Về vấn đề người ly dị tái hôn có được Rước Lễ hay không đã và đang gây ra sự bất đồng sâu sắc trong Giáo Hội. Tại Thượng Hội Đồng Giám Mục Về Gia Đình năm 2014 và 2015 hồng y Walter Kasper đã đề xuất rằng những người ly dị và tái hôn có thể Rước Lễ trong khi tiếp tục có quan hệ với một đối tác mới nếu họ đã trải qua một tiến trình thống hối” ( nguồn Vietcatholic. News – 09/9/2018 – Đức hồng y Scola…..).
Thật là ngụy biện khi nói rằng người ly dị tái hôn có thể được Rước Lễ khi đã trải qua …tiến trình thống hối. Thống hối tức là đã nhận ra tội lỗi mình đồng thời quyết chí ăn năn trở lại. Đang khi đó ly dị là đã phạm luật Chúa “ Điều gì Thiên Chúa đã kết hợp loài người không được phân ly” ( Mt 19, 6 ). Ly dị đã là tội sau đó lại …tái hôn thì tội càng nặng hơn bởi chưng đó là tội ngoại tình “ Còn Ta nói cùng các ngươi hễ ai ly dị vợ mình không phải vì cớ gian dâm mà lấy người khác thì phạm tội ngoại tình. Còn ai cưới người bị bỏ đó thì cũng phạm tội ngoại tình” ( Mt 19, 9 ).
Ly dị rồi tái hôn đó là tội và hễ đã mắc tội trọng thì không thể Rước lễ. Lý do khiến người ly dị tái hôn không được Rước lễ đó là vì việc này có lien hệ mật thiết đến Bí Tích Thánh Thể “ Trong cuộc phỏng vấn theo trích dẫn của L’ Espresso, đức hồng y Scola nói rằng: Cốt lõi của vấn đề là lien hệ mật thiết giữa hôn nhân và hiệp thông Thánh Thể. Theo đức hồng y là Bí Tích của Tình yêu phu phụ giữa Chúa Ki Tô và Giáo Hội. Ngài nhấn mạnh rằng Thánh Thể là nền tảng cho hôn nhân. Cho nên một người rời bỏ hôn nhân và bắt đầu một kết hợp mới cũng đương nhiên loại trừ chính mình khỏi Thánh Thể” ( Nguồn Vietcatholic. News đã dẫn ).
Tại sao ly dị để tái hôn với người khác thì cũng đương nhiên loại trừ chính mình khỏi Thánh Thể ? Đó là vì Thánh Thể đem lại sự sống đời đời “ Ai ăn Thịt Ta và uống Máu Ta thì có sự sống đời đời. Ta sẽ khiến kẻ ấy sống lại trong ngày sau hết. Vì Thịt Ta thật là của ăn. Máu Ta thật là của uống. Ai ăn Thịt Ta và uống Máu Ta thì trong Ta. Ta cũng ở trong kẻ ấy” ( Ga 6, 54 -56 ).
Mục đích hôn nhân Công giáo là để hai người nam nữ giúp nhau nên Thánh có nghĩa có được sự sống đời đời. Thế nhưng một khi đã ly dị rồi lại tái hôn với người khác thì vô hình chung chẳng phải người đó đã tự loại mình ra khỏi Thánh Thể hay sao ?
Nhất định cần nhìn nhận cứu cánh của hôn nhân Công giáo là để giúp nhau nên Thánh và để nên được Thánh dù ở bất cứ cương vị nào, sống đời tu sĩ hay đời hôn nhân gia đình cũng cần có sự từ bỏ. Không có sự từ bỏ thì không một ai có thể nên Thánh. Tinh thần từ bỏ ấy đã được Thánh Phao Lô triết lý thế này: “ Nhưng anh em ơi ! Tôi bảo điều này, thì giờ ngắn ngủi. Từ nay về sau, kẻ có vợ hãy nên như không có. Kẻ đương khóc nên như không khóc. Kẻ đương vui nên như chẳng vui. Kẻ đương mua nên như chẳng được gì. Kẻ dùng thế gian nên như kẻ chẳng quá dùng nó. Vì hình dạng của thế gian này đang qua đi” ( 1C 7, 29 -31 ).
Từ nay trở đi tức là từ khi bước vào con đường tìm kiếm chân lý, Thánh hóa bản thân thì với những ai đã có vợ hãy coi như không có. Tại sao vậy ? Bởi cứ lẽ sự thường thì người có vợ ắt hẳn phải lo cho vợ cho con mà xao lãng việc tâm linh. Tuy nhiên đối với những ai đã có vợ có con mà muốn tìm kiếm chân lý thì như Thánh Phao Lô nói kẻ có vợ hãy coi như không có vợ.
Coi như không có không có nghĩa là chối bỏ trách nhiệm với vợ với con rồi bỏ mặc họ muốn sống sao thì sống ? Sự thực không phải vậy, đối với những người tìm kiếm chân lý, họ vẫn có trách nhiệm với gia đình với xã hội nhưng không quá bận tâm lo lắng cho những thứ ấy. Người đời sở dĩ quá ư lo lắng cho việc đời kể cả vợ con, gia sản sự nghiệp là vì đã coi tất cả những thứ ấy là….thật có.
Bởi coi sự đời là …thật có thế nên người đời mới lao tâm khổ trí kiếm tìm cho bằng được. Nếu được thì lại lo mất còn không được thì sinh ra sân hận phiền não ghét ghen….Coi tất cả sự đời là …thật có để rồi cố bám níu vào nó đó là nguồn gốc của mọi nỗi khổ đau. Đức Ki Tô xuống thế có mục đích giúp cho con người nhận biết Sự Thật và khi đã nhận biết Sự Thật thì sẽ hết khổ “ Nếu các ngươi cứ ở trong đạo của Ta thì thật là môn đệ Ta. Các ngươi sẽ nhận biết sự thật và sự thật sẽ giải thoát các ngươi” ( Ga 8, 31 -32 ).
Chúng ta sẽ được giải thoát khi nhận biết Sự Thật và Sự Thật ở đây chính là mỗi người trong chúng ta đều được tạo dựng là Hình Ảnh Thiên Chúa là Con Thiên Chúa ( St 1, 26 ). Được tạo dựng là Con Thiên Chúa thế nhưng con người vì vô minh nên đã không nhận ra chân bản tính mình.
Tính chất vô minh theo Kinh Thánh đó chính là Tội Nguyên Tổ cũng là tội phân biệt thiện ác ( St 2, 16 -17 ). Tại sao phân biệt thiện ác lại là một thứ …tội ? Bởi vì chính do nơi cái sự phân biệt ấy mà đã hình thành nên một Cái Ta ( Ngã ) chủ tể, độc lập tự tánh.
Chấp có một “Cái Ta” đó là cái chấp có tính muôn thuở ( câu sinh ngã chấp ) không ai tránh khỏi. Trong lãnh vực thực hiện tâm linh, cần phá vỡ được cái chấp ấy thì chân lý mới có cơ hiện thực. Người đi trên đường đạo thì phải phá chấp có nghĩa là từ bỏ “ Ai muốn theo Ta thì hãy từ bỏ mình, hàng ngày vác thập tự giá mình mà theo Ta. Vì chưng hễ ai muốn cứu mạng sống mình thì phải mất còn hễ ai vì cớ Ta mà mất mạng sống mình thì sẽ cứu lại được. Vì được lời lãi cả và thế gian mà mất linh hồn mình thì nào được ích gì ? ( Lc 9, 23 -25 ).
Từ bỏ chỉ có thể là bỏ đi cái chấp “ Có Ta”. Bao lâu còn thấy “ Có Ta” thì việc từ bỏ chỉ mang tính hình thức. Đi Tu mà còn giữ lấy “ Cái Ta” thì việc TU ấy không thể kết quả. Với người Tu ( Thánh hiến ) đã vậy còn người sống bậc vợ chồng thì cũng không khác cũng phải bỏ đi “ Cái Ta” mới có thể yêu thương tha thứ nhịn nhục nhau suốt đời được.
Người đời ngày nay kể cả Công giáo, tình trạng ly dị ngày càng gia tăng mà nguyên nhân của nó chính là vì người ta không thể bỏ đi được sự cố chấp vì có “ Cái Ta” ấy. Để giải quyết tận căn thảm trạng ly dị ấy chỉ có một phương thế đó là cậy dựa vào Lòng Thương Xót của Thiên Chúa cùng với sự ăn năn thống hối tội lỗi từ tận đáy lòng mình “Đức hồng y Scola cũng chỉ ra rằng Amoris Leatitia không phải là trường hợp đầu tiên trong lịch sử cho thấy …sự chú ý và nhạy cảm của Giáo Hội đối với những người Công giáo đã ly dị và tái hôn. Hồng y Scola nhắc nhở rằng vào năm 2012 đức Benedicto XVI đã nhấn mạnh: Giáo Hội phải yêu thương những anh chị em này nhưng như thế cũng chưa đủ. Chính họ cũng phải nhìn thấy và cảm nhận được tình yêu này và ngài nói thêm: Đau khổ của họ nếu được chấp nhận từ nội tâm là một món quà cho Giáo Hội” ( Nguồn Vietcatholic News đã dẫn ).
Giáo Hội yêu thương con cái không có nghĩa là mặc nhiên để cho những người ly dị tái hôn Rước Lễ. Làm như thế không phải là yêu thương nhưng là giết chết họ về mặt tâm linh. Đứng trước tình cảnh này Giáo Hội cũng không thể có cách giải quyết nào khác ngoài ra chính các đương sự phải kết liễu cuộc sống hôn nhân bất hợp pháp này.
Mặc dầu rất khó đấy thế nhưng đó là việc …phải làm. Tại sao ? Bởi lẽ cuộc đời của mỗi người diễn ra quá ư ngắn ngủi nếu sánh với vô biên nhanh như bóng câu qua cửa sổ. Cuộc đời thì chóng qua nhưng ngập tràn đau khổ “ Nghĩ thân phù thế mà đau. Bọt trong bể khổ, bèo đầu bến mê ( Cung Oán Ngâm Khúc ).
Tất cả chỉ là phù vân thế nhưng chính trong tính chất phù vân bọt bèo ấy chúng ta biết lấy lòng yêu thương nhau thì đó lại là nguồn an vui bất tận vì có Chúa…ở cùng “ Chẳng có ai thấy Thiên Chúa bao giờ nhưng nếu chúng ta có lòng yêu thương nhau thì Thiên Chúa cứ ở trong chúng ta và Tình Thương yêu Ngài được trọn vẹn trong chúng ta” ( 1Ga 4, 12 )./.
Phùng Văn Hóa