Mỗi chiều đi lễ đến bên hông phải nhà thờ giáo xứ Nhân Hòa, tôi nhìn thấy những dãy bàn bày biện bán đồ nhậu trên vỉa hè. Những thực khách ngồi nhậu đủ mọi lứa tuổi, có cả những thiếu nữ mặc đồng phục công ty. Hẳn là chiều chiều họ tìm đến quán bình dân này để vui vẻ, trò chuyện với nhau bên ly bia, dĩa mồi sau một ngày làm việc mệt mỏi. Những thực khách lớn tuổi rảnh rỗi hú hí nhau đến đây tâm sự chuyện ta, chuyện người. Thỉnh thoảng tôi bắt gặp một vài người quen, có cả người Công giáo, cũng đến đây vui thú. Họ chào tôi, tôi chào họ và đi bộ tiếp khoảng hai mươi bước nữa là vào cổng nhà thờ. Quán vỉa hè này mỗi chiều mở bán trùng với thời điểm nhà thờ Nhân Hòa rung chuông báo giờ lễ chiều.
Tôi bước vào bên trong nhà thờ, bắt đầu hiệp thông với cộng đoàn dân Chúa đọc kinh, lần hạt lúc 5 giờ và tham dự thánh lễ lúc 5g30. Cộng đoàn dân Chúa mỗi chiều đến nhà thờ giáo xứ Nhân Hòa cũng đủ mọi lứa tuổi. Họ tìm đến đây, nghiêm trang quây quần trước bàn thờ Chúa, trước hình tượng Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse để cầu nguyện qua lời kinh, tiếng hát. Họ hân hoan cùng nhau tham dự vào bàn Tiệc Thánh, cùng nhau chia sẻ Bánh Thánh giúp họ thoải mái tâm tư đời này và hạnh phúc viên mãn đời sau. Họ đến đây để lắng nghe lời Chúa, bởi họ tin lời Chúa dạy: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4).
Những tín hữu Công giáo đến nhà thờ Nhân Hòa tham dự Thánh lễ và lắng nghe Lời Chúa. Họ lắng nghe và thực hành Phúc Âm, xác tín rằng người ta sống không chỉ nhờ những thức ăn, thức uống trần tục no thỏa tạm thời, mang đến những khuây khỏa chốc lát, những niềm vui hời hợt, như thể trên các bàn nhậu quán vỉa hè bên ngoài nhà thờ. Họ tin trên đời còn có những món ăn, thức uống thần thiêng qúy giá không phải dùng tiền bạc vật chất trao đổi mà là món quà tặng vô giá Thiên Chúa trao ban nhưng không cho nhân loại. Thần lương đó chính là Lời Chúa, là Mình Máu Chúa, họ đón nhận mỗi lần vào bên trong nhà thờ tham dự bàn tiệc Thánh. Lắng nghe Phúc Âm, người tín hữu giáo xứ Nhân Hòa cảm nghiệm lòng thương xót của Chúa thật cao vời khôn ví. Bởi thương xót nhân loại đang trầm luân khổ ải, Thiên Chúa Cha đã phái Thiên Chúa Con là Đúc Giêsu Kitô xuống thế làm người cứu chuộc thiên hạ. Và trong “bữa tiệc ly” ngồi cùng các môn đệ, trước giờ ra pháp trường thọ án tử hình, với nỗi khắc khoải, lưu luyến, xót thương những người con bơ vơ ở lại dương thế, Chúa Giêsu đã biến hóa bánh và rượu thành Mình và Máu của Ngài, trở thành Thần lương, Thánh dược nuôi dưỡng và cứu chữa cuộc sống tâm linh của con cái Ngài.
Bên trong nhà thờ Nhân Hòa, quỳ trước mặt tôi vài hàng ở dãy ghế bên phải có một thanh niên độ hơn 30 tuổi. Anh mặc đồng phục công nhân, chiếc túi sac để dưới. Cũng trước mặt tôi vài hàng ở dãy ghế bên trái, có một thiếu phụ khoảng 40 tuổi, trưng diện chải chuốt. Tôi không biết họ xuất thân từ đâu? Nhà ở địa chỉ nào? Chỉ biết họ chiều chiều trang trọng bước vào nhà thờ Nhân Hòa, hợp lòng, hợp ý với cộng đoàn dân Chúa, sốt sắng đọc kinh, tham dự Thánh Lễ. Tôi chợt nghĩ chàng thanh niên này, người thiếu phụ kia, cũng như bao nhiêu tín hữu khác đang ngồi bên trong nhà thờ, tất cả họ, cùng với tôi “đã biết chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi” (Lc 10,42). Đó là ngồi nghe cha chủ tế giảng giải Lời Chúa. Như thể xưa kia cô em Maria “cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy” (Lc 10,39), không như cô chị Matta “tất bật phục vụ” (Lc 10,40) lo ăn, lo uống cho Ngài.
Sau mỗi lễ chiều thứ Năm, tôi ở lại chầu Mình Thánh Chúa. Lòng tôi rung động mỗi lần hòa cùng cộng đoàn dân Chúa hát bài: “Ta là bánh hằng sống, là bánh ban xuống bởi trời. Ta là bánh trường sinh, ai ăn sẽ sống muôn đời. Đây Mình Ta chính là của ăn, và Máu Ta thật là của uống. Người ăn bánh này không còn đói khát chi! Người uống máu này sẽ được trường sinh…”. (Bài thánh ca lấy cảm hứng từ một đoạn Tin Mừng của thánh sử Gioan). Người tín hữu giáo xứ Nhân Hòa tin và thực hành Phúc Âm. Họ đi qua quán nhậu trên vỉa hè bên hông nhà thờ. Không để lòng trí bị cám dỗ bởi những cuộc vui phù phiếm, chóng tàn. Họ bước vào bên trong nhà thờ, đi tìm niềm vui đích thực, niềm khuây khỏa trọn vẹn , cơn no say vĩnh cữu sau một ngày lao lung, vật vã rã rời thể xác hoặc đang trĩu nặng gánh âu lo bào mòn tâm can. Họ tìm đến Chúa bởi chính Ngài đã ân cần căn dặn họ: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Tôi, Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của Tôi, và hãy học với Tôi, vì Tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ dược nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách Tôi êm ái, và gánh Tôi nhẹ nhàng” (Mt 11,28-30)
Gioan Long Vân