Những ai theo dõi Internet đều thấy những lời tiên tri của Nostradamus và bà Vanga mù dành cho năm 2020 là rất xấu. Thực tế, ngay trong tháng đầu của năm cũng đã xảy ra những hiện tượng đáng lo ngại: Cháy rừng chưa từng có tại Australia, tại Amazon. Dịch viêm phổi cấp tại Vũ Hán cho đến nay đã lan ra trên khắp các tỉnh thành của Trung Quốc đến nỗi nhà nước đã phải ban hành lệnh phong tỏa, nội bất xuất, ngoại bất nhập cho nhiều thành phố gây hoảng loạn cho hàng chục triệu người. Mặt khác bóng ma chiến tranh giữa Iran và itsraen đang chập chờn và có thể xảy ra bất cứ lúc nào v.v…
Thế giới đã vậy, còn hiện tình Giáo Hội thì cũng đang hết sức rối ren. Sự chia rẽ diễn ra công khai trong hàng giáo phẩm cao cấp, hồng y chống hồng y, giám mục chống giám mục v.v…THĐ Vùng Amazon và cái gọi là Tiến Trình Công Nghị Đức đang đặt ra những vấn đề có tính nền tảng của Giáo Hội chẳng hạn như Luật Độc Thân Linh Mục, phong chức Linh Mục cho phụ nữ, cho phép người đồng tính kết hôn v.v…
Tất cả đó phải chăng là những điềm báo về Ngày Chúa đến sắp gần rồi ? Đối với thế gian thì Ngày Chúa đến là ngày báo oán đáng sợ. Nhưng đối với những tuyển dân thì lại là giờ vui mừng.
Trong Thánh Lễ Tân Niên cầu bình an năm mới, chúng ta được nghe trích đoạn thư của Thánh Phao Lô gửi tín hữu Philip: “ Anh em hãy vui luôn trong Chúa. Tôi lại còn nói nữa: Hãy mừng vui đi. Hãy cho mọi người đều biết sự nhu nhượng của anh em. Chúa đã gần rồi. Chớ lo lắng chi hết nhưng trong mọi điều hãy nhờ sự cầu nguyện, nài xin và sự cảm tạ mình cho Thiên Chúa. Rồi sự bình an của Thiên Chúa vượt quá mọi sự hiểu biết sẽ canh giữ lòng và ý tưởng của anh em trong Chúa Giê Su Ki Tô” ( Pl 4, 4 -7 ).
Chúa đã gần, ám chỉ cho Ngày Tận Thế là ngày đáng kinh khiếp đang đến. Ấy vậy tại sao Thánh Phao Lô lại nhắc tới hai lần: Hãy vui lên ? Vui ở đây dĩ nhiên không phải là cái vui hời hợt, chóng qua của thế gian nhưng đó là niềm vui sâu lắng của nội tâm, niềm vui trong Chúa.
Làm sao để có được niềm vui trong Chúa ấy đang khi Chúa dường như vắng mặt trong cái thế giới điên đảo, thường trực bất an này ? Quả thật thế giới vốn dĩ đã bất an ngay từ trong tính chất hiện tượng luôn đổi thay, không ngừng sinh diệt này.
Vạn vật, thiên nhiên cũng như con người đều sống trong sự biến đổi. Thiên nhiên thì có bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông xoay vần. Còn con người thì trải qua tiến trình Sinh, Già, Bệnh, Chết.
Tuy nhiên sự bất an không hệ tại nơi sự biến đổi ấy nhưng ở trong tâm trí. Chính cái tâm trí không thuận theo sự biến đổi ấy đã đưa đến bất an. Chỉ muốn có mùa xuân ấm áp mà không trải qua mùa đông rét mướt, mùa hè nóng nực. Chính cái ước muốn không thuận thời ấy đã tạo sự bất an.
Chỉ muốn khỏe mạnh mà không muốn bệnh tật, ốm đau. Chính cái ước muốn không thuận mệnh ấy đã khiến cho tâm trí bất an. Chỉ muốn sống trong hoàn cảnh đầy đủ tiện nghi sung sướng mà không chịu đựng được cảnh khó nghèo, túng bấn. Chính vì không chịu đựng được như thế mà đã tạo cho mình sự bất an !
Tóm lại, an hay bất an đều do nơi tâm trí quyết định có nghĩa do Tâm tạo. Mặc dầu nói Tâm Tạo nhưng đó không phải việc một sớm một chiều mà là một sự chuyển hóa lâu dài. Sống đạo chẳng qua chỉ là cái việc chuyển hóa từ Tâm bất an ( mê lầm trói buộc ) thành Tâm an tức Tâm giải thoát.
Nhà Thiền có câu chuyện của Sa Di Đạo Tín lúc mới 13, 14 tuổi đến đảnh lễ tổ Tăng Xán ( Tổ thứ 3 Thiền Tông ):
– Xin hòa thượng dạy cho con pháp giải thoát. Khi đó tổ Tăng Xán nhìn thẳng vào mặt hỏi:
– Ai trói buộc ngươi ?
– Dạ không có ai trói buộc hết. Tổ nói:
– Nếu không có ai trói buộc thì cầu giải thoát làm gì ? Ngay đó ngài Đạo Tín liền…ngộ.
Ngài Đạo Tín…ngộ tức là nhận ra chỉ có mình tự trói buộc mình chứ chẳng có ai khác. Tự trói buộc mình, đây chính là tính chấp muôn thuở của con người. người ta có thể …chấp vì tài sản, sự nghiệp, hoặc sở học của mình và cũng có thể vì niềm tin tôn giáo của mình.
Sự cố chấp trong niềm tin, tưởng chừng như là điều cần thiết để bảo vệ tôn giáo của mình. Thế nhưng đó lại là điều vô cùng tệ hại khiến con người không thể nhận biết chân lý.
Người Do Thái vì cố chấp vào niềm tin Đấng Messia để rồi không nhận ra Đức Ki Tô là Đấng đến để giải thoát mình. Người Hồi giáo vì đã chấp vào quan niệm Thánh Allah nên đã gây ra biết bao cuộc thánh chiến, ngay cả với đồng đạo giữa phái Sunny và Shiai…
Không sự gì có thể khiến con người bất an cho bằng tính chấp thủ, bởi vì nó khiến con người không thể nhận biết Sự Thật. Bởi đó cho nên Đức Ki Tô nói chỉ có Sự Thật mới có thể làm cho con người được giải thoát có nghĩa được bình an thật sự: “ Chúa Giê Su bèn phán cùng những người Do Thái đã tin Ngài rằng: Nếu các ngươi cứ ở trong đạo của Ta thì thật là môn đệ Ta. Các ngươi sẽ nhận biết Sự Thật và Sự Thật sẽ giải thoát các ngươi” ( Ga 8, 31 -32 ).
Chúa nói, Ngài đến không để giải thoát nhưng là Sự Thật. Nói cách khác, chỉ khi nào nhận biết Sự Thật thì con người mới được giải thoát, ngược lại thì không. Nhận thức về điều này là hết sức quan hệ cho việc sống đạo. Tại sao ? Bởi vì từ bấy lâu nay việc sống đạo vẫn chỉ được hiểu như là làm việc bác ái, tông đồ, cầu nguyện, dâng Thánh lễ v.v…
Những việc trên đều được kể như là tốt nhưng thật ra chưa đủ nếu không trên đường tìm kiếm Sự Thật và Sự Thật ấy chính là mỗi một người trong chúng ta đều được tác tạo nên là Hình Ảnh Thiên Chúa, là Con Thiên Chúa ( St 1, 26 )
Chân lý Con Thiên Chúa thật là cao cả, Thánh Gioan đã xác quyết: “ Hỡi kẻ yêu dấu, hiện nay chúng ta là con cái Thiên Chúa, còn chúng ta sẽ ra như thể nào thì chưa được tỏ ra. Song chúng ta biết rằng khi Ngài hiện ra ( Lần thứ hai ) thì chúng ta sẽ giống như Ngài vì sẽ thấy Ngài như Ngài vốn thật là vậy” ( 1Ga 3, 2 ).
Vốn được tác tạo là Con TC nhưng vì bị vô minh che lấp nên con người không một ai nhận biết mãi cho đến khi Đức Ki Tô xuất sinh nơi đời rao giảng Tin Mừng Nước Trời nội tại ( Lc 17, 20 -21 ).
Sở dĩ gọi là Tin Mừng bởi vì những ai tin và…nghe được Tin ấy thì sẽ phát khởi được lòng Vui, lòng Mừng. Nghe được Tin Mừng của Đức Ki Tô đó là niềm vui lớn lao của sự giải thoát: “ Nhưng phước cho mắt các ngươi vì thấy được. Cho tai các ngươi vì nghe được. Quả thật Ta nói cùng các ngươi, có nhiều tiên tri và người công chính đã ước ao thấy được điều các ngươi thấy mà chẳng được thấy. Ước ao nghe điều các ngươi nghe mà chẳng được nghe” ( Mt 13, 16 -17 ).
Cũng chính vì nghe và tin nhận Tin Mừng của Đức Ki Tô đem lại niềm vui lớn lao thế nên đức Khổng Tử của phương đông cũng có niềm ước ao đó: “ Buổi sáng nghe và hiểu được đạo. Buổi tối dù có phải chết cũng thỏa dạ” ( Triêu văn đạo. Tịch tử khả hỹ – Luận Ngữ – Thiên Lý Nhân ).
Nghe và tin vào Tin Mừng của Đức Ki Tô, đó là niềm vui lớn. Thế nhưng để có thể sống niềm tin ấy cho đến trọn đời đó lại là điều bất khả nếu không có Đức Maria làm Mẹ. Lý do là vì vai trò cực kỳ quan trọng của Đức Maria chính là để cưu mang và sinh hạ Chúa Giê Su Ki Tô ở trong ta: “ Cùng một năng lực của Đấng Chí Cao. Cùng một tác động của Thánh Thần đã làm cho Maria sinh ra Đấng Cứu Chuộc thế nào thì cũng làm cho người tín hữu sinh ra trong nước tái sinh như vậy” ( Thánh Lê o In Nativ ).
Cần có Đức Maria để sinh hạ Chúa Giê Su, người Anh Cả của chúng ta. Đó là một niềm vui khác tiếp ngay sau niềm tin vào Tin Mừng. Nhận biết và yêu mến Đức Maria, người Mẹ tâm linh của mình. Điều ấy chẳng những sẽ làm cho con đường đến với Chúa Giê Su Con Mẹ vừa bảo đảm chắc chắn lại vừa hết sức dễ dàng, chỉ cần chúng ta chuyên cần thực hiện ba Mệnh Lệnh Pha Ti Ma là được.
Vui vì nghe được Tin Mừng, vui vì có Đức Maria là Đấng dẫn đưa ta đến với Đức Ki Tô và như thế có thể nói Sống Đạo là sống trong niềm vui của sự giải thoát và bình an. Tuy nhiên để sống niềm vui ấy trong những tháng năm chờ đợi N Chúa đến, đòi hỏi chúng ta cần có lòng kiên trì nhẫn nại trong tỉnh thức, cầu nguyện: “ Vì ngươi đã giữ đạo của sự nhẫn nại Ta. Ta cũng sẽ gìn giữ ngươi khỏi giờ thử thách là giờ sắp đến trong khắp thiên hạ” ( Kh 3, 10 ).
Phùng Văn Hóa