Trong Giáo hội Công giáo, tháng Năm là tháng của Mẹ Maria. Đó là tháng chúng ta tôn vinh Mẹ Maria là Mẹ Chúa Giêsu và Mẹ Thiên Đàng của chúng ta. Có bao giờ bạn dừng lại và tự hỏi tại sao tháng Năm là tháng dành cho Mẹ Maria? Tại sao không phải là tháng Tư hay tháng Sáu? Tháng Năm đã đến, đây là lúc thích hợp để tìm hiểu cách thực hành này bắt đầu từ bao giờ và trả lời câu hỏi: “Tại sao lại là tháng Năm?”
Tại sao lại là tháng Năm?
Các nhà sử học không chắc chắn chính xác tại sao tháng Năm được chọn để tôn vinh Mẹ Maria, nhưng nhiều người phương Tây tin rằng tháng Năm là tháng mùa xuân bông hoa nở rộ có liên quan nhiều đến điều đó. Tháng Năm là cao điểm của mùa xuân – những khu vườn khắp nơi bừng sức sống với muôn hoa đua nở và cây cối sum suê cành lá. Vào thời trung cổ, có một truyền thống xua đuổi mùa đông vào thời điểm này trong năm, vì ngày mùng 1 tháng Năm được coi là ngày bắt đầu một vụ mùa mới. Sự khởi đầu mới và sự sinh sôi mới này trong tự nhiên nhắc nhở chúng ta về cuộc sống mà Mẹ Maria đã trao ban cho Chúa Giêsu. Nếu Mẹ Maria không sinh hạ Chúa Giêsu thì tất cả những biến cố sau đó: cuộc đời, cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu đã không xảy ra. Vì vậy, người ta tin rằng tháng Năm – khi thiên nhiên bắt đầu có dấu hiệu của sự sống – là tháng lý tưởng để tôn vinh người phụ nữ đã trao ban sự sống cho Đấng Cứu Thế của chúng ta.
Liên kết với thời cổ xưa
Một niềm tin khác về lý do tại sao tháng Năm được chọn để tôn vinh Mẹ Maria bắt nguồn từ người Hy Lạp và La Mã cổ đại. Trong thế giới Hy Lạp cổ đại, tháng Năm được dành riêng cho Artemis, nữ thần của sự sinh sôi và sự sống. Văn hóa La Mã đã liên kết tháng Năm với Flora, nữ thần của sự phong nhiêu và hoa nở. Người La Mã tổ chức ludi florales – lễ hội vui chơi với hoa – như một sự chuẩn bị để bước vào tháng Năm và chào mừng sự khởi đầu của mùa xuân. Tháng Năm là thời điểm bắt đầu chính thức của mùa xuân trong văn hóa La Mã. Theo thời gian, truyền thống cổ xưa về việc tôn vinh sự sống và khả năng sinh sản vào tháng Năm đã khiến các Kitô hữu chọn tháng Năm làm tháng để tôn vinh Mẹ của Chúa Giêsu.
Truyền thống tôn vinh Mẹ Maria vào tháng Năm bắt đầu từ khi nào?
Ý tưởng dâng tháng Năm kính Mẹ Maria bắt đầu từ một truyền thống cổ xưa, “30 Ngày Sùng Kính Mẹ Maria”, ban đầu được tổ chức từ ngày 15 tháng 8 đến ngày 14 tháng 9. Trong suốt tháng, các hoạt động sùng kính đặc biệt dành cho Mẹ Maria được tổ chức. Bằng cách này, Giáo hội đã có thể Kitô giáo hóa các lễ hội thế tục thường diễn ra vào thời điểm đó. Vào thế kỷ 16, sách cổ vũ lòng sùng kính Mẹ Maria xuất hiện. Nhưng gần cuối thế kỷ 17, Cha Latomia, một tu sĩ Dòng Tên ở Rôma, đã giúp truyền bá lòng sùng kính này. Cha xin Mẹ Maria giúp đỡ để chống lại sự vô đạo đức trong đám học sinh của mình. Vào thế kỷ 18, lòng sùng kính lan rộng đến các trường cao đẳng khác do Dòng Tên điều hành, và một thời gian sau, lòng sùng kính đó được thực hành công khai tại Nhà thờ Gesu ở Rôma. Từ đó lòng sùng kính lan ra toàn thể Giáo hội. Điều này cũng kết hợp với việc Giáo hội dành tháng Sáu cho Thánh Tâm Chúa Giêsu và tháng Mười cho chuỗi Mân Côi.
Dâng hoa cho Mẹ Maria suốt tháng Năm, còn gọi là Tháng Hoa.
Để bày tỏ lòng tôn kính đối với Mẹ Maria, người tín hữu Việt Nam thực hành nhiều việc đạo đức bình dân như: rước kiệu Đức Mẹ, lần chuỗi Mân Côi, dâng hoa…Nhiều nhà thờ Công giáo Việt Nam tổ chức “Dâng hoa tháng Năm”. Sử ký Địa phận Trung (Nhà in Phú Nhai Đường, 1916, trang 223) mô tả rõ nét: “Trong tháng 5 Tây, quen gọi là Tháng Hoa Đức Bà thì trong các họ nhà xứ và trong nhiều họ lẻ, tối nào bổn đạo cũng đến nhà thờ mà dâng hoa kính Đức Bà. Lại các tối thứ Bảy và hôm trước các ngày lễ trọng trong tháng ấy thì rước hoa cùng kiệu tượng ảnh Đức Bà. Trong những làng to, thường rước hoa và kiệu tượng Đức Bà một tuần lễ hai lần. Song những họ nhỏ, có khi đến tối dâng hoa đổi lượt, một tối có, một tối không.”
Các tín hữu dâng lên Mẹ Maria những bông hoa để biểu thị Mẹ là Nữ Vương vì Mẹ là Mẹ của Con Thiên Chúa, Đấng là Vua Thiên Đàng của chúng ta. Nghi lễ này là một cách để thể hiện tình yêu của người tín hữu đối với Mẹ Maria.
Đó là một truyền thống Công giáo để tôn vinh Mẹ Maria trong tháng Năm. Lý do tại sao chúng ta tôn vinh Mẹ Maria được tóm tắt hay nhất bởi Đức Chân Phúc Giáo Hoàng Phaolô VI, là người đã viết Thông điệp “Mense Maio – Trong tháng Năm” ngày 30 tháng Tư năm 1965: “Khi tháng Năm đang đến gần, tức tháng mà các tín hữu biểu lộ lòng sùng mộ cách đặc biệt với Mẹ Maria, tâm hồn Tôi vui mừng khi nghĩ tới những cảnh tượng đầy xúc động của Đức Tin và Đức Ái sắp sửa diễn ra trên toàn thế giới để tôn kính Nữ Vương Thiên Đàng. Trong thực tế, đây chính là tháng mà những lời ca khẩn nguyện và tôn vinh Mẹ Maria sẽ vang lên cách rộn ràng và nồng say hơn bao giờ hết trên khắp Giáo hội cũng như trong tâm hồn các Kitô hữu. Và đây cũng là tháng mà mọi ân sủng phát xuất từ lòng nhân hậu của Thiên Chúa sẽ được tuôn đổ cách dồi dào từ ngai vinh hiển của Ngài” (số 1).
Lý do người Công giáo tôn kính Mẹ Maria vào tháng Năm
Cũng trong thông điệp Mense Maio ấy, Đức Chân phúc Giáo Hoàng Phaolô VI đã viết về tầm quan trọng của lời chuyển cầu của Mẹ Maria cho toàn thế giới, giải thích rằng những ai gặp gỡ Mẹ là gặp gỡ Con của Mẹ, Chúa Giêsu: “Việc luôn luôn tìm đến trú ẩn nơi Mẹ Maria còn có ý nghĩa gì khác nếu không phải là một cuộc kiếm tìm Chúa Kitô, Đấng Cứu Chuộc chúng ta, trong Mẹ, nhờ Mẹ và với Mẹ, cũng như trong vòng tay của Mẹ” (số 2).
Giáo hội Công giáo dành tháng Năm để tôn vinh Mẹ. Việc đó đã trở thành một truyền thống để tôn vinh Đức Trinh Nữ Maria. Trong hầu hết các nhà thờ Công giáo, và ngay cả trong nhiều gia đình Công giáo, một “Bàn thờ Tháng Năm” được dựng lên với một bức tượng hoặc ảnh của Đức Mẹ, hoa và nến. Bàn thờ được lưu giữ từ ngày 1 đến ngày 31 tháng 5 như một lời nhắc nhở về tầm quan trọng của Mẹ Maria trong đời sống của Giáo hội và trong cuộc sống của chính chúng ta nữa.
Mẹ Maria có được tôn thờ như một Nữ thần hay không?
Người Công giáo không tôn thờ Mẹ Maria, chúng ta không coi Mẹ Maria là một nữ thần dưới bất kỳ hình thức nào. Chúng ta tôn vinh hoặc tôn kính Mẹ như Mẹ của Chúa Giêsu. Chúng ta sửa đổi phong tục Hy Lạp và La Mã: thờ các nữ thần trong tôn giáo của họ, thành tôn vinh Mẹ Maria, người phụ nữ quan trọng nhất trong Kitô giáo của chúng ta. Thế thôi. Đó là lý do tại sao người Công giáo nói chung tôn vinh Mẹ Maria trong tháng Năm.
Dưới đây là những lý do tại sao nên tôn vinh Mẹ Maria trong tháng này.
- Mẹ là Người đã thể hiện đức tin tinh tuyền nhất.
Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo viết: “Đức Trinh Nữ Maria thể hiện cách trọn hảo sự vâng phục của đức tin. Trong đức tin, Đức Maria đón nhận lời sứ thần Gabriel loan báo và đoan hứa, vì Mẹ tin rằng “đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37) , và Mẹ bày tỏ lòng quy phục: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38). Bà Êlisabét chào Mẹ Maria bằng những lời này: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Ngài đã nói với em” (Lc 1,45). Chính vì đức tin này mà Mẹ Maria sẽ được mọi đời khen là diễm phúc. Trong suốt cuộc đời của Mẹ Maria, và cho đến cuộc thử thách tột bậc, khi Chúa Giêsu Con Mẹ chết trên thập giá, đức tin của Mẹ đã không hề lay chuyển. Mẹ Maria không ngừng tin rằng lời Chúa sẽ “được thực hiện”. Vì vậy Hội Thánh tôn kính Mẹ Maria là người đã thể hiện đức tin một cách tinh tuyền nhất” (GLGHCG, số 148-149)
- Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa.
Mẹ là khí cụ của sự Nhập thể và lời Xin vâng, hay Fiat của Mẹ, đã làm cho Chúa Giêsu có thể trở thành vị Người – Chúa, chịu đóng đinh để cứu độ chúng ta. Công Đồng chung Êphêsô năm 43l công bố rằng: “Đức Maria thực sự trở thành Mẹ Thiên Chúa qua việc Con Thiên Chúa làm người trong lòng Mẹ. “Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, không phải vì Ngôi Lời đã nhận thiên tính của Ngài từ nơi Mẹ, nhưng vì chính từ Mẹ mà Ngài đã nhận được một thân xác thánh thiêng có linh hồn. “Biến cố Truyền tin cho Đức Maria mở đầu “thời gian tới hồi viên mãn” (Gl 4,4), nghĩa là, lúc hoàn thành các lời hứa và các sự chuẩn bị. Mẹ Maria được mời gọi cưu mang Đấng mà nơi Ngài “tất cả sự viên mãn của thần tính hiện diện cách cụ thể” (Cl 2,9)… Chúa Thánh Thần, là “Chúa và là Đấng ban sự sống”, được sai đến để thánh hoá cung lòng Đức Trinh Nữ Maria và làm cho Mẹ thụ thai một cách thần linh, khi tác động để Mẹ cưu mang Con vĩnh cửu của Chúa Cha trong nhân tính được đảm nhận từ nhân tính của Mẹ” (GLGHCG, số 484, 485).
Trong các sách Tin Mừng, Đức Maria được gọi là “Mẹ Chúa Giêsu” (Ga 2, 1; 19,25) (Mt 13,55). Dưới sự thúc đẩy của Thánh Thần, Mẹ được xưng tụng là “Mẹ của Chúa tôi” (Lc 1,43) ngay cả trước khi Con Mẹ sinh ra. Quả thế Đấng mà Mẹ cưu mang làm người bởi Thánh Thần, Đấng thực sự là con Mẹ theo xác phàm, chính là Con hằng hữu của Chúa Cha, Ngôi Hai trong Ba Ngôi chí thánh. Vì vậy, Hội Thánh tuyên xưng Mẹ Maria thực sự là “Mẹ Thiên Chúa” (Theotokos) (DS 25l).
- Mẹ là người môn đệ đầu tiên và hoàn hảo nhất.
Mẹ Maria là người đầu tiên nghe Tin Mừng, và là người đầu tiên theo Chúa Kitô. Toàn bộ cuộc đời của Mẹ là để phục vụ Con của Mẹ và Sứ Mệnh của Ngài trên thế giới. Vì không bị ảnh hưởng bởi Tội Nguyên Tổ, Mẹ có thể mở lòng trọn vẹn với Thánh Ý của Thiên Chúa.
Rõ ràng Mẹ Maria là môn đệ đầu tiên và hoàn hảo nhất, là bổn mạng của cộng đoàn những người tuyên xưng niềm tin vào Con Chí Thánh của Mẹ. Mẹ Maria là môn đệ đầu tiên và hoàn hảo vì một mình Mẹ đồng hành với Con của Mẹ trong suốt cuộc đời trần thế của Ngài, trong những năm tháng trưởng thành thầm lặng của Ngài và trong suốt sứ vụ công khai của Ngài. Bằng cách này, Mẹ Maria đã dạy chúng ta bản chất của vai trò môn đệ thực sự là gì. Đó là một cam kết trọn vẹn, cá vị để mời Chúa Kitô dẫn dắt chúng ta trong cuộc sống, mọi lúc và trong mọi hoàn cảnh,
Như Mẹ Maria đã được tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần vào lúc Nhập Thể, thì chúng ta cũng đã lãnh nhận quyền năng của Chúa Thánh Thần trong Bí Tích Rửa Tội, Thêm Sức và mỗi lần lãnh nhận Mình và Máu Thánh Chúa. Giống như Đức Mẹ đã hạ sinh Con Thiên Chúa, thì chúng ta cũng được mời gọi để đưa Chúa của chúng ta vào thế giới với tư cách là môn đệ của Ngài một cách thiêng liêng, bằng cách để cho Chúa Kitô “lớn lên” trong chúng ta và cái tôi của chúng ta vốn chỉ quan tâm đến bản thân phải “nhỏ đi”.
- Mẹ là Mẹ Hội Thánh và Mẹ của chúng ta.
Mẹ thực sự là như thế. Nói một cách đơn giản, Mẹ là Mẹ của chúng ta vì tất cả chúng ta đều là chi thể của Nhiệm Thể Chúa Kitô. Vì Mẹ đã sinh ra Thân thể Nhiệm mầu đó, nên Mẹ cũng là mẹ của chúng ta. Khi Mẹ đưa ra quyết định của mình, Mẹ đã trở thành Mẹ của chúng ta trong ân sủng. Mẹ có thể không sinh ra chúng ta về mặt thể xác, nhưng chắc chắn Mẹ đã sinh ra chúng ta về mặt tâm linh.
Chương thứ tám của hiến chế “Lumen Gentium” trích dẫn thánh Augustinô khi gọi Đức Maria là “Mẹ của các chi thể của Chúa Kitô” và khẳng định rằng “Giáo hội Công giáo, được Chúa Thánh Thần dạy dỗ, tôn kính Mẹ với lòng hiếu thảo và lòng đạo đức như một người Mẹ yêu dấu nhất.”
Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo xác định vai trò độc nhất của Đức Maria là được tôn vinh trên tất cả các vị thánh khác, kể cả các Tông đồ. Dưới chân thập tự giá, trái tim Mẹ tan nát vì Chúa Giêsu, nhưng Mẹ đã chấp nhận ý muốn của Thiên Chúa không chỉ cho Con của Mẹ, mà còn cho chính Mẹ trong vai trò mới là Mẹ của tất cả chúng ta. (Ga 19:25-27) Vì thế, không những Mẹ là Mẹ Chúa Giêsu, và là Mẹ Thiên Chúa, mà Mẹ còn là Mẹ Giáo Hội.
Khi chúng ta tôn vinh Mẹ Maria là Mẹ của Giáo hội chúng ta, và của toàn thể nhân loại, chúng ta cũng hãy bắt chước niềm tin của Mẹ vào lòng trung thành của Chúa, Đấng luôn giữ Lời của Ngài.
- Mẹ yêu thương chúng ta nhiều hơn những gì ta có thể tưởng tượng.
Đức Maria là Mẹ chúng ta. Mẹ là người Mẹ đáng mến thương nhất trong các người mẹ, nhưng Mẹ cũng là người mẹ đầy tình thương, người Mẹ yêu thương con cái mình hơn tất cả mọi người mẹ. Nếu không, liệu Mẹ có chịu đựng nỗi kinh hoàng khi nhìn thấy Con của Mẹ bị hành hạ, đánh đòn, đội mão gai, vác Thánh Giá lên đồi Canvê và chết một cái chết khủng khiếp trên đó không? Mẹ đã làm điều đó cho tất cả chúng ta, bởi vì Mẹ hiểu rằng Cuộc Khổ Nạn và Đóng Đinh của Chúa Giêsu là con đường duy nhất dẫn đến sự cứu độ của của chúng ta. Không có người mẹ nào có thể yêu thương chúng ta như Mẹ. Đó là cả một đại dương mầu nhiệm của tình mẫu tử đã được thần linh hóa, vì tình Mẹ Maria yêu thương chúng ta là tình thương của Mẹ Chúa Giêsu, Mẹ Thiên Chúa!
ĐGH Bênêđíctô XVI phát biểu tại cuộc tiếp kiến chung hàng tuần tại Castel Gandolfo vào ngày 16-8-2006: “Chúng ta có thể chắc rằng: từ trên cao, Mẹ Maria luôn quan tâm dịu dàng dõi theo bước ta đi, xua tan nỗi u ám trong những giây phút tăm tối thống khổ, ủi an vỗ về ta với bàn tay mẫu tử của Mẹ. Chúng ta được khích lệ khi nhận thức về điều này, hãy tiếp tục tin tưởng bước đi trên con đường dấn thân của Kitô hữu ở bất cứ nơi đâu mà Chúa Quan Phòng dẫn ta tới. Chúng ta hãy tiến bước trong cuộc sống dưới sự dẫn dắt của Mẹ Maria.”
- Mẹ Maria là trạng sư, đấng bảo trợ, phù hộ và trung gian.
Công việc của Mẹ, có thể nói, bắt đầu từ lúc Mẹ thụ thai Chúa Giêsu trong lòng Mẹ và tiếp tục cho đến ngày nay. Hơn nữa, công việc đó sẽ tiếp tục mãi mãi. Là môn đệ đầu tiên và hoàn hảo nhất, Mẹ tận tụy đồng hành với Chúa Giêsu và tiếp tục sứ mệnh cứu độ của Chúa Giêsu bằng cách chuyển cầu cho chúng ta để chúng ta nhận được ơn cứu độ đời đời. Mẹ làm việc 24/7/365/luôn mãi, cho bất cứ điều gì chúng ta cần, bất cứ khi nào chúng ta cần.
Đức Maria thực thi vai trò “trạng sư” bằng cách hợp tác với Chúa Thánh Thần cũng như với Đấng mà trên Thập giá đã bào chữa cho những kẻ bách hại mình (Lc 23, 34), và Đấng mà thánh Gioan đã gọi là “trạng sư của chúng ta trước Chúa Cha” (1 Ga 2, 1). Như một bà mẹ, Đức Maria bênh vực con cái của mình và che chở họ khỏi những thiêt hại do tội lỗi gây ra.
Các Kitô hữu kêu cầu Đức Maria như là “Đấng Bảo trợ”, bởi vì họ biết rằng tình yêu hiền mẫu của Mẹ thấy những sự cần thiết của con cái, và sẵn sàng mau mắn can thiệp để giúp đỡ họ, nhất là khi liên quan tới phần rỗi đời đời của họ.
Niềm xác tín rằng Đức Maria gần gũi những kẻ đau khổ và gặp phải cơn gian nan nguy hiểm đã gợi cho các tín hữu kêu cầu Đức Maria như là “Đấng phù hộ”. Niềm xác tín này đã được phát biểu qua một kinh nguyện cổ xưa với những lời sau đây: “Lạy Đức Mẹ Chúa Trời, Ngài xiết bao thánh thiện, này chúng con chạy đến tìm nương ẩn nơi Ngài. Lúc sa vòng gian khổ, khi gặp cảnh phong trần, lời con cái nài van, xin mẹ đừng chê bỏ, nhưng xin hằng giải thoát khỏi ngàn nỗi hiểm nguy, ôi vinh diệu ai bì, Trinh nữ đầy ơn phước!” (Giờ Kinh Phụng vu)
Với tư cách là “Đấng Bảo trợ”, Đức Maria trình bày cho Đức Kitô những ước muốn và lời khẩn nguyện của chúng ta, và chuyển lại cho chúng ta những ơn huệ của Chúa; Mẹ luôn luôn chuyển cầu giúp đỡ chúng ta.
Vì tất cả những lý do này và hơn thế nữa, Mẹ Maria xứng đáng được tôn vinh, không chỉ trong tháng Năm mà còn luôn mãi.
Phêrô Phạm Văn Trung (tổng hợp)