Phong trào Đại Kết tính từ ngày khai sinh đến nay đã hơn một thế kỷ. Vào năm 1910 đại hội của các Hội Truyền Giáo Tin Lành ( World Missionary Conference ) đã được tổ chức ở Edinburgh ( Scotland ). Lý do đưa tới việc tổ chức Đại Hội là thực trạng chua chát của các xứ truyền giáo khi mà các giáo đoàn trẻ chất vấn với những nhóm thừa sai. Tại sao các ông đều rao giảng một Đức Ki Tô như nhau mà các ông lại chia rẽ thành bao nhiêu là phe nhóm, nào là Metodist, nào là Luteranist nào là Episcopalist ? Tại sao các ông vừa mang cho chúng tôi Tin Mừng của Đức Ki Tô mà vừa mang theo các sự phân hóa từ Âu Mỹ sang đây làm gì ? “ ( Nguồn Bách Khoa Toàn Thư Mở Wikipedia – Phong Trào Đại Kết ). Thắc mắc của các giáo đoàn trẻ Tin Lành ngày ấy một lần nữa lại được lấy làm chủ đề cho Tuần Lễ cầu Nguyện cho Hiệp Nhất Ki Tô giáo đang được nhiều Giáo Hội ở Bắc Bán cầu cử hành từ ngày 18 đến 25 tháng một năm nay tập trung vào một câu hỏi đầy thách thức của Thánh Phao Lô gửi cộng đoàn Ki Tô Hữu tiên khởi ở Corinto “ Thế ra Đức Ki Tô đã bị chia năm xẻ bảy rồi ư ? 1Cr 1, 13 –( Nguồn Lamhong.org 31/3/2014 – Đức hồng y Koch nói về sự hiệp nhất Ki Tô giáo và mối quan hệ Do Thái giáo – Công giáo ).
Qua câu chất vấn của Thánh Phao Lô với giáo đoàn Corinto cho thấy vấn đề chia rẽ giữa các Ki Tô hữu là một thực trạng nhức nhối đã có ngay từ thuở sơ khai Giáo Hội. Chính vì nhận thức được tác hại của sự chia rẽ ấy đối với công cuộc truyền giáo thế nên các Giáo Hội mới lập ra các ủy ban, tổ chức hết hội nghị này đến hội nghị khác chỉ với mục đích là để tiến tới sự hiệp nhất trong Ki Tô giáo. Thông qua các hội nghị này người ta đưa ra các chủ trương khác nhau, chẳng hạn tại Hội Nghị Stockholme có phương châm “ Đạo lý năng gây chia rẽ còn hành động thì gây đoàn kết”. Tuy nhiên về sau tại Hội Nghị Amsterdam ( Hòa Lan ) năm 1948 nhận ra rằng sự chia rẽ về đạo lý sẽ mang theo chia rẽ về hành động thế nên đã đề ra một tiêu chuẩn mới là phải chấp nhận Chúa Giesu là Đấng Cứu Thế. Mặc dầu vậy phải chờ tới năm 1961 đại hội New Delhi mới hoàn chỉnh công thức đạo lý căn bản như sau = Hội Đồng Thế Giới các Giáo Hội tuyên xưng Chúa Giesu là Thiên Chúa và là Đấng Cứu Thế theo Kinh Thánh”.
Giáo hội Công Giáo không gia nhập Hội đồng Thế Giới Các Giáo Hội này hiện nay đã có tới hơn…300 Giáo Hội nhưng từ năm 1961 đã gửi các quan sát viên tham dự các đại hội nhất là từ năm 1961 đã cử 12 đại biểu làm thành viên chính thức của ủy ban “ Đức Tin và Định Chế” với vai trò là nghiên cứu những khía cạnh thần học nhằm tiến tới sự hợp nhất các Ki Tô Hữu. Sự cộng tác của Giáo hội Công Giáo với phong trào Đại Kết ngày càng tỏ ra khăng khít cùng với những bước đi cụ thể. Đặc biệt ngày 30 tháng 10 năm 1999 GH Công giáo đã ký kết với Liên Đoàn Quốc tế Giáo Hội Luther một văn bản có nội dung liên quan đến giáo lý chung về ơn Công Chính Hóa Bởi Đức Tin” ( Nguồn Wikipedia đã dẫn ).
Với việc ký kết này cho thấy GH Công giáo vô hình chung đã làm mất đi bốn tính chất quan trọng cần tuyên xưng đó là Duy Nhất – Thánh Thiện – Công Giáo và Tông Truyền. Bốn tính chất ấy có quan hệ mật thiết với nhau mà nếu tách đi bất cứ tính chất nào thì ba tính chất còn lại sẽ không thể thành tựu. Lý do bởi vì toàn thể Ki Tô hữu chúng ta đều có chung một ơn gọi “ Chỉ có một thân thể, một Thánh Linh cũng như trong sự kêu gọi mình mà anh em đã được gọi đến một hy vọng, một Chúa, một đức tin một Phép Rửa một Đức Chúa Trời là Cha mọi người, Ngài vượt trên mọi người suốt qua mọi người và ở trong mọi người” ( Ep 4, 4 -6)
Chỉ có một ơn gọi và ơn gọi đó là để trở về với Đấng Cha ở nơi mình và cũng chính trong sự trở về ấy chúng ta mới có được niềm hy vọng vào cái chưa thấy “ Vì chúng ta được cứu trong sự hy vọng nhưng sự hy vọng đã thấy được thì chẳng phải là sự hy vọng vì có ai lại hy vọng điều mình đã thấy rồi ư ? Song nếu chúng ta hy vọng điều mình chưa thấy thì chúng ta mới nhẫn nại mà đợi trông. ( Rm 8, 24 -25). Để có và sống với niềm hy vọng đó thì cũng chỉ có một Chúa là Đức Ki Tô, Ngài là con đường dẫn tới Chúa Cha “ Ta là đường là sự thật và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” ( Ga 14, 6 ).
Đức Ki Tô tự nhận mình là con đường và con đường đây chính là Đạo Công giáo Tông Truyền đã được thiết lập dựa trên nền tảng các Tông Đồ với Phero là đại diện “ Còn Ta lại bảo ngươi rằng ngươi là Phero, Ta sẽ lập Hội Thánh Ta trên vầng đá này. Cửa Hỏa Ngục cũng chẳng thể thắng được nó. Ta sẽ trao chìa khóa Nước Trời cho ngươi, điều gì ngươi cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc. Điều gì ngươi cởi mở dưới đất thì trên trời cũng cởi mở” ( Mt 16, 18 – 19). Qua lời Chúa đây cho thấy một điều hết sức rõ ràng không thể cắt nghĩa theo bất cứ cách nào khác đó là Đức Ki Tô đã thiết lập Giáo Hội và trao cho Giáo Hội ấy tất cả quyền bính. Tuy nhiên có một câu hỏi nhất thiết cần đặt ra = Tại sao Chúa chỉ thiết lập một Giáo Hội duy nhất lại còn trao quyền bính tối thượng như thế để làm gì ? Câu trả lời chỉ có thể có được khi nào nhận ra bản chất đích thực của Giáo Hội chính là Thân Mầu Nhiệm Chúa Ki Tô và cũng chỉ khi ấy chúng ta mới thấy được vai trò của Đức Maria quan trọng đến bực nào đối với công cuộc hiệp nhất mà Giáo Hội đã và đang theo đuổi từ bấy lâu nay.
Hàng năm phong trào Đại Kết đều có tổ chức tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất Ki Tô giáo. Thế nhưng sau nhiều thập kỷ việc hiệp nhất ấy vẫn là một thách đố không thể vượt qua. Lý do không thể vượt là bởi ý nghĩa đích thực của hiệp nhất không phải là giữa các Giáo Hội mệnh danh Ki Tô giáo với nhau nhưng là giữa các chi thể trong Thân Mầu Nhiệm Đức Ki Tô. Trước khi nộp mình chịu chết Chúa đã dâng lời cầu nguyện “ Con chẳng những vì họ mà cầu xin thôi đâu nhưng cũng vì kẻ nhơn lời họ mà tin Con nữa để họ thảy hiệp làm một như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, lại để họ cũng ở trong chúng ta hầu thế gian tin rằng Cha đã sai Con” ( Ga 17, 20 -21). Đối tượng cầu nguyện cho sự hiệp nhất ở đây trước hết là các Tông Đồ và sau nữa là cho những ai tin vào lời giảng dạy của các ngài. Nhận ra như thế để thấy rằng sự hiệp nhất trong Giáo Hội tức giữa các chi thể với nhau là vô cùng quan hệ đến phần rỗi đời đời của mỗi người. Mặt khác tính chất hiệp nhất ấy còn là giữa các chi thể với Đức Ki Tô là đầu Hội Thánh “ Ta là cây nho các ngươi là cành. Ai cứ ở trong Ta và Ta ở trong họ thì người ấy kết quả nhiều. Vì ngoài Ta các ngươi không thể làm chi được. Nếu ai không ở trong Ta thì bị ném ra như cành kia khô héo rồi người ta lượm lấy quăng vào lửa mà đốt đi” ( Ga 15, 5 -6 ). Cũng như tất cả cành nhánh phải gắn chặt vào thân để được chuyển thông nhựa sống thế nào thì chúng ta là những chi thể cũng phải “ Ở” trong Chúa như vậy. Mỗi một Ki Tô Hữu từ khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội đều đã trở nên chi thể của Đức Ki Tô. Thế nhưng việc trở nên ấy hoàn toàn không như một điều gì đó mặc nhiên mà cần phải được Đức Mẹ cưu mang và chăm sóc trong suốt cả cuộc đời tín hữu. Lại nữa sự cưu mang và chăm sóc của Đức Mẹ với từng mỗi chi thể cũng không khác nào với Chúa Giesu. Nếu Chúa là đầu được sinh ra bởi Đức Maria thì chúng ta là những chi thể chẳng lẽ lại không được sinh ra bởi Đức Maria sao ?. Nói cách khác Đức Maria hạ sinh và chăm sóc linh hồn chúng ta cũng chính là hạ sinh nuôi dưỡng chăm sóc Chúa Con ở trong ta “ Chính Người lãnh đạo sự đào luyện và tăng tiến của Ki Tô Bí Nhiệm và gầy tạo Hội Thánh và các Thánh. Vì chính Giesu hạt cải nhỏ đang lớn lên trong Hội Thánh và chính Maria chăm nom cho lớn lên như đã chăm nom cho thân thể Chúa Giesu lớn lên những ngày sống ở Belem và Nazaret” ( MV Bernadot O.P – Mẹ Trong Đời Tôi ).
Đức Maria sinh ra chúng ta và tận tình chăm sóc từng người bằng các Ơn Thánh mục đích là để cho ta được hiệp nhất trong Chúa “ Như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha” Hiểu như thế thì hiệp nhất chỉ có thể là hiệp trong Chúa thông qua con đường duy nhất là Đức Maria bởi vì Ngài là Đấng Thiên Chúa ở cùng ( Lc 1, 28 )
Phùng Văn Hóa