Chúng tôi vừa đi thăm hai cụ bà, thân mẫu của hai người anh em chúng tôi đã qua đời, một anh vì tai nạn và một anh vì chứng ung thư.
Khi chọn thời điểm ngày 27 tháng 7 để viếng thăm các gia đình của anh em trong Tỉnh Dòng đã qua đời, anh em hay nói đùa đó là “Ngày “Thương Binh Liệt Sĩ”, thật ra chính xác phải nói là chung quanh ngày 26 tháng 7, vì ngày 26 tháng 7 là ngày Lễ kính ông Thánh Gioakim và bà Thánh Anna, hai cụ là song thân của Mẹ Maria. Hơn nữa, ngoài thời điểm này, chúng tôi còn được thêm một lần nữa để thăm các cụ là song thân của các anh em trong Dòng vào cuối năm âm lịch theo truyền thống của dân tộc, như vậy hai thời điểm được phân bố khá đều..
Thăm các cụ bà vào thời điểm này thật trùng hợp, được thêm nhiều ý nghĩa thân thương, đó là người anh em của chúng tôi mất vì tai nạn có bổn mạng cũng là Gioakim, còn người anh em mất vì ung thư thì dịp này cũng rất gần với ngày giỗ của anh.
Tám năm trôi qua rồi kể từ ngày anh Gioakim gặp tai nạn và qua đời ( 2006 ), chúng tôi đứng trước di ảnh của anh với lời kinh nguyện, bà mẹ già 92 tuổi khóc ngất khi thấy Nhà Dòng đến thăm và đọc kinh cho con mình, lần nào cũng vậy, những cảm xúc thương tâm nơi bà làm tôi vô cùng xúc động. Tình thương của cha mẹ dành cho con cái là vô bờ bến.
Tôi thầm trách anh đã làm khổ mẹ già như vậy, anh có biết là mẹ thương anh lắm không ? Lẽ ra tuổi già của mẹ sẽ là an vui, hãnh diện về anh và hạnh phúc khi mỗi lần anh về thăm mẹ, nhưng bây giờ mẹ ngồi đó, âu sầu mỗi ngày nhìn lên di ảnh của anh, tuổi già yếu đau mẹ không ra ngoài được, các con cháu bận rộn chuyện gia đình, chuyện làm ăn, chuyện học hành, ít ai ngó ngàng đến mẹ, mẹ cứ héo hắt với nỗi nhớ thương con trai yêu dấu, chiếc áo len và chiếc khăn trên đầu không đủ ấm trong những chiều mưa bão, tôi nhìn bà co ro lạnh lẽo từ bên trong mà không cầm được nước mắt.
Buổi sáng hôm ấy, khi tôi đang trên đường về Nhà Dòng để chuẩn bị cho Công Hội Tỉnh trong những ngày sau đó, chiếc điện thoại của tôi báo tin có cuộc gọi của anh Gioakim, nghe rồi mới biết tin anh bị tai nạn trọng thương ở Bình Định, người đi đường nhặt được điện thoại của anh bấm gọi để báo tin, và sau đó thì hoàn toàn không liên lạc được với họ nữa. Liên lạc nhờ các anh chị em ở Bình Định lo cho anh ở nhà thương, tôi rời Sàigòn sau cơm trưa hôm ấy để nhanh chóng ra Quy Nhơn, nhưng đến chiều, khi xe đến bãi biển Cà Ná, tin anh qua đời đã được loan đi.
Nhà Dòng đề nghị đưa thi hài của anh về quàn tạm ở Giáo Xứ Phù Mỹ, nơi anh Toàn, một anh em DCCT ở Quy Nhơn phụ trách. Khi tôi ra đến nơi thì đã nửa đêm, đêm đó lại là đêm chung kết World Cup 2006, tôi vào phòng quàn xác anh đúng lúc hai đội phân tranh thắng bại bằng những cú đá luân lưu. Cám ơn anh Toàn đã hết lòng lo cho anh trong những giờ phút cuối đời, cám ơn các anh em Linh Mục, các chị em Nữ Tu ở Bình Định đã giúp anh Toàn để công việc lo cho anh Gioakim được chu đáo.
Khi tôi đến Phù Mỹ cũng là lúc một đoàn Giáo Dân và anh em mình từ DCCT Huế vào đến nơi để đón xác anh. Từ ngày anh về Huế phụ trách cộng đoàn và lo cho Giáo Xứ, qua sự tận tụy của anh, lòng nhiệt thành của anh, lối sống khiêm nhu, khó nghèo và đơn sơ của anh, Thiên Chúa thổi luồng gió mới làm nức lòng Giáo Dân, đem lại an bình trong cộng đoàn. Anh ra đi để lại nỗi tiếc thương đau xót cho nhiều người, thiệt hại rất lớn cho Nhà Dòng, cho Hội Thánh. Vẫn biết là Thánh Ý Chúa, nhưng sự bất cẩn của con người làm thiệt hại và thương đau cho nhiều người khác. Cuộc đời của chúng ta không phải sống cho mình, nhưng là sống vì và sống cho người khác. Anh ra đi như vậy có công bằng với người khác và với mẹ của anh không ? Anh đừng tròn mắt sau cặp kính cận nhìn tôi rồi phá lên cười như những ngày, những lần, anh em gặp gỡ và trêu ghẹo nhau.
Sự bất cẩn khi giao thông đã cướp đi một sinh mạng, hệ lụy không lường hết được thảm khốc thế nào, di chứng thiệt hại cho con người và xã hội không tính toán được hết, bài học đơn giản và quen thuộc vẫn là phải cẩn thận trong việc chọn lựa phương tiện giao thông và chọn lựa cách giao thông.
Tai nạn giao thông ở Việt Nam vẫn luôn là con số vượt mức báo động đỏ, mỗi năm số mạng người chết vô lý vì giao thông vẫn còn quá lớn so với thời còn chiến tranh, số người mang thương tật để lại gánh nặng cho xã hội không thể thống kê được. Thế nhưng hình như mạng người ở Việt Nam rẻ lắm, vì vẫn còn đó vô số những vấn đề lớn của giao thông không được giải quyết đến tận nguồn…
Lm. VĨNH SANG, DCCT, 25.7.2014
( Tựa đề là câu hát mở đầu bài “Cho một người vừa nằm xuống” của TCS )