Vào thế kỷ thứ V, các cuộc trnh luận thần học đã nổ ra gay gắt chung quanh vấn đề Ngôi Hai Nhập Thể và rồi Công Đồng Epheso ( 451 ) được triệu tập, cuối cùng đã ra vạ tuyệt thông cho Nestorio ( 380 – 440 ) giáo chủ thành Costantinopoli, một nhà hùng biện đầy nhiệt huyết, đã từng chống trả các bè rối Ario, Novatian và Mace’donie…
Nestorio chủ trương chỉ nên gọi Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ Chúa Ki Tô chứ không phải là Mẹ Thiên Chúa. Theo ông, Chúa Ki Tô ( Sinh bởi Đức Maria ) chỉ là người được phúc tiền định mặc thiên tính trở nên “ Đền Thờ” của Ngôi Lời. Như vậy Nestorio đã phân tách Ngôi Lời ra khỏi Chúa Ki Tô. Phân tách Ngôi Hai Nhập Thể thành hai ngôi riêng biệt được lồng vào trong nhau.
Thánh Cyrillo, một nghị phụ Công Đồng đã kết án Nestorio là lạc thuyết đáng bị vạ tuyệt thông. Vào đêm 22/6 năm đó, toàn thể giáo dân thành Epheso đã chào mừng sự thành công của CĐ bằng cuộc rước kiệu long trọng để tung hô Mẹ Thiên Chúa: “ Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng tôi là kẻ có tội” ( Lm Bùi Đức Sinh O.P – Lịch Sử GH Công Giáo ).
Lời cầu của dân thành Epheso tuy cách nay đã hơn 15 TK nhưng vẫn được các tín hữu Công Giáo luôn lập lại mỗi khi đọc Kinh Kính Mừng. Đọc kinh Kính Mừng mà không kèm theo vế thứ hai: “ Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con khi nay và trong giờ lâm tử” thì đó không còn phải là Kinh Kính Mừng, hiển nhiên là vậy.
Mỗi khi đọc lời cầu ấy, chẳng phải là chúng ta đã nhìn nhận và tuyên xưng Tín Điều Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa hay sao ? Tuy nhiên xét về mặt thần học thì lời tuyên xưng ấy có thật là chính đáng hay chỉ mang tính chất hời hợt bề ngoài chứ không phát xuất từ một đức tin chân thật ?
Ngày nay người ta đặt dấu hỏi về Tín Điều này, liệu chừng nó có dựa trên nền tảng Thánh Kinh hay không và sau đây là câu trả lời:
“ Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa vì Con của Mẹ là Thiên Chúa. Mẹ chỉ là Mẹ trong trật tự sản sinh nhân loại nhưng Con mà Mẹ thụ thai và hạ sinh là Thiên Chúa nên Mẹ phải được gọi là Mẹ Thiên Chúa. Tín lý này đã được Phúc Âm Thánh Lu Ca minh họa rõ ràng và từ thế kỷ thứ II đã được các thánh giáo phụ Inhasio Antiokia, Ire’ne’, Cyrino Alexangdria, Augustino Epiphano diễn giải sâu rộng để đối phó với học thuyết của các bè rối Gnosticism, Docetino…
Các giáo phụ dựa trên tín lý, phẩm chức Thiên Mẫu của Mẹ Maria để phá tan các lạc thuyết này. Giáo phụ Tertuliane bác bỏ Marion lạc giáo: “ Mục đích phủ nhận thân xác Chúa Ki Tô, ông chối bỏ việc Người sinh ra. Hay là để chối bỏ việc Người sinh ra ? Ông phủ nhận thân xác Chúa ? Thân xác và sự đản sinh làm chứng cho nhau: Không có sự đản sinh thì cũng không có sự đản sinh. Hoặc là không có thân xác thì không có sự đản sinh ? ( Nguồn: ĐCV Thánh Phan Xi Co Xavie – 27/12/2019 – Túy Văn – Tín Điều Đức Maria Mẹ TC ).
Lập luận đưa ra: Không thể chối bỏ Đức Ki Tô hiểu như là Thiên Chúa được sinh ra mà đã sinh ra thì không thể không có thân xác mà đã có thân xác thì phải do người mẹ sinh ra là Đức Maria.
Vấn đề…rắc rối chính là ở nơi quan điểm cho rằng Đức Ki Tô là Thiên Chúa, hơn nữa còn là Đấng Thiên Chúa Tạo Hóa ! Đang khi đó Đức Maria lại có thể là…Mẹ của Đấng Tạo Hóa hay sao ?
Cũng chính bởi quan niệm Đức Ki Tô là Đấng Tạo Hóa như thế mà đã nảy sinh sự chống đối quyết liệt của Nestorio cho rằng Đức Maria chỉ có thể là Mẹ của Chúa Ki Tô chứ không thể là Mẹ của Thiên Chúa Tạo Hóa ? Việc chống đối ấy xét ra cũng có phần…có lý của nó chứ chẳng phải không ?
Từ trước tới nay, thần học vẫn giữ ( chấp ) quan điểm Đức Ki Tô là Thiên Chúa Tạo Hóa. Thế nhưng quan điểm ấy hiện nay đang bị đặt lại vì cho là nó gây quá khó khăn trong việc lý luận: “ Khó khăn càng lớn vì ảnh hưởng của khoa Siêu Hình Học Hy Lạp, khoa Thượng Đế Học. Kinh Viện nhấn mạnh sự đồng nhất và bất biến của Thiên Chúa hay Thượng Đế không thể nào thay đổi vì thay đổi là bất toàn…
…Nhận định trên của các nhà thần học hiện đại nói chung là đúng nhưng không giải quyết được vấn đề vì khó khăn nằm tại trong chính mầu nhiệm trí tuệ con người không thể nào suy thấu: Thiên Chúa là Tạo Hóa, con người là tạo vật. Thiên Chúa làm người có nghĩa Tạo Hóa lại trở nên tạo vật…
…Một chủ vị vừa là tạo Hóa vừa là tạo vật. Vừa là Đấng dựng nên lại vừa là người được dựng nên là điều không thể chấp nhận đối với lý trí. Chính vì thế giáo phụ Tertulien đã thốt ra lời táo bạo: “ Tôi tin vì không thể tin được” ( Đgm Phao Lo Bùi Văn Đọc – Đức Ki Tô, hôm qua, hôm nay và mãi mãi ).
Không thể nói: Tôi tin vì không thể tin” Bởi cái điều..không thể tin ấy thuần túy chỉ là một thứ quan niệm của thần học. Làm sao có thể tin vào một quan niệm mà không phải là sự mù quáng ?
Sở dĩ nói thần học sai lầm là bởi đã đưa ra Thiên Chúa của quan niệm chứ không phải là Đấng Thiên Chúa Ẩn Giấu ( Deus Abconsditus ) cần phải thông qua Mạc Khải của Đức Ki Tô mới có thể nhận biết: “ Ngoài Cha không ai biết Con. Ngoài Con và kẻ nào Con muốn mạc khải cũng không ai biết Cha” ( Lc 10, 22 ).
Nhất định cần thông qua mạc khải của Đức Ki Tô mới có thể nhận biết Thiên Chúa như là Đấng Cha…nội tại. Mặt khác Chúa Giê Su không bao giờ nhận mình là Thiên Chúa mà chỉ là Đấng Thiên Sai: “ Ta chẳng phải tự mình đến nhưng Đấng đã sai Ta là thật. Đấng ấy các ngươi không biết. Còn Ta thì biết Ngài và Ta từ Ngài mà ra và Ngài đã sai Ta đến” ( Ga 7, 28 -29 ).
Chúa Giê Su tự nhận mình là Thiên Sai với sứ mạng làm trung gian giữa Thiên Chúa và loài người: “ Trong Ngài, chúng ta nhân đức tin đến Ngài để được vững lòng dạn dĩ mà VÀO cùng Thiên Chúa” ( Eph 3, 12 ).
Đức Ki Tô làm trung gian là để chúng ta có thể VÀO với Đấng Thiên Chúa hằng ngự trị ở nơi bản thân mỗi người: “ Thiên Chúa của Apraham, của Isaac, của Gia Cop. Ấy Ngài chẳng phải là Thiên Chúa của kẻ chết bèn là của kẻ sống, Bởi ai nấy đều vì Ngài mà sống” ( Lc 20, 37 -38 ).
Thiên Chúa của kẻ sống chứ không phải của kẻ chết. Thiên Chúa của quan niệm thần học là Thiên Chúa của kẻ chết. Người ta chỉ sống với Thiên Chúa Thực Tại chứ không ai sống với Thiên Chúa khái niệm bao giờ.?
Điều kiện để Đức Ki Tô Trung Gian dẫn đưa con người đến với Thiên Chúa thì cần phải biết lắng nghe và thực hiện Lời Ngài: “ Mẹ và anh em Chúa Giê Su đến gặp Ngài mà không làm sao đến gần được vì dân chúng quá đông. Người ta báo cho Ngài biết: Thưa Thầy có mẹ và an hem Thầy muốn gặp Thầy. Chúa đáp: Mẹ Ta và anh em Ta chính là những ai biết lắng nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” ( Lc 8, 19 -21 ).
Đức Ki Tô nói những ai biết nghe Lời Chúa và đem ra thực hành đều là Mẹ và anh em Ngài. Điều ấy chứng tỏ cách minh nhiên Thiên Chúa chỉ có thể là Đấng Nội Tại. Thiên Chúa có là Đấng…nội tại như thế, chúng ta mới có thể…Ngheđược Lời Ngài. Ngược lại nếu Thiên Chúa lại…ở ngoài ta thì làm sao nghe ?
Đức Maria hơn bất cứ ai kể cả các bậc thần thánh là Đấng đã nghe và thực hành Lời Chúa bằng Tiếng Xin Vâng. Cũng chính vì Tiếng Xin Vâng đó, Đức Maria đã trở thành Mẹ Chúa Giê Su cả về phần xác lẫn phần hồn.
Đức Maria là Mẹ Chúa Giê Su về phần xác, điều ấy không ai phủ nhận. Nhưng còn về phần hồn thì sao ? Đây là một bí nhiệm của Ơn Thánh nhưng cũng không lấy chi khó hiểu. Tại sao ?
Bởi vì cũng giống như bao bà mẹ trần gian khác, khi sinh ra đứa con thì đứa con ấy tất nhiên cũng phải có cả hồn mới được gọi là người ! Duy có sự khác biệt lớn lao đó là với Đức Mẹ cưu mang, sinh hạ Chúa Giê Su thì Người Con ấy đã mang nơi mình sứ mạng là Con Thiên Chúa, Đấng cai trị muôn dân:
“ Sứ thần vào nhà Trinh Nữ và nói: Mừng vui lên. Hỡi Đấng Đầy Ơn Sủng. Thiên Chúa ở cùng Bà. Nghe lời ấy Đức Maria rất bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì ? Sứ thần bèn nói: Thưa Bà ! Xin đừng sợ vì Bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây, Bà sẽ thụ thai sinh ra một con trai đặt tên là Giê Su. Người sẽ nên cao cả và được gọi là Con Đấng Chí Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Da Vit, tổ phụ Người. Người sẽ trị vì nhà Gia Cop đến muôn đời và triều đại Người sẽ vô cùng vô tận” ( Lc 1, 28 -33 ).
Chúng ta nên hiểu thế nào về lời chào của sứ thần: “ Thiên Chúa ở cùng Bà” Ở cùng hay…ở trong vẫn là một và như vậy Đức Maria được có Thiên Chúa …ở trong mình thì Ngài chẳng phải là Mẹ Thiên Chúa đó sao ?
Được có Thiên Chúa…ở cùng không phải Đức Maria giữ lấy cho riêng mình nhưng là để cùng với Đức Ki Tô đem sự “ Ở Cùng” đó đến cho mọi người. Thiên Chúa không chỉ…ở cùng với Đức Maria mà vốn đã …Ở CÙNG với hết thảy. Duy có điều là có nhận biết hay không nhận biết mà thôi.
Tín Điều Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa chỉ có ý nghĩa và sinh ơn ích cho ta một khi nhận ra sự Thiên Chúa…ở cùng để Đức Mẹ cùng với Đức Ki Tô truyền đạt chân lý cao cả ấy đến cho mọi người. Thật vậy, tin tín điều Mẹ Thiên Chúa chính là để Đức Mẹ cầu thay nguyện giúp cho chúng ta mỗi khi cầu nguyện bằng Chuỗi Kinh Mân Côi.
Thiên Chúa là Đấng Ẩn Giấu không ai nhận biết nhưng nhờ sự nguyện giúp của Đức Maria, chúng ta lại gặp gỡ được với Đấng hằng ở trong ta bằng cách chuyên cần thực hành Kinh Mân Côi.
Có nhiều lời ca tụng giá trị của Kinh Mân Côi của các Thánh, của các đức giáo hoàng. Thế nhưng ngày nay kinh nguyện này đang đi đến chỗ lụi tàn hoặc chỉ còn là một thứ hình thức gọi là…cho có. Lý do đưa đến sự thảm hại đó là vì kinh nguyện này là một thứ Tâm Pháp. Phải xoay cái Tâm trở ngược vào bên trong ( Phản Văn, Văn Tự Tánh ) mới có thể có được lợi ích lớn lao.
Đức Mẹ nói với Ivan, một trong số các em thị nhân Mễ Du: “ Ước gì lời Mẹ nhắn nhủ tăng trưởng cùng với thân xác các con. Như vậy đời sống các con sẽ mạnh mẽ. Mẹ không thể ban thêm lời nào nữa cho các con, nếu các con chưa sống theo những lời Mẹ đã ban” ./.
Phùng Văn Hóa