BẠN CÓ TIN VÀO PHÉP LẠ KHÔNG?

“Các phép lạ củng cố niềm tin vào Đấng thực hiện công việc của Cha Ngài: chứng minh Ngài là Con Thiên Chúa (Ga 10: 3l-38).” (GLGHCG số 548)

Pieter Lastman, “Christ and the Woman of Canaan,” 1617 (ảnh: Public Domain)

Khó mà tin vào phép lạ. Bạn có thể nói rằng Cô Y nhà bạn lúc nào cũng nói về việc có những phép lạ hoặc thậm chí người bạn thân nhất của bạn thề rằng anh ta / chị ta đã được một phép lạ. Nhưng chúng có thật không?

Tại sao phép lạ lại khó tin như vậy? Đôi khi phép lạ khó tin là vì những lý do tốt lành. Không phải lúc nào cũng là một phép lạ khi Cô Y tìm thấy cặp kính đọc sách của mình sau khi làm mất cặp kính ấy, đặc biệt là khi câu chuyện của Cô “trở nên hay hơn” theo tuổi tác của Cô. Đôi khi, phép lạ có thể được cho là do những nguyên nhân tự nhiên chưa được biết đến trước đây. Nhưng có những trường hợp là phép lạ thực sự không?

Phép lạ có thể xẩy ra không?

Wikipedia định nghĩa phép lạ là “một sự kiện không thể giải thích được bằng các quy luật tự nhiên hoặc khoa học và do đó được cho là do bởi một nguyên nhân siêu nhiên hoặc phi thường nào đó”.

Vậy khi Chúa Giêsu chữa lành người bại liệt hoặc khiến Ladarô sống lại, điều gì đã xảy ra? Quả tim hoạt động trở lại, xương lành lại, cơ bắp phát triển. Làm thế nào mà có thể như thế? Điều đó “không thể giải thích được bằng các quy luật tự nhiên hoặc khoa học”.

Bạn có tin rằng những thay đổi vật lý đã xảy ra không? David Hume, một triết gia thế kỷ 18, đã vật lộn với điều đó. Ông nói, “Phép lạ là sự vi phạm các quy luật tự nhiên, và bởi vì các quy luật này đã được thiết lập từ một kinh nghiệm chắc chắn và không thể thay đổi, cho nên từ chính bản chất của sự việc, bằng chứng chống lại phép lạ là bằng chứng đầy đủ nhất mà bất cứ lập luận nào dựa vào kinh nghiệm có thể tưởng tượng ra được”.

Vào thời của Hume, phong trào Khai sáng đang phát triển mạnh mẽ, và uy quyền khoa học bắt đầu thay thế uy quyền tôn giáo. Quan điểm cho rằng phép lạ không thể xảy ra vì chúng “vi phạm các quy luật tự nhiên” đã định hình cuộc tranh luận kể từ đó.

Tôi phải thừa nhận, tôi cũng đã từng cảm thấy như vậy. Tôi học chuyên ngành hóa sinh ở trường đại học và tôi thích các thứ quá trình. Khoa học từ lâu đã tập trung vào các quá trình nhân quả, có thể lặp lại với cùng kết quả. Mỗi phép lạ sẽ là một sự phá vỡ quy luật tự nhiên. Tâm trí tôi bị xung đột. Tuy nhiên, khía cạnh quan trọng nhất trong đức tin của tôi nằm ở chỗ Chúa Giêsu đã sống lại từ cõi chết. Chúa Giêsu đã chết. Trên thập giá. Trái tim Ngài đã bị đâm thâu xác định Ngài đã chết. Ngài nằm trong mồ ba ngày. Và Ngài đã chỗi dậy.

Ở trường trung học, nhiều người trong chúng ta đã học định luật thứ ba về chuyển động của Newton, trong đó phát biểu rằng “đối với mọi tác động trong tự nhiên đều có một phản ứng cân bằng ngược lại.” Hầu hết chúng ta lúc đó đã học ví dụ về một quả bóng bida va vào một quả bóng bida khác – một ví dụ sống động và chính xác. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu một con mèo đang ở trên bàn bida và chặn quả bóng lại? Chúng ta sẽ không nói rằng tự nhiên đã bị phá vỡ, phải không? Chúng ta sẽ nói một tác nhân khác tham gia vào sự cân bằng. Hiệu ứng được tạo ra bởi con mèo dừng quả bóng là hợp lý và có thể hiểu được.

Vậy tại sao Thiên Chúa không thể là một tác nhân giống như thế? Thiên Chúa không phá vỡ các quy luật tự nhiên nhưng hành động theo các quy luật đó. Tại sao Thiên Chúa lại không thể có ảnh hưởng như móng vuốt của con mèo? Một số người có thể tranh luận rằng Thiên Chúa không phải là vật chất, nhưng mọi thụ tạo vật chất lại không phải tuân theo Đấng Tạo Hóa của nó sao?

Vì vậy, xem ra rất hợp lý khi Thiên Chúa có thể thực hiện những phép lạ phù hợp với tự nhiên.

Tại Sao Thiên Chúa Làm Phép Lạ?

Câu hỏi tiếp theo là tại sao Thiên Chúa lại làm phép lạ? Sách Giáo lý là một trợ giúp lớn lao ở đây:

“Các phép lạ của Chúa Kitô và các thánh (Mc 16,20;Dt 2,4), các lời tiên tri, sự lớn mạnh và sự thánh thiện, sự phong nhiêu và sự vững bền của Hội Thánh “là những dấu chỉ chắc chắn của mặc khải, phù hợp với trí khôn của mọi người”, là những lý do của tính khả tín giúp cho sự ưng thuận của đức tin “hoàn toàn không phải là động tác mù quáng của tinh thần” (Cđ Vatican I: DS 3008-3010).” (GLGHCG số156)

“Ngoài ra, còn có các ân sủng đặc biệt gọi là đặc sủng theo từ Hi Lạp thánh Phaolô sử

dụng có nghĩa là đặc ân, quà tặng cho không, ân huệ (LG 12). Dù có đặc tính nào đi nữa, đôi khi là ngoại thường, như ơn làm phép lạ hay nói tiếng lạ, các đặc sủng cũng đều qui hướng về ơn thánh hóa và có mục đích phục vụ lợi ích chung của Hội Thánh. Các đặc sủng đều phục vụ cho đức mến để xây dựng Hội Thánh (1Cr 12 ).” (GLGHCG số 2003).

Thế thì, những dấu hiệu này vừa giúp tăng cường đức tin của chúng ta bằng cách củng cố mặc khải thánh thiêng, vừa được ban cho vì lợi ích chung.

Phép lạ có còn xảy ra ở giữa chúng ta không?

Vì vậy, Thiên Chúa có thể thực hiện phép lạ và có những lý do chính đáng để Ngài làm điều này. Nhưng có phải tất cả những điều chúng ta nghe nói đều thực sự là phép lạ không? Như đã nêu trước đây, một số có thể là không. Nhưng nhiều điều chắc chắn là có phép lạ. Những cây nạng ở Lộ Đức và một số trường hợp khỏi bệnh dường như ngược với tự nhiên là những ví dụ điển hình. Một lần nữa Sách Giáo lý nói “Nhờ Danh đó các môn đệ của Chúa Giêsu thực hiện các phép lạ (Mc 16,17), bởi vì tất cả những gì họ xin Chúa Cha nhân danh Ngài, Chúa Cha sẽ nhận lời (Ga l5,l6).” (GLGHCG số 434).

Vậy điều đó có nghĩa là nếu chúng ta xin Chúa một phép lạ, Ngài sẽ đương nhiên ban cho chúng ta phải không? Không phải thế. Giống như tất cả những lời cầu nguyện, Ngài sẽ nói “có”, “không”, “để sau” hoặc “Ta có điều này tốt hơn cho con” (mặc dù chúng ta có thể không đồng ý vào thời điểm đó).

Hãy tin rằng phép lạ sẽ xảy ra. Hãy lắng nghe những câu chuyện về phép lạ và để cho mình được sáng soi. Hãy cầu nguyện cho những điều tốt đẹp – và đúng vậy, hãy cầu xin những phép lạ. Phép lạ không phải là điều thay thế cho việc thiếu kế hoạch hoặc mơ ước đơn thuần trong tâm tưởng, nhưng phép lạ được thực hiện vì lợi ích của bạn và lợi ích của nhân loại. Hãy tin tưởng, và cầu nguyện.

Tác giả: Tom Clements, www.ncregister.com.

Chuyển ngữ: Phêrô Phạm Văn Trung.

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts