Để trả lời cho câu hỏi: Có phải Đức Mẹ được cứu chuộc trước khi Đức Ki Tô ra đời hay không, chúng ta cần biết thế nào là… cứu chuộc ? Thông thường, người Công Giáo xưa nay vẫn cho rằng Cứu Chuộc hay Cứu Rỗi có nghĩa sau khi chết nếu ai sống trong ơn nghĩa Chúa thì sẽ được lên Thiên Đàng hưởng phúc đời đời.
Hiểu như vậy là…đúng. Tuy nhiên trong trường hợp của Đức Mẹ thì sao ? Theo thần học thì Ngài giống như bao tín hữu khác, nghĩa là cũng chỉ được…cứu sau cái chết của Chúa Giê Su : “ Như thế trước khi Chúa Ki Tô hoàn tất Chương Trình Cứu Độ của Chúa Cha qua mầu nhiệm Vượt Qua thì công nghiệp cứu chuộc đó chưa có để ban phát cho ai dù là riêng cho Mẹ Maria vì Chúa Giê Su chưa “ Uống Chén Đắng” mà Chúa Cha muốn trao cho Ngài” ( Nguồn ĐBĐM – 15/4/2019 – Lm Ngô Tôn Huấn – Phải chăng Đức Mẹ đã được TC ban ơn cứu độ trước khi làm Mẹ Chúa Gie Su ? ).
Nếu cho rằng Đức Mẹ cũng chỉ được cứu tức…lên Thiên Đàng sau cái chết của Chúa Giê Su thì làm sao hiểu được đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội của Ngài ? Chính là bởi Tội Nguyên Tổ mà loài người đã sống trong tội và phải chết: “ Cho nên như bởi một người mà tội lỗi đã thâm nhập vào thế gian. Lại bởi tội mà có sự chết và như vậy sự chết đã lan khắp mọi người vì mọi người đều đã phạm tội” ( Rm 5, 12 ).
Riêng với Đức Mẹ, vì đã được Ơn Vô Nhiễm thế nên không thể chết và vì thế vấn đề đặt ra Ngài có được Ơn Cứu Độ trước hay sau cái chết của Chúa Giê Su không còn nghĩa lý gì nữa !
Đức Mẹ không chết tức lên trời cả hồn lẫn xác, đó chẳng phải là đức tin của người Công Giáo đó sao ? Vả lại nếu con người chỉ được cứu sau cái chết của Chúa Giê Su thì chúng ta phải hiểu làm sao về số phận những ai đã chết trong thời Cựu Ước chẳng hạn các tổ phụ Apraham, Isaac, Jacop v.v…các vua như thánh vương Đa Vit…các tiên tri như Isaia, Elia, Giêremia, các quan xét như Daniel…Các vị tử đạo như nhà Macabe ….Chẳng những các vị ấy đều được cứu rỗ mà ngay cả những người còn mắc tội cũng vẫn được cứu khi Chúa Ki Tô Phục Sinh viếng thăm ngục tổ tông: “ Chính Đức Ki Tô đã chịu chết cho người tội lỗi hầu dẫn đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa. Thân xác Người đã chết trong xác thịt nhưng lại sống trong tâm linh. Người đã đến rao giảng cho các vong linh còn bị giam cầm tức là những người xưa kia vì không biết nên đã không vâng phục trong thời Thiên Chúa kiên nhẫn đợi chờ là thời ông Noe đóng tàu. Trong con tàu ấy một số cả thảy có tám người được cứu thoát nhờ nước” ( 1Pr 3, 18 -20 ).
Không kể n hững người trong thời Noe, ngoài ra những người sống trong ơn nghĩa Chúa đều được cứu rỗi dù trước hay sau cái chết của Chúa Giê Su. Nếu không phải như vậy thì làm sao hiểu dược tiên tri Mai Sen và Elia từ đâu hiện đến cùng đàm đạo với Chúa Giê Su trên núi Tabore ? “ Sau 06 ngày Chúa Giê Su đem Phê Rô, Giacobe và Gioan là em người lên núi cao. Ngài biến hình trước mặt họ, mặt Ngài sáng láng như mặt trời. Áo Ngài trắng như ánh sáng. Kìa có Mai Sen và Elia kiện ra, đàm đạo cùng Ngài” ( Mt 17, 1 -3 ).
Sự hiện đến của Mai Sen và Elia như thế chắc hẳn các ngài phải đến từ Thiên Đàng hiểu như đó là Thực Tại tràn đầy ánh sáng và phúc lạc mà ngôn ngữ trần gian không sao diễn tả. Thực Tại ấy chính là Nước Chúa, Chốn Nghỉ Ngơi đời đời mà Thiên Chúa đã sắm sẵn từ thuở đời cho những kẻ được Ngài tuyển chọn.
Chính bởi Nước Thiên Đàng Hằng Vui, Hằng Sống đã hiện hữu từ thuở đời đời ấy, tiên tri Simeon sau khi bồng ẵm Ấu Chúa trên tay đã thốt lên lời cảm tạ: “ Lạy Chúa, giờ đây xin Chúa cho tôi tớ Chúa được an bình ra đi theo như lời hứa: Vì con mắt tôi đã thấy được Ơn Cứu Rỗi mà Chúa đã sắm sẵn trước mặt muôn dân” ( lc 2, 29 -31 ).
Thiên Đàng ( Nước Trời ) là nơi đã được Thiên Chúa …sắm sẵn từ thuở trước vô cùng, nhưng với quan điểm thần học thì không phải vậy: “ Do đó không thể nói rằng Chúa Cha đã ban Ơn Cứu Độ cho Mẹ Maria, người đầy ơn phúc vì đã sinh Con Chúa Trời và cộng tác tích cực vào việc thi hành Chương Trình Cứu Chuộc nhân loại của Chúa Giê Su Ki Tô. Nghĩa là mọi người kể cả Đức Trinh Nữ Maria dù vẹn toàn vì không mắc tội tổ tông và mọi tội cá nhân đều phải nhận ơn cứu chuộc của Chúa Ki Tô để vào Nước Trời hưởng Thánh Nhan Chúa là hạnh phúc của các Thánh và các thiên thần. Lý do là chỉ một mình Chúa Ki Tô là Đấng Trung Gian Duy Nhất giữa Thiên Chúa và loài người trong việc cứu độ nhân loại như lời trích dẫn KT trên đây. Cho nên khi Người chưa hoàn tất công cuộc cứu chuộc loài người qua Hy tế Thập Giá thì ơn cứu độ đó chưa sẵn có để ban cho ai. Vả lại nếu ơn đó đã sẵn có thì Chúa Ki Tô không cần phải đến thế gian để hiến mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho muôn người” ( Nguồn ĐBĐM 15/4/2019 – Lm Ngô Tôn Huấn đã dẫn ).
Quan niệm thần học cho rằng: nếu ơn cứu chuộc tức Nước Thiên Đàng đã…sẵn có thì Đức Ki Tô chẳng cần gì phải đến thế gian hiến mạng sống mình thì thật quá ư lầm lẫn. Tại sao ? Bởi vì nước Thiên Đàng cần được hiểu như là Nước Trời Mầu Nhiệm là Sự Sống Đời Đời cũng là Đấng Cha nội tại trong mỗi người. Thực Tại ấy tuy vẫn…sẵn có đấy nhưng không nhận biết ngoại trừ Đức Ki Tô và những ai Ngài muốn mạc khải: “ Ngoài Cha không ai biết Con. Ngoài Con và người nào Con muốn mạc khải cũng không ai biết Cha” ( Lc 10, 22 ).
Đức Ki Tô được gọi là Đấng Cứu Chuộc có nghĩa Ngài đến để…chuộc lại cái tưởng chừng như đã mất. Cái tưởng chừng đã mất đó chính là Hình Ảnh Thiên Chúa là bản tính Con Thiên Chúa đã được tạo dựng nơi hết thảy con người, bậc Thánh không tăng, kẻ phàm không giảm ( St st 1, 26 ).
Được tạo dựng là Hình Ảnh Thiên Chúa là Con Thiên Chúa nhưng do bởi hậu quả của Tội Nguyên Tổ là tội phân biệt thiện, ác ( St 2, 16 ) thế nên con người đã…đành quên mất Thiên Chúa ( oublie de L’ Être ) và vì…quên thế nên con người đã phải lăn lóc mãi trong khổ đau mà không biết.
Sứ mạng thiên sai của Đức Ki Tô khi xuống thế chỉ với mục đích để rao giảng Nước Trời nội tại tức cái đã sẵn có ở nơi mỗi người chứ chẳng phải điều chi khác: “ Người Pharisi hỏi Chúa Giê Su: Nước Thiên Chúa chừng nào đến ? Chúa đáp: Nước TC không đến cách mắt thấy được. Người ta cũng sẽ không nói được: đây này hay đó kia, vì này Nước TC ở trong các ngươi” ( Lc 17, 20 -21 ).
Không thể nói Nước TC ở đây hay ở kia bởi đó là Thực Tại siêu việt cả không gian lẫn thời gian, không thể dùng ngôn ngữ diễn tả cũng như lý trí để suy luận này khác nhưng duy chỉ đức tin mới có thể nhận biết hầu quay về.
Để có được đức tin hầu quay về với Nước Trời mầu nhiệm nội tại ấy. Đức Ki Tô đưa ra hai điều kiện. Một là lòng sám hối ăn năn và hai là tin vào Tin Mừng: “ Thời đã mãn hãy ăn năn, sám hối và tin vào Tin Mừng” ( Mc 1, 15 ).
Cuộc khủng hoảng của GH hôm nay sở dĩ ngày càng trầm kha là vì đã thiếu cả hai điều kiện Chúa truyền. Bởi không còn nhận thức về tội thế nên việc ăn năn, sám hối tội mình cũng không thể có. Đang khi đó việc ăn năn, sám hối lại có liên hệ mật thiết với lòng tin vào Tin Mừng của Đức Ki Tô về Nước Trời mầu nhiệm nội tại.
Có thể nói cuộc sống của mọi Ki Tô Hữu bất kể giáo sĩ hay giáo dân là sống cuộc đời mình trong sự sám hối, ăn năn hầu quay về với Nước Trời ở nơi mình. Tuy nhiên để sống cuộc sống ấy thì phải trải qua cuộc giao tranh đã được tiên báo từ thuở Sáng Thế giữa Người Nữ Maria và rắn Sa Tan: “ Đức Chúa phán với con rắn: Ta sẽ làm cho mày cùng Người Nữ, dòng dõi mày cùng dòng dõi Người Nữ nghịch thù nhau. Người sẽ giày đạp đầu mày còn mày thì sẽ rình cắn gót chân Người” ( St 3, 15 ).
Người Nữ ám chỉ Đức Nữ Trinh Maria còn rắn là Lý Trí Phân Biệt. Gót chân người nữ tượng trưng cho sự khiêm nhường, vâng phục, tự hạ…Còn đầu rắn cho sự cứng đầu, kiêu ngạo. Sự tiên báo ấy cho thấy sẽ có cuộc giao tranh khốc liệt diễn ra giữa Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội và quỷ dữ Sa Tan, kết quả cuối cùng Sa Tan sẽ bị đánh bại: “ Con rồng lớn bị quăng xuống tức là con rắn xưa ( Nơi Vườn Địa Đàng ) gọi là ma quỷ và Sa Tan đứa lừa dối cả và thiên hạ. Nó bị quăng xuống đất, các sứ giả của nó cũng bị quăng xuống nữa” ( Kh 12, 9 ).
Sa Tan lừa dối bằng chiêu bài phân biệt thiện ác: “ Eva nói với con rắn: Chúng ta được ăn các trái cây trong vườn. Song về phần trái cây mọc giữa vườn, Đức Chúa phán: hai người chẳng nên ăn và cũng chẳng nên đá động đến, e khi hai người phải chết chăng ? Rắn bèn nói: hai người chẳng có chết đâu. Nhưng Đức Chúa biết rằng hễ ngày nào hai người ăn trái đó mắt mình mở ra sẽ như Đức Chúa, biết điều thiện, điều ác” ( St 3, 2 -8 ).
Mắt mở ra đó là con mắt xác thịt và khi mắt xác thịt mở ra sẽ đưa đến sự hình thành thấy có một “ Cái Ta” ( Ngã Chấp ) để rồi đưa đến tranh chấp giữa người với người, giữa dân tộc này với dân tộc khác, chủng tộc này với chủng tộc khác, tôn giáo này với tôn giáo khác…
Chính là do nơi phân biệt cho đây là thiện, kia là ác đó mà con người đã gây nên bao giống tội, tham, sân, ganh ghét, đố kỵ, hận thù….tất cả là do Sa Tan, đứa lừa dối cả và thiên hạ gây nên. Vì vậy, để chiến đấu và chiến thắng kẻ thù ác độc ấy, Thiên Chúa của Lòng Xót Thương đã ban đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội cho Đức Maria để Ngài là chủ soái cho cuộc chiến trường kỳ này.
Với lời tiên báo về cuộc giao tranh giữa Người Nữ và Sa Tan cho thấy đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tôi của Đức Mẹ đã có từ trước muôn đời. Thế nhưng bởi nguyên nhân nào lại có sự tranh luận của các nhà thần học trong đó có cả các thánh cũng không có sự nhất trí ? “ Thánh Benado rất mực tôn kính Đức Mẹ thế mà ngài vẫn phản đối cách quyết liệt giáo lý Đức Mẹ đầu thai vô nhiễm nguyên tội nhân dịp các kinh sĩ địa phận Lyon tổ chức trọng thể Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm khoảng năm 1140, ngài viết:
“ Chỉ có Đức Ki Tô đầu thai là hoàn toàn sạch mọi tội lỗi, vì thế mới xứng đáng mừng Lễ trọng thể Đức Ki Tô đầu thai tinh tuyền. Thánh Alberto, Thánh Bonaventura thế kỷ 13 cũng tỏ ra rất dè dặt về giáo lý Đức Mẹ VNNT. Ngay cả thánh Tô Ma Aquino cũng phân vân và hình như ngài chủ trương lý thuyết: Đức Mẹ đầu thai vẫn mắc tội tổ tông truyền nhưng ngay khi đó Ngài được Thánh Hóa ( Tương tự trường hợp của Thánh Gioan Tẩy Giả” ( nguồn Conggiao. Info 9/12/2011 ).
Tại sao các nhà thần học về sau được phong là tiến sĩ HT mà cũng không thể nhất trí với đặc ân Vô Nhiễm của Đức Mẹ ? Đó là vì các vị ấy cũng như Giáo Hội ngày nay vẫn bị chi phối nặng nề bởi thuyết Duy Lý đã có từ thời các giáo phụ xa xưa. Bao lâu còn bị ảnh hưởng bởi thuyết Duy Lý thì sẽ không thể hiểu được Tội Nguyên Tổ nói chung và đặc ân Vô Nhiễm của Đức Mẹ nói riêng.
Với Duy Lý thì cố nhiên không thể hiểu bản chất của Tội Nguyên Tổ. Lý do bởi vì một đàng Duy Lý chủ trương phân biệt, một đàng Ơn Vô Nhiễm của Đức Mẹ là Ơn Vô Phân Biệt. Lại nữa cũng vì không nhận ra Tội Nguyên Tổ là tội phân biệt thế nên thần học sẽ không bao giờ có thể nhận ra Thiên Chúa hoặc Nước TC, Nước Trời là Thực Tại chỉ có thể đạt được bởi Tâm Vô Phân Biệt. Đức Ki Tô nói: “ Quả thật Ta nói cùng các ngươi. Hễ ai chẳng nhận lấy Nước Trời như một con trẻ thì hẳn chẳng được vào đó” ( Lc 18, 17 ).
Con trẻ thì dễ tin, dễ nhận nhưng nào có ai …muốn nên như con trẻ đâu vì thế ngày nay lòng đạo ngày càng sa sút và đức tin thì dường như mất tăm mất tích: “ Dẫu vậy khi Con người đến há còn tìm được đức tin trên mặt đất này chăng” ( lc 18, 8 ).
Chúa nói điều này để chỉ cho Ngày Tân Thế sắp đến với các hiện tượng đã được báo trước: “ Dân này sẽ dấy nghịch cùng dân kia. Nước nọ đánh nước khác. Nhiều nơi sẽ có dịch bệnh, đói kém, động đất, núi lửa phun trào. Bấy giờ người ta sẽ nộp các ngươi vào sự hoạn nạn và giết đi. Các ngươi sẽ bị mọi dân ghen ghét vì Danh Ta. Khi ấy nhiều kẻ sẽ vấp phạm, bắt nộp lẫn nhau và ghen ghét nhau. Nhiều tiên tri giả sẽ dấy lên và lừa dối lắm kẻ. Lại vì cớ sự gian ác thêm nhiều nên tình thương yêu sẽ nguội dần. Song ai bền đỗ đến cùng sẽ được cứu thoát” ( Mt 24, 7 -12 ).
Để được cứu thì cần có sự bền đỗ. Nhưng bền đỗ sao được nếu không có Ơn Chúa nhờ vào Thánh Lễ hàng ngày khi có điều kiện tham dự ? Bền đỗ sao được nếu không tích cực thi hành ba mệnh lệnh Pha Ti Ma nhất là với Chuỗi Mân Côi ? Đặt hết lòng cậy trông nơi Đức Mẹ, đó là điều đẹp lòng Chúa nhất bởi đơn giản là vì chính Chúa…muốn như vậy:
“ Ôi Mẹ Thiên Chúa, tin ở Mẹ con được rỗi. Có Mẹ bảo vệ, con không sợ chi. Mẹ tiếp dẫn con sẽ đánh đuổi mọi địch thù. Vì suy tôn Mẹ là khí cụ cứu rỗi của Chúa ban cho những người mà Chúa muốn họ được cứu rỗi” ( Lời Thánh Gioan Damaceno – Kẻ Nữ Tu Thánh Thiện )./.
Phùng Văn Hóa