Đức Mẹ đã tỏ cho Thánh Đa Minh mười lăm ơn sủng cho những ai siêng năng lần chuỗi Mân Côi và một trong các ơn ấy là “ Ai đọc Kinh Mân Côi cách sốt sắng đồng thời áp dụng các mầu nhiệm Kinh Mân Côi vào đời sống mình thì sẽ không bị những nỗi bất hạnh đè nặng lên mình. Người có tội sẽ được ơn hoán cải. Người công chính sẽ tiến triển trong ơn sủng và sẽ xứng đáng được hưởng đời sống vĩnh cửu” ( Kinh Mân Côi. Online )
Điều kiện quan trọng để được hưởng ơn ích lớn lao của Kinh Mân Côi đó là áp dụng các mầu nhiệm của Kinh vào trong đời sống của chính mình. Tuy nhiên việc áp dụng các mầu nhiệm vào trong đời sống quả thật không hề dễ chút nào. Tại sao ? Bởi vì các mầu nhiệm của Kinh gồm có 15 Ngắm mà tất cả 15 Ngắm đó đều là những lời nguyện xin mang tính xuất thế. Chẳng hạn lời nguyện thứ nhất Mùa Vui = Ta hãy xin cho được lòng yêu người và lòng yêu người ấy không phải chỉ là yêu thương những kẻ yêu mình nhưng là yêu cả kẻ thù nghịch cùng mình ( Mt 5, 43). Hoặc ngắm thứ hai Mùa Thương = Ta hãy xin cho được lòng ăn năn tội nên. Hoặc thứ ba Mùa Mừng= Ta hãy xin cho được đầy dẫy Ơn CTT v.v.
Chúng ta xin ơn là để đem ra thực hành trong đời sống chứ không phải xin rồi…để đấy. Mặc dù vậy để cho việc thực hành này thu hoach được vô vàn công đức thì phải làm sao để tâm trí chúng ta có thể kết hợp được với Đấng Chúa ở trong Ta, nếu không sẽ không tránh khỏi bị quở trach“ Dân này chỉ thờ kính Ta ngoài môi miệng còn lòng trí chúng thì xa Ta lắm. Chúng tôn thờ Ta luống công” ( Mc 7, 6 -7).
Lý do vì sao đọc kinh nhiều lại bị quở trách là tôn thờ vô ích ? Đó là vì việc đọc kinh ấy tất cả đều hướng ra bên ngoài nơi thế giới ngoại vật để cầu tìm. Đang khi đó như lời Đức Ki Tô nói cần xoay cái Tâm trở vào bên trong mà cầu “ Còn ngươi khi cầu nguyện hãy vào phòng đóng kín cửa lại mà cầu nguyện Cha ngươi là Đấng ở nơi ẩn mật và Cha ngươi là Đấng thấy trong chỗ ẩn mật sẽ báo đáp cho ngươi” ( Mt 6, 6 ).
Cầu nguyện đích thực thì phải hướng vào bên trong mới có kết quả. Kinh Mân Côi là một phương thế cầu nguyện đã được các Thánh và Giáo Hội hết lời ca ngợi. Đgh Leon XIII nổi tiếng về lòng sùng kính Đức Mẹ đã nói “ Kinh Mân Côi là một cách sùng kính từ trời ban xuống, chẳng còn phương pháp nào tốt lành và giá trị bằng”.
Không có việc cầu nguyện nào tốt lành và giá trị bằng Kinh Mân Côi. Vậy giá trị ấy là gì ? Vấn đề này hết sức quan trọng bởi nếu không nhận ra đây là một phép tu có sức cải thiện đời sống như lời khuyên của Đức Mẹ. Phep Tu ấy chính là để giúp ta xoay cái Tâm trở vào bên trong để nhận ra Chân Bản Tánh mình ( Phản Văn Văn Tự Tánh
Để thấy được chân giá trị của Kinh Mân Côi thì trước hết cần nhận ra đây là phương pháp giúp ta có thể xoay cái Nghe trở ngược vào bên trong hầu nhận ra Bản Tánh mình ( Phản Văn Văn Tự Tánh ).
Sở dĩ cần xoay cái Nghe trở vào bên trong bởi vì do nơi ảnh hưởng của Tội Nguyên Tổ là tội phân biệt thiện ác ( St 2, 15 ) thế nên con người không ai lại không hướng ra ngoại vật để tìm cầu. Cũng vì sự tìm cầu nơi ngoại vật mà đã QUÊN mất Bản Tánh vốn đã được tạo dựng là Hình Ảnh Thiên Chúa là Con Thiên Chúa ( St 1, 26 ).
Ví quên Bản Tính nên con người đã phải sống trong vòng trói buộc của vô minh đau khổ và cũng chính vì nỗi khổ đau ấy mà con người cần quay trở về với Bản Tâm để được thoát mọi khổ ách. Sự trở về ấy được đề cập một cách không ngơi nơi các truyền thống tâm linh lớn của nhân loại. “ Hãy trở lại với Ta thì Ta sẽ trở lại với ngươi” ( Ml 3, 7 ). Sự trở về nơi Đạo Phật gọi là Giác Ngộ có nghĩa là trở về với Tánh Biết hằng hữu ở nơi chính mình.
Nói như Lão Tử thì sự trở về ấy không những chỉ cần có ở nơi con người mà nó còn diễn ra ở nơi muôn loài chúng sinh vạn vật “ Vạn vật cùng đều sinh ra ta lại thấy nó đều trở về gốc. Ôi ! mọi vật trùng trùng đều trở về cái cội gốc của nó. Trở về cội rễ gọi là “ Tịnh”. Ấy gọi là phục mạng. Phục mạng gọi là “ Thường” ( Lão Tử ĐĐK chương XVI ).
Ra đi rồi lại trở về, ra đi mà không trở về điều ấy là bất thường. Nhân loại ngày hôm nay kể cả Giáo Hội đều đã lâm cơn khủng hoảng nặng nề mà nguyên nhân gây ra cho nó là đã không còn có chốn để về !!!
Để giải quyết cơn khủng hoảng ấy Đức Mẹ đã hiện ra nhiều lần nhiều nơi đặc biệt là tại Phatima năm 1917 với ba mệnh lệnh: Hãy ăn năn cải thiện đời sống. Siêng năng lần hạt Mân Côi và Tôn sùng Trái Tim Vẹn Sạch Mẹ.
Trong ba mệnh lệnh ấy đều có liên hệ mật thiết với nhau. Chúng ta chỉ có thể cải thiện đời sống bằng cách siêng năng lần hạt và tôn sùng yêu mến Đức Mẹ là Mẹ phần tâm linh của cả nhân loại.
Đức Mẹ khuyên nhủ chúng ta siêng năng lần hạt thì sự siêng năng ấy cần thực hành trong suốt đời sống cả những khi cùng với cộng đoàn cũng như khi ở một mình. Siêng năng ngay cả khi mạnh khỏe cũng như khi ốm đau liệt lào. Nếu chỉ thực hành cùng với cộng đoàn còn không khi ở một mình thì đó không thể gọi được là siêng năng. Thế nhưng để có thể gọi được là siêng năng tức thực hành trong suốt đời sống cả những khi…ở một mình thì đó lại là một vấn đề khác.
Người ta có thể đọc kinh lần hạt cùng với cộng đoàn mà rất khó những khi ở một mình. Lý do là vì khi lần hạt cùng với cộng đoàn người ta có thể chia lòng chia trí mà cũng…chẳng sao. Trái lại khi thực hành một mình nếu cứ chia trí thì sẽ lẫn lộn Mùa này Thứ khác rồi sẽ đi đến chỗ chán nản bỏ cuộc.
Khi nói Kinh Mân Côi là phương pháp cầu nguyện rất có giá trị thì để có được giá trị ấy chúng ta cần kiên trì thực hành trong chánh niệm.
Cấu trúc đặc biệt của Kinh Mân Côi hoàn toàn không giống như các kinh nguyện khác đó là có sự phân chia ra từng Mùa từng Thứ. Mỗi thứ lại gồm có mười Kinh Kính Mừng ( bên xướng ) và ( bên thưa ) Thánh Maria Đức Mẹ Chúa trời…Kết thúc chục kinh là Kinh Sáng Danh và Kinh Lạy Cha. Nếu thực hành mà không tuân thủ trình tự ấy thì không phải Kinh Mân Côi truyền thống mà các Thánh và Giáo Hội trước đây đã khuyên nhủ và thực hành.
Với cấu trúc đặc biệt của Kinh Mân Côi như vừa nêu hẳn nhiên là phải có mục đích của nó và mục đích ấy là để giúp ta dừng lại sự chia lòng chia trí. Thực hành Kinh Mân Côi những khi ở một mình thì không thể mâc tình chia trí bởi lẽ chia trí sẽ làm cho chúng ta lẫn lộn Mùa này với Mùa khác hoặc Thứ này với Thứ khác. Không thể đang đọc Mùa Vui lại lộn sang Mùa Thương hoặc ngược lại…
Nếu việc đọc ( Tụng ) Kinh Mân Côi cùng với cộng đoàn ( nhà thờ, gia đình ) cần tuân thủ đúng trình tự của Kinh như đã nói thì khi ở một mình cũng phải vậy. Lý do là vì khi ở một mình mà không như vậy thì làm sao có thể hiệp thông cùng với cộng đoàn ?
Cần nên nhớ việc tuân thủ đúng trình tự của Kinh Mân Côi có mục đích để giúp ta tránh khỏi và cuối cùng là khả năng chấm dứt hoàn toàn sự chia trí cũng là sự nhất tâm cần có để kết hợp với Chúa.
Lý do cần chấm dứt chia trí bởi đó là sự phân tâm khiến cho ta xa cách Thiên Chúa Đấng là Chân Tâm bản tính của mỗi người. Chúa Giê Su dẫn lời tiên tri Isaia nói về việc cầu nguyện nếu cứ hướng ra bên ngoài mà cầu như thế thì việc cầu ấy sẽ chỉ khiến tâm trí chúng ta ngày càng xa cách Thiên Chúa cũng là Đấng Cha ở nơi mình.
Ý nghĩa sâu xa của sự chia trí ấy ở chỗ Tâm ta vốn là Chân Tâm vô phân biệt đã lại thành ra Vọng Tâm phân biệt. Con người như đã nói do bởi Tội Nguyên Tổ nên hoàn toàn sống với vọng tâm phân biệt để rồi đánh mất Thực Tại vô phân biệt cũng chính là Cõi Địa Đàng xưa kia mà nguyên tổ đã làm cho mất.
Đánh mất Thực Tại vô phân biệt, điều ấy gây nên mọi nỗi khổ đau cho con người và vì thế cần trở về để được sống với Thực Tại là nguồn mọi phước đức. Dù ngôn ngữ có khac nhưng con đường VỀ của các truyền thống tâm linh chẳng có chi khác. Tịnh Độ tông Phật giáo chủ trương Niệm Phật để thành Phật. “ Mười phương Như Lai thương nhớ chúng sinh như mẹ nhớ con. Nếu con trốn chạy thì mẹ dẫu nhớ con cũng làm gì được ? Nếu con nhớ mẹ như mẹ nhớ con thì mẹ con đời đời chẳng rời xa nhau. Nếu Tâm chúng sanh nhớ Phật niệm Phật đời này đời sau quyết định thấy Phật cách Phật chẳng xa. Chẳng nhờ đến phép phương tiện nào khác mà cũng tỏ ngộ được Tâm của mình như người ướp hương thân có mùi hương. Phép này gọi là “ Hương quang trang nghiêm” ( Kinh Vô Lượng Thọ ).
Trên con đường thực hiện tâm linh tất cả đều hệ tại ở cái sự NHỚ và QUÊN. Con người chỉ có thể NHỚ cái gì mình đã QUÊN tức là mình vốn có. Hết thảy chúng ta đều được sinh ra là Hình Ảnh Thiên Chúa là Con Thiên Chúa nhưng bởi vô minh ( Tội Nguyên Tổ ) che lấp nên đã QUÊN. Nhớ cái gì sẽ có cái đó. Chỉ nhớ những gì thuộc thế gian thì cái có được chỉ là thế gian, là con cái thế gian. Ngược lại chỉ khi nào nhớ đến Chúa thì mới thuộc về Chúa là Con của Chúa.
NHỚ tức là NIỆM và NIỆM cũng tức là NHỚ. Nhớ về Chúa đó là chánh niệm tỉnh giác còn nhớ về thế gian đó là tà niệm. Kinh là Lời Chúa, thực hành Kinh Mân Côi trong chánh niệm có mục đích là để giúp ta ghi nhớ được Lời Chúa ở nơi tâm tưởng mình. Một khi đã có Lời Chúa ở trong Tâm thì đương nhiên chúng ta sẽ được chuyển hóa từ ác sang thiện từ dữ sang lành. Tại sao vậy ? Bởi vì Lời Chúa được ví như gươm hai lưỡi “ Lời ĐCT là lời hằng sống, sắc như gươm hai lưỡi có thể đâm thấu đến đỗi chia hồn khớp tủy, biện biệt tư tưởng và ý định của lòng người. Chẳng có vật thọ tạo nào không được tỏ lộ ra trước mắt Ngài nhưng thảy đều trần trụi và mở ra trước Đấng mà chúng ta phải khai trình” ( Dt 4, 12 -15 ).
Bởi vì Lời Chúa… sắc như gươm có thể biện biệt tư tưởng thế nên nếu cố gắng cầm lòng cầm trí siêng năng chăm chỉ lần hạt Mân Côi thì chúng ta sẽ có được một cái khả năng rất ư cần thiết trong việc cải thiện đời sống đó là sự quán xét.
Hết thảy mọi thứ tội lỗi đều từ nơi tư tưởng mà phát xuất “ Vì từ lòng mà ra những tư tưởng ngoại tình, gian dâm, trộm cắp, làm chứng dối, lộng ngôn. Ấy là những điều làm ô uế người chứ còn ăn mà không rửa tay chẳng làm ô uế người” ( Mt 15, 19 -20 ).
Chẳng những tội mà tất cả hành vi, lời nói, việc làm đều từ nơi tư tưởng. Có tư tưởng đi đứng năm ngồi rửa bát quét nhà… thì mới làm cái việc đi đứng nằm ngồi rửa bát quét nhà…Cũng như có khởi lòng tham thì mới làm cái việc tham, có tư tưởng giết hại thì mới làm cái việc giết hại v.v…
Sở dĩ con người cứ làm hết việc tội lỗi này đến tội lỗi khác mà không cải tạo được đó là vì đã không biết nguyên nhân gây tội là ở nơi tư tưởng. Bởi đó cho nên muốn tránh được tội thì phải tránh ngay ở nơi tư tưởng khi nó vừa thoạt móng khởi. Thế nhưng muốn tránh tội từ khi nó vừa móng khởi thì phải biết được tội và việc nhận biết tội là do năng lực quán xét mà có.
Thực hành Kinh Mân Côi đó là chúng ta đã dùng Lời Chúa như là gươm bén để chặt đứt những tưởng niệm xấu ( Tà niệm ) vừa thoạt khởi ở nơi Tâm. Cái việc …chặt đứt tư tưởng xấu này diễn ra liên tục mỗi khi ta thực hành Kinh Mân Côi. Lần hạt Mân Côi không ai lại không chia lòng chia trí. Thế nhưng điều ấy không có chi phải sợ, chỉ cần chúng ta nhận biết nó là được. Nhà Thiền nói “ Bất úy tham sân khởi duy khủng tự giác trì”. Việc chia trí khi thực hành Kinh Mân Côi chẳng những chẳng có chi phải sợ mà nó còn giúp cho cái năng lực quán xét trong ta ngày càng sắc bén để chống lại mọi chước cám dỗ.
Quỷ ma có vô vàn vô số chước cám dỗ và chước cám dỗ có tính nguyên thủy khiến ông bà nguyên tổ vì không vâng lời Thiên Chúa cố tình…ăn trái cấm là trái phân biệt thiện ác nên đã bị đuổi ra khỏi Vườn Địa Đàng. Cám dỗ của quỷ Sa Tan cực kỳ tinh vi xảo quyệt khiến cho cả nền Triết/ Thần học hôm nay phải mắc mưu để bị giam hãm trong cái vòng kim cô Duy Lý không thể thoát ra được.
Duy Lý nói cách dễ hiểu đó là chỉ biết đến cái ..lý sự của mình mà không biết rằng còn có một thứ …siêu lý. Chính cái Siêu Lý đó mới có thể làm cho con người thoát khỏi cõi hữu hình hữu hoại này hầu bước vào cõi sống bất diệt dành cho những ai yêu mến Sự Thật.
Thời này hơn bao giờ hết là thời người ta không còn yêu mến và sống với Sự Thật và như thế hậu quả sẽ vô cùng thảm khốc “ Vì họ không nhận biết Sự Thật để được cứu. Ấy vì cớ đó mà ĐCT đã đưa đến cho họ sự hoạt động của lẽ lầm lạc để họ tin những lời giả dối hầu cho hết thảy những kẻ không tin Sự Thật mà vui vẻ sự bất chính đều bị định tội cả” ( 2Tx 2, 10 -12 ).
Sự dữ thì tràn lan dường như không thể ngăn cản, thế nhưng ở đâu sự dữ càng lan tràn thì ơn sủng ở đấy càng chứa chan ( Rm 5, 20 ). Đức Mẹ đầy lòng từ bi nhân hậu đã dành cho con cái Tràng Chuỗi Mân Côi rất mực đơn sơ nhưng cũng vô cùng mầu nhiệm để cứu vớt những ai hết lòng chăm chỉ thực hành hầu nên những chứng nhân cho Chúa trong thời cuối cùng này./.
Phùng Văn Hóa