Ở Ý, trước hiện tượng không có Thánh Lễ đã lâu, tờ La Stampa tường trình rằng đã có người đề nghị nên xem xét việc Rước Lễ:“ Mua mang về”( Take out ). Mình Thánh được đặt trong một bao nhựa, được một Linh mục truyền phép và để ở một ngăn kệ cho tín hữu đến lấy…
…Đức hồng y Sarah nói với tờ Nuova Bussola Quotidiana rằng: Không, không, tuyệt đối không thể như thế. Thiên Chúa đáng được tôn kính, ông không thể đặt Người trong một cái bao. Tôi không biết ai nghĩ ra thứ phi lý này nhưng đúng là việc bị tước mất Thánh Thể, chắc chắn là một niềm đau thì người ta không thể thương thảo việc phải rước lễ ra sao. Chúng ta lãnh nhận việc rước lễ một cách xứng đáng, xứng với vị Thiên Chúa đến với chúng ta. Thánh Thể phải được đối xử bằng đức tin. Chúng ta không thể đến với Thánh Thể như một vật tầm thường. Chúng ta đâu có ở trong siêu thị. Hoàn toàn điên rồ” ( Nguồn: Vietcatholic News – 02/5/2020 – Vũ Văn An – Đức hồng y Sarah bác bỏ kiểu rước lễ mang về ).
Để tránh sự lây lan của dịch bệnh, các chính phủ đã đề ra biện pháp cách ly và chính việc cách ly ấy mà các Thánh lễ của người Công Giáo bị đình chỉ. Đỉnh cao của Thánh Lễ là việc truyền phép để bánh và rượu trở nên Mình và Máu Chúa Ki Tô. Điều này cho thấy bánh và rượu chỉ trở thành Mình và Máu Chúa Ki Tô qua việc truyền phép trong Thánh Lễ. Nói cách khác, không cử hành Thánh Lễ thì không có việc truyền phép mà đã không truyền phép thì đương nhiên bánh và rượu không thể trở thành Mình và Máu Chúa Ki Tô.
Việc truyền phép trong Thánh Lễ là hành vi biểu lộ đức tin cho cả vị chủ tế lẫn ngươi lãnh nhận:“ Đây là mầu nhiệm đức tin. Chúng con tuyên xưng việc Chúa chịu chết và sống lại cho đến khi Chúa lại đến”.
Phép Thánh Thể là mầu nhiệm đức tin ( Mysterium Fidei ). Không có đức tin thì dù cho có truyền phép thì bánh và rượu vẫn chỉ là bánh và rượu chứ không thể trở thành Mình và Máu Chúa.Tưởng rằng chỉ cần một Linh Mục nào đó…truyền phép ( Ngoài Thánh Lễ ) rồi để trong một bao nhựa đặt trên kệ cho người đến lấy bất kể họ có đức tin và sạch tội trọng hay không thì rõ ràng đó là sự Phạm Thánh rất ư nghiêm trọng.
Mắc tội trọng mà rước lễ đó là tội Phạm Thánh đáng bị án phạt nặng nề. Chúa Giê Su nói với thánh nữ Gridget: “ Trên trần gian này không có một hình phạt nào tương ứng với để trừng trị tội ấy. Thánh Ambrose cho rằng những người phạm sự Thánh khi vào nhà thờ thì ít tội nhưng khi ra về thì tội chồng chất. Thánh Cyril còn viết những lời nghiêm khắc hơn:“ Những kẻ rước lễ phạm sự Thánh đón đưa cả Sa Tan và Chúa Giê Su vào lòng. Sa Tan họ rước vào để cai trị. Còn Chúa Giê Su Ki Tô thì họ bắt Người phải hy sinh như một của lễ cho Sa Tan” ( Lm Stefano Manelli O.F.M Conv – Yêu Mến Chúa Giê Su Thánh Thể ).
Tại sao rước lễ phạm sự Thánh là bắt Chúa Giê Su phải hy sinh làm của lễ cho Sa Tan ? Bởi vì ở nơi Tâm mỗi người không thể có chỗ cho Chúa Giê Su và Sa Tan cùng…ngụ. Có Chúa thì không có Sa Tan và ngược lại.
Kẻ nào mắc tội trọng mà không ăn năn trở lại thì kẻ đó đã đặt mình dưới sự dẫn dắt của Sa Tan và vì thế việc rước lễ chẳng những chẳng được ơn ích gì mà tội càng chồng chất.
Vào lúc đương thời Chúa Giê Su, Ngài đã nhiều lần nói đến Phép Thánh Thể và đòi hỏi cần có lòng tin:“ Ta là Bánh của sự sống. Ai đến cùng ta, hẳn chẳng hề đói. Ai tin Ta thì chẳng hề khát. Nhưng Ta nói cùng các ngươi, các ngươi đã thấy Ta mà còn chẳng tin. Phàm những kẻ Cha ban cho Ta thì đến cùng Ta. Còn kẻ đến cùng Ta hẳn chẳng bị bỏ ra ngoài đâu” (Ga 6, 35 -37).
Ai đến với Chúa qua Bí Tích Thánh Thể thì không hề đói, chẳng hề khát và sự đói, khát ấy tất nhiên không phải là đói khát về phần xác thân nhưng về phần tâm linh. Con người cũng như muôn loài cần có vật thực để nuôi sống mình. Nhưng ngoài sự sống vật chất ấy ra, còn có một sự sống khác không thể thiếu đó là sự sống tâm linh.
Bởi lý do đó Chúa nói với những người Do Thái đến tìm Ngài:“ Thật, Ta bảo thật các ngươi, các ngươi tìm Ta không phải vì các ngươi đã thấy những dấu lạ, nhưng vì các ngươi đã được ăn bánh no nê. Các ngươi hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống đời đời là của ăn Con Người sẽ ban cho các ngươi” ( Ga 6, 26 -27 ).
Của ăn đem lại sự sống đời đời chính là Bánh Hằng Sống chỉ có thể được ban cho những kẻ có lòng tin: “ Quả thật, Ta nói cùng các ngươi, ai tin Ta thì có sự sống đời đời. Ta là Bánh của sự sống. Tổ phụ các ngươi ăn Manna trong đồng vắng rồi cũng chết. Đây là bánh từ trời xuống, hầu cho ai ăn đến thì chẳng phải chết. Ta là Bánh Hằng Sống từ trời xuống. Nếu ai ăn bánh ấy thì sẽ sống đời đời. Còn Bánh mà Ta sẽ ban cho vì sự sống của thế gian ấy là Thịt Ta”( Ga 6, 47 051 ).
Khi nghe Chúa nói Bánh của sự sống ấy chính là Thịt của Ngài thì người Do Thái tranh luận với nhau: “ Người này lấy thịt mình cho chúng ta ăn thế nào được ?” ( Ga 6, 52 ). Chẳng những người Do Thái không tin mà ngay đến một số môn đệ cũng vậy: “ Bởi cớ ấy có nhiều môn đệ đã trở lui, không còn đi với Ngài nữa. Vậy nên Chúa Giê Su quay sang hỏi mười hai Tông Đồ rằng:“ Còn các ngươi, các ngươi cũng muốn bỏ Ta mà đi ư ? Si Mon Phê Rô đáp: Thưa Chúa, bỏ Chúa chúng con biết theo ai ? Chúa có lời ban sự sống đời đời” ( Ga 6, 66 -68 ).
Các Tông Đồ, ngoại trừ Giu Đa kẻ phản bội, tất cả đều ở lại với Chúa để sau khi Ngài Phục Sinh đã thành lập Giáo Hội cùng với các Bí Tích hầu thực hiện lời hứa của Chúa: “ Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20 ).
Chúa nói Ngài …ở cùng tức không những chỉ ..ở cùng Giáo Hội một cách đại thể nhưng là…ở cùng với từng tín hữu thông qua Bí Tích Thánh Thể. Cũng chính vì sự…ở cùng đó mà việc Rước Lễ nên được hiểu là Hiệp Lễ thì chính xác hơn. Tại sao ?
Bởi vì Hiệp Lễ tuy không khác với Rước Lễ ở hành vi nhưng khác về tính chất. Rước lễ chỉ là đón Chúa vào lòng rồi…quên đi ! Trái lại Hiệp Lễ là để cho ta ngày càng nên một với Chúa. Thánh Phao Lô nói: “ Tôi đã bị đóng đinh với Đức Ki Tô trên thập tự giá. Dẫu vậy, tôi sống nhưng không phải là tôi sống nhưng là Đức Ki Tô sống trong tôi. Nay tôi còn sống trong xác thịt đây ấy là tôi nhơn đức tin mà sống tức đức tin đến Con Thiên Chúa là Đấng đã yêu thương tôi và phó chính mình vì tôi” ( Gl 2, 20 ).
Đức Ki Tô đã chịu nạn chịu chết để trở nên như một thứ…lương thực nuôi sống linh hồn con người. Chúa nói với người Do Thái cũng là để nói với mỗi một người trong chúng ta: “ Các ngươi hãy ra sức làm việc không phải vì của ăn hay hư nát nhưng là vì của ăn cho đến sự sống đời đời”
Ra công ra sức làm việc vì của ăn không hư nát đó chính là tin và yêu mến Chúa Giê Su Thánh Thể: Hết lòng tuân giữ các giới răn, cầu nguyện, chạy đến với Ngài những khi gặp khó khăn trở ngại trong đời sống hoạc ngay cả khi chán nản, đức tin lui sụt v.v…” Ai có các giới răn của Ta và giữ lấy ấy là kẻ thương yêu Ta. Còn ai thương yêu Ta sẽ được Cha Ta thương yêu lại. Ta cũng thương yêu người và tỏ chính mình Ta cho người” ( Ga 14, 21 ).
Tin, yêu Chúa Giê Su Thánh Thể đó là niềm hạnh phúc lớn lao cho những ai hết lòng tìm kiếm Ngài. Tuy nhiên trên bước đường tìm kiếm ấy chúng ta không thể không cậy nhờ đến Đức Maria, Đấng Đồng Công Cứu Chuộc. Tại sao ? Bởi vì khi chúng ta đón nhận Mình Thánh Chúa thì đồng thời cũng đón nhận Thịt và Máu của Đức Nữ Đồng Trinh Maria: “ Thịt của Chúa Giê Su cũng là Thịt của Mẹ Maria. Máu Chúa Giê Su cũng là Máu của Mẹ Maria. Nếu như nguyên tổ A Đam có thể nói với E Và khi bà được dựng nên từ xương sườn của ông: Đây là xương bởi xương tôi. Thịt bởi thịt tôi ( St 2, 23 ) thì chẳng lẽ Đức Nữ Đồng Trinh Maria lại không có lý hơn khi nói với Chúa Giê Su: Đây là Thịt tôi, Máu bởi Máu tôi hay sao ? ( Lm Stefano Manelli O.F.M Conv. Sđd ).
Qua tiếng Xin Vâng, Đức Maria đã chuyển hóa Thịt của mình thành Thịt của Chúa Giê Su. Máu của mình thành Máu của Chúa Giê Su. Như vậy, chúng ta cũng có thể nói: Nhờ Mẹ Maria mà cuộc chuyển hóa ấy đã được thành tựu nơi mỗi người qua việc hiệp lễ với Chúa Giê Su Thánh Thể.
Cuộc chuyển hóa tâm linh là hết sức cần thiết trong đời sống thường nhật thế nào thì càng cần thiết hơn nữa trong lúc lâm chung như vậy. Chúng ta ước ao được kết hiệp với Chúa thì chắc chắn là được bởi: “ Chúa là Đấng trung thành trong mọi lời hứa và Thánh Thiện trong mọi việc Ngài làm” ( Tv 144, 13 )./.
Phùng Văn Hóa
Trà Cổ, ngày lễ Chúa Chiên Lành – Mùa Dịch 2020