“Bích-Vân-Thiên” là một trong những tiểu thuyết của nữ văn sĩ Quỳnh Dao. Chuyện kể về mối tình tay ba giữa hai người phụ nữ Bích, Vân và một người chồng chung tên Thiên. Vì người vợ không thể sinh con nối dõi tông đường cho chồng, nên nàng đành chấp nhận người em kết nghĩa như người vợ lẽ cho chồng. Dù là tự nguyện, nhưng những ích kỷ ghen tương của kiếp nhân sinh đã khiến họ nhận ra rằng, cả ba không thể cùng hạnh phúc chung dưới một mái nhà. Một người chấp nhận ra đi để hai người ở lại hạnh phúc hơn.
Những tưởng chuyện tình thơ mộng sầu muộn chỉ có trong tiểu thuyết, qua sự tưởng tượng phong phú của nhà văn. Nhưng đâu ai biết rằng cuộc sống muôn màu sắc cũng đang dệt nên một chuyện tình tay ba đẹp lãng mạn như một bài thơ, trắc trở với những cảnh đời éo le, với phần kết vẫn còn dang dở. “Bích-Vân-Thiên” của đời thực là một chuyện tình tay ba giữa Thu Bích, người con gái vô tư hồn nhiên, duyên dáng như viên ngọc xanh biếc giữa đời, và một Đình Vân thư sinh trắng trẻo nho nhã với cặp kiếng cận, như một áng mây lững lờ quyện lấy viên ngọc bích trong trời thu. Hiện diện giữa họ là một Thiên Chúa vô hình lúc ẩn, lúc hiện, lúc hiền hòa yêu thương, lúc thinh thặng đến lạnh lùng.
Được sinh ra và lớn lên trong một gia đình sùng tín đạo Phật có lòng thờ kính ông bà tổ tiên, Vân đến với Bích khi chẳng biết Thiên Chúa là ai. Đúng rồi, Thiên là Trời, là Đấng tạo dựng nên muôn loài muôn vật, dạy cho con người những điều hay lẽ phải. Thiên Chúa của Đạo Công Giáo cũng là Ông Trời thân thiện gần gũi của dân tộc Việt Nam đấy mà, người quen cả chứ có phải ai xa lạ đâu. Nhưng ngược với sự suy nghĩ đơn giản của Vân, người con gái mà anh đem lòng yêu mến ở đảo, trước biến cố 30 tháng Tư năm 1975 là một đệ tử đã từng được nuôi dưỡng bởi câu kinh ê a mỗi sáng chiều trong nhà dòng các Sơ. Nàng mong muốn vợ chồng sẽ cùng chia sẻ và đồng hành bên nhau trong đời sống tự nhiên cũng như trong đời sống thiêng liêng.
Bản chất vốn dĩ hiền lành và chân thật, mang trong tâm hồn phần nào vẻ đẹp của Đấng Chân Thiện Mỹ, Vân tự ý tìm hiểu Thiên Chúa của Bích là ai. Khởi đầu Vân cảm thấy khó hiểu, chuyện một Thiên Chúa từ bỏ vương quyền cao sang để sinh ra làm người trong máng cỏ nghèo nàn, rồi lại lang thang bồng bế nhau đi tị nạn xứ người. Cũng là kiếp tị nạn cả thôi, nghe sao đồng cảm quá, giống như cảnh đời của Vân-Bích đang vất vưởng ở đảo chờ ngày định cư. Lạ thay, càng tìm hiểu anh lại càng thấy mến thương một Thiên Chúa với tình yêu bao la dành cho con người hay phản bội chóng quên, một Thiên Chúa mặc lấy xác phàm để rồi cuối cùng bị chết thảm thương nhục nhã trên cây thập giá.
Sau những tháng ngày học hỏi tìm hiểu về Đạo Thiên Chúa, năm 1984 Vân cúi đầu nhận lãnh Bí Tích Rửa Tội trong nỗi ưu phiền của người cha già ở phương xa, mà sau này khi đại gia đình được đoàn tụ, ông thường hay trách cứ: “Anh con theo Đạo để lấy vợ thì ba không buồn, nhưng con theo Đạo thì ba rất buồn vì con quá sùng tín. Con là một đứa con bất hiếu, bỏ ông bà cha mẹ mà theo Đạo vợ.” Trái tim Vân tan nát, anh chỉ biết cúi đầu im lặng mỗi khi nghe lời phiền trách của người cha yêu dấu. Cha Vân đâu ngờ rằng đứa con trai này chịu phép rửa tội bằng con tim thổn thức của tuổi trẻ đi tìm chân lý, bằng nỗi khát khao nhiệt tình của người vừa tìm ra được lẽ sống đời mình, chứ không phải rửa tội chỉ để lấy vợ, như người đời thường nói: “Con quỳ lạy Chúa trên cao, con lấy được vợ con thôi nhà thờ.”
Từ đó Thiên Chúa luôn luôn hiện diện giữa Bích-Vân trong mọi biến cố buồn vui, thăng trầm của cuộc sống. Cuộc tình nhẹ nhàng êm đềm như một bài thơ qua dòng thời gian lững lờ trôi. Mối tình tay ba “Bích-Vân-Thiên” được triển nở khi Bích-Vân chính thức nên một trong Thiên Chúa qua bí tích Hôn Phối vào tháng 12 năm 1985. Hạnh phúc gia đình thêm viên mãn với sự góp mặt của hai thiên thần nhỏ, một trai một gái. Hơn 30 năm trôi dạt xứ người, phồn hoa phú quý nơi xứ sở giàu có văn minh chỉ làm Vân tăng thêm lời tạ ơn. Đức tin của Vân ngày càng lớn dần theo thời gian cùng với tình yêu anh dành cho cả hai, Thiên Chúa và Bích. Không chỉ giữ riêng đức tin cho mình, với tình yêu mãnh liệt mà anh cảm nhận được từ Thiên Chúa, anh mạnh dạn chia sẻ đức tin đó cho người cha và anh em trong gia đình mình. Gương sống và hạt giống đức tin đã sinh hoa kết trái nơi người em gái mà lần này với sự đồng thuận của người cha: “Con đã quyết định theo Đạo Công Giáo thì theo cho đến nơi đến chốn.” Người anh kế và cậu em trai cũng một lòng tin kính Chúa mặc dầu chưa chính thức vào Đạo, nhưng bản thân họ đã tự nhận mình là Kitô hữu. Vân không chỉ ngừng lại nơi đây, anh tích cực chia sẻ đức tin đó cho những người nghèo khó bệnh tật, cho những người già yếu trong viện dưỡng lão, cho ban Giáo Lý Dự Tòng, ban Tĩnh Tâm Linh Thao, phong trào Cursillo, cho các sinh hoạt mục vụ khác của giáo xứ, và là cánh chim đầu đàn cho phong trào Canh Tân Đặc Sủng ở Thung Lũng Hoa Vàng. Với cây đàn guitar, với giọng hát sôi nổi trầm ấm, với những lời nguyện chân thành bộc phát từ trái tim cháy bỏng, đức tin mạnh mẽ của anh đã sưởi ấm bao cõi lòng băng giá vì vắng bóng niềm tin. Trong bất cứ sinh hoạt mục vụ nào, Bích-Vân cùng sát cánh, chia sẻ và hổ trợ cho nhau như hai người bạn thiêng liêng tâm đầu ý hợp.
Ấp ủ trong tim lời mời gọi thầm thì nhưng tha thiết yêu thương của Thiên Chúa, Bích-Vân mơ ước dành trọn cuộc đời còn lại để ra đi phục vụ tha nhân. Nhưng cuộc đời không như là mơ, dẫu giấc mơ đó thật là cao quý! Làm chứng cho đức tin của mình bằng cuộc sống tông đồ nhiệt thành hình như chưa đủ. Thiên Chúa muốn đức tin của Bích-Vân và gia đình phải được thử thách tôi luyện, chứng nhân của Ngài phải đổ máu trong một bi kịch oan nghiệt trớ trêu. Trong một buổi sáng định mệnh ngày 3 tháng 3 năm 2011, khi bệnh tình trở nặng vì những ảnh hưởng nguy hại của các thuốc an thần, anh cần phải được khẩn cấp nhập viện. Tổng đài 911 đã nhận được thông báo để cấp cứu… Xe cứu thương và xe cảnh sát đã tới. Nhưng than ôi, trong khoảnh khắc tích tắc, một viên đạn oan nghiệt từ một người cảnh sát không quen biết, không thù oán đã kết thúc cuộc đời anh. Anh ra đi đột ngột không hiểu tại sao mình lại bị giết ngay trong chính ngôi nhà của mình, nơi vừa được một vị linh mục làm phép nhà cách đó ba hôm, nơi mà hai vợ chồng mơ ước sẽ làm nhà tĩnh tâm, là nơi hội họp cầu nguyện cho anh chị em… Cuối cùng anh đã trở về bên Giêsu, Đấng mà anh được rước vào lòng mỗi ngày qua bí tích Thánh Thể. Anh đã vĩnh viễn trở về với Đấng Tạo Hóa, Đấng Chân Thiện Mỹ, Đấng mà suốt cả cuộc đời anh khát khao tìm kiếm, và cũng chính vì Ngài mà anh mang tội bất hiếu.
Từ khi bị bịnh, anh đã chuẩn bị sẵn sàng để ra đi, cho dù là cách nào, vào bất cứ lúc nào. Nhưng thực tế cái chết tức tưởi oan ức của anh đã gây đau khổ, khó chấp nhận cho những người thân còn ở lại. Đức tin của người vợ, hai con đang chập chững bước vào đời, hai bên cha mẹ già, anh em đạo cũ, đạo mới, chưa theo đạo bị thử thách dữ dội. Trong giây phút mà sự dữ lên ngôi, thần chết tưởng như chiến thắng, cái ác cười ngạo nghễ trên sự thiện, người ta khó lòng mà giải thích được tại sao một người đạo đức, sống tốt lành thánh thiện như anh lại có một cái kết thúc bi thảm như vậy. Người đời sẽ chẳng bao giờ giải thích được, trừ phi họ nhìn lên cây thập giá, nơi Chúa Giêsu Kitô chịu chết treo ô nhục trên đồi Canvê. Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh bi ai trùm kín một màu tang tóc buồn bã, không phải là đích đến của những Kitô hữu. Đàng sau ngày Thứ Sáu Tuần Thánh là ngày Chúa Nhật Phục Sinh chiến thắng khải hoàn. Nhưng trong cơn sầu khổ tuyệt vọng, lệ nhòa mi mắt thì bóng dáng ngày Chúa Nhật Phục Sinh xa vời mờ nhạt quá.
Giữa những tiếng xì xầm của thế gian, tiếng cười đắc chí đắc thắng của thần dữ, người thiếu phụ gục xuống trước nỗi mất mát quá tang thương này. Chị rút vào thanh vắng một thời gian dài, xa lánh phần lớn bạn bè người thân quen. Chị tránh những ánh mắt thương hại tội nghiệp, né những câu hỏi han tò mò, ngại ngùng khi phải nghe những lời an ủi nhiệt tình nhưng vô duyên lạc điệu: “Thôi đừng khóc, đừng buồn nữa, hãy chấp nhận thánh giá Chúa gởi đến, như thế Chúa và anh mới vui.” Không, Bích không muốn che dấu nỗi buồn vô tận của mình. Bích càng bối rối hơn khi nghe người ta đổ tội cho Thiên Chúa. Vô lý quá, làm sao mà một “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16), lại có thể gởi những sự dữ đến cho con cái của mình được. Sự dữ đâu đến từ Thiên Chúa! Ngài tôn trọng sự tự do chọn lựa của người cảnh sát vô cảm kia, cũng như Ngài đã từng tôn trọng sự tự do lựa chọn của Bích-Vân vậy.
Trong bóng tối cô đơn trước cây thánh giá, với cõi lòng tan nát, Bích muốn để những tiếng rên xiết quằn quại trong cõi lòng của mình được tự do òa vỡ. Chị kiệt sức gục đầu lên vai Chúa để mặc cho dòng nước mắt thỏa sức tuôn rơi. Chúa không bảo chị thôi đừng khóc, bớt buồn, mà chị lờ mờ thấy Chúa lau nước mắt cho mình, cùng buồn, cùng khóc với mình. Chị để mặc cho Chúa vuốt ve, an ủi trái tim đang gào thét lên nỗi thương nhớ. Chúa xót xa băng bó vết thương tâm hồn bê bết máu, xoa dịu nỗi buồn gặm nhấm tâm can. Trong cõi một mình vắng lặng, Bích cố gắng tìm lại Lời Chúa, Ý Chúa, và hình ảnh Thiên Chúa ngày xưa của mình đang ở đâu trong biến cố này. Bích cũng đang tập làm quen dần với cảnh đời mất chồng nơi xứ lạ.
Hơn hai năm sau, khi cơn đau vẫn chưa nguôi trong trái tim mới chớm lành của người goá phụ, Bích lại tiếp tục nhận được thất bại khác. Chị đã thua trong vụ kiện người cảnh sát bắn chồng chị. Bích kiện không phải vì tiền, vì chẳng có đồng tiền nào có thể đánh đổi được sinh mạng của anh. Kiện để chân lý được sáng tỏ, để tránh cho người dân thấp cổ bé miệng sau này khỏi lâm vào hoàn cảnh oan ức như anh. Kiện để những người cầm súng đại diện cho pháp luật ở một xứ sở tự do phải ý thức hơn về những gì họ đã làm, đang làm và sẽ làm. Nhưng thương thay, tiếng nói yếu ớt của một sắc dân tị nạn thiểu số, tại một nơi mà đa phần là da trắng, tiếng bào chữa của một văn phòng luật sư bé nhỏ, làm sao có thể thắng được với một tập đoàn luật sư hùng hậu của thành phố, của quận hạt. Chân lý một lần nữa lại đứng về phía kẻ mạnh. Thần dữ lại một lần nữa vỗ tay cười hả hê, khoái trá chờ ngày người vợ và hai con đang tuổi nổi loạn từ bỏ đức tin, trút cơn giận lên Thiên Chúa chẳng chút nhân từ. Chuyện tình ba người “Bích-Vân-Thiên” chắc rằng sẽ tan rã từ đây….
Dù không còn cảm giác với tình yêu ngọt ngào của Thiên Chúa, nhưng Bích cũng ráng đến nhà thờ mỗi ngày theo thói quen, đến nhóm cầu nguyện hàng tuần dù không cảm nhận được gì. Sự thinh lặng của Ngài trong những giây phút cầu nguyện, trong các khóa tĩnh tâm dài ngày càng làm cho chị thêm khó hiểu. Mỗi lần nhìn lên cây thánh giá, Bích không bao giờ dám hỏi Chúa tại sao những sự dữ lại xảy đến với gia đình mình. Người Con Một của Ngài cũng có tội tình gì đâu sao phải chết treo trên thập giá? Nhìn vào quan tòa xét xử Giêsu trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, nhìn vào đôi tay Người Con Một Thiên Chúa đang bị trói chặt lại trước những tiếng la hét đòi xử tử, như chân lý và tình yêu bị trói buộc trước sự dữ, chị không muốn tiếp tục vụ kiện nữa. Chúa Giêsu có thắng đâu trước quan tòa ngày hôm ấy! Ngài đã thua thảm bại trước một tên tướng cướp giết người khét tiếng, đã thất bại chua cay trước những vị kinh sư Pharisêu đại diện cho tôn giáo của dân tộc mình. Cũng như viên đạn bắn anh không phải xuất phát từ một tên cướp, mà là từ một nòng súng của người thi hành pháp luật dành cho một người dân vô tội. Cay đắng quá! Trò mà làm sao hơn được thầy! Chén đắng đã hai lần nhấp thử, chị phần nào cảm nhận được nỗi thống khổ tột cùng của Chúa Giêsu trong vườn Gethsemane. Cũng như Giêsu ngày xưa, Bích xuôi tay chấp nhận mình thua để khép lại vụ kiện, chị không muốn kháng án lên toà trên, không muốn vết thương lòng lại bị khơi ra khuấy động lên, chị muốn sự bình an sâu thẳm trong tâm hồn, thấm thía mầu nhiệm thập giá… Từng ngày, từng ngày, trong tâm hồn chị vẫn vang lên lời nguyện xin tha thiết: “Chúa ơi, xin cứu con! Chúa cho phép sự việc xảy ra như thế này thì sinh ích gì cho con? Con xin tạ ơn Chúa mặc dù giờ này con chưa hiểu, nhưng con tin vào Ý Muốn Tốt Lành của Chúa vì Chúa đã nói mọi đau khổ đều sinh ích cho những ai yêu mến Chúa.”
Qua những tháng ngày đau khổ đến tê dại không còn cảm giác, qua những lúc ngã lên gục xuống, thầm khóc đến không còn nước mắt, qua những cay đắng khi nhận được tin thất bại của vụ kiện, người goá phụ từ từ cảm nhận được những nâng đỡ ủi an kín đáo của Người Cha Nhân Từ đang ẩn mặt đâu đó trong lúc này. Gia đình, bạn bè, cộng đoàn Đức Tin, các Bí tích, Lời Chúa, Thánh Vịnh, và những bài Thánh Ca đong đầy yêu thương là những điểm tựa nương của Bích trong lúc sầu khổ lao đao: “Lạy Chúa, khi con nói: “Này chân con lảo đảo”, tình thương Ngài đã đỡ nâng con” (TV 94, 18), “Người chữa trị bao cõi lòng tan vỡ, những vết thương, băng bó cho lành” (TV 147, 3), “Sự thật, chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta… Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành” (Is 53:4-5). Bích không trách Thiên Chúa đã cất anh về sớm, trong cõi lòng sâu thẳm chị chỉ biết dâng lời tạ ơn Chúa đã ban cho chị một người chồng tốt lành, một người cha gương mẫu cho các con, một người bạn thiêng liêng thánh thiện đã cùng đồng hành với chị trong suốt hai mươi lăm năm hôn phối, mà anh chị vừa long trọng lập lại lời thề hứa ba tháng trước ngày anh đi về cõi vĩnh hằng. Bích tạ ơn cho những gì đã có, chứ không trách móc về những gì đã mất. Chị biết, anh vui khi được ở bên chị và anh cũng hạnh phúc khi được xum vầy cùng Thiên Chúa, Đấng mà anh hằng khát khao được diện kiến. Chị tin rằng hình ảnh của chị và hai con luôn ở trong tim anh, và anh sẽ tiếp tục cầu khẩn cùng Thiên Chúa cho ba mẹ con.
Thời gian thấm thoát thoi đưa, thế mà đã năm năm trôi qua kể từ ngày Vân về với Thiên Chúa. Trên bia mộ đá nơi anh an nghỉ, có hình của cả ba “Bích-Vân-Thiên”, với một bên còn trống để dành chỗ cho Bích, với lời ca Hallelujah của ngày Chúa Nhật Phục Sinh khải hoàn trong vinh quang. Thiên Chúa chưa bao giờ vắng bóng trong cuộc tình của Bích-Vân. Trong những tháng năm đầu, trên mộ Vân không lúc nào thiếu vắng hoa tươi do Bích mang lại. Bạn bè kẻ khen người chê trước hành động lãng mạn không thiết thực đó, lãng phí cả thời gian và tiền bạc. Nhưng Bích có cần gì đâu, chị làm theo tiếng nói con tim. Sự chết không chia rẽ được tình yêu của anh chị. Mỗi lần viếng nghĩa trang nơi anh an nghỉ, chị cảm nhận được tình yêu ba người “Bích-Vân-Thiên” quyện lẫn vào nhau trong gió, trong mây để chỉ còn là một. Chẳng còn thế giới vô hình hay hữu hình nữa, cũng chẳng còn ranh giới sự sống hay sự chết. Bích đến không để khóc than, chị đến để trái tim chị được sưởi ấm, đến để cảm nhận tình yêu chung thủy của ba người được thăng hoa. Bó hoa tươi trên mộ anh là ngôn ngữ tình yêu nói thay cho con tim chị. Anh yêu nhạc, chị thích hoa, cả hai cùng say mê vẻ đẹp chân thiện mỹ, Bích-Vân đang cùng hát lên bản Tình Ca Tạ Ơn bên Thiên Chúa – Hallelujah!
Năm năm với biết bao ân sủng tuôn đổ từ trời cao đủ để làm sống dậy tin yêu hy vọng trong Bích. Tình yêu Thiên Chúa mạnh hơn sự mất mát và thất bại đã làm tươi mới lại con người Bích, chị trở lại với con người hồn nhiên yêu đời như những ngày trước có anh đi bên cạnh. Nụ cười rạng rỡ lại trở về trên khuôn mặt nhân hậu duyên dáng của chị. Không những thế, chị được mời gọi để làm chứng cho những mảnh đời bất hạnh, những tâm tư giận hờn Thiên Chúa vì những khổ đau bịnh tật, hay những mất mát chia lìa đớn đau, những con chiên tự tách mình ra khỏi đàn vì mải mê oán than…. Chị đến để mang câu trả lời cho những câu hỏi không lối đáp, tại sao Thiên Chúa lại để sự này xảy đến với tôi, với gia đình tôi? Tại sao Ngài không nhận lời? Tại sao Ngài không ngăn cản sự dữ xảy ra? Tại sao Ngài không cất đi căn bịnh hiểm nghèo cho tôi, cho người thân của tôi? Tại sao và tại sao? Chị đến không để nói, để thuyết phục hay hùng biện, chị chỉ nhẹ nhàng kể về câu chuyện tình của đời chị… và Thiên Chúa sẽ làm việc với những tâm hồn tan nát đó.
Tác phẩm “Bích-Vân-Thiên” của nữ văn sĩ Quỳnh Dao được khép lại khi trang sách cuối cùng được lật qua. Trong đầu người đọc chỉ còn lưu lại thoang thoáng vài nét về một cốt chuyện hay, một tình yêu lai láng sầu muộn chỉ có trên tiểu thuyết. Còn “Bích-Vân-Thiên” trong đời thường, không chỉ là tên của ba người trong một cuộc tình ghép lại, mà còn là tựa đề của cuốn sách mang niềm hy vọng – cuốn sách chứng nhân đức tin – đang được tiếp tục lật từng trang mỗi ngày. Ba nhân vật chính “Bích-Vân-Thiên” vẫn luôn nắm tay cùng đồng hành với nhau. Đình Vân đã đi xong quãng đường của mình. Chặng đường của Thu Bích vẫn còn dài đăng đẳng trước mắt nhưng Bích không đi lẻ loi một mình. “Vân-Thiên” vẫn luôn cùng đồng hành với Bích và chờ ngày đoàn tụ để đóng lại cuốn sách chứng nhân đức tin “Bích-Vân-Thiên”.
Nguyện xin Thiên Chúa Tình Yêu chúc lành cho thiên tình sử tay ba “Bích-Vân-Thiên” được đẹp mãi đến trang sách cuối cùng. Mong rằng trong ngày sau hết cả ba sẽ được tái ngộ để cùng nhau kết hợp nên một mối tình tuy ba nhưng chỉ là một.
Lang Thang Chiều Tím
Kỷ niệm năm năm ngày giỗ anh Phêrô Lê Đình Vân, 03/03/2011 – 03/03/2016