Có thể nói Kinh Mân Côi làm nên bản sắc của người Công Giáo. Bởi đó nếu kinh nguyện này không còn được ái mộ thực hành thì cuộc khủng hoảng trong Giáo Hội sẽ diễn ra là điều không thể tránh: “ Với cuộc canh tân phụng vụ sau CĐ Vatican II, xem ra Kinh Mân Côi đã trở nên lỗi thời và đáng cho vào bảo tàng viện. Các giám mục Hoa Kỳ viết thư hỏi Tòa Thánh xem cảm tưởng ấy có đúng không. Đức Thánh cha ( Phao Lô VI ) muốn trả lời trực tiếp nhưng sau đó ngài nhân cơ hội đó để trình bày ý nghĩa của lòng tôn kính Đức Maria dưới ánh sáng thần học CĐ Vatican II” ( Nguồn TTHV Đa Minh -23/9/2018 – Lm Giu Se Phan Tấn Thành – Kinh Mân Côi với Dòng Đa Minh ).
Kinh Mân Côi bị cho là…lỗi thời, thật ra cũng chẳng có chi khó hiểu bởi vì dưới ánh sáng thần học CĐ Vatican II thì niềm tin vào sự hiện hữu của Thiên Đàng, Hỏa Ngục đã không còn nữa. Đang khi đó chính vì tin có Thiên Đàng, Hỏa Ngục cùng sự thưởng phạt đời đời mà người Công giáo chúng ta hết lòng mộ mến thực hành Kinh Mân Côi như một phương thế cầu nguyện tối hảo. ĐGH Leo XIII nói: “ Kinh Mân Côi là cách sùng kính từ trời ban xuống, chẳng còn phương pháp nào tốt lành và giá trị bằng”.
Giá trị của Kinh Mân Côi chính là ở chỗ làm cho ta ngày càng tin vào sự hiện hữu của Nước Thiên Đàng và ước nguyện được về sống ở nơi đó. Sao có thể nói giá trị của Kinh Mân Côi khiến cho ta ngày càng tin vào sự hiện hữu của Nước Thiên Đàng ? Đó là do căn cứ nơi nguyên lý “ Vạn Pháp Duy Tâm Tạo”: Phật do Tâm thành. Đức do Tâm chứa. Công do Tâm tu. Phước do Tâm ra. Họa do Tâm tạo. Tâm làm ra Địa Ngục. Tâm làm ra Thiên Đường. hễ Tâm chánh thì thành Phật. Tâm tà thì thành ma…” ( Kim Cang Luận ).
Một khi Thiên Đàng, Hỏa Ngục cả hai đều do…Tâm tạo thì không có lý do gì chúng ta lại không tạo cho mình Thiên đàng và tránh xa Hỏa Ngục ? Khác với thời Tục Hóa là thời đức tin Công Giáo ngày càng sa sút. Xưa kia, với việc siêng năng lần Chuỗi Mân Côi cho thấy đức tin của cha ông chúng ta thật mạnh mẽ biết bao qua câu chuyện kể của cha Giu Se Nguyễn Công Đoan S.J: “ Khi tôi 6, 7 tuổi thì bà nội mắt đã lòa, trời mưa thì bà ngồi nhà lần đủ 15 ngắm, khi trời nắng ráo bà bảo dắt qua nhà người bà con gần nhà, bị liệt hai chân. Hai bà lần chuỗi với nhau như một niềm vui, niềm an ủi. Ngồi với bà một chục kinh rồi bà cho tôi đi chơi. Hai bà lần chuỗi xong thì gọi dắt bà về. Nhà tôi ở cách nhà thờ giáo xứ cũng khá xa. Ngày Chúa Nhật đi lễ thì bọn trẻ rủ nhau vừa vui đùa vừa đi. Người lớn thì vừa đi vừa lần chuỗi, khoảng năm chục kinh thì tới nhà thờ. Tôi lớn lên dưới bầu trời ven sông Hồng. Mỗi buổi tối, trên trời thì sao lấp lánh gọi nhau. Dưới là lời Kinh Mân Côi vọng từ nhà này sang nhà khác” ( Nguồn Conggiao. Info 26/9/2020 – Lm Giu Se Nguyễn Công Đoan – S.J – Kinh Mân Côi ).
Câu chuyện của cha Đoan gợi cho ta hình ảnh rất đỗi thanh bình của một xóm đạo xa xưa vào những năm đầu thế kỷ trước mà nay chắc không bao giờ còn gặp lại ? Nét thanh bình ấy phải chăng có được là nhờ ở Tràng Chuỗi Mân Côi nối kết Đất với Trời ? Đời sống con người ngoài phần vật chất, xác thân ( Đất ) còn có phần tâm linh ( Trời ). Tuy nhiên chính cái phần tâm linh ấy mới quyết định cho đời sống ( Tâm Tạo ) chứ không phải ngược lại. Vì nhân loại ngày nay đã không hiểu được như thế mà ngày càng đi vào chỗ điêu linh, khốn khổ !
Cứ gẫm xem cuộc sống của hai cụ bà trong câu chuyện trên đây sẽ thấy. Một bà thì hai mắt đã lòa còn bà kia thì liệt hai chân. Ấy vậy mà nhờ siêng năng lần Chuỗi Mân Côi hai bà đã có được cuộc sống an vui, chờ ngày về hưởng phước Thiên Đàng sống đời đời bên Chúa bên Đức Mẹ. Đó chẳng phải là niềm hạnh phúc vô bờ mà toàn thể người Công Giáo chúng ta ao ước đó sao ?
Lại nữa, với hai bà cụ ấy cũng như những người khác trong cái xóm đạo nghèo, heo hút đó. Họ chỉ biết vui với ruộng đồng, vui với Kinh Hạt sớm chiều chứ nào có biết đến tiện nghi, hưởng thụ như con người ngày nay nào TV, tủ lạnh, điện thoại di động, xe cộ, máy móc đủ loại…
Ngoài những hưởng thụ vật chất đủ đầy ấy ra. Người dân xóm đạo thuở ấy cũng chẳng biết gì đến chữ nghĩa còn nói chi đến …đọc sách, đọc vở ? Tất cả những điều trên đây nói lên điều gì nếu chẳng phải là việc thực hành Kinh Mân Côi chỉ cần một cái Tâm thuần phác chứ có đòi hỏi chi phải…am hiểu Kinh Thánh hoặc suy niệm thần học này khác ? Chính bởi cái Tâm thuần phác ấy là đường để đi đến với Đạo mà Đức Ki Tô nói: “ Quả thật Ta nói cùng các ngươi: hễ ai chẳng nhận lấy Nước Trời như một con trẻ thì hẳn không được vào đó” ( Lc 18, 17 ).
Tại sao phải nên như con trẻ mới vào được Nước Trời ? Bởi vì đó là Thực Tại Tâm, siêu việt cả không gian lẫn thời gian: “ Nước Thiên Chúa không đến cách mắt thấy được. Người ta cũng sẽ không thể nói: Đây này, đó kia vì này Nước Thiên Chúa ở trong các ngươi” ( Lc 17, 20 -21 ).
Ngày nay do bởi ảnh hưởng của thời Tục Hóa mang tính thực dụng, ngay cả với người Công Giáo thuần thành cũng không còn hâm mộ thực hành kinh nguyện này nữa. Mặt khác tuy không ( dám ) bác bỏ nhưng thần học lại đưa ra chủ trương Suy Niệm khiến cho Kinh Mân Côi lẽ ra thuộc về những tâm hồn đơn sơ chất phác lại biến thành một thứ khô khan không ai có thể…nuốt trôi cho được ?.
Toàn bộ Kinh Mân Côi là Lời Chúa. Thực hành kinh nguyện này mục đích là để cho Lời Chúa là Lời Hằng Sống thâm nhập ( Huân Tập ) vào trong tâm khảm mình. Trái lại suy Lời Chúa thì cũng chẳng khác gì cái việc không ăn lại cứ ngồi đó để…suy nghĩ về Cơm.,Phở, Cháo thì làm sao mà no ?
Với Duy Lý thì đức tin thì không thể tồn tại. Đang khi đó thực hành Kinh Mân Côi đòi hỏi một đức tin vững chắc vào sự hiện hữu của Thiên Đàng của Hỏa Ngục cũng như sự thưởng phạt đời đời. Có tin như thế chúng ta mới có thể thành tâm dâng lên Chúa lời cầu gọi là lời than Pha Ti Ma, Đức Mẹ dạy cho em Phan Xi Cô: “ Lạy Chúa Giê Su, xin cứu chúng con khỏi lửa Hỏa Ngục và đưa dẫn các linh hồn lên Thiên Đàng nhất là những linh hồn cần đến lòng thương xót Chúa hơn”.
Đức tin là cửa mở vào Đạo và Đạo đây cũng chính là Đấng Thiên Chúa…nội tại trong mỗi người: “ Đạo ở gần ngươi. Ở trong miệng ngươi và ở trong lòng ngươi tức là Đạo Đức Tin mà chúng tôi rao giảng đây. Vậy nếu miệng ngươi thừa nhận Chúa Giê Su là Cứu Chúa và lòng ngươi tin Thiên Chúa đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại thì ngươi sẽ được cứu” ( Rm 10, 8 -9 ).
Tin Đấng Thiên Chúa…nội tại thì tất nhiên cũng tin Thiên Đàng, Hỏa Ngục …ở trong ta, tùy theo sự quyết định của Tâm. Tâm hướng về Thiên Đàng thì Thiên Đàng…hiện hữu trong ta. Ngược lại hướng chiều về Hỏa Ngục thì Hỏa Ngục cũng chẳng rời ta. Bởi như đã biết: Tất cả là do Tâm tạo hay nói cách khác tất cả là do sự Tạo Nghiệp mà ra. Tạo Nghiệp lành sẽ về Cõi Lành, tạo nghiệp ác sẽ về Cõi Ác.
Nghiệp không mang tính cố định mà có thể chuyển hóa. Thực hành Kinh Mân Côi chính là phương pháp Chuyển Nghiệp một cách dễ dàng và bảo đảm chắc chắn nhất, cả trong khi sống cũng như khi chết chính là nhờ ở lời cầu: “ Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con khi nay và trong giờ lâm tử. Amen”
Có cầu tất có ứng, bởi đó cho nên đối với những ai chuyên tâm thực hành Kinh Mân Côi thì Đức Mẹ không bao giờ…bỏ rơi người đó đến nỗi Thánh Grignon de Monfort quả quyết: “ Một người dù đã…bước một chân vào Hỏa Ngục nhưng nếu đọc được một nửa Kinh Kính Mừng thôi cũng được Đức Mẹ cứu thoát”
Nhìn nhận lời nói của Thánh Monfort thật không có gì…quá đáng nếu biết đến nguyên lý “ Tất cả do Tâm tạo”. Tuy nhiên không vì thế ta có thể…liều mình trông cậy để rồi cứ sống trong buông thả, đợi đến khi hấp hối mới mong được cứu thì không thể kịp. Lời trên đây để chi cho thấy cái năng lực thần diệu của Kinh Mân Côi như trong chuyện kể của cha Đoan về trường hợp “ Người Tù Xuyên Thế Kỷ” sau đây:
“ Là sĩ quan đi cải tạo, bị bắt lại một lần với tội danh tuyên truyền phản cách mạng, bị bắt lại lần nữa và lãnh án tử hình. Hai lần trước anh đã được một bạn tù người Công Giáo dạy cho một ít Giáo Lý, học thuộc 15 Ngắm Mân Côi, 14 Chặng Đường Thánh Giá nhưng chưa được chịu Phép Rửa. Trong khám tử hình, hai chân bị cột vào một sợi giây xích dài. Anh nảy ra sáng kiến tự chế xâu chuỗi để đọc Kinh Mân Côi: Đếm mười mắt xích, xé áo lấy vải đánh dấu làm Chuỗi Mân Côi. Ngày ngày lần chuỗi 15 mầu nhiệm rồi “Ngồi Đàng Thánh Giá” thêm ba vòng nữa. Ngày nào anh cũng chờ mong hy vọng không phải hy vọng được tha nhưng “ Nếu hôm nay người ta tháo xiềng đem ra bắn thì con sẽ được ở với Chúa trên Thiên Đàng”. Hai năm sau, một ngày người ta mở cửa, tháo “ Xâu Chuỗi” nhưng chưa cho anh …lên Thiên Đàng với Chúa, chỉ đưa anh qua phòng án chung thân. Ít lâu sau anh được đưa lên trại lao động. ở đây anh đã gặp cha Ngô Quang Tuyên và tôi. Cha Tuyên chuẩn bị và tôi làm Phép Rửa cho anh” ( Nguồn Conggiao.Info 26/9/2020 đã dẫn ).
Được một bạn tù Công Giáo dạy cho một ít giáo lý cơ bản, thuộc 15 Ngắm Kinh MC 14 Chặng Đường Thánh Giá. Đây là một cái cơ duyên bước đầu để anh nhận biết Chúa. Tuy nhiên chỉ trong lần bị bắt thứ ba, bị nhốt trong khám tử hình không còn chút hy vọng nào trên cõi đời này thì anh mới quyết lòng bước theo Đức Mẹ để Ngài dẫn đưa về Thiên Đàng.
Trong trường hợp của người tử tù này, với quyết tâm thực hành Kinh Mân Côi như thế chứng tỏ anh có một đức tin sắt đá không gì lay chuyển dù bao đau đớn, mệt nhọc. Cứ thử tưởng tượng một người bị xích cả hai chân trong một cái khám khi thì nóng bức khi lại rét lạnh, tay lần từng cái móc xích hết ngày này tháng khác thì đức tin và lòng cậy trông của con người ấy có thể nói là phi thường.
Với đức tin thì sợi giây xích sắt cứng ngắc nay lại biến thành Tràng Chuỗi Mân Côi êm đềm vang vọng lời kinh. Mỗi cái móc xích lại là lời chúc tụng của sứ thần Gabriel dâng lên Đức Nữ Trinh Maria: “ Mừng vui lên, hỡi Bà đầy ơn phúc, Đức Chúa ở cùng Bà” ( Lc 1, 28 ).
Có lẽ mỗi khi xướng lên lời chào ấy thì từ tận đáy lòng anh cũng khởi lên một lòng tri ơn, cảm tạ vì đã được cứu thoát bởi Ơn Chúa, Ơn Đức Mẹ. Tôi nghĩ chắc anh phải có được niềm vui lớn ấy thì mới có thể tiếp tục cuộc hành trình trở về với Đấng Chúa vẫn hằng tìm kiếm, chờ đợi ở trong anh mặc cho ngục tù giam hãm.
Thật sự, ngục tù cùng với xích xiềng chỉ có thể giam nhốt anh về phần thân xác còn tâm trí cùng với lời Kinh Mân Côi đã được ở bên Chúa rồi. Về vấn đề xiềng xích giam nhốt này, Thánh Phao Lô nói: “ Vì Tin Mừng ấy tôi đã chịu khổ, tôi còn phải mang xiềng xích như một tên tội đồ. Nhưng Lời Chúa thì đâu có thể bị xiềng xích” ( 2Tm 2, 9 ).
Nhờ Kinh Mân Côi mà người tử tù ấy đã coi xích xiềng như là thứ phương thế linh diệu để thoát ra khỏi chốn thế gian đầy dẫy tai ương, khổ ải, hầu bước vào Cõi Sống An Vui Đời Đời.
Thay vì hận thù oán trách những người đã hành hạ giam nhốt mình trong ngần ấy năm trường khổ ải nhưng nhờ Tràng Chuỗi Mân Côi ân phúc ấy mà trong Thánh Lễ cầu cho Công Lý và Hòa Bình, khi được yêu cầu, anh đã đứng lên nói lời tha thứ cho tất cả những người đã hành hạ, bắt bớ, giam nhốt anh trong 38 năm trường đằng đẵng. Đồng thời anh tuyên bố sẽ xóa hết những câu chữ hận thù, oán trách trong những bài thơ, bài hát anh đã làm trước đây.
Quả thật người tù …xuyên thế kỷ ấy đã thực hiện Lời Chúa không thiếu xót dù chỉ một chấm, một nét: “ Các ngươi đã nghe phán: Hãy yêu người thân cận và ghét kẻ thù nghịch. Nhưng Ta nói cùng các ngươi: Hãy yêu kẻ thù nghịch các ngươi và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi, hầu cho các ngươi được làm con của Cha các ngươi trên trời” ( Mt 5, 43 -45 )./.
Phùng Văn Hóa