Hoa Hồng phương Tây chỉ về vẻ đẹp hoàn mỹ, hương thơm nhẹ nhàng, hoàn thành trong viên mãn, biểu hiện vẻ đẹp nhân đức của Mẹ Thiên Chúa. Tháng Hoa Hồng vì thế cũng là tháng dõi theo những nhân đức của Mẹ Maria để thực hành nơi bản thân. Hoa Hồng tượng trưng thân xác và tâm hồn thanh khiết. Mẹ Maria được ca ngợi là “Đền Thờ Thiên Chúa”. Chính Thiên Chúa cư ngụ trong Đền Thờ thân xác khiết trinh của Mẹ. Thân xác không tỳ ố, không vết nhơ mà Đông phương sánh ví như “Sen giữa đầm”. Thánh Phaolô khuyên nhủ tín hữu Côrinthô: “Hay anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao? Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho anh em. Như thế, anh em đâu còn thuộc về mình nữa.” (1 Cr 6,19). Như Mẹ Maria được “đầy tràn Chúa Thánh Thần” (Lc 1,35), sống không còn thuộc về chính mình mà thuộc về Thiên Chúa hoàn toàn trong tiếng “Xin Vâng” (Lc 1,38). Chính Chúa Thánh Thần thực thi quyền năng của Thiên Chúa trong con người chứ không nguyên con người tự nỗ lực có thể đạt được sự thanh khiết toàn vẹn. Mẹ Maria nhận ra một điều quan trọng: “Chúa đã làm cho tôi những điều trọng đại.” (Lc 1, 49). Vâng phục theo Thánh Ý Chúa nghĩa là “lời khấn hứa cùng Chúa con xin giữ trọn” (Tv 56,13).
Hoa hồng tượng trưng cho phần thưởng của cuộc sống. Thánh Gioan Thánh Giá sánh ví hoa là những đức tính của tâm hồn, bó hoa là tập hợp các nhân đức. Khi dâng kính chuỗi Rosa, người Kitô hữu nhận biết chính Mẹ Maria là món quà Thiên Chúa ban cho nhân loại và cũng là phần thưởng cho cuộc sống “xin vâng” để Chúa Thánh Thần làm việc. Nói cách khác đi, người đón nhận đầy tràn Chúa Thánh Thần là người cũng sẽ đón nhận được những phần thưởng là “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ” (Gl 5, 22.23). Thánh Ignatio dựa vào hoa trái Thánh Thần kể trên để khuyên nhủ mọi người hãy xét xem mình có để Chúa Thánh Thần làm việc hay không? Được phần thưởng Chúa ban con người luôn nhận thấy sự sống hồng phúc Chúa ban dồi dào và phong phú và cất tiếng lên: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa.” (Lc 1,46).
Hoa Hồng nở trong hy sinh. Trong tự nhiên, Hoa Hồng thân luôn có gai, những chiếc gai đôi khi làm chảy máu. Tình yêu nào cũng có hy sinh, hy sinh thường làm nên những giá trị của cuộc sống. Mẹ Maria thông phần vào hiến tế của Chúa Giêsu, dâng người con trong lễ vật hy sinh, như lời tiên báo của cụ già Simeon: “Một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà.” (Lc 2,35). Cuộc đời người cha, người mẹ cũng vậy, chịu bao khó nhọc, hy sinh, vất vả vì con, chỉ mong con nên người hữu ích, mong con nên người và nên thánh. Giá trị hy sinh, khổ đau để sinh nở những đoá hồng cho cuộc đời.
Hoa Hồng thường sánh ví như giọt máu Chúa đổ ra trên thập giá, đôi khi được xem như vết thương nơi trái tim Chúa chịu đâm thâu. Hiến tế làm nên giá chuộc cho muôn người. Cũng theo đó, Hoa Hồng còn biểu trưng giá trị của sự sống Phục sinh, Chúa Giêsu chuộc tội, tiêu diệt sự chết và mang lại sự sống lại cho nhân loại. Người ta cũng vận dụng một vài ý nghĩa này bằng Hồng Thập Tự để biểu thị việc cứu thương. Mẹ Maria trong Mầu nhiệm Thương khó của Chúa Giêsu, cũng đã cùng Con “đồng công cứu chuộc”, với trái tim tinh tuyền của ngày hiến lễ chính người Con yêu. Tháng Hoa Hồng dâng Mẹ cũng là cùng Mẹ chiêm ngắm lại cuộc đời của Chúa Giêsu qua các chặng: Vui, Thương, Mừng, Sáng, khơi thắm lại màu hồng ân cứu độ trong nhân thế bằng tràng chuỗi Rosa.
Tháng Rosa và với tràng chuỗi Mân Côi đã làm nên rất nhiều những vị thánh trong Giáo Hội và đặc biệt được ghi nhận nơi hoạt động tông đồ tích cực của các vị Thánh Giáo hoàng trong thời kỳ hiện đại: Đức Giáo hoàng Gioan XXIII, Phaolô VI, Gioan Phaolô II… Đời sống đặc biệt của các ngài được ghi nhận qua các chặng đường Mân Côi khi vui cũng như khi gặp gian nan, khốn khó.
Kinh nghiệm của Giáo Hội với tràng chuỗi Mân Côi là chuỗi linh đạo thiêng liêng dẫn từng bước người Kitô hữu đến với Chúa, không bao giờ lỗi thời. Tràng chuỗi đồng hành với từng cộng đoàn, từng nhóm và từng cá nhân, ghi nhận biết bao cảm thức mến yêu khi sạch tội cũng như khi lỗi tội. Lòng hân hoan vì gặp được lòng mến yêu vô biên của Mẹ Maria với Chúa truyền cảm mến cho các con cái của Mẹ trên hành trình dương thế.
Chúng con cùng Mẹ thưa lên cùng Chúa: “Linh hồn tôi ngợi khen Thiên Chúa, thần trí tôi vui mừng trong Đấng cứu độ tôi.” (Lc 1,46-47).
Lm. Giuse Hoàng Kim Toan