Tràng Chuỗi Mân Côi và nỗi khát vọng Thiên đàng

          Trong nhật ký, chị Lucia có kể về  Phan Xi Cô, cậu bé nhỏ tuổi nhất trong 03 thị nhân Pha Ti Ma năm 1917. Khi  được Đức Mẹ hứa sẽ cho lên Thiên Đàng  với điều kiện phải  lần thật nhiều Chuỗi Mân Côi thì em liền đặt tay lên ngực kêu lên: Ôi ! Lạy Đức  Mẹ yêu mến ! Con sẽ đọc nhiều tràng Kinh Mân Côi như Đức Mẹ muốn.

          Kể từ khi ấy: “ Rất thường xuyên, chúng tôi ngạc nhiên thấy em núp sau một bức tường hoặc một bụi dâu đen, nơi em đã khéo léo lẻn vào để quỳ xuống cầu nguyện hay “ Nghĩ”  như lời em nói:  Về Chúa chúng ta, Đấng đang buồn rầu vì  con người quá nhiều tội lỗi. Nếu tôi hỏi em: Phan Xi Cô ơi, tại sao em không  nói để chị  cùng cầu nguyện với em và cả Jaxinta nữa thì em trả lời: Em thích cầu nguyện một mình để em có thể …nghĩ và an ủi Chúa chúng ta, Đấng đang rất buồn rầu” ( Nguồn: Vietcatholic News – 10/5/2020 – Vũ văn An – Sứ Điệp từ Đền Thánh Pha Ti Ma: Khát vọng Thiên Đàng với Phan Xi Cô ).

          Một cậu bé mới bảy tuổi mà  đã có ý tưởng  cầu nguyện để…an ủi Chúa, Đấng buồn sầu vì tội lỗi nhân loại, đó quả thật chỉ có thể là do ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần ? Thông thường người ta cầu nguyện chỉ là để xin ơn này ơn kia cho bản thân, cho gia đình mình chứ có ai  biết cầu nguyện để… an ủi Chúa  đâu ?

          Chúa buồn sầu vì tội lỗi nhân loại và cũng bởi tội lỗi như thế mà rất nhiều người đã bị án phạt đời đời trong Hỏa Ngục. Đức Mẹ cho ba trẻ thị kiến Hỏa Ngục cùng với những hình khổ vô cùng đớn đau kinh hoàng của nó. Bởi đó nên mới  có lời cầu hay còn gọi là Lời Than Pha Ti Ma: “ Lạy Chúa Giê Su xin  cứu chúng con khỏi lửa Hỏa  Ngục và đưa dẫn các linh hồn lên Thiên  Đàng, nhất là các linh hồn cần đến lòng  thương xót  Chúa hơn”.

          Chỉ với một điều kiện là hãy siêng năng lần Chuỗi  Mân Côi mà được lên Thiên Đàng. Phan Xi Cô dựa vào lời hứa ấy của Đức Mẹ và rồi chỉ một khoảng thời gian sau đó, em đã được về Thiên  Đàng, hưởng vinh phúc đời đời. Chị Lucia kể: “ Ngay trước khi chết, em nói với tôi: Chị thấy đấy, em đang bệnh rất nặng. Sẽ không lâu nữa em sẽ được lên Thiên Đàng. Chắc chắn em sẽ nhớ chị nhiều. Ước chi Đức Mẹ cũng sẽ sớm đưa chị đến đó. Chị sẽ không còn nhớ em. Cứ tưởng tượng đi ! Và chị ở ngay đó với Chúa và Đức mẹ, các Ngài rất tốt lành’ ( Nguồn: Vietcatholic News – 10/5/2020 – đã dẫn ).

          Thực hành Kinh Mân Côi xem ra thật là dễ, ai cũng có thể, dù  người già lão, liệt lào trên giường bệnh hay anh trai tráng, khỏe mạnh, thậm chi cả những em nhỏ, người làm trong văn phòng hay người lao động chân tay, bán buôn ngoài chợ v.v…Người Công Giáo ai mà chẳng thuộc Kinh Lạy Cha, Kinh Kính Mừng ?

          Ấy thế nhưng có một loại người…không thể hay nói đúng hơn là…không muốn  đó là hạng  trí thức. Lý do chính là vì tính chất dễ dàng của Kinh Mân Côi được dành cho tất cả mọi người. Theo họ, chỉ cái gì…khó mới có giá trị chẳng hạn như triết/ thần học v.v… Phải chăng chính vì chỉ…ưa những gì khó thế nên người ta mới bày đặt ra đủ thứ suy niệm này nọ đến nỗi Kinh Nguyện này hiện  lâm phải …bước suy tàn như đang thấy.

          Càng đọc nhiều sách vở, càng  thu thập nhiều kiến thức triết học, thần học bao nhiêu mà nếu không có sự tu tập đứng đắn  thì đức tin càng suy đồi bấy nhiêu. Bởi đó Nhà Thiền có câu: “ Đa văn đa bất tín” là vậy.

          Kinh Mân Côi dễ thực hành nhưng lại đem đến kết quả lớn lao, đó là nhờ  nơi Đại  Nguyện của Đức Ki Tô: “ Ta muốn sự thương xót chứ không muốn sinh tế. Vì Ta đến không phải để kêu gọi người công chính bèn là kẻ tội lỗi” ( Mt 9, 13 ).

          Sở dĩ kẻ có tội được cứu là vì họ có lòng cậy trông. Chính vì lòng cậy trông vào lượng bao dung, nhân từ vô biên của Chúa mà  được cứu chứ chẳng  có ỷ lại gì vào công lênh  của họ. Cậy trông vào Đại Nguyện  của Đức Ki Tô để được cứu là điều vô cùng hệ trọng. Tại sao ? Bởi  người tội lỗi ví như  nặng cả ngàn cân nhưng nếu  được chở trên một con thuyền  thì nó sẽ qua  được bờ bên kia một cách dễ dàng. Trái lại dù nhỏ và nhẹ như một hạt cát ném xuống nước thì nó ắt sẽ chìm nghỉm !

          Giống như em Phan Xi Cô, cậy vào lời hứa của Đức Mẹ, siêng năng lần Chuỗi Mân Côi, tất sẽ được lên Thiên Đàng. Mặc dầu lòng cậy trông ấy là hết sức cần thiết, thế nhưng đó không phải là lòng cậy trông…vu vơ mà nhất thiết phải  được hun đúc bằng nỗi khát khao Thiên Đàng tức muốn thoát ly ra khỏi chốn trần gian  tục lụy, khốn khổ này. Bao lâu chưa nhận ra thế gian  là chốn  vô thường khổ não  thì không thể có khát vọng chốn Thiên Đàng  được !

          Người có đạo mà không bước đi trên…đường  đạo thì làm sao có thể đến được cái nơi mình muốn đến ? Nơi…muốn đến  của chúng ta  đó chẳng phải là Nước Thiên Đàng đời đời sao ? Có khát vọng Thiên Đàng sẽ được vào Thiên Đàng. Điều ấy quả thật là vậy. Tuy nhiên để có thể duy trì khát vọng ấy ở nơi mình là điều không hề dễ chút nào. Tại sao ?  Bởi vì con người sống là sống với thân xác mà sống với thân xác có nghĩa là phải sống với những hệ lụy của nó như  bệnh tật, ốm đau cũng như những đòi hỏi nhu cầu của nó như ăn uống, áo quần, nhà cửa v.v…

          Con người chỉ có thể nuôi dưỡng khát vọng Thiên Đàng  một khi nhận thức được tính chất vô thường, khổ đau của đời sống thế gian  và trên hết những nỗi khổ ấy  đó là chúng ta không thể chủ động được gì. Thánh Phao Lô nói: “ Vả tôi biết rằng trong tôi tức  ở trong xác thịt tôi, chẳng có điều chi lương thiện. Vì lòng muốn thì ở nơi tôi nhưng quyền lực làm điều thiện thì lại không có. Cho nên điều thiện tôi muốn thì tôi không làm. Còn điều ác tôi không muốn thì tôi lại làm. Song nếu tôi làm điều tôi không muốn thì chẳng còn phải là tôi  làm  điều đó nữa bèn là tội lỗi ở trong tôi” ( Rm 7, 18 -20 ).

          Phàm phu không ai chủ động được mình và cũng chính vì không có sự chủ động ấy nên con người sống trong tội mà không hề hay biết. Lòng tham một khi khởi lên mà không nhận biết tất đưa đến hành động tham ( trộm cắp, cướp giật, lừa đảo )  để rồi lãnh lấy hậu quả tương xứng không cách chi tránh khỏi.

          Kinh Mân Côi nhờ vào cấu trúc  đặc biệt của nó  chính là phương pháp đắc lực nhất để cho ta nhận biết được tội  và khi đã nhận biết được tội  tức ý riêng mình thì không còn phạm tội nữa. Bởi mục đích của Kinh Mân Côi là để nhắm tới việc bỏ đi  ý riêng hầu thực thi Thánh Ý Chúa  thế nên nó cần được thực hiện trong tính chất của mỗi cá nhân ( Một mình ). “ Còn ngươi khi cầu nguyện, hãy vào phòng kín đóng cửa lại rồi cầu nguyện Cha ngươi là Đấng ở nơi ẩn mật và Cha ngươi là Đấng thấy trong chỗ ẩn mật sẽ báo đáp cho ngươi” ( Mt 6, 6 ).

          Đóng kín cửa có nghĩa là đóng các cửa giác quan ( mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý ) đừng để cho nó luông tuồng, phóng túng ra bên ngoài thế giới ngoại vật. Sự phóng túng giác quan  đó chính là để cho lòng ham mê thế gian xác thịt mà …quên đi Đấng Cha Hằng Hữu ở nơi mình. Một khi đã quên  mất Đấng Cha ở nơi mình  để hướng chiều về thế gian ( Bội giác hiệp trần )  như thế thì  đâu còn có khát vọng gì về Nước Thiên Đàng nữa. ?

          Với  việc kiên trì nhẫn nại thực hành Kinh  Mân Côi trong từng niệm tưởng , một ngày cũng như một tháng, một tháng cũng như một năm cho đến hết cả cuộc đời  đó là chúng ta  thực sự đã có lòng ước ao Thiên Đàng và hễ  ước ao thì chắc chắn sẽ  được: “ Nhờ sự nhẫn nại mà các ngươi giữ  được Linh Hồn mình” ( Lc 21, 10 )./.

Phùng  Văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts