Giáo Hội mới long trọng kỷ niệm một trăm năm Đức Mẹ hiện ra tại Phatima với ba mệnh lệnh: Tôn sùng Mẫu Tâm – Siêng năng lần chuỗi Mân Côi và cải thiện đời sống. Ba mệnh lệnh ấy có một mối liên kết sâu xa bởi đều nhắm đến mục đích để …cải thiện đời sống. Nói cách khác tín hữu chúng ta chỉ có thể cải thiện đời sống mình bằng cách tôn sùng Mẫu Tâm cùng với việc lần chuỗi Mân Côi.
Tại sao Đức Mẹ với việc ban bố ba mệnh lệnh lại chỉ nhắm đến mục đích cải thiện đời sống ? Đó là vì ba mệnh mệnh lệnh ấy chung quy cũng là để thực thi mệnh lệnh của Đức Ki Tô “ Vậy các con hãy nên hoàn thiện như Cha các con trên trời là Đấng Toàn Thiện” ( Mt 5, 48 ). Mệnh lệnh của Đức Ki Tô nhắm đến cứu cánh tối thượng đó là: Hãy nên hoàn thiện như Đấng Cha. Tuy nhiên cứu cánh ấy sẽ trở nên…bất khả nếu Lời Chúa chỉ được hiểu theo…nghĩa mặt chữ ( Sens Litteral ). Lý do là vì chúng ta không có cách chi…hoàn thiện giống như Đấng Cha khi Ngài ở mãi tít… tận trên trời !!!
Thật sự khi Chúa Giê Su nói Đấng Cha…ở trên trời đó chỉ là một thứ…tùy thuyết dùng cho những con người chưa được giáo hóa có thể chấp nhận. Còn với các Tông Đồ thì Chúa mạc khải cho họ về một Đấng Cha nội tại “ Ngày đó các ngươi sẽ biết Ta ở trong Cha. Còn các ngươi ở trong Ta và Ta ở trong các ngươi” ( Ga 14, 20 ).
Chỉ có một Đấng Cha nội tại như thế chúng ta mới có thể nên hoàn thiện có nghĩa…trở về với Ngài. Ý nghĩa sâu xa của hoàn thiện chính là trở về với Tính Thiện vốn vẫn sẵn đủ ở nơi mỗi người. Tính Thiện ấy Đức Ki Tô có khi hình tượng hóa là Nước Trời có khi là Đấng Cha v.v…
Suy cho cùng, sống đạo là sống cuộc trở về. Bằng như không phải vậy thì tôn giáo hiểu như con đường tâm linh sẽ đi vào …ngõ cụt tức không có đường về. Cuộc khủng hoảng của Giáo Hội hiện nay sở dĩ ngày càng trầm trọng là bởi đã đánh mất con đường về là chính Đức Giê Su Ki Tô “ Ta là đường là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” ( Ga 14, 6 ).
Chúa Giê Su khẳng định Ngài là con đường về với Đấng Cha và đây cũng là điều mà Thánh Phao Lô đã xác quyết “ Vì chỉ có một ĐCT và chỉ có một Đấng Trung Gian ở giữa ĐCT và loài người là Đức Giê Su cũng là người. Đấng ấy đã phó chính mình làm Giá Cứu Chuộc mọi người” ( 1Tm 2, 5 -6 ).
Đức Giê Su Ki Tô là Đấng Trung Gian giữa Thiên Chúa và loài người. Chân lý này không thể phủ nhận. Thế nhưng dưới cái nhìn của Thần Học Duy Lý thì đức Ki Tô lại là Đấng Tạo Hóa ( Logos ) và như vậy thì Ngài đâu thể còn là Con Đường của Ơn Cứu Rỗi ?
Chúa Giê Su là con đường của Ơn Cứu Rỗi và để…bước đi trên con đường ấy thì có nhiều phương thế khác nhau. Kinh Mân Côi chẳng những là một trong những phương thế đó mà còn là phương thế tối hảo. Đức Thánh cha Le’on XIII nổi tiếng nhất trong các vị giáo hoàng có lòng sùng kính Đức Mẹ được thế giới tặng cho danh hiệu Giáo Hoàng Mân Côi nói “ Kinh Mân Côi là cách cầu nguyện từ trời ban xuống. Chẳng còn phương pháp nào tốt lành và giá trị cho bằng” ( Bí Mật Kinh Mân Côi ).
Kinh Mân Côi được Đức Mẹ hết lời khuyên nhủ và các Thánh đồng thanh ca ngợi. Thế nhưng kinh nguyện này hiện đang có nguy cơ tàn lụi mà nguyên nhân gây ra cho nó chính là não trạng Duy Lý của con người thời đại. Cũng chính vì tính chất Duy Lý ấy mà Kinh Mân Côi truyền thống đã bị biến thể thành ra một thứ Suy Niệm Thần Học. Chẳng hạn khi lần hạt trong những phiên chầu trước Thánh Thể. Cứ sau mỗi ngắm người ta lại đọc một đoạn Phúc Âm tương ứng cùng với một bài suy niệm dài….
Lại nữa người ta cho rằng thực hành Kinh Mân Côi thì cần có trí tưởng tượng để gợi ra trong trí khôn về mỗi nhân vật. Phải có lý trí để phê phán, lượng giá, suy luận theo đúng tinh thần của Tin Mừng. Phải có cảm tính để khơi dậy những tình cảm cao đẹp từ mầu nhiệm….đang suy v.v..và v.v ( Xem Phương pháp THKMC – Dòng chị em Con Đức Mẹ MC Chí Hòa ).
Suy niệm Lời Chúa là Lời Hằng Sống nói chung và suy niệm Kinh Mân Côi nói riêng thì cũng chẳng khác nào suy niệm về…ăn. Chỉ suy về …ăn mà không ăn thì …no sao được ? Đức Mẹ truyền dạy việc lần chuỗi Mân Côi hẳn nhiên cũng không ngoài mục đích để cho ta được vào hưởng hạnh phúc trên Nước Thiên Đàng Đời Đời chứ chẳng phải điều chi khác.
Vào ngày 13 / 5/ 1917 Đức Mẹ hiện ra với ba trẻ chăn chiên và nói với Phan Xi Cô khi ấy mới có 9 tuổi rằng Mẹ sẽ đưa em về Thiên Đàng song với điều kiện là phải lần chuỗi Mân Côi thật nhiều. Từ đó em lần chuỗi liên tục. Thay vì đi học thì em trốn vào góc nhà lần chuỗi vì biết mình chẳng còn sống ở thế gian bao lâu nữa. Có người hỏi: Tại sao không đi học thì Phan Xi Cô trả lời: Đức Mẹ đã chẳng bảo tôi cần lần chuỗi cho thật nhiều hay sao ?
Đức Mẹ bảo với Phan Xi Cô, một em bé mới có 9 tuổi ngày ấy cũng là cho mỗi tín hữu chúng ta ngày nay: Hãy lần chuỗi thật nhiều để được vào Thiên Đàng. Ấy vậy nhưng …khổ thay người ta lại cứ muốn làm…người lớn và trí thức kia nên mới tự làm khó cho mình và cho nhau bằng cách suy niệm này khác ?
Tuy nhiên bởi vì chúng ta đã…lỡ làm người lớn lại còn sống trong cái thời Tục Hóa cao độ với đủ mọi thứ….Duy này nên xét ra cũng rất cần phải có cái…Lý của việc thực hành Kinh Mân Côi. Cái Lý ấy được xây dựng dựa trên ba trụ cột là Tín – Nguyện và Hạnh. Ba trụ cột ấy được ví như chiếc kiềng ba chân. Bỏ đi bất cứ…chân nào thì kiềng sẽ đổ.
I/- Tín.
Đức Mẹ hiện ra tại Phatima ban bố ba mệnh lệnh cùng với lời tiên báo được gọi là Bí Mật Thứ Ba dành riêng cho chị Lucia rằng sẽ có sự phản bội đức tin ( Apostasy ) lớn lao trong Giáo Hội. Sự phản bội ấy đã diễn ra một cách cụ thể, rõ ràng tại CĐ Vatican II với chủ trương Đại Kết Hiệp Nhất với giáo phái Thệ Phản Tin Lành. Một khi đã hiệp nhất với Tin Lành thì đức tin nơi Bí Tích Thánh Thể đương nhiên bị phá đổ. Đồng thời Đức Mẹ sẽ không được nhìn nhận là Đấng Đồng Công Cứu Chuộc v.v…
Đức tin một khi đã bị phản bội như thế thì Kinh Mân Côi sẽ không thể thực hành như một phương thế Cứu Rỗi. Tại sao ? Bởi vì Kinh Mân Côi có mục đích đem lại Ơn Cứu Rỗi nhưng với điều kiện là phải có lòng tin. Vậy lòng tin nơi kinh nguyện ấy là gì ? Đó là tin vào sự cầu thay nguyện giúp của Đức Maria “ Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử”. Nếu như không tin Đức Mẹ là Đấng Đồng Công Cứu Chuộc thì làm sao có thể xin Ngài cầu thay nguyện giúp cho mình ?
Một điều khác cũng cần phải tin đó là tin vào những sự sau hết gọi là Tứ Chung: Chết, Phán Xét, Thiên Đàng, Hỏa Ngục. Không tin những điều ấy thì không thể có lời cầu gọi là Lời Than Phatima vẫn được đọc sau Kinh Sáng Danh: “ Lạy Chúa Giê Su xin tha tội chúng con, xin cứu chúng con khỏi lửa Hỏa Ngục và đem các linh hồn lên Thiên Đàng nhất là những linh hồn cần đến Lòng Thương Xót Chúa hơn”.
Không những cầu xin Lòng Thương Xót cho mình mà còn cầu cho những ai cần đến Lòng Thương Xót Chúa hơn. Đó là điều rất đẹp lòng Chúa. Tại sao ? Bởi vì với lời cầu ấy chứng tỏ mình là những tội nhân và như thế cũng là đối tượng của Ơn Cứu Độ “ Vì Ta đến không phải để kêu gọi người công chính nhưng là kẻ có tội” ( Mt 9, 13 ).
Chúa không kêu gọi người công chính bởi những con người ấy cậy dựa vào công đức mình nên rất khó để tin vào lời hứa của Chúa “ Lòng các ngươi chớ bối rối. Đã tin ĐCT thì cũng hãy tin Ta nữa. Trong Nhà Cha Ta có nhiều chỗ. Bằng chẳng vậy Ta đã nói cho các ngươi rồi. Ta đi để sắm sẵn cho các ngươi một chỗ. Khi Ta đi mà sắm sẵn cho các ngươi một chỗ rồi thì Ta sẽ trở lại, tiếp các ngươi về với Ta hầu cho Ta ở đâu thì các ngươi cũng sẽ ở đó với Ta” ( Ga 14, 1- 3 ).
Chúa…đi tức qua cái chết và Phục Sinh của Ngài để cho ta được về Thiên Đàng hưởng Nhan Thánh Chúa đời đời. Chúng ta hết lòng tin vào sự hiện hữu của Thiên Đàng như lời Chúa hứa và nguyện ước được về nơi ấy để được sống bên Ngài.
II/- Nguyện.
Như đã biết trong cầu nguyện luôn bao hàm hai yếu tố. Một là Cầu và hai là Nguyện. Cầu là cầu xin những ơn này ơn khác. Còn Nguyện là ước nguyện là mong mỏi. Chỉ có Cầu mà không Nguyện thì đó không phải..cầu nguyện. Sự ước nguyện ấy đã được thể hiện hầu như trong tất cả các kinh nguyện Công Giáo. Chẳng hạn lời kết của Kinh Truyền Tin “ Xin vì công ơn Chúa chịu nạn chịu chết trên Cây Thánh Giá cho chúng con ngày sau khi sống lại được lên nơi vinh hiển cũng vì công nghiệp Chúa Ki Tô là Chúa chúng con. Amen”.
Ước nguyện điều gì sẽ có điều ấy “ Vì hễ ai xin sẽ được. Ai tìm sẽ gặp. Ai gõ sẽ được mở cho” ( Lc 11, 10 ). Chúa nói hễ cứ xin sẽ được. Có ước nguyện về Thiên Đàng tất sẽ được về Thiên Đàng. Tuy nhiên cái việc…xin tức cầu nguyện ấy cần phải hết sức kiên trì. Không kiên trì thì ước nguyện sẽ không thành.
Hơn bất cứ kinh nguyện nào khác. Thực hành Kinh Mân Côi chính là để thể hiện sự kiên trì như lời Đức Mẹ dạy: Hãy siêng năng lần hạt. Sở dĩ chúng ta có thể kiên trì cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi chính là vì cấu trúc đặc biệt của nó. Ai cũng biết Kinh Mân Côi ( truyền thống ) gồm có ba mùa: Vui – Thương – Mừng. Mỗi Mùa gồm có năm Thứ. Mỗi Thứ gồm có mười Kinh Kính Mừng. Việc lặp đi lặp lại các Kinh Lạy Cha và Kinh Kính Mừng như thế khiến cho Kinh Mân Côi không giống với bất cứ kinh nguyện nào khác.
Về ý nghĩa của việc lặp đi lặp lại Kinh Kính Mừng có nhiều cách lý giải khác nhau. Có người cho rằng hễ yêu mến ai thì hay nhắc gọi đến tên người đó. Người khác lại cho rằng Kinh Mân Côi là bản tóm lược Phúc Âm. Người khác nữa lại nói rằng Kinh Mân Côi là thể hiện 150 TV Cựu Ước v.v…Thế nhưng những cách lý giải ấy đều tỏ ra…không ổn và rồi Kinh Mân Côi đã không được thực hành đúng như ý nguyện của Đức Mẹ là cầu thay nguyện giúp để cho ta có được hạnh phúc Thiên Đàng.
Để giải thích tại sao Kinh Mân Côi lại cứ lập đi lập lại Kinh Kính Mừng như thế chúng ta cần dựa vào nguyên lý Vạn Pháp Duy Tâm Tạo “ Phật do Tâm thành. Đức do Tâm chứa. Công do Tâm tu. Phước do Tâm ra. Họa do Tâm tạo. Tâm làm ra Địa Ngục. Tâm làm ra chúng sanh. Hễ Tâm chánh thì thành Phật. Tâm tà thì thành ma. Tâm từ là người của Trời. Tâm ác là người của La Sát. Cái Tâm là hạt giống của hết thảy tội phước” ( Kim Cang Luận ).
Một khi Tâm là hạt giống của hết thảy tội phước thì với việc siêng năng thực hành Kinh Mân Côi, lập đi lập lại ( huân tập ) lời chào của sứ thần Gabriel: “ Kính chào Bà đầy ơn phúc. Thiên Chúa ở cùng Bà” ( Lc 1, 28 ) thì chúng ta hẳn nhiên cũng sẽ được đầy ơn phúc vì có Chúa ở cùng.
III.- Hạnh.
Hạnh ở đây tức là hành trì đồng thời cũng chính là phương pháp thực hành Kinh Mân Côi. Trước khi lần chuỗi bao giờ ông bà quản cũng xướng lên …công thức: Phép lần hạt ngắm tắt năm sự….vui hoặc thương, mừng. Khi cùng với cộng đoàn thì chia ra hai bè bên nam bên nữ. Bên này…xướng thì bên kia…họa và ngược lại. Mặt khác Giáo Hội còn quy định những ngày thứ hai, thứ năm đọc Mùa Vui. Thứ ba, thứ sáu đọc Mùa Thương. Thứ bảy, chủ nhật đọc Mùa Mừng.
Khi cùng với cộng đoàn tại nhà thờ hay gia đình thì đọc ( Tụng ) ra tiếng. Còn những khi …một mình thì niệm thầm trong Tâm. Đọc Kinh Mân Côi cùng với cộng đoàn cũng sinh nhiều ơn ích bởi như Chúa nói “ Nơi nào có hai, ba người nhân danh Ta mà nhóm họp ( cầu nguyện ) thì Ta ở giữa họ” ( Mt 18, 20 ). Thế nhưng nếu việc tụng đọc ấy chỉ diễn ra cùng với cộng đoàn rồi thôi thì đó chưa…đúng ý Đức Mẹ khi Ngài khuyên chúng ta phải siêng năng lần hạt.
Để có thể thi hành lời khuyên của Đức Mẹ, chúng ta cần hiểu mục đích việc thực hành Kinh Mân Côi chính là để ta có thể cải thiện đời sống mình. Cải thiện đời sống đây chính là…TU và việc TU ấy cần thực hiện ở nơi Tâm. Tại sao ? Bởi vì tất cả hành vi, lời nói, việc làm cũng như điều thiện, điều ác đều được quyết định từ nơi tư tưởng. Chúa nói: “ Vì từ lòng mà phát ra những ác tưởng: Giết hại, ngoại tình, gian dâm, trộm cướp, làm chứng dối và lộng ngôn” ( Mt 15, 15 -19 ).
Nếu tất cả đều do tư tưởng thì việc Tu ấy dĩ nhiên là phải TU phải sửa từ ở nơi tư tưởng. Kinh Mân Côi là một thứ Tâm Pháp có mục đích để cho ta …chuyển hóa từ tư tưởng ác ( ác tưởng ) thành tư tưởng thiện ( thiện tưởng ). Do bởi vô minh nên con người không ai lại không chấp chứa ở nơi mình những ác tưởng tham lam, sân hận, ganh ghét, đố kỵ, kiêu căng….
Chứa chấp ác tưởng ở nơi mình sẽ làm điều ác và làm điều ác sẽ đưa đến khổ đau và chết “ Tư dục đã hoài thai thì sanh ra tội lỗi. Tội lỗi một khi đã lớn lên thì sản xuất sự chết” ( Gc 1, 15 ). Lý do khiến Kinh Mân Côi có thể chuyển hóa …ác tưởng thành thiện tưởng là bởi toàn bộ Kinh này là Lời Chúa “ Vì lời ĐCT là lời hằng sống sắc hơn mọi gươm hai lưỡi. Đâm thấu đến nỗi chia hồn linh khớp tủy. Biện biệt tư tưởng và ý định của lòng người” ( Dt 4, 12 ).
Đồng một thời ở nơi Tâm không thể khởi được hai tư tưởng đối nghịch. Có tư tưởng thiện thì không có tư tưởng ác và ngược lại. Hiểu như thế thì vấn đề ở đây là muốn được bình an, hạnh phúc thật sự thì cần duy trì ở nơi Tâm những tư tưởng thiện lành. Ngược lại cứ chất chứa ác tưởng ở nơi Tâm thì không có cách chi tránh khỏi khổ đau.
Tu tập bằng cách siêng năng thực hành Kinh Mân Côi chính là để duy trì ở nơi Tâm những tư tưởng thiện lành tức Lời Chúa sẽ có được bình an, hạnh phúc và hạnh phúc ấy mang tính chất giải thoát có nghĩa để cho ta nhận biết Sự Thật ( Ga 8, 31 -32 ).
Như đã nói Kinh Mân Côi là một thứ Tâm Pháp vì vậy cần có phương pháp thực hành cho đến suốt đời. Vào thời khắc nhất định trong ngày tốt nhất là lúc đêm khuya thanh vắng. Ngồi tĩnh tọa trong thế …hoa sen kiết già. Nếu không thì…bán già cũng được miễn sao có thể ngồi lâu không mỏi mệt và tâm trí an tịnh. Thời khóa của một ngày như thế ít nhất cần …lần đủ một chuỗi. Không vì bất cứ lý do gì được bỏ. Theo kinh nghiệm bản thân từ hơn ba chục năm nay vì là hội viên Legio thế nên ngày ( đêm ) nào tôi cũng đọc hết bản kinh Tessera cùng với chuỗi năm mươi.
Với quyết tâm theo đuổi mục đích để cải thiện đời sống như thế. Chắc chắn sẽ được Chúa ban ơn và Đức Mẹ chúc phúc. Là người Công Giáo thì đã mang nơi mình niềm hy vọng lớn lao. Thế nhưng niềm hy vọng ấy chỉ phát khởi và thành tựu khi chúng ta tích cực sống với ơn gọi Nên Thánh của mình. Ơn gọi ấy, hạnh phúc thay chúng ta lại có được lời hứa cho những ai siêng năng lần chuỗi Mân Côi “ Sẽ được nhận biết và yêu mến Thiên Chúa”.
Còn gì lớn lao hơn là ơn “ Nhận biết và yêu mến Thiên Chúa” Bởi vì nhận biết và yêu mến Thiên Chúa đó chẳng phải là gia nghiệp của những kẻ được tuyển chọn sao ?./.
Phùng Văn Hóa