Việc cầu nguyện nói chung và cầu nguyện bằng kinh Mân Côi nói riêng đang gặp khủng hoảng “ Trong nguồn gốc của nó có nhiều lý do nhưng có thể tập trung chúng vào trong hai đặc thái sau đây. Thứ nhất là cuộc khủng hoảng của lời cầu nguyện sùng kính, trầm trọng vì sự tục hóa và các chủ thuyết nhân bản mới bị ý thức hóa. Thứ hai cuộc khủng hoảng lòng tôn sùng Mẹ Maria là bối cảnh sống còn tự nhiên của Kinh Mân Côi. Cuộc khủng hoảng còn đả thương Kinh Mân Côi trong cấu trúc của nó là lời cầu nguyện thầm trong trí và đọc lớn tiếng bên ngoài. Trong cái khó khăn của việc suy ngắm và trong sự từ chối việc lập đi lập lại một lời kinh bị tố cáo là máy móc vô hồn. các khó khăn này có tầm nghiêm chỉnh của chúng và không thể trả lời với các kiểu nói quen thuộc được” ( Nguồn Daobinhducme – Linh Tiến Khải – 26.8.2013 – Tổng kết ý nghĩa Kinh MC trong tình hình giáo lý sùng mộ và việc canh tân KMC hiện nay ).
Về hai…đặc thái nêu trên có liên hệ chặt chẽ với nhau, trước hết là việc cầu nguyện sùng kính sở dĩ khủng hoảng là vì trong thời tục hóa này, người ta không biết phải cầu nguyện với đấng nào. Hơn nữa đấng ấy có thực hay không để mà cầu ? Tiếp đến là lòng tôn sùng Mẹ Maria, bởi không biết cầu với đấng nào thế nên vai trò của Đức Mẹ đương nhiên cũng trở thành vô nghĩa. Đang khi đó, ngay từ thuở sơ khai Giáo Hội việc khẩn cầu với Đức Maria đã được các tín hữu thành Epheso hết lòng tuyên xưng “ Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con là kẻ có tôi” ( Xem Lm Bùi Đức Sinh – Lịch sử GHCG ).
Lời khẩn cầu của các tín hữu xin Đức Maria làm Đấng Cầu bầu cho mình quả thật là ơn soi sáng của Thánh Thần và từ đó lời cầu này vẫn được thực hiện cách liên tục qua tràng chuỗi Mân Côi. Như ai nấy đều biết trong tràng chuỗi Mân Côi, Kinh Kính Mừng bao giờ cũng gắn liền với lời cầu “ Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử. Amen”. Có thể nói đọc Kinh Mân Côi mà không có lời này đi kèm thì chẳng phải là Kinh MC. Lý do bởi vì toàn bộ Kinh MC chính là lời cầu của Đức Mẹ dâng lên Thiên Chúa. Cầu nguyện với Thiên Chúa thì phải cho xứng đáng, thế nhưng con người tự sức mình không thể làm được điều này “ Cũng một lẽ ấy Thánh Linh giúp đỡ sự yếu đuối của chúng ta. Vì chúng ta chẳng biết thế nào để cầu nguyện cho xứng đáng, nhưng chính Thánh Linh lấy sự than thở không thể nói ra được mà cầu thay cho chúng ta” ( Rm 8, 26 ).
Có Đức Mẹ cầu thay, việc cầu nguyện của chúng ta mới xứng đáng. Ấy vậy mà nay trong cái gọi là “ Canh Tân Kinh Mân Côi”, người ta đã gạt bỏ đi sự cầu thay vô cùng cần thiết ấy “ Nhiều nơi bên cạnh kiểu lần hạt Mân Côi truyền thống, vì các lo lắng mục vụ người ta cũng đã bắt đầu các hình thức lần hạt Mân Côi khác, có mục đích chính xác là dành ưu tiên cho sức mạnh của Kinh Mân Côi và cho thấy rõ ràng quyền năng định đoạt của chính nó. Chẳng hạn trong các hình thức mới này có việc đọc các văn bản Kinh Thánh liên quan tới các mầu nhiệm suy gẫm. Nghĩa là không chỉ tóm tắt mầu nhiệm mà đọc chính bản văn KT trình bày mầu nhiệm đó. Thế rồi việc đọc Kinh Kính Mừng được rút ngắn chỉ giữ lại phần đầu tức là Thiên Thần Gabriel chào Đức Trinh Nữ mà thôi. Còn phần hai của Kinh Kính Mừng chỉ được đọc vào cuối chục kinh để nhấn mạnh vẻ đẹp của lời khẩn cầu luôn luôn diễn tả lòng sùng mộ của Giáo Hội đối với Đức Trinh Nữ và là lời khẩn nài tín hữu dâng lên Mẹ sau khi đã suy ngắm mầu nhiệm cuộc đời của Chúa” ( Nguồn Linh Tiến Khải ngày 26.8.2013 đã dẫn ).
Do bởi ảnh hưởng của duy lý thế nên ngay đến cả kinh nguyện cũng đem ra suy. Thay cho các ngắm thì lại …suy và việc suy ấy là suy niệm về Thánh Kinh. Có nơi sau mỗi chục kinh người ta đọc lên một đoạn Kinh Thánh để suy về ý nghĩa Lời Chúa. Có nơi thì bỏ cả việc lần hạt, ấy vậy mà cũng cứ gọi là …nhóm lần hạt “ Tôi tới tham dự với một nhóm, điều làm tôi xúc động sâu xa là những phút thinh lặng rất đặc biệt. Việc cầu nguyện kéo dài khoảng một giờ. Phong trào gửi cho mỗi nhóm một cuốn sách nhỏ ghi đoạn Phúc Âm liên quan đến mỗi nhóm. Đầu tiên đọc Kinh CTT rồi một người trưởng nhóm giải thích. Thỉnh thoảng thinh lặng để mọi người đi sâu vào nội dung” ( Tu sĩ André Sève – Cầu nguyện hôm nay ).
Bỏ hẳn lần hạt, điều ấy chẳng còn gì để nói nhưng ngay cả việc đọc kinh Thánh sau mỗi chục kinh cũng khiến cho toàn bộ cấu trúc của kinh này thay đổi, biến dạng chẳng còn gì là Kinh MC truyền thống nữa. Trong tất cả những lần Đức Mẹ hiện ra, lần nào Ngài cũng hằng khuyên nhủ con cái phải siêng năng lần hạt. Điều ấy hơn ai hết Đức Mẹ hiểu rõ giá trị của Kinh MC là ở chỗ nào. Mặt khác cũng vì thực hiện lời khuyên dạy của Đức Mẹ mà chị Bernadette ( Lộ Đức ) các em Lucia, Giasinhta, Phanxicô ( Phatima ) v.v… đã gặt hái được biết bao là công phúc, ân sủng của Thiên Chúa. Vậy thử hỏi những thụ nhân ấy có suy, có đọc Kinh Thánh trong khi lần chuỗi hay không ? Lại nữa, toàn thể các Thánh, đã không ngớt ca ngợi giá trị vô song của Kinh này chẳng hạn như Thánh Piô Năm Dấu lần cả trăm chuổi mỗi ngày, vậy các ngài có suy niệm Kinh Thánh gì không ?.
Đọc Kinh Mân Côi là cùng cầu nguyện với Đức Mẹ chứ không phải để suy ngắm mầu nhiệm cuộc đời của Chúa. Quả thật Kinh Mân Côi là một phép ngắm nhưng phép ngắm ấy không phải là suy ngắm cuộc đời của Chúa Giêsu hiểu như một thứ hành vi của lý trí suy luận nhưng là ngắm về ba mầu nhiệm Vui Thương Mừng. Trước đây mỗi khi lần chuỗi người xướng thường là ông ( bà) quản, bao giờ cũng đọc câu này như một công thức “ Phép lần hạt ngắm tắt năm sự Vui hoặc Thương hoặc Mừng. Kinh Mân Côi được gọi là phép lần hạt, vậy thì “ Phép” ở đây chính là phương pháp, là pháp môn và hễ là pháp môn thì chỉ có thể là pháp môn tu.
Sở dĩ kinh Mân Côi rơi vào khủng khoảng không lối thoát là vì người ta đã không thực hành kinh này như là một phương pháp tu tập. Phép tu này vừa dễ thực hành lại vừa bảo đảm phần rỗi như lời Thánh Grignion de Mongfort quả quyết “ Chúng tôi nhận thấy những người hư thân mất nết, lạc đạo kiêu căng thường tỏ thái độ khinh chê Kinh Mân Côi. Trái lại những người có dấu hiệu tiền định nên Thánh hoặc được rỗi linh hồn thì thường tôn kính Kinh Mân Côi và có lòng kính mến Đức Mẹ” ( Nguồn Thành Thực Sùng Kính Mẹ ).
I/- Kinh Mân Côi, một phép tu.
Thánh Đa Minh người được Đức Mẹ trao sứ mạng truyền bá Kinh Mân Côi đã quả quyết “ Không có cách cầu nguyện nào đẹp lòng Chúa Giêsu và Mẹ maria cho bằng đọc kinh Mân Côi cách sốt sắng” Để việc thực hành Kinh Mân Côi đem lại ơn ích lớn lao thì phải đọc cách sốt sắng. Tuy nhiên làm sao để đọc cách sốt sắng thì đó là cả một vấn đề. Lý do bởi vì việc cầu nguyện nói chung là rất khó “ Vì chúng ta chẳng biết thế nào là cầu nguyện cho xứng đáng” ( Rm 8, 26 ). Muốn cầu nguyện cách xứng đáng thì phải tuân theo lời dạy của Chúa Kito “ Còn ngươi khi cầu nguyện hãy vào phòng kín đóng cửa lại rồi cầu nguyện Cha ngươi là Đấng ở nơi ẩn mật và Cha ngươi là Đấng thấy trong chỗ ẩn mật sẽ báo đáp cho ngươi” ( Mt 6, 6). Qua lời Chúa đây cho thấy cầu nguyện đích thực là phải xoay cái tâm vào bên trong mà cầu bởi vì Thiên Chúa không ngự ở một nơi nào khác ngoài tâm hồn mình. Sở dĩ Thánh Đa Minh hết lời ca ngợi Kinh Mân Côi là cách cầu nguyện tốt nhất bởi vì đó là phương pháp xoay cái nghe trở vào bên trong để nhận ra Bản Tính Con Thiên Chúa ở nơi mình ( Phản Văn Văn Tự Tánh ). Văn là nghe, còn phản văn là xoay cái tâm trở vào bên trong.
Về cách nghe rất chi là quan hệ, bởi vậy Chúa nói “ Hãy coi chừng về cách các ngươi nghe. Vì hễ ai có thì cho thêm. Còn ai không có thì dẫu điều họ tưởng mình có cũng sẽ bị cất đi luôn nữa.” ( Lc 8, 18 ). Cách nghe Chúa nói đây là nghe với tâm vô phân biệt. Ai có tức là có cách nghe với tâm vô phân biệt thì sẽ cho thêm tức là ngày càng nhận biết Chúa ở nơi mình. Trái lại nếu cứ nghe với tâm phân biệt thì cái mà họ tưởng là có như là sự khôn ngoan thông thái rồi có ngày cũng sẽ bị mất hết. Kinh Mân Côi là một phương pháp cầu nguyện tối hảo bởi đó là cái nghe xoay cái tâm trở vào bên trong. Phải chăng chính là vì kinh này là một phép nghe thế nên ngoài các danh từ Mân Côi, Mai Khôi nó còn mang một tên khác là Văn Vôi ?
Trong sách kinh xưa của các địa phận Hải Phòng Bùi Chu Thái bình vẫn gọi là Kinh Văn Côi cùng với câu công thức mà các ông ( bà ) quản giáo vẫn xướng lên trước khi lần hạt “ Phép lần hạt Văn Côi ngắm tắt năm sự Vui hoặc Thương hoặc Mừng. Bởi Kinh Mân Côi là một phép nghe với tâm vô phân biệt, thế nên cộng đoàn hay cá nhân cũng phải áp dụng cách nghe này. Khi cùng với cộng đoàn tại nhà thờ hay gia đình dĩ nhiên phải đọc ra tiếng, một bên xướng một bên thưa. Bên xướng đọc Kinh Kính mừng, còn bên thưa đọc Kinh Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời…Khi bên xướng đọc thì bên thưa phải im lặng để lắng nghe từng lời kinh không chia lòng chia trí, còn nếu chia trí thì phải lập tức trở lại ngay với lời kinh. Nếu người nào cứ cố tình chia trí thì không thể nào có thể tiếp tục đọc mà không nhầm lẫn về hạt về thứ về mùa được. Có nghe Kinh với tâm vô phân biệt ( không chia lòng chia trí ) như thế thì Lời Chúa mới ở lại ( An Trú ) trong tâm mình và đây là điều mà Chúa Giêsu nói = Ai có sẽ được cho thêm là vậy.
Lời Chúa là lời hằng sống cho nên việc nghe Lời Chúa không thể chỉ diễn ra trong nhà thờ bằng việc đọc kinh nhưng cần phải ở khắp mọi nơi, mọi thời. Để lời Chúa có thể thấm nhập tâm hồn mọi nơi mọi thời thì cố nhiên cần phải có thực hành cá nhân. Nếu chỉ đọc kinh lần hạt cùng với cộng đoàn mà cá nhân không đọc thì chẳng gặt hái được mấy ơn ích. Tại sao ? Bởi vì khi đọc chung cùng với cộng đoàn thì có thể chúng ta có thể ỷ lại để rồi cứ mặc tình chia trí mà không hề biết. Ngược lại chỉ những khi một mình thì ta mới được đối diện với Chúa và đây cũng chính là ý nghĩa mà Chúa Giêsu nói đến trong việc cầu nguyện “ Khi các ngươi cầu nguyện thì hãy vào phòng đóng kín cửa lại…” Cửa ám chỉ cho sáu giác quan = Mắt tai mũi lưỡi thân và Ý. Đóng kín cửa lại có nghĩa là không phóng tâm ra bên ngoài nơi ngoại vật…
Trở ngại lớn nhất nhưng đồng thời cũng đem lại ơn ích lớn lao nhất đó là sự chia lòng chia trí trong khi thực hành Kinh Mân Côi. Những ai siêng năng lần hạt mới thấy được sự chia trí nhiều như thế nào. Mặc dầu chia trí là điều không sao tránh khỏi nhưng nếu biết ngay đó là chia trí bèn quay về với lời kinh để tiếp tục lần hạt thì lại có ơn ích và ơn ích này là do ý chí ta thuận phục Thánh ý Thiên Chúa. Nhà Thiền có câu “ Bất úy tham sân khởi, duy khủng tự giác trì ( Chẳng sợ lòng tham, lòng giận khởi chỉ cần nhận biết nó ). Lòng tham sân khởi lên trong khi lần chuỗi thực chất của nó chỉ là vọng tưởng. Nhận biết đó là vọng thì vọng ấy liền tiêu. Thế nhưng vọng này tiêu thì vọng khác lại khởi liên tu bất tận. Chính vì vọng khởi không ngớt như vậy mà lực quán sát của người tu ngày càng thêm đắc lực. Sự quán sát ấy chính là ý nghĩa của việc Ngắm trong Kinh Mân Côi. Ngắm ở đây không phải là cái nhìn của…mắt nhưng là của tâm. Để có cái nhìn của tâm thì cần phải có phương pháp dựa trên hai phương diện chủ và khách. Chủ ở đây là lời kinh còn khách là những vọng tưởng ( chia lòng chia trí ) Sở dĩ vọng tưởng khởi biết là vọng là nhờ có lực mạnh mẽ sáng suốt của Lời Chúa “ Lời ĐCT là lời hằng sống, linh động sắc hơn mọi gươm hai lưỡi, đâm thấu đến nỗi chia hồn linh khớp tủy. Biện biệt tư tưởng và ý định của lòng người” ( Dt 4, 12 ).
Vọng tưởng tức là những ý tưởng tham lam ganh ghét giận hờn đam mê tranh đấu ….chúng một khi đã được nhận biết thì không còn tác dụng gì tới đời sống của ta nữa. Con người sở dĩ có những hành vi xấu xa ác độc là vì đã chấp chứa ở nơi mình những tư tưởng xấu ( chúng ác tưởng ). Trái lại một khi không còn những tư tưởng xấu ác ấy thì sao có thể làm ác được ? Làm ác thì phải chịu quả báo ác, không thể tránh thoát ?
Kinh Mân Côi là một phương pháp tu tập khiến cho tư tưởng ác ngày càng tiêu trừ đồng thời phát triển tư tưởng lành. Hành động nào cũng do nơi tư tưởng, chứa chấp tư tưởng ác sẽ hành động ác mà hành động ác tất sẽ phải khổ, khổ cả đời này lẫn đời sau vô cùng. Đức Mẹ ân cần khuyên bảo chúng ta hãy siêng năng thực hành Kinh Mân Côi bởi vì đó là phương pháp thoát khổ bảo đảm chắc chắn nhất.
II. Nghe để thoát khổ
Lời nói nào gợi cảm giác đó, lời lành gợi cảm giác lành, lời ác gợi cảm giác ác. Nghe một bản nhạc cải lương não nề ai oán khiến tâm ta cũng phải buồn bã ủ ê. Ngược lại nghe một bản hùng ca khiến lòng ta thêm phấn chấn. Lời nói là hình tướng của tư tưởng, nói cách khác từ ở nơi tâm mà phát ra lời nói. Tâm ác thì phát ra lời nói ác. Tâm thiện thì phát ra lời nói thiện “ Người thiện do lòng chứa thiện mà phát ra điều thiện. Kẻ ác do lòng chứa ác mà phát ra điều ác.Vì do sự đầy dẫy trong lòng mà miệng mới nói ra” ( Lc 6, 45 ).
Nói đến chất chứa thì hẳn nhiên là phải có cái nơi để chất chứa và nơi ấy được ví như một cái kho. Duy Thức Học gọi cái kho đó là Tạng Tâm ( Tàng = kho ) Tạng tâm là nơi con người chất chứa tất cả những gì mình đã làm đã nghe đã thấy và đã nghĩ tưởng gọi là Nghiệp. Tạng Tâm người nào thì chất chứa nghiệp của người đó. Nghiệp tạo thành là do chấp chứa, người làm nông là do chất chứa những kiến thức kinh nghiệm về nghề nông. Người làm nghề dạy học là do chất chứa kiến thức về sư phạm. Người bác sĩ, kỹ sư v.v..cũng vậy. Cùng một lẽ ấy sự chất chứa trong lãnh vực tâm linh cũng không khác. Có chất chứa những điều lành thánh mới được nên Thánh. Trái lại cứ mãi chất chứa toàn là những điều dối trá tham lam ganh ghét hận thù thì không thể tránh khỏi đọa vào ác đạo.
Chất chứa điều thiện sẽ được quả thiện lành, chất chứa điều ác sẽ phải chịu quả ác. Sự chất chứa ấy chính là nhân, nhân nào thì quả ấy không mảy may sai chạy dù chỉ một hào ly. Tôn giáo hoàn toàn không phải là triết học nhưng là con đường tạo lập nhân lành để được hưởng quả lành. Kinh Mân Côi do Đức Mẹ tạo lập với mục đích tạo cho con người một thứ nhân lành tuyệt hảo bằng cách lắng nghe Danh Thánh Chúa từ trong tâm tưởng. Người đời coi thường Danh Sắc ( Tên gọi và Hình Tướng ) thế nhưng đây là điều vô cùng quan hệ đến đời sống hạnh phúc hay khổ đau của mỗi người. Do bởi không biết được tính chất quan hệ của Danh Sắc như thế nên con người ngày nay hầu như ngày nào cũng dán mắt vào TV, xem hết phim Hàn Phim Tàu lại đến phim Mỹ….,ngồi lê đôi mách, cháo điện thoại cả ngày không chán, đọc hết báo in lại đến báo điện tử đầu óc tràn ngập đủ thứ tin tức quốc nội quốc tế. Những người như thế chẳng qua chỉ là nạn nhân của những trò lừa bịp của quảng cáo đủ loại mà không biết. !!!
Kinh Mân Côi do Đức Mẹ tạo lập có mục đích cho ta xoay cái tâm trở vào bên trong để lắng nghe Tiếng Chúa và Tiếng Chúa ấy chỉ có thể …nghe được cùng với Danh Thánh Chúa Giêsu. Cần phải ghi khắc ( chất chứa ) Danh Thánh Giêsu ở nơi tâm khảm để tạo cho mình một sức mạnh vô địch “ Nghe Danh Giêsu cả trên trời dưới đất và âm phủ đều phải quỳ gối” ( Pl 2, 10 ). Sở dĩ Danh Thánh có sức mạnh lơn lao như thế là vì đó là Danh của Đấng Cứu Độ, Ngài đã hiến cả mạng sống mình để làm giá cứu chuộc muôn người. Mặc dầu vậy Danh Thánh Giêsu chỉ có thể trở nên sức mạnh khi nào ta tạo lập được ở nơi tâm của chính ta. Chỉ khi ấy Danh Thánh mới có sức mạnh hầu chiến thắng thế gian xác thịt ma quỷ tức là những ác tưởng mà mình đã chất chứa từ bao đời bao kiếp.
Kinh Mân Côi chính là phương pháp hữu hiệu nhất để cho ta có thể tạo lập Danh Thánh Giêsu ở nơi mình bằng cách lắng nghe Lời Chúa là lời chân lý. Sự lập đi lập lại Kinh Kính Mừng cùng với lời cầu bầu của Đức Mẹ đó là cách tốt nhất để chiến thắng tội lỗi khi nó vừa mới thoạt khởi trong tâm ta. Khi tư tưởng tham vừa khởi biết nó là tội bèn xả bỏ ngay thì không bao giờ có hành động tham mà đã không có hành động tham thì không phải khổ vì tham. Tuy nhiên để việc thực hành Kinh Mân Côi tạo được lực mạnh mẽ ở nơi tâm như thế thì phải có đường lối tu tập theo chính pháp có nghĩa phải sống trong ơn nghĩa Chúa = Yêu mến Chúa và vâng giữ lời Ngài “ Ai yêu mến Thầy thì vâng giữ lời Thầy..”. /.
Phùng Văn Hóa