Mặc dù có nhiều cách giải thích khác nhau về xuất xứ của Kinh Mân Côi. Thế nhưng có một điều không thể không nhìn nhận đó là kinh này chỉ đắc dụng trong những hoàn cảnh khổ đau, nguy nan. Có hai dẫn chứng quan trọng cho thấy điều này. Một là vào thế kỷ 13 Thánh Đa Minh đã được Đức Mẹ trao truyền Kinh Mân Côi để chống lại sự bành trướng dữ dội của bè rối Albigens. Hai là nhờ lòng nhiệt thành cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi của các tín hữu mà đã chiến thắng được quân Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ tại vịnh Lepente ngày 07.10.1571.
Cũng vì tính chất cứu khổ cứu nạn của Kinh Mân Côi thế nên trong tất cả những lần hiện ra đây đó Đức Mẹ đều đã hết lời khuyên nhủ con cái mình phải siêng năng lần hạt. Mặc dầu vậy lời khuyên chí tình này dường như đã bị con người nếu không nói là gạt bỏ thì cũng chỉ thực hành cách chiếu lệ. Ngay tại Lộ Đức một thời được mệnh danh là thủ đô của Kinh Mân Côi mà nay kinh này đã không còn được hâm mộ. Lý do được đưa ra là vì không còn thích hợp với não trạng duy lý của thời đại.
Với duy lý thì Kinh Mân Côi không thể có tác dụng. Lý do bởi vì một khi đã bước vào con đường duy lý thì đương nhiên đức tin Công giáo sẽ bị phá huỷ. Một đàng duy lý chỉ tin vào khoa học và cho rằng khoa học có thể giải quyết được mọi vấn đề. Một đàng đức tin cho biết con người không thể cậy vào sức mình để thoát khỏi khổ đau.
Thực tế cho thấy trong việc giải thoát khổ đau duy chỉ đức tin tôn giáo mới có thể làm được. Chính vì nhận thức được sự bất lực của con người trong việc giải thoát khổ đau thế nên đức Thánh cha Leo XIII một vị được ca tụng là Giáo Hoàng Mân Côi trong TĐ Supreni Apostolatus ban hành ngày 01/9/1883 đã nói “ Tông toà tối cao mà Ta đang phải gánh vác cùng với tình trạng khó khăn ngày càng tăng thêm vào thời buổi này, lưu ý và thôi thúc ta hàng ngày phải cẩn trọng canh phòng sự an toàn cũng như an sinh của Giáo Hội để rồi càng quan tâm càng thấy các tai ương Giáo Hội phải chịu càng nhiều. Bởi thế trong khi nỗ lực bằng mọi cách để bảo trì các quyền lợi của Giáo Hội cũng như để vô hiệu hoá hoặc đẩy lui những nguy hại hiện nay đang lan tràn, ta không ngừng tìm cầu sự trợ giúp bởi trời, một phương cách duy nhất có đủ mọi tác dụng, ngõ hầu những công khó và việc coi sóc của ta đạt được như lòng mong ước” ( Đa Minh Cao Tấn Tĩnh – Bí Mật Kinh Mân Côi ).
Tính từ TĐ Supreni Apostolatus đến nay đã trải qua hơn một thế kỷ và có thể nói tình trạng GH nói riêng và thế giới nói chung chẳng những chẳng có biến chuyển gì khả quan mà ngày càng trầm trọng. Người ta có thể cho rằng thế giới ngày nay đã có những tiến bộ vượt bực cả về vi mô lẫn vĩ mô. Khoa học có thể làm ra những con chíp cực nhỏ cấy vào cơ thể để làm chức năng như một máy truyền hình cũng như chế tạo ra những phi thuyền đưa người lên cung trăng và có thể lên tới Sao Hoả trong một tương lai nào đó v.v….
Cũng vì tin vào cái khả năng của khoa học có thể giải quyết được mọi vấn đề kể cả đem lại hạnh phúc cho con người thế nên tôn giáo chẳng còn có vai trò nào nữa. Với tình cảnh như vậy thì sự tàn lụi của Kinh Mân Côi cũng là điều dễ hiểu. Thế nhưng có một sự thật này là khoa học có thể tự hào về những công trình của mình nhưng nó lại hoàn toàn bất lực trước những nỗi khổ đau của con người.
Nguyên nhân khiến khoa học bất lực trước khổ đau là vì khổ đau thuộc về Tâm, một lãnh vực mà khoa học kỹ thuật không thể nào khám phá. Nói một cách chính xác thì khổ đau hay hạnh phúc đều được quyết định bởi Tâm. Tâm có nghĩ điều lành thì mới làm được điều lành mà làm điều lành thì tất có hạnh phúc. Trái lại có nghĩ điều xáu ác mới làm điều xấu ác mà làm điều xấu ác tất sẽ lãnh quả khổ đau.
Mọi sự đều được quyết định bởi Tâm ( Vạn pháp duy Tâm tạo ). Thế nhưng Tâm con người là Tâm chúng sanh bởi nó được sanh ra bởi …bà Eva “ Ađam đặt tên vợ mình là Eva bởi vì bà là mẹ của chúng sinh” ( St 3, 20 ). Do bởi Tâm con người là Tâm chúng sinh thế nên dù có muốn làm điều lành cũng không thể làm “ Vả tôi biết rằng trong tôi tức là trong xác thịt tôi chẳng có điều gì lành vì lòng muốn thì ở nơi tôi nhưng quyền lực làm điều thiện thì lại không có. Cho nên điều thiện tôi muốn thì tôi chẳng làm còn điều ác tôi không muốn thì tôi lại làm. Song nếu tôi làm điều tôi không muốn thì chẳng còn phải là tôi làm điều đó nữa bèn là tội lỗi ở trong tôi.” ( Rm 7, 18 -20 ).
Lý do tại sao ta không có quyền lực làm điều thiện ? Đó là vì đã không kiểm soát được tư tưởng mình cứ để cho nó mặc tình phóng túng. Hết thảy phàm phu chúng ta đều sống trong mê có nghĩa tư tưởng không đi liền với việc làm. Khi đi đứng nằm ngồi mặc quần áo lái xe v.v..thì không biết rằng mình đang đi đứng nằm ngồi mặc quần áo lái xe …Không biết như thế đó là Mê. Ngược lại nếu biết về những việc làm đó gọi là Tỉnh. Nhà Thiền gọi cái việc biết trong mọi hành vi đó là Sống Chánh Niệm.
Chúa Giê Su đã nhiều lần nói đến sự tỉnh thức và lần sau cùng khi ở trong Vườn Giệsimani Ngài nói với Phê Rô “ Si Mon ngươi ngủ ư, không thể thức với Ta một giờ sao ? Hãy tỉnh thức cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ. Tâm linh thật sẵn sàng mà xác thịt thì yếu đuối. Ngài lại đi cầu nguyện xin như lời trước. Rồi Ngài trở lại nữa thấy họ vẫn ngủ vì mắt họ đã đừ quá rồi và họ không biết trả lời cùng Ngài thế nào. Ngài trở lại lần thứ ba, phán cùng họ “ Bây giờ mà còn ngủ sao ? Đủ rồi, giờ đã tới, này Con Người sắp bị nộp vào tay quân dữ. Hãy trỗi dậy, kìa đứa phản Ta đã đến gần kìa” ( Mc 14, 37 – 42 ).
Đang khi Chúa Giê Su cầu nguyện trong buồn sầu đến nỗi mồ hôi máu nhỏ ra còn ba môn đệ Ngài đem theo là Phê Ro, Gia Côbê và Gioan thì vẫn cứ ngủ mê mệt. Điều ấy chứng tỏ sự tỉnh thức là hết sức khó, ngay cả khi đang phải đối diện trước cái chết của Thầy mình. Cái khó của sự tỉnh thức như lời Chúa nói, tâm linh thì sẵn sàng còn xác thịt lại yếu đuối. Một đàng Tâm cũng muốn tỉnh thức nhưng thể xác lại yếu đuối không thể chống lại cám dỗ. Hoàn cảnh của nhân loại hôm nay cũng chẳng khác nào các Tông Đồ khi xưa trong vườn Giêt Simani.
Giáo Hội là Thân Mầu Nhiệm Chúa Ki Tô đang bị các thế lực Hoả Ngục công phá dữ dội, con thuyền Thánh Phê Rô hầu như sắp chìm. Ấy vậy mà Dân Chúa vẫn …ngủ mê, việc sống Đạo chỉ có cái vỏ bề ngoài không hề chứa nơi mình sự thật “ Vì thời hầu đến, người ta không chịu đạo thuần chính. Nhưng vì họ ngứa tai nên cứ theo tư dục mình mà tập họp những giáo sư cho mình để quay lưng khỏi Sự Thật mà tẻ hướng về những chuyện hoang đường. ( 2Tm 4 ).
Bởi quay lưng lại với Sự Thật nên nhân loại hôm nay đã không còn có ý thức về tội và đây chính là điều nguy hại nhất như lời đức Thánh cha Pio XII đã nói “ Tội lớn nhất của thời đại không phải là tội này tội kia nhưng là cái tội đánh mất cảm thức về tội”. Một khi đã không còn cảm thức về tội thì cứ mặc tình phạm mà không cho đó là tội. Thế nhưng dù thế nào đi nữa thì tội vẫn cứ là tội và tất nhiên sẽ phải gặt lấy cái quả mà nó đã gieo, nào là chiến tranh, khủng bố, dịch bệnh đói kém v,v ngày càng khốc liệt.
Trong tình cảnh nguy khốn đó chỉ có thực hành Kinh Mân Côi do Đức Mẹ truyền dạy, nhân loại mới có thể được cứu thoát. Sự cứu thoát nơi Kinh Mân Côi chính là ở chỗ nó làm cho ta nhận thức được tội lỗi mà mình đã xúc phạm đến Đấng Chúa ở nơi mình nặng nề biết chừng nào. Thục hành Kinh Mân Côi sẽ cho ta nhận thức về tội. Tuy nhiên để đạt được mục đích đó thì cần phải thực hành trong chánh niệm. Chữ “ Niệm” là Hán tự nghĩa của nó là Nhớ. Chánh niệm là nhớ về Bản Tánh chân thật ở nơi bản thể mình. Ngược với chánh niệm là tà niệm hay tạp niệm là nhớ về thế giới hiện tượng sinh diệt bên ngoài mình. Đọc kinh trong chánh niệm tức là ta đang nhớ Chúa,ngược lại đọc kinh mà chia lòng chia trí là nhớ về thế gian.
Kinh Mân Côi truyền thống gồm có ba mùa = Vui, Thương, Mừng. Mỗi Mùa có năm ngắm, mỗi ngắm có mười hạt. Thực hành Kinh Mân Côi với cấu trúc đặc biệt như thế khiến Tâm ta như được cột chặt vào Lời Chúa. Kinh là Lời Chúa và Lời Chúa đem lại sức mạnh giải thoát “ Vì lời ĐCT là lời sống, linh động sắc hơn mọi gươm hai lưỡi, đâm thấu đến nỗi chia hồn linh khớp tuỷ, biện biệt tư tưởng và ý định của lòng người” ( Dt 4, 12 ).
Nhờ Lời Chúa có sức biện biệt tư tưởng nên ta có thể phân biệt đâu là chánh đâu là tà. Chính vì để cho ta có thể biện biệt tư tưởng chánh tà như thế mà Đức Mẹ mới khuyên nhủ chúng ta cần siêng năng lần hạt Mân Côi. Việc lần hạt hiện nay chưa thể nói là đã thực hiện đúng như lời khuyên của Mẹ. Nếu chỉ đọc kinh cùng với cộng đoàn trong nhà thờ thôi thì chưa phải là siêng năng. Để gọi được là siêng năng thì phải thực hành mọi lúc mọi nơi mỗi khi có thể. Chẳng hạn như lúc đi tàu đi xe, ngồi đợi việc này việc nọ …Tuy nhiên việc siêng năng ấy cần phải có thời khoá nhất định không nên bỏ qua bất cứ vì lý do gì. Theo kinh nghiệm bản thân từ hơn hai chục năm nay thì thời khoá tốt nhất là vào lúc nửa đêm khi vạn vật đã yên nghỉ, tâm không còn chao động vì ảnh hưởng bên ngoài. Mỗi thời khoá như thế tuỳ mỗi người nhưng ít nhất phải là chuỗi năm mươi trong tư thế ngồi bán già hay kiết già càng tốt.
Lý do cần lần nhiều chuỗi như thế là bởi công dụng của Kinh Mân Côi như đã nói là để cho ta nhận biết tội và tội ở đây là chúng ta thay vì Nhớ Chúa lại cứ nhớ đến thế gian.
Người không có tu tập thì suốt ngày suốt tháng suốt đời cứ nhớ chuyện thế gian. Nhớ chuyện thế gian sẽ làm chuyện thế gian nhưng vì thế gian là chốn vô thường khổ ải thế nên rút cục chỉ toàn gặp phải khổ đau mất mát. Thực hành Kinh Mân Côi có mục đích là để cho ta nhớ Chúa. Thế nhưng với bản chất hư hèn do nơi ảnh hưởng bởi Tội Nguyên Tổ nên tâm trí con người luôn hướng chiều về ngoại vật và sự hướng ra bên ngoài như thế gọi là chia lòng chia trí. Dù đọc ( khẩu tụng ) hay Tâm niệm thì ai ai cũng gặp trở ngại là sự chia trí. Thế nhưng không vì thế mà bỏ cuộc chỉ cần chúng ta tỉnh thức biết nó là chia trí sẽ hết ( Bất uý tham sân khởi duy khủng tự giác trì ).
Đọc kinh mà có chia trí cũng chẳng sao bởi đó là chuyện đương nhiên. Vấn đề ở chỗ chúng ta có bền lòng hay không. Chúa dùng dụ ngôn để nói về sự bền lòng như sau “ Trong thành kia có một ông quan án không có lòng kính sợ ĐCT cũng không vị nể người ta. Tại thành đó có một bà goá thường đến thưa với quan rằng = Xin thân oan cho tôi về kẻ nghịch thù tôi. Trải một lúc quan ấy không khứng. Nhưng cuối cùng ông nghĩ ta sẽ thân oan cho nó kẻo nó cứ quấy rầy ta mãi. Chúa lại phán rằng = Hãy nghe lời quan án bất nghĩa ấy đã nói đó. Vậy ĐCT há chẳng thân oan cho tuyển dân Ngài là kẻ đêm ngày kêu cầu Ngài dẫu Ngài nín nhịn với họ khá lâu ư ? “ ( Lc 18, 2 -7 ).
Quan án kia tuy bất lương mà còn xét xử cho người đàn bà goá vì sợ quấy rầy huống chi Thiên Chúa là đấng nhân từ vô lượng vô biên chẳng lẽ lại không nhận lời cầu của chúng ta sao ? Hơn nữa Đức Mẹ đã có lời hứa đoan chắc phần rỗi cho những ai chuyên cần lần hạt Mân Côi, chúng ta tin chắc vào lời hứa đó./.
Phùng Văn Hoá