Trong thời gian từ ngày 11 tháng 2 cho tới 16 tháng 7 năm 1858, Đức Mẹ đã hiện ra với chị Bernadette Soubirous 18 lần tất cả tại hang đá Massabielle bên Lộ Đức. Trong các lần hiện ra ấy Đức Mẹ mời gọi chị sám hối hãm mình hôn đất và cầu nguyện cho những người tội lỗi hoán cải. Đức Mẹ xin chị nói với các linh mục xây một nhà nguyện và tổ chức rước kiệu tới đây, và nhất là tiết lộ cho chị biết Mẹ là ”Đấng Vô Nhiễm Thai”. Như thế Mẹ Maria xác nhận sự trung thực của tín điều Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội, đã được Đức Giáo Hoàng Pio IX công bố bốn năm trước đó ngày 8-12-1854.
Nhưng 18 lần Đức Mẹ hiện ra tại hang đá Massabielle có ý nghĩa gì?
Để có thể hiểu ý nghĩa của biến cố này, cần quy chiếu các lời và các dấu chỉ của chính Phúc Âm. Thật thế, một cuộc hiện ra không phải là một mạc khải mới, nhưng là một nhắc nhớ Phúc Âm, nhấn mạnh một điểm nào đó của Tin Mừng, một tiếng kêu giúp hiểu nó, kể cả đối với những kẻ điếc trong linh hồn. Như thế Lộ Đức trình bầy các đường nét nền tảng của Tin Mừng: phép rửa sám hối của thánh Gioan Tẩy Giả, sự hoán cải, lời cầu nguyện và hạnh phúc của những người nghèo khó. Như vậy có thể tóm tắt sứ điệp Lộ Đức bằng bốn ý niệm sau đây: khó nghèo, cầu nguyện, sám hối và ơn thánh.
Trước hết là sự khó nghèo. Đây là điều không được nói một cách rõ ràng, nhưng rất có ý nghĩa. Bernadette là một cô bé gái nghèo, không học thức, con của một gia đình bị gạt bỏ ngoài lề xã hội. Sự bần cùng của cô bé và gia đình được cảnh sát Lộ Đức biết rõ. Thế mà cô lại là người được Đức Mẹ chọn làm sứ giả: ”những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh” (1 Cr 1,27). Sau này Đức Giám Mục Lộ Đức đã nói lên điều trên, khi diễn tả tâm tình của dân chúng. Đám đông đân chúng hứng khởi đã không chịu được cảnh sống bần cùng của gia đình Soubirous, và các người hành hương dâng cúng tiền bạc và các tặng phẩm khác nhau, nhưng Bernadette nhất định từ chối, không nhận, mặc dù chị vẫn có cảm tình với những người nghèo khổ. Và chính những người nghèo khổ lại tỏ ra quảng đại nhất trong việc dâng cúng các trợ giúp. Cũng chính họ là những người đã hiệp sức sửa lại các con đường ngoằn nghèo dẫn đến Hang Đá Đức Mẹ. Tất cả những điều này đã được các nhân chứng và chính Đức Giám Mục giáo phận ghi nhận trong thư mục vụ đề ngày 18 tháng Giêng năm 1962.
Điểm thứ hai trong sứ điệp Lộ Đức là cầu nguyện. Đây là điều chính Đức Mẹ đã xin chị Bernadette cũng như các tín hữu ngay từ đầu, hay đúng hơn trước khi có sứ điệp. Và cầu nguyện là đặc thái đã khiến cho Lộ Đức trở thành thủ đô của lời cầu nguyện có chiều kích giáo hội ngày càng rộng rãi hơn. Điều Đức Mẹ xin trong lần hiện ra ngày mùng 2 tháng 3 năm 1858 đó là các linh mục hãy xây một nhà nguyện kính Đức Mẹ và đi kiệu tới đây. Nó ám chỉ Giáo Hội trên đường lữ hành và bí tích Thánh Thể.
Ngày nay mỗi khi hành hương tới Lộ Đức, tín hữu có thể tham dự các Thánh Lễ riêng theo đoàn ngay tại Hang Đá nơi Đức Mẹ hiện ra, hay trong vương cung thánh đường bên dưới, cũng như các thánh lễ quốc tế chung cho tất cả mọi người trong vương cung thánh đường dưới lòng đất. Họ cũng có thể chầu Mình Thánh Chúa trong vương cung thánh đường bên trên. Vào ban chiều có buổi rước kiệu Mình Thánh Chúa, chầu Phép lành và ban phép lành cho các bệnh nhân. Vào ban tối có buổi rước nến lần hạt Mân Côi kính Đức Mẹ. Tín hữu cũng có thể lãnh bí tích Hòa Giải và tắm nước suối Đức Mẹ. Đã có nhiều bệnh nhân được khỏi bệnh khi tham dự cuộc rước kiệu Thánh Thể, lúc vị chủ sự cầm Mặt Nhật Mình Thánh Chúa ban phép lành trên họ, hay sau khi tắm nước suối Đức Mẹ. Ngoài các giờ tham dự thánh lễ, kiệu Mình Thánh Chúa và rước nến lần hạt, trước Hang Đá Đức Mẹ lúc nào cũng có người lần hạt cầu nguyện, có khi suốt đêm, đặc biệt trong mùa hè và những ngày trời đẹp.
Năm 2004 khi viếng thăm Lộ Đức Đức Gioan Phaolô II đã nói: ”Tại đây Đức Trinh Nữ mời gọi chị Bernadette lần hạt Mân Côi, trong khi chính Mẹ cũng lần hạt. Như thế Hang Đá này đã trở thành địa điểm của một trường cầu nguyện gây kinh ngạc, nơi Mẹ Maria dậy cho tất cả mọi người chiêm ngưỡng gương mặt của Chúa Kitô với một tình yêu nồng cháy. Chính vì thế Lộ Đức là nơi các tín hữu của Pháp và của biết bao nhiêu quốc gia Âu châu khác cũng như của thế giới quỳ gối cầu nguyện”.
Điểm thứ ba trong sứ điệp Lộ Đức là việc sám hối, hoán cải trở về với Thiên Chúa. Hoán cải ”teshuva” trong tiếng Do thái có nghĩa là quay ngược lại 180 độ: đang trên con đường xa Chúa, quay trở về với Người. Hoán cải ”metanoia” trong tiếng Hy lạp có nghĩa là nghĩ cao hơn, nghĩ khác đi, thay đổi não trạng, thay đổi tâm thức, thay đổi cung cách suy tư hành xử, bỏ đàng tội lỗi để trở về với Thiên Chúa. Trong cuộc sống đức tin ai cũng ít nhiều cần phải hoán cải, và tiến trình hoán cải ấy chỉ kết thúc với cái chết của mình. Tại Lộ Đức Đức Mẹ đặc biệt xin Bernadette hãm mình hôn đất làm viêc đền tội và cầu nguyên cho những người tội lỗi được ơn trở về với Chúa và Giáo Hội. Đền bù tội lỗi cũng sẽ là một phần của sứ điệp khi Đức Mẹ hiện ra tại Fatima với trẻ chăn chiên Lucia, Phanxicô và Giacinta từ ngày 13 tháng 5 cho tới ngày 13 tháng 10 năm 1917.
Điểm thứ bốn trong sứ điệp Lộ Đức liên quan tới căn cước của Đức Mẹ. Đức Trinh Nữ tự giới thiệu và tự đồng hóa với ơn nhưng không Thiên Chúa ban, bởi vì đối với Mẹ mọi sự thiện hảo đều đến từ Thiên Chúa, tất cả là ơn thánh, tất cả phát xuất từ ơn thánh như chính Mẹ đã thừa nhận trong thánh thi Magnificat, mà Mẹ đã hát lên để chúc tụng ngợi khen Thiên Chúa trong biến cố đến thăm bà chị họ Elidabét thân mẫu của thánh Gioan Tẩy Giả tại Ain-Karim. Tâm tình của Bernadette đối với bài thánh thi này thật rõ ràng. Ngày 22 tháng 5 năm 1866, trước khi bỏ Lộ Đức để gia nhập dòng các Nữ tu Bác ái Nevers, Bernadette đã sáng tác một lời nguyện bắt chước thánh thi Magnificat của Đức Mẹ cảm tạ Thiên Chúa vì ơn khó nghèo của nữ tỳ Chúa (Lc 1,48). Chị thân thưa với Mẹ Thiên Chúa như sau: ”Vâng, thưa Mẹ dịu hiền, Mẹ đã hạ mình xuống trái đất để hiện ra với một cô bé gái yếu đuối… Mẹ, Nữ Hoàng trên trời, Mẹ đã muốn sử dụng những gì khiêm tốn nhất theo trần gian” (Trích Nhật ký dành cho Nữ Hoàng trên trời, 1866).
Chính chị Bernadette là chứng tá sống động diễn tả ý nghĩa sứ điệp của Đức Mẹ. Bernadette đã là chứng nhân duy nhất của điều không thể tin được, và chứng tá của chị đã được cống hiến trong các điều kiện hầu như không thể tưởng tượng được. Là người mù chữ thuộc gia đình không có địa vị xã hội nào, có sức khỏe yếu kém, đã bắt đầu bị bệnh lao phổi, một căn bệnh mà chị phải chiến đấu trong suốt đời, cô bé Bernadette đã phải đương đấu với ông cảnh sát trưởng, tòa án, hiến binh và các ủy ban khác nhau của chính quyền dân sự. Tất cả đều dùng mọi cách để gây áp lực nhằm tạo ra các mâu thuẫn nơi chị, hay khiến cho Bernadette sợ phải nhượng bộ nhận là mình bầy đặt và nói dối. Nhưng đã không có gì có thể lay chuyển được cô bé. Các tài liệu lịch sử cho thấy các người khảo cung vô cùng khâm phục cô bé vô học thức này. Sự đơn sơ của Bernadette khiến người ta nghĩ tới thánh nữ Jeanne d’Arc, và nhớ tới các lời Chúa Giêsu trấn an các môn đệ: ”Các con đừng lo lắng phải nói làm sao hay nói gì, bởi vì trong giờ đó Thánh Thần sẽ dạy cho các con biết những điều phải nói” (Lc 12,11 tt; Mt 10,19 tt.).
Tiếp theo sau các kẻ đối nghịch của giới chức chính quyền dân sự lại tới phiên các thẩm phán của Giáo Hội và các tín hữu hành hương thuộc đủ mọi loại. Các thẩm phán của Giáo Hội muốn thuyết phục Bernadette là đã bị lừa, và đã trông thấy qủy dùng hoa hồng để che hai chân có móng chẻ đôi của nó vv… Còn các tín hữu hành hương thì qúa sốt mến, tới độ muốn đẩy chị rơi vào khuynh hướng sùng bái, coi chị là thánh và muốn chị rờ vào các vật họ đem tới. Nhưng Bernadette đã luôn luôn từ chối. Và đôi khi tín hữu còn tìm cách cắt lén một mảnh nhỏ áo của chị để giữ làm thánh tích. Tuy nhiên, sự ngay thẳng trong sáng của chị đã chiến thắng mọi tấn công ngăn cản, có khả năng lung lạc và làm sai đường cả những người mạnh mẽ nhất.
Chứng tá của chị Bernadette đã rất trong sáng, đặc biệt trong cuộc sống tu trì tại Nevers. Chị đã gia nhập dòng trong hy vọng ”ẩn mình”, và thử thách lớn nhất là các cuộc phỏng vấn mà chị phải miễn cưỡng dành cho các ân nhân, các nhà văn và đặc biệt là các Giám Mục được đặc quyền viếng thăm chị. Bernadette đã ưa thích phục vụ người nghèo: thật vậy trong các năm 1869-1873 chị đã tỏ ra là một y tá rất chuyên môn, có khả năng, chú ý tới các nhu cầu của các bệnh nhân, có uy tín tâm lý và rất được các bệnh nhân vâng lời và qúy mến. Nhưng chẳng bao lâu bệnh lao phổi ngăn cản không cho phép chị làm việc gì nữa. Và đối với chị đó đã luôn luôn là hy sinh lớn lao nhất. Có một lần, trong lúc làm việc ngoại thường, một nữ tu khác thiếu tế nhị đã nói chị là một người vô ích. Bernadette hiểu và nhẹ nhàng trả lới: ”Vâng thưa chị, nghề của em là đau ốm”.
(Thánh Mẫu Học bài 338)
Linh Tiến Khải