5 LỜI KHUYÊN ĐỂ THỰC HIỆN GIỜ CẦU NGUYỆN CHUNG TRONG GIA ĐÌNH

Một số người có thể dễ dàng chứng thực điều sau đây: cầu nguyện chung trong gia đình không phải là một dòng sông dài êm đềm. Nếu việc thao luyện này nguy hiểm, liệu chúng ta có nên buông tay hay không? Dưới đây là một số lời khuyên để giúp cha mẹ và con cái sống giờ phút cầu nguyện này, trong hồi tâm và thanh thản.

  1. Tại sao phải cầu nguyện chung trong gia đình?

Thực sự là thú vị khi đặt một câu hỏi thế này, trước khi tìm hiểu sâu xa hơn. Những lợi ích của việc cầu nguyện chung trong gia đình là gì? Tại sao phải kiên trì? Bởi vì điều này dẫn chúng ta cùng nhau đến với Chúa Giêsu. Đối với gia đình thực hiện việc cầu nguyện, thì cầu nguyện vừa là nơi hiệp thông, học hỏi, tha thứ, cởi mở với người khác, vừa là nơi tưởng nhớ và cử hành.

  1. Ưu tiên cầu nguyện vào chiều tối.

Đúng như tên gọi, cầu nguyện được thực hiện vào buổi tối, trước hoặc sau bữa tối, đôi khi ngay trước khi đi ngủ. Thời gian sẽ phụ thuộc chủ yếu vào độ tuổi của con cái và lịch sinh hoạt gia đình hàng ngày của bạn. Chọn một góc cầu nguyện, trình bày cụ thể vị trí của Chúa trong nhà bạn. Lời cầu nguyện này cần ngắn thôi, không quá 15 phút, thường là từ 5 đến 10 phút. Đối với nghi thức, đây là đề xuất của tác giả: dấu thánh giá, một bài hát, một lời cảm ơn, một lời tha thứ và có thể là một bài đọc Lời Chúa với những ý chỉ lớn lao nhất, một Kinh Lạy Cha, một Kinh Kính Mừng, dấu thánh giá. Một số gia đình cũng thực hiện một lời chúc lành khác nhau tùy theo mỗi ngày trong tuần.

  1. Thực hiện truyền thống gia đình của bạn.

Bởi vì không có một cách duy nhất để cầu nguyện, mỗi gia đình có cơ hội tạo ra nghi thức cầu nguyện của riêng mình. Mà cũng có thể phát triển thêm các nghi thức cầu nguyện trong suốt cuộc đời và trong các sự kiện gia đình đang trải qua. Thiên Chúa cho phép chúng ta tự do cầu nguyện, vì vậy hãy để sự sáng tạo của chúng ta lên tiếng! Ví dụ nhỏ: yêu cầu bọn trẻ đệm các bài hát bằng một cái trống lục lạc con con (luôn giữ được sự kiểm soát tình hình!) Trên hết, người ta học biết cầu nguyện trong gia đình bằng cách thực hành cầu nguyện, với một số thử nghiệm và sai lầm, hãy đối mặt với chúng. Nhưng trong bất cứ tình huống nào điều đó không được làm chúng ta nản lòng.

  1. Có được sự thanh thản và chiêm nghiệm

Đây là một thách thức lớn! Đặc biệt là đối với các gia đình nhiều con, ở các độ tuổi khác nhau. Làm thế nào để thu hút được sự chú ý của mọi thành viên ttrong gia đình vào thời điểm hồi tâm này? Trước hết, bằng cách chọn một vị trí thoải mái, mọi người phải tìm thấy vai trò của mình, để không phải can thiệp giải quyết  một cuộc xung đột có thể xảy ra. Sau đó, hãy quan tâm đến lúc khởi đầu của buổi cầu nguyện sao cho bước ban đầu đó giúp bạn tự nguyện tham gia buổi cầu nguyện một cách nghiêm túc và thanh thản. Cũng cần đảm bảo rằng tất cả mọi người đều tham gia vào buổi cầu nguyện, tùy theo khả năng của họ: đứa con này có thể thắp một ngọn nến, đứa con kia đọc một bản văn, … Đôi khi cũng cần phải “chia nhỏ buổi đọc kinh gia đình”: cha hoặc mẹ dẫn những đứa con nhỏ đến giường ngủ và đọc Kinh Lạy Cha với chúng. Người còn lại cùng cầu nguyện lâu hơn với những đứa con lớn hơn. Cho đến khi cả gia đình có thể cùng cầu nguyện trở lại.

  1. Nếu con tôi không muốn cầu nguyện thì sao?

Tình huống này có nguy cơ xảy ra nhiều lần. Vậy thì càng phải chuẩn bị và suy nghĩ về những cách phản ứng thích hợp. Thái độ thích hợp rõ ràng phụ thuộc vào độ tuổi của đứa trẻ và cả sự chín chắn của nó. Trước hết, phải hiểu bản chất của việc không muốn cầu nguyện đó. Hãy biết rằng không nên áp đặt việc cầu nguyện. Do đó, đối thoại vẫn là lựa chọn tốt nhất. Hãy lắng nghe con bạn, để nó mở lòng ra, để nó tự do bày tỏ những gì nó cảm thấy và lý do tại sao nó từ chối việc cầu nguyện của gia đình. Tuy nhiên, chúng ta hãy khiêm tốn thừa nhận rằng: nếu cha mẹ có sứ mạng đồng hành với con cái trong việc khám phá và gặp gỡ Thiên Chúa, thì sứ mạng đó không thuộc về họ và thậm chí còn vượt quá bản thân họ.

… và trên hết, một gia đình Kitô hữu không phải là một gia đình hoàn hảo!

Thế nào là một gia đình Kitô hữu: “Gia đình Kitô hữu không phải là một gia đình hoàn hảo, nhưng là một gia đình đón nhận thực tế như nó là, chắc chắn Chúa đang chờ đợi gia đình đến cầu nguyện với Ngài và Ngài sẽ ban cho gia đình ân sủng của Ngài, để biến việc cầu nguyện thành một cơ hội yêu thương và sinh hoa trái dồi dào. Gia đình sẽ học được sự chuẩn bị sẵn sàng này của cõi lòng một cách đặc biệt trong buổi cầu nguyện chung, trong gia đình.

 

Tác giả: Sophie Delhalle, www.cathobel.be.

Chuyển ngữ: Phêrô Phạm Văn Trung.

 

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts