Anh Cả

“Về gần đến nhà, khi nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa, liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì” (Lc 15:25).

Đó là phản ứng đầu tiên của người anh trong câu chuyện “đứa con hoang đàng” hay là “người cha nhân hậu” của Phúc Âm thánh Luca.

Tại sao không vội vã vào ngay?

Có thể anh ta đoán được chuyện gì đang xảy ra.  Chuyện người em đã về.

Anh ta không muốn vào nhà vì biết đâu người em đã về thật.  Anh gọi người đầy tớ ra hỏi cho chắc.  Không ngờ, người đầy tớ báo tin.  Trong lời báo tin này có ba sự kiện:

– Em cậu đã về!

– Cha cậu đã giết con bê béo!

– Vì gặp lại cậu ấy mạnh khoẻ!  (Lc. 15:27).

Nghe xong, anh “nổi giận”, không chịu vào nhà.  Thế là hết!  Ba yếu tố vừa kể trên làm anh ta đau đớn. Anh không muốn đứa em về.  Không muốn người cha thịt con bê béo.  Không muốn người cha nhìn đứa em mạnh khoẻ.  Anh chối từ bữa tiệc.  Chối từ bữa tiệc cũng là không muốn gặp mọi người hiện diện ở đó.  Nếu vào nhà, gặp đứa em, anh ta làm sao chạy ra?  Nếu vào nhà, bà con láng giềng chúc mừng em anh ta đã về, anh biết phản ứng làm sao?  Anh không vội vã vào nhà.  Anh đã tính toán khá kỹ.

Tại sao không truyền lệnh mà năn nỉ?

Có thể người đầy tớ phải vào báo cho chủ biết nên người cha mới ra gặp anh ta.  Hoàn cảnh người cha rất khó xử.  Nếu anh ta không vào, ông trả lời thế nào với đứa con thứ khi nó hỏi:

– Anh con đâu?

Nếu người con trưởng không vào, ông biết nói thế nào với bà con láng giềng về sự vắng mặt rất ý nghĩa này.  Nếu những người giúp việc nói chuyện với nhau, họ phản ứng thế nào, vì họ không ngờ chuyện lại xảy ra như thế.  Ai cũng nghĩ là một ngày vui.  Rồi câu chuyện đến tai bà con lối xóm, những người dự tiệc.  Bây giờ, đề tài trong bữa tiệc này chuyển hướng về đâu?

Ngày hôm nay, có bố mẹ cũng không sao sắp xếp được cho các con ngồi chung với nhau một tiệc vui.  Có những anh em thề không nhìn mặt nhau.  Họ nói:

– Nếu có vợ chồng chúng nó, không có con!

Vì sao người cha trong câu chuyện này không truyền lệnh mà lại năn nỉ?  Ông rơi vào tình cảnh đó.  Ông ở một hoàn cảnh rất thương tâm.

 

Phản ứng của người con thứ

Cho đến lúc này ta không nắm chắc tâm tư người con thứ và cuộc trở về của nó.

Nếu người con thứ biết anh nó đang nổi giận ngoài kia.  Liệu bữa tiệc có tiếp tục vui?

Chi tiết cho hay là nó về vì đói.  Luca nói rõ: Nó ước ao lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng. Nhưng không ai cho.

Điều cần lưu ý ở đây là chữ “dân”.  Nó đi chăn heo cho một người “dân” trong vùng.  Không phải chăn heo cho một ông chủ.  Người dân này lại đang trong nạn đói “khủng khiếp”.  Heo của nhà giàu, chắc ăn thức ăn khác của nhà nghèo.  Đã nghèo mà lại trong nạn đói khủng khiếp.  Như vậy còn gì mà ăn?  Ấy thế mà nó vẫn chưa chịu về, vẫn xin đồ ăn của “heo-nhà-nghèo-trong-nạn-đói”.  Giả sử người ta cho nó thứ đồ ăn đó, nó đâu có về.  Bằng chứng là nó chỉ về khi người ta không cho nó.  Nếu không về lấy gì ăn?

Sau cái ôm hôn, sự gặp gỡ cha có làm nó mủi lòng thật tâm trở về hay không?  Phúc Âm không nói rõ.  Dù nó thật tâm hay không thì người cha vẫn có bữa tiệc.  Chúng ta không nắm chắc được tấm lòng người con thứ sau vòng tay của cha.  Có thể nó sám hối ngày tháng cũ khi cảm thấy cha thương mình.  Cũng có thể chưa.  Cũng có thể lên mặt với người anh khi thấy anh nó hành xử như vậy.  Luca viết đoạn văn này tuyệt với với những nét “thiền niệm” quá sâu.  Luca để băn khoăn đặt ra là, nếu biết người anh nổi giận vì cuộc trở về của mình, phản ứng nó sẽ ra sao?  Và điều gì xảy ra trong bữa tiệc?

Nguyên nhân của những nguyên nhân

Dựa vào bản tường thuật, sau khi chia gia tài, đứa con thứ “ít ngày sau, thu góp tất cả, rồi trẩy đi phương xa” (Lc. 15:13).  Nó ở lại ít ngày, và thu góp “tất cả” rồi mới trẩy đi phương xa.  Như thế, khi ra đi nó không thể bỏ cái áo “đẹp nhất” ở lại.  Ngày nó về, người cha bảo các đầy tớ mau mau đem áo “đẹp nhất” ra đây mặc cho cậu.

– Áo đó ở đâu?

Khi được sai đi lấy áo, người đầy tớ không hỏi áo nào.  Người đầy tớ biết rõ “cái áo”.  Có một liên hệ hiểu ngầm nào đó giữa người cha, chiếc áo và người đầy tớ.  Họ biết rõ về câu chuyện cái áo.

– Bắt con bê đã “vỗ” béo để làm thịt.

Không phải con bê béo, nhưng là con bê đã “vỗ” béo.  Như thế ta thấy rõ cái áo từ đâu ra.  Cái áo phải là chiếc ông may sẵn.  Vì con bê đã được “vỗ” béo.  Bắt con bê mà từ trước tới nay vẫn săn sóc đặc biệt cho nó béo.  Săn sóc đặc biệt con bê cho béo để làm gì?  Bản tường thuật cho thấy rõ.  Ông thịt con bê đó trong ngày người con thứ trở về.  Như vậy, trước khi nó về, người cha may áo mới chờ đợi, săn sóc con bê cho bữa tiệc.  Tất cả những chuyện này, đầy tớ là người lo chuẩn bị.  Cho nên khi công việc xảy ra, mọi chuyện đâu vào đó.  Khổ một điều, tất cả chuyện này, người con cả cũng biết.

Người con cả thấy đầy tớ săn sóc con bê cho béo.  Anh ta thấy may sẵn áo mới chờ ngày.  Từ ngày đó, lòng anh không yên tâm.  Những ngày sống của anh là giận kín trong lòng.  Hồn anh là tháng năm rất âm u.  Nhìn con bê, nghĩ đến bữa tiệc có ngày xảy ra.  Anh sợ ngày đó.  Anh lo một ngày nào đó đữa em sẽ về.  Không ngờ, hôm nay nó về thật.

Dang dở ngàn trước cho đến ngàn sau

Người anh cả.  Câu chuyện dang dở từ đây.

“Gọi người đầy tớ ra mà hỏi”.

Bình thường khi thấy gia đình như thế, người ta phải vội vã chạy về xem có chuyện gì mà vui vậy.  Nhưng anh dè dặt, vì… nếu là tiệc cho đứa em thì sao?  Nếu chạy vào mà đúng là đứa em về thì… trời ơi!  Anh ta gọi người giúp việc ra hỏi, sự thận trọng đó là đúng.

Đời anh là những tháng ngày dang dở.  Từ khi người con thứ bỏ nhà đi thì người cha cũng mất luôn người con trưởng, vì tấm lòng nó chật chội quá.  Nó ở trong nhà, mà tấm lòng chỉ là một quán trọ tính toán giữa chợ.  Căn nhà không có trái tim bao dung, buồn làm sao.  Anh sống những ngày ảm đạm của một tấm lòng khoắc khoải.  Nếu ngày nào đó có tiếng đàn ca thì sao, buồn quá.  Anh lo cho ngày đó, anh sợ tiếng đàn vui.

Cuộc đời như vậy lặng lẽ quá nhỉ.

– Chưa bao giờ cha cho con lấy được một con dê con.

Thì ra thế!  Thời gian những người đầy tớ “vỗ” con bê cho béo, cũng là những tháng ngày nó bị dằn vặt đau đớn.  Nó thầm mong một con dê con.  Ấy vậy mà bây giờ cha dám giết cả một con bê béo vì thằng em.  Lòng ghen tức làm nó khổ.

Trong lúc “nổi giận” không chịu vào nhà, nó nói gì?  Bản tường thuật cho thấy nỗi đau ray rứt linh hồn anh ta sâu lắm.

– Thằng con của cha đó, sau khi nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng! (Lc. 15:30).

Anh ta lại nhắc đến con bê.  Con bê béo này là hình ảnh xót xa liên hệ đến con dê, vì một con dê con anh cũng không có.  Rồi vì con bê ấy thúc đẩy anh dùng cụm từ này: “Thằng con của cha đó”. Anh ta nói với cha mình như vậy.  Thế thì, anh ta là con ai?  Đứa nào ngoại hôn?  Cụm từ “thằng con của cha đó” là nỗi đau vô vàn đối với một người cha có con như vậy.  Làm sao một người con có thể nói với cha mình như thế.

Đời người con cả trong câu chuyện này quá dang dở.  Anh ta sống, nhưng không còn là anh ta sống nữa.  Bên cạnh cha là bổn phận ngày tháng dài lê thê.  Anh chưa hề trái lệnh.  Chính vì chưa trái lệnh nên mới càng đau.  Chưa trái lệnh mà không được một con dê con, nên cái lê thê mới dài, dài của những ngày tìm mà không gặp cái mình tìm.  Lòng ghen tức, nỗi cay nghiệt, xót xa trăn trở sống trong anh ta.  Thấy cha may áo chờ, biết đâu có ngày người con thứ về.  Từ ngày nó bỏ đi, thì lòng người con cả rối bời, chỉ sợ ngày em nó về.  Nhìn gia nhân săn sóc con bê cho béo, anh đau đớn.  Nhìn con bê, nghĩ đến cái áo, anh không một ngày vui.  Cuộc sống anh ta khổ quá.

Tại sao người cha không cho?

Ông còn gì đâu mà cho!  “Tất cả những gì của cha đều là của con!”  Như thế, có nghĩa là nó có thể giết bất cứ con dê nào nó muốn, vì tất cả là của nó!  Trời ơi!  Vậy mà nó không biết.  Tại sao nó không hiểu điều này!  Đời anh ta sao dang dở quá vậy?  Anh ta sống bên gia nghiệp lớn như thế mà cứ nghèo, ao ước một con dê con cũng không được.  Giữa những cơn nghèo ấy, giữa những tháng ngày khao khát ấy, thì cừu cứ từng bầy, chiên cứ từng đàn ngày ngày đi về trước đời anh.  Tại sao sống bên vàng bạc lại túng thiếu, bên cánh đồng mà không đủ thóc.  Tại sao suối đầy nước mà ruộng mình cứ nắng hạn.  Đời anh dang dở quá. “Tất cả của cha là của con”.  Câu này mang ý nghĩa là nó muốn giết con dê nào thì giết.  “Nếu anh em để cho Thần Khí hướng dẫn thì anh em không còn lệ thuộc lề luật nữa” (Gal. 5:18).  “Nếu gia nghiệp dành cho những kẻ lệ thuộc lề luật thì đức tin thành vô nghĩa và Lời Thiên Chúa bị huỷ bỏ” (Rom. 4:11).

Mà đời người cũng bi thương khôn cùng.  Con sống bên mình mà không biết tâm tư của mình. Cha con cứ xa nhau.

Người con thứ chỉ xúc phạm cha một câu: “Xin chia phần tài sản con được hưởng”.  Người con trưởng xúc phạm đến cha nhiều quá.

Không thấy người con thứ xúc phạm đến anh nó.  Nhưng người con trưởng xúc phạm cả em nó.  Tại sao nó đương nhiên kết luận em nó nuốt hết của cải với “bọn điếm”.

Người con thứ ra đi, cha nó thương vì có nhớ.  Hoặc vì nhớ nên thương.

Người con trưởng ở nhà, nên không thể nhớ.  Không nhớ, nhưng cha có thương không?  Điều này chắc chắn có.  Vì: “Tất cả những gì của cha đều là của con”.

Cái bất hạnh của người con trưởng là không nhận ra tình thương của cha.  Trong tình yêu, khi không nhận ra thì cũng không nhận được.

            Nếu người con trưởng không nhận ra, không nhận được tình thương của mình, thì tình thương của người cha lại trở về với ông ta mà thôi.  Cho mà không có người nhận, đó là cô đơn.

Cuộc đời người cha trong câu chuyện này cũng quá dở dang.  Một nỗi cô đơn của kẻ cho mà không có người nhận.  Của kẻ gần mà quá xa.

Cha anh ta ra năn nỉ:

– Chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy (Lc. 15:32).

Lời người cha nói: “Em con đây”, vừa êm ái vừa tha thiết.  Nhưng với người con trưởng có là “em con đây” hay vẫn là “thằng con của cha đó”.

Câu chuyện thật là dang dở ở đoạn kết.  Sau khi người cha nói với anh ta như vậy, Luca chấm dứt câu chuyện.  Đọc xong rồi, người đọc băn khoăn:

– Vậy sau cùng, người con trưởng có vào nhà không?

Luca không cho người đọc biết quyết định của anh ta.

Tôi giả sử:  Nếu anh vào thì mọi chuyện quá đẹp.

Nếu anh ta không vào.  Bao nhiêu vấn nạn được đặt ra.  Liệu bữa tiệc có tiếp tục?  Tiếp tục thế nào?  Chiều đến, từ xa vẫn nghe “tiếng đàn ca nhảy múa”.  Các người dự tiệc sẽ hỏi gia chủ:

– Thưa ông, thế cậu hai đâu?

Người cha biết trả lời khách làm sao.  Nếu chiều về, người con thứ vẫn không thấy mặt anh mình trong bữa tiệc.  Người cha sẽ nói gì với nó khi ông biết rõ anh nó đang “nổi giận”, và không chịu vào nhà.

Câu chuyện thật dang dở.  Liệu bữa tiệc có dở dang không?

Tại sao Luca, khi viết chuyện này không cho đoạn kết?  Tại sao lại bỏ lửng câu chuyện ngang chừng?  Đọc xong, người đọc không biết người con cả có vào nhà hay tiếp tục ở ngoài.

Đọc xong, ta thấy một trời bơ vơ.

Tâm trạng người cha thế nào?  Nó không vào, ông trả lời khách sao đây?  Ông tìm cách nào để cắt nghĩa cho người con thứ về sự kiện anh nó nổi giận không chịu vào nhà?  Tâm trạng người con thứ nữa, nó có điên tiết, anh em đánh nhau ngay bữa tiệc?  Lối xóm phản ứng ra sao?  Câu chuyện trong bữa tiệc chuyển đề về đâu?  Tất cả rối bời.

Giả sử Luca cho người con trưởng hối hận rồi nghe cha vào nhà, câu chuyện có toàn bích hơn không?  Vì sao Luca không viết rõ?

Đọc xong, băn khoăn không biết hỏi ai.

Một trời bơ vơ.

Phải chăng vì tác giả biết có ngày người ta sẽ băn khoăn đặt câu hỏi.  Phải chăng Luca muốn cho cái dang dở ấy hết dở dang khi người ta tự thắc mắc với chính lòng mình:

– Nếu tôi là người anh cả tôi sẽ vào hay không?  Nếu tôi là người con thứ, tôi phản ứng thế nào?

Đây cũng là đường đi một mình, vì chỉ tôi biết rõ lòng tôi.  Chỉ tiêng tôi có câu trả lời cho tôi.

Luca phải để cho câu chuyện dở dang, vì dở dang này chỉ chấm dứt trong tim người đọc chứ không thể hết dở dang bằng ngòi bút.

 

Nguyễn Tầm Thường S.J

Chia sẻ Bài này:

Related posts