Sáng nay, trong cuộc trò chuyện với phóng viên một tờ báo Công Giáo nước ngoài, người phóng viên muốn trao đổi với tôi về lòng sùng kính Mẹ Maria của người tín hữu Việt Nam, câu hỏi được đặt ra là: “Văn hóa Việt Nam có vai trò nào trong lòng sùng kính Đức Mẹ ?” Một câu hỏi thú vị và gợi mở nhiều vấn đề.
Ai trong chúng ta cũng biết, xã hội Việt Nam nặng về tình mẫu tử, vết tích chế độ mẫu hệ vẫn còn in đậm nét trong nhiều sinh hoạt của xã hội, ngay trong ngôn ngữ, những gì là cao quý, những gì là thương mến, ngôn ngữ Việt Nam đều dành cho người làm mẹ, như: Mẹ đất nước, Mẹ Việt Nam, Mẹ tổ quốc, quê Mẹ, tiếng Mẹ đẻ… Ngay trong Giáo Hội thì vẫn đề cao chữ mẹ: Nhà Mẹ, Tỉnh Dòng Mẹ, Mẹ Nhà Dòng, Nhà Thờ Chính Tòa của một Giáo Phận được coi là Nhà Thờ Mẹ của các Nhà Thờ khác… Thật ra một số ngôn ngữ trên thế giới cũng có, nhưng ngôn ngữ Việt vẫn có những nét hết sức tình cảm sâu đậm và thân thương dành cho Mẹ.
Trong Giáo Hội Việt Nam, người tín hữu sùng kính Đức Mẹ một cách đặc biệt, Nhà Thờ nào cũng dành một vị trí trang trọng xây dựng đài Đức Mẹ hoặc hang đá Đức Mẹ, lòng Nhà Thờ nào cũng có “bàn thờ kính Đức Mẹ”, ngay trong các gia đình thì bàn thờ nhiều khi vẫn chỉ đặt có mỗi tượng hoặc ảnh Đức Mẹ ! Giáo Phận nào cũng có ít là một Trung Tâm Hành Hương kính Đức Mẹ, hầu hết các trung tâm này đều hình thành từ phía những anh chị em giáo dân sùng mộ Đức Mẹ trước khi được giáo quyền chuẩn nhận và đứng ra chính thức tổ chức và phát triển. Các cuộc hành hương hiện tại trong nước đều là các cuộc hành hương đến với các Trung Tâm sùng kính Đức Maria, trong khi các cuộc hành hương đến với các Trung Tâm dâng kính Chúa Giêsu hoặc các Trung Tâm có Thánh Tích Tử Đạo xem ra còn rất khiêm tốn.
Trung Tâm Hành Hương kính Đức Mẹ hiện tại trên quê hương Việt Nam chúng ta nhiều như vậy, các hoạt động bày tỏ lòng sùng kính Mẹ Maria diễn ra sầm uất và đều đặn hằng năm và khắp nơi, thế nhưng những trung tâm đó và những sinh hoạt ấy lại vẫn chịu ảnh hưởng rất đậm từ các hình tượng và ngôn ngữ truyền thống của văn hóa Phương Tây.
Tháng hoa ( tháng 5 ) rất phổ biến trong sinh hoạt tôn giáo Việt Nam, nhưng những đoạn ca vãn mang âm nhạc và tiết tấu dân ca Bắc Bộ, nơi sản sinh ra loại hình dâng hoa này lại gần như mai một. Hình thức dâng hoa kính Đức Mẹ vẫn còn, nhưng thay vào đó là những bài tân nhạc quen thuộc của Nhà Thờ. Hầu hết các bạn trẻ không còn ngâm nga các bài “ca vãn” của các “con hoa” thuở xưa nữa, các nghệ nhân thì già yếu và mất dần, cô đơn và lặng lẽ vài nhà nghiên cứu ghi lại các bài ca vãn rồi cất vào tủ sâu ít ai ngó tới. Thôi thì không còn thích hợp nữa thì phải thay đổi, nhưng thay thế làm sao để văn hóa dân tộc còn tồn tại và phát triển, để người Việt còn tìm gặp được “ngôn ngữ mẹ đẻ” của mình trong việc thờ phượng.
Khi phát hiện ra tượng Đức Mẹ bị gãy tay ở Măng Đen, có hai khuynh hướng ngược hẳn nhau tranh luận về bức tượng này, nhóm muốn giữ nguyên hình ảnh Đức Mẹ bị gãy tay để tôn kính, họ nói họ tìm được chính họ trong hình tượng khổ đau này. Nhóm đối nghịch cho rằng cần phải sửa chữa và tôn tạo, họ lý luận mẹ tôi bị tai nạn gãy tay, tôi phải đưa vào bệnh viện băng bó, nếu mất tay thì phải làm tay giả chứ không thể để cụt mãi như vậy. Một cuộc thăm dò ngấm ngầm được thực hiện, ban tổ chức in hai loại lịch vào đầu năm 2013, hai loại lịch in hai hình Đức Mẹ theo hai khuynh hướng nêu trên, kết quả loại lịch hình Đức Mẹ gãy tay bán hết, loại lịch hình Đức Mẹ được lắp tay và sửa chữa sơn phết tội đẹp lại bị ế hoàn toàn.
Tìm thấy chính mình trong hình ảnh của Mẹ là một nhu cầu và một khuynh hướng tất yếu, con người cảm thấy trọn vẹn khi được thờ phượng bằng chính “ngôn ngữ” của mình. Ngôn ngữ hình thể, âm thanh, không gian, màu sắc… Mấy năm gần đây, người ta đã xây dựng một số nhà sàn trên Tây Nguyên bằng bêtông, nhưng người dân tộc lại không thích và không muốn bước vào những ngôi nhà này, họ bảo không phải nhà của họ, họ không tìm thấy không gian của họ được tái tạo lại bằng vật liệu xa lạ.
Cần nhớ là kiến trúc chính là nghệ thuật tái tạo không gian sống. Vấn đề này được đặt ra một cách nghiêm túc cho các Trung Tâm Hành Hương kính Đức Mẹ tại Việt Nam, nếu không chúng ta chỉ lập lại một cách vụng về các Trung Tâm kính Đức Mẹ nào khác trên thế giới, và người Việt không có cơ hội được diễn tả niềm tin của mình bằng chính ngôn ngữ của mình.
Trung Tâm Hành Hương La Vang tại Quảng Trị là Trung Tâm của cả nước, năm 1961 ( Huế ngày 13.4.1961 ) và 1980 ( Hà Nội ngày 1.5.1980 ), hai lần hai thời điểm Hội Đồng Giám Mục Việt Nam xác quyết như vậy. Làm sao để Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ La Vang thực sự là Trung Tâm Hành Hương của người Việt. Đến đó, người Việt cảm nhận như vào nhà mình, chan hòa giữa không gian Việt, ngôn ngữ Việt, màu sắc Việt, tương quan Việt, tâm linh Việt, hồn Việt…
Bài toán khó nhưng không thể không có lời giải đáp. Cần một sự chung sức, tôn trọng, thoát khỏi thành kiến, thoát khỏi thói quen nếp nghĩ, cần phải đột phá, chấp nhận thử thách, chấp nhận sự tìm kiếm.
Ngày 15 tháng 8 năm 2014, ngày Đại Hội lần thứ 30, con cái của Mẹ đổ về từ muôn hướng, cùng với lời kinh là lời nguyện cầu cho công việc được tốt đẹp theo thánh ý Chúa. Công trình của Mẹ, Mẹ sẽ giữ gìn và hướng dẫn theo ý Mẹ vậy.
Lm. VĨNH SANG, DCCT, 18.7.2014