làm biết bao phép lạ cả thể: Cho người mù được sáng. Người liệt đi được. Người chết sống lại v.v…Ấy vậy mà Ngài chỉ nói lên Sự Thật mình là Con Thiên Chúa thì đã bị người Do Thái lăng nhục ném đá và sau cùng  giết chết ( Mt 26, 64 -66 ). Người Do Thái xưa kia chỉ vì u mê ám chướng mà đã giết hại Đấng Cứu Thế muôn dân trông đợi. Còn  ngày nay sau bao nhiêu năm theo Chúa, ở trong Đạo Chúa  chúng ta  có nhận biết Sự Thật Con Thiên Chúa ở nơi chính mình hay không ?

          Rất tiếc, câu trả lời là không bởi lẽ chúng ta đã bị tấm màn vô minh che lấp và sự che lấp ấy  do bởi hai thứ chấp. một là chấp ngã tức  chấp cho thân xác này là mình. Hai là chấp pháp tức  chấp cho tâm tưởng này là mình.. Một khi đã chấp ngã chấp pháp như thế thì không bao giờ có thể nhận biết đúng sự thật. Tại sao ? Bởi chưng hết thảy muôn sự muôn vật trong đó  bao gồm cả Thân và Tâm con người đều  không …thật có,  chỉ do duyên sinh mà có.

          Người đời ai cũng thấy nào là nhà cửa, vườn tược, xe cộ, núi non, sông  ngòi v.v…tất  cả đều thật có. Thế nhưng hết thảy những cái đó đều không thật có chỉ do duyên sinh mà có. Chẳng hạn cái nhà chúng ta cho đó là cái nhà nhưng nếu phân tích ra thì đó chỉ là tổng hợp của những cái kèo, cái cột, đòn tay, những tấm tôn, v.v..Không ai bảo cái kèo, cái cột, tấm tôn là …nhà. Chỉ khi  có những người thợ  ráp nối những thứ ấy lại thì mới thành ra cái gọi là …nhà. Sự…ráp lại ấy  trong Phật pháp  được gọi là….Duyên Khởi. Suy từ trường hợp…cái nhà ấy chúng ta có thể nói muôn sự muôn vật cho đến mặt trời trăng sao cũng vậy cũng là do Duyên Khởi.

          Tất cả đều do duyên khởi, điều ấy không những  đúng cho những sự vật mà ngay cả con người từ khi sinh ra đến lúc chết đi cũng là một tiến trình của duyên khởi. Định lý Duyên Khởi là do Đức Phật Thích Ca sau khi giác ngộ đã tuyên thuyết gồm tóm trong  12 nhân duyên ( Thập Nhị Nhân Duyên ):

  1. Vô Minh duyên Hành.
  2. Hành duyên Thức.
  3. Thức duyên Danh Sắc.
  4. Danh Sắc duyên Lục Căn.
  5. Lục Căn duyên Xúc
  6. Xúc duyên Thọ.
  7. Thọ duyên Ái.
  8. Ái duyên Thủ
  9. Thủ duyên Hữu
  10. Hữu duyên Sanh
  11. Sanh duyên Lão và Tử
  12. Lão và Tử là hậu quả tất nhiên của Sanh.

 

         Qua 12 nhân duyên cho thấy Vô Minh chính là cội nguồn của khổ đau. Do bởi vô minh nên mới có Hành và Hành ở đây chính là những ý nghĩ có chủ ý ( Tác Ý ). Những ý nghĩ có chủ ý đều  sẽ tạo ra những nghiệp thiện hoặc bất thiện. Tất cả mọi hành vi dù thiện hay ác đều phát xuất từ nơi tư tưởng. Có tư tưởng thiện thì mới làm được điều thiện. Trái lại có tư tưởng ác sẽ làm điều ác.

          Tư tưởng là cái quyết định cho  mọi hành vi nhưng  bởi vô minh thế nên tuyệt đại đa số con người lại bị dục vọng lôi cuốn để rồi đã tạo lấy cho mình những cái nhân xấu ác mà không biết. Tạo nhân nào sẽ có quả đó. Tuy nhiên từ Nhân cho đến Quả bao giờ cũng phải có Duyên tức những điều kiện.

          Để một hạt giống gieo xuống đất mọc lên thành mầm thành cây thì cần  có nhiều điều kiện ( duyên ). Hạt giống ấy phải tốt ( không lép ) phải có độ ẩm của đất, ánh sáng, không bị côn trùng phá hoại v.v…mới có thể mọc lên thành cây. Tiến trình diễn ra từ Nhân đến Quả cần phải có nhiều duyên và trong tính chất Duyên Khởi ấy, Duy Thức gọi đó là Huân Tập.

          Huân là đem vào còn Tập là tập khởi ra hiện hành. Cái sự….đem vào ấy  là đem vào chấp chứa ở nơi Tâm. Tâm được ví như một cái kho ( Tạng Tâm ) là nơi chấp chứa cả ba loại chủng tử: Vô Lậu, Hữu Lậu và  Vô Ký. Gọi là Tạng Tâm bởi vì đó là nơi chấp chứa tất cả những gì con người đã nghe đã thấy đã nghĩ tưởng…Những cái  chấp chứa ấy tạo cho mỗi người một cái Nghiệp và Nghiệp đó hoặc có thể là thiện nghiệp hoắc ác nghiệp.

          Người ta thường hay Nhớ lại những gì mà mình đã nghe đã thấy đã làm và đã nghĩ tưởng. Về cái sự Nhớ lại ấy đó chính là …duyên khởi. Trong đời sống  nếu người nào đó hay nghe, nói, nghĩ tưởng về những điều xấu ác ích kỷ hại nhân thì chắc chắn người đó sẽ chỉ có thể nhớ lại được những điều xấu ác. Nhớ lại những điều xáu ác thì tâm mình sẽ bất an dằn vặt khổ đau. Ngược lại người nào thường nghe, nói, suy tưởng, hành động…những điều thiện lành thì người đó sẽ nhớ lại những điều thiện lành. Nhớ lại những điều thiện lành thì tâm mình sẽ có được bình an, thơ thới, hạnh phúc.

          Toàn bộ Kinh Mân Côi đều là Lời Chúa. Thực hành Kinh Mân Côi chính là để cho ta có thể …nhớ lại được Lời Chúa  chứ chẳng phải điều chi khác. Lời Chúa là lời hằng sống “ Vì lời ĐCT  là lời hằng sống, linh động sắc hơn mọi gươm hai lưỡi, đâm thấu đến nỗi có thể chia hồn linh khớp tủy. Biện biệt tư tưởng và ý định của lòng người” ( Dt 4, 12 ).

          Lời Chúa linh động, sắc như gươm hai lưỡi. Mỗi khi lòng tham sân khởi lên nếu ta nhớ lại được Lời Chúa thì lòng tham sân ấy sẽ bị chặt đứt khiến  Tâm ta không bị…lôi cuốn vào đường ác. Hiểu như vậy  thì vấn đề đặt ra ở đây chính là thực hành Kinh Mân Côi như thế nào để cho ta có thể Nhớ lại được Lời Chúa hầu  diệt trừ  tội lỗi. ?

          Trở ngại lớn nhất của việc thực hành Kinh Mân Côi là sự chia lòng chia trí. Cũng vì sự chia trí ấy mà nhiều người dù ban đầu rất có thiện chí nhưng rồi đành…bỏ cuộc. Sự chia trí ấy  chúng ta chỉ có thể nhận biết nó khi thực hành những khi ở một mình. Còn như đọc kinh lần hạt chung với cộng đoàn  thì có chia  trí hay không khó  thể  nhận biết.

          Chia trí  đó chính là sự phân tâm. Bản tâm ta vốn dĩ thanh tịnh vô phân biệt nhưng nó lại hay khởi niệm tức có nghĩa là …duyên khởi với những gì mà mình đã nói đã nghe đã thấy  hoặc suy tưởng….Sự hay nhớ nghĩ ( chia trí ) như vậy khiến cho ta Quên  mất chánh niệm và chánh niệm ở đây chính là Lời Chúa chứa đựng trong Kinh Mân Côi.

          Quên mất chánh niệm  như vậy là mê là vô minh điên đảo. Kinh Mân Côi ( Truyền thống ) với cấu trúc đặc biệt của nó gồm bởi ba mùa Vui, Thương, Mừng. Mỗi Mùa gồm có năm Thứ. Mỗi  Thứ  gồm mười Kinh Kính Mừng. Thục hành Mùa nào thì phải nhớ Mùa đó. Ngắm  Thứ nào thì phải nhớ Thứ đó. Lần hạt nào thì phải nhớ thứ tự của hạt  ấy. Chính cái việc nhớ Mùa nhớ Thứ nhớ hạt đó khiến cho Tâm ta dược bám chặt vào Lời Chúa.

          Việc thực hành Kinh Mân Côi mục đích chính là để cho ta luôn nhớ được Lời Chúa. Một khi Lời Chúa đã được ghi khắc trong Tâm thì Chúa ở cùng ta và ta có Chúa ở cùng “ Hãy cứ ở trong Ta thì Ta cũng ở trong ngươi” ( Ga 15, 4 ).

          Có Chúa …ở cùng là cái cứu cánh của việc sống đạo và Kinh Mân Côi chính là phương pháp để giúp ta có được điều ấy. Kinh Mân Côi cần được hiểu như một phương pháp ( Phép  Lần Hạt ) có nghĩa là một Phép Tu  hầu  cho ta có thể chuyên tâm  thực hành. Nói đến chuyên tâm thì đó là công việc của mỗi ngày cho đến trọn đời.

          Hàng ngày vào thời điểm thích hợp mà theo kinh nghiệm của tôi đó là vào lúc nửa đêm, thời điểm giao thời của một ngày, không gian tương đối thanh tịnh. Chúng ta bắt đầu thời khóa Tu bằng cách xoa bóp toàn thân để cho khí huyết  lưu thông, tâm trí được tỉnh táo. Sau đó ngồi theo thế kiết già hay bán già cũng được rồi …hít thở theo chánh niệm tức đếm  hơi thở ra thở vào ( Quán Sổ Tức ). Thở ra biết là thở ra. Hít vào biết là hít vào.

          Tiếp theo sau những …thủ tục cần thiết đó là việc Lần Chuỗi Mân Côi cũng trong tư thế ngồi thẳng lưng như thế.Ngồi trong tư thế kiết già mục đích là để cho Tâm  dễ dàng trong việc an định, không chia trí. Trong mỗi thời Tu như  vậy nhất định cần lần đủ  một chuỗi năm chục kinh còn nếu có thể, đủ cả ba chuỗi càng tốt.

          Nhận biết giá trị  của Kinh Mân Côi để rồi kiên tâm thực hành đó là ơn phúc lớn lao dành cho những ai có đầy đủ  thiện căn, phúc đức và nhân duyên. Có thiện căn bởi chúng ta là người Công giáo. Có phúc đức là vì chúng ta là con cái của Đức Mẹ. Có nhân duyên là bởi nhờ ơn Chúa chúng ta may mắn gặp được phương thế cứu khổ cứu nạn  vừa dễ thực hành lại vừa bảo đảm chắc chắn cho phần rỗi đời đời.

          Hãy suy gẫm lời Thánh Bonaventura để thấy mình là người diễm phúc biết bao “ Nếu ta chào Mẹ bằng Kinh Kính Mừng thì Mẹ Maria sẽ chào lại ta bằng vô vàn ơn phúc”./.

Phùng  Văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts